Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Cho và nhận

18/11/201017:22(Xem: 7095)
12. Cho và nhận

CHO VÀ NHẬN

Hôm nay, tôi sẽ nói về Tong-len, sự thực hành “cho và nhận”. Một số các bạn đã thực hành rồi và một số thì chưa, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, dường như nó luôn là việc thực hành tương đối khó.

Thực hành Tonglen phải kết hợp với việc trau dồi sự không sợ hãi. Khi bạn thực hành điều này vài lần, bạn sẽ nhận thấy trái tim bạn như cởi mở hơn. Bạn bắt đầu nhận ra rằng sợ hãi thường đi với mong muốn sự tự bảo vệ: Bạn cảm thấy điều gì đó sắp làm hại mình, và do đó bạn muốn được bảo vệ. Lập đi lập lại, trong giáo pháp của đức Phật, trong những lời dạy của truyền thống Shambhala, và trong bất kỳ truyền thống nào dạy chúng ta cách sống tốt, chúng ta được khích lệ để trau dồi sự không sợ hãi. Làm thế nào để chúng ta làm được điều đó? Dĩ nhiên, việc thực tập tọa thiền là một cách, bởi vì qua đó chúng ta biết chính mình khá đầy đủ và với sự dịu dàng rất mực.

Sau khi thực tập Thiền trong khoảng 7 năm thì tôi mới bắt đầu luyện Tonglen. Khi thực tập phương pháp này, tôi rất ngạc nhiên nhận ra cách tôi đã dùng thiền tập một cách tinh tế để gắng tránh bị tổn thương, gắng tránh chán nản và tuyệt vọng hay bất kỳ những cảm giác tệ hại nào. Một cách cơ bản, không biết chính mình, tôi đã thầm hy vọng rằng nếu tôi thực hành phương pháp ấy, tôi sẽ không cảm giác đau đớn nữa. Khi bạn thực tập Tonglen, bạn mời nỗi đau vào. Đó là những gì mở đôi mắt bạn; đó là những đề mục thiền tập nói về việc nhìn nỗi đau, nhìn niềm vui nhìn mọi thứ với sự dịu dàng và chính xác, mà không phán xét chúng, không xua đuổi chúng đi, trở nên cởi mở đối với chúng. Thậm chí đó cũng là những gì mà chúng ta thực tập lâu nay, Tonglen làm cho nó đúng đường hướng.Tôi nhận ra rằng tôi đã chưa thật sự làm được điều đó trước đây. Tonglen đòi hỏi nhiều can đảm. Thật thú vị, nó cũng tạo cho bạn nhiều dũng cảm. Bạn có thể bắt đầu với một lượng nhỏ dũng cảm và một cảm hứng to lớn để muốn cởi mở với thế giới và hữu ích cho bạn và cho người khác. Bạn biết rằng điều đó có nghĩa là bạn sắp đặt mình ở những nơi mà tất cả các hạt nút của bạn đều bị bật tung và sự vật sắp trở nên khó chịu. Tuy nhiên, bạn có cảm hứng để có thể đi vào bất kỳ tình huống nào có lợi. Bạn có hầu như chỉ một ít can đảm, chỉ đủ can đảm để thực hiện Tonglen, có lẽ bởi vì bạn không biết cái gì bạn đang nhận vào nhưng đó luôn là hoàn cảnh sống? Mọi thứ bất ngờ đều có thể xảy ra. Do sự sẵn sàng thực hiện Tonglen, bạn sẽ tìm thấy, sau thời gian một vài ngày, một vài tháng hoặc một vài năm–rằng bạn có đầy dũng cảm, đó là nhờ thực tập, bạn đã đánh thức con tim và đánh thức lòng dũng cảm của bạn. Khi tôi nói “đánh thức con tim”, tôi muốn nói rằng bạn đang sẵn sàng làm mạnh mẽ cái phần mềm yếu của bạn. Trungpa Rinpoche thường nói rằng tất cả chúng ta đều có một điểm mềm yếu và rằng sự tiêu cực, sự phẫn hận và tất cả những điều đó xảy ra là vì chúng ta đang nỗ lực che phủ sự mềm yếu của chúng ta. Điều đó thật logic: Bởi vì bạn mềm yếu nên bạn làm tất cả điều che chắn này. Bạn hãy trở nên hiền dịu và có trái tim nồng ấm–một đặc tính cởi mở để bạn có thể bắt đầu thậm chí với những gì bạn muốn che chắn.

Đặc biệt trong lúc thiền tập, bạn thấy rất rõ cái lá chắn của bạn. Bạn thấy bạn đã bỏ tù con tim của bạn như thế nào. Điều đó đã thắp sáng lên mọi vật và tạo cho bạn một sự tôn trọng đối với sự thâm hiểu và tính hài hước mà bạn có. Tonglen giúp bạn thực hiện điều đó sâu xa hơn bởi vì bạn thực sự mời vào không những tất cả những xung đột không thể phân giải, những lầm
lẫn, những nỗi đau của chính bạn mà còn của những người khác. Và nó tiến triển thậm chí xa hơn. Rất thường chúng ta cố gắng đánh lui sự cảm thấy tệ hại, và khi cảm thấy tốt, chúng ta thường mong muốn điều đó sẽ kéo dài mãi mãi. Dù vậy, trong Tonglen, chúng ta cũng sẵn lòng thở vào những nỗi khổ đau và chúng ta cũng sẵn lòng thở ra những cảm giác an lạc, bình yên và vui vẻ. Chúng ta đang sẵn lòng ban phát bằng cách này, chia sẻ với mọi người. Tonglen rất trái với việc làm thông thường. Thường thường, nếu người ta đang thực tập thiền và bỗng nhiên nối kết được với một điều gì to lớn hơn và cảm thấy có cảm hứng và vui vẻ, thì ngay cả Thiền hành cũng là một phương pháp tốt. Phải lau chùi toilet, phải nói chuyện với người khác dường như cũng có thể thực tập và đạt được niềm vui của thiền tập. Phương pháp của Tonglen là: “Nếu bạm cảm nhận nó, hãy chia sẻ nó; đừng nắm giữ nó, hãy ban phát nó”.

Đại thừa Phật giáo nói về Bồ đề tâm (Bodhicitta) có nghĩa là “Tâm tỉnh thức” hay “Tâm dũng mãnh”. Bồ đề tâm có đặc tính dịu dàng, chuẩn xác và cởi mở, có khả năng buông bỏ và cởi mở. Đặc biệt, mục đích của Tonglen là để thức tỉnh hay để trau dồi Bồ đề tâm, để đánh thức tâm bạn hay phát triển tâm dũng mãnh của bạn. Nó giống như việc tưới tẩm cho những hạt giống của những loài hoa đẹp. Bạn có thể nhận thấy rằng bạn có rất ít lòng dũng cảm, hay bạn có thể cảm nhận rằng bạn không có đủ dũng cảm, nhưng đức phật dạy: “Đừng có nhảm nhí. Mọi người đều có tâm bồ đề”. Vì vậy, dù đó chỉ là một hạt mè tâm Bồ đề, nhưng nếu bạn thực tập, cũng như tưới hạt giống, nó sẽ lớn lên và phát triển mạnh. Điều thật sự có thể xảy ra là những gì tồn tại đã lâu ở đó đã được mở tung ra. Thực hành Tonglen tức là quét đi tất cả những bụi bặm đã bao phủ kho tàng quí giá của bạn.

Một cách truyền thống, tâm Bồ đề thường so sánh với một hạt kim cương được bao phủ 10 tấn bùn trong 2000 năm. Bạn có thể trừ khử bùn vào bất cứ lúc nào và nó vẫn là một vật quí báu, đó là một vật gia truyền quí báu của chúng ta. Bồ đề tâm cũng còn được xem như một loại sữa giàu chất kem và có khả năng chuyển hóa thành bơ. Bạn phải làm một công việc nhỏ để lấy chất bơ ra khỏi kem, bạn phải đánh kem. Nó cũng được so sánh với một hạt mè chứa nhiều dầu mè. Bạn phải làm một động tác giã nghiền để lấy được dầu, nhưng nó đã có sẵn ở đó. Đôi khi bồ đề tâm được xem như một bảo vật vô giá nằm bên đường cùng với rác rưởi bao phủ nó. Một vài người–có thể là những người rất nghèo sắp chết đói–đi ngang qua đó suốt ngày. Tất cả những gì họ cần làm là bới rác lên và nhặt lấy nó ở đó. Chúng ta thực tập Tonglen để chúng ta không giống những người mù, luôn đi qua bảo vật dang nằm ở đó mà không biết. Chúng ta đừng như những người nghèo khổ cùng cực, bởi vì ngay trong tâm của chúng ta đã có đủ mọi thứ mà bất cứ ai nếu dũng cảm, kiên trì và sáng suốt đều có thể tìm thấy. Mọi người đều có nó, nhưng không phải ai cũng có dũng lực để làm nó chín muồi.

Thời đại này thế giới thật sự cần những người sẵn lòng làm cho Bồ đề tâm của họ chín muồi. Có những sự tàn phá và sự đau khổ to lớn: Con người bị chà nghiến bởi xe tăng, nhà cửa bị tàn phá, lính tráng gõ cửa nhà họ nửa đêm và mang họ đi, tra tấn họ, giết chết con em của họ, giết những người thân yêu của họ. Nhiều người đang chết đói. Chúng ta đang sống sang trọng
với những vấn đề tâm lý nhỏ đáng thương của chúng ta. Chúng ta có một trách nhiệm to lớn phải làm cho tấm lòng nồng ấm, khả năng thương yêu của chúng ta chín muồi, để cởi mở và buông bỏ bởi vì nó có tính lan tỏa rất mạnh. Bạn có thể để ý rằng nếu bạn đi vào phòng khách, ngồi xuống và có một người đang ngồi ở đó, cảm thấy rất vui vẻ và bạn biết anh ta vui, điều đó cũng làm bạn cảm thấy vui. Nhưng nếu bạn bước vào phòng khách và những người ở đó đang không vui, thì bạn hẳn sẽ phân vân “Tôi đã làm gì?”, hay “Chao ôi, tốt hơn tôi nên làm một điều gì đó để làm cho họ cảm thấy vui”. Cho dù bạn đang có một cơn nhức đầu hay đang bị tấn công bởi chán nản hoặc bất cứ điều gì xảy ra với bạn, nếu bạn thấy thoải mái trong hoàn cảnh của bạn, đó là một sự biến chuyển; nó có thể tạo cho người khác một sự thoải máì. Chúng ta có thể tạo cho nhau sự dễ chịu này bằng cách sẵn lòng đối mặt với những sợ hãi, những cảm giác lầm lỗi, sự chán nản mỗi ngày của chúng ta và tất cả những gì đại loại như vậy.

Thực tập Thiền là một phương thức biểu hiện thiện ý để quan sát sự vật một cách rõ ràng không phê phán. Thực tập Tonglen là một phương pháp làm chín muồi Bồ đề tâm của bạn vì hạnh phúc của chính bạn và của mọi người. Hạnh phúc của chính bạn bộc phát ra, tạo cho người khác một khoảng không gian để nối kết với niềm vui, với sự minh mẫn, sự sáng suốt, sự ấm áp của chính họ.

Điểm thiết yếu của thực tập Tonglen là trong mỗi hơi thở vào bạn hãy sẵn lòng nhận những đau đớn, sẵn lòng đón nhận nỗi khổ đau của mọi người. Kể từ hôm nay, bạn sẽ trau dồi sự dũng cảm và lòng nhiệt thành của bạn để cảm nhận những nỗi đau đó trong cuộc sống con người. Bạn thở vào để có thể thật sự hiểu được những gì đức Phật dạy khi Ngài dạy rằng chân lý thứ nhất của cuộc đời là khổ đau. Điều đó có nghĩa gì? Với mỗi hơi thở vào, bạn gắng tìm ra bằng cách nhận thức sự thật về khổ đau, không phải như một lỗi lầm bạn phạm phải, không phải như một hình phạt, mà như một phần điều kiện sinh tồn của con người. Với mỗi hơi thở vào, bạn xem xét kỹ nỗi đau của điều kiện sinh tồn của con người–điều mà bạn có thể nhận thức và tận hưởng thỏa thích chứ không phải để trốn chạy. Tonglen giúp bạn đi đúng đường hướng.

Cái căn bản của hơi thở ra là một phần khác của điều kiện sinh tồn của con người. Với mỗi hơi thở ra, bạn cởi mở. Bạn nối kết với cảm giác vui thích: an lạc, hài lòng, sự nhân ái, bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy trong lành và bổ dưỡng. Đó là một phương diện của điều kiện sống con người mà chúng ta mong ước, nếu chúng ta có thể cuối cùng xóa sạch tất cả những vấn đề của chúng ta, điều đó giống như chúng ta thực hiện việc ăn kiêng hàng ngày. Thực đơn có thể sẽ là: “Chỉ có hạnh phúc. Không có khổ đau ở đây”. Sẽ có tất cả những điều mà bạn nghĩ có thể mang lại cho bạn niềm hạnh phúc bất tận, có thể là hơi ngọt ngào lẫn cay đắng, một ít nước mắt, nhưng rõ ràng là không có sự rối rắm lớn, không có những nơi tối tăm, không có cánh cửa bí mật mà bạn không muốn mở, không có quái vật dưới giường, không có những ý nghĩ xấu, không có sự thịnh nộ, không có sự khinh bỉ, không có sự đố kỵ–rõ ràng là không. Đó là hơi thở ra, một phần của cuộc sống. Bạn nối kết với nó và bạn thở nó ra để nó có thế lan tỏa và có thể được chia sẻ cùng mọi người.

Tất cả những gì bạn cần để thực tập Tonglen là phải có những nỗi đau khổ và niềm hạnh phúc đã được kiểm nghiệm. Thậm chí nếu bạn chỉ có một giây hạnh phúc bạn cũng có thể thực hành Tonglen. Đó là những điều kiện tiên quyết. Nói cách khác, bạn là một con người bình thường với những nỗi đau và những niềm vui, cũng như mọi người khác. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ như những người khác, bạn có thể sẽ thở vào điều lành và thở ra điều xấu. Đôi khi điều đó tạo nên một số ý niệm rõ ràng. Nhưng trên lối đi này, lối đi của những người lính chiến nhiều phiêu lưu mạo hiểm hơn: bạn đang trau dồi lòng không sợ hãi, một trái tim không đóng lại trong bất kỳ tình huống nào; nó luôn luôn mở rộng để bạn có thể tiếp xúc với bất cứ điều gì.

Có một bức họa cổ điển vẽ bánh xe cuộc đời với Yama–vị thần chết– đang cầm giữ bánh xe. Ở trung tâm là sự tham muốn, một con gà trống; sự giận dữ, một con rắn; sự ngu si, một con heo. Các nan hoa của bánh xe tạo nên sáu khoảng hình bánh nhân táo được gọi là lục đạo. Ba cõi thấp là địa ngục, ngạ quỉ (cõi rất đói và khổ) và súc sanh, đầy sợ hãi và si mê. Các cõi cao hơn là nhân gian, A-tu-la và cõi trời. Trong mỗi một cõi này có một đức Phật, mà có thể nói là chính chúng ta. Chúng ta có thể mở rộng tấm lòng chúng ta đến mức chúng ta có thể tiến vào địa ngục, ngạ quỉ, A-tu-la và cõi trời–bất cứ nơi nào. Chúng ta có thể ở đó với tấm lòng của chúng ta, hoàn toàn cởi mở và không hãi sợ. Đó là tâm nguyện của Bồ Tát. Khi trịnh trọng phát thệ nguyện Bồ Tát, chúng ta được ban sự thực tập Tonglen. Điều đó nghĩa là chúng ta thực sự ước muốn không hãi sợ để giúp người khác; chúng ta ý thức rằng chúng ta có nhiều sợ hãi, nhưng chúng ta khao khát tâm hồn chúng ta được tỉnh thức một cách hoàn toàn.

Thở vào, thở ra với cách mà tôi miêu tả, là một kỹ thuật để có thể tỉnh thức hoàn toàn, để có thể giống như một đức Phật trong bất kỳ cảnh giới hiện hữu nào. Nếu bạn bắt đầu nghi nó sẽ như thế nào trong những cảnh giới này, bạn chỉ cần cám ơn những ngôi sao may mắn của bạn rằng bạn không ở trong chúng, nhưng nếu bạn ở đó thì bạn cũng có thể ở đó với một trái tim cởi mở. Bản chất của việc thực tập là thiện ý chia sẻ niềm vui, sự an lạc của cuộc sống trong những hơi thở ra và lòng mong muốn cảm nhận nỗi đau của bạn và của những người khác một cách đầy đủ trong những hơi thở vào. Đó là sự thiết yếu của việc thực tập và nếu bạn chưa từng nhận được hướng dẫn nào khác, chừng đó cũng khá đủ rồi.

Bây giờ là những chỉ dẫn. Bước đầu tiên được gọi là “Phát Bồ đề tâm một cách tuyệt đối, mà cơ bản có nghĩa là cởi mở. Bước thứ hai là đối mặt với những đặc tính trừu tượng của nỗi đau khổ bằng cách nhìn nhận nó như đen tối, nặng nề, nóng nực và thở chúng vào, và đối mặt với những đặc tính của niềm vui bằng cách hình dung nó như trắng, sáng sủa, mát mẽ và thở nó ra. Sự hiểu biết của tôi về giai đoạn này là trước khi bị dính vào vấn đề khó khăn quan trọng thật sự bạn làm việc với những nguyên tắc trừu tượng của nỗi đau và niềm vui, hãy để chúng thực hiện đồng bộ với hơi thở vào và hơi thở ra. Giai đoạn đầu là khoảng không cởi mở. Rồi bạn bắt đầu làm việc với những gì được gọi là sự thực hành liên quan–mang tính người. Tình huống cuộc sống hàng ngày của chúng ta–thở nỗi đau vào, niềm vui ra, đen vào, trắng ra. Rồi bạn tiến sang giai đoạn thứ ba mà thật ra là trọng tâm của sự thực tập. Ở đây, bạn hình dung một tình huống đời sống đặc biệt và liên hệ với nỗi đau của nó. Bạn thở nó vào, cảm nhận nó một cách đầy đủ. Đó là sự trái ngược với sự trốn tránh. Bạn đang hoàn toàn sẵn lòng nhận thức và cảm nhận nỗi đau–nỗi đau của chính bạn, nỗi đau của những người thân yêu hay nỗi đau của những người hoàn toàn xa lạ–và trong hơi thở ra, bạn để cho một ý niệm cởi mở, một ý niệm rộng lượng mênh mông thoát ra.

Nói cách khác, giả sừ có một ai đó trong cuộc đời mà bạn không chịu đựng nổi, chính suy nghĩ về người ấy mang đến tất cả những loại cảm giác khó chịu. Bạn quyết định thực tập Tonglen để làm việc với tình cảm cởi mở, dịu dàng hơn trong tình huống đặc biệt đó. Vì vậy bạn nghĩ về con người đó và đưa đến những cảm giác tệ hại, và khi bạn thở vào, bạn nối kết với chúng–những đặc tính, các cấu tạo và cách chúng bám giữ tâm trí bạn như thế nào, không phải là bạn nghĩ ra chúng, bạn chỉ cảm nhận nỗi đau. Rồi trong hơi thở ra, bạn thư giãn, buông bỏ, cởi mở, làm thông thoáng mọi sự. Nhưng bạn không cần đắm mình trong đó lâu bởi vì khi bạn thở vào lại, nó quay trở lại cảm giác khổ đau. Bạn không bị mắc kẹt hoàn toàn, chết đuối trong đó, bởi vì tiếp theo bạn thở ra–bạn cởi mở, thư giãn và chia sẻ một vài ý niệm thông thoáng trở lại. Có thể bạn muốn bám giữ niềm vui, nhưng rồi bạn thở vào lại. Nó giống như bạn đang học cách tiếp xúc và đi–bạn tiếp xúc rồi bạn buông bỏ. Bạn không chuộng nỗi đau hơn niềm vui hay ngược lại; bạn quay tới và quay lui liên tục.

Sau khi bạn làm việe với một đối tượng đặc biệt trong một thời gian và bạn thật sự đang nối kết với niềm đau và khả năng cởi mở và buông bỏ của bạn, rồi bạn thực tập một bước sâu xa hơn bạn thực tập nó cho tất cả loài hữu tình. Đây là điểm mấu chốt của Tonglen: kinh nghiệm của chính bạn về niềm vui và nỗi khổ trở thành phương cách bạn nhận ra quan hệ họ hàng, tính đồng cảm, tính giống nhau của bạn có thể chia sẻ niềm vui, nỗi khổ của tất cả những người cùng sống, đang sống và sẽ sống. Bạn nhận ra rằng sự khó chịu mà bạn cảm nhận khi bạn nghĩ về con người đặc biệt ấy là điều mà tất cả mọi người đều cảm nhận được và niềm vui mà bạn cảm nhận, ý niệm về khả năng cởi mở và buông bỏ cũng là quyền thừa kế của mọi người. Bạn đang thở vào cũng niềm đau dó, nhưng bây giờ bạn tự nghĩ: “Hãy để tôi cảm nhận nó để không ai trên thế giới phải cảm nhận nó”. Nói cách khác, nó trở nên hữu dụng: “Tôi đau khổ, tôi chán chường, được thôi! Hãy để tôi cảm nhận nó đầy đủ để không ai khác phải cảm nhận nó, để mọi người có thể được tự do thoát khỏi nó”. Nó bắt đầu đánh thức con tim bạn vì bạn có nguyện vọng để nói rằng: “Nỗi đau này của tôi có lợi cho người khác bởi vì tôi có thể đủ dũng cảm để cảm nhận nó một cách đầy đủ để mọi người khỏi phải cảm nhận nó”. Trong hơi thở ra bạn nói: “Hãy để tôi ban phát bất kỳ điều tốt hoặc sự thật nào mà tôi từng cảm nhận, bất kỳ tính hài hước nào, bất kỳ cảm giác vui thú nào khi ngắm nhìn mặt trời mọc và lặn, bất kỳ niềm vui nào trên thế giới, để mọi người có thể chia sẻ và cảm nhận nó”.

Vì vậy trở lại, bước đầu tiên là khơi mở một vài ý niệm cởi mở và thông thoáng, bước thứ hai là làm việc với màu đen vào và màu trắng ra (màu đen tượng trưng cho nỗi khổ và màu trắng tượng trưng cho niềm vui), bước thứ ba là tiếp xúc với điều gì rất thật đối với chúng ta và bước thứ tư là nới rộng nó ra và sẵn lòng thực hiện nó cho tất cả loài hữu tình.

Một điều thú vị xảy ra bất kỳ khi nào tôi đưa ra sự hướng dẫn Tonglen: mọi người đều buồn ngủ. Thật khó nghe vấn để này. Mỗi lần đưa ra chỉ dẫn Tonglen, tôi để ý rằng có ít nhất 3 người hoàn toàn ra đi, những người khác có thể cảm thấy cực kỳ buồn ngủ. Với cùng dấu hiệu đó, khi bạn thực sự bắt đầu thực tập, bạn có thể rơi vào cơn buồn ngủ rất nhiều. Đừng xem đó là một trở ngại. Thực tập này sẽ vẫn giới thiệu cho bạn một ý tưởng rằng bạn có thể cảm nhận cả niềm vui và nỗi khổ–cả hai đều là tất yếu của con người. Nếu người ta sẵn lòng thậm chí trong một giây của mỗi ngày thực hiện ước nguyện dùng nỗi đau và niềm vui của chính họ để giúp người khác, họ thật sự làm được điều đó nhiều hơn thế. Khi bạn trở nên ít sợ hãi hơn, Bồ đề tâm của bạn sẽ chín muồi với những tháng ngày còn lại trong đời bạn. Điều đó đem lại nhiều lợi ích cho người khác.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2010(Xem: 5517)
Vào những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Đông bắc Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh hành ở Tây phương.
04/09/2010(Xem: 6479)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 6042)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
28/08/2010(Xem: 10391)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
28/08/2010(Xem: 5043)
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.
14/06/2010(Xem: 3950)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này
15/05/2010(Xem: 7077)
Người học Phật chúng taai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
14/05/2010(Xem: 7850)
thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại. Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố qu
09/05/2010(Xem: 13865)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]