Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3

07/05/201312:40(Xem: 8990)
3

HỌ ĐÃ NGHĨ NHƯ THẾ

Nguyên Tác: SEE IN THE WAY

Bản việt ngữ: GIÁC NGUYÊN

3

HÀNH HƯƠNG PHẬT TÍCH

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Bodhipàlo ( Micheal Markham) sinh năm 1984 tại Nottigham, Anh Quốc.Từ bé, đại đức đã theo gia đình dời chỗ rất nhiều nơi, thậm chí đến năm mới vừa tám tuổi, đại đức đã từng sống tại Canada trong thời gian vỏn vẹn mười tám tháng. Sau khi rời ghế nhà trường , đại đức đã đi làm đủ thứ công việc nhưng điều thật lạ là công việc nào cũng khiến đại đức mau buồn chán. Trong cơn bế tắc của tuổi trẻ, đại đức đã đi du lịch. Cuộc đi đường dài của đại đức đã đánh một vòng từ Châu Âu rồi Trung Đông và sau đó là Ấn Độ và Nepal. Tại Kathmandu, đại đức đã vô cùng thích thú khi tình cờ đọc được một quyển sách viết về thiền học. Sau đó trong thời gian lưu trú tại Banares, nghe tin một khóa thiền đang được tổ chức tại Bodhi Gaya, đại đức đã dốc lòng tìm đến tận nơi để tham dự.

Năm 1972, đại đức về lại Anh Quốc và làm việc ở một nông trại. Nhưng rồi có một cái gì đó thật lạ lùng đã thôi thúc đại đức trở sang Ấn Độ năm 1974. Tại Bodhi Gaya ( Bồ Đề Đại Tràng). đại đức đã xuất gia sa di rồi trong chuyến du lịch tiếp đó, đại đức đã sang Thái Lan thọ giới tỳ kheo tại chùa Pah Pong. Dường như cơ duyên chưa được chín mùi, năm 1976 đại đức hoàn tục và trở về Anh Quốc. Thế rồi chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống cư sĩ đã giúp đại đức nhận xét chính chắn con đường mình phải đi, đại đức trở về Thái Lan tái thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah.

Bài viết sau đây là một lá thư của đại đức gửi từ Ấn độ về chùa Chithurst như một bài du ký ngắn.

Hành Hương Phật Tích

Tôi rời khỏi Sàvatthi ( Xá Vệ) vào ngày 4 tháng 12 và phải nói rằng tôi đã hết sức may mắn khi có dịp đến tận nơi đây để nhìn ngắm vùng đất thiêng liêng này. Tôi muốn đi bộ từ Sàvatthi đến Lâm Tỳ Ni ( Lumbini), nơi Bồ Tát đản sinh, nhưng rất nhiều người đã khuyên tôi nên bỏ ý định đó. Người ta cho tôi biết rằng với cách bộ hành như tôi thì rất có thể sẽ gặp nhiều nguy hiểm như bị đánh cướp hoặc cũng có thể bị mất mạng, đó là chưa kể đến cái lạnh chết người của trời đêm miền Bắc Ấn.Lẽ ra thì tôi vẫn có thể đi đến những nơi mình muốn bằng rất nhiều phương tiện xe cộ nhưng như vậy thì đâu còn gì là thú vị nữa. Tôi muốn mình được đi bộ len lỏi qua các lùm bụi, tránh được đường cái quan càng nhiều càng tốt, mà điều này thì không thể thực hiện được. Mười lăm năm trước, khi tôi đến đây lần đầu tiên thì các cánh đồng xung quanh Sàvatthi coi như tiêu điều, xơ xác suốt mấy tháng mùa đông. Bây giờ quay lại thì dân chúng địa phương coi như đã tận dụng từng tấc đất. Họ trồng trọt đủ thứ: Lúa đông mạch, mía đường cùng các thứ rau đậu. Ở Nepal bây giờ người ta còn trồng lúa nữa.

Thế rồi, bất chấp những ngăn cản của mọi người, tôi cố tin vào chính mình, vào những may mắn bất ngờ nhất để quyết định đi bộ về Lumbini. Đến Bulrampur, tôi đã thử đi khất thực. Dù không đủ ăn nhưng tôi cũng tạm lây lất qua ngày. Có một vấn đề cần được giải quyết lúc này là tôi muốn giải thích cho mọi người biết rằng trong lúc khất thực tôi không thể nhận tiền bạc cùng các thức ăn tươi sống. Tôi cũng ngại việc người ta hiểu lầm tôi là một người da trắng có lối sống Hippi quá khích. Tôi đã nhờ một vị sư viết dùm tôi một tấm bản nhỏ ( bằng tiếng Hindi) để đem theo bên người, nội dung tấm bản ghi: “ Tôi là một nhà sư Phật giáo đang trên đường hành hương Phật tích.Tôi không nhận tiền của ai, chỉ sống bằng đồ ăn khất thực, mỗi ngày chỉ dùng một bữa trưa thôi. Tôi xin cầu nguyện cho những người hảo tâm”. Với tấm bản này, mọi sự trên đường đi xem ra có vẻ dễ dàng hơn. Trong giờ khất thực,tôi đến đứng trước cửa từng nhà khoảng nửa phút, nếu gia chủ không nói gì hết tôi lại đi sang nhà khác. Còn như người ta hỏi tôi muốn gì thì tôi đưa tấm bản kia cho họ đọc. Có thể nói hầu hết mọi người đều đối xử rất tốt với tôi. Nhiều lúc, tôi đã đi qua rồi mà người ta vẫn cứ chạy theo để đặt bát. Những lúc tôi đi trên đường như vậy, thường có một đám trẻ con kéo rồng rắn đi theo phía sau tôi như một cái đuôi. Đồ ăn khất thực thì bất chừng lắm, có lúc tôi nhận được rất nhiều thức ăn sang trọng rồi có khi đi cả buổi mà trong bát chỉ có vài miếng bánh nhỏ.

Tôi đã ngủ qua đêm ở đủ chỗ: Có khi là trên một lối mòn có nhiều lùm bụi bên cạnh một dòng suối (Ở những nơi tôi đi qua có nhiều suối lắm, muốn tắm rửa lúc nào cũng được), có những đêm tôi ngủ trên một đống rơm. Dân làng trong vùng muốn mời tôi về nhà họ để nghỉ, nhưng ở đó có quá nhiều phụ nữ và trẻ con nên tôi vẫn thích ngủ ở ngoài làng trên những đống rơm dưới bóng che của mấy cây xoài lớn. Đó là những đêm tôi được ấm áp nhất. Còn nếu phải ngủ ngoài trời thì lạnh lắm, có nhiều đêm tôi không thể nào ngủ nổi. Những lúc đó tôi cứ nhớ lại thời gian mình còn sống ở Thái lan, tận dụng triệt để bộ tam ý rồi suốt đêm cứ ngồi khép chặt mình lại để giữ hơi ấm. Một đêm kia tôi tình cờ tìm thấy một gian lều cỏ đã mục nát nằm cạnh đường đi. Vào sống trong đó thì xem ra cũng ấm cúng nhưng đến ban ngày thì nóng nực không chịu nổi.

Tôi tiếc là mình đã không nói được ngôn ngữ bản xứ. Tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn hơn nhiều nếu tôi có thể trao đổi được chút gì đó với mọi người chung quanh tôi. Tôi đã quyết định vạch ra từng trạm dừng chân cho cuộc hành hương của mình là sẽ từ Kusinàrà đi về Baranasi rồi sau đó là Bồ Đề Đạo Tràng. Dĩ nhiên lời nhắc nhở của những người tôi gặp trên đường đi vẫn văng vẳng bên tai tôi. Người ta bảo tôi hãy đề phòng những bất trắc rất có thể sẽ xảy ra nhưng thật kỳ lạ tôi cứ yên tâm với suy nghĩ đơn giản là nếu duyên nghiệp của tôi đã là như vậy thì dù có ở đâu tôi vẫn có thể bị tai nạn: Tôi có thể bị cán chết bởi một chiếc taxi ở thành phố Luân Đôn hoặc bị ngã xuống dưới tay những tên cướp cạn.

Niềm tự tin của tôi còn được củng cố hơn nữa khi tôi tự kiểm tra đời sống phạm hạnh của mình. Tôi cứ tin tưởng mãnh liệt rằng chính đời sống giới luật trong sạch của mình là một phép Ba-la-mật hùng mạnh. Trong những ngày tháng hành hương này tôi đã thọ trì giới hạnh một cách trong sạch cho đến cả vấn đề ăn uống và tiền bạc. Tôi không hề giữ lại trong người mình hai thứ đó. Bởi nếu tôi làm vậy thì tôi không thể nào ôm bát đi khất thực bằng một tâm hồn trong sáng và bình yên được. Có rất nhiều người đã cố thuyết phục tôi nên biết giữ lại chút gì đó cho mình phòng khi bất trắc nhưng tôi tự hiểu rằng nếu tôi làm vậy thì rất có thể tôi sẽ không nhận được những gì cao đẹp mà người ta vẫn dành cho một vị Sa môn, mà đặc biệt là trong lúc tôi đang có một cuộc hành hương tìm về Phật tích.

Tôi có ghé ngang Lumbini và dừng lại ở Ca Tỳ La Vê ( Kapilavathu) một ngày nhưng ở đây không có gì để chiêm bái cả. Kapilavathu không rộng bằng Savatthi, đã vậy còn bị đào xới bừa bãi. Tuy vậy từ đây chúng ta có thể nhìn thẳng lên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn trong khi ở Savatthi thì không thể có được cơ hội này. Sau một ngày ở Kapilavatthu, ngày hôm sau tôi đã thả bộ ngắm nhìn cảnh chiều muộn ở đây, dãy Trường Sơn Hy Mã vẫn sừng sững ở đó. Tôi đã hít thở thật mạnh như để cố nuốt hết vào phổi mình cái không khí linh thiêng này. Từng cánh đồng xanh ngát với những chòm cây nằm rải rác xa xa, từng đóa hoa làm tím thẩm những chòm cây nằm rải rác xa xa, từng đóa hoa làm tím thẩm những chân đồi và bên kia bầu trời lồng lộng những đỉnh núi phủ tuyết chọc thẳng lên trời xanh…Phải nói rằng phong cảnh ở Kapilavatthu tuyệt vời quá: Hoàng tráng, hùng vỉ mà vẫn vô cùng thơ mộng. Thời điểm tốt nhất để nhìn ngắm cảnh quang ở đây phải là buổi sáng sớm, trước tám giờ, khi nắng bắt đầu lên cao, tuyết tan đi và chảy xuống lấp lánh.

Hồi còn ở Anh Quốc tôi vẫn cứ do dự khi nghĩ tới một chuyến hành hương về Ấn Độ. Rồi trong cả lần đầu tiên đặt chân lên xứ sở này tôi vẫn không sao bỏ được những do dự đó. Có lúc tôi cứ nghĩ mình là một người ngớ ngẩn khi cứ mãi bị ám ảnh bởi miền đất có quá nhiều cái khó chịu này. Không ít lần tôi đã nghĩ rằng cái ước muốn hành hương của tôi chỉ là một phút bồng bột nhằm để thỏa mãn cái tính khí phiêu bạt của tuổi trẻ chính mình. Nhưng đến bây giờ thì tôi phải nhận rằng mình đã quá may mắn khi thực hiện được một chuyến đi như thế. Tôi đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi xem đây là một cơ hội khó được của đời tu. Tôi hy vọng rồi đây cũng sẽ có thêm nhiều vị sư khác thực hiện được một cuộc hành hương như vậy.

Tôi xin chúc sức khỏe từng huynh đệ cùng các Phật tử ở Chithurst. Xin mọi người đừng cười lá thư này của tôi, vì tôi chưa từng viết những lá thư kiểu này bao giờ.

Với tất cả thân ái.

Tỳ kheo Bodhipàlo.

HÃY TÌM MỘT LÝ TƯỞNG SỐNG

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Amaro ( Jereme Horner) sinh năm 1955 tại Kent, Anh Quốc. Từng theo học Tâm lý học và sinh lý học ở các trường đại học Bedford rồi đại học Luân Đôn. Đời sống tinh thần của đại đức được bắt đầu định hướng từ khi đọc qua các tác phẩm của Rudolph Steiner. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ một người bạn giúp cho một việc làm trên máy bay tải hàng từ Anh sang Mã Lai, đại đức coi như đã có dịp du lịch ở Châu Á.

Theo lời mời của một số người quen trên các chuyến bay, đại đức đã đến viếng miền Đông Bắc Thái Lan. Lần đó, trong khi tìm một chỗ trọ để ở lại vài đêm trước khi tiếp tục bay sang Nhật Bản, đại đức đã được nghe kể về chùa Nanachat cùng cùng các vị sư người da trắng ở đây. Sau khi viếng thăm chùa, đại đức đã quyết định ở lại làm giới tử trong bốn tháng rồi tu sa di ( năm 1978). Năm sau, đại đức thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah.

Tu xong, đại đức ở lại Thái Lan trong hai năm, rồi sau đó trở về Anh Quốc, trước là để gặp gia đình và sau đó là phụ giúp Ngài Sumedho xây dựng chùa Chithurst. Trong những ngày tháng có mặt tại Luân Đôn, đại đức rất muốn có dịp đến gặp người cô ruột mà mình chưa hề thấy mặt, đó là cô I.B.Horner. Cô là một học giả, dịch giả kinh Pàli lừng danh đồng thời cũng là chủ tịch hội Nghiên Cứu Tam Tạng Pàli Luân Đôn ( Pàli Text Society). Nhưng thật đáng buồn là cô Horner đã qua đời trước khi hai cô cháu gặp nhau.

Năm 1983, Ngài Sumedho đề nghị đại đức Amaro đến lưu trú và hoằng pháp tại chùa Harnham Vihàra và đại đức đã đồng ý. Đại đức Amaro có viết một quyển hồi ký kể lại cuộc bộ hành Đầu Đà tám trăm ba mươi dặm của mình ở miền Bắc Thái Lan. Quyển sách được thực hiện từ năm 1984.

Bài viết sau đây là một thời pháp của đại đức Amaro cho các Phật tử cư sĩ tại Trung Tâm Phật Giáo Amaravati ( Anh Quốc) năm 1986.

Hãy Tìm Một Lý Tưởng Sống

Việc chúng ta cùng góp mặt trong thiền khóa này có một ý nghĩa rất lớn mà trước hết tôi muốn nói về cái đạo tình pháp hữu, pháp lữ. Chúng ta đang có mặt chung nhau trên cùng một hành trình, mặc dù xét trên hình thức, giữa chúng ta vẫn có những khác biệt quá rõ ràng: tôi đang nhìn thấy trước mặt tôi các ông và các bà, các cô với các cậu, chênh lệch nhau trên nhiều thứ nhưng tất cả đều hướng về một đích đến. Mục đích đó chúng ta mỗi người tự biết lấy và có thể gọi tên nó ra sao cũng được. Điều quan trọng là chúng ta cùng hiểu rằng từng người ở đây đang nhắm tới một đời sống nội tâm thật sự có ý nghĩa.

Và như quí vị cũng đã hiểu rằng mọi công phu tu tập của chúng ta chỉ có một ý nghĩa duy nhất là nhằm để thực hiện một nếp sống trí tuệ. Chúng ta không thể nhắm mắt mù quáng buông mình vào từng hình thức tôn giáo với một lý tưởng mơ hồ viễn vông, mà thay vào đó, với trí tuệ của một người Phật tử chín chắn, chúng ta phải biết phơi mở tất cả những gì vẫn bị đóng kín đối với chính mình và vạn vật chung quanh từ bấy lâu nay. Chúng ta phải xót xa để cùng nhìn nhận với nhau rằng đã có đến hàng triệu xác người đẫm máu ngã xuống cho những tên gọi khác nhau về cái gọi là cứu cánh giải thoát của các tôn giáo: Thiên đàng, Sự hợp nhất với Phạm Thiên, Thiên Giới của Thánh Allah, Níp Bàn…Ta có thể nói rằng hễ loài người còn tồn tại trên mặt đất này thì vẫn còn tiếp tục tồn tại những biểu tượng mang ý nghĩa hoài vọng về một cứu cánh bình yên vĩnh hằng và trọn vẹn nào đó. Rồi cũng từ đây, nhân loại lại tiếp tục tự biến mình thành những con thiêu thân lao vào ngọn lửa chói ngời của những biểu tượng đó. Như vậy nếu chúng ta có thể vượt thoát được khỏi những ám ảnh của biểu tượng, chấm dứt thái độ trẻ con đối với các hấp lực của ngôn từ và thanh thản bước đi trên con đường tự tu tự chứng, tôi tin rằng chúng ta rồi sẽ đạt đến mục đích mà mình vẫn mong mỏi. Một mục đích không cần tới những tên gọi…

Các Tôn giáo đã hứa hẹn cho người ta quá nhiều cứu cánh. Nhân loại đã thực sự bối rối trước trăm ngàn thứ tín ngưỡng: Thiên Chúa Giáo, Ấn Giáo, Do Thái Giáo…Điều đó gần như đã là một tai nạn không chỉ riêng cho một dân tộc Á Châu hay Tây Phương nào hết. Chính niềm tin dại khờ của mỗi người đã làm cho trí tuệ nhân loại bị tật nguyền, nhận thức của chúng ta bị lệch lạc nghiêm trọng. Chúng ta cứ bị kiểu dáng của chiếc bình ám ảnh mà quên đi bản chất thật sự của phần nước đựng chứa trong đó. Dầu có nằm ở đâu, nước vẫn không thay đổi thuộc tính, nhưng điều đau xót là chính những chiếc bình hay cái lọ chứa nó đã khiến người ta hiểu lầm rằng hình tròn, hình vuông, hình bầu dục…

Như vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải tự biết quyết định con đường tu tập của mình một cách hợp lý. Đức Phật đã rất cẩn thận khi nói pháp bởi đa số chúng sinh đều có khung hướng lệch lạc. Tư tưởng của chúng ta luôn loạn động và thường có thói quen đi tìm cái gì đó để nắm bắt, bất kể đó là những thứ có nguy cơ giới hạn bản thân. Chúng ta thích rong ruổi phiêu bồng, thích làm những cuộc khám phá mang tính thời thượng, thích nói chuyện ngoài lề để khỏi phải nhọc sức và cũng để tự vuốt ve cái hiểu biết nông cạn của mình. Đức Phật nói pháp với ý nghĩa là kêu gọi chúng ta lên đường, thực hiện một cuộc dấn thân thật sự mãnh liệt chứ không phải cung cấp cho ta những đề tài nói chuyện và nghĩ ngợi.

Nói ra mà buồn, đã bao năm qua rồi các giáo thuyết trên thế giới xem ra chỉ có thể đem lại cho nhân loại một số lượng lớn về những ý niệm Siêu Hình và Triết Lý, những hình thức nghi lễ rườm rà vô nghĩa về chuyện ăn uống, hôn lễ, ma chay.Rồi bên cạnh đó, có khá hơn một chút thì cũng chỉ hướng dẫn ta cách Nói Chuyện, Mạn đàm đôi chút về cái gọi là đời sống nội tâm cùng một sinh phong nông cạn nào đó. Thật ra chúng ta vẫn có thể phá vỡ các biểu tượng hoặc khéo tận dụng chúng để tìm ra những chân lý đơn giản nhất, nhưng chúng ta đâu có chịu làm vậy, chúng ta đã tự nguyện qui hàng và thờ phụng chúng. Người ta đã tìm tòi để cố sức khám phá ra mọi sự để rồi giờ cuối thì các biểu tượng , những kết quả của công cuộc khám phá nông nổi lại thành ra tất cả những gì là cứu cánh, mục đích.Người ta đã quên đi một vấn đề sinh tử là thật ra mình chỉ đang có mặt trên chặng đường đầu tiên của cuộc hành trình. Nói gọn lại, ngay từ bây giờ, chúng ta phải biết bỏ đi cái thái độ sùng thượng thơ ngây đối với những biểu tưởng để không tiếp tục theo đuổi chúng nữa và tự vạch ra cho mình một con đường đúng đắn nhất.

Để hạn chế tối đa những gì không thật sự cần thiết, Đức Phật luôn có một cách nói pháp cực kỳ đơn giản. Giáo lý của Ngài từ đó đã thành ra những lời dạy không thể thêm bớt gì được nữa. Lần đó, cùng với chư tăng đệ tử đi ngang qua một cánh rừng, Đức Phật đã nhặt lấy một nắm lá rồi hỏi các vị tỳ kheo chung quanh:

-Theo các người thì mắm lá trong tay ta với toàn bộ số lá cây còn lại trong khu rừng này phần nào nhiều hơn?

-Bạch Thế Tôn nắm lá trong tay Ngài thật quá ít, số lá còn lại trong rừng thì phải nói là vô lượng.

Nghe câu trả lời như vậy, Đức Phật nói tiếp:

-Cũng giống như vậy, này các tỳ kheo, những gì ta hiểu biết cũng có thể tạm đem so sánh với tất cả lá cây trong khu rừng này, những gì ta thuyết giảng cho các người thì cũng ít ỏi như số lá trên tay ta.

Chư Phật luôn thông suốt một cách tận tường về mọi qui luật sinh hóa, tuần hoàn của tất cả vũ trụ, thế nhưng lời dạy của các Ngài chỉ đơn giản nhắm vào con đường giải thoát. Đức Phật cũng ý cứ trên nguyên tắc này mà hạn chế tối đa những nhắc nhở về các vấn đề siêu hình. Đọc kỹ kinh sách, ta sẽ thấy Đức Phật đã cố tránh không đả động đến vấn đề đó. Ngài luôn im lặng trước những câu hỏi đại loại như: Thế nào là khởi nguyên tuyệt đối của các hiện hữu? Điều gì sẽ xảy đến cho vi A La Hán sau khi vị này viên tịch?...Sở dĩ Đức Phật có thái độ như vậy là vì ít nhất hai lý do; Trước hết, đó là những câu hỏi không thật sự quan trọng , câu trả lời về chúng không thể dẫn đến giải thoát và lý do thứ hai là Đức Phật muốn tránh cho người hỏi những ngộ nhận về các vấn đề mà thật ra họ không thể hiểu được. Có lần một người kia đã yêu cần Đức Phật diễn tả cho nghe về trạng thái của Níp Bàn. Đức Phật trả lời bằng một câu hỏi ngược lại:

-Nếu thổi tắt một ngọn lửa rồi hỏi ngươi rằng ngọn lửa đã đi về phương hướng nào, thì người sẽ trả lời ra sao?

Nghe hỏi vậy, người kia phản ứng thật nhanh:

-Thưa Ngài, đó là một câu hỏi thiếu thông minh. Bởi vì đối với ngọn lửa đã tắt thì các phương hướng đâu còn là vấn đề nữa.

-Đúng vậy, câu hỏi của ngươi cũng là một câu hỏi tương tự câu hỏi ngớ ngẩn khi nãy. Bất cứ câu trả lời nào của Ta cho ngươi về vấn đề này chỉ làm cho ngươi thêm bối rối ngộ nhận thôi.

Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Đức Phật chỉ dạy cho người khác những gì thật sự có ý nghĩa đối với lý tưởng nhận thức chân lý giải thoát. Nhưng khi phải nói về Níp Bàn, Đức Phật thường dùng những hình dung từ đơn gản nhất: Đó là một trạng thái hết sức kỳ diệu, sâu kín mà an lành, ly duyên khởi, không nhân tác tạo. Đó quả là những hình dung từ tuyệt vời được sử dụng một cách cẩn thận qua trình độ lập ngôn thượng thừa của các vị Chánh Đẳng Chánh Giác, chỉ dừng lại một cách chính xác trong ý nghĩa gợi ý cho một lời giải thích ở mức đúng , đủ và cần thiết mà không hề để lại cho người nghe chút gì đó để học có thể dưỡng nuôi cái ý tưởng ôm ấp, chấp thủ về cứu cánh Níp Bàn. Lời giải thích đó của Đức Phật rõ ràng là không xác định Níp Bàn là cái gì đó cho người ta lý tưởng hóa nó bằng một ý niệm vĩnh hằng nhưng cũng thông qua đó, Đức Phật đã kín đáo giải thích Níp Bàn là một giá trị thực tại mà người ta có thể khám phá và nhận thức.

Điểm tinh yếu của tất cả pháp môn thiền định, trong điều liện sinh tồn của nhân loại chúng ta, là học được cách gởi cái nhìn của mình qua bờ kia của thế giới cảm giác, học được cách sống vượt thoát mọi khái niệm máy móc. Để thực hiện được công phu này thì chúng ta phải biết nâng cao tầm nhìn của mình lên khỏi thế giới ảo tưởng để thấy mọi sự trong đời sống chỉ là những phiêu vật trôi ngang tư tưởng bản thân. Thay vì nhìn thấy một người đang bước đi, ta hãy thử đơn giản xem đó là một ảo ảnh đang đi qua dòng ý thức của mình. Ngay trước mắt chúng ta bây giờ là quang cảnh một ngọn đồi của thiền viện Amaravati. Đó là một hình ảnh mà ta có thể ghi nhận được. Rồi âm thanh của tôi trong thời giảng này, từng cảm giác đang xảy đến trong tư thế ngồi của quí vị… Chúng ta hãy lần lượt xem chúng như là những dòng nước đang trôi đi qua tư tưởng của mình. Vừa rồi, Ngài Sumedho vừa thực hiện một chuyến công tác Phật sự đường dài qua nhiều quốc gia và Ngài có ghé tới đây để viếng thăm Amravati. Trước lúc chia tay với tôi, Ngài có nói rằng mình đã quyết định không đi thêm bất cứ nơi nào trên thế giới nữa, mà ngược lại sẽ để cho toàn bộ thế giới trôi qua trong nội tâm mình. Ngài còn nói với tôi một câu khác cũng hết sức sâu sắc:” Sự dừng chân đôi khi có nhiều thú vị lắm, nó đem lại cho ta một sự an lành không tả nổi. Mình có đi đến bao nhiêu chỗ, gặp gỡ bao nhiêu người, thực hiện bao nhiêu công việc nhưng phải nói rằng đối với một người chỉ biết tìm tới những trời xa xứ lạ, cái cảm giác của sự xê dịch thật ra là cả một sự trống vắng. Mình có mặt ở mọi nơi nhưng thật ra mình đã tự vắng mặt đối với chính mình. Nếu ta khéo sống, thì mỗi nơi chốn đều là một thế giới tĩnh lặng hết sức tuyệt vời.

Nếu chúng ta đưa được đời sống của mình lên khỏi giới hạn của trình độ thuần cảm giác để không còn nhìn thấy vạn vật là những đơn thể bất biến và nhận rõ được thái độ đón nhận trần cảnh của mình bấy lâu này chỉ là những ảo giác kiến chấp và từ đó ta sống trong sự tỉnh thức thật sự về mọi hiện hữu của bản thân và tất cả ngoại giới-Đây chính là con đường dẫn tới cứu cánh giải thoát, tự do, một con đường vượt lên trên cả đôi bờ sinh tử.

Hồi tháng giêng năm nay (1986) có một người đàn bà mắc phải chứng ung thư và đang ở vào thời kỳ cuối cùng, bà đến Amaravati này với hi vọng được chết tại đây như một nữ tu chính thức. Lúc đó trung tâm Amaravati này cũng đang tổ chức một thiền khóa và phải nói rằng chúng tôi đã nhờ người đàn bà đó mà có cơ hội thật tốt để triển khai án xứ về cái chết. Vào một buổi chiều trong khi đang đi kinh hành, tôi đã bất chợt thấm thía một cách tận tường về cái chết rằng nếu như người ta vẫn xem đời sống của mình là một chuỗi dài ghép nối của những ảo tưởng, với một nội tâm luôn tỉnh thức, thì có lẽ cái chết, hay nói cụ thể hơn là giây phút lìa đời, sẽ không làm cho nội tâm của người ta bị tan nát, đổ vỡ, suy sụp, kiệt quệ. Chiếc hình hài chỉ là một đối tượng ảo ảnh của tâm thức, nếu trong giây phút hấp hối mà người ta vẫn tiếp tục tỉnh thức để nhìn ngắm nó thì chắc chắn người ta sẽ có đủ can đảm đồng hóa cái thân sống với một xác chết. Bởi thật ra cái nào cũng là đối tượng của ý thức. Là những người Phật tử, chúng ta không cần thiết phải đi tìm cái cho nội tâm mình nắm bắt, không cần thiết nó sẽ đi về đâu, thuộc về ai…Đó là những vấn đề hoàn toàn vô nghĩa.

Thực hiện trọn vẹn đời sống với một nội tâm như vậy coi như ta đã đứng bên ngoài vấn đề sinh tử, sống một cách hiểu biết và là một con người giác ngộ. Chúng ta hãy nhìn ngắm một dòng tư tưởng xảy đến trong nội tâm mình từ lúc đó nó xuất hiện, tồn tại rồi đi qua đi. Chịu khó một chút, ta sẽ thấy rằng cái sống và sự chết của tấm thân này tuy vẫn được xem là một sự kiện quan trọng nhưng thật ra, về cơ bản thì không có sự khác biệt nào với tình trạng xuất hiện rồi biến mất của một dòng tư tưởng. Như vậy, ý nghĩa của mọi công phu thiền định là phát triển sự hiểu biết về từng bước đến rồi đi, có rồi không của vạn sự vạn vật.Cái việc nhìn ngắm vòng tuần hoàn đó kỳ diệu lắm, cái nhìn của ta càng thuần phục thì sự tồn tại của từng thứ càng trở nên sống động và thú vị hơn nhiều. Ta sẽ tìm thấy được niềm hứng thú ngay trong chính bản thân chúng, trong sự sinh diệt không ngừng của mọi sự kiện.Và sự cảm nghiệm này chỉ có riêng người thực chứng mới thấm thía được. Chúng ta lúc này tự nhiên không cần thiết phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” Thân phận của chúng ta đã quá rõ ràng và chúng ta lúc này chỉ còn có mỗi một việc duy nhất là nhận biết mọi sự xuất hiện rồi biến mất ra sao.

Tự đào luyện mình bằng nếp sống hiểu biết như vậy, sự hiểu biết về cội nguồn và điểm chấm dứt của mọi thứ, lòng sợ hãi từ sự vô minh sẽ được giải quyết, cái chết chỉ đáng sợ khi ta thiếu hiểu biết tức bị ám ảnh bởi vô minh, mà người càng hiểu biết thì càng hạn chế vô minh, càng can đảm trước cái chết. Khi ta đã có được một khả năng nhận thức chín chắn thì không có gì có thể khiến ta sợ hãi, kể cả cái chết, nhưng ta cũng phải biết thêm rằng thế nào là sự hoán chuyển sâu sắc đến mức những sợ hãi được thế chỗ bằng sự bình tâm chứ? Vấn đề thật đơn giản, khi ta hiểu được mọi sự trước sau đều chỉ xảy ra trong ý thức của chính mình, ta đánh giá nó ra sao thì ta cảm nhận nó như vậy, kể cả sự sợ hãi cũng thế. Khi ta thấy đó là điều đáng sợ thì vấn đề sẽ bắt đầu nghiêm trọng hơn. Ngược lại, khi ta đọc được từng dòng tư tưởng của mình với những gì xảy ra qua đó thì mọi sự cố ,lập tự trở nên đơn giản.

Con đường dẫn đến thái độ sống điềm tĩnh này luôn đòi hỏi ở chúng ta thái độ vô phân biệt trước mọi sự bằng cách chào đón tất cả nhũng gì mà mình cảm nhận được. Nhưng các vị cũng thấy đó, đối với những niềm vui, những hạnh phúc thì chuyện này rất dễ thực hiện. Còn đối với những cái khó chịu, đau khổ thì vấn đề xem ra không dễ dàng tí nào. Rồi chúng ta còn phải đối diện với chính mình nữa: Chúng ta phải đón chào tất cả những phiền não từ lòng kiêu ngạo, ham muốn cho đến sự thất vọng…Phải nói đây là một công phu hết sức khó khăn.

Tôi nhớ có lần, trong một cuộc trao đổi với Ngài Sumedho về pháp môn Từ Tâm, tôi đã thú nhận là mình gần như đã bất lực trước những đối tượng nông nổi, phiền phức. Đại đức Sumedho đã trả lời cho tôi:

-Sư nói đúng, nhưng sư thử kiểm tra lại xem những khái niệm và âm thanh về các từ ngữ “ nông nổi, ngu xuẩn, trẻ con, phiền phức” có làm cho sư được dễ chịu như khái niệm và âm thanh của danh từ tình thương hay không? Chúng có giúp sư đón nhận đời sống một cách hết mình hay không? Chúng có giúp sư nhận diện được từng cảm nghiệm của mình hay không? Tôi vẫn dùng những câu tự vấn này để tu tập Từ Tâm. Sư hãy thử đi, hãy thử đón nhận tất cả một cách chân thành và trân trọng.

Kể từ khi áp dụng lời khuyên của đại đức Sumedho, tôi mới nhận ra rằng từ trước tới giờ mình đã phải mất mát quá nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề nội tâm. Chỉ riêng những phiền não ồn ào như ham muốn, sợ hãi hay bất mãn thôi, tôi cũng đã phải vật lộn hết sức vất vả. Còn các cảm giác tinh vi nhỏ nhiệm khác thì gần như tôi không còn đủ sức đá động đến. Vậy mà từ khi có bài học mới, bài học về thái độ chào đón tất cả những phiền lụy, thì từ nội tâm tôi như có thêm một nguồn sinh lực thật kỳ lạ đến mức cứ làm tôi phải ngạc nhiên. Tôi đã nhận ra được rất nhiều những vấn đề quan trọng trong cuộc đời mình, những lý tưởng và hoài vọng của quá khứ cùng hướng đi cho tương lai. Tất cả chỉ là từng dòng chảy phù du…

Cũng với kinh nghiệm đó, tôi đã để ý thấy được rằng cứ mỗi lần tôi có thái độ đối kháng ,trốn chạy, phủ nhận bất cứ một thứ gì thì cái đó lập tức biến thành một nỗi ám ảnh cho tôi. Từ một thứ bản chất hết sức bình thường nhưng khi đi qua sự đánh giá của nội tâm tôi thì cái gì cũng có vẻ là nguy hiểm đủ để uy hiếp và nhiễu động tôi cả và bây giờ thì tôi mới hiểu rằng đó là sự hoàn thành của một kiến chấp về cái Tôi, của Tôi. Thế rồi từ bài học “đón chào mọi thứ” tôi đã thấy rõ với thái độ tiếp nhận thực tại như vậy, không có gì để làm tôi phải sợ hãi nữa. Bởi đơn giản là tôi đã hiểu được mọi sự không thuộc về một bản ngã nào hết. Từ đó, mọi cái từ ý thức nhận biết cho đến bản chất của mọi sự được ý thức nhận biết-đều được ghi nhận trong một tinh thần giải thoát. Đến mức này, thì cái hình thù của chiếc lọ đựng nước đã không còn quan trọng nữa, chính lượng nước được chưa trong đó mới là vấn đề. Ta đã hiểu được nước là gì thì dầu chiếc bình kia có hình dáng ra sao, ta cũng không thơ ngây nhìn vào nó để bảo nước là tròn hay vuông nữa. Chúng ta hãy học cách bỏ đi những hình thức, những khái niệm khuôn sáo để chỉ giữ lại trong tâm hồn mình cái gì là Sự Thật mà thôi.

Bằng một thái độ sống đón nhận trọn vẹn như vậy, coi như chúng ta đang từng phút hiện hữu trong sự hiểu biết và tỉnh thức về những gì đang xảy đến với nội tâm mình. Tinh thần Sống đó đã được thể hiện qua những bức ảnh Phật mà chúng ta vẫn thường được nhìn thấy; Ngài tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ Đề với vầng hào quang tỏa sáng khắp châu thân với một phong thái hết sực tĩnh lặng và thấu suốt. Rồi bên cạnh Ngài, ta lại còn thấy thêm những hình ảnh đáng sợ khác như các binh tướng có hình thù kỳ quái, thuộc hạ của Ác ma. Chắc chắn chúng ta cũng biết rằng đó là bức tranh vẽ lại câu chuyện Phật cảm thắng ma trước khi Bồ Tát Sĩ Đạt Ta trở thành vị Chánh Đăng Chánh Giác. Bức tranh đó ngoài ý nghĩa lịch sử, còn có thêm ý nghĩa khác sâu sắc hơn nhiều, mà chỉ cần nhìn kỹ lại bức tranh ta cũng sẽ thấy ngay: Những bông hoa, châu báu, những thứ vũ khí bén nhọn cùng trăm ngàn yêu quái từ trên trời cùng lúc xuất hiện quanh Ngài, tất cả được tượng trưng cho những thử thách và cám dỗ của nội tâm người hành giả đang trên đường tìm đạo.Tất cả chỉ là ảo ảnh, không có gì để bám víu hoặc sợ hãi và nói vậy có nghĩa là chúng ta cũng đừng để bất cứ ảo ảnh nào làm chi phối nội tâm mình.

Vậy thì trong mắt chúng ta bây giờ tất cả mọi thực tại dù hiển hiện trong bất cứ hình thức nào, tình trạng nào cũng chỉ điều là những biểu tượng. Đối với một người tu học chín chắn, ý nghĩa tinh thần về một Đức Phật còn quan trọng hơn cả hình ảnh của Đức Phật Cố Đàm lịch sử, ý nghĩa của giáo pháp còn quan trọng hơn tất cả kinh điển văn tự. Đức Phật trong lòng chúng ta lúc này là tất cả những gì Tỉnh Thức. Hiểu Biết và Ánh Sáng. Bởi nói một cách rốt ráo thì đó chính là tất cả những gì đã xây dựng nên một Đức Phật và ngay trong đêm thành đạo. Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đã bằng vào những giá trị này mà lột xác.

Chúng ta có thể nói rằng ma vương không chỉ có một lực lượng binh tướng cụ thể và nhất định cũng như không chỉ quấy nhiễu một số nhân vật đặc biệt nào đó, mà Ma vương trong ý nghĩa rộng rãi nhất của kinh điển thì bao gồm luôn tất cả những tạo niệm, những cảm giác không cần thiết, hy vọng và sợ hãi, đau khổ và hạnh phúc, những gì ta đang nếm trải cùng tất cả những hồi ức và hoài vọng. Đối với Đức Phật, ma vương là ngai vàng của dòng Thích Tộc, các mỹ nữ rồi cả những giọt nước mắt của người cha già Tịnh Phạn…Còn đối với chúng ta, những người đệ tử của Ngài đang trên đường hướng tới cứu cánh giải thoát thì ma vương có thể là tất cả những bận rộn thường nhật trong đời sống: Từ chuyện đưa con đến trường, việc hạ mình chiều lòng ông chủ, việc vệ sinh cá nhân rồi trăm ngàn thứ bận rộn khác nữa. Như đã nói, tất cả chỉ là những ảo ảnh đi qua trong tâm hồn của chúng ta, nếu chúng ta biết sống tĩnh thức thì sẽ không có một ảo ảnh nào trong số đó có thể nhiễu động chúng ta và đổi lại, ta sẽ có được một nội tâm yên bình, hiểu biết, khoáng đạt và trong sáng mà chính Đức Phật đã thể nghiệm.

Tuy nói là vậy, chúng ta cũng phải nhận rằng mình đã mất quá nhiều thời gian cho những cuộc rong chơi của ý thức. Chúng ta khó mà thực hiện điều mình hiểu là cần thiết. Đó chính là thái độ phản ứng mang tính tập quán của chúng ta đối với cuộc đời: Chạy đuổi theo sau để mong nắm bắt được những gì đang vuột khỏi tầm tay mình. Tôi nhớ hồi còn bé, tôi thường rất thích cái trò chơi dẫm bóng. Trong những lúc tôi cố gắng nhảy vào ngay giữa cái bóng của mình, nhưng quý vị cũng hiểu đó, làm sao tôi có thể thực hiện được cái ý muốn phi lý này của mình bởi lúc nào đôi chân của tôi cũng đặt ngay phía dưới chân của cái bóng cả. Cứ thế dù thất bại tôi vẫn cố hy vọng để rồi lại thất vọng. Bởi dù ở đâu và lúc nào,có ai làm được điều đó đâu chúng ta thử nghĩ lại xem, đời sống của người lớn chúng ta cũng đâu có khác gì cái trò chơi ngớ ngẩn đó của con nít. Chúng ta theo đuổi, tìm kiếm đủ mọi thứ tiền tài, danh vọng để rồi chúng ta chẳng bao giờ thực sự nắm bắt được bất cứ cái gì hết. Vạn vật và vạn sự luôn vô thường nên về hình thức cho dầu chúng ta có thành đạt được điều mình muốn thì các ta muốn và cái ta đạt được là hai thứ hoàn toàn khác nhau.

Trong đời sống, chúng ta thường có hai thái độ mưu cầu hạnh phúc và trốn chạy đau khổ. Câu chuyện nhỏ trên đây về trò chơi của tuổi thơ tôi cũng giống như trường hợp ta đi tìm một thứ hạnh phúc thật sự qua những tiền tài danh vọng. Càng đuổi bắt nó ta càng dễ thất vọng và nếu có được một chút gì đó toại nguyện thì đó vẫn chưa phải là cái chúng ta thật sự đi tìm. Còn đối với đau khổ, thái độ đối kháng hoặc trốn chạy cũng chẳng khác gì ý muốn vượt khỏi cái bóng của chính mình: Ta có chạy đến đâu và bằng tốc độ nào thì cái bóng cũng vẫn ở ngay dưới đôi chân của ta. Đau khổ là một mặt trái của đồng tiền cuộc đời, ta không thể dại khờ chối bỏ nó bằng phương cách đối kháng và trốn chạy trong mù quáng. Qua ví dụ về cái bóng, tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng của đời sống và trong cả cuộc tu của chúng ta: Chúng ta không thể tìm được cái hạnh phúc thật sự cũng như đứa bé không thể tự do đặt chân lên bất cứ chỗ nào trên cái bóng của mình và chúng ta cũng không thể nào trốn chạy được cái đau khổ vốn là bản chất của đời sống bản thân như người ta không thể nào chạy khỏi được cái bóng của mình. Vấn đề thứ hai, hạnh phúc và đau khổ chỉ là những cái bóng nên việc chúng ta theo đuổi hay trốn chạy chúng cũng chẳng khác gì trò chơi của trẻ con hoặc người mất trí. Kết quả của hai thái độ đó chỉ là hoài công và thất vọng.

Nhờ hiểu được mọi thứ chỉ là những cái bóng nên tất cả những ham muốn và sợ hãi trong chúng ta coi như được đình chỉ. Đây chính là cứu cánh giải thoát thật sự. Và đến đây thì chúng ta cũng đã có thể nhận ra rằng qua từng phút tu tập đúng đắn chúng ta luôn nhận được từng giây phút giải thoát. Hành trình và đích đến ở đây coi như gắn liền nhau bởi rõ ràng là ở đâu có sự tu tập đúng đắn thì ở đó có sự hiểu biết và tĩnh thức mà tĩnh thức và hiểu biết lại là chính lý tưởng của cuộc tu.

ĐỊNH NGHĨA VỀ HẠNH PHÚC

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Thavanaro(Giuseppe Proscia) sinh năm1955 tại miền Đông Bắc nước Ý. Từ bé, sớm có năng khiếu về nghệ thuật và từ đó đại đức đã theo học các bộ môn âm nhạc, khiêu vũ và kịch nghệ. Trong thời gian đi lính, đại đức đã gặp được đệ tử của một vị Lạt Ma Tây Tạng và được giới thiệu đại khái về Phật Giáo. Khi giải ngũ, đại đức sang Luân Đôn học nhạc và làm việc tại một nhà hàng ăn uống. Trong một lần về lại Ý, đại đức tình cờ đọc được một cuốn sách viết về các trung tâm Phật giáo ở Anh Quốc và đặc biệt là được nghe kể về ngài Sumedho.Quay lại Anh Quốc, đại đức tìm đến gặp mặt Ngài Sumedho tại trung tâm Phật Giáo Oakenholt gần Oxford nơi có nhiều vị sư Phật giáo đang lưu trú.

Vào tháng 10 năm 1977 đại đức vào làm giới tử ở chùa Hampstead Vihàra đúng một năm rồi tu sa di. Năm 1979 đại đức đã thọ giới tỳ kheo với hòa thượng tiến sĩ Saddhatissa trên một chiếc tàu giữa dòng sông Thames. Như vậy đại đức Thanavaro là vị Tăng thiền sinh da trắng đầu tiên của Ngài Ajahn Chah xuất gia tại Anh Quốc.

Đại đức Thanavaro đã sống tại hai chùa Chithurst và Harnham suốt sáu năm trời trước khi tháp tùng với đại đức Viradhammo sang Tân Tây Lan năm 1985 để xây dựng một ngôi chùa tại Willington.

Bài viết sau đây là câu trả lời Phật pháp của đại đức trong một buổi công giảng tại Palmerston North ( Tân Tây Lan) năm 1988 mà nội dung vốn được trích từ bài kinh Đại Kiết Tường ( Mahàmagalasutta) trong tập Suttanipàta ( thuộc Tiểu Bộ Kinh)

Định Nghĩa Về Hạnh Phúc

Thiền định là một con đường đem lại cho chúng ta cái khả năng tĩnh thức nhìn ngắm tất cả mọi biến dịch. Bất cứ cái gì trên đời này cũng chỉ đều là những chuỗi dài biến dịch. Vấn đề đơn giản lắm. Khi thiếu đi khả năng trí tuệ để thanh thản nhìn ngắm các chuỗi biến dịch đó, thì ta chỉ còn có mỗi một cách sống duy nhất là đối kháng cuộc sống, đối kháng với tất cả những gì mà mình cảm thấy không muốn chịu đựng. Hậu quả tất nhiên của thái độ sống này chỉ là những thất vọng và cực lòng. Chúng ta hầu như cứ suốt đời sống theo những thói quen và tự đánh mất cái khả năng tự do mà lẽ ra mình được quyền có. Chúng ta cứ chất đầy trong đầu mình hàng trăm ngàn thứ vấn đề để tự cho chúng là nan giải rồi cứ vậy mà đau khổ một cách tự nguyện.

Cuộc sống sẽ đẹp biết bao nếu cứ mỗi buổi sáng chúng ta rửa sạch khuôn mặt của mình rồi đồng thời rửa luôn trong lòng tất cả những gì là bận bịu để tâm hồn có được những cảm giác tươi tắn, mới mẻ, trong lành. Nhưng liệu nội tâm của chúng ta có thể được rửa sạch được một cách dễ dàng như mặt mày tay chân của chúng ta hay không.

Dĩ nhiên nội tâm của chúng ta không giống như thân thể của chúng ta nhưng thật ra ta vẫn có cách tẩy sạch được nó. Đó chính là con đường tự gây tạo trong đời sống bản thân những hạnh phúc cao khiết. Nhưng chúng ta đã biết gì về con đườn đó? Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều có ít nhiều bỡ ngỡ về vấn đề này, Có người quan niệm rằng kiến được thật nhiều tài sản là cách duy nhất để đầu tư hạnh phúc. Nhưng chúng ta thấy đấy, không phải lúc nào tiền bạc cũng có thể mua được hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà tôi đang muốn nhấn mạnh ở đây phải là những hạnh phúc có được từ sự hiểu biết, chúng đến từ một đời sống năng động chín chắn. Có được một đời sống chín chắn thì cũng có nghĩa là chúng ta đang được hạnh phúc. Trong kinh điển, Đức Phật đã đề nghị chúng ta những nếp sinh hoạt khả dĩ mang lại cho mọi người những niềm hạnh phúc thật sự. Những lời đề nghị của Đức Phật mà chúng tôi vừa nhắc đến, đúng là những quy tắc căn bản luôn có giá trị mọi nơi mọi lúc mà không ai có thể phủ nhận.

Trong kinh tạng Nguyên thủy có một bài kinh mà nội dung chính là những gì mà chúng tôi vừa giới thiệu. trong đó, Đức Phật nhắc đến một đời sống hạnh phúc được thực hiện qua những qui tắc dễ hiểu, dễ thực hiện.

Trước hết, Ngài dạy người Phật tử hãy biết chọn bạn mà giao du: Gần người tốt xa người xấu. Cái ít nhất mà nếp sống này có thể mang lại cho chúng ta chính là đức tính khiêm tốn. Ta dĩ nhiên tôn trọng người mình chọn làm thầy, làm bạn và chính thái độ này đã là một niềm hạnh phúc cho chúng ta.

Đức Phật dạy rằng sống ở một trú xứ tốt cũng là nguồn hạnh phúc. Điều này dễ thấy thôi: Chúng ta khó mà có được một đời sống an toàn, tiến bộ khi cư ngụ ngay những nơi ồn ào, phức tạp hoặc thiếu điều kiện tu tập và học hỏi với các cao nhân.

Cứ vậy, bài kinh lần lượt nhắc đến ba mươi tám quy tắc cơ bản mà lúc nào chúng ta cũng có thể vận dụng để đem vào đời sống của mình. Từng điều trong ba mươi tám điều đó luôn có đủ hai giá trị tự lợi và lợi tha. Chẳng hạn như Đức Phật dạy người Phật tử phải có tinh thần trách nhiện với những người thân, phải biết trao đổi với người khác để san sẻ hoặc tiếp nhận những kinh nghiệm cần thiết. Chúng ta không thể sống một mình vì tinh thần tự lợi và lợi tha luôn là cần thiết. Và bên cạnh đó, ở bất cứ nơi đâu là lúc nào ta cũng có thể tự tìm thấy cho mình một nguồn hạnh phúc bởi cái hạnh phúc thật sự chỉ đơn giản là khả năng tỉnh thức về chính bên trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Tất cả 38 điều được xem là qui tắc sống trên đây thật ra chỉ tập trung trong một vấn đề duy nhất, đó là khả năng tự tĩnh, mà tự tĩnh là một tên gọi khác của thiền định. Chúng ta hãy tự hỏi lòng mình, tự trắc nghiệm mình xem đã có thể sống được với lý tưởng thiền định hay chưa. Thiền định là một con đường thanh lọc nội tâm. Khi nội tâm chưa được trong sáng thì có nghĩa là nó vẫn còn tiếp tục bị nhiễu động, ngăn trở. Trong tình trạng đó, đầu óc chúng ta chỉ có thể cảm nhận được những vấn đề rắc rối, cái này chồng chất lên cái kia. Mãi cho đến khi nào chúng ta sống được với một nội tâm thanh thản bao dung, tháo gỡ được những gì vẫn được xem là “vấn đề” thì khi đó tự nhiên chúng ta sẽ đi đến một giai đoạn tạm gọi là Bùng Vỡ Ý Thức. thế là đã quá đủ rồi. Bùng Vỡ Ý Thức là công đoạn giải thoát của hành trình tu tập, mang ý nghĩa tẩy sạch những cẩu uế của nội tâm.

Thực ra cụm từ Bùng Vỡ Ý Thức chính là cụm từ đã được thầy tôi là Ngài Ajahn Sumdho sử dụng khi giải thích về thiền định. Đó là một giai đoạn mà chúng ta sống trong sự tự điều phục, tự mình làm thầy cho mình và kiểm soát bản thân. Có đi đến giai đoạn đó, quý vị sẽ tự biết thôi. Tôi dĩ nhiên không thể đem trường hợp của mình để ngồi kể lại cho các vị. Điều quan trọng nhất là tôi muốn các vị hãy biết rằng theo Phật giáo, trên suốt hành trình tu tập của mỗi người, trước khi đạt đến cứu cánh giải thoát tức khả năng hoàn toàn thức tỉnh, thì từng người trong chúng ta luôn bị ngăn trở bởi ba thứ phiền não Tham, Sân, Si. Nói gọn lại như vậy nhưng ba thứ phiền não này luôn ẩn hiện trong trăm ngàn hình thức tư tưởng. Thậm chí đã có người còn nói nôm na rằng có bao nhiêu pháp môn trong kinh Phật thì có đến chừng ấy những biến thể của một trong ba phiền não đó. Hay nói một cách rốt ráo hơn, gần như từng dòng tư tưởng của chúng ta điều có sự hiện diện của phiền não. Có thể đó là suy nghĩ về một viên kẹo, ý thức về tiếng muỗi bay hay một quan điểm chính trị, văn hóa, tôn giáo…nào đó!

Một ý nghĩa khác của thiền định là sự vượt qua các khuynh hướng cực đoan. Bản thân sự vượt qua đó chính là từng bước của công phu thiền định, từng bước để chúng ta tự giải thoát chính mình. Có ai trong số các vị ở đây muốn đặt nghi vấn nào đó với tôi về bài giảng này hay không?

NGÀY XƯA SƯ PHỤ…

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Jayasaro ( Shaun Chiverton) sinh năm 1958 tại Isle of Wight, Anh Quốc. Từ những ngày còn ngồi ở ghế học đường, đại đức luôn là một học trò xuất sắc. Năm lên mười bốn tuổi, sau ba tuần lễ sống ở Morocco, ý tưởng đi du lịch xứ người đã vùng lên mãnh liệt trong lòng đại đức. Tốt nghiệp xong, đại đức quyết định tìm sang Ấn Độ.

Sau mười tám tháng dài đi khắp xứ Ấn , Đại đức đã bắt đầu có hứng thú đối với các tôn giáo phương Đông, đặc biệt là thiền định của Phật giáo. Năm 1977, đại đức sang Iran để dạy tiếng Anh trong thời gian ba tháng rồi sau đó, đại đức trở về Anh quốc làm việc với cha mình, vốn là một vị kỷ sư tại đại học Sussex.

Năm sau, đại đức đến viếng chùa Hampstead và sau đó trải qua một mùa an cư làm giới tử dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Sumedho tại Oakenholt gần Oxford.Năm 1980, đại đức sang Thái Lan thọ giới tỳ kheo với thiền sư Ajahn Chah. Tu xong đại đức về chùa Nanachat. Năm 1988, đại đức tháp tùng với hòa thượng Tan Chao Khun Pannananda sang viếng thăm Anh quốc.

Từ năm 1986, đại đức Jayasaro đã cùng với đại đức Abhichat được giao trách nhiệm viết lại tiểu sử thiền sư Ajahn Chah. Bài viết sau đây là đôi điều về cuộc đời của Ngài đã được đại đức Jayasaro nhắc lại trong một cuộc nói chuyện ở trung tâm Phật giáo Amaravati vào tháng 6 năm 1988 trong dịp về thăm lại Anh quốc.

Ngày Xưa Sư Phụ…

Tôi được gặp thiền sư Ajahn Chah lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 12 năm 1978. Trước đó tôi đã trải qua một mùa an cư để làm giới tử thọ trì tám giới với Ngài Ajahn Sumedho ở Oakenholt. Sau đó tôi đi về Thái Lan và đến chùa Pap Pong. Một vị đại đức người Úc pháp danh Pamutto đã dắt tôi đến gặp thiền sư Ajahn Chah. Lúc đó Ngài đang ngồi cười thật ấm áp. Ngài đưa cho tôi ly nước đang cầm trên tay và tôi đã cung kính nhận lấy. Khi quay lại phòng mình, chẳng biết tại sao tôi cứ thấy xúc động và khóc một mình. Cử chỉ chân tình của Ngài thiền sư đã chinh phục tôi. Từ hôm đó tôi không muốn rời xa chùa Pap Pong nữa và tự cảm thấy không có gì có thể ngăn tôi trở thành một học trò của thiền sư Ajahn Chah.

Nhiều người cứ thắc mắc chẳng biết bằng cách nào mà Ngài Ajahn Chah có thể giao tiếp và hướng dẫn những người học trò Tây phương vốn đến từ nhiều quốc gia và nói đủ thứ tiếng. Thậm chí có lần người ta còn cho rằng Ngài Ajahn Chah phải biết vài ba thứ ngoại ngữ căn bản như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức…

Khi được Ngài Ajahn Chah xác nhận là không biết gì về các ngoại ngữ đó cả thì người ta lại hỏi Ngài đã bằng cách gì có thể dạy dỗ những người học trò Tây phương. Tôi nhớ Ngài đã trả lời câu hỏi đó bằng một câu hỏi ngược lại:

-Trong nhà các vị chắc là cũng có nuôi một số gia cầm, gia súc phải không? Dĩ nhiên các vị không thể nói chuyện với chúng được nhưng các vị có thể huấn luyện và điều khiền chúng được hay không?

Vấn đề ngôn ngữ trao đổi quả là không quan trọng đối với Ngài Ajahn Chah, chắc chắn Ngài nhận biết rất rõ cái hạn chế của ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc. Những thứ đó còn có ý nghĩa gì khi Ngài cũng đồng thời biết rất rõ một điều là mọi tư tưởng phàm phu được cấu tạo như thế nào. Phương pháp dạy thiền của Ngài là làm sao có thể vạch rõ cho các môn đệ trực tiếp nhìn thấy những sinh hoạt của nội tâm. Bài học căn bản nhất mà Ngài vẫn dạy chúng tôi là phương thức khám phá các tác dụng làm khổ của mọi ham muốn, Ngài luôn cố gắng xây dựng cho chúng tôi một trí tuệ thiền định đặt trên cơ sở của giáo lý Tứ Đế. Số lượng tử vựng được Ngài sử dụng để hướng dẫn thiền sinh chỉ quẩn quanh mấy chữ nhưng ý nghĩa và hiệu quả thì không sao nói hết được.

Có thể nói, với lối hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah, người ta chỉ có thể chấp nhận khi đặt hết niềm tin vào Ngài. Ngài đơn giản quá, đơn giản đến mức rất dễ gây hiểu lầm. Nhưng với một thời gian tiếp cận lâu dài, ta sẽ thấy được rằng Ngài là một vị thiền sư có lòng độ lượng không bờ bến.

Trước hết đối với người sơ cơ, Ngài dạy cách sống từ bỏ tất cả. Nhưng Ngài không bỏ mặc ta với lời hướng dẫn ngắn ngủi đó, Ngài còn dạy rất nhiều điều cần thiết khi ta không thể dứt bỏ mọi thứ. Chẳng hạn Ngài có thể khuyên ta phép sống chịu đựng, bởi phải nói rằng, tinh thần Dứt Bỏ Mọi Thứ thật không dễ dàng thực hiện chút nào nếu ta chỉ tiếp nhận lời dạy của Ngài như một bài học mang tính kiến thức. Trong trường hợp đó, lời dạy về cách sống chịu đựng xem ra có vẻ cụ thể và hữu hiệu hơn. Ngài liên tục cho thay đổi nếp sinh hoạt trong thiền viện để các thiền sinh có thể tránh được những áp lực sinh lý hoặc nói rộng hơn là trong nếp sống thường nhật. Điều này có một ý nghĩa hết sức quan trọng là để giúp các thiền sinh tránh được lối sinh hoạt tù đọng và chấp thủ. Chính vì luôn sống trong một nếp sinh hoạt sẵn sàng được thay đổi nên các thiền sinh sẽ phải liên tục trải qua từng giây phút chú ý và cảnh giác.

Đọc lại những trang tiểu sử về những ngày tháng tuổi trẻ của thiền sư Ajahn Chah, cái quan trọng nhất đối với tôi chính là những vấn đề mà Ngài đã tự dàn xếp và vượt qua. Tự truyện về cuộc đời của các bậc đại sư thường để lại cho chúng ta cái ấn tượng rằng các Ngài đã là các bậc cao khiết từ độ tuổi chín, mười, liễu ngộ dễ dàng nhờ vào một khả năng tinh thần tuyệt thế. Nhưng đối với thiền sư Ajahn Chah thì lại là một trường hợp khác hẳn. Đời tu của Ngài là cả một quá trình phấn đấu gian nan.Chính Ngài đã kể lại từng đoạn đường mà mình đã đi qua một cách hết sức thiệt thà: Ngài đã từng có những giây phút đối diện với lòng ham muốn của chính mình trước một bình bát tốt, một bộ y đẹp…Rồi từng bước hạn chế tối đa những như cầu vật chất, kể cả những thứ hoàn toàn hợp pháp tức giới luật cho phép sữ dụng, cất giữ, Ngài đã có những kinh nghiệm tu học thật khả kính mà cũng vô cùng cảm động: từ chối tất cả mọi thứ để rồi khi lá y mặc trên người bị sờn rách tả tơi mà vẫn không đi tìm một chiếc y mới nào khác, chỉ lặng lẽ đi tìm từng miếng vải vụn rồi tự vá lấy một mình.

Thiền sư Ajahn Chah rất thương các học trò của mình, Ngài sẵn sàng lo lắng giúp đỡ khi có người cần đến dù bản thân ngài luôn có nhiều bận rộn, kể cả những vấn đề phải giải quyết ở chính mình. Lần đó, trước khi bắt đầu một mùa an cư, Ngài quyết định sẽ không để mắt nhìn thấy bất cứ người phụ nữ nào hết để tự kiểm tra lại một cách nghiêm túc nội tâm chính mình. Ba tháng trôi qua Ngài đã thực hiện đúng bản nguyện. Thế rồi vào ngày cuối cùng của mùa an cư, có rất nhiều Phật tử đến viếng chùa để cúng dường Tăng chúng, nam nữ đủ cả. Lúc đó Ngài đã suy nghĩ một mình: “Đã ba tháng rồi, mình đã làm đúng quyết định của ngày đầu tiên trong mùa an cư, hôm nay là ngày cuối cùng mình thử thả trôi đôi mắt để xem điều gì xảy ra”. Thiền sư Ajahn Chah đã ngước nhìn lên và đúng ngay lúc đó, một cô nàng trẻ tuổi đang đứng trước mặt Ngài. Ngài kể lại rằng trong khoảnh khắc đó mình đã có cảm giác như bị một tia sáng cực mạnh quét ngang, bàng hoàng thảnh thốt. Khi đó Ngài nhận ra một điều rằng một sự thu hút mang tính hình thức và cảm giác thì vẫn chưa đủ. Không chỉ riêng đối với đôi mắt, mà đối với các giác quan còn lại kể cả ý thức nếu chỉ được khép kín bằng một thái độ đè nén, gò ép và khiên cưỡng mà không có sự can thiệp của trí tuệ thật sự thì chuyện giải thoát vẫn là một điều bất khả.

Thiền sư Ajahn Chah luôn đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của trí tuệ trong đời sống tu học. Ngài thường bảo rằng chỉ tự chế trong hình thức thì vẫn chưa đủ mà người tu hành nói chung còn phải có được một nội tâm chánh niệm và quan sát. Bởi nếu chỉ bằng vào đôi chút hứng thú mang tính chất nhất thời cộng với khả năng phản tỉnh quá hạn chế thì thường kết quả tu tập chẳng đi đến đâu hết và đây cũng là lý do tại sao các nhà sư quyết định hoàn tục. Các vị đã chấp nhận đời sống khuôn khổ trên hình thức nhưng trong nội tâm vẫn chưa kịp có được một khả năng thấu suốt thật sự, hay nói cách khác là họ đắp lên mình chiếc y mà vẫn chưa được đả thông tư tưởng. Ngài Ajahn Chah khẳng định rằng một sự nổ lực bền bĩ luôn có giá trị hơn một kiểu tinh tấn vượt bực nhưng mang tính bộc phát và ngắn hạn, vì ý nghĩa đích thực của cuộc tu nói chung và đối với hành giả thiền định nói riêng là từng ngày, từng tháng rồi từng năm ta vẫn trước sau giữ được cái chừng mực nhất định. Thời gian có thể trôi đi, mọi sự cố trong đời sống có xảy ra như thế nào đi nữa nhưng cái quí là nội tâm người tu vẫn trước sau như một. Ngài thiền sư đã từng dạy rằng cái thật sự cần thiết trong pháp môn thiền quán chỉ đơn giản là khả năng tỉnh thức một cách Kiên Cố, Thường Trực. Kịp Thời đối với những gì mình đang làm, đang nói, đang suy nghĩ. Khả năng tỉnh thức đó không phải chỉ được duy trì trong một thời điểm nhất định nào hết, mà đó là toàn bộ vấn đề của đời sống tu tập. theo Ngài, chúng ta phải luôn có những tự vấn: “ Tôi đang làm cái gì? Tại sao tôi làm việc này? Liệu tình trạng tâm lý này có ổn không?” Tất cả các thực tại mà người hành giả nhìn ngắm trong từng phút luôn thay đổi liên tục nên chánh niệm của chúng ta cũng phải luôn linh hoạt và bén nhạy theo để có thể kịp thời ghi nhận. Ngài Ajahn Chah dạy rằng trong trường hợp đó chánh niệm của chúng ta cứ như từng giọt nước nhỏ vào thực tại sở tri. Và như ta đã biết, mỗi giọt nước tuy nhỏ nhoi nhưng với một số lượng lớn thì chúng ta sẽ trở thành một dòng nước mạnh và mục đích tu tập của chúng ta chính là làm thế nào để có được một dòng thác chánh niệm sung mãn và mãnh liệt.

Điều đánh lưu ý là thiền sư Ajahn Chah thường có vẻ như không muốn đá động đến việc phân cấp các trình độ tu chứng. Ngài cố tránh cho thiền sinh cái ý tưởng khát vọng hoặc ngộ nhận một cách nguy hiểm qua cái gọi là trình độ này, trình độ nọ. Lần đó, có người đến hỏi Ngài về trạng thái tâm lý của một vị A La Hán, Ngài đã trả lời như sau:

-A La Hán là A La Hán, chưa chứng quả A La Hán thì chưa phải là bậc A La Hán. Chúng ta là chúng ta , còn là phàm phu thì chúng ta không thể giống như A La Hán. Điều quan trọng nhất là quay lại với chính mình, tu học một cách nghiêm cẩn và đúng đắn để trở thành bậc A La Hán.

Thiền sư Ajahn Chah luôn cố tránh nói nhiều điều về mình, đặc biết trước những câu hỏi về thành quả tư học của chính bản thân Ngài. Trong cách thuyết giảng, Ngài cũng luôn cố tránh thứ ngôn phong mang tính giáo điều và mệnh lệnh. Chẳng hạn thay vì nói “Ông ( hay bà) hãy làm như thế này, hãy nói như thế kia…” thì Ngài lại thường dùng cách nói khiêm tốn hơn, nói như một kiểu san sẻ gần gũi: “ Chúng ta nên làm như thế này, chúng ta nên suy nghĩ như thế kia…” Đối với ai Ngài cũng có cách nói chuyện như thế cho nên ta khó mà phân biệt được Ngài đang nói chuyện với ai, nam hay nữ, với một người hay nhiều người nếu chỉ được nghe lại bài nói chuyện của Ngài qua băng ghi âm.

Về cách sắp xếp nếp sinh hoạt trong các thiền viện dưới quyền điều hành của mình, thiền sư Ajahn Chah đã áp dụng rất nhiều kinh nghiệm được kế thừa từ sư phụ của mình ngày xưa là thiền sư Ajahn Mun, nhưng dĩ nhiên bên cạnh đó Ngài cũng không quên vận dụng một cách hợp lý những kinh nghiệm của riêng mình trong những năm tháng còn sống đời du hành. Ngài Ajahn Chah luôn đặc biệt nhắc tới tinh thần tập thể và thường xuyên đề cập đến bài Kinh Đại Bát Níp Bàn như là một nguyên tắc sống cho các đệ tử . Trong bài kinh đó, Đức Phật đã nói rất nhiều về tinh thần trách nhiệm và đoàn kết của Tăng chúng với nhau,mỗi cá nhân đều nên biết tôn trọng ý kiến tập thể. Là một thiền sư nên Ngài Ajahn Chah cũng đã dùng đến Luật tạng để làm môn quy hướng dẫn các thiền sinh Tăng, tục.Ngài không chỉ nhắc nhở người khác mà còn tự thể hiện tinh thần đó ngay trong chính đời sống của mình nữa. Giờ giấc sinh hoạt do Ngài Ajahn Chah đưa ra có thể nói là khá khắc khe. Thường thì trước buổi tụng kinh sáng Ngài dành cho khoảng một hai tiếng đồng hồ để nhắc nhở chư Tăng. Khi tiếng chuông báo hết giờ tụng kinh thì hầu hết các Tăng thiền sinh đều ngại phải quay về cốc của mình bởi ở đó các vị có thể sẽ bị buồn ngủ. Rồi cứ vậy mà tất cả ra ngồi thiền dưới các gốc cây để chờ sáng

Thỉnh thoảng, Ngài Ajahn Chah lại tổ chức những buổi tọa thiền vào giờ khuya như vậy và trong những ngày đó phải nói là các thiền sinh rất vất vả. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một cách rừng lúc giữa khuya lại thiếu ánh sáng thì cảm giác của những người ở đó sẽ ra sao. Đã vậy, những đêm đó thường là những đêm tối trời không trăng, khu rừng rậm rạp mịt mùng với thật nhiều dã thú nguy hiểm như rắn, rít, cọp, beo…Toàn khu rừng gần như lặng, mãi đến lúc gần sáng thì ta mới nghe được tiếng chân của các vị được vang lên trong cùng lúc. Nhờ vậy mà khu rừng có vẻ ấm cúng và an toàn hơn đôi chút. Thật ra trước đây trong rừng thiền đã được lắp đặt hai mươi bóng đèn nhưng rồi chúng bị hỏng đi thì không ai nhắc tới chuyện thay các bóng mới nữa.

Đôi lúc thiền sư Ajahn Chah có vẻ như không thích bất cứ ai đến sống gần với mình. Nếp sinh hoạt của Ngài tuy rất bình thường nhưng vẫn có chút gì đó rất khác biệt so với các đệ tử. Điều này có thể cũng do trình độ tu chứng của Ngài cũng nên. Có đôi lần tình cớ, Ngài Ajahn Chah cho biết rằng chỉ với ba mươi phút được sống hết mình, một cách trọn vẹn trong thiền định thì coi như Ngài có thể khỏe khoắn chẳng kém gì sau một giấc ngủ tám giờ đồng hồ. Ở Ngài Ajahn Chah, ta có thể nhận thấy những điều gần như không thể hiểu được. Có khi Ngài bỏ ra hằng mấy giờ đồng hồ để trò chuyện với mọi người chung quanh. Có điều lạ lùng là Ngài có thói quen kể lại hàng trăm lần một câu chuyện mà lần nào Ngài cũng kể lại bằng tất cả xúc cảm hứng thú như mới kể một lần đầu tiên. Ngài ngồi giỏi lắm, có thể ngồi nhiều giờ đồng hồ tại một chỗ trong khi những người chung quanh đã gần như không còn có thể ngồi yên được nữa.

Một điều nữa cũng đáng được ghi nhận về thiền sư Ajahn Chah là Ngài có một lối xoa dịu đau khổ của người khác một cách rất đặc biệt mà mới thoạt nghe qua ta cứ dễ ngỡ rằng Ngài mỉa mai châm biếm. Nhất là đối với các vị sư học trò người Tây phương, Ngài thường dùng cách này để trấn an họ. Có một vị sư người Anh học trò Ngài, đại đức Thitappo, vị được Ngài chú ý đến nhiều nhất và chính vị này cũng là người phải chịu đựng những lời thử thách của Ngài nhiều nhất. Một hôm có một số đông khách thập phương đến viếng chùa và như thường lệ, Ngài Ajahn Chah đã có lời khen ngợi các vị sư người Tây phương về cái khả năng tu học, làm việc và đức hạnh. Đang nói nửa chừng, Ngài Ajahn Chah bỗng dừng lại và chỉ tay về phía đại đức Thitappo rồi nói với mọi người:

-Nãy giờ tôi khen các vị kia, chứ riêng ông này thì đần độn hơn cả!

Sau đó ít hôm, gặp mặt đại đức Thitappo. Ngài hỏi như không có gì xảy ra:

-Hôm trước nói vậy, sư có giận tôi không?

Nhìn lên Ngài thiền sư, đại đức Thitappo cung kính trả lời:

-Làm sao con có thể giận được chứ, giận Ngài thì có khác gì nổi giận với một ngọn núi!

Có vài lần, trước tánh khí lạ lùng của thiền sư Ajahn Chah, nhiều người bảo Ngài sao cứ giống như một đại sư bên Thiền Tông của Phật giáo Bắc Truyền. Khi nghe vậy Ngài Ajahn Chah chỉ mỉm cười:

-Tôi chẳng là đại sư Thiền Tông nào hết,tôi cứ thấy mình cứ giống như thiền sư Ajahn Chah mà thôi!

Lần đó có một vị sư người Triều Tiên đến viếng thăm Ngài Ajahn Chah và xin được trao cho một công án, Ngài đã từ chối thẳng thừng và còn cho đó là trò chơi của trẻ con nữa. Ngài bảo với vị này rằng muốn chơi bất cứ trò nào thì trước hết phải hiểu biết quy tắc của trò chơi đó. Đối với pháp thiền cũng vậy, phải có khái niệm và hiểu được mục đích của nó thì mới may ra tự tìm thấy cho mình một câu trả lời chính chắn. Còn cái chuyện công án gì đó thì thật ra vẫn chỉ là một trò chơi mà thôi. Một hôm khác, vị sư người Triều Tiên này lại đến kể cho Ngài Ajahn Chah câu chuyện về cuộc đối thoại giữa Lục Tổ Huệ Năng với hai vị học Tăng Trung Hoa, xong rồi vị này mới hỏi Ngài:

-Lấy mắt mà nhìn thì rõ ràng là lá phướn bay nhưng theo Ngài thì đó là tướng của lá phướn hay tướng của gió?

Ngài Ajahn Chah trả lời không chút do dự:

-Chẳng phải là phướn động cũng chẳng phải là gió thổi mà là do nội tâm của người nhìn lá phướn.

Vị sư Triều Tiên bội phần kính phục và sụp mình đảnh lễ thiền sư Ajahn Chah. Nhưng ngay lúc đó Ngài lập tức mỉm cười và bảo rằng đó là câu trả lời của Lục Tổ Huệ Năng mà người đã đọc được trong một bản dịch tiếng Thái.

Có rất nhiều người trong số chúng ta cứ lầm lẫn hai khái niệm Sâu Sắc và Ô Hợp trong trí tuệ tu học. Ngài Ajahn Chah nhận biết rất rõ điều này và thường cố gắng giải thích cho các thiền sinh hiểu được cái sâu sắc thật sự và cần thiết thông qua những khái niệm đơn giản mà cũng sâu sắc nhất trong trí tuệ thiền định. Ngài thường nhấn mạnh như vậy. Thiền sư Ajahn Chah bảo rằng chiếc chìa khóa tốt nhất để khám phá thế giới chính là khả năng ghi nhận cẩn trọng bản chất vô thường của vạn vật.Ngài không dùng bất cứ một ngôn ngữ Tây phương nào để nói về thiền cả. Ngài chỉ nói bằng tiếng Thái thôi và trong các buổi thuyết giảng về thiền định, người ta thường nghe Ngài nhắc đi nhắc lại hai chữ “ Mấy Ná!” mà trong tiếng Thái có nghĩa là vô thường. Thiền sư Ajahn Chah gần như đã đưa định luật vô thường lên vị trí hàng đầu lên cả các khía cạnh giáo lý khác. Trong những giờ dạy thiền, Ngài thường nhắc nhở các thiền sinh một điều là: “ Chúng ta không thể nào vượt qua được cái trở lực phiền não nếu chưa thực sự hiểu được chúng”. Và Ngài giải thích rằng sự hiểu biết ở đây chính là khả năng nhận thức về đặc tính vô thường của các trở lực.

Bằng mọi cách, thiền sư Ajahn Chah đã luôn đề cập đến khả năng nhận thức định luật vô thường trong các pháp dù ngôn ngữ diễn đạt nhiều lúc có vẻ như không đá động gì tới vấn đề đó. Chẳng hạn như đối với Ngài, cụm từ “ Giải thoát phiền não” luôn đồng nghĩa với cụm từ “ Nhìn thấy sự vô thường của các phiền não”. Ở các trường thiền miền Đông Bắc Thái Lan người ta hầu như đã quá quen thuộc với những ngôn ngữ dạy thiền của Ngài. Thiền sư Ajahn Chah cho rằng một khi hiểu được bản chất vô thường của các phiền não thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng vượt qua được chúng.

Người ta thường cho rằng đời sống của một nhà sư Phật Giáo, đặc biệt là đối với các hành giả thì ngoài những công phu mang tính tôn giáo, chẳng có một lao động chân tay nào hết. Đó là một suy nghĩ rất nông nổi, bởi nếu nói theo tinh thần Phật giáo thì chỉ khi nào ra sức thực hiện những gì thật sự cần thiết thì nó mới được gọi là làm việc. Một người tu học chín chắn thì không làm những việc vô bổ, vô nghĩa. Nếu hiểu được một cách đúng đắn về tinh thần sinh hoạt đó thì mọi cử động lớn nhỏ của người hành giả, từ việc tụng niệm cho đến các sinh hoạt cá nhân đều là những công việc thật sự. Chuyện tu học và các sinh hoạt thường nhật lúc này coi như chỉ là một.

Theo tinh thần hướng dẫn của thiền sư Ajahn Chah, ở các thiền viện do Ngài lãnh đạo, các vị sư , kể cả Ngài, một khi đã làm việc thì luôn nhiệt tình và hết mình. Làm việc mà vẫn tiếp tục sống trong tinh thần thiền định. Lần đó thiền sư Ajahn Chah muốn làm một con đường lên chùa Tum Saeng Pet nằm trên núi, và Sở Kiều Lộ lúc đầu đã nhận lời giúp đỡ nhưng sau đó họ lại rút lui. Trước tình cảnh như thế, thiền sư Ajahn Chah dẫn hết chư Tăng trong chùa của mình lên tận nơi để bắt tay vào việc đắp đường. Các vị làm việc liên tục suốt buổi sáng. Đến giờ khất thực thì tất cả vẫn ôm bát xuống làng như thường lệ. Sau bữa ăn, nghỉ ngơi trong khoảng một giờ, các vị lại tiếp tục làm việc. Điều hết sức đặc biệt là trong suốt thời gian làm việc, không ai thấy Ngài Ajahn Chah nghỉ ngơi trong một phút nào cả. Ngài vừa phải tiếp xúc với những người đến thăm viếng, vừa chỉ đạo chư Tăng làm việc và vẫn tự tay khiêng từng viên đá nặng để đắp đường. Ngoài ra Ngài còn làm cả những việc như lấy nước giếng cho chư Tăng dùng. Cứ như vậy Ngài làm việc cho đến khi nào kiệt sức thì thôi.

Một điều đáng buồn là bản thân thiền sư Ajahn Chah có như thế nào đi nữa Ngài cũng không đón nhận nồng nhiệt ngay trên chính quê hương của mình là miền Đông Bắc Thái Lan, cho dầu Ngài về đây nhiều đóng góp quan trọng mang ý nghĩa xây dựng nếp sống cho từng người dân địa phương. Phần lớn dân chúng ở đây vẫn còn quá lạc hậu, họ cứ tiếp tục giữ lại những cổ tục thấp kém như thờ cúng thí vật chẳng hạn. Chỉ có một số ít người chịu chấp nhận pháp môn thiền định, còn phần đông những người khác thì cứ e sợ pháp môn tu tập này sẽ làm họ mất trí. Ở miền Đông Bắc Thái Lan, hầu hết mọi người đều rất sùng thượng vấn đề thần quyền như bùa chú và các hiện tượng siêu hình mà không quan tâm gì tới Phật giáo cả. Người ta đã từ chối Phật giáo để rồi lại chấp nhận những điều hết sức nghịch lý như sẵn sàng giết thú vật làm lễ hiến tế để cầu phước. Ngài Ajahn Chah đã can đảm phủ nhận những tín ngưỡng mù quáng như vậy và thế là chưa kịp độ được ai thì Ngài lại có quá nhiều kẻ thù.

Những dẫu sao cũng phải nhận rằng thiền sư Ajahn Chah vẫn nhận được lòng thương kính của đông đảo quần chúng dù Ngài không hề cố ý gây tạo cảm tình với ai và cũng chẳng có hứng thú gì với những tình cảm đó. Đối với các đệ tử của mình, ai muốn ra đi thì Ngài sẵn sang chấp nhận một cách dễ dàng, thậm chí còn gởi gắm họ với chỗ họ đã chọn. Còn đối với những vị sư đệ tử hết lòng thương kính Ngài, nếu cần, Ngài cũng dễ dàng gởi họ đến các ngôi chùa khác. Có thể nói rằng ngay trong chính tình cảm thầy trò, thiền sư Ajahn Chah vẫn luôn lấy tinh thần tập thể làm trọng. Ngài xem vị sư nào cũng là thành viên trong giáo hội mà không hề muốn ràng buộc bất cứ ai bằng thứ tình cảm riêng tư. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ một kỷ niệm về thiền sư Ajahn Chah vào một ngày Tết Thái Lan mấy năm về trước, lúc Ngài còn sống. Hôm đó, theo lệ thường nhân dịp đầu năm , các Phật tử kéo nhau lên chùa đông đảo lắm. Sau giờ tụng kinh chiều, Ngài bắt đầu thuyết pháp để sau đó là tiết mục thiền định tập thể. Lúc gần giữa đêm, có người vào báo với thiền sư Ajahn Chah là có một vị hòa thượng từ một ngôi chùa làng đến viếng thăm. Tôi không sao quên được hình ảnh Ngài Ajahn Chah đã đích thân bước ra ngoài để tiếp đón vị hòa thượng kia. Ngài cầm lấy chiếc dèm (đãy) của vị hòa thượng rồi tự tay trải tọa cụ cho vị này ngồi. Sau đó Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ vị hòa thượng này bằng ba lần cúi lạy thật nghiêm túc và hết sức thành kính. Có thể nói đó là ba cái cúi lạy đẹp nhất mà tôi đã thấy được trong đời mình. Thiền sư Ajahn Chah đã có một phong cách khiêm tốn tuyệt vời quá. Ngài đối xử với vị hòa thượng kia bằng thái độ hạ mình của một vị tân sư mới xuất gia và điều đáng nói hơn nữa là Ngài đã thực hiện điều đó ngay trước mặt hàng trăm đệ tử đồ chúng của mình như chẳng còn màng gì tới những suy nghĩ về danh phận, địa vị bản thân nữa.

Tôi nghĩ rằng thiền sư Ajahn Chah sở dĩ có được cái phong cách sống bất phàm đó chính vì Ngài đã không tự xem mình là một con người Riêng Biệt, Bất Biến nữa mà Ngài luôn có thể trở thành bất cứ con người nào mình muốn. Đôi lúc chúng ta có thể thấy Ngài là một con người cả quyết, cứng rắn nhưng nếu cần thì Ngài cũng có thể là một vị thiền sư thật mềm mỏng, dễ gần. Bản thân Ngài là người luôn tự tĩnh, sống nhiều về chiều sâu, nhưng trong từng cử chỉ và sinh hoạt lớn nhỏ của Ngài đều luôn nhắm đến niềm hạnh phúc cho người khác. Thiền sư Ajahn Chah là một người vô cùng sâu sắc và tế nhị khi phải đối diện với những vấn đề thuộc quan điểm tư tưởng của người khác, dầu đó là cá nhân hay một tông phái. Chẳng hạn như lần đó có người đến hỏi Ngài về vấn đề A La Hán với Bồ Tát và muốn được Ngài cho biết ý kiến bởi từ trước đến giờ giữa Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông vẫn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Vừa nghe xong câu hỏi, Ngài Ajahn Chah thong thả trả lời:

-Đừng ham là A La Hán hay Bồ Tát và cũng đừng muốn mình trở thành bất cứ cái gì hết. Quý vị hãy coi chừng mình sẽ bị đau khổ bởi những cái gọi là A La Hán, Bồ Tát hay chi chi đó.

Tôi có cảm giác rằng thiền sư Ajahn Chah đã không muốn mình là bất cứ cái gì cả. Ngài đã tự thể hiện tinh thần chánh pháp qua những giá trị tu học ở chính mình mà điều đó thì rõ ràng là không hề có ý nghĩa xây dựng, đắp tô một con người nào hết.

Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ với Ngài, tự nhiên tôi đã có một niềm tin thật là mãnh liệt vào sự hướng dẫn của Ngài, đặc biệt là đối với tinh thần xả hỷ vong thân mà Ngài đã thể hiện. Tôi đã vô cùng thích thú khi nhận ra tinh thần đó ngay trong chính những ngày tháng tu học của mình. Có thể nói thiền sư Ajahn Chah đã tự hiểu được rằng mọi rắc rối trong đời sống đều được sản sinh từ chính bản thân mỗi người. Và nhận thức đó không hề là một kiến thức mang tính giáo điều nữa, nó phải là cái khả năng tinh thần mà mỗi người phải tự thể nghiệm lấy. Chính nhận thức đó sẽ giúp cho mọi sự trên đời có vẻ dễ chịu hơn.

Có thể nói đó là thành quả quan trọng nhất mà chúng ta có thể đạt được qua mọi thăng trầm của cuộc tu.Cái quan trọng trong cuộc tu nằm ở chỗ chúng ta biết quay về với chính mình và thấu suốt bản thân. Giá như tôi cứ nhớ hoài những lời dạy về vấn đề ngã chấp và vô minh mà mình đã được tiếp thu rồi tu tập đúng theo như vậy thì tôi tin chắc rằng tôi có thể tự hiến mình một cách tự nguyện cho sư phụ của tôi. Thái độ vong thân này sẽ mang lại cho chúng ta một nguồn đạo lực to lớn bởi vì đây cũng là một cách suy tưởng về ân đức Tăng Bảo, một trong những đề mục có ý nghĩa trưởng dưỡng niềm tin cho chúng ta.

Tôi mong sao quí vị ở đây sẽ tìm thấy trong buổi nói chuyện này của tôi một chút giúp sức nào đó cho cuộc tu của quý vị.

NẾP SỐNG CHIA SẺ

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Vajiro ( Pill Sunton) sinh năm 1953 tại Kuala Lumpur, Malaysia Đại đức đã từng học tại trường Lan cing Collect rồi sau đó lại theo học ngành kinh tế ở đại học Bath University. Cả hai trường này đều ở Anh Quốc và năm 1974 đại đức đã tốt nghiệp đại học với số điểm xuất sắc. Vào đúng thời gian này, một người bạn đã rủ đại đức đến tham dự một thiền khóa mười ngày tại trung tâm Phật giáo Oakenhlt. Sau đó, đại đức đã tiếp tục dự thêm các thiền khóa khác trong thời gian 1976 và 1977. Năm 1977, nghe tin thiền sư Ajahn Chah cùng Ngài Ajahn Sumedhl sang viếng thăm Oakeholt, đại đức đã đến chùa Hampstead để gặp gỡ hai vị. Sau lần gặp gỡ này, đại đức đã là một thiền sinh xuất sắc. Năm 1978 đại đức xin được làm giới tử và sống ở Chithurst trong ít lâu trước khi đi qua chùa Pap Pong ở Thái Lan. Năm 1979 đại đức tu sa di và một năm sau thì thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah.

Đại đức Vajiro đã quay lại Anh quốc năm 1984 và đã cùng các huynh đệ xây dựng trung tâm phật giáo Amaravati. Hiện nay đại đức đang sống tại Chithurst.

Bài viết dưới đây là phần trích lại từ một thời pháp của đại đức tại Chithurst năm 1988.

Nếp Sống Chia Sẻ

Cảm giác phân biệt là một cảm nghiệm về sự hiện hữu của mọi loài chung quanh mình. Chúng ta có thể nhận ra điều đó trong chính bản thân hoặc thậm chí trong cả các loài thú vật. Cái ý thức về người này, vật nọ hoặc tự xác định lấy sự khác biệt giữa mình với người khác, đó chính là thái độ phân biệt. Chúng ta luôn cố gắng bằng đủ mọi cách để trang bị và nâng cấp tinh thần phân biệt đó của mình. Có thể nói rằng mọi nổ lực đó của chúng ta đều là những hình thức khác nhau của sự chấp thủ. Chúng ta chấp thủ đủ mọi thứ và luôn tự tạo cho mình một môi trường để duy trì nó. Cái gì chúng ta cũng muốn giữ lại cho riêng mình cả, từ cái nhỏ nhoi cho đến cái to tát nhất. Như đã nói thì càng chấp thủ cũng chỉ có nghĩa là chúng ta càng củng cố thêm cái tinh thần phân biệt.

Một hình thức tinh vi khác của sự chấp thủ tức tinh thần phân biệt chính là thái độ Đồng Hóa. Thỏa Hiệp. Kể cả trường hợp chúng ta có cố tình dứt bỏ một cái gì đó thì trong tự đáy lòng, chúng ta vẫn nghĩ đến một sự đánh đổi. Như vậy thì cuộc tu của chúng ta lúc này cứ giống như một kiểu đi chợ. Chúng ta chịu mất tiền để có được một thứ gì đó. Tinh thần tu tập như vậy chỉ giữ lại được ý nghĩa mặc cả và tính toán và chúng ta lúc này đã tự vô tình tạo thêm cho mình một chướng ngại trên đường tu với bức rào cản của tinh thần phân biệt.

Vấn đề chưa hết đâu, trong những trường hợp đặc biệt hơn, thì tinh thần chấp thủ, phân biệt còn được ngụy trang trong một tấm lòng hào sảng vị tha. Với nó, người ta có thể nhận thức rõ ràng cái tinh thần phân biệt không cần thiết kia để có thể nuôi lớn một lý tưởng sống chia sẻ một cách trọn vẹn. Có điều là tinh thần cởi mở đó lại cũng chỉ là một sự sắp xếp kín đáo để đánh đổi được cái niềm vui của một người không chấp thủ!

Như vậy thì trong tinh thần phân biệt, mọi nổ lực kể cả nổ lực vượt thoát chính nó chỉ là những nguồn sức mạnh nuôi lớn nó mà thôi. Ý tưởng giải thoát đặt trên cơ sở của sự chấp thủ thì trước sau gì cũng chỉ là một pháp môn hữu hiệu nhất để chúng ta có thể vận dụng trong ý nghĩa đối trừ tư tưởng phân biệt. Ở đây tôi muốn nói tới một thái độ bố thí thật sự, một cách cho ra mà không cần nhận lại. Đó không phải là một cách cho mang tính mặc cả hay ban phát. Cho chỉ có nghĩa là cho, là buông tay một cách hết mình mà không hề muốn giữ lại cho bản thân bất cứ cái gì. Đem chia sẻ cho ai đó một món đồ, thì chúng ta cũng trao hết cho họ tất cả tấm lòng của mình, không nghĩ đến chuyện thù tạc và đây mới chính là cách cho mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây.

Có lắm trường hợp chúng ta bố thí nhưng bố thí một cách khiếm khuyết, một kiểu cho không được trọn vẹn. Chúng ta có bao giờ chịu tìm hiểu về ý nghĩa của pháp môn bố thí để có thể hoàn chỉnh nó ngay trong cuộc tu của mình, đồng thời cũng tìm hiểu luôn ý nghĩa công đoạn của pháp môn bố thí trong suốt quá trình tu học trước khi thật sự giải thoát. Pháp môn bố thí là chặng đường đầu tiên của con đường tu đạo Ba La mật. Trên ý nghĩa tổng quan thì chúng ta đều hiểu rằng bố thí Ba La Mật là pháp Ba La Mật cuối cùng mà Bồ Tát bổ túc trước khi thành Phật nhưng trên văn bản kinh điển thì ta lại thấy pháp môn Ba La Mật này được xếp ở vị trí đầu tiên.

Tôi nhớ có lần Ngài Buddhadàsa đã từng bảo rằng nếu chúng ta có thể hoàn tất một pháp môn Ba La Mật nào đó thôi thì các pháp môn Ba La Mật còn lại sẽ được thành tựu trọn vẹn theo. Tôi nghĩ rằng câu nói đó rất quan trọng khi chúng ta bàn về phép bố thí, bởi ít nhất chúng ta cũng có thể thấy rằng một khi thực hiện pháp môn bố thí với tâm trạng hoàn toàn cởi mở, vô cầu vô chấp thì ngay giây phút đó các đức tánh khác (ở đây ta có thể gọi thẳng là các Ba La Mật) cũng cùng lúc được thực hiện hoàn chỉnh.

Nói một cách dễ hiểu, sự có mặt của các pháp Ba La Mật trong khoảnh khắc bố thí chính là từng khía cạnh tâm lý tương quan. Trí tuệ Ba La Mật ở đây là khả năng nhận biết một cách rõ ràng về thời điểm, nơi chốn và những gì được đem cho. Chân Thật Ba La Mật lúc này chính là thái độ nghiêm cẩn và trân trọng khi bố thí. Nhẫn Nại Ba La Mật trong trường hợp này chính là khả năng chấp nhận một cách tự nguyện những giới hạn về tâm lý hoặc hoàn cảnh bất trắc nào đó có thể xảy ra trong lúc bố thí. Ly Dục Ba La Mật ở đây là thái độ khước từ khái niệm sở hữu. Nghị lực nâng bước cho những khía cạnh tâm lý trên chính là Tinh Tấn Ba La Mật.Tinh thần độ lượng không phân biệt trong nghĩa cử bố thí chính là Từ Tâm Ba La Mật và Hành Xả Ba La Mật. Còn Bất Thối Ba La Mật ( Chí Nguyện Ba La Mật) thì dĩ nhiên không thể thiếu được trong lúc này rồi. Đó chính là thái độ dứt khoát không do dự để có thể chia sẻ cái mình có đến người khác mà không phân vân lưỡng lự.

Đến đây thì chúng ta đã có thể nhận ra được sự hiện diện cùng lúc của các pháp Ba La Mật ngay trong chính giây phút thực hiện bố thí Ba La Mật rồi, vậy thì chúng ta cũng nên tự hỏi lòng mình xem đã có lần nào biết cho ra một cách trọn vẹn như vậy hay không. Nhớ lại hồi còn ở Thái Lan tôi đã phải khó khăn lắm mới có được một bài học về tinh thần hào sảng. Lúc mới tu, trong những giờ khất thực, tôi đã thấy những ông già bà cả trong thôn xóm cứ dắt nhau ra lề đường đặt bát cho tôi đủ thứ hết: Cơm, bánh, trái cây, đường, kẹo… có thể nói là họ có cái gì cho cái đó. Nhìn thấy nét mặt hân hoan của tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ mà không hiểu được tại sao người ta lại có thể tốt bụng với tôi đến vậy, tốt bụng một cách thiệt thà đối với những người chưa hề giúp đỡ được gì cho mình.Tôi thấy tất cả những người đến đặt bát như đều có chung một niềm tịnh tín thật kỳ lạ. Thậm chí có những lần không thấy chúng tôi xuống làng khất thực, các Phật tử địa phương còn dẫn nhau lên chùa hỏi đủ chuyện. Họ sợ chúng tôi bị bệnh hay gặp chuyện gì. Thái độ của họ càng làm tôi ngạc nhiên hơn…Lúc tôi đã tìm gặp đại đức Jararo rồi nói hết những suy nghĩ của mình. Tôi nhớ đại đức Jararo đã nói với tôi một câu thật đơn giản nhưng cũng nhờ đó mà tôi có được một bài học thật hay:

-Sư sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của cách cho nếu sư chưa học được cách nhận, và sư sẽ không thể nào hiểu được ý nghĩa của cách nhận nếu sư chưa hiểu được ý nghĩa của cách cho.

Có đến hai cách cho và cũng có đến hai cách nhận. Cách nhận thứ nhất là bằng thái độ tri ơn, sự cảm nhận được tấm lòng của người đã san sẻ cho mình và cách nhận thứ hai là ngửa bàn tay mà thấm thía tinh thần xả kỷ cho kẻ giúp mình để từ đó tự có một thái độ tâm lý kính phục. Khi ta biết kính phục người khác thì cũng có nghĩa là một điều hết sức cần thiết để giúp ta vượt qua được tinh thần phân biệt.

Cho, cũng có nhiều cách. Ta có thể chia sẻ cho người khác rất nhiều thứ như thức ăn, thuốc men, áo quần, tiền bạc và cả những thời gian, công sức hoặc thậm chí chỉ một tấm lòng kín đáo thôi. Nhưng không phải lúc nào cho cũng có nghĩa là chối bỏ sở hữu bởi có nhiều lúc cho cũng là một hình thức chấp thủ, mặc cả. Cách cho quan trọng nhất là cách cho bằng thái độ mở rộng bàn tay, trải rộng tâm hồn và không nghĩ nhớ gì tới những cái mà mình sẽ có được từ thái độ hào sảng đó. Đó là một cách cho hồn nhiên, tự tại. Và cho ở đây chỉ có nghĩa là cho ra.

Nói như vậy, cách cho đẹp nhất chính là cách cho bằng tinh thần của thiền quán: Chỉ biết cho đi mà không hề nghĩ đến việc nhận lại. Cho chỉ biết là cho. Trong toàn bộ pháp môn thiền quán cũng đã dạy ta như thế: Hãy luôn sống Tỉnh Thức và Chánh Niệm đối với tất cả những gì đang xảy ra. Người hành giả chỉ sống trọn vẹn với từng giây phút hiện tại mà không bận tâm mong đợi bất cứ cái gì. Bởi chính thái độ mong đợi đó, dù là mong đợi một thành quả tu học cũng vẫn cứ là một thái độ mặc cả, chấp thủ và phân biệt trong khi chính chúng lại là những cái mà chúng ta cần phải vượt qua .

Một nôi tâm chuyên chú là điều mà chúng ta cần phải thực hiện trong tất cả mọi thời điểm. Chúng ta chú niệm vào hơi thở nhưng không chờ đợi bất cứ cái gì từ nó. Chúng ta chú niệm vào từng động tác, cử chỉ của chính mình, chú ý vào từng góc cạnh của đời sống sinh hoạt bằng một tâm hồn thật sự rộng mở: Ghi nhận tất cả rồi để mặc chúng trôi đi bằng thái độ của một người ngắm nhìn dòng nước đang xuôi chảy: Nhận thức rõ ràng sự biến dịch của nó mà không mong đợi nó sẽ mang lại cho mình một hoa trái hay bất cứ thứ quà tặng nào khác. Tinh thần tu tập này cũng là một cách xả bỏ, bố thí. Có hiểu được một cách tận tường như vậy chúng ta mới thấy được pháp môn bố thí là cả một vấn đề tu học quan trọng, một con đường dẫn đến sự hoàn chỉnh nhân cách và đạo hạnh tuyệt vời nhất.

Tôi nghĩ rằng tất cả những điều vừa nói và tất cả những gì mà chúng ta cần phải thực hiện không phải chỉ đơn giản được đi ra từ những trang kinh điển mà ngược lại tôi nghĩ rằng một phần lớn vấn đề phải được chúng ta giải quyết ngay trong chính cuộc tu của mình. Và lời sau cùng, tôi nhắc lại, biết Cho là bước khởi hành đồng thời cũng là bước đi cuối cùng của người tu học.

PHÁP HỶ TỐI THẮNG

Tiểu Sử Tác Giả:

Đại đức Tiradhammo, thế danh Ian Adams, sinh năm 1949 tại New Westminster, British Columbia ( Hoa Kỳ). Sau khi theo học cơ khí, địa chất và địa lý tại Đại học Britsh Columbia, đại đức đã thực hiện một chuyến du lịch sang Trung Đông rồi vòng về Palistan và Tích Lan. Tại đây, đại đức đã sống qua nửa tháng ở Island Hermitage rồi đến hàng tháng trời thiền định tại Trung tâm Kandu-boda với tỳ kheo Sivali.

Sau đó trở về Canada, hoàn tất các học vị đại học đang dở dang, đại đức di sang Ấn Độ rồi cuối cùng trở về Thái. Năm 1973 đại đức thọ giới sa di. Một năm sau, đại đức thọ giới tỳ kheo tại chùa Meung Man ở Chiang Mai với ngài Tong.Năm 1975, đại đức dời sang ở chùa Pah Pong rồi sau đó là chùa Pah Nanachat để được ở gần Ngài Ajahn Chah. Đại đức đã từng thực hiện nhiều chuyến xuyên rừng theo hạnh đầu đà từ suốt miền Đông bắc Thái Lan đến tận những dãy núi ở Chiang Mai, và đã từng có cơ hội gặp gỡ với nhiều vị thiền sư ẩn lâm lừng danh.

Năm 1982, đại đức Tiradhammo được mời sang Anh Quốc để hoằng pháp. Đại đức đã sống ở chùa Chithurst hai năm rồi sau đó là ba năm ở Northumberland để xây dựng tịnh xá Harnham. Hiện đại đức đang là trụ trì tại một ngôi chùa mới kiến tạo tại Bern, Thụy Sĩ và cũng đang biên soạn một cuốn sách về luật nghi Tỳ kheo.

Bài viết sau đây được phỏng lại từ một bài pháp của đại đức trong một khóa thiền mười ngày tại Thụy Sĩ vào tháng 03 năm 1988. Nội dung thời pháp là nói về Thất Giác Chi mà ở đây chỉ chọn riêng phần Hỷ Giác Chi. Nội dung bài viết có thể được tóm tắt trong mấy dòng sau đây: “Được an lạc, chúng ta luôn có đủ tâm lực để đi tìm thêm những gì mới mẻ hơn. Nhưng nếu đời sống đối với ta chỉ là cái gì đó khổ ải, chắc chắn ta sẽ bị chùng chân”.

Pháp Hỷ Tối Thắng

Có nhiều người trong số chúng ta đã rất sai lầm khi nghĩ rằng cuộc tu là một nếp sống ép xác để tống khứ ra khỏi bản thân mình những gì là cấu trược bất tịnh nhằm hướng đến một cảnh giới cao khiết. Một điều hết sức hiển nhiên là nếu cứ nghĩ về bản thân mình bằng cái tư tưởng như vậy chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào một tình trạng tâm lý tạm gọi là mặc cảm tội lỗi. Từ đó dầu trong những phút giây hướng mình đến trí tuệ giải thoát, ta cũng chỉ bắt gặp ở chính mình những đối kháng và mâu thuẫn, thậm chí ngộ nhận.

Từ lập trường này, lý tưởng tu tập của chúng ta trước sau vẫn chỉ là Lý Tưởng. Chúng ta cứ mãi hoài phân biệt một cách lý tính rằng: “ Tôi ở đây và Níp Bàn trên kia, Tôi chỉ là một mớ hỗn độn còn Níp Bàn là tất cả những gì thanh tịnh và sâu thẳm hoàn toàn cách biệt với Tôi”. Phải nhận rằng đó là những vọng niệm toan tính. Trong khi với một trình độ tu tập chính chắn, trí tuệ giác ngộ lại có ý nghĩa là một sự thức tỉnh đối với chính sự ngộ nhận. Trí tuệ của người Phật tử phải là sự tỉnh thức trước cái Vô Minh. Vấn đề quan trọng trong cuộc tu không phải là sự hiểu biết về trí tuệ mà là sử dụng trí tuệ để hiểu biết cái vô minh!

Toàn bộ giá trị của Pháp môn Thiền Quán hoàn toàn nằm ở chỗ ta biết nhận thức cái bản chất như thật của từng Hiện Hữu đang xảy ra Tại Đây và Bây Giờ. Chúng ta không cần phải nhọc sức đào xới để kiếm tìm một trí tuệ giải thoát nào đó như người ta trông chờ một cơ may xảy đến cho mình.Chúng ta chỉ cần tỉnh thức trong từng khoảnh khắc có mặt của mình để hiểu được thế nào là kiếp sống. Chỉ cần ta hiểu được nó là cái gì, chỉ một lần thôi thì coi như ta đang bắt đầu vượt qua nó đây. Còn như nếu chúng ta cứ dại khờ cố vượt qua nó trước khi mình chưa thực sự hiểu được nó thì cái chúng ta đạt được chỉ là một thứ ảo vọng tù đày.

Ngài thiền sư Ajahn Chah thường nói rằng chúng ta phải biết xé nhỏ ra mọi sự để giải quyết trước khi bận tâm đến cái trắc trở của chúng.Khi ta nhìn thấy được mọi sự như là những gánh nặng thì cũng có nghĩa là ta đã nhận ra chân lý về cái khổ. Có thấy được cái khổ, chúng ta mới có thể phủi tay tất cả để cảm nhận được cái gì là sự nhẹ nhàng thanh thản thật sự, Đó là một cảm nhận trung thực và hồn nhiên mà kinh điển Phật giáo vẫn gọi là Hỷ Giác Chi.

Chữ Pàli để gọi tiếng Hỷ là Pìti. Thuật ngữ này có nhiều cách dịch bởi có rất nhiều hình thái tâm lý vẫn được gọi là Hỷ. Chẳng hạn cũng có loại Hỷ được hình thành từ một cái nhìn hoán chuyển đối với đau khổ để nhắm đến Đạo quả giải thoát thì đó cũng là một cách Hỷ.

Trong cuộc tu của chúng ta có thể bằng vào nhiều phương cách khác nhau để có được những niềm hỷ lạc sai biệt. Chẳng hạn đối với riêng tôi, chỉ cận nghĩ đến Hỷ tôi cũng đã thấy mình được an lạc rồi. Bản thân của Hỷ Giác Chi và chức năng của nó thường bị người ta lẫn lộn khi bàn về đời sống nội tâm.

Ở đây ta phải hiểu rằng Hỷ Lạc không chỉ là thứ niềm vui có được từ những cơ hội. Niềm vui kiểu đó mong manh lắm. Hỷ Giác Chi mà tôi muốn nói ở đây phải là một thứ kinh nghiệm tâm linh giúp ta trãi rộng đời sống của mình ra một cách tỉnh thức. Khi có được một niềm vui như vậy, coi như chúng ta đã sẵn sàng có thể khám phá biết bao điều mới lạ.Nói khác đi, nếu ta cứ nghĩ về đời sống bằng những ám ảnh u tối và bi quan thì chúng ta không thể nhìn thấy bất cứ cái gì hết.

Chúng ta cứ thử nhìn xem mấy đứa trẻ con thì biết, chúng có một thái độ khám phá và tò mò một cách rất hồn nhiên nên nhờ vậy, cái gì cũng có thể đem lại cho chúng những thú vị và đời sống của chúng cũng nhờ vậy mà thanh thản hơn. Trong khi đó đối với những người lớn như chúng ta thì đáng buồn thay, ai cũng muốn đem một cái nhìn thông minh nhất, uyên bác nhất để mà nhìn ngắm mọi vật. Và chính vì vậy chúng ta chỉ mỗi lúc một thêm nặng lòng và nhọc trí với hàng đống khái niệm nặng nề, tù túng. Chẳng hạn như khi nhìn thấy một đóa hoa thì chúng ta cứ có thói quen đem hết những kinh nghiệm quá khứ của mình về các giống hoa để đáng giá nó với một thái độ cứng ngắc, tự đại.Mà thực ra mọi đóa hoa trước mặt chúng ta luôn là một cái gì đó độc lập: Đóa hoa ở đây và bây giờ đâu phải là đóa hoa của những thời điểm khác mà ta đã nhìn thấy.

Nếu chúng ta biết lắng nghe một tiếng chim hót bằng tất cả tâm hồn trong sáng và tỉnh thức thì ta đâu có sự phân biệt tiếng hót đó với một âm thanh nào khác để giải đi đến những đánh giá tiêu cực không cần thiết. Thái độ lắng nghe bằng sự tỉnh thức trực tiếp hoàn toàn khác hẳn với sự lắng nghe thông qua một tư tưởng phân biệt. Khi ta biết lắng nghe một cách đúng mức như đã nói thì mọi âm thanh đều luôn là mới mẻ và sinh động dù trước sau, trong sự tỉnh thức của chúng ta lúc này, âm thanh chỉ là âm thanh và sự lắng nghe chỉ là sự lắng nghe. Có điều là chúng được ghi nhận một cách rõ ràng rằng đó là những gì đang xảy ra ở đây và lúc này. Đó là tất cả sự khác biệt hết sức quan trọng giữa hai thái độ lắng nghe bằng sự tỉnh thức với thực tại và bằng thứ kinh nghiệm tật nguyền của quá khứ.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục trầm luân trong những khái niệm, thì cho đến suốt đời, ta vẫn chỉ có được những độc thoại sáo rỗng: Con chim đang hót, nụ hoa trên đầu, người ấy đang nói chuyện, tôi muốn người ta im lặng, ngọn nến đang cháy…để rồi cứ nghĩ mình đã thấu suốt được đời sống. Chúng ta cứ tiếp tục treo mãi trong đầu mình những khái niệm máy móc và chúng mãi mãi tồn tại theo một chiều ý thức chật hẹp thông qua cái thứ ký ức đã được biến thành ngôn ngữ vô vị như những điệp khúc tẻ nhạt. nếu cả một cuộc đời chỉ biết qua bằng một thái độ ý thức như vậy, cái mà chúng ta đạt được chắc chắn chỉ là những ngẫu tượng, những con búp bê vô hồn lạnh lẽo.

Cái được gọi là bản chất của vạn vật chỉ được chúng ta học hỏi, hiểu biết rồi diễn đạt thông qua ngôn ngữ mà thôi. Từ đó, không ít người trong chúng ta đã thành ra những tù nhân bị giam hãm trong cái ngục tù giới hạn của ngôn ngữ và khái niệm. Phải nói rằng chính nhờ thiền dịnh, chúng tôi đã có được một khả năng chuyển mình sâu thẳm từ nỗi ám ảnh của văn hoá Tây Phương. Chúng ta hãy nổ lực để có thể “Hiểu biết”mà không bị mắc vào những khái niệm xơ cứng, để có thể cảm nhận bản chất như thật của mọi sự bằng một trí tuệ trực quan nhưng vẫn chính xác.

Đối với những người đã trót nặng nợ với những tri thức chữ nghĩa họ có thể xem đây là thái độ chối bỏ nông nổi. Chúng tôi không muốn lấy chữ nghĩa để bàn cãi với nhau. Chúng tôi muốn mọi người hãy có một thứ tiếng nói nội tâm của riêng lòng mình. Dĩ nhiên là chúng ta không thể khước từ cái ngôn ngữ đối giao trong cộng đồng nhân loại với nhau nhưng ta cũng phải nhớ là thứ ngôn ngữ giao tiếp đó không hề là cái “ sự thật” mà chúng ta vẫn đi tìm. Hai thứ đó khác nhau nhiều lắm.

Phải nhận rằng cái không gian sống im lặng không ngôn từ mà chúng ta có được, nó nhỏ hẹp quá. Xã hội đã không cho phép chúng ta được rộng rãi hơn. Chữ nghĩa, ngôn ngữ của loài người đã trở nên ồn ào đến mức không chịu nổi và chính những ngày này là cơ hội để chúng ta lắng nghe tất cả. Đây cũng là thời gian chúng ta có được một chỗ sống im lặng để tu tập và nuôi dưỡng những gì là cần thiết cho cuộc tu của mình. Kỳ diệu biết bao nếu ai trong chúng ta cũng quay lại với một phần tuổi thơ ngày xưa để không còn bị tù túng trong cái thế giới ngôn ngữ chấp thủ của người lớn!

Chúng ta thử nhớ lại đi.Trẻ con thoạt đầu không hề biết gì tới chuyện từ ngữ. Gặp một cái hoa, chúng sẽ hỏi ta đó là cái gì. Nếu được trả lời rằng đó là một cái hoa thì chúng lập tức chấp nhận ngay và coi như chúng đã bắt đầu đi vào cuộc đời với cái khái niệm và tên gọi về cái hoa để có thể hội nhập với cộng đồng người lớn quanh nó mà ai cũng đã quen sống và giao lưu bằng những khái niệm và ngôn ngữ. Trong khi đó, khi một đứa bé hỏi về tên gọi một đóa hoa, chúng ta có thể trả lời với nó rằng”Nó được mọi người gọi là cái hoa nhưng cái hoa không phải chỉ là cái tên gọi đó.Nó là một vật trong thiên nhiên và cũng có riêng một thuộc tính, bản chất, cấu tạo chẳng giống cái khác”. Dĩ nhiên cách trả lời đó không thích hợp đối với trẻ con nhưng chắc chắn người lớn chúng ta ai cũng thấy rằng hiểu được cái “ nằm bên kia ngôn từ” quả là một điều thú vị. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta luôn có thể mang trả lại đời sống mình những giá trị thật sự của biết bao cái đẹp mà bản thân đã thả trôi theo ngôn ngữ. Chúng ta hiện đang giữ trong tay chiếc chìa khóa thần kỳ có thể giúp mình vượt thoát cái nếp sống đã thành lề thói u mê!

Niềm vui hay những thú vị có được từ trí tuệ tu tập luôn có thể được nuôi lớn theo thời gian cho ngày một sâu sắc hơn. Vượt lên khỏi giai đoạn hứng thú (pìti) của buổi đầu tu học, ta còn có một thứ hạnh phúc khác vi tế, cao cấp hơn-đó chính là sự tịnh lạc (sukha). Sự tịnh lạc hay niềm hạnh phúc ở đây không chỉ có nghĩa đơn giản là đối lập với đau khổ. Bởi cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc theo nghĩa đời thường, thì chúng chỉ chập chờn ẩn hiện chóng vánh như một cánh bướm. Cái đó thật ra chưa đủ để gọi là tịnh lạc như ở đây muốn nói. Khi đời sống mỗi người hãy còn bị gò bó trong quá nhiều những khuôn khổ thì hạnh phúc cứ như là một vấn đề nghiêm trọng, nặng nề, đắt đỏ. Trong khi đó sự an lạc trong đời sống tu tập thì không phải vậy. Đó là một tâm thái thỏa hiệp với tất cả mọi biến động, mọi hoàn cảnh, sự cố một cách bao dung, độ lượng. Hai từ này ở đây phải được hiểu theo nghĩa từ nguyên. Sự an lạc hay tịnh lạc trong cuộc tu, đặc biệt với pháp môn thiền định, là cái cảm giác bình ổn, thấm nhuần để có thể đem lại cho hành giả một khả năng tâm lực như ý: Kiên định và thanh thản.

Ta hãy cho tiếng tịnh lạc (sukha) một định nghĩa cụ thể. Đó chính là sự Tự Tại, một thứ hạnh phúc không thể do cưỡng cầu mà có.Nó tự đến trong từng giây phút tu học chính chắn. Chính nó giúp ta nhận ra sự hiện hữu của mình trong mỗi khoảnh khắc, những khoảnh khắc ngọt ngào, cao khiết.

Hãy cố tìm xem niềm tịnh lạc có đến với mình từ điểm nào, cái gì giữ chân nó và cái gì khiến nó mất đi. Thực hiện được điều này cũng có nghĩa là ta đang tu tập Hỷ Giác Chi, một trong bảy nhân tố của trí tuệ giác ngộ, mà trước hết và ít nhất nó cũng giúp ta có được một đời sống tỉnh thức giữa cuộc đời đang ngủ say trong mộng mị…

LÁ THƯ CHO NHỮNG NGƯỜI TÌM ĐẠO.

Bài viết sau đây của Ngài Kittisaro, đã được đăng tải trên tờ báo riêng Newsletter của chùa Devon Vihàra vào tháng 9 năm 1987

Thân gởi các pháp hữu trên toàn thế giới.

Trước hết tôi xin gởi lời chào đầy đạo tình đến mọi người để có thể bắt đâu đi vào lá thư.Có thể tôi đã có dịp gặp gỡ các vị tại ngôi chùa này vào mùa hè năm nay hoặc trong một buổi công giảng nào đó của tôi nhưng tôi vẫn chưa có dịp viết một lá thư để gởi đến các vị. Tôi nghĩ rằng quả là một nhân duyên lớn khi từng người trong số chúng ta tự thấy được rằng mình là một thành viên có mặt trong một tập thể đông đảo cùng hướng về cứu cánh giải thoát. Sự thành tựu một tập thể hướng thượng như vậy chính là sức mạnh của tăng chúng. Chữ Pàli “ Sangha” chỉ có nghĩa đơn gản là một nhóm đông, một cộng đồng, một sự góp mặt của nhiều người. Còn nói riêng về thuật ngữ Phật giáo thì danh từ này được sử dụng với một ý nghĩa rất chuyên biệt.

Tăng chúng là một trong ba ngôi báu, một trong ba đối tượng để tất cả Phật giáo đồ quy ngưỡng bằng cách đưa cả ba thần tượng này vào trong chính cuộc tu của mình ở từng phút giây thông qua một lời phát nguyện quy y.

Vậy thì chư Tăng chúng trong lời nguyện đó là gì và có ý nghĩa như thế nào trên hành trình giải thoát của chúng ta? Nói một cách chính xác nhất, Tăng chúng trong trường hợp này ám chỉ cho tất cả những cá nhân đã thành tựu Chánh Tri Kiến. Nói khác đi, đó là một tập thể của các vị thánh nhân bất luận Tăng, Tục, nam phụ lão ấu. Và điều đặcc biệt hơn nữa, các thành viên trong tập thể này rất có thể là những người chưa từng được xem là Phật tử. Miễn sao đó là những người có khả năng làm chủ được chính mình và toàn bộ đời sống sinh hoạt của họ luôn được điều động bởi trí tuệ như thật.

Từng người trong Thánh chúng là những vị đã thấu đáo được nguyên lý Tứ Đế. Các vị chứng ngộ được cứu cánh thoát khổ và cảm nghiệm trọn vẹn sự an lành tuyệt đối của một người giác ngộ. Ngoại trừ ra bậc A La Hán, các tầng Thánh còn lại phải tiếp tục tu học để nâng cao trình độ Chánh Tri Kiến của mình. Con đường đó của các Ngài cũng hoàn toàn giống như hành trình tu học của các phàm phu chúng ta. Các Ngài vẫn phải liên tục tri nhận một cách chín chắn từng phút giâu thực tại theo đúng tinh thần của pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Nói gọn lại Thánh chúng hay tập thể Tăng chúng Thánh nhân là bao gồm những con người trí tuệ, những bậc hiền giả thật sự.

Các Ngài cũng vẫn là những con người bình thường như chúng ta nhưng tại sao lại được xem là một trong ba đối tượng để chúng ta quy ngưỡng? Đây là một câu hỏi rất quan trọng nhưng câu trả lời thì rất đơn giản: Chính vì các Ngài là những con người có thật, cũng bằng xương bằng thịt, chúng ta có thể gặp gỡ được các Ngài trong đời sống thường nhật và nhờ vậy các Ngài đã mặc nhiên trở thành một biểu tượng sống động cho con đường giải thoát mà chúng ta đang phải đi qua. Chính tính cách cụ thể và điển hình đó của các Ngài đã dễ dàng tác động vào chúng ta một cách hiệu quả trong khi khái niệm về Phật bảo và Pháp bảo thì đối với phần đông xem ra có vẻ xa vời và trừu tượng hơn nhiều. Chính Thánh chúng đã mang lại cho cuộc đời những lời dạy, có thể bằng ngôn từ, có thể bằng nhân cách.

Phải nhớ thêm rằng một nhãn hiệu hay một thông tin mang ý nghĩa tôn xưng hoặc phủ nhận ai đó là Thánh nhân hay phàm phu, đối với chúng ta quả thật không cần thiết. Bởi vì cho dầu có tò mò đến mấy, trong tự thâm tâm, chúng ta cũng không sao tránh được một nỗi hoàn nghi về những thông tin và nhãn hiệu đó.

Vấn đề quan trọng nhất chính là việc chúng ta tự hàm dưỡng lấy cho chính mình cái khả năng cảm nhận và đánh giá bằng chính trí tuệ bản thân. Chính khả năng đó mới khả dĩ đem lại cho chúng ta những người bạn tốt. Một người bạn tốt có đủ những tiêu chuẩn đã nói ở phần trước luôn được Đức Phật xếp vào hàng ngũ tăng chúng của Ngài. Ngài dạy đó là những vị “ Xứng đáng nhận được các tặng vật, xứng đáng nhận được các lễ phẩm, các cử chỉ tôn kính của người khác. Các vị là phước điền vô thượng cho đời”. Và dầu có nói như thế nào đi nữa thì Tăng bảo vẫn là một chỗ nương nhờ cho những người tu học. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó.

Như đã nói, theo kinh văn thì Tăng chúng được ám chỉ cho các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni nhưng nếu giải thích một cách rốt ráo thì từ ngữ tăng chúng có nghĩa rộng hơn, gồm luôn tất cả những ai thành tựu được Chánh Tri Kiến. Bởi một điều hết sức rõ ràng là lá y với chiếc đầu không tóc xem ra vẫn chưa đủ để bảo đảm những giá trị trí tuệ và đức hạnh. Nếp sống xuất gia chỉ thực sự có giá trị khi được thực hiện một cách nghiêm túc và hết mình để nhờ vậy giới tu sĩ mới có điều kiện phát triển đời sống nội tâm. Thực tế đã cho ta thấy rằng hình thức sống không quan trọng, mà tinh thần sống mới là điều quyết định giá trị của một tập thể hay cá nhân. Từ đó suy ra, cái gọi là Tăng chúng trong chừng mực nào đó, không hề bị giới hạn trong một màu áo hay nhãn hiệu tôn giáo nào cả.

Như vậy, ở một định nghĩa rộng rãi và chính xác nhất, ý nghĩa của chữ Tăng Chúng chỉ được qui định từ chính nội dung của mỗi cá nhân trong tập thể mà thôi. Nhiều cá nhân như vậy sẽ hình thánh nên cái gọi là Tăng Bảo, Tăng Chúng. Trong khi thế giới phàm phu là một dòng thác lủ xô bồ và tạp loạn với đủ thứ tình cảm, định kiến và thống lụy thì thánh chúng của Đức Phật quả là một vùng biển lặng, bình yên, thâm sâu mà vẫn tươi mát đủ mang lại cho người náu nương một sự yên tâm, an lòng. Tăng Chúng là những người bạn tốt, những người thầy có nhiệt tâm để nâng bước và hoàn chỉnh chúng ta.Niềm tin của chúng ta đặt nơi Tăng Chúng phải được xây dựng để thành ra một phần máu xương của đời sống, những tần số, tín hiệu chính xác nhất. Trình độ tu chứng của mỗi người không thể được đánh dấu bằng những con tem xác nhận…Nếu chúng ta cứ dại khờ chạy theo một nhãn hiệu nào đó để cố tin rằng ông này đã chứng Dự Lưu, bà kia là vị Bất Lai…thì xem ra chúng ta vẫn cứ là một người mù lòa bám theo tay người khác và suốt đời sẽ phải bị đau đầu vì những con dấu hỏi vô ích.

Nói vậy có nghĩa là chúng ta không cần thiết phải làm thỏa mãn tính tò mò của mình bằng cách tin bừa vào quả vị chứng ngộ của ai nhưng điều này cũng không có nghĩa là chúng ta chối bỏ hoàn toàn việc xác nhận ai đó là bậc hiền trí, một vị thiện hữu, một người thầy khả kính. Tuy không nhắm mắt tin theo lời người khác để vội vã đánh giá một cá nhân nào nhưng bằng vào khả năng cảm nhận của bản thân, nếu chúng ta xác nhận được ai đó là đối tượng đáng kể cho mình học hỏi rồi tôn kính và gần gũi họ, thì đây cũng là một điều hết sức quan trọng. Bởi chúng ta cũng còn nhớ rằng Đức Phật đã từng dạy người Phật tử nên thân cận các bậc hiền trí hơn là những người thiếu trí. Thái độ sống nhờ cậy này của chúng ta không còn là một sự theo đuổi mù quáng nữa, mà đây chính là những bước đầu để chúng ta học cách xác định cái gì là thiện ác, đúng sai thông qua khả năng phản ánh của tự tâm. Rồi cũng từ chặng đường đó, chúng ta sẽ bắt đầu học được cách trân trọng những đức tánh giá trị để ân đức Tăng bảo lúc này sẽ thành ra một nguồn đạo lực quan trọng cho chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên thông minh hơn và từ cảnh giới tư tưởng cũ phàm phu, chúng ta sẽ tiếp nhận được những hướng dẫn mang nội dung vượt thoát. Chúng ta sẽ nghe được những giáo lý như thật về Ta, về Người, về Thời Gian, về những Khát Vọng và sau cùng là đưọc nghe về tất cả những gì đã làm nên sự hiện hữu chình mình.

Ngay trong lời phát thệ quy y Tăng bảo coi như chúng ta đã nói lên ước nguyện tìm thấy cho mình người bạn lành trong nội tâm. Tăng chúng trong lòng ta không còn là những đối tượng tương giao mang tính chủ khách nữa, ở đây Tăng chúng đã trở thành một thứ đạo tình vô phân biệt: Tăng chúng là biểu tượng cho các đức tính và các đức tính dĩ nhiên phải được xem là một phần nội tâm của chúng ta. Thậm chí tôi còn muốn tất cả các bạn hãy đọc lá thư này bằng cái đạo tình đó nữa.

Với tất cả những gì tôi đã nói về Tăng Bảo tức Tăng Chúng nãy giờ, tôi mong tất cả các bạn hãy cùng tôi đi xa hơn nữa trong định nghĩa này. Nếu Tăng Chúng đã được hiểu là những biểu trưng cho các đức tính thì ngay khi có lòng quy ngưỡng Tăng chúng, chúng ta đã đồng thời nhắc lại lời phát thệ quy ngưỡng Phật bảo và Pháp bảo thêm một lần nữa. Như vậy hễ nhắc đến Tăng bảo thì chúng ta không chỉ đơn giản nói tới một cá nhân hay tập thể nào hết, mà sâu rộng hơn, chúng ta phải nhớ tới tất cả những gì được xem là nguồn đạo lực cho cuộc tu của mình.

Mùa hè năm nay tôi đã có được một cơ hội thật tuyệt vời để cảm nghiệm trọn vẹn ý nghĩa của hia chữ Tăng chúng: Đó là từng buổi hướng dẫn các thiền sinh, từng giờ đàm luận Phật pháp, những buổi hành lễ chung với chư tăng và các cô nữ tu học trò tôi và đặc biệt là với đại đức Sumedho, người thầy khả kính của tôi. Tôi đã học khá nhiều điều thứ vị từ sự góp mặt của từng người trong tập thể. Nhớ lại chuyện từ hồi xưa cho đến bây giờ, kể từ ngày bỏ nhà ra đi để trở thành một tu sĩ với lý tưởng tìm đạo giải thoát, tôi đã được Tăng chúng giúp đỡ rất nhiều. Các bạn có biết không, trên suốt con đường tu học của bản thân, chúng ta không sao phủ nhận được cái đạo tình của các pháp hữu mà ở đây tôi muốn các vị gọi là Tăng chúng. Dù có ở đâu và với trình độ tu học như thế nào, chúng ta vẫn luôn là bé bỏng trong sự chở che của Tăng Chúng. Với sự trợ lực của Tăng Chúng, đời tu của chúng ta sẽ mỗi lúc một tốt hơn và chúng ta cũng sẽ ngày một xứng đáng với tất cả ân tình của đời sống.

Nói vậy có nghĩa là trong Tăng Chúng luôn có Tăng Chúng và chính Tăng Chúng tạo ra Tăng Chúng. Chưa hiểu gì về Tăng Chúng, chưa được sống trong cái tình pháp hữu thật sự thì coi như chúng ta vẫn cứ mãi tự cô lập mình trong một cái lồng kín Tôi và Của Tôi vốn mong manh như một bong bóng nước. Tự nhốt mình trong một thế giới như vậy, không gian sinh hoạt của chúng ta và cả thời gian tồn tại của chúng ta coi như đã bị thu hẹp, niềm hạnh phúc có được từ tha nhân cũng vì vậy mà bị giới hạn. Tôi nghĩ rằng các bạn cũng có những suy nghĩ như tôi vừa nói.

Nào, bây giờ chúng ta hãy thử kiểm tra lại cảm giác của mình khi có một nếp sống nội tâm hòa nhập với Tăng Chúng, một tập thể gồm những người hiền trí và tịnh lạc. Như đã nói, Tăng Chúng luôn đem lại cho chúng ta một sức mạnh trí tuệ và niềm hạnh phúc có được từ thành quả tu học đó sẽ giúp chúng ta được thư giãn, niềm tin của chúng ta càng được củng cố. Phải nói rằng đối tượng của niềm tin đó là một sức mạnh rất lớn. Ta hãy thử nghĩ xem, với những định nghĩa trên đây thì số lượng Tăng Chúng quả là vô hạn và từng người trong tập thể đó đều là những cá nhân sống tỉnh thức trước mọi bản chất của cuộc đời trong từng giây phút. Đối với một tâm hồn bị ràng buộc trong những định kiến phân biệt thì một sự hòa nhập như vậy chính là một nguồn đạo lực vô cùng quan trọng. Tất nhiên là trong đời sống của chúng ta vẫn còn trăm thứ nhiêu khê khác nhưng với một niềm tin vào Tăng Chúng, chúng ta vẫn có thể tự tu học. Niềm tin vào Tăng Chúng là một thứ đạo tình mang giá trị của một nguồn đạo lực giúp ta xây dựng được Chánh Tri Kiến và phá vỡ được cái không gian tù túng của ngã chấp mà từ bấy lâu nay chúng ta vẫn bị giam giữ trong đó.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta dĩ nhiên không thể dễ dàng chọn hay tránh những người đồng trú một cách như ý. Tuy nhiên giữa tất cả những nghịch cảnh và thử thách khốc liệt nhất chúng ta vẫn có thể tìm thấy cho chính mình một sức mạnh tu học từ thái độ hiểu biết và quy ngưỡng Tăng Chúng. Tăng Chúng theo đúng như nghĩa mà tôi đã nói ở trước thì luôn có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu và vào lúc nào. Đôi lúc chúng ta nếu cần thì cũng tạm thời quên đi những người chung quanh mình nếu họ không thật sự có được những giá trị của một thành viên trong Tăng Chúng. Đối với chúng ta lúc này, hình bóng Tăng Chúng đã được thiết lập vững chắc ngay trong nội tâm, bất cứ ai, kể cả những người trong gia đình của chúng ta cũng đều có thể là Tăng chúng đã được thiết lâp vững chắc ngay trong nội tâm, bất cứ ai, kể cả những người trong gia đình của chúng ta cũng đều có thể giúp chúng ta những lời dạy quý giá. Nói tóm lại, chính niềm tin nơi Tăng bảo đã biến chúng ta thành ra một bậc hiền giả đức hạnh và đồng thời cũng mang lại cho chúng ta một bậc hiền giả đức hạnh. Đó là một hiền giả luôn im lặng nhưng nói rất nhiều và bổn phận của chúng ta là phải biết trân trọng, tri ân bằng tất cả chân thành.

Mong sao các bạn luôn tìm thấy cho mình một người pháp hữu như vậy.

Thân ái.

Tỳ kheo Kittisaro.

---o0o---

Vi tính: Kim Thư. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2011(Xem: 4400)
“ Khi trung hữu của thời điểm chết xuất hiện tôi nguyện buông bỏ những ái luyến và những chấp thủ tâm ý, và nguyện tinh tấn không tán loạn trên đạo lộ mà những chỉ giáo làm sáng tỏ. Tâm đã phóng chiếu vào vô vi hư-không-xứ, đã li biệt cách tuyệt với thân, với thịt và máu, tôi sẽ tuệ tri tâm thì vô thường và như huyễn. ” Liên Hoa Sinh , Tử thư Tây Tạng.
31/05/2011(Xem: 4051)
Phật giáo là một chân lý thực tại[1]; một triết lý vượt ra ngoài mọi triết lý, triết lý của hành động và dấn thân; một tôn giáo vượt ra ngoài mọi tôn giáo, tôn giáo của từ bi và cứu khổ; một luân lý vượt ra ngoài mọi luân lý, luân lý của sự chuyển hoá và thoát ly mọi hệ lụy. Hay nói cách khác, "con đường chánh trí đưa đến an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tịnh lạc giải thoát cho tương lai".
30/05/2011(Xem: 3548)
Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng đến như vậy, Học Hội Tịnh Tông Liên Hoa bố trí một hội trườngtrang nghiêm long trọng. Chúng ta ở nơi đây cùng nhau nghiên cứu, thảo luận một phương pháp tu học trọng yếutrong Phật pháp chính là ba tư lương của tịnh độ. Trước khi chúng ta thảo luận đến vấn đề này, thì trước ti
29/05/2011(Xem: 3982)
Trong bản tâm của mỗi chúng sinh vốn có đầy đủ đức tính trong sạch và sáng suốt nhưng do bụi trần cấu uế che phủ, nên bản tính uyên nguyên sáng suốt ấy chưa có cơ hội hiển bày.
19/05/2011(Xem: 5154)
Trong trí tuệ vô ngã, ta có thể chứng nghiệm “Ta ở ngoài tất cả”. Đó gọi là giải thoát tuyệt đối. Vì ở ngoài tất cả cho nên ta có khả năng thấy được tất cả.
18/05/2011(Xem: 4113)
Suốt thời gian thị hiện Ta-bà, Đức Thích Ca Mâu Ni đã không ngừng giảng dạy cho chúng sanh ở mọi giai cấp, mọi căn cơ từ thấp lên cao...
15/05/2011(Xem: 4709)
Giáo pháp Phật nhắc ta làm chủ mình, điều tâm, lập hạnh bồi đức để hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Đức Phật không bao giờ dùng quyền uy đe dọa hay ép buộc ai phải theo mình.
14/05/2011(Xem: 7981)
Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ. Ngay đối với số đông các Phật tử Việt Nam, Thiền tông cũng là một tông phái được ít người hiểu đến vì tính cách kỳ đặc của pháp tu này, vì vậy nên có những xét đoán, phê bình không đúng. Chúng ta nên tránh việc phê bình, chỉ trích các tông phái khác tông phái mình đang tu, vì tông phái nào cũng đòi hỏi một sự học hỏi sâu xa, nên thường khi chỉ trích các tông phái khác thì chỉ căn cứ theo một số hiểu biết hời hợt về tông phái đó, vì vậy những lời chỉ trích thường không đúng được, và chỉ gây thêm những tranh luận vô ích, mất thì giờ. Chúng ta nên tìm học kỹ để phân biệt rõ ràng và thực hành đúng lời Phật dạy, chứ không phải để tranh luận, chỉ trích.
14/05/2011(Xem: 14587)
Xuất phát từ một nhận thức có tính thuyết phục về đạo Phật, quyển "Thuần Hóa Tâm Hồn" được viết với một văn phong hiện đại, trong sáng và tinh tế; nghiêm trang nhưng vẫn đan xen đôi nét hóm hỉnh.
14/05/2011(Xem: 7257)
Với Ðức Phật, sự phát triển tâm linh cho mỗi cá nhân cũng như những vấn đề chung của cộng đồng xã hội là phải thực hành cho đúng chứ không phải lý thuyết hay quan điểm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]