Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Lời Kiêu Mạn

06/09/201219:40(Xem: 3831)
Những Lời Kiêu Mạn

NHỮNG LỜI KIÊU MẠN
Toàn Không

Khi đức Phật du hóa đến núi Tỳ-ha-La, thuộc thành La-duyệt-Kỳ, Ngài trú ngụ trong động cây Thất-diệp (Sau này tập kết Kinh Luật ở đây); có một vị Cư-sĩ tên là Tán-đà-Na thuộc thành La-duyệt-Kỳ, cứ mỗi ngày thường đến chỗ Phật ngụ. Một hôm trên đường đi, Cư-sĩ Tán-đà-Na nhìn bóng mặt trời thấy còn sớm, vì Cư-sĩ nghĩ rằng đức Phật còn đang nhập định, và các vị Tỳ-kheo cũng còn đang thiền-định; nghĩ như vậy, nên Cư-sĩ Tán-đà-Na tạm thời tạt vào nghỉ chân tại rừng Ô-tạm Bà-Lợi.

Lúc đó trong rừng Ô-tạm Bà-Lợi có Phạm-chí tên là Ni-câu-Đà cùng năm trăm đệ-tử ở đó, họ đang lớn tiếng bàn luận chính trị. Khi Phạm-chí Ni-câu-Đà vừa trông thấy bóng dáng Cư-sĩ Tán-đà-Na từ xa đi tới, ông liền ra lệnh:

- Mọi người hãy giữ im lặng, vì có người lạ đang đi tới.

Từ xa, Cư-sĩ đã nghe tiếng nói chuyện ồn ào, nên sau khi gặp, chào hỏi xã giao xong, ông nói với Phạm-chí Ni-câu-Đà:

- Thầy tôi là Sa-môn Cù-Đàm thường ưa yên tịnh không chịu ồn ào, không giống như các ông thường hay bàn luận ồn ào.

Phạm-chí Ni-câu-Đà đáp lời:

- Sa-môn Cù-Đàm có lần nào cùng ông đàm luận không, Ông làm sao biết được Sa-môn Cù-Đàm có đại trí-tuệ? Ông ở nơi biên địa khác nào như trâu đui ăn cỏ, sự thấy biết của ông thiên lệch; Sa-môn Cù-Đàm thầy của ông cũng vậy, ưa bảo thủ những quan niệm thiên lệch, và thích ở chỗ không người; nếu thầy ông tới đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”.Còn việc Sa-môn Cù-Đàm thường tự xưng là đại trí-tuệ, nhưng chúng tôi chỉ cần dùng một câu là làm cho ông ta bí lối, mà phải làm thinh; ông ta cũng ví như “con rùa thun rụt hết đầu đuôi bốn chân vào vỏ”, và cho như thế là yên, nhưng chúng tôi chỉ cần một mũi tên bắn ra là không còn chỗ trốn.

Bấy giờ đức Thế-Tôn đang ở trong tịnh-thất nghe (Ngài dùng Thiên nhĩ) Phạm-chí nói những lời như thế, Ngài liền rời động cây Thất-diệp, đi đến chỗ Phạm-chí Ni-câu-Đà. Phạm chí Ni-câu-Đà trông thấy đức Phật từ đằng xa đi tới, vội bảo các đệ-tử rằng:

- Sa-môn Cù-Đàm đang đến đây, vậy các ngươi chớ đón tiếp, không cung kính, cũng không mời ngồi; trái lại chỉ một chỗ riêng cho ông ta ngồi mà thôi, rồi hỏi: “Sa-môn Cù-Đàm từ đâu tới? Ông dùng pháp gi để dạy đệ-tử khiến họ được tịch tĩnh ?”.

Phạm-chí vừa nói xong thì đức Thế-Tôn cũng vừa tới nơi, các đệ-tử Phạm-chí tự nhiên đứng dậy nghênh tiếp và nói:

- Qúy hóa thay đức Cù-Đàm đến đây! Vinh hạnh thay đức Sa-môn đến đây! Xin mời Ngài ngồi tạm chỗ phiá trước đây, từ lâu không được gặp Ngài, nay có việc gì Ngài lại đến đây?

Tại sao họ lại thay đổi thái độ một cách mau chóng như vậy? Đó là do oai nghi thần-lực của Phật khiến ác tâm của họ bị tiêu tan. Sau khi đức Phật an tọa rồi, cư-sĩ Tán-đà-Na cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, lúc ấy Phạm-chí Ni-câu-Đà nói:

- Sa-môn Cù-Đàm: từ đâu đến đây, Ông dùng pháp gì để dạy đệ-tử khiến họ được tịch tĩnh?

Đức Phật liền nói:

- Thôi đi Phạm-chí: pháp của Ta dạy bảo đệ-tử từ trước đến nay thì không thể nào ông so sánh được, ngay cả thầy ông và đệ-tử tu hành tịnh hay bất tịnh Ta đều có thể nói được.

Lúc đó các đệ-tử của Phạm-chí bàn tán với nhau: ”Sa-môn Cù-Đàm có thần-lực lớn, có trí-tuệ lớn, người ta hỏi nghĩa lý của mình, mà mình lại nói nghĩa lý của người ta”. Khi ấy Phạm-chi Ni-câu-Đà nói:

- Tốt lắm, xin ông hãy phân biệt rõ ràng, chúng tôi đang muốn nghe.

Đức Phật nói:

- Những việc làm của các ông đều thấp kém như lõa thể rồi lấy tay che, hoặc không nhận thức ăn đựng trong bát. Không nhận đồ ăn khi người ta đang ăn, hoặc khi nhà người ta có người đang có thai. Không nhận thức ăn khi nhà có chó đưng trước cửa, hoặc nhà có nhiều ruồi. Không nhận thức ăn khi người tu hành mời, hoặc một ngày hai ngày cho đến bảy ngày chỉ ăn một bữa. Hoặc chỉ ăn rau, chỉ ăn cỏ, chỉ uống nước cháo, chỉ ăn mè (vừng), chỉ ăn gạo sống. Hoặc ăn phân bò, phân nai; hoặc ăn rễ, búp, lá, hạt; hoặc ăn qủa (trái cây) rụng; hoặc choàng áo trên vai, mặc áo cỏ, áo vỏ cây, áo da nai; hoặc cuốn cỏ quanh mình, mang tấm lông, mặc áo bỏ ngoài gò mả; hoặc không ngồi giường, cạo tóc chừa râu, nằm trên chông gai; hoặc nằm trên trái cây vỏ cứng, lõa thể nằm trên đống phân bò; hoặc một ngày tắm ba lần, hoặc một đêm tắm ba lần.

Tóm lại: các ông dùng vô số khổ hạnh để hành hạ xác thân như thế, ông nghĩ sao, tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là thanh tịnh chăng; nếu ông cho là thanh tịnh, Ta sẽ từ trong cái tịnh ấy mà chỉ ra những điều bất tịnh cho ông xem.

Phạm-chí đáp:

- Đó là những pháp thanh tịnh chứ chẳng phải là bất tịnh, ông cứ nói những điều bất tịnh, tôi đang muốn nghe.

Đức Phật bảo:

- Người tu khổ hạnh, trong tâm vẫn tự nghĩ: “Nay ta tu như thế này, sẽ được mọi người nể vì, cung kính, lễ bái, cúng dường”, đó không phải là thanh tịnh, mà là cấu uế (dơ bẩn, xấu xa, đê hèn, tồi tệ); người tu khổ hạnh khi được cung kính, lễ bái, cúng dường liền say đắm không muốn từ bỏ, luyến ái không muốn thoát ly, đó là luyến ái xấu xa cấu uế.

Khi vừa trông thấy bóng dáng người lạ đến, vội vàng cùng bảo nhau ngồi thiền, nhưng khi không có người lạ lại tự ý đi đứng, ngồi nằm, chuyện trò thỏa thích, đó là không chân chính, cấu uế; khi nghe chính nghĩa của người khác không chịu nhìn nhận, đó là kiến giải sai lầm cấu uế; nếu ai hỏi đúng mà tiếc rẻ không chịu đáp, đó là tư tưởng xấu xa cấu uế.

Thấy người cúng dàng Sa-môn, Bà-la-Môn, sinh lòng chê bai, cản trở gièm pha, đó là cấu uế hèn hạ; nếu có thức ăn, tham lam giữ ăn một mình, đó là ích kỷ dơ bẩn cấu uế; người tu khổ hạnh mà sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ly gián, nói lời độc ác, nói lời thêm bớt, tham lam, sân hận, tà kiến, đó là cấu uế.

Tu khổ hạnh mà lười biếng, ham vui mê mờ, không tu thiền định, đó là buông lung phóng đãng cấu uế; người tu khổ hạnh không có tín nghĩa, không giữ tịnh giới, không siêng năng học hỏi, kết bạn cùng người ác để làm việc ác, đó là cấu uế; nếu tu khổ hạnh mà thích làm những điều xảo trá, tìm tòi những chỗ sơ hở của người khác, đó là thấp hèn cấu uế.

Thế nào Ni-câu-Đà, lối tu khổ hạnh như vậy đáng gọi là thanh tịnh chăng?, Ta sẽ từ trong pháp cấu uế của các ông mà chỉ ra pháp thanh tịnh không cấu uế.

Phạm-chí Ni-câu-Đà đáp:

- Đó là bất tịnh chứ không phải là thanh tịnh, xin Ngài cứ nói những pháp thanh tịnh không cấu uế.

Đức Phật giảng:

Người tu khổ hạnh không tự nghĩ rằng: “Ta tu như thế sẽ được cung kính, lễ bái, cúng dường”,đó là pháp khổ hạnh dứt trừ cấu uế; người tu khổ hạnh khi được cúng dường, nhưng tâm không tham đắm, biết cách thoát ly, xa lià, đó là tốt đẹp không cấu uế.

Tu khổ hạnh thường tu tọa thiền theo thường lệ, chứ không vì có người hay không có người đến mà thay đổi, đó là chân chính xa lià cấu uế; khi nghe đến chính nghĩa của người khác liền vui vẻ tin nhận, đó là đúng đắn không cấu uế; nếu có ai hỏi han liền vui vẻ giải đáp, đó là đàng hoàng xa lià cấu uế.

Khi thấy người cúng dường Sa-môn, Bà-la-Môn, thì vui mừng thế cho họ không gièm pha cản trở, đó là có tâm hoan hỉ không cấu uế; lúc nhận được thức ăn, không luyến tiếc tham đắm, không dành ăn một mình, mà chia cho kẻ khác, đó là vị tha hòa đồng xa lià cấu uế; không tự khen mình chê người, đó là chân chính không cấu uế.

Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không nói lời độc ác, không tham lam, không giận hờn thù hận, không tật đố tà kiến, đó là đoạn diệt cấu uế.

Chẳng tự cao tự đại, chẳng kiêu căng ngã mạn, đó là xa lià cấu uế; giữ lòng tín nghĩa, thực hành hạnh báo đáp, giữ gìn tịnh giới, siêng năng học hỏi, làm bạn với người lành, lo tích chứa điều lành, đó là phạm hạnh không cấu uế; không xảo quyệt, không ỷ mình hiểu biết, không tìm khuyết điểm của người, đó là cao cả xa lià cấu uế.

Này Ni-câu-Đà nghĩ thế nào, pháp khổ hạnh như vậy có phải là pháp thanh tịnh xa lià cấu uế không?

Phạm-chí đáp:

- Đúng vậy, qủa thật đó là những pháp thanh tịnh xa lià cấu uế.

Rồi Phạm-chí hỏi Phật:

- Chẳng hay pháp khổ hạnh đến mức độ này có được gọi là kiên cố đệ nhất hay chưa? Xin Ngài cho biết.

- Chưa, đó mới chỉ là vỏ cây thôi, chưa được gọi là kiên cố. Này Ni-câu-Đà, người tu khổ hạnh tự mình không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lời đối chọi nhau, không nói lời ly gián, không nói lời thêm bớt, không nói lời độc ác, không tham lam, không giận hờn thù hằn, không tật đố tà kiến. Người tu khổ hạnh cũng không bảo người khác làm các việc ác ấy, người này đem tâm Từ trải khắp một phương, đến các phương khác cũng vậy, với tâm Từ quảng-đại, bình đẳng khắp cả thế-gian, không oán giận; với tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả cũng như thế, người tu khổ hạnh này mới được gọi là lõi cây.

- Xin Ngài nói về nghĩa khổ hạnh kiên cố.

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng.

- Người tu khổ hạnh đã như lõi cây ở trên rồi, còn phải biết việc xảy ra trong vô số kiếp về trước, hoặc một đời, hoặc hai đời cho đến vô số đời, quốc độ thành hoại hay kiếp số trước sau đều biết hết. Đồng thời còn phải biết rõ mình từng sinh vào chủng tộc đó, tên tuổi như thế, từ đó sinh về đây, từ đây chết đi rồi sinh về kia; tất cả những việc từ vô số kiếp như thế đều nhớ cả, đó là người tu khổ hạnh kiên cố không hoại.

- Xin Ngài giảng thế nào là pháp khổ hạnh bậc nhất?

- Hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho.

- Vâng, thưa đức Thế-Tôn, con đang muốn nghe.

- Này Ni-câu-Đà, những người tu khổ hạnh đã không làm mười điều ác, cũng không bảo người khác làm mười điều ác; vị ấy đem trải tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả rải khắp thế-gian. Vị ấy tự biết việc xảy ra cho chính mình trong vô số kiếp, và vị ấy có thể dùng thiên-nhãn thanh tịnh quán sát các loại chúng-sanh thấy họ chết đây sinh kia, sinh ở cõi tốt, cõi xấu đều thấy biết hết. Lại còn thấy rõ có chúng-sanh thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ việc ác, hủy báng thánh-hiền, tin theo tà đạo dị kiến, sau khi chết bị đọa vào ba cõi dữ là Địa-ngục, Súc-sinh và Ngạ-qủy. Vị ấy còn thấy biết có chúng-sanh làm các điều lành, miệng nói các lời chân thật, ý nghĩ các việc tốt lành, ca ngợi thánh-hiền, tu hành chính tín, và sau khi qua đời được sinh vào cõi tốt là cõi Trời hoặc cõi Người có địa vị giàu sang. Vị ấy với thiên-nhãn thanh-tịnh thấy chúng-sanh theo hành-nghiệp (việc làm, lời nói, ý nghĩ) mà chết đi ở cõi này và sinh đến cõi kia, không có gì mà không thấy không biết, đó là khổ hạnh thù thắng bậc nhất.

Đức Phật giảng tiếp:

- Còn có pháp thù thắng hơn nữa mà Ta thường đem giảng dạy cho hàng Thanh-văn, và họ nhờ pháp ấy mà tu được phạm-hạnh, trở thành bậc Thánh.

Bấy giờ các đệ-tử Phạm-chí đồng nghĩ và bảo nhau: “Nay chúng ta mới thấy được đức Cù-Đàm là tối thượng, Thầy ta không thể so sánh được”.

Khi ấy Cư-sĩ Tán-đà-Na nói với Phạm-chí Ni-câu-Đà:

- Trước đây ông đã nói như thế này: “Hễ thấy Sa-môn Cù-Đàm đến đây, chúng tôi sẽ gọi là “con trâu đui”. Chúng tôi chỉ một câu là đủ làm cho Sa-môn Cù-Đàm bí lối mà phải làm thinh như con rùa thun cả đầu, đuôi, bốn chân vào trong vỏ và cho thế là yên; nhưng chúng tôi chỉ cần một mũi tên bắn ra là Sa-môn Cù-Đàm không còn chỗ trốn”, sao ông không đem những lời này ra làm bí lối đức Thế-Tôn?

Phạm-chi cúi mặt lặng thinh không nói năng chi cả, đức Phật hỏi Phạm-chí:

- Trước đây ông có nói như vậy không?

- Thưa có, qủa thật tôi có nói, nếu tôi biết như vầy, tôi đã chẳng dám nói như thế đối với đức Cù-Đàm.

- Ông khá không nghe các bậc tiền bối thường nói: “Chư Phật, Như-Lai thường ưa ở núi rừng thanh vắng”,như Ta ngày nay ưa ở chỗ vắng, chứ không như các ông chỉ thích ở chỗ ồn ào, nói chuyện vô ích suốt ngày.

Phạm-chí nói:

- Tôi có nghe nói chư Phật trong quá khứ ưa chỗ vắng, độc cư trong rừng như Thế-Tôn ngày nay, chẳng như chúng tôi ưa chỗ ồn ào, nói điều vô ích suốt ngày.

Đức Phật bảo:

- Ông há không biết Sa-môn Cù-Đàm hay thuyết pháp về đạo Bồ-đề rằng: “Không những tự điều phục mình mà còn điều phục cho kẻ khác, không những dứt phiền não cho mình mà còn dứt phiền não cho kẻ khác. Không những tự mình qua đến bờ giác giải thoát, mà còn độ cho người khác đến bờ giác giải thoát”.

Khi ấy Phạm-chí Ni-câu-Đà, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, đầu mặt đảnh lễ, tay sờ chân Phật, tự xưng tên mình và nói:

- Con là Ni-Câu-Đà, nay xin quy y Phật, và con xin đảnh lễ dưới chân Ngài.

Đức Phật dạy:

- Thôi đi Ni-câu-Đà, hãy đứng dậy, chỉ cần tâm ông hiểu lời Ta nói, là đã đảnh lễ Ta rồi.

Lúc đó Phạm-chí Ni-câu-Đà lại đảnh lễ một lần nữa dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, Đức Phật đạy tiếp:

- Này Ni-Câu-Đà,

Chớ nghĩ rằng: “Như-Lai vì lợi dưỡng (lợi lộc về cơm áo v.v..) mà thuyết pháp, vì nếu có lợi dưỡng thì Ta bố thí hết cho ông. Ta thuyết Pháp vi diệu bậc nhất với mục đích diệt trừ làm việc ác, và tăng trưởng làm việc thiện của chúng-sanh mà thôi”.

Ông không nên nghĩ: “Như-Lai vì muốn được sự tôn trọng, vì muốn được tiếng khen, vì muốn là người dẫn đầu nên nói pháp. Nay quyến thuộc của ông Ta trả hết cho ông, Ta thuyết pháp với mục đích diệt trừ điều ác, tăng trưởng điều thiện của chúng-sanh mà thôi”.

Cũng chớ nghĩ rằng: “Như-Lai sẽ đặt ông ở nơi thiện pháp thanh bạch, mà chính ông phải tự mình ở nơi thiện pháp và siêng năng tu hành. Có như vậy, Như-Lai sẽ nói thiện pháp thanh bạch cho ông để diệt trừ điều ác tăng trưởng điều thiện”.

Lại nữa, ông đừng nghĩ: “Như-Lai vì muốn làm thầy cho nên thuyết pháp. Ta trả ông lại cho thầy ông, Ta chỉ nói pháp cho ông nghe mà thôi”.

Sau cùng, nếu ông cho rằng: “Ta có thiện pháp tương ưng thiện, giải-thoát tương ưng giải-thoát, nhưng Sa-môn Cù-Đàm đoạt của ta”,Ông chớ nghĩ như vậy, Ta trả lại pháp của ông cho ông, Ta chỉ giảng pháp cho ông nghe thôi.

Lúc bấy giờ cả hội chúng đều yên lặng, không có một ý niệm nào, không có một ai lên tiếng gì cả, vì do ma ngu si ám. Đức Phật thấy vậy, liền bảo Cư-sĩ Tán-đà-Na:

- Ta muốn trở về Tịnh-thất, ông hãy đi với Ta.

Đức Phật đứng dậy, nắm tay Cư-sĩ Tán-đà-Na, rồi Ngài vận dụng Thần-túc nương hư không mà đi trước sự ngơ ngác của mọi người..,.

Toàn Không

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/03/2024(Xem: 3543)
Nam Mô có nghĩa là Trở về A, nghĩa là: vô Di Đà, nghĩa là: Lượng Phật, nghĩa là Giác, tánh biết Niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là “ trở về với tánh giác vô lượng của bản thân mình, đó là A Di Đà tánh, là ông Phật của chính mình” Cứu cánh của Pháp môn Tịnh Độ là đạt tới điểm chung của Thiền cũng là khám phá ra ông chủ của mình . Tịnh Độ là ông Phật của chính mình chứ không phải ở ông Phật Tây Phương Cực Lạc. 🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
20/01/2024(Xem: 1830)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
18/11/2023(Xem: 5679)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
23/10/2023(Xem: 7859)
Hôm nay là ngày 21/11/2020, là một ngày đáng để kỷ niệm. Từ hôm nay trở đi tôi bắt đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, nguyện đem công đức này hồi hướng cho lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không. Báo đáp ân sư ơn tri ngộ, Y giáo phụng hành an lòng Thầy. Ân pháp nhũ thật khó báo đáp, Toàn tâm toàn lực hoằng đại kinh. Thỉnh cầu ân sư thương xót chúng sanh khổ mà trụ thế độ quần manh! Chúng ta đều làm học trò ngoan biết nghe lời. Hôm nay là ngày 21/11/2020, là ngày kỷ niệm Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tròn 8 năm, chúng tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai, lấy việc này biểu đạt sự tưởng nhớ và cảm ân sâu sắc của chúng ta dành cho Bồ-tát Lưu Tố Thanh.
18/04/2023(Xem: 5388)
Lời Giới Thiệu Sách “Nhân Hạnh Vãng Sanh” của Trí Khiêm
09/04/2023(Xem: 3421)
Trong quá trình chiến tranh Hoa Nhựt, một mặt Vương triều Nhật Bản muốn thiết lập một nền cai trị Đại Đông Á thống trị vùng Bắc Á và Đông Nam Á để khống chế về thu nhập tài nguyên kinh tế cho bản địa: Một mặt không phải người Nhật nào cũng muốn gây chiến tranh với các nước láng giềng, mà cần có sự giao lưu về văn hóa, văn học, tôn giáo, nên một số đông người Nhật đến Trung Hoa nghiên cứu học hỏi văn hóa lâu đời vào hàng thứ nhứt trên thế giới, văn hóa Khổng, văn hóa Lão Trang, văn hóa Phật Giáo, trong đó có giao lưu văn hóa Phật Giáo. do đó trong lĩnh vực hiệp hội Phật Giáo Trung Hoa do Đại sư Thái Hư sáng lập có những thành viên là người Nhựt, nên vấn đề ảnh hưởng các tông, phái Thiền Tịnh dành cho những người tu Phật của Phật
14/03/2023(Xem: 10258)
Trong xã hội bận rộn ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, và đã đến lúc chúng ta cùng thư giãn, chú trọng đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Cách thực hành dễ nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất là cùng Headspace, 10 phút thiền định mỗi ngày để thay đổi cuộc sống. Với những kiến thức mới về thiền trong bộ sách 3 cuốn rất mỏng và dễ đọc để ứng dụng này, chúng ta chắc chắn có lối sống tích cực, vui vẻ hơn và bình an hơn. Bộ sách gồm 3 cuốn mang đến những lợi ích khác nhau, từ quản lý sự căng thẳng đến trân trọng và biết ơn cuộc sống. Hướng dẫn những kỹ thuật căn bản nhất về thực hành thiền là mấu chốt để thay đổi cuộc sống của bất cứ ai may mắn đọc sách này.
20/10/2022(Xem: 3265)
Niệm Phật, cuối cùng thì bạn cũng đã đến đây! Cuối cùng thì bạn cũng đã bắt đầu khởi tâm tìm đường về “nhà”, sau biết bao nhiêu trầm luân, khổ hải của kiếp nhân sinh. Hết thảy những ai tìm đến niệm Phật, cũng đều là bởi một trong những nguyên nhân sau đây. Có phải bạn cũng thế hay không? Nghèo khó, gia đình suy vi khổ lụy, vợ con nay yếu mai đau, cửa nhà thiếu trước hụt sau. Bệnh nặng lâm thân, mà thuốc thang dây đưa không khỏi, mạng sống mong manh sớm tối. Cuộc sống bế tắc, gia đình bất hòa, anh em hoặc vợ chồng chẳng thuận, con cái ngỗ nghịch.
21/08/2022(Xem: 5204)
Lời dạy của Đức Phật, được ghi chép lại dưới dạng Kinh tạng. Hai ngàn sáu trăm năm đã trôi qua, bánh xe Đạo Pháp chuyển động không ngừng, dạy con người cách sống an lạc. Muốn sống an lạc, người học Phật phải liễu tri và hành trì, tu tập đúng lời Phật dạy.
17/05/2022(Xem: 3374)
Niệm Phật là một trong những pháp môn tu hành rất căn bản, và niệm Phật là con đường nhanh nhất để thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ của cõi Ta Bà. Thường thì bắt đầu vào tuổi thu đông nhiều người mới tập trung tinh thần vào Niệm Phật. Có người thường cho rằng pháp môn Tịnh Độ chỉ mới bắt đầu khi có kiết tập kinh điển lần thứ 3, 4 và về sau này khi Đại Thừa phát triển mạnh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]