Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

29. Kinh Điềm lành tối thượng

12/11/201017:04(Xem: 9365)
29. Kinh Điềm lành tối thượng


29. KINH ĐIỀM LÀNH TỐI THƯỢNG

Bài kinh "Điềm lành tối thượng" nói về nếp sống học pháp và hành pháp của người Phật tử, một nếp sống thiết thực, có cân nhắc chọn lựa giữa thiện và bất thiện:một nếp sống cung kính khiêm tốn, biết làm tròn các bổn phận; một nếp sống không phóng dật, biết điều phục thân tâ, hướng đến Thiền định và trí tuệ.

Bài kinh này (kinh số IV, Phẩm Nhỏ, Kinh Tập) do đức Phật thuyết giảng cho một vị này đến hỏi Ngài về ý nghĩa của điềm lành. Sau đây là câu hỏi của vị Thiên nhân:

"Nhiều thiên nhân và người
Suy nghĩ đến điềm lành
Mong ước và chờ đợi
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng".

Như vậy, điềm lành là niềm mong ước và chờ đợi của tất cả mọi người. Cả chư Thiên và loài Người đều mong ước và chờ đợi điềm lành, đúng như lời vị Thiên nhân đã nói. Nhưng điềm lành ấy là gì? Đó là một nếp sống an toàn và an lành, đáp ứng lòng tha thiết của mọi người. Quả vậy, tất cả mọi người chúng ta đều mong ước và chờ đợi một nếp sống an toàn. Nhưng nếp sống an toàn sẽ không tự dưng đến với chúng ta nếu không được nuôi dưỡng và xây dựng tốt cả mọi người chúng ta. Và đó là lý do vì sao đức Phật giảng dạy kinh Điềm lành của người Phật tử, mà chúng tôi sẽ lần lượt trình bày sau.

Trước hết điềm lành thứ nhất là:

"Không thân cận kẻ ngu
Nhưng gần gũi bậc trí
Đảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng".

Điềm lành tối thượng đầu tiên mà người Phật tử cần nuôi dưỡng là thái độ chọn lựa giữa kẻ ngu và bậc trí để giao thiệp, thân cận, người ngu thời xa lánh, bậc trí thời gần gũi. Đây là thái độ hết sức căn bản nhằm xác định người nào nên theo, cũng như pháp nào nên theo, pháp nào cần từ bỏ. Người trí tiêu biểu cho tiếng nói của Chánh pháp, thiện hạnh, đạo đức, do đó là người nên theo, nên gần gũi, thân cận. Kẻ ngu tiêu biểu là tà pháp, ác hạnh, phi đạo đức, do đó cần xa lánh, không nên gần gũi. Đây là điềm lành thứ nhất mở đường cho nếp sống thiện, nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của người Phật tử.

"Học nhiều nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng".

Một điềm lành khác mà người Phật tử cần nuôi dưỡng ấy là về phương diện học tập và rèn luyện cho thật giỏi. Để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, người Phật tử cần phải nỗ lực học tập thật nhiều cũng như cần phải nắm vững tay nghề của mình và không ngừng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Học tốt làm tốt rồi, người Phật tử cũng cần nói lời tốt đẹp nữa. Đó là điềm lành tối thượng thứ hai vậy.

Điềm lành tiếp theo đây là:

"Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng".

Đây là điềm lành nói về trách nhiệm và bổn phận của một người Phật tử sống tại gia đình, có trách nhiệm chăm lo đời sống cho vợ con và bổn phận đối với cha mẹ khi cha mẹ tuổi già. Là người Phật tử thì trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ, vợ con là hết sức quan trọng. Gia đình có hạnh phúc hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi thành viên trong gia đình có làm tốt trách nhiệm và bổn phận của mình đối với gia đình hay không. Dĩ nhiên, trách nhiệm và bổn phận sẽ tùy thuộc vào vị trí và vai trò của từng thành viên trong gia đình mà có sự sai khác. Ở đây vì nhấn mạnh đến vai trò chủ quản của người Phật tử ở trong gia đình nên trách nhiệm và bổn phận của vị ấy là chăm sóc nuôi dưỡng vợ con và phụng dưỡng cha mẹ. Bởi có trách nhiệm chăm lo đời sống cho cha mẹ vợ con nên người ấy cần có công ăn việc làm ổn định. Người ấy cần làm việc với nghề nghiệp hợp pháp, đúng pháp. Vị ấy không nên vì bất cứ lý do gì mà làm các nghề nghiệp không hợp pháp khiến gây bất an cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Trong trách nhiệm nuôi dưỡng vợ con thì người Phật tử không những phải chăm lo đầy đủ các tiện nghi vật chất cho vợ con, mà còn phải chú ý đến đời sống tinh thần của vợ con nữa. Người Phật tử cần dành thì giờ để chăm lo việc giáo dục con cái, hướng dẫn trở thành những đứa con ngoan, những học trò giỏi. Người ấy cần vui vẻ, hòa thuận với vợ mình trong mọi công việc và đặc biệt, cần lắng nghe và tham khảo ý kiến của cha mẹ trong nhiều trường hợp. Đó là dấu hiệu của điềm lành tối thượng dành cho những ai khéo cư xử tốt trong các trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình.

Một điềm lành khác:

"Bố thí, hành đúng pháp
Săn sóc các bà con
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng".

Ngoài các quan hệ có tính cách gia đình ra, người Phật tử cũng cần có những quan hệ khác như quan hệ với bà con thân hữu, quan hệ với mọi người ở trong xã hội. Ở đây, một điềm lành khác chờ đợi người Phật tử đó là việc bố thí đúng pháp và săn sóc các bà con thân thuộc khi những người này cần đến sự giúp đỡ của mình. Trong trường hợp này, người

Phật tử cần có thái độ hoan hỷ và thiệp vì đây là những quan hệ khá tế nhị. Việc bố thí không những cần đúng pháp, đúng đối tượng, mà cũng cần đúng lúc, đúng thời và cần được làm với một tâm tư hoan hỷ, trân trọng. Tương tự, việc săn sóc, giúp đỡ các bà con cũng cần được tiến hành với các tinh thần trên thì mới có kết quả tốt đẹp, lợi mình, lợi người. Mọi việc làm của người Phật tử cần phải được làm một cách đúng pháp, không lỗi lầm thì kết quả mới tốt đẹp. Đó là dấu hiệu của điềm lành tối thượng vậy.

Một điềm lành khác nữa:

"Chấm dứt, từ bỏ ác
Chế ngự đam mê rượu
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng".

Đây là điềm lành nói về sự tu tập cá nhân, không phóng dật trong cuộc sống, từ bỏ điều ác và chế ngự sự đam mê cờ bạc, rượu chè. Có thể nói đây là các đức tánh hết sức căn bản nhằm xây dựng nhân cách tốt đẹp cho người Phật tử, bởi vì người Phật tử là người luôn luôn gương mẫu trong nếp sống không phóng dật, nếp sống từ bỏ điều ác, làm các điều lành và nếp sống không chạy theo rượu chè, cờ bạc. Không phóng dật tức là không để cho thân, khẩu, ý tự do hoạt động theo sở thích của mình, mà ngược lại, cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm soát thân, khẩu, ý, không để chúng rơi vào các hành vi ác, bất thiện. Chấm dứt hay từ bỏ ác có nghĩa là xa lìa các hành động ác, bất thiện như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến. Đây là nếp sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử nhằm xây dựng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Chế ngự đam mê rượu chè là nếp sống thông minh, sáng suốt của người Phật tử. Bởi rượu chè làm cho con người mất đi bản tính sáng suốt, thiếu tự chủ trong mọi hành động, dẫn đầu nhiều hậu quả tai hại. Do đó, người Phật tử kiên quyết không uống rượu hay các chất say tức là đang sống một đời sống tỉnh táo, sáng suốt, có thể nhìn rõ mọi sự bằng cặp mắt bình thường của mình, chớ không phải bằng con mắt quờ quạng, bệnh hoạn. Vì cuộc sống vốn đã quay cuồng rồi, cần phải tỉnh táo sáng suốt hơn, chớ không nên góp phần làm cho thêm quay cuồng nữa!

Tiếp theo là điềm lành nói về thái độ nghe pháp, thái độ cung kính khiêm tốn và thái độ cung kính khiêm tốn và thái độ biết đủ, biết ơn của người Phật tử:

"Kính lễ và hạ mình
Biết đủ và biết ơn
Đúng thời nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng".

Là người Phật tử thì việc học pháp, nghe pháp hết sức cần thiết để nuôi dưỡng tuệ đức cho cá nhân và đóng góp tiếng nói trí tuệ cho con người và cuộc đời. Bởi trí tuệ là sự nghiệp lớn, giải thoát con người và cuộc đời khỏi mọi sai lầm, tối tăm do lòng dục, lòng sân và lòng si gây nên. Vì việc nghe pháp nhắm pháp triển trí tuệ nên rất quan trọng đối với người Phật tử; có nghe pháp và hành pháp thì trí tuệ mới phát sinh. Thiếu hoặc không nghe pháp, giống như người đi trong đêm tối rất khó định hướng, lối đi của mình. Đạo Phật đề cao trí tuệ, xem trí tuệ là ngọn đèn soi sáng hướng đi giải thoát của người Phật tử, giống như ngọn hải đăng luôn soi tỏ hướng đi của các con tàu vậy. Ngoài việc nghe pháp, phát triển trí tuệ, người Phật tử cần nuôi dưỡng thêm các đức tính như lòng cung kính khiêm tốn, thái độ biết đủ, biết ơn đối với cuộc đời vậy. Đây là các đức tính đặc biệt của người Phật tử, bởi sự khiêm cung luôn là sức mạnh chinh phục mọi kiêu căng, ngã mạn của con người, thái độ biết ơn là lòng thủy chung cao đẹp; và mọi cám dỗ của tham dục. Cuộc sống đang ra sức cám dỗ con người bằng nhiều hình thức hấp dẫn và phương tiện tinh vi, nếu không nhận ra sự thật của lòng dục (nghĩa là vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các dục) thì con người khó lòng thoát khỏi sự chi phối của lòng dục. Vì các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hại càng nhiều. Do đó thái độ sống biết đủ của người Phật tử đối với các nhu cầu cuộc sống chính là mũi tên phá vỡ mọi ràng buộc cám dỗ của tham dục đang nô lệ hóa con người vậy.

Các đức tính khác như nhẫn nhục, nói lời hòa nhã, yết kiến các Sa môn, và bàn luận chánh pháp cũng là điềm lành cần được nuôi dưỡng của người Phật tử:

"Nhẫn nhục lời hòa nhã
Yết kiến các Sa môn
Đúng thời, bàn luận pháp
Là điềm lành tối thượng".

Các đức tính này tỏ cho thấy người Phật tử là người có hành trì pháp và tôn trọng pháp. Bởi có hành trì pháp, tôn trọng pháp, người Phật tử mới có các đức tính nói trên. Thái độ nhẫn nhục là thái độ của người Phật tử biết kham nhẫn mọi phiền toái của cuộc đời không để cho cuộc đời lung lạc bởi sự khen chê, tốt xấu. Với sự nhẫn nhục đúng pháp, người Phật tử nhìn cuộc đời một cách an nhiên tự tại, không vui khi được khen, không buồn khi bị chê. Vị ấy đón nhận mọi việc với lòng thanh thản, thản nhiên. Người Phật tử cũng là người khéo nói với lời từ tốn, hòa nhã vì "Lời nói không mất tiền mua". Vậy vì sao không tìm lời tao nhã để nói với nhau? Một lời nói tao nhã, lịch sự không những để gây cảm tình với người khác mà còn khiến cho nhân cách người nói được nâng cao. "Yết kiến các Sa môn và bàn luận chánh pháp": Vì các Sa-môn là những vị sống tùy thuận pháp và hành trì pháp. Do vậy, yết kiến Sa-môn, bàn luận chánh pháp với các Sa-môn, là điềm lành tối thượng của người Phật tử có học pháp và hành pháp vậy.

Điềm lành tiếp theo là:

"Khắc khổ và Phạm hạnh
Thấy được lý Thánh đế
Giác ngộ quả Niết-bàn
Là điềm lành tối thượng".

Đây là điềm lành đòi hỏi nhiều thực hành, thực sâu của người Phật tử trong giáo pháp giải thoát của đức Phật. Các việc như sống Phạm hạnh kham khổ, thấy lý Thánh đế, giác ngộ quả Niết-bàn là những việc khó làm, nhưng đó cũng là các mục tiêu cần hướng đến của người Phật tử, Phạm hạnh là nếp sống chuyên sâu vào việc thực hành Giới Định Tuệ, là nếp sống thanh tịnh về giới đức, từ bỏ hay xa lìa các dục, các ác pháp, bất thiện pháp để đi vào Thiền chứng; còn sự phát triển trí tuệ giải thoát nhằm đoạn trừ các phiền não, lậu hoặc, chấm dứt sinh tử khổ đau. Thấy lý Thánh đế tức là thấy rõ về bốn chân lý: khổ, khổ đoạn diệt, và con đường đưa đến khổ diệt. Thấy rằng sanh, già, bệnh, chết là khổ; sự có mặt của thân ngũ uẩn là khổ, thấy rõ ái là nguyên nhân đưa đến sự khổ đau tập khởi, thấy rõ ái diệt là khổ diệt, thấy rõ Bát Chánh Đạo là con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Giác ngộ quả Niết-bàn tức là giác ngộ quả vị tối thượng Bồ-đề của chư Phật. Rõ ràng người Phật tử sống tại gia khó hoàn thành trọn vẹn đời sống Phạm hạnh với các sở hành, sở chứng nói trên. Tuy nhiên, đây là các mục tiêu mà người Phật tử cần nhắm đến, nhất là việc giữ gìn các giới đức (ngũ giới, thập thiện giới), và hành Thiền là hết sức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của người Phật tử.

Một điềm lành khác nữa chứng tỏ nếp sống có hành trì Thiền định của người Phật tử:

"Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng."

Thiền là nếp sống điều hòa thân tâm dựa trên pháp môn Anàpànasati (quán hiệm hơi thở) của đức Phật. Thiền bắt đầu bằng việc xa lìa các dục, các ác pháp, bất thiện để tập trung năng lực vào việc theo dõi và giác tỉnh về các đối tượng. Có hai đối tượng chính đề bạt trong Thiền là niệm hơi thở ra vào và giác quán 16 đề tài về thân thọ, tâm và pháp. Cốt yếu của Thiền dẫn đến sự an tịnh của thân tâm, khi thân tâm đã tịnh thì hành giả sẽ tập trung niệm vào 16 đề tài Thiền quán để tiếp tục nuôi dưỡng niệm và để phát triển trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp; nhằm cắt đứt tâm tham ái - chấp thủ. Dĩ nhiên, Thiền là pháp môn đơn giản nhưng không dễ làm, bởi Thiền đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì thường xuyên của người thực hành. Người Phật tử chúng ta nên xem Thiền là pháp môn căn bản cho sự tu tập của mình. Đặc biệt là cần phải áp dụng Thiền vào đời sống hằng ngày như là một sinh hoạt thường nhật. Ban đầu tuy khó khăn nhưng hãy tập, tập nhiều lần rồi mọi khó khăn sẽ qua đi, cho đến lúc chúng ta nhận ra Thiền là sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhờ có Thiền, khi xúc chạm với mọi việc ở đời, tâm tư người Phật tử sẽ không bị khuấy động, không sầu muộn, không bị uế nhiễm và hoàn toàn được an ổn. Đó là điềm lành tối thượng của sự thực hành Thiền định mà người Phật tử đạt được trong giáo lý cùa đức Phật.

Điềm lành sau cùng, tóm tắt toàn bộ các điềm lành như đã trình bày:

"Làm sự việc như vậy
Không chỗ nào thất bại
Khắp nơi được an toàn
Là điềm lành tối thượng".

Tóm lại, Kinh "Điềm lành tối thượng" trên đây được trình bày như là nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của người Phật tử. Đây là điều mong mỏi của chúng tôi khi trình bày với quý vị bài kinh này. Mong rằng quý vị Phật tử chúng ta hãy yên tâm tin tưởng nhiều hơn về nếp sống thiện, nếp sống bỏ ác làm lành của mình. Bởi vì, khi chúng ta làm lành thì không những tự thân chúng ta được hạnh phúc an lạc mà ngay cả người khác cũng được hạnh phú an lạc nhờ những ảnh hưởng bởi nếp sống làm lành của chúng ta. Một người sống làm lành, một gia đình được hạnh phúc an lạc. Một gia đình sống làm lành, một khu phố được thêm bình yên, loại bỏ các tệ nạn xã hội. Một thành phố trông chờ các khu phố bình yên. Nhưng tất cả sẽ tùy thuộc vào nếp sống làm lành của mỗi người chúng ta.

Chúng ta làm lành đồng thời khuyên người khác cũng làm lành. Có làm thời có kết quả. Nếp sống làm lành của người Phật tử chúng ta được ví như bông hoa tươi đẹp, vừa có sắc lại vừa có hương, hân hoan, thích thú như đức Phật từng dạy:

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm có kết quả". (Kinh Pháp cú)

Bông hoa tươi đẹp dự báo một hương sắc tinh khiết đối với người trồng hoa cần mẫn. Cũng vậy, điềm lành tối thượng của Phật tử dự báo một nếp sống hạnh phúc an lạc đối với người Phật tử chuyên tâm học pháp và hành pháp. Mọi khả năng đều nằm sẵn trong bàn tay của chúng ta, trông chờ sự quyết tâm, nỗ lực thực hành của mỗi người chúng ta. Đã qua rồi các thời đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi hạnh phúc là gì và đạo đức là gì? Ngày nay, không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã hiểu rõ hạnh phúc không thể trông chờ người khác và đạo đức không chỉ là sự cổ vũ, đề cao các giá trị nhân bản trên sách báo, hoặc trong các bài diễn văn mang tính chuyên đề. Cuộc sống hiện đại không cần thêm lượng tri thức về hạnh phúc và đạo đức. Cuộc sống hiện đại trông đợi nhiều những biểu hiện của đạo đức và hạnh phúc nơi mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi xã hội.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/05/2024(Xem: 57)
Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.
16/04/2024(Xem: 226)
Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
16/03/2024(Xem: 1257)
Nam Mô có nghĩa là Trở về A, nghĩa là: vô Di Đà, nghĩa là: Lượng Phật, nghĩa là Giác, tánh biết Niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là “ trở về với tánh giác vô lượng của bản thân mình, đó là A Di Đà tánh, là ông Phật của chính mình” Cứu cánh của Pháp môn Tịnh Độ là đạt tới điểm chung của Thiền cũng là khám phá ra ông chủ của mình . Tịnh Độ là ông Phật của chính mình chứ không phải ở ông Phật Tây Phương Cực Lạc. 🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
20/01/2024(Xem: 709)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
18/11/2023(Xem: 3504)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
23/10/2023(Xem: 4643)
Hôm nay là ngày 21/11/2020, là một ngày đáng để kỷ niệm. Từ hôm nay trở đi tôi bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, nguyện đem công đức này hồi hướng cho lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không. Báo đáp ân sư ơn tri ngộ, Y giáo phụng hành an lòng Thầy. Ân pháp nhũ thật khó báo đáp, Toàn tâm toàn lực hoằng đại kinh. Thỉnh cầu ân sư thương xót chúng sanh khổ mà trụ thế độ quần manh! Chúng ta đều làm học trò ngoan biết nghe lời. Hôm nay là ngày 21/11/2020, là ngày kỷ niệm Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tròn 8 năm, chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, lấy việc này biểu đạt sự tưởng nhớ và cảm ân sâu sắc của chúng ta dành cho Bồ-tát Lưu Tố Thanh.
18/04/2023(Xem: 3697)
Lời Giới Thiệu Sách “Nhân Hạnh Vãng Sanh” của Trí Khiêm
09/04/2023(Xem: 2278)
Trong quá trình chiến tranh Hoa Nhựt, một mặt Vương triều Nhật Bản muốn thiết lập một nền cai trị Đại Đông Á thống trị vùng Bắc Á và Đông Nam Á để khống chế về thu nhập tài nguyên kinh tế cho bản địa: Một mặt không phải người Nhật nào cũng muốn gây chiến tranh với các nước láng giềng, mà cần có sự giao lưu về văn hóa, văn học, tôn giáo, nên một số đông người Nhật đến Trung Hoa nghiên cứu học hỏi văn hóa lâu đời vào hàng thứ nhứt trên thế giới, văn hóa Khổng, văn hóa Lão Trang, văn hóa Phật Giáo, trong đó có giao lưu văn hóa Phật Giáo. do đó trong lĩnh vực hiệp hội Phật Giáo Trung Hoa do Đại sư Thái Hư sáng lập có những thành viên là người Nhựt, nên vấn đề ảnh hưởng các tông, phái Thiền Tịnh dành cho những người tu Phật của Phật
14/03/2023(Xem: 5740)
Trong xã hội bận rộn ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, và đã đến lúc chúng ta cùng thư giãn, chú trọng đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Cách thực hành dễ nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất là cùng Headspace, 10 phút thiền định mỗi ngày để thay đổi cuộc sống. Với những kiến thức mới về thiền trong bộ sách 3 cuốn rất mỏng và dễ đọc để ứng dụng này, chúng ta chắc chắn có lối sống tích cực, vui vẻ hơn và bình an hơn. Bộ sách gồm 3 cuốn mang đến những lợi ích khác nhau, từ quản lý sự căng thẳng đến trân trọng và biết ơn cuộc sống. Hướng dẫn những kỹ thuật căn bản nhất về thực hành thiền là mấu chốt để thay đổi cuộc sống của bất cứ ai may mắn đọc sách này.
20/10/2022(Xem: 2095)
Niệm Phật, cuối cùng thì bạn cũng đã đến đây! Cuối cùng thì bạn cũng đã bắt đầu khởi tâm tìm đường về “nhà”, sau biết bao nhiêu trầm luân, khổ hải của kiếp nhân sinh. Hết thảy những ai tìm đến niệm Phật, cũng đều là bởi một trong những nguyên nhân sau đây. Có phải bạn cũng thế hay không? Nghèo khó, gia đình suy vi khổ lụy, vợ con nay yếu mai đau, cửa nhà thiếu trước hụt sau. Bệnh nặng lâm thân, mà thuốc thang dây đưa không khỏi, mạng sống mong manh sớm tối. Cuộc sống bế tắc, gia đình bất hòa, anh em hoặc vợ chồng chẳng thuận, con cái ngỗ nghịch.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567