- Kinh Bốn Niệm Xứ (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Đạo Lý (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Ba Tĩnh Lặng (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Bố Thí (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Con Rùa (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Dhammadinna (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Gần Phật Xa Phật ( do HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Kalama (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Những Con Thiêu Thân (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Kinh Pháp Cú Dhammapada
- Kinh Xứng Đôi ( do HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Lời Phật Dạy (Do HT. Thích Thiện Châu giảng giải và Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Mừng Phật Đản (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Nghi Thức Lễ Phật (do HT Thích Thiện Châu biên soạn, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Nghĩa Chữ Cho (HT. Thích Thiện Châu giảng giải, Phật tử Diệu Danh diễn đọc)
- Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển Phật Giáo Việt Nam
- Tịnh Độ Nhân Gian
- Vu Lan
- Sự Sống và Sự Chết Trong Phật Giáo
VU LAN
Lễ báo hiếu
Vu Lan là lễ quan trọng thứ hai, sau lễ Phật Đản, của Phật tử ở những nước chịu ảnh hưởng Phật Giáo đại thừa như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản v.v... Lễ này bắt nguồn từ kinh Vu Lan Bồn (Ulumbana ; giải thoát nỗi khổ bị treo ngược) do pháp sư Dharmaraksa dịch từ chữ Sanskrit ra chữ Trung Quốc vào đời Tây Tấn (266-316). Ý kinh có thể tóm tắt như sau :
Mục Kiền Liên (Maugalyâyâna), sau khi giác ngộ nhờ có thần thông, thấy Mẹ đang bị đọa đày, đói khát trong cảnh giới quỉ đói (ngả quỉ). Ngài đến thăm và dâng cơm cho mẹ. Mẹ Ngài bốc cơm ăn nhưng cơm hóa lửa (vì nghiệp chướng) không ăn được. Mục Kiền Liên hết sức đau đớn. Song tự một mình mình không cứu được mẹ. Theo lời Phật đến ngày rằm tháng bảy, ngày mãn mùa tu học của chư tăng, ngài cúng dường và cầu chư tăng khắp mười phương chuyển nghiệp cho mẹ. Kết quả là mẹ Ngài và những chúng sanh cùng cảnh ngộ đều được giải thoát.
Gần đây, kinh Vu Lan được tụng đọc rất nhiều trong ngày rằm tháng bảy hay suốt cả mùa Vu Lan tháng bảy. Các chùa xã hội Phật giáo đều tổ chức long trọng lễ Vu Lan như lễ cúng dường chư tăng vào dịp « tự tứ » (lễ sám hối sau 3 tháng tu học) để cho phật tử tại gia có dịp cầu phước cho ông bà cha mẹ mà chưa khai triển hết tinh thần của lễ.
Đó là chưa nói đến việc đối với phần đông dân chúng còn giữ phong tục cũ, lễ Vu Lan vẫn là lễ « xá tội vong nhân » hay lễ « cúng cô hồn ». Do đó, nhiều hình thức mê tín dị đoan được phát sinh trong ngày lễ này : cúng kiến bừa bãi dưới gốc đa, gốc đề, ở ngã ba đường cái, có cả heo, gà, rượu, vàng mã kể cả xe ô tô, máy truyền thanh, truyền hình bằng giấy...Lễ Vu Lan cũng bị những kẻ đầu cơ tôn giáo, thầy pháp, thầy phù thủy làm sai lạc ý nghĩa, có hại cho dân chúng và đất nước.
Ngày nay, trong hoàn cảnh mới của đất nước, với khí thế đi lên của dân tộc, lễ Vu Lan phải được hiểu và tổ chức một cách đúng đắn lợi ích để một mặt ngăn chặn những tập quán mê tín dị đoan, và mặt khác, phát huy truyền thống văn hóa tố đẹp của dân tộc.
Như vậy, ý nghĩa lễ Vu Lan là gì? Có thể nói rằng Vu Lan là lễ báo hiếu của Phật tử.
chữ hiếu
Trước khi bàn đến báo hiếu, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua ý nghĩa chữ hiếu theo tinh thần đạo Phật áp dụng trong thực tại Việt Nam. Hiếu là sự kính thương, phụng dưỡng, nối chí đối với những người đã cho ta sự sống. Hiếu không những chỉ là bổn phận mà còn là quyền lợi thiêng liêng của con người biết ân nghĩa. Cha mẹ là người đã sinh thành ta. Vì thế, chúng ta phải hiếu với cha mẹ. Song sự sống còn, nhất là sự sống có ý nghĩa, của ta là nhờ công ơn của chúng sanh xã hội. Vì thế, chúng ta phải hiếu với cả đồng bào, nhân loại : đồng bào nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ ta, nhân loại (anh em bạn bè trên thế giới có quan hệ tốt với ta ) sống chung và ủng hộ ta. Hơn nữa, nhìn vào chiều sâu thăm thẳm của thời gian thì sự sống quí báu của kiếp người mà chúng ta có trong hiện tại, ngoài công đức của cha mẹ và xã hội, còn nhờ công đức của nhiều chúng sanh khác, trong tình nghĩa cha mẹ, anh em bà con, qua nhiều đời nhiều kiếp ở quá khứ. Nói cách khác, trong những người mà chúng ta có quan hệ tốt trong đời này nhất định có rất nhiều người là cha mẹ, trong nghĩa hẹp cũng như trong nghĩa rộng, của chúng ta trong quá khứ. Chính những người này đã giúp đỡ chúng ta có đủ điều kiện tích lũy phước đức để được làm người hôm nay.
Vì thế, theo đạo Phật, hiếu với cha mẹ trong hiện tại là tròn bổn phận làm con, còn hiếu với nhiều chúng sanh qua nhiều đời nhiều kiếp là tu hành theo hạnh Bồ tát.
báo hiếu
Đối tượng báo hiếu đã rộng và nhiều như thế cho nên phương thức báo hiếu phải rất là phong phú. Đối với « cha mẹ » đã mất thì tri ân tưởng niệm là cần thiết. Song đối với « cha mẹ » còn sống thì thay đổi cuộc đời khổ đau, xây dựng cuộc sống an lành là quan trọng. Muốn đổi thay cuộc đời cho « cha mẹ » chúng ta phải vận dụng mọi phương tiện trong nhiều phạm vi gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa v.v... Như vậy là chúng ta phải báo hiếu với tất cả tài năng, trí tuệ, của cả cuộc đời hay nhiều đời và điều chắc chắn là phải nhờ cậy và cộng tác với nhiều người khác nữa.
Riêng Phật tử Việt Nam hiếu có nghĩa là kính thương, phụng dưỡng và nối chí không những đối với cha mẹ sanh thành mà còn đối với những anh hùng liệt nữ trong nước, bè bạn trên thế giới, từ bao nhiêu thế hệ, đã tranh đấu, hy sinh cho sự sống cón có ý nghĩa tốt đẹp của chúng ta hôm nay.
Hành động báo hiếu cụ thể của Phật tử Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước là cùng với mọi người cố gắng liên tục giải thoát cha mẹ, bà con đồng bào ra khỏi tình trạng nghèo thiếu, dốt nát mất nhân phẩm. Ngoài ra, trên bình diện chúng sanh xã hội, chúng ta nên ủng hộ và cộng tác với anh em bè bạn tiến bộ trên thế giới trong sự nghiệp xây dựng hòa bình và an lạc cho toàn thể nhân loại.
lễ Vu Lan
Với ý nghĩa trên thì lễ Vu Lan phải được tổ chức thế nào để người tham dự, qua nghi lễ giản dị trang nghiêm, hiểu được ý nghĩa sâu sắc, cao rộng của chữ Hiếu và cảm thấy được hướng dẫn đầy đủ trong hành động báo hiếu có hiệu quả. Theo thiển ý, lễ Vu Lan có thể được tổ chức với hai mục đích sau đây :
1. Biểu lộ lòng biết ân với cha mẹ và những người đã cho ta sự sống (đối với người đã mất thì tổ chức tưởng niệm, đối với người còn sống thì lễ chúc tụng)
2. Để ra phương thức báo hiếu cụ thể nhằm đưa dân tộc (trong đó có cha mẹ), nhân loại ra khỏi tình trạng nghèo khổ bất an, tiến tới cuộc sống no ấm, an lành.
Paris, mùa Vu Lan 2520-1976