Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tánh Không Và Hoa Nghiêm

18/01/201104:53(Xem: 3488)
Tánh Không Và Hoa Nghiêm
TÁNH KHÔNG và HOA NGHIÊM
Nguyễn Thế Đăng

1. Trùng trùng duyên khởi

Thế giới đang hiện hữu trước mặt chúng ta đây là do duyên khởi, hay duyên sanh, nghĩa là do nhiều nhân duyên hợp lại mà có mặt. Một vật trước mặt chúng ta hiện giờ là do nhiều yếu tố mà có mặt: năng lượng, những hạt, bốn lực, tốc độ, nhiệt độ, trường không-thời gian… và tất cả những tương tác với chung quanh. Đó là chưa kể đến sự sống và ý thức tác động lên nó như thế nào.

Tất cả mọi cái hiện hữu đều do nhiều duyên mà sanh ra. Điều này được Phật giáo khái quát:

Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt.
Khi cái này không có mặt thì cái kia không có mặt.
Do cái này sanh nên cái kia sanh.
Do cái này diệt nên cái kia diệt.
(Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ)

Đó là cái thấy biết nguyên lý duyên sanh. Cái này và cái kia tương thuộc. Sự sanh, trụ, dị, diệt của cái này ảnh hưởng, tương tác với sự sanh, trụ, dị, diệt của cái khác, và do đó, của nhiều cái khác.

Mở rộng cái nhìn ra tầm mức thế giới và vũ trụ chúng ta sẽ thấy ngay: Cái này có mặt vì tất cả những cái kia có mặt. Cái này sanh vì tất cả những cái kia sanh. Cái này như thế này vì tất cả những cái kia như thế kia. Cái này biến đổi như thế này vì tất cả những cái kia đang biến đổi như thế kia. Một sự sanh diệt, biến đổi của một cái ảnh hưởng, tương tác đến tất cả những cái khác. Đó là cái nhìn trùng trùng duyên khởi: Một cái được duyên khởi khi tất cả mọi cái đang duyên khởi. Tất cả duyên khởi khi một cái được duyên khởi. Và luôn luôn như vậy trong mỗi khoảnh khắc.

Tôi có mặt ở đây vì có cha mẹ tôi, vì có đất nước Việt Nam này; nếu không có đất nước Việt Nam, tôi đã là một người nước khác, nói tiếng khác, suy nghĩ khác. Tôi có mặt ở đây vì đất ở đây không chìm dưới mặt nước biển, vì mặt trời tỏa xuống trái đất một nhiệt độ dao động vừa phải như vậy, vì mặt trăng ở khoảng cách như vậy. Những ngày trăng sáng tôi tỉnh táo hơn, những ngày mặt trời có những vết đen (bão từ) tôi bồn chồn hơn. Một ngôi sao nào ở đằng kia vũ trụ vừa mới nổ tung hay vừa mới hình thành chắc cũng có ảnh hưởng đến tôi dù tôi không thể biết bằng ý thức thường trực loạn động của tôi. Tôi ở đây, trong thời toàn cầu hóa, nên ít nhiều gì thì tôi cũng là một cá nhân được toàn cầu hóa. Ít nhất, trong phạm vi trái đất này, thân khẩu ý của tôi đã được tạo thành bởi và đang tương tác với thân khẩu ý với mọi loài có sự sống hay không có sự sống trên trái đất. Nói thẳng ra, thân tâm của tôi được tạo thành bằng tất cả thế giới này, bằng tất cả chúng sanh hữu tình trong thế giới này.

Sự dung thông của tôi, dù tôi có biết hay không, với toàn bộ vũ trụ, đó là “đại từ, đại bi”, nói theo ngôn ngữ Phật giáo. Và cái thấy trùng trùng duyên khởi “tôi có mặt vì tất cả mọi cái kia đang có mặt”, chính là “trí huệ”.

Nói bằng ngôn ngữ Hoa Nghiêm, “Một là tất cả, tất cả là một”. Đó là trí huệ và từ bi của Phật giáo.

Cũng chính bởi cái nhìn trùng trùng duyên khởi này, nên Phật giáo nói là vũ trụ vô thủy vô chung, không cần phải có mặt Thượng đế nào ở trước và ở ngoài để tạo ra và điều khiển vũ trụ.

2. Tánh Không là nền tảng của pháp giới Hoa Nghiêm

Từ cái nhìn duyên khởi, duyên sanh này, Phật giáo nói đến tánh Không. Theo một nghĩa gần gũi nhất với duyên khởi, thì tánh Không là vô tự tánh: vì mọi sự đều duyên khởi, nên mọi sự đều không có tự tánh riêng của chúng. Tánh Không là “bản thể học”, hay “hữu thể học” của Phật giáo. Tánh Không là nền tảng cho thế giới Hoa Nghiêm xuất hiện, cho sự thấy được Đức Phật vũ trụ Tỳ Lô Giá Na (Lô Xá Na, Vairocana):

Kẻ vô trí mê lầm
Vọng chấp tướng năm uẩn
Chẳng biết chân tánh kia
Người này chẳng thấy Phật
Rõ biết tất cả pháp
Đều không có tự tánh
Hiểu pháp tánh như vậy
Tức thấy Lô Xá Na.
(Phẩm Tu Di Đảnh Kệ Tán)

Tánh Không là nền tảng cho mọi thế giới, kể cả thế giới sự sự vô ngại vi diệu của kinh Hoa Nghiêm.

Tánh Không thì ở khắp mọi thời gian mọi không gian. Vì ở đâu có cái gì đó (sắc thọ tưởng hành thức, mười tám giới, bốn đại…) thì cái đó là vô tự tánh nên ở đó là tánh Không. Tánh Không thì dung thông vô ngại với chính nó và với tất cả mọi sự vật. Cũng chính vì mỗi sự vật là tánh Không nên mỗi sự vật đều dung thông vô ngại với nhau.

Ở đây chúng ta chỉ chú ý về sắc (sự vật, có thể số ít hoặc số nhiều). Kinh Đại Bát Nhãnói: “Sắc là vô lậu chẳng trói buộc vì là tánh Không vậy” (Phẩm Đoạn Chư Kiến).

Vì sắc vô tự tánh nên sắc là vô biên: “Sắc như hư không, thọ tưởng hành thức như hư không. Như hư không, biên bờ và trung gian đều bất khả đắc… Do nhân duyên này nên vì sắc vô biên mà biết Bồ-tát cũng vô biên (Phẩm Thập Vô). “Sắc là vô lượng vô biên, chúng sanh cũng vô biên (Phẩm Tán Hoa).

“Sắc là vô tận” (Phẩm Chúc Lụy). “Sắc cho đến mười hai duyên khởi (từ vô minh cho đến lão tử) đều là Không, bất khả tận” (Phẩm Bất Khả Tận).

Sắc là tướng vô ngại: “Trong tất cả pháp, tướng của chúng là vô ngại, Bồ-tát phải học, phải biết như vậy” (Phẩm Nghĩa Cú). “Sắc là chẳng chướng ngại, thọ tưởng hành thức là chẳng chướng ngại, cho đến nhất thiết chủng trí là chẳng chướng ngại” (Phẩm Vô Tác).

Mỗi sắc là tánh Không, nên nó có những tính chất của tánh Không: “vô biên, vô lượng, vô tận, vô ngại”. Mỗi sắc là “vô biên, vô lượng, vô tận, vô ngại” cho nên mỗi sắc tương thông, tương dung, tương nhập, tương nhiếp với tất cả các sắc.

Một sắc là “vô biên”, không biên bờ, nên trong một sắc có mặt tất cả các sắc khác. Một sắc là “vô lượng”, nên một sắc chứa tất cả các sắc khác. Một sắc là “vô tận” nên trong một sắc bao gồm tất cả mọi cái hữu tận khác, tất cả thời gian và không gian (hữu tận). Một sắc là vô ngại, nên nó tương thông, tương nhiếp, tương nhập mọi sắc khác.

Khi một sắc là vô biên, vô lượng, vô tận và vô ngại, nó tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp với tất cả các sắc, tạo nên thế giới sự sự vô ngại. Quán thấy được sự vô ngại tương tác lẫn nhau của các pháp như thế, chúng ta bắt đầu bước vào thế giới sự sự vô ngại, thế giới trùng trùng vô tận của Hoa Nghiêm.

Chính nhờ tánh Không, tánh Không một cách rốt ráo, mà thế giới trùng trùng duyên khởi được chứng nghiệm là thế giới sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận. Từ thế giới trùng trùng duyên khởi nhờ thấy được tánh Không ở mức độ rất sâu mà chúng ta thấy được thế giới sự sự vô ngại:

Một là tất cả, tất cả là một

Một trong tất cả, tất cả trong một.

Một gồm tất cả trong mình, tương dung tương nhập với tất cả.

Tất cả trong tất cả và tương dung tương nhập với tất cả.

Chính nhờ sự dung thông vô ngại, tương tức tương nhập mà người thể nhập Hoa Nghiêm sống được cái Hiện Tại Vĩnh Cửu chân thật nhất và cao tột nhất, một Hiện Tại Vĩnh Cửu đồng thời và đồng hiện, tương tức và tương nhập trùng trùng vô tận.

Vũ trụ đồng thời và đồng hiện trùng trùng vô tận này, nói theo thuật ngữ của kinhHoa Nghiêm, tức là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Nhật Biến Chiếuhay Quang Minh Biến Chiếu) trùng trùng tương dung tương nhiếp, tức là thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm. Thế giới đó là cực điểm của Chân Không Diệu Hữu của Phật giáo Đại thừa: có mà vẫn giải thoát, giải thoát mà vẫn có.

Để minh họa phần nào cho sự kiện sự vô ngại với sự, cái nhỏ nhiếp nhập với cái lớn một cách vô ngại, khá nhiều học giả Đông và Tây đã trưng dẫn bài thơ của William Blake (1757 – 1827):

Thấy

Thấy một thế giới trong một hạt cát
Và một thiên đàng trong một hoa dại
Nắm giữ vô tận trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ cuộc sống.


Ở đây chúng ta trích thêm một bài kệ của Thiền sư Khánh Hỷ (1066 – 1142) đời Lý nói về thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm:

Uổng đời thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn hỏi Tổ tông
Ngoài cõi tìm tâm không định thể
Nhân gian trồng quế há thành rừng?
Đầu lông thấy rõ càn khôn thảy
Hạt cát bao hàm nhật nguyệt trong
Đại dụng giữa đời tay nắm chặt
Ai hay phàm thánh với tây đông?

3. Đi vào pháp giới Hoa Nghiêm

Khi tâm ta bám trụ vào một cái gì, thì cái đó, tâm đó liền biến thành vật, thành sắc. Khi tâm không bám trụ vào một cái gì, tâm mở ra, bao trùm cái toàn thể, khi ấy tâm bắt đầu là tánh Không. Khi dịch từ tiếng Phạn và Tây Tạng, dưới ảnh hưởng của Hiện tượng luận Husserl – cùng là người Đức như ông – Herbert V. Guenther đã dịch tánh Không là the openess (sự mở ra, sự rỗng rang). Sau đó đã có một số người dịch theo như vậy. Đây là một nghĩa của tánh Không mà chúng ta có thể tham khảo. Không trụ, không có chỗ trụ (vô trụ, vô sở trụ) là một ý nghĩa của tánh Không, như được nói nhiều trong kinh Kim Cương.

Sắc vô tận khi tâm vô tận; sắc vô ngại khi tâm vô ngại. Để có thể đi vào thế giới vô biên vô lượng vô tận vô ngại của tất cả các pháp thì tâm chúng ta phải càng lúc càng mở ra để trở nên vô biên vô lượng vô tận vô ngại. Công việc này là sự thực hành chuyển hóa tâm thức, phá bỏ những chướng ngại chấp ngã chấp pháp; người xưa nói là sự tan băng: băng biến thành nước. Tùy theo mức độ tan băng của tâm thức mà chúng ta thấy được những mức độ sâu rộng của thế giới Hoa Nghiêm.

Đại thừa nói chung là sự tích tập công đức và trí tuệ. KinhĐại Bát Nhãnói trong phẩm Tam Thán: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”. Tịnh Phật quốc độ là trí huệ, thành tựu chúng sanh là công đức. Đây là con đường Bồ-tát hạnh.

Như kinhHoa Nghiêmdiễn tả, con đường chứng ngộ cảnh giới rốt ráo của kinh là con đường của hạnh nguyện Phổ Hiền. Thành tựu Đại Hạnh Nguyện Phổ Hiền là thành tựu thế giới Hoa Nghiêm:

“Mười phương tất cả Bồ-tát và quyến thuộc đều từ trong hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát mà sanh…” (Phẩm Nhập Pháp Giới).

Cũng đoạn bắt đầu của phẩm Nhập Pháp Giới, Bồ-tát Phổ Hiền nói kệ:

Ức cõi vi trần số
Bồ-tát biển công đức
Đều từ trong hội khởi
Đầy khắp mười phương cõi
Đều trụ hạnh Phổ Hiền
Đều đi biển pháp giới
Hiện khắp tất cả cõi
Đồng nhập hội chư Phật.
Bồ-tát chỗ tu hành
Khắp rõ biển pháp hạnh
Vào nơi biển đại nguyện
Trụ cảnh giới của Phật
Thấu rõ hạnh Phổ Hiền
Xuất sanh các Phật pháp
Đủ biển công đức Phật…

Hạnh nguyện Phổ Hiền trùm khắp pháp giới được ví với biển và cũng chính biển được đồng hóa với pháp giới Hoa Nghiêm. Hạnh nguyện Phổ Hiền chính là pháp giới sự sự vô ngại Hoa Nghiêm, và pháp giới Hoa Nghiêm chính là hạnh nguyện Phổ Hiền.

Biển là tánh Không, nhưng tánh Không không phải là không có gì. Biển có tất cả sắc tượng, tất cả cảnh giới trùng trùng nhiếp nhập. Pháp giới Chân Không Diệu Hữu này được nói trong kinh là Hải Ấn tam muội. Kinh Hoa Nghiêmnói nhiều đến biển: biển đại nguyện, biển đại bi, biển đại trí, biển công đức… đó cũng chính là biển tâm của chúng ta. Tâm chúng ta nhờ đại nguyện, đại bi, đại trí, đại hạnh, công đức… mà mở rộng ra để nhiếp lấy và nhập vào biển pháp giới Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Địanói: “Ba cõi chỉ là Nhất Tâm”.

Toàn bộ kinhHoa Nghiêmnói về hạnh nguyện Phổ Hiền. Thế nên trong từng câu kinh chúng ta có thể tìm thấy cho mình niềm tin và sự hăng hái để thực hành con đường Bồ-tát hạnh của Đại Hạnh Phổ Hiền. Chính qua thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền mà pháp giới Hoa Nghiêm dần dần hiển lộ ra với chúng ta.

Thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền là chuyển hóa cuộc đời của chúng ta vào trong pháp giới Hoa Nghiêm. Tất cả mọi mắt thấy tai nghe làm việc nghỉ ngơi vui buồn đều tương ưng và nằm trong toàn bộ Phật pháp. Thực hành Hoa Nghiêm là tin rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ chính là ba thân của Phật Tỳ Lô Giá Na và mọi hoạt động của chúng ta không thể nào ngoài pháp giới Ba Thân Phật ấy.

Sống trong Phật Tỳ Lô Giá Na là thế nào? Tất cả những gì thấy nghe hay biết (sắc thanh hương vị xúc pháp) đều là Hóa thân của Phật Tỳ Lô Giá Na, và Hóa thân ấy (tức là toàn thể vũ trụ này) là đồng nhất với Pháp thân tánh Không của Phật Tỳ Lô Giá Na. Sắc (Hóa thân) tức là Không (Pháp thân). Đây là pháp giới Lý Sự vô ngại hay Sắc Không vô ngại, và tiến thêm nữa, hay nói theo thuật ngữ của kinh, thâm nhập thêm nữa, chúng ta đi vào pháp giới Sự Sự vô ngại, tức là pháp giới trùng trùng vô tận.

Văn hóa Phật Giáo số 118

Người đánh máy và gửi bài: Võ Thanh Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2012(Xem: 4524)
Khi đức Phật du hóa tại nước Di-hy-La, Ngài ngụ trong vườn Am-La. Bấy giờ có thiếu phụ tên là Bà-tứ-Tra có năm người con chết liên tiếp trong mấy năm. Vì qúa nhớ thương buồn rầu, nên khi đứa con thứ năm vừa chết xong, bà phát điên, xõa tóc, xé rách hết quần áo, chạy rong cùng đường kêu la, khi cười khi khóc, lúc nói lảm nhảm một mình.
14/09/2012(Xem: 4845)
Kinh Lăng Nghiêm là một trong những bộ Kinh tinh túy cốt lõi thuộc truyền thống Kinh điển đại thừa Bồ Tát đạo trong Phật Giáo. Tinh thần Bồ tát là tinh thần cầu thành Phật, phổ độ chúng sanh, tinh thần ấy không phân biệt giữa hai giới tại gia hay xuất gia. Đã là Phật tử, tức phải xác định mục đích tấn tu duy nhất, mục đích đó là phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo. Trong lời tựa tán thán Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan phát nguyện “ngũ truợc ác thế thệ tiên nhập”, lời phát nguyện đó cũng chính là lời phát nguyện cho mỗi người Phật tử trên con đường tu tập.
14/09/2012(Xem: 5347)
Phật dạy các pháp đều từ tâm sanh, dù vậy cảnh vật bên ngoài vẫn là hiện hữu. Tuy nhiên sẽ không có cảnh tượng nếu không có tâm tưởng. Những giác quan chính của con người từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) đều như thế. Sỡ dĩ ta có thể nhận thức được mọi thứ là do căn tiếp xúc với trần, rồi dùng thức để phân biệt nhận lãnh. Nếu không như vậy ta không thể nhận biết được gì.
14/09/2012(Xem: 5378)
Khi nói đến tu là nói đến chuyển hóa Tâm thức trong mỗi con người chúng ta, đó là điều quan trọng nhất. Có hai mức độ chuyển hóa, mức độ thứ nhất là phát tâm từ bi thương hết tất cả chúng sanh, mức độ thứ hai là tập hoán chuyển giữa Mình và Người, còn gọi là thực tập pháp tu Cho và Nhận.
06/09/2012(Xem: 3822)
Khi đức Phật du hóa đến núi Tỳ-ha-La, thuộc thành La-duyệt-Kỳ, Ngài trú ngụ trong động cây Thất-diệp (Sau này tập kết Kinh Luật ở đây); có một vị Cư-sĩ tên là Tán-đà-Na thuộc thành La-duyệt-Kỳ, cứ mỗi ngày thường đến chỗ Phật ngụ. Một hôm trên đường đi, Cư-sĩ Tán-đà-Na nhìn bóng mặt trời thấy còn sớm, vì Cư-sĩ nghĩ rằng đức Phật còn đang nhập định, và các vị Tỳ-kheo cũng còn đang thiền-định; nghĩ như vậy, nên Cư-sĩ Tán-đà-Na tạm thời tạt vào nghỉ chân tại rừng Ô-tạm Bà-Lợi.
01/09/2012(Xem: 4535)
Một hôm đức Phật vào thành A-Nậu-Di khất thực, nhưng vì còn sớm, nên Ngài ghé vào vườn chỗ cư ngụ của Phạm-chí Phòng-già-Bà, để đợi đến giờ rồi mới đi khất thực; lúc đó, Phạm-Chí từ xa trông thấy đức Phật đi đến liền ra nghênh đón và nói: - Chào Cù-Đàm, qúy hóa thay đức Cù-Đàm; từ lâu không đến, nay Ngài chiếu cố chắc là có chuyện gì, kính mời Ngài ngồi chỗ này.
23/08/2012(Xem: 4861)
Khi đức Phật du hoá tại phiá bắc thôn Thâu-lô-Tra, thuộc nước Câu-Lâu-Sấu, bấy giờ các người trong thôn nghe tin: “Sa-môn Cù-Đàm, con Vua dòng họ Thích, lià bỏ tông-tộc, xuất gia học đạo, đang trú ngụ trong vườn Nhiếp-hoà; vị Sa-môn ấy có tiếng tăm lớn đồn khắp mọi nơi là bậc đắc đạo, là thầy của Trời và Người, thuyết pháp vi diệu chưa từng có”, nên họ rủ nhau cùng đến gặp Ngài để lễ bái cúng dường.
18/08/2012(Xem: 8467)
Anh chị em thân mến, đặc biệt là người thân hữu lâu năm Jim[1]. Thật sự tôi rất vui mừng được đến đây để gặp gở mọi người. Một số là người thân quen đã lâu, và hầu hết các vị là mới. Tôi cảm thấy rất quan trọng để gặp gở và chia sẻ một số quan điểm của tôi, chính yếu là những kinh nghiệm của riêng tôi và cũng như tôi nghĩ là một số quán chiếu. Tôi nghĩ ở đằng ấy, những sinh viên trẻ tuổi mà tôi cho là tôi có kinh nghiệm hơn (cười). Các bạn chỉ vừa mới bắt đầu một cuộc đời thật sự, còn tôi đã sắp nói lời giả biệt, bye bye (cười).
18/08/2012(Xem: 4350)
Một hôm, đức Phật dạy các Tỳ Kheo: - Thuở xưa, Chư Thiên đánh nhau với Thần A Tu la. Thích Đề Hòan Nhân (Vua trời Đế Thích) ra lệnh cho Chư Thiên Đạo Lợi: “- Các Ông đánh nhau với Thần A Tu La, làm sao bắt được Vua Thần A Tu La, hãy dùng 5 sợi dây trói lại, đem về giảng đường Thiện Pháp, ta muốn thấy mặt nó.”
16/08/2012(Xem: 4880)
Một số người theo thuyết Nhất thần giáo thành lập niềm tin vào "Thiên chúa" trong nhiều Tôn giáo. Nhiều người tự cho Tôn giáo mình là Hữu thần-Bất khả tri (Agnostic), và những người khác vui vẻ tự nhận mình là Vô thần (Atheist). Một vài giáo phái Bất khả tri luận cũng là Phật tử, và một số họ tin vào "những tầng trời" và "những cõi địa ngục". Tuy nhiên những Phật tử này tránh từ “G" (God) trong tất cả tình huống. Vậy thì Phật tử theo chủ thuyết Bất khả tri luận có thể chấp nhận “Thiên chúa” không?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]