KINH VÔ LƯỢNG THỌ
GIẢNG YẾU
Hán Văn:Khương Tăng Khải
Dịch và ghi chú:Hồng Nhơn
---o0o---
(tiếp theo)
C. PHẦN LƯU THÔNG
*Chỉ lưu lại một Kinh này
KINH VĂN:
Phật bảo: này Di Lặc! Có người nào được nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ, vui mừng mạnh mẽ, cho đến chỉ niệm một niệm danh hiệu Phật, nên biết người ấy có lợi ích lớn, chắc được đầy đủ Vô thượng công đức. Này Di Lặc! Dù có người bị lửa dữ thiêu đốt, đầy rẫy tam thiên đại thiên thế giới, cũng cần phải qua cõi ấy để nghe kinh pháp, vui vẻ tin nhận, gìn giữ đọc tụng đúng theo lời dạy để tu hành. Vì sao? Vì có nhiều Bồ Tát muốn nghe kinh này mà không thể nghe được. Nếu có chúng sanh nào nghe được kinh này, người ấy đối với đạo Vô thượng sẽ không thối chuyển. Vìthế nên các ngươi phải chuyên lòng tin nhận, trì tụng vâng làm.
Ta nay vì tất cả chúng sanh mà nói kinh pháp này. Hôm nay các ông đã thấy Phật Vô Lượng Thọ và quốc độ của Ngài, tất cả chỗ ấy các ông có thể thực hành đều được toại nguyện, không nên sau khi ta diệt độ rồi lại sanh lòng nghi hoặc.
Trong đời tương lai, kinh và đạo đãdiệt hết, ta vì lòng từ bi thương xót, đặc biệt giữ kinh này lại trong đời được một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh này, tùy ý muốn người ấy sẽ được độ thoát.
Phật bảo: Này Di Lặc! Như Lai ở đời khó thấy, kinh và đạo của chư Phật khó được nghe, phương pháp thù thắng của Bồ Tát, các pháp ba la mật nghe được cũng khó, gặp bậc thiện tri thức, nghe pháp có thể thực hành được là điều khó, nếu nghe kinh này tin vui gìn giữ là vấn đề khó trong ngàn lần khó, không có gì khó hơn. Vì thế, chánh pháp của ta đây đúng như thế màlàm , đúng như thế mà nói, đúng như thế mà dạy, các ông nên tin thuận đúng pháp tu hành.
GIẢNG YẾU
Ðoạn này về sau là Phần Lưu Thông. Kinh này gồm đủ toàn thân của Phật Vô Lượng Thọ và cũng gồm đủ toàn thân của chư Phật. Tử Kinh này mà tinh vào là gồm đủ tất cả Trí Phật. Nên nói người nghe kinh này ở nơi đạo Vô thượng sẽ không thối chuyển, cho đến khi kinh tạng diệt hết chỉ có lưu lại kinh này, chúng sanh được gặp đều có thể độ thoát. Như thế mới biết là ba thừa, 12 phần giáo một mối thâu về không chừa một pháp. Vì lòng từ bi Ðức Phật gia bị nên kinh này khác hẳn vời các kinh. Kính khuyên các Bậc Hiền đời sau cùng nhau tin nhận.
*Nghe kinh được lợi ích
KINH VĂN:
Lúc đức Thế Tôn nói kinh pháp này, vô lượng chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, một muôn hai ngàn na do tha người được pháp nhãn thanh tịnh, hai mươi ức chư thiên nhơn được quả A Na Hàm, tám mươi muôn Tỳ Kheo dứt sạch phiền não, tâm thông ý giải, bốn mươi ức Bồ Tát được Bất Thối Chuyển, lấy công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm, ở trong đời sau sẽ thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ tam thiên đại thiên thế giới, sáu điện vang động, hào quang lớn chiếu khắp các quốc độ mười phương, trăm ngàn âm nhạc tự nhiên trổi lên, vô lượng hoa mầu lả tả rưới xuống.
Phật nói kinh rồi, Bồ Tát Di Lặc và Bồ Tát ở mười phương đến nghe kinh, Trưởng Lão A Nan cùng chư đại Thinh Văn, tất cả đại chúng đều vô cùng hoan hỉ.
Phật nói kinh Vô Lượng Thọ chung.
GIẢNG YẾU
Nghe kinh lợi ích công đức không thể nghĩ bàn đều nhờ bản nguyện chính yếu của Phật Vô Lượng Thọ và oai thần gia bị của đức Bổn Sư. Phàm chúng sanh nào gặp được kinh này được lợi ích lớn như người phát tâm Vô thượng Bồ đề, trong tương lai sẽ thành chánh giác. Tất cả đều tùy theo chúng ta, người ngoài không thể giúp được. Nếu theo kinh này tu học tức là hiện tại chúng ta đang dự vào pháp hội Linh Sơn, vô lượng pháp âm đều nghe hiểu rõ. Chỉ mong tin chắc, quyết được vãng sanh, dẫn dắt hữu tình đồng thành chánh giác.
Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Yếu Chung.
---o0o---
HỒI HƯỚNG CỰC LẠC KỆ
Bể giác tròn đầy khắp mười phương,
Quốc độ chư Phật từ trong hiện.
Như bóng theo hình cũng như điện,
Rốt ráo an trụ Thường Tịch Quang.
Quy mạng Tây phương Ðại Ðạo Sư,
Thân tâm con đây không chỗ được,
Bình đẳng trong sạch tuyệt nghĩ bàn,
Trong ánh hào quang nổi một hoa,
Trong mỗi một hoa một Hóa Phật.
Hiện ra trước mắt của chúng sanh,
Phật thân không lường chúng vô biên,
Giao nhau lưới báu từ tâm thấy.
Nguyện con lâm chung trí hiện bày,
Hoa sen thượng phẩm về Cực Lạc.
Trước nhà bảy báu đánh trống pháp,
Nghe xong được hết Ðà La Ni.
Trổi các thiên nhạc tán thiên hoa,
Cúng dường trăm ức hằng sa Phật.
Mau đủ Phổ Hiền Ðại Nguyện Vương,
Trở lại Ta bà độ chúng sanh,
Trong khảy móng tay thành Cực Lạc.
Con nay nhớ Phật, Phật nhớ con,
Con Phật một thể chẳng tới lui,
Tu Di dù nát biển dù cạn,
Ðại nguyện của con không lay chuyển.
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường