Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tha lực trong kinh tạng Pali và Hán Tạng

26/05/201419:02(Xem: 5515)
Tha lực trong kinh tạng Pali và Hán Tạng

A_Di_Da_Phat_5

T
ha lực trong kinh tạng Pali và Hán Tạng

Tâm Tịnh




Thế nào là tha lực?

Tha lực theo nghĩa hẹp là lực tác động từ bên ngoài. Trong Phật giáo, tha lực là Phật lực hoặc Thánh lực (Bồ Tát) được tác ý làm cho nhân tốt trổ quả hoặc tạo nhân quả tốt cho chúng sanh hữu tình vì lòng bi mẫn của Đấng Thiện Thệ. Qua phương pháp phân tích văn bản đối chiếu hai nguồn Kinh tạng: Pali Tạng (Tạng kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy) và Hán Tạng (Tạng kinh của Phật Giáo Đại Thừa). Bài tiểu luận này mổ xẻ hai chủ đề chính: tính tương đồng và logic giữa hai nguồn kinh tạng về tha lực.

  1. 1. Tính Tương Đồng: Nhân Quả đồng nhất qua sự tác ý hoặc ý muốn (nguyện lực) của Phật hoặc chư Phật.

Có khá nhiều tích truyện trong Tiểu Bộ Kinh Tập II – Thiên Cung Sự cho thấy kết quả thoát sinh lên Thiên giới của những chúng sanh hữu tình lẽ ra bị đọa vào ác đạo đều do sự tác ý (ý muốn) của Đức Phật hoặc Thánh Đệ Tử như Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Sá Lợi Phất. Sau đây là ba trong nhiều tích truyện bút giả trích dẫn từ Tiểu Bộ Kinh – Tập II (Tạng Pali) chứng minh Phật lực hoặc Thánh lực bất khả tư nghị của Đức Phật và Thánh đệ tử:

1.1 Lâu Đài Do Cúng Mè (Tiladakkhina-Vimàna)

Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Kỳ Viên, trong tinh xá ông Cấp Cô Độc. Thời ấy tại Ràjagaha (Vương Xá) có một nữ nhân đang mang thai, rửa sạch mè và phơi khô vì bà muốn uống một ít dầu mè.

Thọ mạng của bà sắp chấm dứt, và bà có số phận phải chết ngay hôm ấy với các hạnh nghiệp chồng chất đưa đến tái sanh vào địa ngục.

Bấy giờ, đức Thế Tôn, trong khi quán sát thế gian vào lúc rạng đông, với Thiên nhãn Ngài thấy bà và suy nghĩ: 'Nữ nhân này sắp chết hôm nay có thể tái sanh vào địa ngục. Vậy bây giờ Ta hãy làm cho bà ấy tái sanh thiên giới bằng cách nhận mè do bà ấy bố thí'.

Chỉ trong chốc lát, Ngài đi từ Sàvatthi (Sá Vệ) đến Ràjagaha, và trong khi Ngài đi khất thực ngang qua thành Ràjagaha, Ngài đến cửa nhà bà. Nữ nhân ấy thấy đức Thế Tôn, lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc, vội đứng lên chắp hai tay, và thấy không có gì khác xứng đáng để cúng dường, bà rửa tay chân và lùa mè lại thành một đống, bà bụm cả hai tay lại, bốc đầy mè và đặt nắm mè vào bình bát đức Thế Tôn. Do lòng từ mẫn đối với bà, đức Thế Tôn bảo: 'Mong con được an lạc', rồi tiếp tục lên đường.

Đêm ấy, lúc gần rạng đông, bà kia từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần.

Tôn giả Mahà-Moggallàna (Mục Kiền Liên), trong lúc du hành lên cõi trời (như được tả trên đây), gặp bà và hỏi:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.

2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?

3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương.

4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:

5. Trong đời sống trước giữa phàm trần,
Con được sinh làm một thế nhân,
Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.

6. Gặp Phật, con đầy đủ tín thành,
Cúng dường lễ vật chính tay mình,
Lòng không tham vọng, đem mè tặng
Đấng Giác Ngộ là bậc xứng danh.

7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.

8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
[1]

1.2 Lâu Đài Của Nàng Chiên-Đà-La (Candàlì-Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha, Ngài nhập định Đại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Candàla (Chiên-đà-la, hạng người vô loại khốn cùng không ai tiếp xúc) có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.

Với tâm Đại bi, MUỐN làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: 'Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới', Ngài liền cùng đại chúng Tỷ-kheo vào Ràjagaha khất thực.

Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Đức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.

Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna, biết tâm bậc Đạo Sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn:

1. Lễ chân đức Phật Go-ta-ma,
Vì xót thương cho số phận bà,
Giác giả tối cao, danh tiếng rộng,
Đứng ngay trước mặt, hỡi Chiên-đà.

2. Hãy hướng tâm đầy đủ thiện duyên
Về Ngài La-hán, bậc an nhiên,
Mau mau đảnh lễ, hai tay chắp,
Vì mạng sống kia chẳng được bền!

Khi bà lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Đạo Sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Đức Thế Tôn bảo:

- Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.

Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ-kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ.

Để giải thích tất cả sự kiện này, chư vị Trưởng lão kết tập Kinh điển ngâm hai vần kệ;

3. Được lời khuyên của bậc chân nhân
Là bậc mang thân xác cuối cùng,
Bà lão Chiên-đà liền đảnh lễ
Cồ-đàm Giác Giả, đại danh lừng.

4. Bò cái đá người khốn khổ trên,
Lúc bà đang đứng chắp tay lên
Khấu đầu đảnh lễ ngài Viên Giác,
Người chiếu hào quang giữa bóng đêm
.

Sau đó, bà được tái sanh giữa cõi trời Ba mươi ba. Bà có một đoàn tùy tùng hộ tống gồm cả một trăm ngàn tiên nữ.

Ngay đúng ngày hôm ấy, bà đã hóa thành một Thiên nữ trong Lâu đài của mình, hiện xuống cõi trần, tiến đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và cung kính đảnh lễ Tôn giả.

Để giải thích việc này Thiên nữ nói:

5. Bạch Tôn giả đại lực anh hùng,
Con đã đạt thiên giới lực thần,
Đến đảnh lễ người vô lậu hoặc,
An nhiên, thanh tịnh, ở trong rừng.

Bậc Trưởng lão hỏi:

6. Nàng Thiên nữ có sắc như vàng,
Danh tiếng cao vời, tỏa ánh quang,
Tô điểm ngọc châu, vừa hiện xuống
Từ lâu đài, đảnh lễ nghiêm trang,
Được đoàn tiên nữ theo hầu cận,
Hãy nói là ai đó hỡi nàng?

Được Trưởng lão hỏi, Thiên nữ đáp bốn vần kệ:

7. Tôn giả, con là kẻ khốn cùng,
Được ngài thúc giục, bậc anh hùng,
Con liền đảnh lễ Cồ-đàm Phật,
Bậc Ứng Cúng, danh vọng lẫy lừng.

8. Khi con đảnh lễ chân Ngài xong,
Là kẻ khốn cùng, con mạng vong,
Hiện ở Lâu đài muôn diễm lệ,
Lâm viên Hỷ Lạc cõi thiên cung.

9. Trăm ngàn tiên nữ đứng hầu con,
Xuất chúng, con hơn hẳn cả đoàn,
Vượt trội các nàng về mỹ sắc,
Vinh quang danh vọng, mạng trường tồn.

10. Nhiệt tâm, con tỉnh giác tinh cần,
Khi đã làm nhiều thiện sự xong,
Tôn giả, con về đây đảnh lễ
Bậc hiền lân mẫn cõi phàm trần.

Lần nữa, một vần kệ lại được chư vị kết tập Kinh điển thêm vào:

11. Khi việc này vừa được nói xong,
Nàng Chiên-đà ấy dáng tri ân
Xác minh việc trước, và quỳ lạy
Bậc Ứng Cúng rồi biến mất luôn.

Tôn giả Mahà-Moggallàna trình lại sự kiện ấy lên đức Thế Tôn. Ngài liền lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng được hưởng nhiều lợi lạc. [2]

1.3 Chuyện Thí Dụ Phước Điền (Khettùpamà)

Đức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).

Thời ấy, ở Vương Xá có một người chủ ngân khố giàu sang vô cùng và chỉ được biết qua danh hiệu Đại phú ông (Mahàdhanasetthi). Ông có một con trai độc nhất rất khả ái và xinh đẹp. Khi cậu đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu suy nghĩ như vầy: 'Nếu con ta chi tiêu một ngàn đồng mỗi ngày, thì dù cả trăm năm nữa số lượng tài sản này cũng sẽ không hết'.

Họ chẳng dạy cậu một nghề gì cả, vì suy nghĩ: 'Việc học nghề sẽ tốn nhiều công sức mệt nhọc, cứ để nó an nhàn thân tâm hưởng thọ giàu sang thỏa thích'.

Thay vì dạy nghề, khi cậu đến tuổi mười sáu, họ cưới cho cậu một cô dâu kiều diễm, nhưng hoàn toàn thiếu đạo hạnh. Cùng với cô vợ, cậu đổ hết thời giờ vào việc hưởng thụ, thích thú tầm cầu dục lạc.

Khi cha mẹ mất, cậu phung phí tiền của vào đám vũ nữ, ca nhân và các đám vui chơi khác; sau khi tiêu hết tài sản, cậu trở nên nghèo khó, phải cố xoay xở để sống bằng cách vay nợ. Nhưng khi cậu không còn có thể vay được nữa và bị các chủ nợ thúc bách, cậu đưa hết ruộng vườn, trang trại, nhà cửa cùng các gia sản khác rồi trở thành kẻ hành khất, sống trong nhà tế bần của thành phố ấy.

Bấy giờ, một hôm, bọn cướp gặp cậu và bảo:

- Này chú, xem đây, chú làm sao ra khỏi cuộc sống khốn khổ này, chú còn trẻ và có năng lực. Hãy đi theo bọn ta và sống đầy đủ thoải mái bằng cách trộm cắp. Bọn ta sẽ tập luyện cho chú.

Cậu đồng ý và đi theo chúng. Bọn trộm cướp cho cậu một cây gậy lớn; và trong khi chúng đột nhập vào một cái nhà mà bọn chúng đã đục thủng một lỗ lớn, chúng đặt cậu ở chỗ ra vào và nói:

- Nếu có ai đến, hãy đánh chết nó đi.

Cậu vốn tâm trí đần độn, không phân biệt bạn thù, liền đứng đó và chỉ chờ đợi người khác đi đến.

Bấy giờ, người trong nhà trở dậy, chạy đi thật nhanh, nhìn đây đó, chợt thấy cậu đứng ở lỗ thủng ấy. Họ vừa nói:

- Chúng đây rồi, quân khốn kiếp, lũ trộm cướp, họ vừa chụp lấy cậu đưa đến nhà vua, trình:

- Tâu Đại vương, tên trộm này bị bắt lúc đang phá nhà.

Vua ra lệnh cho đám quân giữ thành:

- Chặt đầu nó đi.

Bọn này giam cậu vào ngục và đưa đến nơi hành hình, chúng đánh cậu bằng roi trong lúc cậu đi theo tiếng trống xử tội. Cùng lúc quần chúng la lớn:

- Tên cướp phá hoại này đã bị bắt ở thành này.

Bấy giờ ở trong thành ấy, có nàng hoa khôi tên là Sulasà đang đứng bên cửa sổ. Nàng thấy cậu bị dẫn đi ngang, và vì nàng đã quen biết cậu từ thời trước nên nàng có cảm tình với cậu vốn là người từng đạt đại phú quí trong thành này, nàng liền cho gửi mứt bánh và nước uống, lại nhờ người nhắn với bọn giữ thành:

- Cầu mong các tôn ông đợi cho đến lúc người này ăn xong mứt bánh và uống nước.

Cùng lúc ấy trong thành này, Tôn giả Mahà-Moggallàna (Mục Kiền Liên) đang quán sát bằng thiên nhãn và thấy tình cảnh nguy khốn của kẻ này, Tôn giả động lòng bi mẫn và suy nghĩ: 'Vì kẻ này chưa hề làm công đức gì, mà chỉ tạo ác nghiệp, y sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Nay nếu ta đi ra và y cho ta mứt bánh và nước uống, y sẽ được tái sanh vào hội chúng các địa thần. Ta phải giúp đỡ kẻ này'.

Vì vậy Tôn giả liền xuất hiện trước tội nhân ngay khi mứt bánh và nước được mang đến. Khi cậu thấy vị Trưởng lão, tâm cậu được an lạc và cậu suy nghĩ: 'Ta có lợi ích gì nhờ ăn mứt bánh này nếu ta phải chết? Giờ đây, chúng sẽ làm hành trang cho ta lên đường đi đến thế giới bên kia'.

Thế là cậu nhờ đưa bánh mứt và nước uống đi cúng vị Trưởng lão. Khi Tôn giả Moggallàna thấy nỗi thống khổ của cậu đã trở thành hoan hỷ, Tôn giả ngồi xuống và ăn uống xong rồi đứng dậy đi lên đường.

Còn người ấy bị các đao phủ đưa đến nơi xử tội và chém đầu. Nhờ hành động tín thành đối với Trưởng lão Moggallàna, phước điền vô thượng ở đời, kẻ ấy xứng đáng được tái sanh vào thiên giới cao cả. Nhưng vì niềm luyến ái phát ra đối với Sulasà khi cậu suy nghĩ: 'Ta tạo được lễ cúng dường này là nhờ nàng', nên ngay lúc lâm chung, tâm cậu trở thành bất tịnh và cậu tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, làm vị thần ở trong cây chuối lớn có tàn lá rậm rạp trong rừng hoang.

Bấy giờ tình cờ vị thần thấy Sulasà trong vườn của nàng liền mang nàng đến nơi cư trú của vị ấy. Mẹ nàng than khóc, bảo vị ấy sau một tuần phải đem nàng trở lại. Bà mẹ kể chuyện cho mọi người nghe, khi họ hỏi bà sự việc đã xảy ra, và họ tràn đầy kinh ngạc bảo nhau:

- Các bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng ở đời, ngay một hành động từ bi nhỏ bé đối với chư vị cũng làm cho con người tái sanh vào cõi chư Thiên.

Chư Tăng thuật chuyện này lên đức Thế Tôn, Ngài bèn ngâm các vần kệ này để giải thích sự việc:

1. Bậc Thánh ví như các ruộng đồng,
Người cho là chính các nhà nông,
Hạt gieo là vật đem dâng cúng,
Kết quả từ đây được hưởng phần.

2. Hạt giống đây và đám ruộng đồng
Dành cho ngạ quỷ lẫn người trồng,
Nơi nầy ngạ quỷ thường an hưởng,
Thí chủ tín thành phước đức tăng.

3. Vì hành thiện nghiệp ở trên đời,
Cúng lễ các ma quỷ đói mồi,
Sẽ đến cõi thiên làm trú xứ,
Nhờ người đã tạo nghiệp an vui
.

Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người được đắc Pháp nhãn. [3]

Ba câu chuyện trên có những đặc điểm chung là cả ba chúng sanh hữu tình đều có những ác nghiệp, sắp chết và bị đọa vào địa ngục và cả ba đều được sinh lên thiên giới nhờ Tha Lực: Phật Lực hoặc Thánh Lực. Cả ba trường hợp nhân quả đồng thời: cúng mè, đảnh lễ Thế Tôn là nhân. Kết quả sanh thiên là nhờ Phật Lực hay Phước điền của Phật và Thánh đệ tử. Tương tự trong Hán Tạng: Nguyện Lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh Niệm Phật: Niệm Phật là Nhân, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc là quả. Quả Vãng sanh là do Phật Lực của Phật A Di Đà đã thành tựu 48 đại nguyện độ khắp chúng sanh quyết định. Ba trường hợp sinh thiên này tương đồng với những lời kinh trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh: khi một người sắp chết do nghiệp lực bi đọa ác đạo nhưng sẽ được đới nghiệp vãng sanh nếu kẻ ấy may mắn được thiện trí thức khuyên bảo niệm thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật tương tục mười niệm thì nhờ nguyện lực của Phật Di Đà kẻ ấy được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc.

  1. 2. Tính Logic của Tha lực

2.1 Tác ý lên nhân tốt đã có sẵn (do chúng sanh hữu tình đã gieo trồng) làm trổ quả lành:

Đức Phật có thể tác ý khiến cho nhân tốt (mà chúng ta đã trồng) trổ quả cho dẫu bao vây chúng ta là những nghiệp xấu ác (nhân xấu chúng ta đã gieo). Như câu chuyện trong bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển một, trang 126 sau đây:

Bấy giờ trước đại chúng đông đảo Tỳ Kheo (Tăng) tại thàmh La Duyệt vườn Ca Lan Đà, đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

"Các Thầy có thấy pháp (suy nghĩ, nói năng, việc làm) của Đề Bà Đạt Đa (Em con người Chú của đức Phật) là thanh tịnh chăng?, ngược lại Đề Bà Đạt Đa tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp không thể chữa trị. Ta chẳng thấy Đề Bà Đạt Đa có một tí điều lành có thể kể ra được. Ví như có người rơi xuống cầu tiêu sâu, thân hình chìm lỉm, không còn một chỗ nào sạch, người khác muốn vớt cứu lên, đứng ngó xem thấy người đó chẳng còn có một chỗ nào sạch để có thể nắm kéo lên, liền bỏ đi, này các Tỳ Kheo, tại sao như thế? Vì Đề Bà Đạt Đa một mực ngu si, tham đắm lợi dưỡng (Đồ ăn, vật dụng v.v… của Thái tử A Xà Thế), tạo tội ngũ nghịch (tội ngũ nghịch gồm: giết cha mẹ, muốn hại Phật, phá rối Tăng đoàn, giết Tăng Ni, có tà kiến như không tin nhân qủa …). Khi chết sẽ đọa Địa ngục chịu tội nhiều kiếp (mỗi kiếp khoảng hơn 16 triệu năm), này các Tỳ Kheo, đã sinh tâm ưa lợi dưỡng hãy lìa bỏ, nếu chưa sinh tâm dính mắc lợi dưỡng đừng cho sinh khởi”.

Đức Phật nói tiếp:

"Giả thử Ta thấy Đề Bà Đạt Đa có một chút pháp lành, Ta đã không thọ ký phải chịu tội nhiều kiếp, thế nên, này Tỳ Kheo si mê, sở dĩ như thế vì Đề Bà Đạt Đa ngu si tham đắm lợi dưỡng lại còn tạo điều nghịch ác, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này”. [4]

Như vậy nếu như Đề Bà Đạt Đa có nghiệp lành nào, phải chăng Đề Bà Đạt Đa sẽ được cứu qua sự tác ý của Thế Tôn khiến cho nhân tốt nầy trổ quả? Thí dụ một người rơi xuống hầm phân không có chỗ nào sạch để người khác nắm vào đó mà kéo lên là một thí dụ rất ấn tượng. Có thể giải thí dụ này như sau: người khác có thể ví như Thế Tôn và chỗ sạch là nghiệp lành mà Đề Bà Đạt Đa đã tạo.

Thật logic trong Hán Tạng có một tích truyện cổ kể về tên cướp Kiện Đạt Đa đang chịu cực hình ở địa ngục do vô số ác nghiệp hắn đã gây ra: cướp của, giết người, đốt nhà vv. Với lòng bi mẫn, Đức Phật muốn cứu hắn bằng cách quan sát thiện nghiệp hắn đã làm và đã tác ý cho thiện nghiệp này trổ quả như trong câu truyện sau:

Kiện Đạt Đa ích kỷ.
“Có một hôm Đức Phật đi dạo bên bờ hồ sen. Lúc ấy buổi sáng sớm, gió nhè nhẹ thổi, hương sen phảng phất. Từ dung của Đức Phật như trăng rằm, ngài chăm chú nhìn giữa hồ sen, thấy hoa sen hàm tiếu nở đầy hồ, nước xanh trong vắt, lấp lánh ánh sáng.

Bỗng nhiên, bằng huệ nhãn Ngài nhìn thấu qua đáy hồ và thấy cảnh địa ngục.

Trong địa ngục bốn phía đen ngòm có một hồ máu đỏ tanh tưởi, trong đó ngàn vạn tội nhân đang chìm nổi, khóc than thảm thiết, có kẻ thì sức lực cạn kiệt mệt mỏi, có kể thì giẫy dụa vùng vẫy. Giữa đám tội nhân ấy, Đức Phật nhìn ra một người mạnh khoẻ nhất, tên là Kiện Đạt Đa, cũng đang hết sức vùng vẫy giẫy dụa.

Kiếp trước, Kiện Đạt Đa là một tên tướng cướp chuyên môn đốt nhà và giết người, không có tội ác nào mà hắn không nhúng tay vào, vì tội ác dẫy đầy chồng chất mà phải đọa xuống địa ngục.

Nhưng có một lần, sau một vụ cướp của đốt nhà, trên đường về hắn thấy một con nhền nhện đang từ từ bò ngang qua đường. Khi hắn vừa đưa chân lên tính đạp xuống kết liễu mạng sống của con nhện, bỗng nhiên hắn khởi lên một niệm lành trong tâm "Con nhện nhỏ bé này cũng có sinh mệnh, cho nó chết giữa đường kể cũng tội nghiệp, thôi hôm nay ta tha cho nó, làm phước một phen!" Con nhện dưới chân hắn vội ba chân bốn cẳng chạy bán mạng tìm đường sống.

Khi Đức Phật quan sát tới việc thiện của hắn, Ngài tìm cách cứu Kiện Đạt Đa ra khỏi địa ngục. Vừa khéo, một con nhện của thế giới Cực Lạc đang giăng một sợi tơ bạc tuyệt đẹp giữa những cành hoa. Đức Phật bèn nắm lấy sợi tơ bạc ấy, và thả từ hồ sen xuống tận địa ngục.

Địa ngục đen ngòm không chút ánh sáng, dễ sợ như một ngôi nhà mồ, chỉ thấy có một vài bộ mặt hung ác gớm ghiếc và vô số tội nhân như những hạt cát chìm nổi trong hồ máu, bò trườn vặn vẹo như những con trùng.

Kiện Đạt Đa vốn khoẻ mạnh, vô tình ngẩn đầu lên, thấy giữa không gian đen ngòm có một lằn ánh sáng chiếu xuống đỉnh đầu hắn. Như gặp được cứu tinh hắn mừng rỡ nghĩ rằng:

- Ê, đây không phải là một sợi tơ nhện từ cõi trời xa thăm thẳm kia đang từ từ hạ xuống hay sao? Giả sử như ta bám được sợi tơ nhện này rồi cứ thế mà leo lên, làm gì mà không thoát được địa ngục và trèo lên tới thế giới Cực Lạc?

Nghĩ thế xong, hắn bèn hai tay nắm lấy sợi tơ nhện, rồi vận dụng hết sức lực cố gắng trèo lên. Cái nghề trèo cây đu cành vốn là nghề của một tên tướng cướp như hắn, nên hắn trèo một cách dễ dàng như ăn cơm bữa!

Nhưng khoảng cách giữa địa ngục và Cực Lạc thế giới sao mà xa xôi diệu vợi, dẫu ráng tới đâu cũng không thể trong một lúc mà leo tới được. Sau một khoảng thời gian dài, Kiện Đạt Đa từ từ thấm mệt, hắn đành phải lơ lửng giữa hư không mà nghỉ ngơi.

Lơ lửng giữa hư không như thế, Kiện Đạt Đa thuận mắt nhìn xuống phía dưới. Hồ máu trong địa ngục bây giờ đã chìm ẩn trong một màu đen sâu thẳm, mù mờ không thấy rõ nữa. Kiện Đạt Đa lòng như nở hoa, mừng rỡ cất tiếng cười hô hố.

Đột nhiên hắn thấy phần dưới của sợi tơ nhện có vô số tội nhân hiện đang lũ lượt như đàn kiến theo gương hắn cố gắng trèo lên. Hắn kinh hoàng phẫn nộ tự bảo "Mỗi một mình ta trèo mà còn sợ sợi tơ nhện mong manh kia đứt mất, huống chi với sức nặng của từng đó người! Nếu chẳng may sợi tơ nhện đứt thì tất cả những cố gắng và hy vọng của ta sẽ tan thành bọt nước, để rồi lại phải rơi xuống địa ngục chịu khổ nữa!" Lũ tội nhân vẫn hàng hàng lớp lớp không ngừng trèo lên, càng lúc càng đông. Kiện Đạt Đa cuống quýt vừa sợ vừa giận, nổi sân hận la hét om sòm:

- Ê! Ê! Cái lũ tội nhân kia! Sợi tơ nhện này là của ta khám phá, nó thuộc quyền sở hữu của ta! Ai cho phép bọn bây trèo lên? Đi xuống! Đi xuống!

Vừa dứt lời, sợi tơ nhện bỗng đứt ngay ở phía trên chỗ Kiện Đạt Đa đang nắm.

Tên Kiện Đạt Đa ích kỷ kia giữa hư không xoay tít mấy vòng, rồi rơi tõm xuống địa ngục trở lại. Phần tơ nhện còn lại vẫn óng ánh, lấp lánh trong địa ngục tối tăm lặng im như cõi chết, nhưng quá xa tầm tay với của tội nhân, như một con diều lơ lửng cao vút trong không trung.

Khuôn mặt từ bi của Đức Phật liền phủ lên một thoáng buồn. Ngài khẽ lắc đầu thở dài một tiếng.

Hoa sen nở đầy hồ vẫn tỏa hương ngào ngạt, lá sen mềm mại vẫn xanh mơn mởn, mà lòng xót thương từ bi của Đức Phật thì cứ vẫn dạt dào.” [5]

Phải chăng sự tác ý của Đức Phật vào nghiệp lành của chúng sanh hữu tình bị ác nghiệp trùng trùng bao vây làm xuất sinh quả lành được minh chứng qua lời nguyện của Tỳ Kheo Pháp Tạng (tiền thân của Phật A Di Đà) trước Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai như trong đoạn kinh của Vô Lượng Thọ Kinh?

“Nguyện khi an trú trong Tam Muội

Thường phóng hào quang chiếu chúng sanh

Cảm ứng sâu xa chỗ thanh tịnh

Trang nghiêm thù thắng chẳng đâu bằng”

(Phẩm IV-Trang 6) [6]

“Luân hồi sáu nẻo khắp quần sanh

Chóng sanh cõi con thọ an lạc

(Phẩm IV-Trang 13)

Phải chăng ‘Cảm ứng sâu xa chỗ thanh tịnh’ có ý rằng bất chấp nghiệp chướng sâu dày, quang minh cũng ‘tìm đến’ những nghiệp lành (thanh tịnh) của chúng sanh? Chính vì thế Phật A Di Đà có danh hiệu là Vô Ngại Quang Như Lai, Giải Thoát Quang Như Lai…

2.2 Không có hành lành nào nhưng tác ý tạo nhân quả đồng thời

Câu chuyện thứ ba ở phần 1 về người tử tội chứng minh điều nầy: Tôn giả Mahà-Moggallàna (Mục Kiền Liên) đang quán sát bằng thiên nhãn và thấy tình cảnh nguy khốn của kẻ này, Tôn giả động lòng bi mẫn và suy nghĩ: 'Vì kẻ này chưa hề làm công đức gì, mà chỉ tạo ác nghiệp, y sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Nay nếu ta đi ra và y cho ta mứt bánh và nước uống, y sẽ được tái sanh vào hội chúng các địa thần. Ta phải giúp đỡ kẻ này' [7]

Kết luận: Rõ ràng qua những dẫn chứng từ hai nguồn kinh tạng, Phật lực và Thánh lực biểu hiện của tha lực (phước điền hoặc nguyện lực đã thành tựu) đúng là bất khả tư nghị, giúp chúng sanh sắp bị đọa vào ác đạo sanh về cõi lành (Thiên giới hoặc Tịnh độ). Sự tác ý của Thế Tôn vào nhân lành của chúng sanh hữu tình bị vây hãm vô vàn nghiệp ác để tạo quả theo ý muốn vì lòng bi mẫn được ví như người nông dân phát hiện một hạt giống ngô tốt giữa đám cỏ dại và làm nó trổ quả vậy. Hạt giống ngô không thể nào trổ quả trong đám cỏ dại thế nhưng nó sẽ được trổ qua nhờ ‘Tha lực’ của người nông dân: loại bỏ đám cỏ, chăm sóc hạt giống ngô nẩy mầm cho đến khi ra hoa và trổ quả. Tuy nhiên, bài tiểu luận nầy nhằm mục đích tôn kính ân đức của Phật Đà luôn bi mẫn chúng sanh không phân biệt và luôn tìm cách bạt độ những chúng sanh tội khổ. Đừng đợi Đấng Từ Tôn đến cứu chúng ta mà tốt nhất chúng ta nên siêng năng tạo nghiệp lành và tích lũy từng ngày. Siêng năng làm công tác thiện nguyện, niệm phật, ngồi thiền, tụng kinh, trì chú khiến đời sống chúng ta hiện tại được an lạc, tự tại an nhiên giữa đời thường và đến khi bỏ báo thân được sanh về Tây Phương Cực Lạc, hoặc ít nhất được vào quả dự lưu (nếu tu thiền) để tiếp tục tinh tấn tiến tu các kiếp tiếp theo cho đến khi đạt được giải thoát hoàn toàn. Là Phật tử chúng ta luôn cố gắng làm sao để ‘sống hạnh phúc chết bình an’.

Nguyện Đem công đức này

Hướng về chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh cõi Cực Lạc


 

  1. 3. Nguồn Tham Khảo

[1] Tiểu bộ Kinh – Tập II Khuddaka Nikàya – Thiên Cung Sự, Phẩm I: Lâu Đài Nữ Giới, Chuyện thứ mười: Lâu Đài Do Cúng Mè (Taladakkhina-Vimàna), Giáo Sư Trần Phương Lan dịch

[2] Tiểu bộ Kinh – Tập II Khuddaka Nikàya – Thiên Cung Sự, Phẩm II Cittalatà, 4.(21). Chuyện thứ tư: Lâu Đài Của Nàng Chiên-Đà-La (Candàlì-Vimàna, Giáo Sư Trần Phương Lan dịch.

[3] và [7] Tiểu bộ Kinh – Tập II Khuddaka Nikàya – Ngạ Quỷ Sự, Phẩm I: Con Rắn, Chuyện thứ nhất: Thí Dụ Phước Điền, Giáo Sư Trần Phương Lan dịch

[4] Lòng Tin –Toàn Không [Online] available http://phapbao.org/long-tin-2/

[5] Truyện Cổ Phật Giáo, PHẦN I: Những chuyện đương thời Đức Phật, Chuyện thứ sáu:. Kiện Đạt Đa ích kỷ, Diệu Hạnh Giao Trinh sưu tầm và kể chuyện, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu [Online] available http://hoavouu.com/a11791/6-kien-dat-da-ich-ky

[6] Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Việt dịch: Tâm Tịnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2017(Xem: 6791)
Cụm từ "Di Đà Tự tánh" hay "Duy tâm Tịnh độ" thường được dùng để chỉ đỉnh cao của pháp môn Tịnh độ, nhưng rất dễ gây hiều lầm. Về phương diện Lí tánh thì Phật A-di đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ là Tự tánh thường chiếu và vĩnh hằng của chúng ta. Khi ta niệm danh hiệu A-di-đà là trở về với Tự tánh, bản tâm. Chúng ta hãy xem đoạn văn sau đây của những người dùng lí thuyết "cao siêu" để bài bác pháp môn Tịnh độ: "Niệm danh hiệu Phật để cầu sanh Tịnh độ là còn chấp Tướng, tìm pháp ngoài Tâm - không hiểu rằng tất cả các pháp đều là tâm".
16/04/2017(Xem: 6402)
Phương pháp Thập Niệm do một vị Đại sư nổi tiếng giảng dạy dựa trên sự vãng sanh Hạ phẩm được diễn tả trong Quán Kinh. Phương pháp nầy đặc biệt dành cho những người quá bận bịu với cuộc sống nên hằng ngày không thể niệm Phật (nhiều lần) để cầu vãng sanh như người tu Tịnh độ bình thường. Do đó, cách nầy dạy niệm danh hiệu Phật A-di-đà khoảng mười lần mỗi khi hít vào và thở ra. Chủ đích của phương pháp nầy là dùng hơi thở để tập trung tâm ý. Tùy theo hơi thở dài hay ngắn mà hành giả có thể niệm được nhiều hơn hay ít hơn 10 danh hiệu. Sau mười lần hít vô--thở ra (tức là niệm được tổng cộng khoảng từ 50 đến 100 câu Phật hiệu), hành giả có thể bắt đầu tụng bài thơ hồi hướng công đức sau đây:
02/04/2017(Xem: 8142)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo…
27/03/2017(Xem: 3970)
Tịnh độ tông là tên gọi chung của tất cả những giáo lí dạy rằng chúng sanh có thể thành Phật nếu được vãng sanh về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Ở Ấn độ. giáo lí nầy được các ngài Mã Minh, Long Thọ và Thế Thân giảng dạy trên cơ sở nhiều kinh điển khác nhau, như hai bộ kinh A-di-đà. Lịch sử của Tịnh độ tông bắt đầu từ Ấn độ thời cổ đại, nhưng thời đó truyền thống đức tin chưa được nhấn mạnh. Mặc dầu Ấn-độ lúc đó đã có một môn phái thờ đức A-di-đà, sự kính ngưỡng Ngài chỉ là một trong các cách thực hành của Phật giáo Đại thừa lúc ban sơ.
07/09/2016(Xem: 5355)
Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Seuil, Paris, thì Jean Eracle nguyên là Quản Đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Á Châu, đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Do một nhân duyên vô cùng kỳ lạ, ông được sang Nhật-bản lưu trú suốt mấy mươi năm để học hỏi cùng thực hành Niệm Phật theo giáo pháp của “Đạo Phật Chân Chánh trong Pháp môn Tịnh-độ” tức Tịnh-độ Chân-tông do Ngài Thân Loan Thánh Nhân khai sáng cách đây gần 8 thế kỷ.
28/04/2016(Xem: 16160)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
15/02/2016(Xem: 11289)
Trong bổn hội các liên hữu đồng tu, đều tuân theo tu học Tịnh Độ Ngũ Kinh và Tịnh Độ Thập Yếu, đặc biệt là Kinh Vô Lương Thọ, bản hội tập của Hạ Liên Cư Đại Sĩ, Di Đà Yếu Giải, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nhất định phải y cứ ba bộ kinh này tu học, dốc hết toàn lực, nghiên cứu học tập kinh luận Đại Thừa mới có thể tương ứng với Tịnh Tông. Bổn hội đặc biệt chú trọng hành giải tương ứng, tâm khẩu nhất như, cho nên hành môn là mọi người phải phát nguyện, cho đến mức cùng đời vị lai. Tuân theo Quán Kinh tu Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương.
23/12/2015(Xem: 9607)
Hễ phát tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, chẳng được vãng sanh. Tại sao ? Vì tiểu nguyện chỉ phát nguyện cho một mình được vãng sanh, nếu không trở lại đầu thai thì làm sao có quả báo ? Bây giờ chẳng nói về kiếp trước, chỉ nói kiếp này : Từ nhỏ tới lớn có sát sanh không? Có giết chết con muỗi con kiến không ? Có ăn thịt chúng sanh không ? Theo nhân quả là một mạng phải đền một mạng, ăn một cục thịt trả một cục thịt, thế thì làm sao trả nợ mạng, nợ thịt? Nên phải phát đại nguyện.
24/07/2015(Xem: 13857)
Tập sách này không phải là một tiểu luận về tâm lý học nên không thể bao quát hết mọi vấn đề nhân sinh, mục đích của nó nói lên sự tương quan của Ý, Tình, Thân và tiến trình phiền não...
10/07/2015(Xem: 5756)
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đa số đều thuyết minh tổng quát về pháp môn niệm Phật. Trên thực tế hình thành pháp môn Tịnh Độ phổ biến từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như Kinh Bát Chu Tam Muội (Ban Châu Tam Muội), Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng mười tám thế kỷ qua (Tính từ khi Kinh Ban Châu Tam Muội được dịch tại Trung quốc năm 179 s.dl.), và pháp môn Tịnh Độ được hình thành và phát triển thời tổ sư Huệ Viễn (334-416 TL) cho đến ngày nay. Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn niệm Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan Pháp môn niệm Phật, trên căn bản thì thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời đại Tổ Liên Trì về sau
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567