Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô Ngã, Chân Lý Thực Tại Của Cuộc Sống

07/06/201103:21(Xem: 4188)
Vô Ngã, Chân Lý Thực Tại Của Cuộc Sống
VÔ NGÃ, CHÂN LÝ THỰC TẠI CỦA CUỘC SỐNG
Thích Nhật Hiếu

Từ thế giới vật chất ngoại tại - khách quan cho đến thế giới tâm thức nội tại - chủ quan đều là vô thường, mang tích chất “hoà hợp” và “tương tục” của “duyên sinh vô ngã”. Với thế giới xiêm la vạn tượng này, vật chất luôn vận động, núi đổi, sông dời,…; cũng vậy, một đời người rồi ai cũng chết; thân này là do Ngũ uẩn (Pañña-cupādanakkhandha): sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà hình thành, tương tục, sanh khởi và hoại diệt; nên gọi là “không”, là “vô ngã”.

Long Thọ Bồ tát làm sáng tỏ ý tưởng trên trong Trung Quán Luận: “Tất cả những gì được tác thành bởi nhân duyên, đều là không, là giả danh; đây cũng chính là giáo nghĩa của Trung đạo.” (Chúng nhân duyên sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, diệt vi thị giả danh, thị thật Trung đạo nghĩa.)

Nguyên lý bất di bất dịch của tất cả những gì được hiện hữu ở cõi đời đều không ngoài qui luật “sinh thành”, “hoại diệt” và ngược lại. Đối với vũ trụ là “thành - trụ - hoại - không”, với nhân sinh là “sinh - trụ - dị - diệt”. Tất cả đều do nhiều yếu tố, điều kiện (trùng trùng duyên khởi) hình thành nên, không có đặc tính “một cái ngã bất biến và độc lập” nào tồn tại ở đây!

Chính vì vậy mà giáo pháp Phật-đà đã khẳng định: “Chỉ có pháp vô thường, sinh diệt mới là thường; một khi hiện trạng sinh diệt không còn mới thật là vĩnh viễn an lạc.” (Vô thường thị thường, thị sinh diệt pháp; sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.)

Xa lìa mọi sự chi phối, tác động của sinh thành và hoại diệt chính là trạng thái siêu việt, là mục tiêu “liễu sinh thoát tử” tối hậu của đạo lộ giải thoát. Chỉ có khả năng của một vị đã đạt đển cảnh giới của “tâm giải thoát” và “tuệ giải thoát”, một vị A-la-hán đã hoàn thành sứ mạng, hoàn thiện tư cách, thành tựu công đức, thể nhập và thân chứng vào cảnh giới của ngã không - pháp không: “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không trở lại Tam giới nữa.” (Ngã sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.) Hành trạng của một vị A-la-hán đi vào cảnh giới Niết-bàn bất tử.

Đức Phật khẳng định về sự thật này là: “Duyên sanh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường.”[1]Hay “Tất cả các pháp hữu vi (những gì được tác thành) đều là vô thường.”[2]

Bộ mặt thật của cuộc đời từ thế giới hiện tượng (vật lý) đến thế giới tâm thức (tâm lý) đều đang vận hành, trôi chảy không ngừng như một dòng sông luân lưu bất tận. Dòng chảy của hôm qua không phải là dòng chảy của hôm nay; ngược lại, dòng chảy của hôm nay lại càng không phải là dòng chảy của ngày mai. Không ai có thể quay ngược hoặc bắt bánh xe thời gian đứng yên. Cũng vậy, dòng chảy xiết của thế giới hiện tượng và thế giới tâm thức đang vận hành không có điểm dừng (hằng chuyển như bạo lưu). Đây là một sự thật mang tính thực tại, thế giới vật chất cũng như tinh thần luôn đổi thay với thiên hình vạn trạng.

Nhà Hiền triết Héraclicte đã nhận định: “Không ai có thể đặt chân hai lần trên một dòng nước”. (No man can enter into the same river twice.)[3]

Bản chất của chúng bất ổn như vậy, nhưng phần nhiều chúng ta không hiểu, nên khi có biến cố xảy ra, ta hoang mang, đau khổ,… Một người sáng suốt phải nhận thấy như thật (yathabhutaṃ), sự vật đang là (To their appearances as they really are), vô thường (aniccā), khổ (dukka) và vô ngã (anattā).

Thế nhưng, con người lại luôn ở trong vòng lẫn quẩn, vòng xoáy của cuồng lưu dục vọng này, như cá cắn phải câu, như chim mắc phải lưới. “Cá trong lờ đỏ lơ đôi mắt, cá ngoài lờ lại ngúc ngắc chui vô.” Hay điều nghịch lý như người khát nước trên biển uống phải nước mặn, càng uống càng khát; như trẻ con ngây thơ đang đùa giởn trong nhà lửa,… Thật sự ham vui khổ vô cùng!

Chính vì vậy mà với chí nguyện tầm cầu chân lý giải thoát cho chúng sinh, nhưng sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Đức Thế tôn lại than: “Pháp mà ta đã thể nhập và thân chứng (Pariyogathena), thật là vi diệu, đưa đến sự tịch tỉnh cho tâm thức, là cao thượng, không thể chứng ngộ bằng con đường suy lý, khó nhận thức, chỉ có người trí mới thấu hiểu. Thế nhưng, chúng sinh bị cuốn hút vào ái dục, xu hướng theo ái dục, ham thích theo ái dục; vì vậy, thật khó thấy được lý Duyên sinh (Idapaccayatā Paticcasamup-pāda). Đối với họ, sự khó khăn nhất là tịnh chỉ tất cả các hành, từ bỏ mọi Sanh y (hữu ái), ái diệt, ly tham, tịch tịnh, Niết-bàn!”[4]

Nếu ái dục là động cơ cho mọi hệ luỵ khổ đau của cuộc đời, thì tư duy hữu ngã, quan niệm tư duy về cái ta, cái tôi tư kỉ, hẹp hòi,… là hệ quả tất yếu làm nảy sinh tham dục, sân hận và si mê. Khi 6 căn ta tiếp cận thế giới khách quan do 6 trần, ta luôn luôn bị chúng mê hoặc, không sao làm chủ. Ta bị nô lệ, bị xử khiến bởi chúng. Ta da diết, ta oằn quại khổ đau. Ta trôi nổi trong luân hồi sinh tử lục đạo, ác thú.

Đức Phật đã cảnh tỉnh: “Cho đến khi nào, Ta chưa như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác… Cho đến khi nào, Ta như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, Ta mới nhận biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.”[5]

Cái thân lục căn, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới này là một tập hợp của các yếu tố tác thành nên. Nó không phải là một cái ngã độc lập hoặc bất di bất dịch, mà mang yếu tố tổ hợp và mang tính sinh thành và hoại diệt theo nguyên lý duyên khởi. Thế nhưng chúng ta phần đông không nhận thức và chấp nhận chân lý này. Mà trái lại nghĩ rằng mình là nhân vật trung tâm của vũ trụ, mình là sống mãi không chết, mình là tất cả, mình là bá chủ của toàn cầu. Mọi người phải tùng phục dưới chân mình. Thuận ngã giả sinh, nghịch ngã giả vong! Ngược lại, một khi những cá nhân khác bị xúc phạm, theo nguyên lý của bản năng đấu tranh để sinh tồn thì những cái ta cái tôi khác đâu thể ngồi im khoanh tay chờ chết, tất nhiên là đối kháng lại để tự vệ cho chính mình. Thành ra cuộc sống nhân thế là bãi chiến trường đầy chết chóc trong muôn thuở. Tư tưởng bại hoại và điên cuồng này đã gây bao bất hạnh cho mình và người!

Đức Phật lại xác quyết rằng: “Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu Giáo pháp duyên khởi này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như tổ kén, rối ren như ống chỉ,… không thể nào thoát khỏi khổ xứ, ác thú, đoạ xứ sanh tử.”[6]

Như một hồi chuông cảnh tỉnh những kẻ đang say vùi trong giất ngủ miên viễn của vô minh và ngã chấp, đức Phật dạy: “Những gì thuộc về quá khứ, hiện tại và vị lai,… tất cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức, chư vị nên như thật thấy với chánh trí tuệ như sau: “Đây không phải là của tôi! Đây không phải là tôi! Đây không phải là tự ngã của tôi!”[7]

“Do biết như vậy, thấy như vậy đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có quan điểm: ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên.”[8]

Sự thật của cuộc đời là vô thường, vô ngã không thể chối cải được. Nhưng con người mãi bám bếu vào những thành kiến Hữu ngã đầy si mê: nào là tài sản của tôi, người yêu của tôi, tôn giáo của tôi, chủ nghĩa của tôi,v.v… và muôn ngàn cái tôi khác. Tôi sẵn sàng hy sinh cho những gì mang thuộc tính và sở hữu của tôi; và tôi sẽ tiệt tiêu, thanh toán, thôn tính bất cứ những ai dám cản trở tôi. Như vậy, chính vì cái Tư duy hữu ngã này (Self thought) hình thành nên bao nguy cơ, bất an cho xã hội loài người; không hiểu rằng:

“Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu”[9].

Sống không phải còn mãi, nhưng chết đâu phải mất đi! Sự sống chết của cuộc đời cũng chỉ là sự biến thái biểu hiện trong nhất thời vô cùng sống động, chuyển giao giữa cái quá khứ chuyển tiếp đến hiện tại, giữa cái hiện tại diễn tiến cho tương lai. Chính vì vậy mà sống không nên chủ quan, mà chết cũng chẳng có gì phải bi quan. Vì rằng sống chết là một lẽ thường tình, tất yếu, mà người tu đã làm chủ được quá trình diễn tiến cho cuộc sống tái sinh này, tự tại dung thông, chủ động cho sự đến và đi, cuộc sống mới này là cuộc sống hướng thượng, không trôi nổi trong chốn u đồ khổ não, đoạ lạc trầm luân. Thế nên, người tu Phật luôn có cái nhìn tuệ giác bất động, bất biến giữa dòng đời vạn biến:

“Xá chi suy thạnh việc đời,
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
(Mạc vị thạnh suy vô bố uý,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.)[10]

Ý thức như vậy, chánh niệm như vậy, tuệ tri như vậy! Từ ý thức sống đầy sáng suốt và kiên định như vậy, đã định hướng cho mọi hoạt động và hành vi ứng xử, ở với đạo sống với đời một cách trọn vẹn. Tinh thần Vô ngã giúp cho chúng ta có một cuộc sống trong sáng, không vì cái “Ta” tạm bợ này mà phải bi lụy khổ đau.

“Nhờ trí tuệ quán chiếu,
Thấy pháp Vô ngã rồi,
Thế là hết khổ thôi,
Đây chính là đường thanh tịnh.”[11]

Đức Phật đã khẳng định: “Ai thấy Duyên khởi (vô ngã) là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật).”[12]

Duyên khởi Vô ngã là chân lý thực tại (Absolute truth). Mặt trời mọc hướng Đông và lặn hướng Tây là một chân lý thiên nhiên; cũng vậy, nguyên lý Duyên sinh vô ngã (anattā paticcasamu-pāda) là một sự thật uyên nguyên ngàn đời. Từ muôn loài tinh tú trong vòng thái dương hệ cho đến con người, con vật, cỏ cây,v.v… đều sinh thành và hoại diệt trong mối tương quan bất tận trải dài trong vô ngôn.

Đức Phật dạy: “Này chư vị, dầu chư Phật có xuất hiện hay không xuất hiện, có một sự kiện, một chân lý nhất định, một định luật tự nhiên là tất cả các pháp vô thường (aniccā), khổ não (dukkha) và vô ngã (anattā). Như Lai đã quảng bá, truyền dạy, xác định, phân lập và chỉ dẫn.”[13]

Vô ngã là sự sống trong sáng, là chân trời giải thoát, là tên gọi khác của Niết-bàn. Cuộc sống lý tưởng phải là Vô ngã, quên cái Ta đi để hoà mình vào chung sống với mọi người, với vạn vật sinh thái đất trời bao la.



[1]Tương ưng bộ II, Phẩm đồ ăn, XX, Duyên, bd. HT. Thích Minh Châu, xb.1992, tr.53

[2]N’etammam; Nēso ham asmi; Na me so attā.

[3]Lịch sử triết học Tây phương, tg. Lê Tôn Nghiêm, nhà xb Lá bối 1972, tr.118

[4]Vinaya Texts, Mahāvagga

[5]Kinh Tương Ưng Bộ, Phần 48 Chương IV, Phẩm 6 căn

[6]Tương ưng bộ II, Phẩm cây, X Nhân (S, ii, 92), tr.165

[7]Sabbe sankhārā aniccā

[8]Dhammapada No. 22

[9]Dhammapada No. 279

[10]Kệ thị tịch, Vạn Hạnh Thiền sư

[11]Tương ưng bộ II, Phẩm Gia chủ, Thánh đệ tử XX, bd. HT.Thích Minh Châu, xb.1993, tr.146

[12]Tương ưng bộ III, Phẩm A-la-hán, X Rādha (S, ii, 92), tr.165

[13]Anguttara Nikāya I, part I, Colombo 1929, P.286

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2024(Xem: 205)
Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Pháp sư Huệ Viễn được coi là Tổ đầu tiên của Tịnh tông Trung Hoa; thành lập Bạch Liên Xã quy tụ được hơn ba ngàn cả tăng lẫn tục toàn các bậc hào kiệt trong đời, trong đó có 18 vị là bậc thượng thủ, để lại cho hậu thế đời sau vô số câu chuyện vãng sinh ly kỳ. Đây là tông phái siêu việt, với nhiều đặc thù thuộc Đại thừa viên đốn. Gọi Đại thừa bởi tông này lấy tâm Bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Viên, bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu cả Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo và Đại thừa đốn giáo. Đốn, vì tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển. Đây chính là những điểm siêu xuất, đặc thù của tông Tịnh Độ.
20/09/2024(Xem: 544)
Đại sư Thiếu Khang họ Chu quê ở huyện Tấn Vân tỉnh Chiết Giang. Một hôm, mẹ ngài mơ thấy mình đi trên đỉnh Định Hồ, có Ngọc nữ trao cho bà một cành hoa sen xanh và nói: “Hoa sen xanh này biểu tượng cho Đại cát tường xin tặng cho bà. Bà sẽ sanh được quý tử, mong bà yêu thương giữ gìn nó”. Nghĩa là cành hoa sen này biểu tượng cho điều tốt lành lớn, nay trao tặng cho bà. Bà sẽ sanh được con trai tôn quý. Hy vọng bà chăm sóc con trai thật tốt.
30/08/2024(Xem: 273)
Hệ thống giáo nghĩa Chân tông được kiến lập qua tác phẩm chủ yếu của Ngài Thân Loan (1173-1262) là Giáo Hành Tín Chứng (Đại Chánh Tạng tập 83). Các trứ tác sau này của Ngài chỉ là bổ sung và phát triển quan điểm này từ các phương diện khác. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu kết cấu toàn thể hệ thống giáo nghĩa Chân tông và các đặc điểm của nó.
30/08/2024(Xem: 418)
Tại Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương (Forum of Asian and Pacific Performing Art) năm 1996 ở Hyogo, Nhật Bản, những nhạc công Nhã nhạc Huế đã có các buổi giao lưu, cùng biểu diễn với Nhã nhạc Nhật Bản; đồng thời một số nhà nghiên cứu Nhã nhạc của hai nước cũng đã có dịp trao đổi về mối quan hệ giữa Nhã nhạc Á Đông (Gagakư Nhật Bản, Ahak Hàn Quốc, Yayue Trung Hoa và Nhã nhạc Việt Nam).
28/08/2024(Xem: 996)
Đạo Phật giáo là nơi cứu khổ Độ chúng-sanh không bỏ một ai Lòng thương yêu khắp nhân-loài Không hề muốn thấy một ai khổ trần Đường chơn-chánh trên hơn tất cả Nẻo nhiệm-mầu chẳng có chi bì Muốn người rõ tánh từ-bi Cho nên Phật bảo con đi khuyên đời
28/06/2024(Xem: 1436)
Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát. Suốt cuộc đời Đức Phật, ngài đã sống bằng phẩm vật cúng dường. Tương tự, sự phát triển của Phật giáo lan rộng khắp thế giới và được hộ trì cho tới giờ cũng là nhờ phẩm vật cúng dường của đàn na thí chủ. Do vậy, bài này được viết để mời nhau giữ hạnh bố thí và cúng dường.
06/05/2024(Xem: 625)
Kinh A Di Đà cùng với kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ là ba kinh căn bản làm tông của tông Tịnh Độ. So với hai kinh kia thì kinh A Di Đà ngắn, ngôn ngữ dễ hiểu, nội dung không quá thâm sâu hay mật nghĩa như những kinh Đại Thừa khác. Phật tử bắc tông phần nhiều ai cũng đọc tụng và khá nhiều người thuộc nằm lòng.
16/04/2024(Xem: 817)
Một đám đông Mỹ-Mễ-Mít làm việc chung với nhau, ngày nào cũng đùa giỡn rần rật, chơi khăm rồi cười sằng sặc, tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, từ chính trị cho đến chuyện súng ống tràn lan, giá xăng tăng… Nhưng nhiều nhất và thường xuyên nhất vẫn là chuyện bóng cà na và chuyện đàn bà. Y cũng là một tên tích cực trong nhóm, thậm chí còn nổi trội về những trò gây cười. Y là tay nghịch ngầm và có nhiều ý tưởng mới, hễ y ra tay hay góp lời là cả đám cười hả hê. Những lúc câu chuyện trở nên thô tục quá thì y giật mình nhớ lại vấn đề chánh niệm nên ngưng nói. Giữ chánh niệm không phải là dễ, nhất là khi ở trong một môi trường mọi người đều thất niệm hay không biết chánh niệm là gì, quả thật những chuyện đùa , chuyện sắc dục nó hấp dẫn và dễ dãi hơn là chuyện chánh niệm.
16/03/2024(Xem: 2572)
Nam Mô có nghĩa là Trở về A, nghĩa là: vô Di Đà, nghĩa là: Lượng Phật, nghĩa là Giác, tánh biết Niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, có nghĩa là “ trở về với tánh giác vô lượng của bản thân mình, đó là A Di Đà tánh, là ông Phật của chính mình” Cứu cánh của Pháp môn Tịnh Độ là đạt tới điểm chung của Thiền cũng là khám phá ra ông chủ của mình . Tịnh Độ là ông Phật của chính mình chứ không phải ở ông Phật Tây Phương Cực Lạc. 🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
20/01/2024(Xem: 1346)
Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Độ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com