Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tư tưởng Tịnh Độ trong PG Đại Thừa.

22/04/201311:49(Xem: 5983)
Tư tưởng Tịnh Độ trong PG Đại Thừa.

TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA


Thích Tiến Đạt

Đại thừa Phật giáo đối với việc tự cầu giác ngộ của Tiểu thừa Phật giáo mà nói, thì chẳng những tự độ mà còn chuyên chở hết thảy chúng sinh đến Niết Bàn giác ngạn.

Pháp môn Tịnh độ lấy “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (Tâm này là Phật, tâm này làm Phật) làm nguyên tắc, dùng phương pháp trì danh niệm Phật khắp nguyện cho hết thảy chúng sinh (đới nghiệp vãng sinh) rốt ráo thành Phật.

Giáo nghĩa và Phương pháp của Tịnh độ tông thể hiện những gì tinh tuý nhất, cốt tuỷ nhất của Phật giáo Đại thừa. Vì thế tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa là nhất quán, rộng lớn sâu xa. Bài viết này căn cứ vào những kinh điển Tịnh độ được lưu truyền; 4 hệ thống Đại thừa giáo và các chủng loại Tịnh độ để trình bày thảo luận.

I. Sự truyền bá của kinh điển Tịnh độ

Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt khoảng 500 năm, toàn cõi Ấn Độ chỉ hoằng truyền thịnh hành 5 bộ A Hàm, kinh điển Đại thừa chưa được thịnh truyền.

Vào khoảng 700 năm sau Phật nhập Niết Bàn, Bồ tát Long Thụ xuất hiện ở Nam Thiên Trúc, hàng phục ngoại đạo, xiên dương Đại thừa, khi đó giáo nghĩa, kinh điển Đại thừa được hoằng truyền khắp cõi Ấn Độ.

Trong Phật giáo sử còn ghi lại rằng Bồ tát Long Thụ nhập đại định xuống Long cung tụng kinh Hoa Nghiêm; mở tháp sắt lấy được kinh Đại Nhật và các kinh điển Đại thừa; y cứ vào kinh Bát Nhã viết bộ luận Vô Uý, luận Trung Quán và Thập nhị Môn luận, v.v... Thuyết minh về các pháp vốn là KHÔNG, không có chỗ sở đắc.

Lại nữa trong Đại Trí Độ luận và Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận thuyết minh về giáo nghĩa Tịnh độ. Bồ tát được tám đại tông phái Đại thừa Phật giáo ở Trung Quốc tôn xưng là sơ tổ và đều công nhận Ngài là người tập hợp, hệ thống hoá học lý Đại thừa.

Vào trước thời đại ngài Long Thụ, kinh điển có đầy đủ tư tưởng Tịnh độ đã được lưu hành ở Ấn Độ, đó là kinh Ban Đan Tam Muội. Vào khoảng thế kỷ 11 trước Công nguyên bộ kinh này được truyền bá.

Trong phẩm Thụ Quyết của kinh Ban Đan Tam Muội có huyền ký rằng: “Sau khi ta nhập Niết Bàn thì tam muội này tồn tại 140 năm, sau đó sẽ không xuất hiện. Về sau vào đời loạn, kinh Phật sắp đoạn, các Tỷ kheo không tuân theo lời Phật dạy, các nước tranh giành xâm lấn nhau, khi đó tam muội này lại xuất hiện trong cõi Diêm Phù Đề”.

Một bản dịch khác của kinh này có tên là “Đại Phương Đẳng Đại Tập kinh” có đoạn: “Bạch Thế Tôn, chúng con sau khi Như Lai diệt độ 500 năm, vào cuối thời kỳ ấy, sa môn điên đảo, chính pháp muốn hoại diệt, phi pháp tăng thịnh, chúng sinh hỗn loạn, các nước tranh giành lẫn nhau, kinh tam muội này lại lưu hành ở cõi Diêm Phù Đề”.

Căn cứ vào lời truyện ký đó có thể suy luận ra rằng: “Kinh Ban Đan Tam Muội” được lưu truyền trong khoảng thế kỷ 2 trước Công nguyên.

Vào sơ kì Phật giáo Đại thừa, trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa đều có chuyền tải tư tưởng niệm Phật của Tịnh độ. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi về phương nam tham học với 53 vị Thiện Tri Thức.

Đầu tiên đến chỗ Tỷ kheo Công Đức Vân được nghe nói về niệm Phật tam muội và trong định được thấy Phật. Trong kinh Pháp Hoa cũng từng nói đến sự thật vãng sinh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.

Trong rất nhiều kinh điển Đại thừa có nhiều đoạn xưng tán Phật A Di Đà và chỉ dẫn vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Kinh điển Tịnh độ tông được lưu truyền ở nhân gian và trong các bộ luận do các bậc tổ đức trước tác ở Ấn Độ trước kia cũng thấy có ít nhiều đề cập đến tư tưởng Tịnh Độ.

Bồ tát Long Thụ trước tác Đại Trí Độ luận và Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận v.v... có rất nhiều đoạn khai thị khuyên hành giả niệm Phật vãng sinh.

Trong bức thư của Tôn giả Sa Đà Bà Hán Na gửi quốc vương Đạt Na xứ Nam Ấn Độ thế kỷ 1 TCN có đoạn: “Sinh lão bệnh tử tam độc trừ, Phật quốc thác sinh vì thế phụ, thọ mệnh thờ trường lượng nan tri, đồng bỉ đại giác Di Đà chủ” (Đoạn trừ ba độc sinh già bệnh chết, thác sinh cõi nước Phật thành bậc thế phụ, thọ mệnh dài lâu chẳng thể tính lường, bằng với bậc giáo chủ đại giác A Di Đà).

Được tôn xưng là đệ nhị Thích Ca, Bồ Tát Long Thụ có nhân duyên rất sâu sắc với Tịnh Độ Tông. Đức Thế Tôn trong kinh Nhập Lăng Già đã từng huyền kí: “Về đời sau này có vị Tỷ kheo ở xứ Nam Thiên Trúc gọi là Long Thụ, hay phá Hữu - Vô tông hiển phát giáo pháp Đại thừa của ta, chứng đắc Hoan Hỷ Địa, vãng sinh cõi nước An Lạc”.

Ngược về trước thời đại Long Thụ, trong một số trước thuật ở đời đã có tư tưởng Tịnh độ A Di Đà. Như trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh đại sĩ có viết: “Nên biết Như Lai có phương tiện tối thắng nhiếp hộ chúng sinh tín tâm, nghĩa là dùng nhân duyên chuyên tâm niệm Phật, tuỳ nguyện được sinh vào cõi nước Phật kia, thường được thấy Phật, vĩnh viễn xa lìa ác đạo”.

Như trong đó nói: “Nếu người nào chuyên niệm Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đem những thiện căn công đức tu tập được hồi hướng nguyện cầu sinh về thế giới kia, liền được vãng sinh.”

Bồ tát Mã Minh cũng là nhân vật được Đức Bản sư huyền ký có nhân duyên rất sâu xa với Tịnh độ tông. Trong kinh Đại Bi (Bi Hoa) có đoạn: “Xứ Bắc Thiên Trúc có Tỷ kheo Kỳ Bà Ca (Mã Minh) tu tập vô lượng thứ thứ tối thắng thiện căn Bồ Đề, mệnh chung nguyện sinh về cõi nước Cực Lạc Phương Tây của Phật Vô Lượng Thọ”.

Sau có Bồ tát Thiên Thân, còn được gọi là “Thiên luận chủ”, trước tác bộ “Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá Vãng Sinh Kệ”, gọi tắt là “Vãng Sinh Luận”. Trong đó xưng dương tán thán tín ngưỡng Phật A Di Đà, nguyện hết thảy chúng sinh đều vãng sinh nước Cực Lạc. Ngoài ra, Mật tông sau này cũng chú trọng đến công đức thù thắng của thần chú vãng sinh.

Như trên có thể thấy trong thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa, kinh điển Tịnh độ đã được lưu truyền sâu rộng, người tín thụ phụng hành cũng rất đông đảo.

II. Bốn hệ thống Phật giáo Đại thừa:

Thời kỳ bắt đầu của Phật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bát Nhã. Tư tưởng Bát Nhã lại bắt nguồn từ tư tưởng “nhân duyên sinh pháp” của Đại chúng bộ.

Đại chúng bộ đề xướng tư tưởng “Các pháp thế gian, xuất thế gian đều là giả danh” nhằm phản bác lại quan điểm “Ngã không, pháp hữu” của Thượng toạ bộ nên phát khởi tư tưởng “Tính Không”, khiến cho Phật pháp có sự chuyển biến mạnh mẽ, làm sống lại bản hoài độ sinh của Đức Phật.

Sau khi phá bỏ được chấp pháp, đứng trên tư tưởng Bát Nhã mà xây dựng các hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa, làm xuất hiện rất nhiều kinh điển Đại thừa, đại để có thể phân chia làm bốn hệ thống lớn. Đó là: 1. Hệ thống Bát Nhã; 2. Hệ thống Pháp Hoa; 3. Hệ thống Hoa Nghiêm; 4. Hệ thống Tịnh Độ. Bốn hệ thống này đan xen lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau, cuối cùng lấy hệ thống Tịnh độ làm chỗ quy tụ.

Tư tưởng Bát Nhã là nền tảng căn bản của Phật giáo Đại thừa. Tính “Không” của Bát Nhã chẳng phải là “Đoạn Không” và “Ngoan không” mà là “Duyên sinh tính không”. Chẳng phải phủ định sạch trơn các pháp nên nói “Không”, mà cho rằng các pháp do nhân duyên sinh, tính của nó vốn không có thực thể (thật ngã). Ngay trong tính Không của Bát Nhã đã bao hàm tư tưởng “Diệu Hữu”.

Hệ thống Hoa Nghiêm từ một điểm cơ bản đó phát huy ra; từ lập trường “Tịnh tâm duyên khởi” mà triển khai rộng lớn tư tưởng diệu hữu thành nhất chân pháp giới”. Toàn pháp giới đều là pháp thân Phật Tỳ Lô Giá Na hiển hiện, pháp thân thanh tịnh biến mãn khắp pháp giới. Thập Huyền Môn của Hoa Nghiêm phản ánh sự huyền diệu của thế giới Hoa Tạng.

Hệ thống Pháp Hoa thể hiện bản hoài từ bi hoá độ của Đức Thế Tôn, khiến Tam thừa trở về Nhất Phật thừa. Chẳng hạn những Bồ tát có thể thành Phật mà ngay cả các đệ tử Thanh văn Tỷ kheo, Tỷ kheo uy, cho đến cả súc sinh như Long Nữ đều được thụ ký thành Phật.

Hệ thống Tịnh độ là nhằm chỉ thẳng giải quyết vấn đề sinh tử ngay trong đời hiện tại mà hình thành bản nguyện của chư Phật và các cõi nước Tịnh độ. Đó chính là bản hoài căn bản mà chư Phật xuất thế độ sinh.

Sự kiến lập bốn hệ thống đều nhằm mục đích độ khắp chúng sinh đều thành quả Phật. Do đó hệ thống Bát Nhã, hệ thống Pháp Hoa và hệ thống Hoa Nghiêm đều đặc biệt coi trọng tư tưởng “Niệm Phật tam muội” và cầu sinh Tịnh độ.

Hệ thống Tịnh độ nhờ sự nhất quán của ba hệ thống trên nên phát triển và lưu truyền rộng khắp. Ví như hệ thống Bát Nhã coi trọng sự phát thệ nguyện độ sinh của Bồ tát, một đặc điểm này có sự liên quan mật thiết đến 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà đã phát ra trong khi tu Bồ tát hạnh. Do đó, tư tưởng Bát Nhã đã hỗ trợ cho sự hình thành đại nguyện lợi tha của Bồ tát.

Tóm lại: Tư tưởng “Tha lực bản nguyện” của Tịnh độ tông, tuy đã có manh nha trong kinh Bản Sinh, nhưng lý luận về Bồ tát hạnh.

Với từ bi nguyện lực phải đợi đến khi tư tưởng Bát Nhã, Pháp Hoa hình thành thì mới được sự hỗ trợ đắc lực để kiến lập, lại do tư tưởng Hoa Nghiêm mà tạo nên sự chuyển hướng tích cực đặc biệt (mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền đều quy hướng về thế giới Cực Lạc). Do đó tạo thành tư tưởng “nương vào Phật lực, niệm Phật cầu sinh Tịnh độ”.

III. Các chủng loại Tịnh độ và sự lựa chọn

Tư tưởng Tịnh độ được lưu hành vào thời đại Bồ tát Long Thụ, đại để có thể chia làm ba loại: 1. Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc; 2. Tịnh độ Đông phương Diệu Hỷ của Phật A Súc; 3. Tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà.

1. Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc:

Bồ tát Di Lặc là Bồ tát nhất sinh bổ xứ của thế giới Sa bà. Hiện tại Ngài ở Nội Viện Đâu Suất, tương lai sẽ thị hiện ở thế gian này thành Phật hoá độ chúng sinh.

Trong các kinh “Di Lặc Thành Phật”, “Di Lặc Hạ Sinh” v.v... thuyết minh về việc Bồ tát Di Lặc hạ sinh xuống thế gian này, tu hành thành Phật. Trong thời gian dài khi chưa thành Phật, Ngài ở Nội Viện Đâu Suất giáo hoá chúng sinh. Đó chính là tịnh hoá cõi nước trời.

Trong kinh “Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ tát Thượng Sinh Đâu Suất Thiên” giới thiệu Tịnh độ Đâu Suất trang nghiêm thanh tịnh và khuyên mọi người vãng sinh Tịnh độ Đâu Suất, lấy việc xưng danh hiệu Bồ tát là một trong những điều kiện để vãng sinh.

Mục đích cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất là để thân cận Bồ tát Di Lặc, tương lai sẽ theo Ngài xuống thế gian này, trợ giúp Ngài hoá độ chúng sinh nơi hội Long Hoa nhằm xây dựng cõi Tịnh độ ngay tại thế gian này.

Vãng sinh Tịnh độ Đâu Suất là tư tưởng có trong Phật giáo nguyên thuỷ. Đây cũng chính là nền tảng của tư tưởng vãng sinh Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa.

2. Tịnh độ Đông phương Diệu Hỷ của Phật A Súc:

Tịnh độ của Phật A Súc là hình thức Tịnh độ của chư Phật, xuất hiện vào thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa. Các kinh điển nói đến vãng sinh cõi nước của Phật A Súc có: "A Súc Phật Quốc Kinh” - Chi Lâu Ca Sấm dịch; phẩm bất "Động Như Lai Hội” trong “Đại Bảo Tích Kinh” - Bồ Đề Lưu Chi dịch.

Trong các kinh đó đều thuyết minh về Phật A Súc, khi ở nhân địa tu Bồ tát hạnh làm một vị Tỷ kheo, đối trước Đức Phật Đại Nhật phát 39 đại nguyện, rồi chứa công góp đức, hoàn mãn đại nguyện đó mà thành Phật, xây dựng nên cõi Tịnh độ Diệu Hỷ ở phương đông.

Cõi nước đó thanh tịnh trang nghiêm, công đức vô lượng. Điều kiện để vãng sinh cõi nước Diệu Hỷ là tu Lục độ vạn hạnh của Bồ tát và quán chiếu Bát Nhã tính Không, kết hợp với xưng niệm thánh hiệu của chư Phật.

Thực chất Tịnh độ của Phật A Súc có quan hệ mật thiết với kinh Bát Nhã, kinh Duy Ma Cắt v.v... Kinh Bát Nhã xuất hiện ở đông Ấn Độ, trong kinh bàn đến Bồ tát Thường Đề hướng về phương đông cầu học diệu pháp Bát Nhã Ba La Mật (cõi Diệu Hỷ của Phật A Súc ở phương đông).

Kinh Bát Nhã coi trọng đại trí của Bồ tát, bàn đến tha phương Tịnh độ, tức lấy đông phương Tịnh độ làm đạt biểu. Trong phẩm "A Súc Phật Quốc” của kinh Duy Ma có chép: "Có nước tên Diệu Hỷ, Đức Phật hiệu là Vô Động (A Súc). Đó là nơi mà Duy Ma Cật ở đó sinh xuống cõi này”.

Lại nói: “Bấy giờ Đức Phật Thích Ca bảo đại chúng rằng: Các ngươi nên quan sát thế giới Diệu Hỷ và Bất Động Như Lai. Cõi nước đó trang nghiêm. Bồ tát thanh tịnh, đệ tử thanh bạch v.v… Nếu Bồ tát muốn được cõi nước Phật thanh tịnh như thế thì nên học cách hành đạo tu tập của Đức Bất Động Như Lai (A Súc)”.

Điều đó chứng tỏ kinh Bát Nhã và kinh Duy Ma Cật có quan hệ mật thiết với Tịnh độ của Phật A Súc. Đức Thế Tôn phổ khuyến đại chúng vãng sinh cõi nước Diệu Hỷ kia và thuyết minh sự thanh tịnh trang nghiêm thù thắng của cõi Tịnh độ A Súc.

3. Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà:

Tư tưởng Tịnh độ A Di Đà trong thời kỳ Phật giáo nguyên thuỷ đã có manh nha nhưng phải đợi đến thời đại Bồ tát Long Thụ mới được truyền bá rộng ở ấn Độ và Tây Vực. Kinh điển chuyên bàn về Tịnh độ của Phật A Di Đà có ba loạt: 1 Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh; 2. Quán Vô Lượng Thọ Kinh; 3. Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

Ngoài ra, những kinh điển có liên quan đến Tịnh độ Di Đà có đến hàng trăm bộ khác nhau. Đức Phật A Di Đà vì muốn độ thoát cho hết thảy chúng sinh khổ nạn, xứng tính phát khởi 48 đại nguyện, kiến lập thế giới Cực Lạc phương tây hết sức trang nghiêm, vi diệu thù thắng suốt đến tận vị lai tế rộng làm Phật sự hoá độ chúng sinh vãng sinh Cực Lạc.

Như trên đã nêu sơ lược ba loại Tịnh độ đều có những đặc sắc nhất định. Trong quá trình hình thành và phát triển, tư tưởng Tịnh độ A Di Đà được tiếp thu và phát triển rực rỡ, còn Tịnh độ A Súc và Tịnh độ Di Lặc dần dần mai một. Nguyên nhân trong đó là vấn đề lý luận của Tịnh độ tông thích ứng với căn cơ thời đại nên được nhiều người thâm nhập, nghiên cứu và tu tập. Ở đây tạm nêu ra hai vấn đề để xem xét:

- Một là: Từ mức độ thanh tịnh trang nghiêm của Tịnh độ mà xét, ta thấy Tịnh độ A Súc và Tịnh độ Di Lặc, tuy cũng đầy đủ y báo, chính báo trang nghiêm do đại nguyện, đại hạnh của Phật, Bồ tát mà tạo thành, song nó vẫn thấy còn có dấu vết của nhân gian thế tục không hoàn toàn siêu việt thù thắng.

Ví dụ như ở hai cõi Tịnh độ đó vẫn có nam nữ tạp cư, phiền não không dễ gì đoạn sạch vi tế vô minh vẫn thường hiện hành. Tây phương Cực Lạc thế giới chủng chủng tiếng nghiêm, đó là rốt ráo vi diệu. Cõi nước đó chúng sinh đều đầy đủ tướng trượng phu như Phật A Di Đà không khác, không có tướng nam nữ.

Do nguyện lực của Phật gia trì, cảnh giới và nhân duyên thanh tịnh nên tuy phiền não chưa đoạn sạch nhưng không thể phát khởi ra hiện hành. Ở cõi nước đó tu hành sẽ dần dần phục đoạn phiền não, không phải trải qua đời kiếp khác mà vẫn thành tựu quả vi Phật.

Mặt khác, do nguyện lực của Phật Di Đà gia bị, hành giả vãng sinh cũng có “vô lượng thọ, vô lượng quang” như Phật không khác, đầy đủ thần thông trí tuệ, dẫu còn là phàm phu nhưng vẫn có thể thụ dụng tự tại như Phật.

Đối với những điều này thì ở Tịnh độ Di Lặc và Tịnh độ A Súc không có được. Và ngay cả cõi nước của mười phương chư Phật cũng không thể có được. Đây chính là một đặc điểm quan trọng của cõi Cực Lạc Phương Tây.

- Hai là: Từ điều kiện vãng sinh Tịnh độ để xem xét, ta thấy điều kiện vãng sinh Tịnh độ Di Lặc và Tịnh độ A Súc là rất cao. Thành tựu “Duy thức tâm định” mới có thể sinh đến Tịnh độ Di Lặc; tu tập Bát Nhã không quán và lục độ ba la mật mới đủ tư cách sinh đến Tịnh độ A Súc.

Điều đó chủ yếu dựa vào tự lực, tích luỹ tư lương mà không có phương tiện Phật lực tiếp dẫn. Do đó, chỉ có bậc thượng căn lợi trí siêng năng tinh tiến tu hành mới có hy vọng vãng sinh. Đối với đại đa số chúng sinh phàm phu trung hạ căn thì chẳng khác gì người yếu đứng ngước nhìn núi cao, chỉ là không tưởng mà thôi.

Còn điều kiện để vãng sinh cõi Tịnh độ Cực Lạc của Đức A Di Đà thì hết sức giản dị và thích hợp Do Đức Phật A Di Đà có “Thập niệm tất sinh nguyện” và “Lâm chung tiếp dẫn nguyện” gia bị nên hành giả chỉ cần có Tín - Nguyện - Trì danh là có thể đổi nghiệp vãng sinh.

Khi lâm chung được Phật Di Đà hiện ngay trước mặt tiếp dẫn, khiến hành giả thong thả nhẹ nhàng vãng sinh nước Phật. Đức Phật A Di Đà có công đức chẳng thể nghĩ bàn như thế, cho nên được mười phương chư Phật, khác miệng đồng lời cùng xưng dương tán thán, khuyên chúng sinh phát khởi tín tâm cầu sinh Cực Lạc. Bởi vậy “ngàn kinh vạn luận cùng chỉ lối về Cực Lạc, cổ Thánh tiên Hiền thảy đều xu hướng pháp môn Tịnh độ”.

Tịnh độ Tây phương được hình thành ở Ấn Độ đầu tiên rồi được truyền bá vào Trung Quốc, Việt Nam và phát triển một cách rực rỡ, sáng lan cho mãi tới ngày nay.

Có thể nói: tín ngưỡng Tịnh độ Di Đà đã thừa kế được tư tưởng Phật giáo Đại thừa của Ấn Độ, kết tinh được tinh thần Bi - Trí độ sinh của hai Đức Thế Tôn là Thích Ca và Di Đà, cho đến mười phương chư Phật.

---o0o---

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2012(Xem: 4990)
Chính là con người có một cảm nhận đáng giá về cái "tôi" và đồng hành một cách tự nhiên từ cảm nhận ấy mà chúng ta muốn theo đuổi hạnh phúc và lẫn tránh khổ đau. Đây là quyền lợi bẩm sinh của chúng ta, và điều không cần phải bàn cải gì hơn nữa. Những chúng sinh khác cũng mong ước được tự do khỏi khổ đau, vì thế nếu chúng ta có quyền vượt thắng khổ đau, thế thì những chúng sinh khác tự nhiên cũng có cùng quyền con người như vậy. Vậy thì điều gì là sự khác biệt giữa tự thân và người khác? Có một sự khác biệt lớn lao con số, nếu không phải là bản chất. Những người khác là con số nhiều hơn ta vô cùng. Ta chỉ là một, và con số của những chúng sinh khác là vô hạn.
03/04/2012(Xem: 3936)
Lúc bình thường tại sao cần phải niệm Phật? Vì bình thường niệm Phật là để chuẩn bị cho khi lâm chung. Tại sao không đợi đến lâm chung mới niệm Phật? Vì hằng ngày niệm Phật chính là để huân tập hạt giống Phật vào trong tâm của bạn. Nếu bạn niệm mãi thì trải qua thời gian, hạt giống đó lớn dần lên trong mảnh đất tâm của bạn và đưa bạn đến kết quả giải thoát giác ngộ. Nếu bình thường bạn không niệm Phật thì bạn không biết gieo hạt giống Phật vào mảnh đất tâm của mình. Khi lâm chung, thần trí rối loạn thì làm sao nghĩ đến Phật mà niệm được chứ. Tại sao vậy? Vì hiện tại không thường xuyên niệm Phật. Do đó, hằng ngày cần phải niệm Phật, lạy Phật, tu pháp môn Tịnh độ. Được như thế thì hiện tại được bình an, khi lâm chung không bị hôn mê tán loạn lại được tự tại vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
03/04/2012(Xem: 4287)
Muốn cảm ứng đạo giao với Phật A Di Đà để vãng sanh về xứ Cực lạc cần phải tu cho đúng, nghĩa là niệm Phật phải đạt nhất niệm, muốn được vậy phải có 3 điều kiện: *TÍN # ĐỊNH # THỂ (thuộc tâm) *HẠNH # GIỚI # TƯỚNG (thuộc thân) * NGUYỆN # TUỆ # DỤNG (diệu dụng của tâm)
03/04/2012(Xem: 6493)
Xác thân chết nhưng linh hồn còn chuyển biến liên tục mãi mãi. Lúc hấp hối hiện ra những việc thiện, ác hay vô ký (không thiện không ác) đã làm trong cuộc sống. Nếu tắt thở hiện ra việc thiện thì tái sanh về cõi thiện (người, trời) ; hiện ra việc ác thì tái sanh về cõi ác (địa ngục, ngạ quỷ, atula). Tốt nhất, chúng ta niệm Phật niệm Phật được nhất niệm và phát nguyện vãng sanh sẽ được Phật tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc, vĩnh viễn thoát luân hồi sinh tử khổ. Phương cách niệm lục tự A Di Đà được nhất niệm thông qua 6 căn :
26/03/2012(Xem: 5868)
Để phát sinh lòng từ ái chân thật, chúng ta cần biết nó khác biệt với luyến ái như thế nào. Lòng yêu thương và trắc ẩn thông thường quyện kết với luyến ái, bởi vì động cơ của chúng là vị kỷ: chúng ta quan tâm đến những người nào đấy bởi vì họ tạm thời giúp đở chúng ta và người thân của chúng ta.
21/03/2012(Xem: 3738)
Về nhà chỉ có một lối, nhưng phương tiện thì có nhiều ngả. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, nhưng chuyên tu một pháp môn nào cũng đều được liễu ngộ cả. Tập “Pháp môn niệm Phật” này, chuyên nói về sự niệm Phật. Hành giả nào muốn mau thành Phật không gì qua niệm Phật. Nên biết sáu chữ Hồng danh chẳng luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, kẻ mua gánh bán bưng, kẻ đi bộ, người chèo thuyền, đều niệm Phật được. Nhưng phải phát nguyện sau khi lâm chung thần thức được vãng sanh về Cực lạc, liên hoa hóa sanh. Lại nữa, ai là người muốn giải thoát sanh tử luân hồi, muốn viên mãn phước huệ, những ai phát Bồ-đề tâm cầu thành Phật, nguyện độ chúng sanh, đều phải chuyên tu niệm Phật.
19/03/2012(Xem: 9832)
Một thái độ từ ái vị tha chỉ có một khuôn mặt, ân cần tử tế đến tất cả. Tuy nhiên, sự vị tha này giúp ích người khác và chính mình, cả hiện tại bây giờ và trong tương lai dài lâu. Như một vi lạt ma Tây Tạng Kunu Tenzin Gyelsten đã nói, "nếu con muốn là một người thân hữu của tất cả, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn là một người hướng dẫn tâm linh cho tất cả mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn giúp ích mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn."
04/03/2012(Xem: 7611)
Khi chúng ta đã quán chiếu thông khắp những bước trước, nhận ra tất cả chúng sinh như những thân hữu hay người nuôi dưỡng qua sự tương tục của những kiếp sống và đánh giá đúng những sự ân cần có chủ tâm và vô tư, chúng ta sẽ thật sự thấy rằng chúng ta phải đáp lại sự ân cần tử tế của họ. Nhưng chúng ta hổ trợ họ như thế nào? Bất kể loại phồn vinh nào chúng ta có thể đem lại cho họ trong vòng xoay sinh, già, bệnh, và chết, nó sẽ chỉ là tạm thời và nông cạn.
20/02/2012(Xem: 6240)
Phật A Di Đà chính là vị Phật biểu trưng cho một Phật thể có thọ mạng vô lượng, trí tuệ vô cùng, công đức vô biên (Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức).
18/02/2012(Xem: 5173)
Sanh tử là vấn đề ai cũng phải trải qua nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ bản chất của nó. Đứng trên quan điểm nhị nguyên, sanh tử được cho là hai thái cực trái ngược nhau và do đó nhân loại luôn tìm cách kéo dài sự sống mà lý tưởng của nó là trường sanh bất tử. Dù có nỗ lực vượt bậc, con người cũng không thể đạt được mục tiêu ấy vì lý do đơn giản, đó là quy luật của tạo hóa. Trong khi chấp nhận sự thật sanh tử, con người lại tiếp tục tìm cách lý giải hiện tượng sau khi chết với hai thái cực trái ngược nhau là không còn gì tồn tại sau khi chết (đoạn kiến) và vẫn còn sự tồn tại sau khi chết. Ở thái độ thứ hai, lại có nhiều quan điểm khác nhau. Có thuyết cho rằng linh hồn (tâm) tồn tại bất biến hay bất diệt[1](thường kiến), có thuyết cho rằng sau khi chết linh hồn tội lỗi phải chờ đợi đến ngày phán quyết cuối cùng để hoặc lên thiêng đàng hay đọa địa ngục do Chúa quyết định (Cơ đốc giáo, Hồi giáo…).[2]Phật giáo cũng khẳng định sau khi chết con người không mất hẳn mà tiếp tục luân
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]