Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô Ngã Và Niết Bàn

05/01/201118:00(Xem: 3870)
Vô Ngã Và Niết Bàn


VÔ NGÃ VÀ NIẾT-BÀN
Thích Hiển Chánh

Niết-bàn không phải là sự vật mà là một trạng thái vắng mặt trọn vẹn dòng chảy lậu hoặc của tâm. Cho vô ngã là niết-bàn chẳng khác nào cho rằng tất cả các sự vật là niết-bàn, hay nói khác hơn đánh đồng niết-bàn với các sự vật vô ngã.

Theo văn học Phật giáo nguyên thủy, niết-bàn không phải là thực tại thường hằng (nicca) và cũng không phải là thực tại ngã (atta). Mà đúng ra, niết-bàn được mô tả như một trạng thái chứng đắc "siêu vượt thời gian" (akàliko) hay sự an lạc cao cấp nhất (nibbànaị paramaị sukhaị ).1 Nhưng có khuynh hướng cho rằng niết-bàn là một thực tại tuyệt đối theo nghĩa một hạnh phúc thường hằng hay một kinh nghiệm siêu nhiên. Đặc tính hoá niết-bàn bằng một hạnh phúc thường hằng sẽ vô tình thừa nhận có một tác nhân kinh nghiệm thường hằng miên viễn (a permanent and eternal experiential agent), luôn túc trực để tiếp nhận dòng kinh nghiệm đó.

Về phương diện logic, điều nầy sẽ kéo theo sự thừa nhận một tác nhân thường hằng bất biến hay một hiện hữu siêu nhiên; và nhờ vào hiện hữu siêu nhiên này mà con người có thể nhận dạng được dòng kinh nghiệm của hạnh phúc thường hằng. Nếu đây là những gì được hiểu thì phán đoán "niết-bàn là thường" sẽ trái với lời dạy nguyên thủy của đức Phật về tính phi thực thể hay vô ngã (anatta) của mọi sự vật. Ngoại diên của vô ngã không bị giới hạn trong thế giới luân hồi (saịsàra), mà còn bao gồm cả niết-bàn. Mặc dù chúng ta không thể tìm thấy các bằng chứng trực tiếp cho lối giải thích trên, nhưng chúng ta có thể đúc kết chúng từ ba tuyên ngôn nổi tiếng của đức Phật về bản chất của thế giới:

"sabbe saơ khàràaniccà,
sabbe saơ khàrà dukkhà ,
sabbe dhamma anattà"2

Có nghĩa là "tất cả các sự vật duyên khởi đều vô thường, tất cả các sự vật duyên khởi đều dẫn đến sự không thoả mãn, và tất cả các hiện tượng (dhamma) là vô ngã."

Vấn đề cần đặt ra là niết-bàn có thể được liệt vào phạm trù của mọi sự vật hiện tượng (dhamma) hay không? Nhận xét về ba câu tuyên ngôn trên của đức Phật, HT. Narada đã viết rất chính xác như sau:

Khái niệm "pháp" hay mọi sự vật hiện tượng có thể áp dụng cho các sự vật và trạng thái duyên khởi hay phi-duyên-khởi, bao gồm luôn cả niết-bàn. Để minh chứng rằng niết-bàn thoát khỏi một bản ngã thường hằng, đức Phật sử dụng thuật ngữ "pháp" trong câu tuyên ngôn thứ ba. Niết-bàn là trạng thái siêu thế tích cực và không có bản ngã trong nó.3

Điểm quan trọng cần ghi nhận ở đây là thuật ngữ "dhamma" không được đức Phật sử dụng trong hai câu tuyên ngôn đầu có thể nhằm ngụ ý rằng mặc dù niết-bàn không phải là vô thường và khổ, nhưng nó hoàn toàn không thể mang nghĩa của một bản ngã hay thực thể thường hằng. Sự an lạc tịch tĩnh của niết-bàn được mô tả là siêu việt thời gian (akàliko) không có linh hồn hay không phải là một thực thể ngã (anatta). Thế thì, những điều có thể nói về ý nghĩa của câu tuyên ngôn thứ ba là niết-bàn cũng như các hiện tượng khác (dhamma) là vô ngã (anatta).

Trong kinh điển nguyên thủy, khái niệm "pháp" (dhamma) bao gồm hai phạm trù hiện tượng, đó là các sự vật duyên khởi tương thuộc hay hữu vi (saơ khatà, hành) và các sự vật phi duyên khởi tương thuộc hay vô vi (asaơ khatà, phi hành); và niết-bàn thuộc vào loại thứ hai.4 Chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng cho lý giải trên trong kinh Tăng Chi (Aơguttara-Nikàya). Tại đây, đức Phật tuyên bố rằng sự thiền quán về bản chất của vô ngã hay tính không thực thể của mọi sự vật hiện tượng sẽ giúp ta nhổ lên được gốc rễ của bản ngã, và mặt khác, chứng đạt niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại này. Đoạn kinh đó như sau: "với quán tưởng thiền, không còn một thực thể hay ngã tính tồn tại. Vị ấy sẽ chứng đạt giải thoát các thái độ "tôi là" và đạt được niết-bàn trong hiện đời."5

A-la-hán là người đã thoát khỏi ý niệm sai lầm về ngã hay các tư tưởng ngụy tạo trên ngã (magazati). Bậc giác ngộ là người đã thoát khỏi bốn cách biểu đạt dính dáng đến sự sai lầm về ngã, như, (i) tôi là niết-bàn, (ii) tôi đang ở trong niết-bàn, (iii) tôi khác với niết-bàn, và (iv) niết-bàn là của tôi.6 Điều này có nghĩa là niết-bàn không thể bị đồng hóa với khái niệm bản ngã hay một thực thể (atta //  àtman), và do đó, niết-bàn phải là vô ngã (anatta). Mối quan hệ mật thiết giữa niết-bàn và vô ngã được trình bày rõ nét trong một đoạn kinh Trung Bộ sau đây:

Ở đây, một vị A-la-hán đã diệt trừ toàn bộ các lậu hoặc của tâm, đã sống trọn vẹn đời sống thánh, đã làm hoàn tất những gì cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã chứng đạt được mục đích, đã tiêu diệt hết các trói buộc của tái hiện hữu bằng trí tuệ . . . Vị A-la-hán biết rõ rằng niết-bàn là niết-bàn. Với tuệ tri này, vị A-la-hán không nghĩ đến niết-bàn, không nghĩ về mình trong niết-bàn hay chính niết-bàn; cũng không nghĩ niết-bàn là của tôi, vị ấy cũng không tham đắm trong niết-bàn. Nguyên do là vị A-la-hán đã tuệ tri được bản chất của nó.7

Theo đoạn kinh này, cách thức quan niệm về niết-bàn làm cho vị A-la-hán khác và vượt lên trên người phàm kẻ tục (puthujjana). Nhờ vào trí tuệ chân chánh về niết-bàn như là niết-bàn vị A-la-hán "thật" sẽ không vướng mắc mình vào khái niệm niết-bàn cũng như niết-bàn như một thành quả chứng đạt được. Bậc giác ngộ không quan niệm niết-bàn là của mình hay bản thân mình trong niết-bàn hay chính là niết-bàn. Với tuệ tri đó, bậc giác ngộ thoát khỏi mọi chấp mắc ở đời, trong đó sự chấp mắc về niết-bàn chứng đắc được là một. Điều này cũng có nghĩa là "niết-bàn là vô ngã."

Nhờ sự tuệ tri về tính không thực thể (anatta) của năm nhóm nhân tính (pagazcakkhandha) và mọi sự vật hiện tượng (dhamma) trên thế gian này (loka), bậc giác ngộ nhận chân được rằng mình không thể bị đánh đồng với năm nhóm nhân tính hay bất kỳ cái gì kể cả bản thân niết-bàn. Đây không phải do vì bậc giác ngộ không còn đối tượng của tư duy hay không thể phân biệt được bản thân mình với cái khác và thế giới xung quanh. Trong trạng thái của niết-bàn do các giác quan và nhóm nhân tính vẫn còn hoạt động, bậc giác ngộ vẫn phải còn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vẫn phải còn cảm giác, ý niệm và nhận thức. Điều khác biệt là năm nhóm nhân tính trong bậc giác ngộ đã được chuyển hóa toàn diện thành trí tuệ như thật, trí tuệ như là về mọi sự vật hiện tượng. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa bậc giác ngộ với một người phàm trong mối liên hệ với năm nhóm nhân tính (pagazca-kkhandha), bởi lẽ cả hai đều không có một thực thể ngã bất biến (anatta).

Sự khác biệt giữa người giác ngộ và người phàm là mặc dù không có một thực thể ngã bất biến, người phàm vẫn có khuynh hướng giả định về ý niệm của bản ngã hay đồng nhất hóa bản ngã với cái gọi là năm nhóm nhân tính tâm vật lý, trong khi người giác ngộ không nhìn thấy bản ngã trong năm nhóm nhân tính này. Như là kết quả của sự khác nhau về thái độ nhận thức bản chất của năm nhóm nhân tính, sự khác biệt đã xuất hiện giữa người giác ngộ và người phàm, là cách thức mà cả hai tiếp xúc và phản ứng về thế giới và với những khái niệm của tâm (dhamma). Kẻ phàm phu thường xem mình là bản ngã và mọi sự có một thực thể ngã (atta //  àtman). Sự chấp mắc từ đó đã xuất hiện dưới một trong ba hình thái đồng nhất hóa bản ngã hay ngộ nhận về bản ngã (sakkàya-diỉỉhi): "cái này là của tôi" (etaị mama), "cái này là tôi" (eso’ ham asmi) và "cái này là bản ngã của tôi" (eso me atta).8 "Tất cả đau khổ tồn tại" đều do thái độ ngộ nhận hay đánh đồng bản ngã này với năm nhóm nhân tính (pagazcakkhandha) mà người phàm thường mắc phải.

Bậc giác ngộ thì khác hẳn. Ba thái độ đồng hóa hay ngộ nhận về bản ngã đã được chuyển hóa thành ba thái độ vô ngã: "cái này không phải của tôi" (netaị mama), "cái này không phải là tôi" (neso’ham asmi) và "cái này không phải là bản ngã của tôi" (neso me atta).9 Điều cần ghi nhận là sự chứng đạt niết-bàn được hiểu là sự chấm dứt trọn vẹn ba thái độ đồng nhất bản ngã hay ngộ nhận về bản ngã, như đã trình bày bên trên. Trong niết-bàn, do đó, không còn bản ngã, không có bản ngã. Nói cách khác niết-bàn là vô ngã.

Lối giải thích này hoàn toàn phù hợp với đoạn mô tả về niết-bàn trong Cảm Hứng Ngữ 80: sự nhận chân được chân lý vô ngã hay không thực thể trong mọi vật là con đường chứng đạt niết-bàn, mặc dù chân lý này khó có thể nhận dạng ra.

Dù sao chăng nữa, phán đoán "niết-bàn là vô ngã" không bao giờ đồng nghĩa với phán đoán "vô ngã là niết-bàn." Một số nhà Phật học, do không nhận ra được sự khác nhau giữa vô ngã, bản chất của sự vật, với niết-bàn, trạng thái an lạc do quán chiếu vô ngã mà có nên đã đánh đồng vô ngã với niết-bàn, vô ngã là niết-bàn. Nghĩa là họ đã đánh đồng phương pháp tu tập để đạt được niết-bàn (vô ngã) với bản thân của niết-bàn. Mặc dù bản chất của niết-bàn là vô ngã, nhưng vô ngã không thể bị đồng hóa với bản chất của niết-bàn. Phán đoán "vô ngã là niết-bàn" thực ra chỉ là kết quả của sự sai lầm trong việc đồng hóa một đặc tính của niết-bàn với bản thân của tổng thể niết-bàn. Sai lầm này về mặt logic cũng không hơn các phán đoán vô lý "tất cả ai đầu tròn áo vuông đều là thầy tu Phật giáo," do đánh đồng một đặc tính của thầy tu Phật giáo (cạo đầu tròn và mặc áo phương bào (áo vuông)) với tổng thể con người thầy tu Phật giáo. Ngoài đầu tròn áo vuông như yêu cầu về mặt hình thức, tu sĩ Phật giáo phải hơn bao giờ hết dấn thân vào con đường thực nghiệm tâm linh, trau giồi đời sống đạo đức, tu tập thiền định và phát triển trí tuệ để diệt trừ các dòng chảy lậu hoặc của tâm. Tương tự, câu tuyên bố của đức Phật "tất cả pháp là vô ngã" (sabbe dhammaanattà) chỉ có nghĩa không có một thực tại hay thực thể ngã trong mọi sự vật hiện tượng, trong đó, niết-bàn là một. Nó hoàn toàn không có nghĩa cho rằng vô ngã là niết-bàn. Bởi lẽ trên thế gian này có vô lượng vô số sự vật (nói đúng hơn toàn thể sự vật) vốn là vô ngã nhưng không được niết-bàn, không có niết-bàn và không phải là niết-bàn. Vô ngã là thuộc tính của mọi hiện hữu và sự vật. Niết-bàn không phải là sự vật mà là một trạng thái vắng mặt trọn vẹn dòng chảy lậu hoặc của tâm. Cho vô ngã là niết-bàn chẳng khác nào cho rằng tất cả các sự vật là niết-bàn, hay nói khác hơn đánh đồng niết-bàn với các sự vật vô ngã.

Nói tóm lại, niết-bàn là vô ngã. Mặc dù sự an lạc của niết-bàn do chấm dứt toàn bộ dòng chảy lậu hoặc và khối đau khổ, là siêu vượt khỏi thời gian, nhưng không vì thế mà niết-bàn được đồng hóa với thường và ngã. Kế đến, tuệ tri về bản chất vô ngã của các sự vật là một cách, một con đường giúp ta nhận chân được niết-bàn trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên sẽ là một sai lầm nếu ta đánh đồng vô ngã với niết-bàn, mặc dù niết-bàn là vô ngã.

Chú thích:

1. S. I. 125, S. IV. 371-2; M. I. 508-9; Dhp. 202-4, Ud. 10; Thag. 35.

2. Dhp. 277-9; A. I. 286; S. III. 133.

3. Nàrada Thera, The Buddha and His Teachings. (Singapore: 1973), p. 225: Dhamma can be applied to both conditioned and unconditioned things and states. It embraces both conditioned and unconditioned things including nibbàna. In order to show that even nibbàna is free from a permanent soul the Buddha used the term dhamma in the third verse. Nibbàna is a positive supramundane state and is without a soul.

4. A. II. 34; S. IV. 359-373.

5. A. IV. 353: anattasagagaì asmim ànasamuggh àtaị p àpu?#224;ti diỉ ỉ h eva dhamme nibbànaị .

6. M. I. 4.

7. M. I. 4: Yopi so bhikkhave bhikkhu arahaị khìàsavo vusitavà katakara?#236;yo ohitabhàro anuppattasadattho parikkhì abhavasaị yojano sammappagagà  vimutto, so pi . . . nibbànaị nibbànato abhijànàti, nibbànaị nibbànato abhigagàya nibbànaị na magagaati, nibbànasmiị na magagaati, nibbànato na magagàti, nibbànaị meti na magagàti, nibbànaị nàbhinandati; taị kissa hetu: parigagàtaị tassàti vadàmi.

8. S. IV. 2ff.

9. S. IV. 2ff.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2010(Xem: 21041)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
10/11/2010(Xem: 8281)
Đức phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ. Trong Kinh Bi Hoa nói rằng: "Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện trì".Khi ấy tại cõi Tản đề lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông thắng thần châu, hai là Nam thiệm bộ châu, ba là Tây ngưu hóa châu, và bốn là Bắc cu lô châu, tiếng nhơn hiền đồn dậy bốn phương, đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẳn lòng ái kính.
07/11/2010(Xem: 11176)
Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí.
07/11/2010(Xem: 9390)
Tối nay, tôi muốn nói về sự thực tập Phật Pháp trong đời sống hằng này. Từ ngữ Phật Pháp - Giáo Pháp – Dharma có nghĩa là phương sách ngăn ngừa. Nó là điều gì đấy mà chúng ta thực hiện nhằm để tránh những rắc rối. Điều đầu tiên mà chúng ta cần phải làm để liên hệ chính chúng ta với sự thực hành Phật Pháp là để nhận ra rằng thực hành Phật Pháp là để hướng tới việc giúp chúng ta tránh khỏi những rắc rối này.
06/11/2010(Xem: 23498)
Ẩn tu nào phải cố xa đời! Mượn cảnh u-nhàn học đạo thôi! Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi.
04/11/2010(Xem: 4968)
Cầu siêu là cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho thần thức người đã mất được nhẹ nhàng, siêu thoát về các cõi lành. Trong kinh Địa Tạng có nói rõ tác dụng của sự cầu nguyện cho người chết rằng: Trong 7 phần công đức, người cầu siêu được hưởng sáu phần, người chết chỉ hưởng được một phần mà thôi.
02/11/2010(Xem: 5203)
Điều cực kỳ quan trọng là phải biết đâu là cách thức tốt nhất để dẫn dắt đời sống hàng ngày của ta. Điều này tuỳ thuộc vào việc ta thấu hiểu những gì là hành động tâm linh và những gì không phải, sự khác biệt giữa Pháp và những gì không phải là Pháp. Những lợi lạc của sự thấu hiểu này thì thật vô biên, không thể tin nổi.
02/11/2010(Xem: 5197)
Trong khóa nhập thất Hayagriva Tối Mật tại Viện Vajrapani, Tháng Chín, Tháng Mười năm 1997, Lama Zopa Rinpoche đã ban cho các đệ tử lời khuyên dạy sau đây. Việc này xảy ra khi Rinpoche giải thích một luận văn dài cho sadhana (1) Hayagriva Tối Mật, khi giảng thêm về tiết đoạn quy y:
02/11/2010(Xem: 9132)
Pháp Thân, tự biểu hiện ‘tính không’ và không có sự hiện hữu của thân thể vật lý, mà phải tự hiện thân trong một hình tướng và được biểu hiện như cây trúc...
01/11/2010(Xem: 4507)
Mặc dù không thể nói nhiều nhưng tôi muốn nói ít lời này. Tulku Urgyen Rinpoche và tôi cùng quê quán ở miền Đông Tây Tạng, nhưng chúng tôi vẫn có vẻ rất xa cách nhau. Vào thời ấy chúng tôi không có phương tiện để tới với kỹ thuật tân tiến. Bởi không có máy bay, không xe lửa, không xe hơi nên mọi người phải đi bộ hay đi ngựa, vì thế một khoảng cách mà ngày nay chúng ta thấy dễ dàng vượt qua bằng phương tiện vận chuyển hiện đại thì vào thời đó nó có vẻ rất dài. Mặc dù dĩ nhiên là chúng tôi có nghe nói về nhau, nhưng mãi tới khi lần đầu tiên tôi tới Thung lũng Kathmandu thì chúng tôi mới bắt đầu có một sự nối kết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]