Những mùa Vu Lan
Thay Lời Tựa
Nguồn: Thích Đức Niệm
Ta hiện hữu trên cõi đời này do nghiệp duyên đưa đẩy. Nghiệp là năng lực dẫn dắt ta đi theo nghiệp nhân mà ta đã tạo để rồi kết hợp với người hữu duyên hình thành thân này trong hoàn cảnh xứng hợp.
Thân này có và được tồn tại phải nhờ đến nhiều yếu tố của thế gian, mà trực tiếp là cha mẹ cưu mang chắt chiu chăm sóc. Mà phải nào chỉ có săn sóc hình hài ta thôi đâu, đến cả tâm trí hiểu biết cũng thường hằng trực tiếp nhờ cha mẹ giáo dưỡng mà thành. Đích thực cha mẹ là nơi đã tạo ra chúng ta. Không có cha mẹ thì không có ta. Nếu cha mẹ không muốn ta ra đời, không có thiện tâm để ta sống, thì ta cũng không thể tồn tại hiện hữu được. Thế nên cha mẹ là đấng nắn tạo ra đời con, là giòng suối ngọt để con giải khát, là bóng mát trời nắng hạ, là bát cơm thơm ngon, và còn biết bao chất liệu ân tình chứa chan qua tiếng hát lời khuyên bằng dòng nước mắt yêu thương, bằng nụ cười hiền dịu an ủi vỗ về trải dài tháng năm, bằng tâm tình tha thiết trao trọn cho con.
Do vậy, các bậc thánh hiền cổ đức mà nhứt là đức Phật Thích-Ca đều khuyên ta phải ghi nhớ ân cha mẹ để lo báo đền. Bất cứ đạo lý nhân bản nào cũng đề cao đạo hiếu, phụng thờ cha mẹ. Kinh sách Thánh Hiền nói: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”. Bởi lẽ, có hiếu là có nghĩa, có trung, có tín, có thành. Nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ thì là bất hiếu. Bất hiếu sẽ đưa đến bất nghĩa, bất trung, bất tín, bất thành!
Sống ở đời muốn được an lành hạnh phúc, thành danh vinh hiển mà không lấy hiếu đạo làm đầu để làm nền tảng tiến thân thì tự đào sâu hố thẳm bất hạnh, ô danh tiếng đồn. Người còn có lương tâm không thể nào phủ nhận ân đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Thực tế và rõ ràng là mẹ mang nặng đẻ đau cưu mang ẵm bồng săn sóc. Cha ngày ngày làm việc cực nhọc để kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Cha mẹ đã kiên nhẫn cực khổ ngày đêm nuôi dưỡng dạy dỗ vỗ về khuyên nhủ trải suốt bao tháng năm, con mới được lớn khôn hiểu đời. Điều hiển nhiên thế đó! Ấy vậy mà có kẻ cuồng tín cho rằng thần linh thượng đế sanh tạo ra mình, nên chẳng cần phụng thờ cha mẹ. Lại có kẻ điên rồ mê dại nghe theo tà nhơn ác đảng đem cha mẹ ra tố khổ, cho đó là hành động theo tư tưởng tiến bộ, đỉnh cao trí tuệ của loài người! Thảo nào Đức Phật huyền ký: Vào thời mạt pháp cách Như Lai diệt độ lâu xa, có hạng tà nhơn giả chánh nhơn thuyết chánh pháp, mạo xưng là Phật, Bồ Tát hiện thân để mê hoặc lòng người. Lại có kẻ tự xưng là tăng, nhưng không thọ trì giới pháp, thích làm những điều danh lợi thế gian. Trong hàng Phật tử có những kẻ hình người tâm ma thích phá rối Tam Bảo, mưu toan chiếm đoạt quyền hành thao túng cửa Phật. Nhân gian phát sanh nhiều thứ đạo tặc lập bè kết đảng phá hại chánh pháp, hãm hại người hiền, huỷ hoại Phật tượng, chùa viện, luân thường đạo lý, ưa thích tạo hận thù hãm hại lẫn nhau, lấy đó làm vui. Đồng thời xuất hiện những bệnh hoạn ngặt nghèo, tai ương khủng khiếp, mà con người vẫn thản nhiên vui với kiếp sống mong manh bất ổn đó.!
Ta thử định thần lắng lòng tự hỏi lời Phật huyền ký có đúng chăng? Và vì đâu nhân loại ngày một phát minh tiến bộ mà lòng người không được an lành theo nhịp độ của sự tiến bộ văn minh đó? Trái lại càng lúc đời sống con người càng bất ổn, tâm thần nhiều lo âu, vẻ đẹp thiên nhiên mất dần và thu hẹp. Phải chăng con người chỉ dong ruổi theo vật chất mà quên mất phần tinh thần trau dồi đạo đức?
Đức Phật dạy: “Lấy ân báo oán, oán tự tiêu diệt. Lấy oán báo oán, oán thêm chất chồng”. Đối với bổn Phật, đức Phật dạy: “Trên đền trả bốn ân lớn, dưới cứu giúp ba đường khổ”. Bất cứ người Phật tử chân chánh nào cũng ghi tâm tạc dạ điều này, mà đặc biệt là hiếu kính cha mẹ.
Như vậy, Phật giáo tuy hướng đạo con người tiến lên Phật đạo giác ngộ giải thoát để được sống an vui trong cảnh giới Cực-Lạc Niết-Bàn, nhưng đồng thời ngay trong hiện đời, đức Phật dạy phải hoàn thành nhân đạo hiếu nghĩa.
Sách đây ghi lại dấu vết cõi lòng cảm xúc của người con không còn gần cha mẹ, người dân xa quê hương trong hoàn cảnh đau thương của đất nước, dòng tâm tư xúc động mỗi độ Vu Lan về.