Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật đã xử sự như thế nào khi được cung kính, cúng dường

05/04/201314:00(Xem: 4738)
Đức Phật đã xử sự như thế nào khi được cung kính, cúng dường

Buddha_29 

Đức Phật đã xử sự như thế nào khi được cung kính, cúng dường
(Kinh Đại Không, Trung Bộ 122)

Hòa thượng Thích Minh Châu

Chúng ta đã được biết Đức Phật đã thành công rực rỡ và xuất sắc trong sứ mệnh thuyết pháp độ sanh. Trong thời Ngài tại thế, Ngài đã hóa độ cho hai chúng xuất gia và tại gia của Ngài, khiến cho hàng nghìn, hàng vạn người chứng quả. Ngài còn nhiếp phục các ngoại đạo và tà giáo, khiến họ chấp nhận giáo lý của Ngài và trở thành Phật tử.

Ngài lại còn cảm hóa rất nhiều vua chúa, đại thần, trăm họ. Cho nên luôn luôn Ngài được các vị Tỷ kheo, các vị Tỷ kheo ni, các nam cư sĩ và các nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần, ngoại đạo sư, ngoại đạo đệ đoanh vây tôn trọng, hỏi pháp, cúng dường.

Điều chúng ta muốn tìm hiểu ở đây là Ngài đã dùng pháp môn gì trong khi tiếp xúc với nhiều thành phần như vậy, mà vẫn giữ phong thái giải thoát nhẹ nhàng của một vị "Đã tịnh chỉ tất cả hành, đã chấm dứt mọi sanh y, đã diệt trừ khát ái, đạt đến ly tham, đoạn diệt, Niết bàn". Như Ngài thuyết cho chúng ta rõ, Ngài đã an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, như đã trình bày trong Kinh Đại Không, số 122, Kinh Trung Bộ.

Ngài nói : "Những sự an trú này, này Ànanda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý tất cả tướng, chứng đắc và an trú nội không. Và này Ànanda trong khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có nhũng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo đệ tử đến yết kiến, trong khi ấy, này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng về viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục, làm cho đoạn tất cả pháp,dựa trên ấy các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy những lời thuần túy liên hệ đến khích lệ". Như vậy Thế Tôn đã an trú nội không, và nhờ an trú nội không, nên đã an trú rất nhiều. Và với kinh nghiệm bản thân như vậy, nên Đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử của mình phương pháp an trú nội không này rất kỹ lưỡng và nhiều chi tiết như đã ghi rõ trong Kinh Đại Không.

Trước khi an trú nội không, vị Tỷ kheo cần phải an định nội tâm, tức là cần phải tu thiền, chứng đắc sơ thiền, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, chứng tỏ muốn an trú nội không có hiệu quả, vị hành giả cần dựa trên sức mạnh của thiền lực. Có thiền lực thời an trú nội không mới có kết quả.

Rồi người hành giả phải tự quan sát mình, trong khi an trú nội không như vậy, tâm của mình có thích thú, tịnh tín, an trú và hướng đến nội không, ngoại không, nội ngoại không, và bất động hay không?

Nếu tâm mình chưa có hân hoan, thì người hành giả cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm trên định tướng đã đề cập đến trước.

Sự hành trì này chỉ chấm dứt khi vi hàng giả nhận thấy mình an trú nội không với tâm thích thú, hân hoan, tịnh tín, an trú và hướng đến nội không. Người hành giả liên tục an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Trong khi vị ấy đang an trú với an trú này, nếu vị ấy hướng đến đi kinh hành, với tâm an trú rằng: "Trong khi ta đi kinh hành, tham và ưu, các ác bất thiện pháp không được chảy vào". Vị ấy phải tự mình ý thức rõ ràng như vậy.

Cũng vậy khi vị ấy đứng lại, ngồi và nằm xuống, luôn luôn trong uy nghi. Cử chỉ nào vị hành giả cũng giữ gìn không tham ưu, các ác bất thiện pháp chảy vào. Trong khi vị ấy an trú này, nếu vị hành giả nói, vị ấy sẽ không nói đến các lời nói phù phiếm vô ích.

Vị ấy không nói đến các câu chuyện hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Trái lại, vị hành giả có nói, thời nói đến những lời khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhất hướng yếm ly, ly tham đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, như là thiểu dục luận, tinh cần luận, tri, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, túc luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận. Vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói những luận như vậy".Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Lại nữa, vị hành giả trong khi an trú với an trú như vậy, tâm vị ấy khởi lên những suy tầm (Vitakka). Vị ấy không suy tầm đến các tầm hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Trái lại, vị ấy suy tư đến các suy tầm có khả năng cầu tiến, hướng dẫn người suy tầm đến đoạn trừ hoàn toàn khổ đau, như dục ly tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Vị ấy nghĩ: "Ta sẽ suy tư như các loại tầm này". Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Vị hành giả có ý thức nhận định năm dục trưởng dưỡng (Kàmagunà), tức là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Nếu vị hành giả thấy rằng mình còn tham dục đối với năm dục trưởng dưỡng, khả ái này, vị ấy ý thức rõ ràng mình còn đang tham dục đối với năm dục trưởng dưỡng. Trái lại, trong khi quan sát như vậy, biết rằng tâm mình không có tham dục đối với năm dục trưởng dưỡng, thời vị ấy ý thức rõ ràng tâm mình không có tham dục khởi lên đối với sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Vị ấy ý thức rõ ràng là như vậy đối với năm dục trưởng dưỡng.

Còn đối với năm thủ uẩn, vị hành giả cần phải tùy quán chúng để đoạn diệt chúng: Đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Đây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt.

Trong khi vị hành giả an trú tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn (asminàna) nào khởi lên đối với năm thủ uẩn, ngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như vậy, thời vị hành giả tuệ tri như sau: "Phàm có ngã mạn nào khởi lên nơi Ta, Ta sẽ đoạn tận ngã mạn ấy".Ở đây vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Cuối cùng Đức Phật nhắc lại cho tôn giả Ànanda, những pháp ấy thuần nhứt, liên hệ đến thiện, thuộc hiền thánh, siêu thế, vượt khỏi tầm của Ác ma. Đó là những pháp nằm trong an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động. Chính nhờ những pháp này, người hành giả y như tu tập hành trì, nhờ vậy, dầu cho có được người đời tôn trọng, cung kính, cúng dường, cũng không rơi vào đọa lạc.

Cuối bài kinh này, thế tôn nói lên ba trường hợp khởi lên bất hạnh cho hàng đạo sư, cho hàng đệ tử và cho các vị tu Phạm Hạnh.

Thế nào là sự bất hạnh cho vị Đạo sư? Có vị Đạo sư (chỉ cho ngoại đạo) lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới một gốc cây. Trong khi sống viễn ly như vậy, vị ấy được các Ba La Môn, cả thị dân và nông dân bao vây xung quanh, tôn trọng cúng dường. Vị Đạo sư ấy sanh tâm phóng dật, khởi lên tham dục, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, rơi vào đời sống đầy đủ vật chất, trở lui lại vào đời sống sung túc. Như vậy được gọi là sự bất hạnh cho các vị Đạo sư, vì các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh già chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị Đạo sư. Như vậy là sự bất hạnh cho vị Đạo sư.

Thế nào là sự bất hạnh cho vị đệ tử ? Vị đệ tử bắt chước vị đạo sư của mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng núi thâm sâu. Khi sống viễn ly như vậy người đệ tử được Bà la môn, gia chủ, cả thị dân, nông dân bao vây xung quanh để tôn trọng cúng dường. Vị đệ tử ấy được bao vây như vậy, khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy được gọi là sự bất hạnh cho hàng đệ tử, vì các ác bất thiện pháp tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh, đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh già chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công người đệ tử. Như vậy là sự bất hạnh cho người đệ tử.

Như thế nào là sự bất hạnh của các vị đồng tu Phạm hạnh? Ở đây, Như Lai xuất hiện là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác. Ngài sống viễn ly tại một trú xứ xa vắng, được các Ba la môn, gia chủ, thị dân, nông dân cúng dường cung kính. Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không khởi lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc. Có vị đệ tử của bậc Đạo Sư sống theo hạnh viễn ly tại một trú xứ xa vắng. Trong khi sống viễn ly như vậy, các Bà la môn, gia chủ, cả thị dân và nông dân đoanh vây vị ấy để cung kính cúng dường. Được tôn trọng như vậy, vị đệ tử khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lại đời sống sung túc. Như vậy gọi là bất hạnh cho các vị tu Phạm hạnh, vì các ác bất thiện pháp, các pháp đáng sợ hãi, đưa đến sanh già chết trong tương lai tấn công vị ấy. Như vậy là sự bất hạnh cho các vị tu Phạm hạnh.

Trong ba sự bất hạnh này, nguy hiểm nhất là sự bất hạnh cho các vị đồng tu Phạm hạnh, vì trước hết là có sự liên hệ trực tiếp đến Giáo hội Tăng già của Đức Bổn Sư chúng ta. Sau nữa, vị đệ tử đã là đệ tử của Đức Bổn sư lại không nghe lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, không hành trì theo pháp môn an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, cuối cùng khởi lên tâm uế nhiễm và tâm tham ái, rơi vào các dục vọng, và trở lại đời sống sung túc của một vị tại gia. Tác động của người đệ tử này đem lại nhiều tai hại cho người đồng tu Phạm hạnh, cũng như đem lại nhiều bất hạnh cho bản thân. Do vậy cuối cùng Đức Phật khuyên các đệ tử của mình nên đối xử với Ngài với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch. Tâm thân hữu ở nơi đây, chỉ có bậc Đạo Sư vì lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, nói lên con đường đưa đến hạnh phúc cho người đệ tử. Và đệ tử ở đây chịu nghe theo, chịu lắng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngượi lại đi xa lời dạy của bậc Đạo Sư. Ở trong Kinh này đối xử với Ngài với tâm thân hữu là an trú nội không, ngoại không, an trú nội ngoại không, an trú bất động. Chỉ có an trú như vậy, người đệ tử khi được các Ba la môn, gia chủ, thị dân và nông dân bao quanh tôn trọng cúng dường, vị đệ tử không có đổi khác, không có rơi vào dục vọng, không khởi lên tâm tham ái, nhờ vậy không có trở lui đời sống sung túc, không có hoàn tục.

Ở nơi đây, chúng ta chứng kiến tất cả lòng từ bi thương tưởng của Đức Phật đối với chúng ta, các chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Không những Ngài đã an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động không để giữ vững trạng thái an nhiên giải thoát của một vị đã thật sự giải thoát, Ngài còn giảng dạy pháp môn ấy cho các đệ tử của Ngài, để giúp đệ tử khỏi rơi vào sự bất hạnh của các vị đồng tu Phạm hạnh. Nghĩa chữ Không trong kinh này được trình bày thật rõ ràng. Tất cả những cung kính cúng dường đoanh vây vị hành giả, vị hành giả đều quán với nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động, tức là vị ấy hành trì hạnh viễn ly, hạnh độc cư, hạnh thiểu dục tri túc, và đoạn tận các pháp, dựa trên ấy các pháp lậu hoặc có thể sanh khởi, vị hành giả hoàn toàn đoạn tận các pháp ấy.

Như vậy là thật nghĩa chữ KHÔNG trong kinh Đại không.

(Trích Tuyển tập "Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi", Saigon, 1990)

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/07/2013(Xem: 10825)
Niệm Phật
25/07/2013(Xem: 6658)
Cứu cánh trí tuệ Phật Giáo là chứng đắc Tánh Không của vạn pháp. Trong kinh điển, Tánh Không là pháp giới Tánh, cũng chính là Phật Tánh. Phật tánh không ngằn mé, không hạn lượng, không đối đãi giữa sanh và tử, giữa có và không... Phật tánh kết tập hưng khởi từ sức trí tuệ vô lượng và tâm đại bi vô biên. Đức Phật thường dạy, Bồ Tát đạo nương Phật tánh làm con đường, nương trí huệ Bát Nhã làm thuyền độ sanh. Nhờ nương sức từ bi của chư Phật, Bồ Tát quán sát thế gian như hư huyễn, không thật có sinh diệt, như hoa đốm giữa hư không. Bồ Tát tinh tấn phổ độ chúng sanh không mệt mỏi, không nhàm lìa, nhưng không thấy mình vĩ đại, không thấy chúng sanh đáng tội nghiệp, không thấy mình cao cả, đáng làm chỗ cho chúng sanh cúng dường… Vì dù có chấp, có thấy đến thế nào chăng nữa, thì điểm cuối cùng trên đạo lộ giải thoát vẫn phải là “tâm, Phật, chúng sanh - ba thứ ấy đều không sai biệt”.
02/07/2013(Xem: 5361)
Như một kết quả của việc thực hiện lời dạy của Đạo sư và phụng sự ngài, mọi ước muốn nhất thời và tối thượng của ta được đáp ứng nhanh chóng. Việc hiến mình một cách đúng đắn cho Đạo sư củng cố cội gốc của mọi hạnh phúc trong tương lai, kể cả sự giác ngộ. Mọi sự - những công việc đối với bản thân và chúng sinh – đều thành công và chúng ta nhanh chóng đạt được giác ngộ.
22/06/2013(Xem: 8430)
Thế Thân, tác giả của bộ luận này vốn là một khai sĩ có quá nhiều truyền thuyết và ít nhiều sương khói trùm lên tiểu sử của ngài, đến nỗi cho đến nay, các học giả cũng chưa xác định được Thế Thân là ai.
13/05/2013(Xem: 5294)
Mỗi con người mỗi ý thức, mỗi ý thức mỗi một hành động, mỗi một hành động tạo nên hạnh phúc hay khổ đau. Hành tinh xanh thế giới này trong quỹ đạo thái dương hệ thuộc giải ngân hàn Milkyway hiện có hơn sáu tỉ người, . . .
28/04/2013(Xem: 31986)
Từ lâu không biết bao nhiêu người, ở ngoài đời cũng như trong đạo, rất bỡ ngỡ về vấn đề tu hành. Như một kẻ bộ hành ngơ ngác, lạc lõng giữa ngả ba đường, họ băn khoăn tự hỏi: Tu làm sao đây? Tu phương pháp gì? Và phải hạ thủ công phu làm sao mới đúng?
23/04/2013(Xem: 27498)
H.T.Thích Mãn Giác, sanh năm Kỷ Tỵ tại Cố Đố Huế. Nguyên quán Làng Phương Lang, Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất gia nhập đạo năm 11 tuổi. Thọ Đại Giới năm 1948 cùng một lần với Hòa Thượng Thiện Siêu, cố Hòa Thượng Thiện Minh, cố Hòa Thượng Thiên Ân…
23/04/2013(Xem: 18705)
Phần nhiều người ta hay lo lắng những việc về quá khứ và tương lai, chính đó là nguyên nhân gây ra cho họ đời sống vô cùng đau khổ và rối loạn tâm tư. Những việc gì ở quá khứ thì nó đã qua rồi; còn những gì ở tương lai thì nó chưa đến. Như vậy, tại sao họ phải quá lo lắng những gì liên quan đến quá khứ và tương lai? Thế thì, những gì có thể tồn tại ở đời này, họ cần phải quan tâm đến và sống với nó.
22/04/2013(Xem: 6354)
Cội gốc sanh tử tức là các thứ vọng tưởng hàng ngày của chúng ta, các thứ nghiệp phiền não thương ghét, tham lam, giận hờn của chúng ta, nếu còn một mảy may không dứt thì tức là còn gốc rễ sanh tử. Nay muốn tham thiền đốn ngộ liễu thoát sanh tử, hãy tự suy nghĩ xem có thể một niệm dứt ngay phiền não của nhiều kiếp như chặt đứt một cuộn chỉ hay chăng?
22/04/2013(Xem: 7455)
Trong đời sống, mỗi người chúng ta đều bị bao vây bởi những sự vật, tức là những hiện tượng ở chung quanh ta. Những sự vật ấy muôn hình vạn trạng, tỉ dụ như cây cỏ, núi sông, thân hình chúng sinh, bàn ghế, miếng thịt, ly rượu v.v.... tất cả tạo nên vũ trụ này. Con người thường đi lạc vào trong đó, tương tự như một thứ mê-đồ-ảo-phố và không biết đường nào ra khỏi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]