MỌI SỰ TÙY THUỘC VÀO
ĐỘNG LỰC CỦA CHÚNG TA
Lama Zopa Rinpoche – Thanh Liên Việt dịch
ĐỘNG LỰC CỦA CHÚNG TA
Lama Zopa Rinpoche – Thanh Liên Việt dịch
Điều cực kỳ quan trọng là phải biết đâu là cách thức tốt nhất để dẫn dắt đời sống hàng ngày của ta. Điều này tuỳ thuộc vào việc ta thấu hiểu những gì là hành động tâm linh và những gì không phải, sự khác biệt giữa Pháp và những gì không phải là Pháp. Những lợi lạc của sự thấu hiểu này thì thật vô biên, không thể tin nổi.
Điều chúng ta cần phải nhận thức là mọi hoạt động của ta suốt trong hai mươi bốn giờ – đi, ngồi, ngủ, trò chuyện, làm việc – đều có thể trở thành một nguyên nhân cho sự Giác ngộ, cho sự giải thoát, cho hạnh phúc trong những đời sau hay sự tái sinh trong những cõi thấp. Tất cả đều tùy thuộc vào động lực của ta.
Dù bạn chỉ uống một ngụm nước, hành động uống nước có thể hoặc trở thành nguyên nhân của sự Giác ngộ, nguyên nhân của sự giải thoát, nguyên nhân của hạnh phúc trong tương lai hay nguyên nhân của đau khổ trong những cõi thấp.
Vì thế chúng ta nên suy nghĩ theo cách này: “Nếu tôi uống nước với động lực Bồ Đề tâm – tư tưởng mong muốn đạt được Giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh – thì bất kể tôi uống bao nhiêu ngụm nước từ một chiếc ly, bất kể tôi uống bao nhiêu ly nước, mỗi một ngụm (hay ly nước) đều trở thành một nguyên nhân của sự Giác ngộ vì tất cả chúng sinh, một nguyên nhân cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Tuy nhiên, nếu tôi uống nước với sự tham muốn dính mắc vào cuộc đời này, thì mỗi ngụm nước, mỗi một ly nước, sẽ chỉ trở thành nguyên nhân của đau khổ, nguyên nhân của nỗi khổ không thể chịu đựng nổi trong những cõi thấp – chưa kể tới nguyên nhân của những vần đề trong cõi người.”
Nếu chúng ta trò chuyện với tâm tham muốn thế tục dính mắc vào cuộc đời này, thì cho dù ta trò chuyện bao nhiêu tiếng đồng hồ, tất cả những lời nói đó sẽ trở thành nguyên nhân của những tái sinh bất hạnh, nguyên nhân của đau khổ.
Nếu ta lái xe hơi với động lực tham muốn dính mắc vào cuộc đời này, thì chừng nào ta còn lái xe, việc lái xe sẽ hoàn toàn trở thành nghiệp tiêu cực. Nhưng nếu ta lái xe với một động lực tích cực, thì không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ trở thành nguyên nhân của hạnh phúc.
Nếu ta ngủ với sự tham muốn dính mắc vào cuộc đời này thì càng ngủ ta càng tạo nên nghiệp tiêu cực, càng gây nên những nguyên nhân của các cõi thấp.
Tương tự như thế, khi ta viết thư, viết sách hay đọc báo, xem truyền hình, những hành động này có trở thành Pháp - nguyên nhân của hạnh phúc - hay không thì tùy thuộc vào động lực của ta. Nếu động lực là sự tham muốn dính mắc vào cuộc đời này, thì bất kể ta làm bao nhiêu hành động đọc sách hay xem truyền hình, tất cả sẽ trở thành nghiệp tiêu cực.
Khi bạn đi mua sắm, hành động đi mua sắm có trở thành nguyên nhân của sự Giác ngộ cho chúng sinh hay sự giải thoát khỏi sinh tử của bản thân bạn hoặc hạnh phúc trong những đời sau hay không thì tuỳ thuộc vào động lực của bạn. Nếu bạn đi mua sắm với sự tham muốn dính mắc vào cuộc đời này, thì mỗi lần bạn đi mua sắm thứ gì đó, nó sẽ tạo nên nghiệp tiêu cực và vì thế việc đi mua sắm không phải là Pháp mà là nguyên nhân của đau khổ.
Cũng tương tự như thế khi bạn làm công việc của bạn, bất kể bạn làm việc bao nhiêu giờ, tất cả đều trở thành nguyên nhân của hạnh phúc cho chúng sinh nếu nó được làm với Bồ Đề tâm, tư tưởng muốn đạt được Giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh. Nhưng nếu bạn làm việc với sự tham luyến vào đời này, tất cả sẽ trở thành nghiệp tiêu cực, nguyên nhân của đau khổ trong những cõi thấp.
Bước đi với Bồ Đề tâm
Nếu bạn bước đi với Bồ Đề tâm, mỗi bước chân trở thành nguyên nhân của hạnh phúc tối thượng, sự Giác ngộ vô song cho tất cả chúng sinh. Hãy bước đi với sự tỉnh giác mạnh mẽ rằng: “Mỗi chúng sinh, mỗi người, mỗi côn trùng, đều là nguồn mạch hạnh phúc của tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai.” Điều này được gọi là việc nhớ tưởng tới thiện tâm “rộng lớn” của chúng sinh. Khi quán chiếu về bốn cách mà tất cả chúng sinh đã từng tử tế với bạn như bà mẹ của bạn – ban cho bạn một thân người quý báu, che chở để bạn không bị làm hại, cho bạn những niềm vui và bảo đảm rằng bạn nhận được một sự giáo dục tốt đẹp – được gọi là sự tỉnh giác về “thiện tâm vô lượng” của họ. Khi bạn bước đi với sự tỉnh giác này, đặc biệt là bất kỳ khi nào bạn nhìn thấy một chúng sinh khác, hãy cố gắng cảm nhận thiện tâm của chúng sinh đó. Bất cứ khi nào bạn thực hành những sự hồi tưởng, sự kết thúc trong tâm bạn phải là việc bạn ước muốn giải thoát tất cả chúng sinh khỏi nỗi đau khổ và mang lại cho họ mọi hạnh phúc; ước muốn dẫn dắt họ tới sự Giác ngộ.
Từ lúc bạn ra khỏi nhà, hãy thực hành chánh niệm, thường xuyên giữ gìn Bồ Đề tâm trong tâm bạn: “Mục đích của đời tôi là giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ và mang hạnh phúc lại cho họ.” Hãy nghĩ tưởng điều này với tất cả mọi người bạn gặp - trên đường đi hay trong những cửa hàng, những tiệm ăn và xe hơi, bất kỳ ai bạn đi qua và những thú vật, côn trùng ở khắp mọi nơi. Khi bạn trở về nhà, một lần nữa hãy duy trì sự tỉnh giác thường xuyên về Bồ Đề tâm cho tới khi bạn về tới nhà.
Đây là bí quyết để vui hưởng cuộc sống, để sống một cuộc đời hạnh phúc trong một cách thế đầy ý nghĩa không để cho bản ngã của bạn lừa dối bạn.
Bước đi với tánh Không
Bạn cũng có thể thiền định về tánh Không trong khi bạn bước đi. Điều này ngăn cản việc bước đi của bạn trở thành nguyên nhân của đau khổ trong sinh tử nói chung và đặc biệt là nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi trong ba cõi thấp. Thay vào đó, mỗi bước đi trở thành một phương thuốc chữa lành mọi đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử; và là cách đối trị gốc rễ độc hại của mọi mê lầm, đó là sự vô minh - không nhận thức được rằng cái tôi thì trống không tự khía cạnh riêng của nó (tự bản tánh của nó). Thiền định như thế này chuyển hóa việc bước đi của bạn thành nguyên nhân của sự giải thoát, tự do đối với sinh tử luân hồi.
Trong khi bạn đang bước đi, hãy tự hỏi: “Tại sao tôi nói : ‘Tôi đang đi’?” Hãy phân tích điều này. Lý do duy nhất mà bạn có thể tìm thấy khi nói “tôi đang đi” là việc sắc uẩn của bạn đang làm hành động được gọi là bước đi; không có lý do nào khác. Bởi sắc uẩn của bạn đang làm hành động bước đi, tâm thức bạn hình thành ý niệm, nhãn hiệu “tôi đang đi.” Bên trong thân thể bạn một cái tôi dường như xuất hiện với bạn từ khía cạnh riêng của nó. Đó là cái mà bạn nói là đang bước đi, nhưng nó hoàn toàn là một ảo tưởng, nó hoàn toàn không hiện hữu. Cái tôi mà bạn nói là đang bước đi chỉ đơn thuần bị tâm bạn quy gán cho. Cái xuất hiện trước bạn và cái mà bạn tin tưởng – một cái tôi có thực, thực sự hiện hữu mà không chỉ đơn thuần là do tâm thức quy gán cho – hoàn toàn là một ảo tưởng. Nó không hiện hữu, nó trống không.
Bạn có thể áp dụng sự phân tích này đối với mọi hiện tượng khác – những con đường, những căn nhà, cây cối, tất cả mọi sự. Giống như hành động bước đi, tất cả chúng cũng chỉ đơn thuần bị tâm thức quy gán cho. Những gì hình như thật có từ bên ngoài chỉ là một ảo tưởng. Đó là đối tượng bị bác bỏ.
Vì thế, khi bạn bước đi, hãy tỉnh giác rằng trong ý nghĩa tất cả chúng xuất hiện từ khía cạnh riêng của chúng, thì tôi, hành động và đối tượng đều là những ảo tưởng. Như thế bất luận bạn đi bao nhiêu lâu, chừng nào mà bạn bước đi một cách chánh niệm thì việc bước đi ấy hoàn toàn trở thành lam-rim (1), nó hoàn toàn trở thành một phương thuốc chữa trị sự vô minh, một thanh kiếm chặt đứt gốc rễ của sinh tử, gốc rễ của mọi đau khổ.
Bước đi như trong một giấc mơ
Một cách đơn giản khác để thiền định trong khi bạn bước đi là tự hỏi: “Cái tôi hình như chỉ là nhãn hiệu được gán cho, phải vậy hay không? Hình như không phải thế. Hành động bước đi của tôi hình như chỉ do được quy gán là như thế? Con đường, bầu trời, những chiếc xe hơi, con người, những con mèo, những con chó và kem, tất cả hình như chỉ đơn thuần được gán cho là như thế? Những gì tôi nhìn thấy có vẻ chỉ vì bị tâm tôi gán cho là như thế, có phải vậy không?” Không, tất cả những thứ này không hề xuất hiện với bạn như vậy. Vì thế, tất cả như một giấc mơ, một ảo tưởng. Bạn đang bước đi như thể trong một giấc mơ: con đường, bầu trời, những chiếc xe hơi, người ta và cây cối, tự thân việc bước đi của bạn – như một giấc mơ. (Mặc dù tôi đang nói điều này một cách đúng đắn: “như một giấc mơ,” nhưng đối với tâm ta thì cách nói hiệu quả hơn là: “đó là một giấc mơ; tôi đang mơ.”)
Tại sao thiền định như thế này? Khi bạn thực hành chánh niệm theo cách này, bạn sẽ không dính mắc, không bám chấp, bởi bạn hiểu rằng mọi sự là một ảo ảnh, một giấc mơ, không có thực. Bạn nhận thức rằng thực ra tất cả những điều đó xuất hiện như cái gì đến từ bên ngoài – cái tôi có thực ở bên ngoài, con đường có thực, bầu trời có thực, cây cối có thực, kẻ thù có thực, bạn hữu có thực – chỉ đơn thuần bị tâm thức quy gán. Khi bạn thấu hiểu điều này, sự tham muốn và sân hận ít có khả năng phát khởi. Như vậy, thực hành này lập tức mang lại hạnh phúc cho tâm bạn; tâm bạn trở nên tự do và không dính mắc, kiên nhẫn và không sân hận.
Vì thế, khi bạn bước đi với sự chánh niệm rằng mọi sự như một giấc mơ, bạn thấu hiểu trong trái tim bạn rằng mọi sự không thực có, không hiện hữu. Nếu bạn liên kết sự thấu hiểu này với cái tôi, hành động, đối tượng và v.v.. là những gì xuất hiện ở đó, bạn có thể thấy rằng chúng thì trống không. Khi bạn thiền định rằng mọi sự như một giấc mơ, bất luận bạn nhìn thấy những gì – những hình dạng khác nhau của những thân thể con người, hay hàng tỉ hiện tượng khác mà bạn chọn là xấu hay đẹp – bạn biết là không có gì để bám chấp, không có gì để giận dữ, bởi không có gì để bám nắm vào. Trong trái tim bạn bạn biết rằng chúng không hiện hữu. Việc nhìn những sự việc theo cách này sẽ giúp bạn buông bỏ mọi sự.
Vì thế, giống như sự thiền định phân tích về tánh Không trong khi bạn bước đi, mọi việc bước đi bạn thực hiện trong khi thiền định về mọi sự như một giấc mơ cũng trở thành phương pháp chặt đứt gốc rễ của sinh tử, một phương thuốc chữa lành toàn bộ những nỗi khổ của vòng luân hồi sinh tử, kể cả những vấn đề trong những mối quan hệ của bạn, việc bị những người khác đối xử tồi tệ và v.v.. Việc bước đi với sự chánh niệm rằng mọi sự như một giấc mộng này tiệt trừ sự mê lầm và nghiệp, nguyên nhân nền tảng của sinh tử, nguyên nhân chính yếu của đau khổ.
Đây là cách làm cho việc bước đi trở thành nguyên nhân của hạnh phúc tối hậu, sự giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi sinh tử và nguyên nhân của nó.
Bước đi với sự duyên sinh
Cách thiền định thứ tư trong khi bạn đang đi là bước đi với sự chánh niệm về sự duyên sinh. Như tôi đã đề cập ở trên, “Tôi đang đi là do bởi những uẩn đang đi, tâm tôi chỉ đơn giản tạo ra nhãn hiệu “tôi đang đi.” Cái chỉ được gán cho là tôi chỉ được gán cho là đang đi và chỉ được gán cho là đang nhìn cái chỉ được gán cho là bầu trời, chỉ được gán cho là cây, chỉ được gán cho là con người, chỉ được gán cho là người đàn ông hay đàn bà đẹp, chỉ được gán cho là những toà nhà xấu, chỉ được gán cho là những chiếc xe hơi, chỉ được gán cho là những căn nhà v.v.. Đây là sự bước đi với chánh niệm về sự duyên sinh vi tế.
Bước đi với sự vô thường
Bạn cũng có thể đi trong khi thực hiện một sự thiền định về lẽ vô thường và cái chết. Mỗi lần bạn bước một bước, hãy nghĩ rằng cuộc đời bạn sắp chấm dứt, mỗi lúc một ngắn đi. Bạn càng bước nhanh thì bạn càng trở nên tỉnh giác hơn về việc cuộc đời bạn đang nhanh chóng chấm dứt ra sao. Cho dù cuộc đời còn lại của bạn dài tới đâu chăng nữa, nó đang chấm dứt thật nhanh chóng. Nếu bạn không tịnh hóa nghiệp tiêu cực của bạn thì mỗi bước chân mang bạn tới gần cái chết và tới vô vàn nỗi khổ của những cõi thấp hơn nữa. Tương tự như thế, khi bạn đang lái xe, hãy cảm nhận như một tử tội bị dẫn tới giá treo cổ, mỗi giây phút mang bạn lại gần việc bị hành hình.
Đây là cách thực hành chánh niệm về việc cuộc đời đang chấm dứt quá nhanh, đang mang bạn đến gần cái chết và những cõi thấp.
Sự thiền định này giúp bạn giải quyết ngay lập tức những vấn đề mà bạn đang phải đối diện – những vấn đề quan hệ, những vấn đề thuộc cảm xúc, tất cả những vấn đề của bạn. Việc quán chiếu về lẽ vô thường và cái chết chấm dứt lập tức sự tham muốn, giận dữ hay ghen tị; nó nhanh chóng mang lại một sự an bình khó tin cho tâm bạn và nó làm cho bạn quyết tâm hơn bao giờ hết để thực hành Pháp và không lãng phí cuộc đời bạn. Nó khuyến khích và gây hứng khởi cho bạn khiến cho mọi sự bạn làm đều trở thành Phật sự. Đây là một thiền định hết sức mạnh mẽ.
Nếu chúng ta thực hiện mọi hoạt động trong hai mươi bốn giờ với động lực Bồ Đề tâm, chúng ta sẽ tích tập vô lượng công đức. Và không chỉ có thế, mỗi hành động duy nhất trở thành một nguyên nhân cho sự Giác ngộ và mỗi hành động duy nhất trở thành một nguyên nhân cho hạnh phúc của mỗi chúng sinh.
Bằng cách này bạn có thể làm cho đời sống hàng ngày của bạn trở nên có ý nghĩa nhất, phong phú nhất./.
Lama Zopa Rinpoche
- Nguyên tác: “Everything Depends on the Motivation”
Mandala, March 2001
- Tham khảo: “Making Life Meaningful” by Lama Zopa Rinpoche Lama Yeshe Wisdom Archive. Boston
Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa
Chú thích:
(1) Lam-rim (Lamrim): nghĩa đen: “những giai đoạn của con đường,” con đường tiệm thứ dẫn tới Giác ngộ.
Gửi ý kiến của bạn