Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô Ngã, Chân Lý Thực Tại Của Cuộc Sống

07/06/201103:21(Xem: 4337)
Vô Ngã, Chân Lý Thực Tại Của Cuộc Sống
VÔ NGÃ, CHÂN LÝ THỰC TẠI CỦA CUỘC SỐNG
Thích Nhật Hiếu

Từ thế giới vật chất ngoại tại - khách quan cho đến thế giới tâm thức nội tại - chủ quan đều là vô thường, mang tích chất “hoà hợp” và “tương tục” của “duyên sinh vô ngã”. Với thế giới xiêm la vạn tượng này, vật chất luôn vận động, núi đổi, sông dời,…; cũng vậy, một đời người rồi ai cũng chết; thân này là do Ngũ uẩn (Pañña-cupādanakkhandha): sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà hình thành, tương tục, sanh khởi và hoại diệt; nên gọi là “không”, là “vô ngã”.

Long Thọ Bồ tát làm sáng tỏ ý tưởng trên trong Trung Quán Luận: “Tất cả những gì được tác thành bởi nhân duyên, đều là không, là giả danh; đây cũng chính là giáo nghĩa của Trung đạo.” (Chúng nhân duyên sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, diệt vi thị giả danh, thị thật Trung đạo nghĩa.)

Nguyên lý bất di bất dịch của tất cả những gì được hiện hữu ở cõi đời đều không ngoài qui luật “sinh thành”, “hoại diệt” và ngược lại. Đối với vũ trụ là “thành - trụ - hoại - không”, với nhân sinh là “sinh - trụ - dị - diệt”. Tất cả đều do nhiều yếu tố, điều kiện (trùng trùng duyên khởi) hình thành nên, không có đặc tính “một cái ngã bất biến và độc lập” nào tồn tại ở đây!

Chính vì vậy mà giáo pháp Phật-đà đã khẳng định: “Chỉ có pháp vô thường, sinh diệt mới là thường; một khi hiện trạng sinh diệt không còn mới thật là vĩnh viễn an lạc.” (Vô thường thị thường, thị sinh diệt pháp; sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.)

Xa lìa mọi sự chi phối, tác động của sinh thành và hoại diệt chính là trạng thái siêu việt, là mục tiêu “liễu sinh thoát tử” tối hậu của đạo lộ giải thoát. Chỉ có khả năng của một vị đã đạt đển cảnh giới của “tâm giải thoát” và “tuệ giải thoát”, một vị A-la-hán đã hoàn thành sứ mạng, hoàn thiện tư cách, thành tựu công đức, thể nhập và thân chứng vào cảnh giới của ngã không - pháp không: “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không trở lại Tam giới nữa.” (Ngã sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.) Hành trạng của một vị A-la-hán đi vào cảnh giới Niết-bàn bất tử.

Đức Phật khẳng định về sự thật này là: “Duyên sanh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường.”[1]Hay “Tất cả các pháp hữu vi (những gì được tác thành) đều là vô thường.”[2]

Bộ mặt thật của cuộc đời từ thế giới hiện tượng (vật lý) đến thế giới tâm thức (tâm lý) đều đang vận hành, trôi chảy không ngừng như một dòng sông luân lưu bất tận. Dòng chảy của hôm qua không phải là dòng chảy của hôm nay; ngược lại, dòng chảy của hôm nay lại càng không phải là dòng chảy của ngày mai. Không ai có thể quay ngược hoặc bắt bánh xe thời gian đứng yên. Cũng vậy, dòng chảy xiết của thế giới hiện tượng và thế giới tâm thức đang vận hành không có điểm dừng (hằng chuyển như bạo lưu). Đây là một sự thật mang tính thực tại, thế giới vật chất cũng như tinh thần luôn đổi thay với thiên hình vạn trạng.

Nhà Hiền triết Héraclicte đã nhận định: “Không ai có thể đặt chân hai lần trên một dòng nước”. (No man can enter into the same river twice.)[3]

Bản chất của chúng bất ổn như vậy, nhưng phần nhiều chúng ta không hiểu, nên khi có biến cố xảy ra, ta hoang mang, đau khổ,… Một người sáng suốt phải nhận thấy như thật (yathabhutaṃ), sự vật đang là (To their appearances as they really are), vô thường (aniccā), khổ (dukka) và vô ngã (anattā).

Thế nhưng, con người lại luôn ở trong vòng lẫn quẩn, vòng xoáy của cuồng lưu dục vọng này, như cá cắn phải câu, như chim mắc phải lưới. “Cá trong lờ đỏ lơ đôi mắt, cá ngoài lờ lại ngúc ngắc chui vô.” Hay điều nghịch lý như người khát nước trên biển uống phải nước mặn, càng uống càng khát; như trẻ con ngây thơ đang đùa giởn trong nhà lửa,… Thật sự ham vui khổ vô cùng!

Chính vì vậy mà với chí nguyện tầm cầu chân lý giải thoát cho chúng sinh, nhưng sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Đức Thế tôn lại than: “Pháp mà ta đã thể nhập và thân chứng (Pariyogathena), thật là vi diệu, đưa đến sự tịch tỉnh cho tâm thức, là cao thượng, không thể chứng ngộ bằng con đường suy lý, khó nhận thức, chỉ có người trí mới thấu hiểu. Thế nhưng, chúng sinh bị cuốn hút vào ái dục, xu hướng theo ái dục, ham thích theo ái dục; vì vậy, thật khó thấy được lý Duyên sinh (Idapaccayatā Paticcasamup-pāda). Đối với họ, sự khó khăn nhất là tịnh chỉ tất cả các hành, từ bỏ mọi Sanh y (hữu ái), ái diệt, ly tham, tịch tịnh, Niết-bàn!”[4]

Nếu ái dục là động cơ cho mọi hệ luỵ khổ đau của cuộc đời, thì tư duy hữu ngã, quan niệm tư duy về cái ta, cái tôi tư kỉ, hẹp hòi,… là hệ quả tất yếu làm nảy sinh tham dục, sân hận và si mê. Khi 6 căn ta tiếp cận thế giới khách quan do 6 trần, ta luôn luôn bị chúng mê hoặc, không sao làm chủ. Ta bị nô lệ, bị xử khiến bởi chúng. Ta da diết, ta oằn quại khổ đau. Ta trôi nổi trong luân hồi sinh tử lục đạo, ác thú.

Đức Phật đã cảnh tỉnh: “Cho đến khi nào, Ta chưa như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác… Cho đến khi nào, Ta như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, Ta mới nhận biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.”[5]

Cái thân lục căn, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới này là một tập hợp của các yếu tố tác thành nên. Nó không phải là một cái ngã độc lập hoặc bất di bất dịch, mà mang yếu tố tổ hợp và mang tính sinh thành và hoại diệt theo nguyên lý duyên khởi. Thế nhưng chúng ta phần đông không nhận thức và chấp nhận chân lý này. Mà trái lại nghĩ rằng mình là nhân vật trung tâm của vũ trụ, mình là sống mãi không chết, mình là tất cả, mình là bá chủ của toàn cầu. Mọi người phải tùng phục dưới chân mình. Thuận ngã giả sinh, nghịch ngã giả vong! Ngược lại, một khi những cá nhân khác bị xúc phạm, theo nguyên lý của bản năng đấu tranh để sinh tồn thì những cái ta cái tôi khác đâu thể ngồi im khoanh tay chờ chết, tất nhiên là đối kháng lại để tự vệ cho chính mình. Thành ra cuộc sống nhân thế là bãi chiến trường đầy chết chóc trong muôn thuở. Tư tưởng bại hoại và điên cuồng này đã gây bao bất hạnh cho mình và người!

Đức Phật lại xác quyết rằng: “Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu Giáo pháp duyên khởi này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như tổ kén, rối ren như ống chỉ,… không thể nào thoát khỏi khổ xứ, ác thú, đoạ xứ sanh tử.”[6]

Như một hồi chuông cảnh tỉnh những kẻ đang say vùi trong giất ngủ miên viễn của vô minh và ngã chấp, đức Phật dạy: “Những gì thuộc về quá khứ, hiện tại và vị lai,… tất cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức, chư vị nên như thật thấy với chánh trí tuệ như sau: “Đây không phải là của tôi! Đây không phải là tôi! Đây không phải là tự ngã của tôi!”[7]

“Do biết như vậy, thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có quan điểm: ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên.”[8]

Sự thật của cuộc đời là vô thường, vô ngã không thể chối cải được. Nhưng con người mãi bám bếu vào những thành kiến Hữu ngã đầy si mê: nào là tài sản của tôi, người yêu của tôi, tôn giáo của tôi, chủ nghĩa của tôi,v.v… và muôn ngàn cái tôi khác. Tôi sẵn sàng hy sinh cho những gì mang thuộc tính và sở hữu của tôi; và tôi sẽ tiệt tiêu, thanh toán, thôn tính bất cứ những ai dám cản trở tôi. Như vậy, chính vì cái Tư duy hữu ngã này (Self thought) hình thành nên bao nguy cơ, bất an cho xã hội loài người; không hiểu rằng:

“Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu”[9].

Sống không phải còn mãi, nhưng chết đâu phải mất đi! Sự sống chết của cuộc đời cũng chỉ là sự biến thái biểu hiện trong nhất thời vô cùng sống động, chuyển giao giữa cái quá khứ chuyển tiếp đến hiện tại, giữa cái hiện tại diễn tiến cho tương lai. Chính vì vậy mà sống không nên chủ quan, mà chết cũng chẳng có gì phải bi quan. Vì rằng sống chết là một lẽ thường tình, tất yếu, mà người tu đã làm chủ được quá trình diễn tiến cho cuộc sống tái sinh này, tự tại dung thông, chủ động cho sự đến và đi, cuộc sống mới này là cuộc sống hướng thượng, không trôi nổi trong chốn u đồ khổ não, đoạ lạc trầm luân. Thế nên, người tu Phật luôn có cái nhìn tuệ giác bất động, bất biến giữa dòng đời vạn biến:

“Xá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
(Mạc vị thạnh suy vô bố uý,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.)[10]

Ý thức như vậy, chánh niệm như vậy, tuệ tri như vậy! Từ ý thức sống đầy sáng suốt và kiên định như vậy, đã định hướng cho mọi hoạt động và hành vi ứng xử, ở với đạo sống với đời một cách trọn vẹn. Tinh thần Vô ngã giúp cho chúng ta có một cuộc sống trong sáng, không vì cái “Ta” tạm bợ này mà phải bi lụy khổ đau.

“Nhờ trí tuệ quán chiếu,
Thấy pháp Vô ngã rồi,
Thế là hết khổ thôi,
Đây chính là đường thanh tịnh.”[11]

Đức Phật đã khẳng định: “Ai thấy Duyên khởi (vô ngã) là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật).”[12]

Duyên khởi Vô ngã là chân lý thực tại (Absolute truth). Mặt trời mọc hướng Đông và lặn hướng Tây là một chân lý thiên nhiên; cũng vậy, nguyên lý Duyên sinh vô ngã (anattā paticcasamu-pāda) là một sự thật uyên nguyên ngàn đời. Từ muôn loài tinh tú trong vòng thái dương hệ cho đến con người, con vật, cỏ cây,v.v… đều sinh thành và hoại diệt trong mối tương quan bất tận trải dài trong vô ngôn.

Đức Phật dạy: “Này chư vị, dầu chư Phật có xuất hiện hay không xuất hiện, có một sự kiện, một chân lý nhất định, một định luật tự nhiên là tất cả các pháp vô thường (aniccā), khổ não (dukkha) và vô ngã (anattā). Như Lai đã quảng bá, truyền dạy, xác định, phân lập và chỉ dẫn.”[13]

Vô ngã là sự sống trong sáng, là chân trời giải thoát, là tên gọi khác của Niết-bàn. Cuộc sống lý tưởng phải là Vô ngã, quên cái Ta đi để hoà mình vào chung sống với mọi người, với vạn vật sinh thái đất trời bao la.



[1]Tương ưng bộ II, Phẩm đồ ăn, XX, Duyên, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992, tr.53

[2]N’etammam; Nēso ham asmi; Na me so attā.

[3]Lịch sử triết học Tây phương, tg. Lê Tôn Nghiêm, nhà xb Lá bối 1972, tr.118

[4]Vinaya Texts, Mahāvagga

[5]Kinh Tương Ưng Bộ, Phần 48 Chương IV, Phẩm 6 căn

[6]Tương ưng bộ II, Phẩm cây, X Nhân (S, ii, 92), tr.165

[7]Sabbe sankhārā aniccā

[8]Dhammapada No. 22

[9]Dhammapada No. 279

[10]Kệ thị tịch, Vạn Hạnh Thiền sư

[11]Tương ưng bộ II, Phẩm Gia chủ, Thánh đệ tử XX, bd. HT.Thích Minh Châu, xb.1993, tr.146

[12]Tương ưng bộ III, Phẩm A-la-hán, X Rādha (S, ii, 92), tr.165

[13]Anguttara Nikāya I, part I, Colombo 1929, P.286

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 10363)
Nói về đạo, thì không có đạo nào lớn bằng đạo Phật. Nói về lý, thì không có lý nào thâm cho bằng lý Phật. Còn nói về tu, thì không tu nào dễ cho bằng tu Phật.
12/04/2013(Xem: 15958)
Tu Tuệ là cách tu tập bằng thiền định phân giải, tức hướng vào mục tiêu phát huy sự hiểu biết, một sự hiểu biết siêu nhiên về bản chất đích thực của mọi vật thể và mọi biến cố...
11/04/2013(Xem: 7221)
Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác.
10/04/2013(Xem: 7791)
Trong cuốn Tăng Già Việt Namcủa Hòa Thượng Thích Trí Quang, có một câu rất hay, rất cảm động mà mỗi khi lẩm nhẩm đọc đến thì người đọc cảm thấy lòng hưng phấn, chí nguyện được cất cao lên, không còn khiếp sợ hay nhàm chán phải đối diện với đời sống vô thường hệ lụy: “Đứng trên tất cả để sống vì tất cả.”
10/04/2013(Xem: 7388)
Thế giới mênh mông trong vũ trụ, bằng cái nhìn của chư đại Bồ Tát chỉ là ảnh chớp chập chờn nửa hiện nửa ẩn trong dòng thức sinh diệt của chúng sanh. Thế giới loài vật vô minh ngây dại chẳng hiểu biết nên sống mà như chết.
09/04/2013(Xem: 5748)
Mục đích của Ðạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc.Mục đích của Ðạo Phật là giải thoát và giác ngộ,và chỉ có trí tuệ (Pan~n~à) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.
09/04/2013(Xem: 11553)
Đạo Phật chú trọng ở điểm: thấy - nghe - suy nghĩ và hành trì. Thấy có chính xác mới hiểu đúng không lệch lạc, thiên kiến. Nghe có đúng thật mới không truyền đạt sai sự thật. Suy nghĩ có chín chắn có cân nhắc kỹ càng, phát ngôn mới đúng.
09/04/2013(Xem: 14387)
Mỗi người đều trải qua một đời, đủ thịnh suy thành bại, đủ buồn vui được mất, nhưng học hỏi được gì ở cuộc đời lại là chuyện khác. Người ta có thể học hỏi được nhiều từ những việc nhỏ nhoi, bình thường; cũng như có người đã vô tâm trong những cơ hội lớn. Những bài dịch này, có thể đóng góp cho người đọc thấy một lối nhìn để chúng ta nhận được rằng, làm đẹp cuộc đời là điều không phải xa xôi mà mỗi người chúng ta đều có khả năng thực hiện.
09/04/2013(Xem: 14842)
Người Tây Phương đã có những công trình nghiên cứu đạo Phật một cách qui mô vào cuối thế kỷ 19. Những học giả người Anh, người Đức, tiêu biển nhất là những hội viên của Pali Text Society và Royal Asiatic Academy đã để lại những dịch phẩm, tác phẩm mà đến nay vẫn mang giá trị to lớn cho Phật học thế giới. Một số cá nhân đi xa hơn trở thành những tu sĩ Tây phương tại các quốc gia Phật giáo. Họ tìm thấy môi trường tu tập tuyệt vời khi sống giữa những người Phật tử Á Đông.
08/04/2013(Xem: 11625)
Sau khi Đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Siêu - Bổn sư của chúng tôi viên tịch, hàng môn đồ pháp quyến đã cố gắng sưu tập các bài giảng, bài viết của Hòa thượng được tìm thấy rải rác trong các báo, trong các di cảo lẻ tẻ còn sót lại và trong cuộn băng từ mà Hòa thượng đã giảng cho Tăng Ni Phật tử khắp ba miền đất nước từ trước tới nay. “Tâm lý Phật giáo trong Tây Du ký” là tác phẩm tiếp theo trong loạt các tác phẩm mà chúng tôi đã sưu tập và xuất bản trong gần 5 năm qua như: Cương yếu Giới luật (2002), Chữ nghiệp trong đạo Phật (2002), Thức biến (2002), Lược giảng kinh Pháp hoa (2003), Phật ở trong lòng (2003), Hư tâm học đạo (2003), Giới thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm (2004).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]