Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Đức Phật gặp phái Ly-xa

17/05/201313:11(Xem: 9181)
IV. Đức Phật gặp phái Ly-xa

Kinh Đại Bát Niết Bàn [1]

IV. Đức Phật gặp phái Ly-xa

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Đông Tấn, Sa Môn Thích Pháp Hiển

Sáng mai đức Thế-Tôn mặc áo, mang bát, cùng ông A-Nan vào thành khất-thực. Khất-thực rồi, Ngài lại trở về Trùng-Các giảng-đường. Ăn cơm xong, Ngài súc miệng, rửa thực-dụng, rồi Ngài cùng các vị Tỳ-Khưu đến thôn Càn-đồ.
Đường đến thôn này phải qua thành Tỳ-Da-Ly. Khi qua thành này Ngài ngoảnh lại, trông hướng lên thành, cười. Ông A-Nan thấy thế, liền cúi đầu đỉnh lễ xuống chân Phật, hỏi đức Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Đấng Vô-Thượng Đại-Tôn cười chắc có nhân-duyên, vậy kính xin đức Thế-Tôn chỉ-giáo cho con được biết!”
Đức Phật đáp: “Ông A-Nan! Sở dĩ Tôi hướng lên thành cười, chính vì nay là lần cuối cùng, Tôi trông thấy thành này vậy!”
Đương lúc Như-Lai thốt lời nói ấy, trong hư-không, không có mây, tự-nhiên mưa. Ông A-Nan thấy thế, lại bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Rất lạ-lùng, hư-không trong-sạch, không có chút khí thấp che phủ nào, bỗng nhiên mưa xuống trận mưa nhiều hạt như thế?”
Đức Phật bảo ông A-Nan: “Ông A-Nan! Ông có biết việc ấy sao không, đấy là chư Thiên trên hư-không, nghe thấy Tôi nói nay là lần cuối cùng Tôi trông thấy thành Tỳ-Da-Ly này, tâm chư Thiên áo-não quá, thương-cảm khóc-lóc. Đấy là nước mắt của chư Thiên, không phải là nước mưa đâu!”
Ông A-Nan cùng các vị Tỳ-Khưu, nghe đức Phật nói lời ấy rồi, tâm lại buồn-rầu, buồn-bã ngất xuống đất, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Ngày nay Thiên, Nhân đau-khổ quá chừng, Thế-Tôn làm sao muốn ủy-xả cả, mà nhập Niết-Bàn được!”
Đức Như-Lai liền dùng phạm-âm an-ủi các vị: “Các vị! Các vị không nên sinh tâm lo-buồn, sầu-khổ nữa!.
Các vị Tỳ-Khưu bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay lần cuối cùng đức Thế-Tôn trông thành Tỳ-Da-Ly này, không bao lâu nữa, đức Thế-tôn sẽ nhập Niết-Bàn, chúng con làm sao không lo-buồn, đau-khổ được!”
Dần-dà như thế, người người bảo nhau, tiếng lan đến cả những người dòng Ly-Xa (Licchavi)[18]. Dòng Ly-xa này, nghe thấy lời nói ấy rồi, mang lòng buồn-rầu, khắp mình ửng huyết, khoa tay, bứt đầu, đấm ngực, kêu to: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian sắp mất rồi; chúng-sinh ngày nay không còn nơi quy-y nữa!”
Rồi, họ lại bảo lẫn nhau: “Nay chúng ta nên đến nơi Phật, khuyến-thỉnh Ngài ở lại thành Tỳ-Da-Ly và ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên, nhân-dân thế-gian”. Nói rồi, họ liền chỉnh-nghiêm xe-cộ, đến ngay nơi Phật.
Ra ngoài cửa thành, họ trông thấy đức Như-Lai ở đằng xa, lại thấy ông A-Nan, cùng các vị Tỳ-Khưu, khóc-lóc thướt-mướt, buồn-bã, áo-não, các người dòng Ly-xa lại càng cảm-động, thương-xót. Họ liền đến nơi Phật ở, đầu mặt lễ xuống chân Phật bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn, sắp nhập Niết-Bàn, hết thảy chúng-sinh sẽ mất con mắt trí-tuệ; chúng-sinh đương ở trong nơi đen-tối, làm sao thấy được những chỗ nên làm. Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp hãy nhập Niết-Bàn!”
Họ thỉnh đức Thế-Tôn đến ba lần như thế, đức Phật đáp: “Hết thảy pháp hữu-vi[19] đều thuộc về vô-thường; dù Tôi có ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, rồi cũng quay về vô-thường!”
Khi ấy đức Như-Lai liền nói bài kệ:
Núi Tu-Di cao lớn,
Sau cũng phải tiêu-mòn.
Biển cả tuy rộng, sâu,
Rồi cũng phải khô cạn.
Nhật, nguyệt dù trong sáng,
Mấy nỗi lặn phương Tây.
Cõi đất tuy kiên-cố,
Mang-gánh hết thảy vật;
Kiếp tận lửa nghiệp cháy,
Cũng lại về vô-thường.
Sự ân-ái hội-hợp,
Tất về nơi biệt-ly.
Như-Lai đời quá-khứ,
Thân kim-cương bất-hoại;
Cũng bị vô-thường chuyển,
Nay Ta há khác sao?
Chư Phật pháp như thế,
Các vị không nên thỉnh;
Đừng riêng đối với Tôi,
Mà sinh ra lo, buồn!
Khi đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài bảo các người dòng Ly-xa rằng: “Các vị nên lắng lại cái tình khóc-lóc, nghe kỹ lời Như-Lai nói buổi sau cùng!”
Những người dòng Ly-xa kia bạch rằng: “Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn nói cho, chúng con mong muốn được nghe”.
Bấy giờ đức Như-Lai trải tọa-cụ, ngồi kết gia-phu, các vị Tỳ-Khưu, cùng những người dòng Ly-xa kia, tự gượng nén nhịn, ngồi về một bên. Đức Thế-Tôn bảo những người dòng Ly-xa kia rằng: “Các vị nên biết có bảy phương-pháp, ngày càng tiến thêm: Một là, vui-vẻ hòa-đồng, không trái ngược nhau. Hai là, cùng giác-ngộ nhau và giảng bàn nghiệp thiện. Ba là, giữ-gìn giới cấm cùng giữ lễ-nghi. Bốn là, cung kính cha mẹ và các bậc tôn-trưởng khác. Năm là, thân-thích hòa-mục, thừa-thuận lẫn nhau. Sáu là, tháp miếu trong nước, sửa-sang cúng-dàng. Bảy là, vâng giữ Phật-pháp, thân kính Tỳ-Khưu và Tỳ-Khưu-ni; yêu mến giúp đỡ các Ưu-bà-tắc cùng Ưu-bà-di. Nếu ai chịu làm bảy pháp như thế, uy-đức người ấy, ngày càng tiến thêm, đất nước hưng-thịnh, nhân-dân vui-vẻ. Từ nay cho đến lúc hết đời, các vị nên vâng giữ bảy pháp ấy, không nên biếng nhác!”
Những người dòng Ly-xa kia bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Trong bảy pháp ấy, nếu chúng con chỉ tu-hành được một pháp, còn làm cho uy-đức chúng con tiến thêm, huống là chúng con tu-hành trọn-vẹn được cả bảy pháp! Quý hóa thay, lạy đức Thế-Tôn! Nay chúng con được phúc-lợi này, trọn đời chúng con xin vâng giữ, không dám nhãng quên!”
Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: “Từ nay trở đi, các vị cũng nên tu-tập bảy pháp sau đây: Một là, vui-vẻ hòa-hài, như nước với sữa. Hai là, thường cùng tập-họp giảng bàn kinh pháp. Ba là, giữ-gìn giới cấm, không sinh tư-tưởng vi-phạm. Bốn là, cung-kính thầy cùng các bậc Thượng-tọa. Năm là, lo-liệu xếp-đặt và kính-mến các vị Tỳ-Khưu tĩnh-tu nơi A-lan-nhã. Sáu là, khuyến-hóa đàn-việt, sửa-sang Tam-Bảo cùng những nơi an-nghỉ trong trụ-xứ. Bảy là siêng-chăm tinh-tiến giữ-gìn Phật-pháp. Các vị nên biết, nếu Tỳ-Khưu nào, làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tiến thêm!”
“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên tu: Một là, không nên như hàng tại-gia kinh-doanh sinh-nghiệp. Hai là, không bàn nhảm, nói đùa. Ba là, không ham ngủ-nghỉ, bỏ sự tinh-cần. Bốn là, không bàn những việc thế-gian vô-ích. Năm là, tránh xa bạn ác, thân-gần bạn lành. Sáu là, thường nghĩ chính-niệm, không sinh tà-tưởng. Bảy là, nếu trong Phật-pháp, có chỗ chứng được, lại cầu tiến hơn. Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức trí-tuệ ngày ngày tăng-trưởng”.
“Các vị Tỳ-Khưu! Có bảy pháp nữa các vị nên làm: Một là, đối với Phật, Pháp, Tăng, sinh lòng tin kiên-cố. Hai là, biết thẹn. Ba là, biết hổ. Bốn là, tâm thường ham nghe nhiều. Năm là, tâm không xốc-nổi. Sáu là, ham nghe nghĩa kinh. Bảy là, ham tu trí-tuệ. Nếu các vị tu được bảy pháp ấy, công-đức trí-tuệ ngày ngày tăng-trưởng”.
“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp “giác-ý”[20], các vị nên làm: Một là, trạch-pháp (chọn pháp). Hai là, tinh-tiến. Ba là, hỷ (vui vẻ). Bốn là, khinh-an (an-vui nhẹ-nhàng). Năm là, niệm (nhớ nghĩ). Sáu là, định (thiền-định). Bảy là, xả (rũ bỏ). Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.
“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp: Một là, quán vô-thường. Hai là, quán vô-ngã. Ba là, quán bất-tịnh. Bốn là, quán khổ. Năm là, không ham thế-gian. Sáu là, không mê ngũ-dục[21]. Bảy là, siêng tu đạo tịch-diệt (Niết-Bàn). Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.
“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên làm: Một là, thân thường làm lành (từ). Hai là, miệng thường làm lành. Ba là, ý thường làm lành. Bốn là, nếu có đàn-việt, bố-thí mọi vật, phân-phát bình-đẳng, không nên thiên-vị. Năm là, pháp mầu sâu-xa, ham nói không chán. Sáu là, không đem sách vở thế-gian dạy người. Bảy là, thấy người không đồng học, không sinh tâm ghen-ghét. Nếu các vị tu được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng”.
“Các vị Tỳ-Khưu! Lại có bảy pháp, các vị nên làm: Một là, phân-biệt rành-rẽ chín bộ pháp[22]. Hai là, giải rõ nghĩa ấy. Ba là, hành-đạo, tụng-tập, đều phải hợp thời. Bốn là, đi, đứng, ngồi, nằm đúng trong nghi-tắc. Năm là, thuyết-pháp cho người phải lượng sức mình. Sáu là, nếu Bà-la-môn, Sát-lỵ, Trưởng-giả, Cư-sĩ, muốn lại nghe pháp, nên so lường khéo, nói theo căn-cơ. Bảy là, chia rành ngu, trí. Nếu các vị làm được bảy pháp ấy, công-đức, trí-tuệ, ngày ngày tăng-trưởng, thời có thể gìn-giữ được chính-pháp của Tôi!”
Bấy giờ, vợ những người dòng Ly-xa nghe thấy đức Phật không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn và đây là lần cuối cùng Ngài nhìn thành Tỳ-da-ly, tâm họ rất áo-não, thương khóc thướt-mướt, cùng với năm trăm quyến-thuộc, sắm-sửa năm trăm cỗ xe, chở các đồ cúng-dàng. Tất cả mọi xe đều trần-thiết trang-nghiêm: cỗ xe do trâu trắng kéo, thời treo những phan-cái trắng-tinh; cho đến những cỗ xe sắc tím, đen, sắc vàng…, đều theo sắc trâu mà trần-thiết. Các xe trang-nghiêm rồi, họ lần-lượt ra ngoài thành, đi đến chốn Phật.
Khi ấy, đức Thế-Tôn xa xa trông thấy những người kia đương đi lại, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: Các vị có trông thấy những người vợ của dòng Ly-xa, trước sau rầm-rập, rất là trang-nghiêm, mỹ-lệ đi lại đây không?
Các vị Tỳ-Khưu đáp: “Dạ, chúng con có trông thấy”.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-Khưu: “Đấy là những người dòng Ly-xa, trưởng-giả cùng vợ của họ thuộc thành Tỳ-Da-Ly này, dung-nghi xuất nhập của họ, rất là bóng-loáng, như chư thiên trên cung trời Đao-lỵ không khác!”
Lúc những người vợ của dòng Ly-xa kia đến nơi Phật rồi, đầu mặt lễ xuống chân Phật, thương khóc thướt-mướt, không tự hãm được; họ đem các đồ cúng-dàng lên Phật và bạch rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ, giáo-hóa chúng-sinh. Nếu nay đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, chúng con là kẻ mù tối, mãi mãi không thể khai-ngộ được. Vả lại, chúng con phúc ít, thụ sinh thân nữ-nhân, thường có những sự ngăn-ngại, không được tự-tại, không có duyên luôn luôn được thân-cận đức Thế-Tôn, đức Thế-Ton lại sắp nhập Niết-Bàn, thiện-căn chúng con ngày càng sút-kém!”
Khi ấy, đức Như-Lai liền đáp rằng: “Từ nay trở đi cho đến hết cõi thọ, các bà nên giữ giới tinh-cần, như người giữ con mắt; ý-niệm ngay-thẳng, đừng sinh tâm xiểm-nịnh, ghen-ghét, như thế tức là thường được thấy Tôi vậy!” Những người vợ của dòng Ly-xa kia, nghe đức Phật nói lời ấy rồi, càng thêm thương-xót, buồn-bã, không tự hãm được, liền ngồi lùi về một bên.
Bấy giờ, nàng Am-bà-la (Àmrà) dung-nhan đoan-chính, đệ nhất thế-giới, nghe đức Phật không bao lâu nữa, sẽ nhập Niết-Bàn, nay là lần cuối cùng, Ngài nhìn thành Tỳ-Da-Ly, nàng mang lòng thương-xót, áo-não, khóc-lóc thướt-mướt, liền cùng năm trăm quyến-thuộc của nàng, trang-nghiêm năm trăm cỗ xe, lần-lượt ra ngoài thành, đi đến nơi Phật.
Lúc đó, đức Thế-Tôn xa xa trông thấy họ đi lại, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: “Các vị! Nay nàng Am-bà-la lại nơi Ta, hình-dáng nàng ấy, đẹp lạ tuyệt-vời, cả thế-gian này, không ai sánh kịp. Các vị đều nên đoan-tâm, chính-niệm, đừng sinh ý-tưởng say-mê. Là vị Tỳ-Khưu nên quán thân này, có những thứ bất-tịnh: gan, mật, dạ-dầy, ruột, tim, phổi, thận, lá-lách, phân, giải, máu, mủ… đầy-dẫy trong ấy những thứ bất-tịnh, lại có đến tám vạn con trùng ở ngay trong ấy và lông, tóc, móng, răng, da mỏng bọc thịt, chín lỗ thường chảy[23]…, không một cái gì có thể vui-thích được. Lại, căn-bản đầu tiên sinh ra thân này, do nơi bất-tịnh và chỗ có thể vãng-lai của thân này, đều làm cho bất-tịnh tuôn chảy. Tuy trang-sức bằng những tơ-lụa sặc-sỡ, xông những hương thơm, nhưng, cũng ví như trong bình báu đựng đồ xú-uế. Và, thân khi chết, chương-phềnh, rữa-nát, đốt đốt rời-rã, trong thân có trùng, lại rỉa thịt ăn; còn bị hùm beo, chim cú, chim cắt… mổ-rỉa. Người đời ngu si, không biết quán-sát chân-chính, mê-đắm ân-ái, giữ cho đến chết, và ở trong ấy, vọng-sinh tham-dục. Người nào có trí, lại ưa muốn thế?”
Đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:
Tuy đeo đồ anh-lạc[24],
Hương, hoa tự sửa-sang;
Phân, giải cùng mũi, dãi,
Bất-tịnh đựng đầy trong.
Chúng-sinh mến-tiếc, giữ,
Mê-lầm không giác-ngộ;
Cũng như tro phủ lửa,
Người ngu xéo lên trên.
Trí-giả nên xa tránh,
Đừng sinh tâm nhiễm-trước.
Khi ấy nàng Am-bà-la đến trước đức Phật, đầu mặt lễ xuống chân Phật, đem các đồ cúng-dàng, cúng-dàng lên Phật, nuốt lệ nghẹn-ngào, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn ở lại cõi thọ, lưu lại thế-gian, không nhập Niết-Bàn, đem lại lợi-ích cho chư Thiên, nhân-dân thế-gian. Nếu đức Thế-Tôn định nhập Niết-Bàn, hết thảy chúng-sinh, không còn ai dắt-dẫn, như đứa trẻ mất mẹ hiền!”
Lúc đó, đức Thế-Tôn bảo nàng Am-bà-la: “Tính, tướng của hết thảy hành-tướng sự-vật như thế, nay nàng không nên sinh tâm bi-não!”
Đức Thế-Tôn liền thuyết-pháp cho tất cả mọi người lại nơi Phật nghe: “Này các vị! Các vị từ nay trở đi nên giữ-gìn giới cấm, không nên thiếu-sót, vi-phạm. Những người phá-giới, Thiên, long, quỉ-thần đều chán-ghét, tiếng xấu đồn khắp, người không muốn thấy; nếu ở trong chúng, không có uy-đức, các thiện-quỉ-thần lại không thủ-hộ; khi mệnh sắp mất, tâm-thức sợ-hãi và dù có chút thiện-nghiệp, đều không nhớ nghĩ, chết liền theo nghiệp, chịu sự đau-khổ trong địa-ngục, trải nhiều kiếp số, sau mới được ra lại chịu làm thân ngã-quỉ, súc-sinh. Cứ luân-chuyển, thế, không biết kỳ nào sẽ được giải-thoát. Trái lại, Tỳ-Khưu giữ giới, Thiên, long, quỉ-thần, đều cùng cung-kính, tiếng tốt đồn kkhắp, cả thế-gian hay; ở trong đại-chúng, uy-đức rỡ-thịnh, các thiện-quỉ-thần, thường theo thủ-hộ, khi mệnh sắp mất, chính-niệm phân-minh, chết sinh ngay vào những nơi thanh-tịnh”.
Giữa lúc Như-Lai nói pháp ấy, sáu vạn tám nghìn ức Thiên, Nhân tám bộ xa-lìa trần-cấu[25] được pháp-nhãn-tịnh[26]; sáu mươi vị Tỳ-Khưu, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải[27], thành bậc A-la-hán[28].
Bấy giờ đức Thế-Tôn bảo những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la rằng: “Ta nay muốn đi đến thôn Càn-đồ, các vị đều nên trở về nơi ở của mình và các vị nên biết: tất cả các hành-tướng (sự-vật) đều là vô-thường, các vị chỉ nên tu-hành theo những pháp Tôi đã nói, các vị đừng nên làm như đứa trẻ khóc-lóc, thương-xót áo-não!”
Nói rồi đức Thế-Tôn liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy. Những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la, nghe đức Phật nói lời ấy, đấm ngực, bứt đầu, kêu gào, khóc-lóc, noi đường theo Phật không chịu trở về.
Đức Thế-Tôn thấy tình luyến-mộ sâu-xa như thế, không thể dùng lời nói an-ủi được, Ngài liền dùng sức thần-thông, hóa làm con sông ngập nước, bờ sông sâu-thẳm, sóng rồ nước chảy vun-vút. Khi ấy, những người dòng Ly-xa cùng vợ họ và nàng Am-bà-la thấy đức Như-Lai, các vị Tỳ-Khưu đã ở bờ sông bên kia, tất cả càng thêm cảm-động, thương xót, buồn-bã, vật-vã lăn ra đất, cùng nói nhỏ với nhau rằng: “Quái lạ, bỗng dưng nơi đây lại có con sông lớn này, mà lại có sóng vỗ ầm-ầm kinh sợ? Hẳn là đức Như-Lai thấy chúng ta đi theo không bỏ, mà hóa làm ra thế, để cho hết đường đi vậy!” Những người dòng Ly-xa kia cùng vợ họ và nàng Am-bà-la, không qua sông được, lòng càng thổn-thức, ngặt-nghẽo, nghẹn-ngào, tuyệt-vọng trở về.
Bấy giờ đức Như-Lai đến thôn Càn-đồ, Ngài ngồi trong khu rừng phía Bắc, bảo các vị Tỳ-Khưu rằng: “Các vị nên biết có bốn pháp: Một là Giới, hai là Định, ba là Tuệ, bốn là Giải-Thoát, nếu ai không nghe biết bốn pháp ấy, người ấy đời đời ở trong bể sinh-tử. Xưa kia Tôi nếu không nghe biết bốn pháp ấy, Tôi không thể chứng được đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng, Chính-giác được!”
Đức Thế-Tôn liền nói bài kệ:
Giới, Định, Tuệ, Giải-thoát,
Nếu Ta không nghe lâu;
Không thể chóng chứng được,
Đạo vô-thượng chính-chân.
Các vị nên tinh-tiến,
Tu-tập bốn pháp ấy;
Dứt được khổ sinh-tử,
Ruộng phúc nhất Thiên, Nhân.
Đức Thế-Tôn nói bài kệ ấy rồi, Ngài lại vì các Tỳ-Khưu phân-biệt và nói rộng nghĩa của bốn pháp ấy. Trong lúc đức Như-Lai nói những pháp ấy, một nghìn hai trăm vị Tỳ-Khưu, tức thời đối với mọi pháp, lậu-nghiệp hết, ý khai-giải, thành bậc A-la-hán.

TOÁT-YẾU


Đường đến thôn Càn-đồ, phải qua thành Tỳ-da-ly.
Đức Thế-Tôn đi qua thành này Ngài ngửa mặt lên nhìn và cười – nụ ười hàm-ý vĩnh-biệt của Ngài.
Giữa lúc ấy chư Thiên trên hư-không khóc-lóc, nước mắt chảy xuống như mưa. Các vị Tỳ-Khưu lại buồn!
Do đó, các người dòng Ly-xa, thành Tỳ-da-ly nghe biết, kéo nhau đến lễ Phật và thỉnh Phật lưu lại thế-gian, đức Phật dạy: “Sự-vật đều vô-thường: Núi Tu-di, biển rộng lớn, mặt trời, mặt trăng, cõi đất, sự ân-ái, thân kim-cương… đều bị vô-thường chuyển-ly! Thôi, các vị đừng thỉnh Tôi nữa! Các vị hãy lắng tâm nghe Tôi nói về 7 pháp sau đây: 1/ Vui-vẻ, hòa-thuận với nhau. 2/ Giác-ngộ nhau và bàn về nghiệp thiện. 3/ Giữ giới và lễ-nghi. 4/ Cung-kính cha mẹ, các bực tôn-trưởng. 5/ Thân-thích hòa-mục thừa-thuận lẫn nhau. 6/ Sửa-sang, cúng-dàng tháp-miếu trong nước. 7/ Giữ Phật-pháp, kính Tỳ-Khưu và quí mến thiện-nam, tín-nữ”.
Ngài lại hướng về các vị Tỳ-Khưu, dạy các vị nhiều pháp thiết-thực, cần thực-hành[29].
Sau đó, vợ những người dòng Ly-xa đến lễ Phật và cũng thỉnh đức Phật lưu lại thế-gian. Đức Phật không nhận lời và khuyên: “Nên giữ giới tinh-cần và ý-niệm ngay thẳng, không nên xiểm-nịnh, ghen-ghét, tức như Tôi ở đời vậy!”
Đến lượt nàng Am-bà-la.
Nàng là một người có sắc đẹp tuyệt-vời. Phòng sự khởi tâm của chúng, trước khi nàng đến, đức Phật đã cho đại-chúng biết về phép quán bất-tịnh.
Nàng đến, lễ Phật, thỉnh Phật và đức Phật cũng dạy như các vị đến trước.
Một lần nữa, Ngài khuyên chung tất cả nên giữ giới thanh-tịnh, không nên thiếu-phạm. Và, Ngài nói về sự lợi, hại của người giữ giới và phạm giới.
Sau cùng, Ngài từ-biệt ra đi đến thôn Càn-đồ.
Vì sự quá quyến-luyến của mọi người quyết theo Ngài không trở về, Ngài phải hóa làm con sông ngăn-cách hai bên, mới đi được.
Đến thôn Càn-đồ, Ngài dạy các vị Tỳ-Khưu về 4 pháp: Giới, Định, Tuệ và Giải-thoát.



Chú thích


[18] Ly-xa (Licchavi): Tên dòng vua, quan của thành Tỳ-da-ly.
[19] Pháp hữu-vi: Sự-vật do nhân-duyên tạo-tác.
[20] Giác-ý: Ý-niệm giác-ngộ. Tức 7 giác-chi.
[21] Ngũ-dục: Năm thứ ham-muốn: của-cải, sắc-đẹp, danh-vọng, ăn-uống, ngủ-nghỉ. Hoặc là sắc, thanh, hương, vị, xúc: 5 trần-cảnh.
[22] Cửu bộ pháp (tức Cửu bộ kinh): Chín bộ kinh: Trong kinh có chia làm 12 phận-giáo: 1/ Tu-đa-la (Sutra: khế-kinh: văn suôi). 2/ Kỳ-dạ (Geya: trùng-tụng: bài kệ nói lại nghĩa của văn suôi). Già-đà (Gàthà: phúng-tụng: bài kệ 4 câu đứng riêng, không liền với văn suôi). 3/ Ni-đà-na (Nidàna: nhân-duyên). Y-đế-mục-đa (Itivrtaka: Bản-sự: nói những việc đời trước). 6/ Xà-đa-già (Jàtaka: Bản-sinh: Phật tự nói nhân-duyên mình đời trước). 7/ A-phù-đạt-ma (Adbhuta-dharma: Vị-tằng-hữu: làm những sự hiếm có). 8/ A-ba-đà-na (Avadàna: thí-dụ). 9/ Ưu-bà-đề-xá (Upadesa: luận-nghĩa). 10/ Ưu-đà-na (Udana: tự thuyết: tự Phật nói, không đợi ai hỏi). 11/ Tỳ-phật-lược (Vaipulya: phương-quảng: Văn nói về chân-lý phương-chính, quảng-đại; tức là đại-thừa-giáo). 12/ Hòa-già-la (Vyàkarana: thụ-ký). Tuy vậy, có chỗ Tiểu-thừa bỏ: Phương-quảng, thụ-ký và tự-thuyết đi còn 9 phần, gọi là cửu-bộ pháp (hay cửu-bộ kinh). Và Đại-thừa có chỗ bỏ: Nhân-duyên, thí-dụ và luận-nghĩa, thành cũng còn 9 bộ-phận.
[23] Chín lỗ thường chảy: Trong thân người có chín lỗ hổng thường chảy những thứ nhơ-nhớp là: 2 mắt, 2 lỗ mũi, mồm và nơi đại, tiểu-tiện.
[24] Anh-lạc: Tiếng Phạm gọi là Chỉ-do-la (Keyùra): Chuỗi dây-chuyền làm bằng ngọc để đeo vào cổ, vào mình.
[25] Trần-cấu: Chỉ cho phiền-não, nhưng nay thường chỉ vào 88 kết-sử của kiến-hoặc.
[26] Pháp-nhãn-tịnh: Nghĩa là thấy chân-lý bằng cách rõ ràng.
[27] Lậu-nghiệp hết, ý khai-giải: Bậc tam-thừa dùng Thánh-trí dứt hết phiền-não do ý căn tạo ra, ý được mở tỏ và giải-thoát.
[28] A-la-hán: (Arahat): Quả vị thứ tư trong 4 quả của bậc Thanh-văn, A-la-hán, Tàu dịch là “Bất-sinh” (cũng có chỗ gọi là Vô-Sinh). Nghĩa là quả-báo trong một đời diệt hết, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái-sinh trong 3 cõi nữa.
[29] Xem phần chính-văn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 3888)
Giáo lý Ðấng Thế Tôn trải qua 2.516 năm đến nay vẫn còn có công năng thù thắng siêu việt, đánh bạt nghiệp chướng phiền não cứu thoát chúng sinh khỏi trầm luân trong vũng lầy sinh tử. Ðối với người con Phật chân chính, thành tâm cầu Ðạo giải thoát, lời châu ngọc của Ngài quả thật là một môn diệu được.
22/04/2013(Xem: 7252)
Cuốn “Di Đà Huyền Chỉ” ra đời đồng thời với bản dịch Việt ngữ “Thế Giới Nhất Hoa” vào cuối năm 2001. Cuốn “Thế Giới Nhất Hoa” đến nay vẫn còn ở các quày sách. Điều đó cho chúng ta thấy rằng Thiền Công án rất khó nuốt.
22/04/2013(Xem: 8530)
Nói về đạo, thì không có đạo nào lớn bằng đạo Phật. Nói về lý, thì không có lý nào thâm cho bằng lý Phật. Còn nói về tu, thì không tu nào dễ cho bằng tu Phật.
08/04/2013(Xem: 35365)
Kim Quang Minh kinh, theo Phật học nghiên cứu (Bài 10 trang 52), có 6 bản dịch. Bản Một, Kim Quang Minh kinh, 4 cuốn, 19 phẩm, Đàm Mô Sấm dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 414-426. Bản Hai, Kim Quang Minh kinh, 7 cuốn, 21 phẩm, Chân Đế dịch. Niên đại phiên dịch của ngài này là 548-569.
08/04/2013(Xem: 14851)
(thắp đèn đốt hương, toàn thể đúng ngay ngắn, chắp tay để ngang ngực, mật niệm) Tịnh pháp giới chân ngôn Úm lam sa ha (3 lần) Lục tự đại minh chân ngôn Úm ma ni bát mê hồng (3 lần) (vị chủ lể quỳ thẳng, cầm 3 cây hương, dâng ngang trán, đọc bài nguyện hương)
08/04/2013(Xem: 10529)
Trái với tiểu thừa nói đời Phật chỉ có đức Di lạc là bồ tát, đại thừa nói đời Phật, mà ngay trong nhân loại, ít nhất cũng có những vị bồ tát sau đây, ghi theo Thế giới Pg thông sử, tập thượng, trang 136. 1. Văn thù đại sĩ, 2. Thiện tài đồng tử, 3. Bảo tích và Duy ma, 500 người ở thành Tì da li. 4. Hiền hộ, với 16 người ở thành Vương xá.
08/04/2013(Xem: 12117)
Chính tôi (A-Nan) được nghe: Một thời kia đức Phật ở Trùng-Các giảng-đường, trong khu rừng lớn Tỳ-Da-Ly (Vaisàli), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Khưu. Khi ấy, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan, một buổi sáng nọ, mặc áo, mang bát vào thành khất-thực. Khất-thực rồi, trở về nơi cũ.
08/04/2013(Xem: 15703)
Chính tôi được nghe: (2) Một thời kia đức Phật du-hóa trong núi Kỳ-Xà-Quật (Grdhrakùta), nước La-Duyệt-Kỳ (Ràjagrha), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Đại-Tỳ-Khưu và vô số những vị Bồ-Tát, mà là những vị đã được tiếng tăm đồn xa, Nhân, Thiên cung kính.
08/04/2013(Xem: 14072)
Chính tôi được nghe như thế nầy. Một thuở nọ, đức Phật kiết hạ tại núi Kỳ-Xà-Quật, gần thành Vương-Xá với chúng Đại Tỳ-kheo một muôn hai nghìn người. Đó là các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Ma-Ha Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp, Ma-Ha Ca-Chiên-Diên, Tu-Bồ-Đề, La-Hầu-La, Phú-Lâu-Na, A-Nan, A-Nan-Đà, Ma-Ha Ba-Xà-Ba-Đề, Gia-Du-Đà-La, v.v...
08/04/2013(Xem: 15550)
Thành thực mà nói, tôi chưa có được niềm tin rằng mỗi khi có thể bị tai nạn gì thì nên tụng Bồ tát giới Phạn võng, nhưng có một điều rõ rệt là mỗi khi làm gì cho giới ấy thì đang bịnh cũng thư thái thấy rõ. Từ trước đến nay đã có 5 lần như vậy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567