Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ẩn Tu Ngẫu Vịnh (thơ)

06/11/201010:42(Xem: 23650)
Ẩn Tu Ngẫu Vịnh (thơ)






ht thich thien tamHT Thích Thiền Tâm



Ẩn tu nào phải cố xa đời !
Mượn cảnh u-nhàn học đạo thôi !
Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng
Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.

Ẩn tu cảm xót biển trần-ai !
Sóng gió trầm luân mãi lạc loài
Thân khổ kiếp người muôn nỗi khổ !
Nghiệp đời vay trả, trả rồi vay !

Ẩn tu hôm sớm niệm Di Đà
Lòng lặng mười muôn chẳng cách xa
Canh vắng giường thiền khi mãn định
Hoa sương cười nụ dưới trăng tà.

Ẩn tu uổng tiếc bạn đồng hành !
Nói lý cao huyền đắm lợi danh !
Già, bịnh, đoạ sa, không phản tỉnh
Bóng câu mấy nỗi thoáng bên mành !

Ẩn tu cõi tịnh nhẹ buông hồn !
Tưởng quán trời Tây nhớ Bảo-thôn
Ráng đỏ sắp đưa, vầng Nhật-lặn
Phất phơ tà áo gió hoàng hôn.

Ẩn tu bền chí giữ công phu
Ba cõi không an lửa ngục tù !
Ngũ-dục, Hoàng-lương say gối mộng
Kiếp người dường một thoáng phù du !

Ẩn tu riêng chạnh nỗi riêng mình
Túc trái gây nên, mối bất-bình
Tích phước tu-hành rồi tạo nghiệp
Cánh bèo trôi giạt biển phù sinh.

Ẩn tu tưởng lại quả đời nay
Bao lớp gian truân nỗi đoạ đày !
Ẩn nhẫn trả xong tròn nghiệp trước
Dấu hồng chuyện cũ tuyết mờ bay !


Ẩn tu nhớ đến đức sanh thành
Lắm lúc vì con chẳng tạo lành
Con lớn Mẹ Cha oằn gánh nghiệp
Bảo châu đền đáp cũng mong manh !


Ẩn tu nguyện trả nghĩa song đường
Hồi hướng công phu mỗi khoá thường
Lại khuyến nghiêm-từ tâm đạo phát
Nương thuyền Phật huệ đến Tây-phương.


Ẩn tu cửa đạo trải bao năm
Kinh nghiệm nhiều phen vẫn lạc lầm
Quen lắm lại càng thêm việc lắm
Cung đàn Hạ-Lý, mấy tri âm ?

Ẩn tu ngùi ngậm bạn chung sơ
Nối gót ra đi chẳng hẹn chờ
Ngàn dặm cố nhân hồn lẫn vẫn
Mười năm việc cũ nửa phai mờ !


Ẩn tu ưu cảm bởi nhơn tình
Điên đảo luân thường lại sát sinh
Khiến lắm tai trời thêm ách nước
Vầng hồng xế bóng sắp tây khuynh.


Ẩn tu xét thấy chốn Tăng-Già
Ganh-hại thị-phi lắm bất hoà !
Danh vị, chùa chiền tranh đệ tử
Ưu Đàm, Lan Huệ héo mầm hoa.


Ẩn tu rõ biết chuyển cơ trời !
Nhân-quả lọc thanh đạo với đời !
Tai biến dập dồn trăm cảnh chết
Núi xương sông máu, thảm đầy vơi !


Ẩn tu nghĩ muốn thoát dòng mê !
Vững lái phong ba lúc nặng nề
Niệm Phật, niệm Tâm, tâm niệm Phật
Mây tan thấy rõ lối đi về.


Ẩn tu Tín, Nguyện Niệm hồng danh
Thời mạt chướng sâu đạo khó thành
Chờ đến Liên-bang lên pháp-nhẫn
Đem thuyền Bát Nhã độ quần sanh.


Ẩn tu Hoa Tạng mến môn huyền
Muốn kết Dao-đài hội Thắng Liên
Theo bước Đàm-Loan chơi bảo-các
Bích Câu lạc dấu, Giáng-Kiều tiên.

Ẩn tu tế độ chẳng quên lòng !
Bi, Trí đôi đường phải suốt thông
Y sĩ nhân tâm dù đã sẳn
Còn rành nhân thuật mới thành công !


Ẩn tu chi quản nệ công-lao
Mà chẳng tuyên dương tiếng Hải-trào
Sông lớn khơi nguồn từ núi thẳm
Xuống trần càng đục biết làm sao ?

Ẩn tu Không có, Có mà Không !
Phương tiện, từ bi khó biết lòng !
Ngôn thuyết hãy còn Thân thuyết-pháp
Sấm mưa ẩn hiện bóng Thần Long.

Ẩn tu mây trắng nhẹ phiêu diêu
Uốn khúc sông-in giãi lụa chiều
Thanh thoát gió chim reo nhạc Phật
Lầu-Tần không lại lắng hơi tiêu.

Ẩn tu an tĩnh chốn cao nguyên
Hoa cảnh lòng trăng đẹp dịu hiền
Mây núi điệp trùng đêm tịch tịch
Câu Kinh tiếng Phật lại triền miên !

Ẩn tu tịnh thấy cảnh am mây
Thanh tuấn thiền sư dáng huệ gầy
Kiếp trước Đạo Dung là tớ đó
Mà nàng Thiên Thụy hỏi ai đây ?

Ẩn tu dũng-tướng nhớ thời xa
Hoàng-tộc triều Lê điện Thái-Hoà
Vì Trịnh – Tú – Loan duyên trái khiến
Nửa chừng xuân gảy gánh tài hoa !


Ẩn tu được biết kiếp lâu xa
Từng ở Thiên cung cõi Đại La !
Đại Phước Lão-tiên là bạn cũ
Xuống tìm học Phật lạc mê hà.

Ẩn tu luân chuyển nghĩ bao đời !
Thân-thế bèo đưa, sóng nghiệp trôi !
Lỗi bởi tâm mình chưa chuyển vật !
Những riêng thương thẹn khó nên lời.


Ẩn tu nương tựa ánh từ quang
Lần lữa trần tâm lắng nhẹ tan
Năm tháng luyện thuần trâu hoá trắng
Sáo thanh một khúc cỏ hoa nhàn.


Ẩn tu gió mát toả gương nga
Tĩnh-thất cài then tụng Pháp-Hoa
Bừng sáng thân tâm hoà ánh nguyệt
Tầm Dương bổng dứt hận Tỳ Bà !


Ẩn tu niệm Phật cảnh sâu huyền !
Trong sáng linh hư hợp Tịnh, Thiền
Không hữu đều tan, Trung đạo dứt
Hoa vàng chợt nở Bảo trì liên !


Ẩn tu niệm dứt tướng vào ra
Không thấy thân tâm Phật với ta
Thanh thoát rõ rành vang Thánh-hiệu
Trăm hoa đua sắc tiếng Oanh ca.


Ẩn tu niệm chẳng thánh cùng phàm
Mắt huệ can chi dính mạt vàng ?
Hữu tướng tức đồng Vô tướng niệm
Chân Không huyễn sắc khắp bao hàm.


Ẩn tu tuy biết ý cao siêu
Mà chẳng thích ưa lý luận nhiều
Căn tánh người nay đà kém loạn
Nói hay làm phỏng được bao nhiêu ?


Ẩn tu ngại lỗi luận đua tranh
Nói cũng vì người thuyết khác hành
Thái cực ai-phân nhơn-ngã đó
Lạnh lùng huyễn lợi với hư danh !

Ẩn tu suối bạc ánh màu ngân
Muốn gẫm gần xa chuyện túc nhân
Người cảnh ai bày vui với khổ
Hoa trăng cười cợt ý bâng khuâng.


Ẩn tu thôi mặc dở hay đời
Chỉ ước lâm chung dự biết thời
Nương nguyện Phổ-Hiền sanh Cực-Lạc
Rồi dong thuyền độ khắp nơi nơi.

Ẩn tu an phó bịnh suy già
Nhơn thế xưa nay vẫn thế mà
Giữ chắc hồng-danh thuyền tế độ
Muôn trùng bao quản ngọn phong ba !


Ẩn tu suy gẫm sức hồng danh
Phước huệ tăng-kỳ kết tụ thành
Sáu chữ chí tâm tiêu vạn tội
Một câu chín phẩm thoát siêu sanh.


Ẩn tu tuy chửa đến Tây Phương
Cành ngọc chim linh ứng mộng thường
Rõ biết tâm lành sanh cảnh tịnh
Quả nhân cảm hiện lẽ chiêu chương.


Ẩn tu niệm Phật suốt thâu canh
Cam lộ từ răng đượm ngọt thanh !
Khát nước đã nhờ công đức thuỷ
Lam Kiều chi nhọc hỏi Vân Anh ?


Ẩn tu chợt nhớ Hổ Khê xưa !
Suối bạc non xanh đệ nhứt thừa
Một giống Bạch Liên truyền đất Việt
Hương sen còn đậm hạt thu mưa !

Ẩn tu riêng mến đạo Đông Lâm
Biển Phật thuyền Sen thật chẳng lầm
Liên lậu trước chùa ghi nhựt khoá
Đến nay còn dậy khúc Thanh âm.

Ẩn tu trần niệm chẳng còn dư
Kinh điển dường quên, tám vạn tư
Chẳng biết Lư Sơn mày mặt thật
Chỉ nhân mình ở tại non Lư.

a) Ẩn tu nghĩ chuộng sắc thanh-duyên
Thanh sắc đâu bằng cõi Bảo Liên
Sắc rực ánh vàng thanh suối ngọc
Tô Đà hương phạn lại tham thiền.

b) Ẩn tu nghĩ kẻ sắc thanh tranh
Thanh sắc đâu bằng cõi Thái Thành
Sắc đẹp ba hai thanh phạm tám
Ăn xong thiền duyệt lại kinh hành.

Ẩn tu khuyên khách mến giang hồ !
Nên học Liên phương niệm Phật đồ
Về cõi Bảo Hoa đi dạo khắp
Muôn trời tịnh diệu nét Xuân tô !

Ẩn tu lòng đạo sáng gương rằm
Bạn Cúc quê vàng cảnh vắng tâm
Cây biếc mây hồng che tĩnh xứ
Khói sương vùi dập mấy mươi năm.

Ẩn tu Lan-Nhã ngắm tư bề
Ríu rít mây chim tiếng gọi về
Dâu biển người đời thương biến đổi
Đâu hay muôn cảnh vốn Bồ đề.


Ẩn tu nhớ dạy Tịnh Liên Hoa
Trí Giả nguyên là Phật Thích Ca
Lại có Vĩnh Minh cùng Thiện Đạo
Tương truyền thân hóa của Di Đà

Ẩn tu thấy nói Tổ bên Thiền
Long Thọ, Mã Minh chứng đạo huyền
Đều tín Liên tông khuyên NIỆM PHẬT
Sao hàng hậu học tạo khinh duyên ?


Ẩn tu thương nghĩ cánh Nam tông
Tịnh độ cho là pháp viễn vông
Bác phá Đại thừa phi Phật thuyết
Yến Ly đâu biết dấu chim hồng ?

Ẩn tu ngẫm diệu đạo Liên trì
Căn tiểu thừa nghi chẳng lạ gì ?
Thượng đức năm ngàn Linh Thứu hội
Thành quân bại Bắc rút lui đi.


Ẩn tu chán kẻ nói loanh quanh
Đem hiệu Di Đà phối ngũ-hành
Bao-tử giả là ao Thất-bảo
Phật lành niệm Phật để làm danh !


Ẩn tu than kẻ chấp ly kỳ
Không sắc thật quyền chẳng biết chi
Bảo Phật gỗ, đồng không độ lửa
Còn thân Phật đất, nước tan đi.

Ẩn tu chẳng ngại hung yêu ma
Vì để biệt phân chánh với tà
Chỉ sợ cửa không hàng phá Kiến
Dắt người lầm lạc khó nhìn ra.

Ẩn tu thời mạt nhớ Kinh ghi
Học đạo muôn ngàn ít ngộ kỳ
Duy niệm Hồng-danh cầu Tịnh-độ
Hiện đời giải thoát rất ly-kỳ.


Ẩn tu xót kẻ học Như Lai
Thiền, Tịnh, thị phi chấp trước dày
Kiên cố đấu tranh đà hiện rõ
Đạo đời phân hóa cảnh thời nay.

Ẩn tu ý Tổ cảm thông tri
Bi trí tuỳ cơ độ Mạt-thì
Đâu phải chấp đua như thế tục
Mà riêng khen Tịnh đạo huyền vi.


Ẩn tu thời mạt nhớ câu than
Đức Tín Tỳ Kheo kém Thiện-nam
Cư-sĩ lại thua hàng tín-nữ
Thiên Như huyền ký để lời vàng.

Ẩn tu lòng đạo muốn tăng cao
Phải quán tam đồ khổ lớn lao
Phát ý Bồ đề siêng niệm Phật
Bởi cơ nước lửa sắp dâng trào.

Ẩn tu nhìn khắp cảnh ban mai
Người vật ra đường chim nhảy bay
Tất cả chỉ vì lo vóc huyễn
Nhọc, già, bịnh, chết mấy ai hay?

Ẩn tu tục luỵ thấy muôn mầu
Trong cảnh giàu sang dễ bạc đầu
Việc đắc ý nên dừng nghĩ lại
Kiếp trần tạm gởi được bao lâu.

Ẩn tu nhìn thế loạn đường tơ
Các nước phân tranh rối cuộc cờ
Đạo-pháp vang hồi chuông cảnh tỉnh
Mộng thành sấm dậy chẳng tan mơ.

Ẩn tu niệm Phật gọi Liên-hương
Khắp nguyện đồng lên Tuyển-Phật trường
Hoàng Hạc lầu mây lòng chẳng tưởng
Non Tiên ba cõi vẫn vô thường.

Ẩn tu thường thấy hạng ngu thành
Niệm Phật thiện chung hoặc vãng sanh
Khiến nghĩ làng tu huyền luận giỏi
Bởi đâu khi tịch chẳng an lành?
Ẩn tu hằng tự nhủ riêng lòng (mình)
Đã biết đường Tây phải gắng công
Bình nhựt là nhân như chẳng thật
Lâm chung quả có nở Sen hồng.

Ẩn tu quyết chí gạt trần tình
Mặc nỗi khen chê lẫn bất bình
Sức yếu phải cam phần kém yếu
Tình đời ví nhẹ đạo tâm sinh.

Ẩn tu tưởng đến cảnh Lê-viên
Điệu múa Nghê thường đẹp áo Xiêm
Kim cốc sanh ca dìu dặt trổi
Mà nay suông lạnh ánh thu thiềm !

Ẩn tu Chiêm-tộc nhớ Mường-Lan
Nữ chúa rừng xanh đẹp khác phàm !
Tướng sĩ trận voi uy-vũ thạnh
Nhạc mờ Phan Thiết núi sương lam !


Ẩn tu liên tưởng dãy Giang Đông
Xích Bích trống quân dậy lửa hồng !
Tuyệt-đại song kiều, anh kiệt mất
Tài tình mấy đoạn phút hoàn Không.


Ẩn tu Nguyễn Huệ nhớ Anh-hào
Điệp-điệp quân thanh, chiến cuộc thâu
Trúc kết sang sông mờ bóng cũ
Mây ngàn cỏ nội đỉnh Tây sầu !

Ẩn tu tìm hỏi truyện Tây Thi
Dư lại hồn mai ánh nguyệt trì !
Hận nỗi ba sinh đâu vắng tá?
Thương tình một mối có ra chi?

Ẩn tu tích cổ duyệt xa gần
Tan hợp bên trời áng bạch-vân !
Biển nổi dâu chìm duyên cảnh thế,
Bao giờ cảnh Phật tựa lầu ngân.

Ẩn tu bốn mặt khói sương đầy
Hỏi gạn ai người niệm Phật đây?
Cười mỉm Duy Ma không phúc đáp
Song hồ nửa khép cánh am mây !


Ẩn tu trì niệm cảnh hồn nhiên
Trong lặng âm-thanh vẫn dịu hiền
Đoan-đích tìm chi tin-tức thật?
Tiếng chuông đêm vắng đến ngư thuyền.


Ẩn tu niệm Phật nhẹ lâng không
Hồn bướm Trang Chu tỉnh giấc nồng !
Ý vị âm thầm trăng tỏa sáng
Hình dung lóng lánh tuyết ngần trong.


Ẩn tu đã có luỹ non mây
Cao thấp đồi xa ủng hộ bày
Trước mắt rõ ràng chân cảnh lộ
Màu thu lai láng nét thu gầy.


Ẩn tu mưa phới khắp ngàn tiêu
Bát ngát lâm tuyền cảnh tịch liêu !
Tiếng gió canh thâu hoà tiếng Phật
Bên thềm hoa rụng ít hay nhiều.

Ẩn tu ca nhạc có chim rừng !
Bay hót vần quanh tợ đón mừng
Đủ sắc phi-cầm, tranh vẽ đẹp
Điểm-tô cảnh Phật, một màu Xuân.

Ẩn tu hoa cỏ dáng thờ ơ
Thời mạt nhơn tâm đã khác xưa
Lòng thú hình người, đầy lớp lớp
Cảnh đời gió gió, lại mưa mưa !

Ẩn tu kham nhẫn cõi Ta Bà
Nỗi khổ muôn ngàn, khó kể ra
Cực Lạc niềm vui vui bất diệt
Khổ vui đều bởi tự nhân mà !

Ẩn tu đàn suối cạnh triền non
Tươi tỉnh hoa ngàn tợ phấn son
Sáng lạ vừa tan vầng ráng đỏ.
Đẹp xinh lại hiện bóng trăng tròn !

Ẩn tu ai bảo chẳng Di Đà
Thiện Đạo quang-minh niệm niệm ra
Khang Tổ mỗi câu sanh hoá PHẬT
Cười hàng ngu chấp cố dèm pha.


Ẩn tu ai bảo niệm hồng danh
Không có Tây-phương chẳng vãng sanh
Liên hữu xưa nay nhiều hiện ứng
Thánh-Hiền-Lục đã chép ghi rành.


Ẩn tu chân thật chớ bề ngoài
Tu dáng tu hình lạc-lối sai
Tu tánh tu tâm lên giải thoát
Khuyên làng tu Phật chớ khoe tài.


Ẩn tu hiếu thuận niệm Di Đà
Siêu độ cửu huyền đến mẹ cha
Hiếu đây mới là chăn thật hiếu
Đời tươi như gấm, đạo như hoa.

Ẩn tu xót cảnh đạo đời suy
Lý học Đông Tây đã dự tri
Thiên giáo chỉ rành cơ tận thế
Tiên ghi tận diệt đến thời kỳ.


Ẩn tu lý đạo nói sao cùng !
Nhân-quả nghiêm minh xử lạnh lùng !
Tài, sắc, giàu, sang âu cảnh tạm
Sáng tươi chiều héo đoá Phù Dung.


Ẩn tu thế chiến biết kỳ ba
Nước lửa sơn lâm khắp hải hà
Mấy cuộc lọc thanh đầy huyết-lệ
Bay hồn thảm khổ, lướt khôn qua

Ẩn tu bom đạn, rõ điềm hung
Tan-tác thành đô quả đất rung
Đổi cảnh, đổi người, thời tiết đổi
Núi nhô, núi sụp, chuyện khôn cùng.
Ẩn tu mạt-kiếp thấy lời ghi
Trước mất Lăng Nghiêm pháp diệu kỳ
Lần lượt các kinh đều diệt hết
Duy còn Phật hiệu độ cơ-nguy.

Ẩn tu khuyên khắp sớm hồi đầu
Lìa khỏi dòng mê, sóng nước sâu
Phước huệ đủ trong câu niệm PHẬT
Tám muôn tư pháp cũng gồm thâu.

Ẩn tu chầm chậm bóng dương đi
Ngoài cửa hoa nhàn liễu rũ mi
Đại-mộng hỏi ai người sớm tỉnh?
Ngày xuân chưa dễ hẹn tiên-tri !


Ẩn tu khẩn nguyện khắp nơi-nơi
Niệm PHẬT xứng cơ lại hợp thời
Biển mộng hỏi ai, thuyền lạc bến
Sông mê này chút ánh sen rơi !


Ẩn tu nghĩ tiếc bậc tài cao !
Biển luỵ trần ai đắm kiệt hào !
Giọt lệ Tần-Đình thương đất nước
Bên song kiếm ẩn thán công hầu !
Ẩn tu nhìn lắm kẻ chơi vơi
Gào khóc quên tu cũng huyễn thôi !
Niệm PHẬT để cho tròn tánh PHẬT
Kiếp người chẳng uổng được thân người.

Ẩn tu tâm PHẬT hội Tào Khê
Kiếp ngoại trời xuân sáng bốn bề
Hoa nở sắc hương thành Chủng trí
Gió thông kim cổ đạo Bồ-Bề.

Ẩn tu giải đạo phải dùng lời
Biển lớp ngôn âm cảnh lẫn người
Tự xét đã riêng không sở đắc
Nói nhiều thêm lỗi vọng mà thôi.

Ẩn tu phương tiện mượn thi ngâm
Thức ngộ mình người khởi đạo tâm
Đâu nghỉ hoa đào ra động bích
Mà mong Lưu Nguyễn ghé vào thăm?

Ẩn tu sông chết việc ưu tiên
Kinh cảm luân hồi trải khắp miền !
Sa đoạ ba đường như đại địa
Móng tay cát bụi cõi nhơn thiên !


Ẩn tu tổng-yếu Tịnh môn mầu
Bí quyết đừng xa nghĩ ngợi cầu
Thanh tịnh chí thành trong mấy điểm
LỰC,HÀNH, NGUYỆN THIẾT với TIN sâu.

Ẩn tu niệm niệm bút sanh hoa
Thi-tứ nguồn tâm một mạch ra
Danh-tự vị nguyên là Phật-nhãn
Non Tây rực rỡ dệt hồng hà.


Ẩn tu trắc trắc, lại bình bình
Niệm đạt vô-tình lẫn hữu tình
Lầu tuyết rã tan ngàn thế giới
Chân trời pháp nhãn lộ bình-minh.


Ẩn tu niệm vỡ chụp pha-lê
Muôn ổn ngàn yên lặng khắp bề !
Riêng một bóng Tăng ngồi tĩnh-tọa
Lâm-viên vừa bặt tiếng sơn khê.

Ẩn tu sừng-sửng cội cây khô
Một ngón Thiên Long, dứt ý-đồ
Phật tử đến thăm như hỏi đạo
A Di Đà Phật lại NAM MÔ.

Ẩn tu nhơn cảnh chợt đều quên
Sáng-rỡ vầng-nga rọi trước thềm
Mùi đạo Lan-thanh riêng tự biết
Kêu mưa đã vắng giọng cưu đêm.

Ẩn tu suối lặng bóng chim qua
Chim nước đều như tự tại hoà
Di Lặc trao cho xem túi vải
Dưới trên đều rỗng, giọng kha kha !!!

Ẩn tu bên viện tiếng chuông dồn!
Sấm nổ Oai âm tỉnh mộng hồn
Chồn nhảy vào hang Sư tử chúa
Sư-Vương lại dạo dã hồ thôn.

Ẩn tu trì niệm tháng năm qua
Đạp lối Sen thanh trở lại NHÀ
Tin-tức ngày nay vừa thấy được
Tiếng chuông Sơn tự bóng trăng tà !


Nam mô Phương Liên Tịnh Xứ
Mật - Tịnh đạo tràng
Hoà Thượng Thích Thiền Tâm




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/09/2010(Xem: 5508)
Vào những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Đông bắc Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh hành ở Tây phương.
04/09/2010(Xem: 6460)
Tổ Long Thọ nói rằng cho một hệ thống nơi mà tính không là có thể, nó cũng có thể có chức năng, và vì chức năng là có thể, tính không cũng có thể. Vì thế khi chúng ta nói về thiên nhiên, căn bản thiết yếu của thiên nhiên là tính không. Tính không hay shunyata nghĩa là gì? Nó không là tính không của sự tồn tại (không đối với có) nhưng đúng hơn là tính không của chân lý (chân không) hay sự tồn tại độc lập, điều này nghĩa là những sự vật khác tồn tại bởi sự lệ thuộc trên những nhân tố khác.
03/09/2010(Xem: 6015)
Theo giáo nghĩa Đạo Phật, có một sự phụ thuộc lẫn nhau rất gần gũi giữa môi trường thiên nhiên và những chúng sinh sống với nó. Vài người bạn đã từng nói với tôi rằng, căn bản tự nhiên của con người là những gì bạo động, nhưng tôi đã nói với họ rằng tôi không đồng ý. Nếu chúng ta thẩm tra những thú vật khác nhau, thí dụ, những thú vật mà chính sự tồn tại của chúng tùy thuộc vào việc lấy đi mạng sống của những thú vật khác, như những con sư tử, beo, hay cọp, chúng ta học rằng căn bản tự nhiên của chúng cung cấp cho chúng với răng nanh và móng vuốt bén nhọn.
28/08/2010(Xem: 10374)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
28/08/2010(Xem: 5038)
Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng hiểu biết sự liên hệ giữa nhân duyên, nhân quả của cá nhân và cộng đồng không phải trong một thời gian mà mọi thời gian, và không phải trong một không gian mà mọi không gian là hết sức cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và văn minh của chúng ta, khiến tự nó có khả năng vãn hồi trật tự và hoàn thiện cho xã hội của chúng ta ngày nay.
14/06/2010(Xem: 3946)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Các nhà triết học, các luận sư và các luận thuyết trứ danh cũng đều xuất hiện tại xứ sở đầy huyền bí này
15/05/2010(Xem: 7068)
Người học Phật chúng taai cũng đều chứng nghiệm được rằng việc tu học tại xứ người quả thật không đơn giản. Trước tiên vì bối cảnh của quốc độ mình đang trú, sau cùng nhưng lại có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc sống của bản thân và chính gia đình mình. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cứ nhìn hay là quán những khúc mắc đó như là một phương tiện trong ý nghĩa của tùy duyên bất biến để học, tu và hành Đạo. Ngoài ra chúng ta cũng đừng quên câu thứ 4 trong mười điều của Luận Bảo Vương Tam Muội có ghi rõ là: xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
14/05/2010(Xem: 7845)
thế là lá thư tịnh hữu đã thiếu các bạn một kỳ rồi đó. Chúng ta hẳn biết rằng, sự hiện hữu và thành hoại của mọi vạn vật không hề ra ngoài lý nhân duyên và duyên khởi. Nên sự vắng một lần thư trên số báo Viên Giác kỳ trước cũng không ra khỏi phạm trù này vậy! Có; không vì không để mà có và không; không vì không có mà không. Mọi vật, mọi việc đều nằm trong vòng chi phối của nhân và duyên để mà có hay không, thành hay hoại. Đây cũng là tinh túy nội dung một câu chuyện mà ai trong chúng ta đã từng được nghe hoặc đọc rồi. Câu chuyện như sau: giai đoạn đầu thấy núi là núi, sông là sông; giai đoạn giữa thấy núi không là núi, sông không là sông; giai đoạn cuối là thấy núi vẫn là núi và sông cũng vẫn là sông! Theo tôi, ba giai đoạn trên có hiện hữu hay không cũng không ở ngoài nhận thức của chúng ta. Nhưng! Nếu không thấu triệt luật nhân duyên, lý duyên khởi thì mình không thể phá vỡ được những thành kiến, định kiến v.v... Cái mà trong nhà Phật gọi là chấp. Và cũng chính cái này là nhân tố qu
09/05/2010(Xem: 13847)
Có người nói: "Cuộc đời như giấc mộng", có người nói "Cuộc đời như tấn trò", có người nói "Cuộc đời như hạt sương"; cũng có người nói: "Đời là bể khổ", đời người như "khách qua đường", cuộc đời như "mây trôi"! Nếu như những ví von này xác đáng thì cuộc đời quả đáng buồn biết bao.
30/04/2010(Xem: 10382)
Đã khá lâu rồi, „Lá Thư Tịnh Hữu“ vắng bóng trên Viên Giác. Bắt đầu từ năm 2000, đến giờ sắp sang năm 2004, mà cũng chưa chấm dứt. Nhiều bạn hữu nói nhỏ, “không biết ông Thị Chơn Nghiệp Dọc này còn dài dài đến bao lâu nữa!”. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và báo Viên Giác, Thị Chơn (TC) tôi đảo một vòng trong khuôn viên của chùa để thăm các quầy phát hành bánh trái, nước uống và thức ăn chay. Chợt nghe một giọng Huế khá quen thuộc phát ra dưới mái lều che mưa nắng dựng nơi quầy phát hành của Sư Bà Như Tuấn:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]