Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Phật Giáo Ðại Thừa: Phật Giáo Ở Viễn Ðông

14/05/201107:52(Xem: 7079)
15. Phật Giáo Ðại Thừa: Phật Giáo Ở Viễn Ðông

Tấm lòng rộng mở
THUẦN HÓA TÂM HỒN
Nguyên tác: Taming the Monkey Mind
Tác giả: Thupten Chodron - Dịch giả: Thích Minh Thành

Phần Ba
TRUYỀN THỪA LỜI PHẬT DẠY

XV. PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA:
PHẬT GIÁO Ở VIỄN ĐÔNG

Một cách nhìn về Tịnh Độ Tông và Thiền Tông

Phật giáo truyền từ Trung Á đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất sau TL. Sau đó, Phật giáo lại du nhập vào Trung Quốc trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường biển và đường bộ. Trong ba thế kỷ đầu TL ở Trung Quốc đã có được hệ thống truyền thừa giới luật chính thức dành cho Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni. Những thế kỷ sau đó là những thế kỷ "nhập Trúc cầu pháp", những nhà chiêm bái du hành sang Ấn Độ để học hỏi và thỉnh kinh sách từ Ấn Độ mang về Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những nền triết học bản địa đặc biệt là Khổng giáo trước thời Phật giáo du nhập. Do vậy nên khi du nhập vào Trung Quốc Phật giáo đã biết uyển chuyển để tạo nên những nét mới phù hợp với nền văn hóa hiện hành. Khổng giáo đặt nặng phép tắc và lễ nghi, kính trọng những bậc trưởng bối và thầy giáo, đề cao lòng hiếu thảo và những hành xử đạo đức chuẩn mực. Khi đến Trung Quốc những nhà sư Phật giáo cũng đề cao những bài kinh nói về hạnh hiền hiếu đối với cha mẹ (vì đây là những giá trị được mọi người ca tụng rất là quan trọng trong văn hóa Trung Quốc), xem trọng tế lễ và các nghi thức được thực hành nghiêm cẩn trong những tu viện Phật giáo.

Trong nhiều thế kỷ trước đó người Trung Quốc đã thực hành khí côngtức là phương pháp tu luyện thần lực của cơ thể, đặc biệt là những phép tu luyện của Lão giáo gồm những kỹ thuật để phát huy những tiềm lực tinh tế của con người đặc biệt là phép luyện hơi thở. Đức Phật cũng đã dạy phương pháp niệm tức và thiền quán để điều phục những năng lực nhạy bén của một sinh linh. Khi thiền sư người Ấn Độ Bồ đề Đạt-ma sang Trung Quốc, một mặt Ngài hoàn thiện những pháp tu luyện đã có sẵn ở Trung Quốc, mặt khác Ngài triển khai một loạt những pháp luyện tập để cải thiện sức khỏe của tăng chúng. Từ đó, võ nghệ đã xuất hiện ở nhà chùa. Tuy nhiên, những nhà sư Phật giáo không để mất nhiều thời giờ vào việc luyện võ và tung hoành ngang dọc chốn võ lâm như đã diễn ra trong bộ phim và sách võ hiệp đang lưu hành. Điều ấy đã làm cho không ít người chỉ hiểu Phật giáo theo khía cạnh đó mà thôi. Nên nhắc rằng công việc chính yếu của nhà sư Phật giáo là dấn thân vào việc học Thánh điển và thực tập những lời dạy của Đức Phật.

Những bộ kinh mà những nhà truyền giáo Ấn Độ hay những nhà chiêm bái Trung Quốc mang vào đất nước này có tính tự phát theo duyên cảnh chớ không có hệ thống hay kế hoạch từ đầu. Sau một thời gian dài, người ta dần dần cảm thấy thiếu một chuẩn mực thuyết phục trong việc giải quyết những điểm bất đồng trong kinh điển và cũng thiếu một cái nhìn quán xuyến, bao biện đối với sự phồn tạp của kinh điển chưa được hệ thống hoá để có thể tu tập theo những lời Phật dạy.

Vì vậy vào thế kỷ thứ 7 đã có những nỗ lực nhằm sắp xếp lại giáo lý của Phật giáo ở Trung Quốc. Người ta tự tập hợp xung quanh một vị đạo sư danh tiếng nào đó hay chọn một bộ kinh nào đó để làm trung tâm cho việc nghiên cứu và tu tập. Những nhóm người này về sau phát triển trở thành những tông phái Phật giáo; mỗi tông phái như vậy hình thành nên dòng truyền thừa riêng. Có 8 tông phái lớn và một số tông phái nhỏ hơn xuất hiện và phát triển ở Trung Quốc. Tám tông phái lớn là:

1. Tam Luận Tông tu học theo triết học Trung Quán Tông của Phật giáo Ấn Độ.

2. Pháp Tướng Tông tu học theo triết học Du-già Tông của Phật giáo Ấn Độ.

3. Thành Thật Tông là một tông phái thuộc Thượng Tọa Bộ.

4. Hoa Nghiêm Tông có nền tảng là bộ kinh Hoa Nghiêm hiển bày và lý giải nhiều khái niệm siêu hình trong pháp thiền quán.

5. Thiên Thai Tông tôn vinh bộ kinh Pháp Hoa và nêu lên một giáo lý cân bằng giữa công phu thiền định, học hỏi kinh điển và thực hành các thiện nghiệp.

6. Đệ Tam Kỳ Tông truyền bá một phương pháp tịnh hóa dựa trên việc nghiêm trì giới luật và những việc làm từ thiện.

7. Thiền Tông đặt trọng tâm vào việc thiền quán và tu học theo kinh Lăng-già.

8. Tịnh Độ Tông chủ trương khẩn nguyện cho được tái sinh vào quốc độ thanh tịnh của Phật A-di-đà và Phật Di-lặc.

Ngoài 8 tông phái lớn này ra còn có Chân Ngôn Tông, một dạng của Mật Tông có mặt ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9.

Trong pháp nạn dưới triều đại nhà Đường (842 - 845), Phật giáo bị đàn áp rất dữ dội ở Trung Quốc. Tất cả những tông phái trừ Thiền Tông và Tịnh Độ Tông đều bị tận diệt. Tuy vậy những điểm đặc sắc của những tông phái trên vẫn còn được ưa chuộng và có ảnh hưởng đến nền tư tưởng Phật giáo ngày nay. Sau năm 845, Thiền Tông và Tịnh Độ Tông vươn lên thành những tông phái chủ lực; cả hai tông phái này đều tu học theo triết học Trung Quán và Duy Thức. Từ thế kỷ thứ 16 trở về sau những pháp môn của Thiền Tông và Tịnh Độ Tông hòa nhập với nhau và được tu tập trong những tu viện ở Trung Quốc.

Từ Trung Quốc Phật giáo Đại Thừa đã du nhập sang Việt Nam và Triều Tiên. Ngày nay Thiền Tông Phật giáo giữ vai trò chủ lưu ở hai quốc gia này. Ở Việt Nam Thiền Tông và Tịnh Độ Tông song song phát triển. Ngoài ra còn có Phật giáo Nam Truyền và các giáo đoàn thuộc hệ phái Khất Sĩ.

Vào thế kỷ thứ 6 hầu hết những tông phái Phật giáo Trung Quốc đã truyền thừa sang Nhật Bản thông qua bán đảo Cao Ly. Đến thế kỷ thứ 12 và 13 nhiều tông phái Phật giáo nở rộ ở Nhật Bản. Hiện tượng này xảy ra vì người dân Nhật Bản lúc ấy cảm thấy chơi vơi giữa mênh mông của biển cả giáo lý nên họ tự chọn một pháp môn duy nhất có hiệu quả thực tế để hành trì.

Trong giai đoạn này hai tông phái Tịnh Độ là Tịnh Độ Tông và Tịnh Độ Chân Tông đã phát sinh từ Thiên Thai Tông. Trong hai tông này, thời Tịnh Độ Chân Tông đặt trọng tâm vào việc xem gia đình chính là cốt lõi của sự nghiệp tu hành. Tông phái này cho phép những tu sĩ có vợ song song với việc phát nguyện sống trong chùa để tu tập và hoằng pháp lợi sinh. Ngôi chùa được người cha truyền xuống cho người trưởng nam.

Mặc dầu Thiền Tông du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 7 nhưng cho mãi đến thế kỷ thứ 12 Thiền Tông mới thịnh hành và phổ biến mạnh mẽ. Tuy có nhiều tông phái thiền ở Nhật Bản nhưng Tông Lâm Tế và Tông Tào Động là hưng thịnh nhất.

Vào thế kỷ thứ 13 Nhật Liên Tông đặt nền tảng chủ đạo dựa trên kinh Pháp Hoa xuất hiện và tạo nên một luồng sinh khí mới cho Phật giáo. Chân Ngôn Tông là tông phái thuộc Mật Tông của Nhật Bản cũng phục hồi trở lại.

Vào thời đại phục hưng Meiji 1868 chính quyền Nhật Bản ra chỉ dụ cho phép tăng sĩ Phật giáo cưới vợ. Vào đầu thế kỷ thứ 12 Nhật Bản đánh chiếm Cao Ly và truyền đến đây dạng tăng lữ có gia đình trong suốt thời kỳ chiếm đóng. Nhưng ngày nay hầu hết những tăng đoàn Phật giáo ở Cao Ly đều sống đời phạm hạnh, hành trì theo giới luật truyền thống của người xuất gia.

Sau những trận thế chiến đất nước Nhật Bản xuất hiện nhiều nhóm cộng tu nhỏ thực hành những pháp môn riêng biệt. Họ đã dung hợp Phật giáo với những nét của Thần Đạo thuộc tín ngưỡng lâu đời của bản địa, một số người khác lại hướng về sắc thái Thiên Chúa giáo. Chúng ta cần tỉnh giác, xem xét giáo lý của những nhóm đồng tu này cẩn thận để xem lý giải giáo lý Phật giáo như vậy có trung thành với những lời dạy của Đức Phật hay không.

Thiền Tông và Nhật Liên Tông từ Nhật Bản đã lan tỏa sang các nước phương Tây và dần dà được phổ biến rộng. Người phương Tây quen dần với việc tham gia vào những khóa tu thiền quán và những khóa nhập thất ẩn tu. Một số trung tâm thiền cũng bắt đầu thực hiện những chương trình công ích xã hội như thành lập "an tử đường" để săn sóc những người sắp mệnh chung đặc biệt là những bệnh nhân AIDS trong giai đoạn cuối.

Sau khi nhìn thoáng qua dòng lịch sử phát triển của Phật giáo ở Đông Á chúng ta hãy xem xét kỹ hơn 2 tông phái nổi bật nhất ở đó là Tịnh Độ Tông và Thiền Tông.

Tịnh Độ Tông

Âm điệu êm ả, ngân nga của câu niệm Phật "Con niệm Nam mô A-di-đà Phật" vang vang trong bầu không khí của nhiều ngôi chùa hay gia đình của người Trung Quốc. Ảnh tượng của Đức Phật A-di-đà chính giữa, hai bên là Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí là điểm tựa tâm hồn của rất nhiều người thành tâm. Qua bao nhiêu thế kỷ, pháp môn niệm tưởng danh hiệu Đức Phật A-di-đà vô cùng đơn giản của Tịnh Độ Tông đã khiến cho đông đảo người dân từ mọi thành phần xã hội quay về quy ngưỡng.

Tịnh Độ Tông có nguồn gốc từ nội dung và ý tưởng của kinh Vô Lượng Thọ và một số quyển kinh khác miêu tả việc siêu thăng vào cảnh giới thanh tịnh của Đức Phật A-di-đà. Pháp môn niệm Phật A-di-đà đã xuất hiện ở Ấn Độ nhưng lại thịnh hành rực rỡ ở khu vực Đông Á. Kinh Vô Lượng Thọ được dịch sang tiếng Hoa vào thế kỷ thứ 2 và được phổ biến vô cùng rộng rãi vào thế kỷ thứ 6.

Pháp môn Tịnh Độ rất khế hợp với văn hóa Trung Quốc. Người dân Trung Quốc từ trước đã có ý niệm về trường thọ do đạo Lão chủ trương nên họ cảm thấy phấn khởi khi tiếp nhận kinh Vô Lượng Thọ miêu tả về vị Phật có kiếp sống vô cùng tận. Mối quan tâm tới sự trường thọ của đạo Lão đã chuyển hóa thành ý muốn được tái sinh về thế giới Tịnh độ của Đức Phật A-di-đà. Pháp môn tụng đọc thần chú cũng đã rất phổ biến ở miền Bắc Trung Quốc, điều này đã khiến cho dân chúng cảm thấy dễ dàng chuyển sang niệm danh hiệu của Đức Phật A-di-đà.

Những tiền đề như thế giúp cho dân chúng dễ dàng tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ. Hơn nữa, người Trung Quốc lại không có nhiều thời giờ rãnh rỗi để có thể tu tập những phương pháp nhiều công phu vì vậy họ dễ dàng hoan nghênh một pháp môn đơn giản và trực tiếp. Tịnh Độ không phải là một tông phái mang hình thức thượng lưu trí thức mà là một pháp môn dành cho tất cả mọi người, dù cho đó là người mù chữ hay bậc học giả đều có thể tham gia tu tập.

Mục đích sâu rộng của pháp môn này là đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Mục đích trước mắt là kiếp sau được sinh vào cảnh giới Trang nghiêm Cực lạc. Thế giới thanh tịnh này không nằm trong phạm vi 6 cảnh giới (lục đạo) của vòng sanh tử luân hồi vì một sinh linh một khi được tái sinh vào thế giới Cực lạc thì chắc chắn sinh linh ấy sẽ đạt được chánh quả và không bao giờ còn bị tái sinh vào biển khổ sinh tử. Mặt khác, một vị đã chứng quả vị Phật ở Tịnh độ, dĩ nhiên là vị ấy vì lòng từ mẫn sẽ thị hiện vào trong cảnh giới Ta bà này để dẫn dắt những chúng sinh khác trên đường đưa đến chỗ giác ngộ hoàn toàn.

Tại sao người ta lại mong muốn tái sinh vào cảnh giới Tịnh độ? Trong thế giới của loài người, những ai tha thiết tu tập thường phải đối mặt với nhiều chướng ngại: họ thường phải làm việc và còn rất ít thời gian dành cho việc hạ thủ công phu; trong xã hội họ sống còn rất nhiều tội ác và thái độ ác cảm đối nghịch; ở đời con người phải lo cơm áo gạo tiền và nặng gánh gia đình; hình ảnh và âm thanh chủ lực có khuynh hướng lôi kéo tâm ý của người ta ra khỏi việc chuyển hoá tâm hồn...

Trong cảnh giới Tịnh độ không có những chướng ngại trên, mọi người đều tu tập theo Chánh pháp và tất cả những điều kiện vật chất, xã hội và kinh tế... đều hướng thượng và giúp cho người ta đi trên con đường đạo. Vì việc tu tập và chứng đạo dễ dàng nên người ta nguyện ước vãng sinh Cực lạc. Hơn nữa cực lạc quốc độ còn thù thắng hơn những cảnh giới Tịnh độ khác vì con đường đi thuận tiện. Dù có căn tánh bình thường, dù không trực giác được tánh không, dù không có ý nguyện thí xả ba-la-mật đi nữa thì những sinh linh đều có thể vãng sinh về Tịnh độ.

Cõi Tịnh độ được xây dựng do công phu tu tập của một vị Bồ Tát Tỷ-kheo tên là Pháp Tạng. Cách nay nhiều kiếp, Pháp Tạng có nguyện kiến tạo nên một cảnh giới mà mọi chúng sinh nơi đó đều có thể dễ dàng tu tập theo Chánh pháp. Khi chưa thành Phật, Pháp Tạng đã phát nhiều lời thệ nguyện với nội dung là cảnh giới thanh tịnh và miêu tả những phương cách để chúng sinh có thể vãng sinh vào cảnh giới thanh tịnh đó. Khi đó Pháp Tạng thọ học giáo pháp từ nhiều vị Phật trong quá khứ, phát lời nguyện thí xã và tu tập viên mãn các pháp môn thiền định. Nhờ vậy mà Bồ Tát Pháp Tạng thành Phật hiệu là A-di-đà rồi nhờ vào oai lực của thiện nghiệp và trí tuệ mà tạo nên được cảnh giới Cực lạc thanh tịnh.

Làm sao người ta có thể sinh vào cảnh giới Cực lạc? Chỉ cần có niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Phật A-di-đà và niệm tưởng danh hiệu của Ngài là đủ. Khi mệnh chung nhờ oai đức của Đức Phật A-di-đà, sinh linh đó sẽ được tiếp dẫn vãng sinh lên cảnh giới thanh tịnh đó.

Đây là một quan niệm khá đơn giản khiến cho không ít người đặt câu hỏi, "Đức Phật đã từng nói rằng không ai có thể cứu độ chúng ta ngoài bản thân chúng ta. Chúng ta phải tu tập theo Chánh pháp và chuyển hóa tâm thức của bản thân. Như vậy phải chăng mâu thuẫn khi nói rằng chúng ta chỉ cần có niềm tin là đủ, những việc còn lại Đức Phật A-di-đà sẽ lo liệu tất cả?"

Vâng, về mặt luận lý đây là một mâu thuẫn. Khi Đức Phật A-di-đà có thể làm cho người ta phấn chấn và thực hiện chức năng hướng dẫn, bản thân người ta vẫn phải tu tập. Kinh Vô Lượng Thọ lập nên pháp tu gồm có Đạo đức hành xử, Tịnh hóa các ác hành, Khởi tâm nguyện thí xả, và cuối cùng là Thiền chỉ và thiền quán về những phẩm tính của Đức Phật và cảnh giới Tịnh độ. Như vậy, với tâm hồn phấn khởi, một hành giả hồi hướng những công đức tu hành mong được vãng sinh vào cảnh giới Cực lạc, và mục đích cuối cùng là viên thành Phật quả phổ độ chúng sinh.

Như vậy theo luận lý chúng ta cần khẳng định rằng niềm tin ở đây là sức mạnh yểm trợ cho việc thiền định. Niềm tin không phát sinh từ trạng thái mù quáng hay tâm trạng tuyệt vọng. Niềm tin ở đây là niềm tin xuất phát từ nhận thức được những phẩm chất thù thắng của chư Phật, Giáo Pháp và Tăng-già.

Như vậy người ta tu tập pháp môn niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà để phát triển những phẩm tính thù thắng trên. Thí dụ, nhờ vào câu niệm, "Nam mô A-di-đà Phật" song song với việc tưởng nhớ tới tâm nguyện thí xả của Đức Phật A-di-đà khiến cho chúng ta càng hướng đến Bồ đề tâm và càng nỗ lực phát triển Bồ đề tâm trong đời sống của bản thân. Nhờ vào việc tập trung tâm ý vào tiếng niệm Phật A-di-đà chúng ta đoạn trừ những tạp niệm và phát triển năng lực tập trung chuyên nhất. Người tu cũng có thể đạt được sự an trú trong chánh định (samatha) nhờ vào việc quán tưởng, hình dung ra ảnh tượng Đức Phật A-di-đà và cảnh giới Tịnh độ.

Thiền quán (vipassana) về vô ngã tính có thể được tu tập nhờ vào công phu quán chiếu về tính cách không tự hiện hữu của cảnh giới Cực lạc và của bản thân. Như vậy chúng ta thấy được rằng tuy việc niệm danh hiệu của Đức Phật A-di-đà là chủ đạo cốt lõi nhưng pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn rất phong phú chớ không hạn hẹp trong việc niệm tưởng danh hiệu của Đức Phật A-di-đà mà thôi.

Trong những sinh hoạt hằng ngày chúng ta luôn luôn niệm Phật để tự nhắc nhở mình luôn luôn nhớ về những phẩm tính thù thắng của Ngôi Tam Bảo. Trong khi đi tản bộ hay khi lái xe, chúng ta có thể tu tập Chánh niệm đối với tiếng niệm Phật A-di-đà. Nhớ rằng hành xử đạo đức là nguyên do chính yếu để được sinh về cảnh giới thanh tịnh, chúng ta trở nên tỉnh giác hơn với những việc mà chúng ta làm, những lời chúng ta nói và những điều mà chúng ta nghĩ.

Có người thắc mắc về vấn đề phải chăng chỉ cần niệm danh hiệu của Đức Phật A-di-đà là đầy đủ. Trong tiếng Hán "niệm Phật" có một số nghĩa khác nhau. "Niệm" có 3 nghĩa chính: (1) tập trung tâm thức hay thiền định, (2) một thời điểm, (3) tụng thành tiếng. Vì vậy ở Ấn Độ pháp môn Tịnh Độ xoay quanh việc thiền tập trong khi ở Trung Quốc pháp môn này lại nhấn mạnh vào việc niệm danh hiệu của Phật. Một từ "niệm" có cả hai nghĩa trên.

Khi vị đạo sư nêu cao tầm quan trọng của việc kính tin nơi Đức Phật A-di-đà, chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Phật A-di-đà là một bậc toàn năng có thể thực hiện tất cả mọi việc. Theo Phật giáo, Đức Phật là một bậc toàn tri, nhưng không phải toàn năng. Và cũng không ai có khả năng trở thành toàn năng cả. Năng lực của một vị Phật và sức mạnh của nghiệp lực mà chúng sanh đã làm là bằng nhau. Nếu chúng ta không tạo ra những phước nghiệp làm nhân để vãng sinh về cảnh giới Cực lạc thì Đức Phật A-di-đà không thể dùng thần lực đưa chúng ta đi đến đó.

Có nhiều cách thức kính ngưỡng Phật A-di-đà tùy theo cấp độ nhận thức và hành trì. Người ta có thể hiểu rằng Đức Phật A-di-đà với thân tướng trang nghiêm và đang ngự ở Tịnh độ. Tuy nhiên, Đức Phật A-di-đà tự nội chính là tâm giác ngộ của chúng ta. Nhờ vào công phu tu tập theo Chánh pháp mà tâm thức phàm tình của chúng ta có thể chuyển hóa thể nhập làm một với tâm giác ngộ đó. Cả Phật A-di-đà hiện thân và Phật A-di-đà tự nội đều không có định tính cố hữu và mỗi người đều có thể tìm thấy theo mức độ riêng của từng cá nhân. Thật sự, khi một người càng nhận thức được vô ngã tính thì người ấy càng nhận thức chính xác hơn về Đức Phật A-di-đà.

Cũng như tất cả những pháp môn khác của Phật giáo, pháp môn Tịnh Độ cũng có thể tu tập theo những phương cách khác nhau tùy theo cấp độ nhận thức của một hành giả. Niệm Phật và tu tập tâm kính ngưỡng đối với Đức Phật A-di-đà là phương cách rất lợi lạc cho người dân bình thường, tức là những người không có thời gian hay những người không thích học hỏi triết học của đạo Phật. Đối với những người này niệm Phật và tu tập tâm kính ngưỡng giúp cho họ có một nơi để làm điểm tựa, có một định hướng cho kiếp sống trong những giai đoạn bế tắc có nhiều vấn đề căng thẳng. Nhờ vào việc niệm danh hiệu của Đức Phật A-di-đà và tưởng nhớ Ngài, người ta tạo ra được nhiều thiện nghiệp. Những người có hiểu biết sâu sắc và bao biện hơn về con đường đưa đến giác ngộ của đạo Phật thì sử dụng tầm hiểu biết này vào trong pháp môn Tịnh Độ và có được những chứng đạt thâm sâu.

Tịnh Độ Tông cũng rất phù hợp đối với những người nhận thấy rằng chính lòng thành kính thiết tha trong khi họ tu tập pháp môn niệm Phật, giúp họ đoạn trừ được những tâm thái nhiễu loạn và tu tập được những phẩm tính tốt đẹp của con người trước những cám dỗ của cuộc sống. Có được nội lực do quá trình tu tập niềm tin đối với Đức Phật A-di-đà, những người này sẽ dễ dàng thực hành theo Chánh pháp và đạt được những chứng ngộ về Đức Phật A-di-đà trong chính dòng chảy tâm thức của bản thân.

Thiền Tông

Có một giai thoại kể lại nguồn gốc của Thiền Tông rằng: Trong một buổi thuyết pháp, Đức Phật lặng lẽ đưa lên một cánh sen vàng. Lúc ấy hội chúng cảm thấy bối rối, chỉ có vị đại đệ tử là Đại Ca-diếp hiểu được và mỉm cười. Câu chuyện này ngầm nói lên rằng yếu chỉ của Chánh pháp thì vượt ngoài ngôn ngữ. Trong nhà thiền, yếu chỉ này được người thầy truyền cho đệ tử trong giây phút xuất thần, xuyên phá bức tường tri kiến hạn hẹp thông thường của con người.

Yếu chỉ mà ngài Đại Ca-diếp nhận hiểu đã được truyền thừa qua 28 vị tổ Ấn Độ cho đến Bồ đề Đạt-ma. Bồ đề Đạt-ma là một thiền sư Ấn Độ có chí hướng phụng hành theo kinh Lăng-già, một bản kinh của Du-già Tông. Ngài du hóa đến Trung Quốc vào năm 470 và bắt đầu truyền dạy Thiền Tông. Sau đó Thiền Tông lan tỏa sang Cao Ly và Việt Nam. Đến thế kỷ thứ 12 Thiền Tông phổ biến mạnh mẽ và rộng rãi ở Nhật Bản.

Thiền tiếng Sanskrit là "dhyana" có nghĩa là nhất tâm tĩnh lự. Tất cả những vị đạo sư truyền giáo Ấn Độ và tăng sĩ người Trung Quốc thời sơ kỳ đều là những vị thiền sư. Thiền là một trong những pháp môn mà Đức Phật truyền giảng song song với đạo đức, bố thí, nhẫn nhục và trí tuệ. Một số hành giả có ý muốn lập pháp môn thiền định làm cốt lõi cho việc hành trì nên Thiền Tông dần dần được hình thành.

Nguyên lý nền tảng của Thiền Tông là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là hạt giống Phật mà mỗi người tự có sẵn. Nguyên lý này được một số thiền sư trình bày qua câu "Tất cả chúng sinh đều đã là Phật", nhưng chỉ vì những tâm thái nhiễu loạn và những chướng ngại pháp đang còn che mờ tâm thức mà thôi. Như vậy công việc của thiền giả chỉ là nhận ra tánh Phật và để cho tánh Phật phát hào quang xuyên vượt qua những chướng ngại pháp.

Vì tiền đề cơ bản để chứng đạt quả Phật tức là chủng tử Phật đã nằm sẵn trong mỗi người rồi nên Thiền Tông nhấn mạnh đến việc thành Phật ngay trong hiện kiếp. Các vị thiền sư tuy không phủ nhận giáo lý tái sinh hay giáo lý nghiệp nhưng không giảng giải nhiều về những giáo lý này.

Theo Thiền Tông, người ta không cần phải xa lánh thế gian này để tìm kiếm Niết bàn ở một nơi nào khác vì tất cả chúng sinh đều đã có sẵn Phật tánh. Hơn thế nữa, khi người ta chứng ngộ được tánh không thì người ta thấy rằng sinh tử và Niết bàn không khác nhau.

Thiền Tông nhận thức sâu sắc những giới hạn của ngôn ngữ và tin chắc rằng công phu tu tập có chiều hướng vượt qua phạm vi diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, Thiền Tông đặc biệt nhấn mạnh việc thực nghiệm và không đặt trọng tâm vào việc hiểu biết suông. Do tính chất đó nên người tu theo Thiền Tông thì điều quan trọng trước tiên là phải gắn bó với một vị thiền sư có nhiều kinh nghiệm. Bổn phận của vị thiền sư là đưa người thiền sinh đi ngược trở lại cái thực tại hiện tiền bất cứ khi nào tâm tư của người thiền sinh còn rong ruổi với những khái niệm có sẵn. Điều này được minh họa bằng những giai thoại sống động với cương lĩnh chủ đạo là bất thần "chụp ngay" vị thiền sinh khi thiền sinh mất cảnh giác và lập tức phá vỡ nghi tình phi hiện thực ngay trong phút giây ấy.

"Tham kiến" tức là hội kiến mỗi ngày với vị thiền sư được tiến hành trong những khóa thiền quyết liệt. Những câu trao đổi ngắn, gọn, thẳng thừng với vị thiền sư mà mình gắn bó không những có thể làm bật dậy nguồn nội lực tuệ quán của thiền sinh mà còn tạo điều kiện để vị thiền sư tiếp cận và đánh giá được những kinh nghiệm hành thiền của đệ tử. Những mối liên hệ trực tiếp sâu sắc như vậy còn giúp cho việc tâm truyền tâm giữa thầy và trò.

"Tọa thiền" tức là ngồi thiền định là phương pháp thiết yếu của Thiền Tông. Hai thiền phái lớn là Tông Tào Động và Tông Lâm Tế có chút ít khác biệt về phương pháp tọa thiền. Tông Tào Động dạy "cứ ngồi" và tập trung tâm ý vào bản chất của tâm; Tông Tào Động nhấn mạnh "quả chứng có sẵn" đồng thời không phân biệt giữa phương tiện và mục đích. Chúng ta thường hay mãi lo thành đạt một cái gì đó, ngược lại, Tông Tào Động khích lệ chúng ta hãy cứ là cái đó và ý thức về nó.

Theo Tông Tào Động chúng ta tu tập sự tĩnh trú qua việc tọa thiền, tập trung tâm ý vào một chỗ duy nhất. Tông Tào Động tin rằng tư thế ngồi là sự biểu hiện hoàn thiện nhất của sự chứng đắc viên mãn có sẵn nên phương pháp biệt quán chỉ là trạng thái hoàn toàn tỉnh thức về thân thể trong tư thế ngồi trong mỗi giây phút.

Khác với Tông Tào Động, Tông Lâm Tế sử dụng công án để tu tập biệt quán. Mỗi thiền sư có những công án khác nhau và mỗi công án có những mục đích khác nhau. Nhưng căn bản mà nói, những câu hỏi ngắn lấp bít mọi ngõ ngách tư duy như "Cái gì là bản lai diện mục của ngươi khi cha mẹ ngươi chưa sinh ra?" hay "Cái gì là tiếng vỗ của một bàn tay?" đã đánh đố quan niệm thông thường của con người đối với mối liên hệ giữa con người với thế giới. Người ta có thể sử dụng phép luận biện để tìm hiểu công án nhưng làm như vậy thì kết quả không phải là sự chứng ngộ. Sự chứng ngộ thật sự vượt qua phạm vi của ngôn ngữ lý giải; sự chứng ngộ này tùy thuộc vào sức mạnh của trí tuệ liên hệ đến bản chất tối hậu của con người.

Mục đích của việc quán chiếu công án không phải là tìm ra lời giải đáp đúng. Thật ra, chức năng của công án là chống lại những khái niệm có sẵn trong trí của con người. Trí óc của người ta trở nên bất lực trước công án vì năng lực nhận thức và cảm nhận thông thường của con người không thể nào "hiểu" được nghĩa của công án. Nhờ thế mà những lực lượng đang nằm sâu và ngủ yên của tâm thức bị đánh thức, bị "dựng dậy". Thiền giả không còn có thể dựa vào một tâm thức hời hợt và có tính chất cắt xén để trả lời được một công án. Bấy giờ, thiền giả phải cầu viện đến năng lực của tuệ quán sâu thẳm. Những hành giả của Lâm Tế Tông đạt được sự tĩnh trú bằng cách tập trung tâm ý vào công án và đạt được biệt quán bằng cách tìm ra đáp án cho công án đó.

Cuối cùng khi một hành giả phá vỡ được bức tường nhận thức và đột ngột thâm nhập vào được ý nghĩa của thực tại. Trạng thái bùng vỡ đột ngột này được gọi là ngộ. Ngộlà một kinh nghiệm trực giác thâm sâu nhưng tự thân của ngộkhông phải là mục đích mà chỉ là một thôi thúc để tiếp tục công phu. Sau khi ngộ, thiền giả vẫn cần phải tiếp tục làm hiển lộ Phật tánh của bản thân. Mặc dầu Thiền Tông nói về "hốt nhiên đạt ngộ" nhưng dường như thiền giả cũng phải thành tựu những đạo quả dần dần. Hốt nhiên ở đây có nghĩa là sự sụp đổ bất thần của bức tường cản trở cuối cùng khiến cho nguồn trí tuệ tươi nguyên tuôn chảy.

Cụ thể trong đời sống hằng ngày thì thiền giả phải rèn luyện tâm tỉnh thức trong mọi hành động, đặc biệt là trong khi làm việc. Hướng đến việc này, những thiền viện ở Trung Quốc đã thay thế một phương diện của Biệt giải thoát luật nghi bằng cách sắp đặt cho tăng chúng thực hiện những công việc tay chân như làm việc trên nương rẫy.

Việc này còn xuất phát từ nhu cầu tự nuôi sống của thiền viện vào thế kỷ thứ 9 ở Trung Quốc. Thật ra làm việc cũng có thể vận dụng để làm phương tiện nhằm rèn luyện sức tỉnh giác và có ý thức đối với tất cả những việc mà thiền giả đang làm, đang nói và đang nghĩ ngợi. Trong khi làm việc một cách tỉnh giác, thiền giả vẫn có thể tu tập sự an tĩnh nội tâm y như khi tọa thiền. Làm việc còn có tác dụng nhắc nhở thiền giả rằng không phải tìm kiếm Niết bàn ở nơi nào khác mà phải đạt được Niết bàn ở nơi đây và bây giờ.

Mặc dầu Thiền Tông nghiêng về tư tưởng Đại Thừa nhưng nhiều vị đạo sư tâm linh của Thiền Tông không đặt nặng vào việc giảng thuyết rộng rãi và minh bạch về phương pháp để tạo nên tâm thí xả mà lại nhấn mạnh về phương diện phát triển năng lực thiền định và thăng hoa trí tuệ. Chúng ta cần nhận thức rằng một khi những ý niệm có sẵn lâu đời về cái ngã đã bị đánh đổ và tánh không được thiết lập thì bản chất chung nhất của tất cả mọi người và tất cả các pháp sẽ tự hiển lộ rõ ràng. Khi đó lòng từ bi lân mẫn đối với tha nhân hay tâm thí xả tự động phát sinh.

Thiền Tông phát triển và phổ biến rộng rãi ở Đông Á nên đã để nhiều yếu tố văn hóa bản địa hòa nhập vào pháp môn tu tập hành trì. Cụ thể ở Nhật Bản, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật vườn cảnh đã tự thăng hoa và cách điệu để trở thành pháp môn hành trì trong đời sống bình nhật của người tu theo Thiền Tông. Những hình thức sinh hoạt này cũng hòa vào dòng tư tưởng của đạo Phật tinh thần trân trọng thiên nhiên và cảm quan thẩm mỹ của Thần Đạo, một tôn giáo có trước ở Nhật Bản.

Người Nhật đánh giá cao tinh thần kỷ luật nghiêm khắc của chiến sĩ vì vậy mà Thiền Nhật Bản nhấn mạnh tư thế ngồi kiết già và chế ngự đau đớn ở sống lưng và đầu gối. Theo hướng đó, trong một số thiền viện, các vị phụ trách giám thiền dùng thiền bảng tuần hành trong thiền đường để cảnh tỉnh những thiền giả đang tọa thiền mà ngủ gật hay ngồi không thẳng lưng.

Thiền Tông nhấn mạnh tính cách đơn giản trong hình thức cũng như trong pháp môn tu tập. Ban đầu đó là thái độ phản kháng chống lại kiểu cách trí thức quá đà của những học giả Trung Hoa và Nhật Bản. Mặt khác, trải qua thời gian dài nhiều người Nhật Bản đã bị ngộp trong biển cả của những pháp môn phồn tạp khác nhau của Phật giáo thần bí nên họ có khuynh hướng tìm kiếm một pháp môn trực diện và rạch ròi hơn.

Ngày nay, hầu hết gia đình và cá nhân ở Nhật Bản càng ngày càng bị vây chặt bởi sự bừa bộn của những trang cụ vật chất. Tinh thần của họ đã bị ngợp ngụa trong thế giới âm thanh và màu sắc thiên về hưởng thụ do khoa học và kỹ thuật không ngừng đáp ứng. Do vậy tinh thần đơn giản và thanh cao của Thiền Tông có sức lôi cuốn rất mạnh. Người ta bắt đầu cảm thấy thích thú khi đi từng bước tự tại, thong dong trong những thiền viện, ngồi thư thả trong những thiền thất trống hoang và thưởng thức những trạng thái tâm linh tinh tế trong kỷ luật thiền tập. Đây là một trong những nét hấp dẫn của Thiền đối với xã hội hiện đại ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 38910)
Kim Quang Minh kinh, theo Phật học nghiên cứu (Bài 10 trang 52), có 6 bản dịch. Bản Một, Kim Quang Minh kinh, 4 cuốn, 19 phẩm, Đàm Mô Sấm dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 414-426. Bản Hai, Kim Quang Minh kinh, 7 cuốn, 21 phẩm, Chân Đế dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 548-569.
08/04/2013(Xem: 6542)
Thời điểm đức Phật vào Niết Bàn tại Câu Thi Na (Kushinaga) rừng Sa La Song Thọ, một số đệ tử Ngài vô cùng thương tiếc muốn tịch diệt theo, thậm chí có một vài đệ tử không nở chứng kiến tình cảnh đó, đành thất lễ mà ra đi trước. Ngược lại cũng có một ít đệ tử vì không uống được giáo pháp giải thoát nên cảm thấy vui hơn là buồn, bởi rồi sẽ không còn ai khiển trách mình nữa!
08/04/2013(Xem: 8230)
Kính lạy đấng Thế Tôn bậc thầy của nhân thiên, bậc siêu việt trên mọi siêu việt, bậc không thể nghĩ bàn, không thể tán thán, không thể ca tụng, xưng dương hết ý được, do vì những lời lẽ ngôn từ tán thán chỉ là ý thức vọng động phân biệt kẹt chấp phạm trù ngôn ngữ thế gian; hay có thể nói bao giờ phàm phu chúng ta có thể hành động, có thể đi vào an định trong giáo pháp của Ngài.
08/04/2013(Xem: 6037)
Dòng tâm thức luôn lăn trôi từng sát na sanh diệt, do đó chúng ta sống trong thế giới hiện tượng này làm sao tránh khỏi tâm viên ý mã, mà nguyên nhân là lý sanh diệt luôn biến dị chi phối , làm cho chúng ta tưởng chừng như có nhiều tâm trong con người. Thật vậy tâm luôn thay đổi qua nhiều tình huống, thăng trầm của tư duy qua sự phát triển của khối óc và căn cơ trình độ.
08/04/2013(Xem: 14573)
Cần thực hành những nghi thức trì tụng kinh Phật, như bài tán lư hương, chơn ngôn tịnh pháp giới, chơn ngôn tịnh khẩu nghiệp, chơn ngôn tịnh ba nghiệp, chơn ngôn phổ cúng dường, bài văn phát nguyện và bài kệ khai kinh.
08/04/2013(Xem: 15245)
Tụng kinh Pháp Hoa, chúng ta thường đọc những bài tán thán công đức của kinh này để gợi cho chúng ta suy nghĩ về những tinh ba vi diệu của kinh và từ đó phát khởi được niềm tin trong sạch đối với Đức Phật và lời dạy của Ngài, kế tiếp mới đi vào phần nội dung của kinh.
08/04/2013(Xem: 10573)
Hai chữ Kim Cang, nhiều người giải nghĩa dựa trên tính bền chắc sắc bén có thể cắt đứt. Đây là nói phiếm. Nhưng ở Tây Vức có của báu Kim Cang, báu này rất bền chắc chẳng thể hư hoại, lại phá hoại được tất cả vật. Nếu lấy báu này để dụ cho Bát Nhã đoạn trừ được phiền não, thì tuy gần với lý, nhưng đều chẳng phải ý Phật, chỉ là tri kiến theo thói xưa tầm thường.
08/04/2013(Xem: 7191)
Hôm nay, tất cả quí vị đã bỏ nhà để đến chùa góp mặt trong pháp hội này, phải nói đây là một cơ hội thật tốt để chúng ta tạm thời gát qua hết những chuyện đời và quay về sống phản tỉnh đối với bản thân. Nhưng tôi chỉ mới nói rằng quý vị đang có một cơ hội tốt, còn quý vị thì sao? Quý vị có ý thức được mình đang ở đâu và làm gì hay không? Đi vào chùa để vãn cảnh hay để tu học? Nếu để tu học thì quý vị đã bắt đầu chưa? Các vị hãy luôn nhớ rằng, một khi đã chấp nhận con đường tu học thì chúng ta nhất định phải cố gắng thế nào đó để tự khẳng định chính mình. Chúng ta không thể tu học như một hình thức chiếu lệ mà ngược lại phải luôn nhìn về phía trước để nhắm tới những tiến bộ. Chúng ta phải biết tu học một cách có lý tưởng, áp dụng Phật Pháp vào ngay chính đời sống của mình để từng sinh hoạt của bản thân được thực hiện dưới ánh sáng Phật pháp.
08/04/2013(Xem: 17970)
Đại đức Rahula, người Tích lan được đào tạo trong truyền thống Thượng tọa bộ tại Phật học viện Pirivena, sau vào Đại học Tích Lan đậu bằng B.A (London) rồi viết luận án Tiến sĩ về lịch sử đạo Phật ở Tích Lan và được cấp bằng Tiến sĩ Triết học (Ph. D). Sau Đại đức qua Calcutta, cộng tác với các giáo sư Đại thừa và bắt đầu học chữ Hán và chữ Tây Tạng. Cuối cùng Đại đức qua Đại học đường Sorbonne để nghiên cứu về Ngài Asanga (Vô Trước) và lâu nay vẫn ở tại Paris vừa giảng dạy đạo Phật, vừa trước tác sách vở. Như vậy Đại đức có thể được xem là tinh thông cả hai giáo lý, Đại thừa và Tiểu thừa. Kỳ qua Paris năm 1965, tôi có viếng thăm Đại đức và trong câu chuyện ngót hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bàn luận rất nhiều về liên lạc giữa Nam tông và Bắc tông, và chúng tôi đồng ý rằng cả hai tông đều chấp nhận và thọ trì một số giáo lý căn bản.
08/04/2013(Xem: 9159)
Mùa hè năm 1996, tôi có dịp sang Canada thuyết giảng và hướng dẫn vài khóa tu học. Một số Phật tử đã thâu băng những buổi giảng và chép ra để làm tài liệu tu tập...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]