Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Tịnh Không (1091 - 1170) (Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông) 🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷

14/10/202109:01(Xem: 22636)
Thiền sư Tịnh Không (1091 - 1170) (Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông) 🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷



Thiền sư Tịnh Không (1091 - 1170)
(Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông)
🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷

Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước



 


Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Năm, 14/10/2021 (06/09/Tân Sửu)chúng con được học về Thiền Sư Tịnh Không (1091 - 1170) , đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 297 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

 

Thiền sư vốn người Phúc Châu (Trung Quốc), họ Ngô, quê ở Phúc Xuyên. Ban đầu đến viện Sùng Phước trong bản châu xuất gia và thọ giới Cụ túc.

Năm ba mươi tuổi, Sư đi hành cước phương Nam đến chùa Khai Quốc, phủ Thiên Đức dừng lại trụ trì. Khoảng năm sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà, ngày chỉ dùng một ít đậu, một ít mè, ngồi hoài không ngủ. Mỗi khi Sư nhập định đến nhiều ngày mới xuất. Đàn thí bốn phương đem lễ vật cúng dường chất cao như núi. Những kẻ gian đến rình mò, Sư trông thấy bảo: “Tự do lấy đi.”

 

Sư Phụ giải thích:

- Sư Tịnh Không vốn người Phúc Châu, Trung Quốc, không được biết Sư xuất gia và thọ giới Cụ túc với Hoà Thượng nào. 

- Sư đến phương nam, dừng lại trụ trì ở chùa Khai Quốc, chuyên tu hạnh đầu đà, nhiều ngày nhập định Sư ngồi Không nằm. Sư rất từ bi bảo kẻ trộm cứ tự do lấy đi chứ không nên rình mò sợ hãi.

 

 

Bà công chúa Nam Khương ý muốn xuất gia, sắp soạn lễ vật định xin xuống tóc. Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư vào triều. Vào đến cửa khuyết, thần sắc Sư vẫn bình thường, Vua thấy thế càng thêm kính nể, bái phong là bậc danh Tăng.

 

Sư Phụ giải thích:

- Bà công chúa Nam Khương xin xuất gia, nhưng vì Sư chưa kịp dặn dò công chúa phải xin phép triều đình trước khi đi xuất gia, nên Sư bị triều đình xuống chiếu bắt Sư, nhưng Sư vẫn điềm nhiên, Vua thấy phong thái tự tại của Sư nên đức vua kính nể Sư.

 

Một hôm, có một vị Thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệu Sư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.

 

Sư Phụ giải thích:

- Sư Phụ nhắc lại về thiền sư Đạo Huệ, Đạo là chân tâm Phật tánh, Huệ là trí tuệ, nhờ có trí tuệ mới nhận ra tự tâm mình đã có Phật tánh.

- thiền sư Đạo Huệ là đệ tử của thiền sư Thông Biện. Thiền sư Thông Biện là hành giả kinh Pháp Hoa, đã thầm truyền trao tri kiến Phật cho đệ tử Đạo Huệ. Sư Đạo Huệ sau khi được sư phụ Thông Biện ấn chứng, Sư trải sáu năm thiền định không nằm.

- Sau khi được một thiền khách giới thiệu, Sư đến tham vấn thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du.

 

 

Đến nơi, Sư hỏi Thiền Sư Đạo Huệ:

- Nơi này có tông chỉ Thiền tông chăng?

Thiền Sư Đạo Huệ đáp:

- Nơi đây tông chỉ chẳng phải không, nhưng Xà-lê làm sao đảm nhận?

Sư suy nghĩ trả lời. Đạo Huệ nạt:

- Ngay trước mặt đã lầm qua rồi!

Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm.

 

 

Sư Phụ giải thích:

- Tông chỉ thiền tông là chỗ đại dụng hiện tiền, là chân tâm Phật tánh. Ngài Đạo Huệ đã chứng đắc nên khi nghe ngài Tịnh Không hỏi “nơi này có tông chỉ thiền tông không?” là biết ngài Tịnh Không đã giỏi.

- Thiền Sư Đạo Huệ hỏi lại ngài Tịnh Không: 

Nơi đây có tông chỉ của thiền tông, nhưng Xà-Lê làm sao đảm nhận được ? (Xà lê là danh xưng của Tỳ kheo đã thọ giới trên 10 năm).

Ngài Tịnh Không suy nghĩ là cái bẩy, liền bị nạt. Chân tâm, Phật tánh ngay đó nhận ra, nếu khởi nghĩ là vọng tâm, là ma đạo.

 

Sau, Sư về chùa cũ thu nhận đồ chúng. Một hôm Sư hội chúng nói kệ:

Trên không miếng ngói che,
Dưới không đất cắm dùi.
Hoặc đổi áo thẳng đến,
Hoặc xách trượng mà đi.
Khoảng chuyển động xúc chạm,
Tợ rồng vẫy đớp mồi.

(Thượng vô phiến ngõa giá,
Hạ vô trác chùy địa.
Hoặc dịch phục trực nghệ,
Hoặc sách trượng nhi chí.
Chuyển động xúc xứ gian,
Tợ long dước thôn nhĩ.)

 

 Sư Phụ giải thích:

- Trên không miếng ngói che,

Dưới không đất cấm dùi.

Là nói tên trạng thái thong dong tự tại của hành giả, vượt thoát ngã và ngã sở, chấp có và chấp không, vào cửa bất nhị.


Sư phụ kể chuyển về tấm gương ngộ đạo của Thiền Giáp Sơn Thiện Hội, vì ngài Tịnh Không nói bài kệ này để dạy chúng là muốn nhắc câu chuyện học đạo và ngộ đạo của Thiền Sư Thiện Hội, giống như trường hợp của bản thân ngài.

 

Thiền Sư Thiện Hội đang giảng pháp, có vị tăng hỏi : “Thế nào là pháp thân ?”
Ngài Thiện Hội đáp : “Pháp thân vô tướng”.
Tăng hỏi : “Thế nào là pháp nhãn ?”
Ngài Thiện Hội đáp : “Pháp nhãn vô bệnh”

Thiền Sư Viên Trí Đạo Ngộ, người đã ngộ đạo, đang ngồi trong thính chúng, bỗng phát lên tiếng cười; tiếng cười này làm cho Ngài Thiện Hội giật mình, khi giảng pháp xong, ngài xuống pháp tòa và đến hỏi “ Con vừa đáp câu hỏi của tăng, chắc có chỗ không đúng khiến cho Ngài phát cười, xin Ngài từ bi chỉ dạy”.

 

Thiền Sư Viên Trí bảo : “Thầy giảng pháp không sai nhưng về phần xuất thế thì chưa có thầy ấn chứng, thầy nên cầu học với Thiền Sư Đức Thành Thiền Tử.

 

Ngài Thiện Hội hỏi “Ngài Đức Thành Thiền Tử  là người như thế nào ?


Ngài Viên Trí đáp: “Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi. Thầy muốn đi thì xin đổi y phục”

 

Ngài Thiện Hội bèn giải tán chúng đệ tử và đi thẳng đến cầu pháp với thiền sư Đức Thành.


Khi đến nơi, Thiền Sư Đức Thành đang chèo thuyền ở bến Hoa Đình, Ngô Giang. Ngài sống trên chiếc thuyền nhỏ và dùng thuyền giúp đưa người qua sông, người đời gọi là Hòa thượng Thuyền Tử (Hòa thượng Chèo Thuyền). Do vì ngài sống trên thuyền nên 2 câu kệ đầu nói là “Trên không miếng ngói che,Dưới không đất cấm dùi”.


Khi bước lên thuyền, Thiền Sư Đức Thành hỏi ngài Thiện Hội: "Đại đức trụ trì nơi nào?"

Ngài Thiện Hội đáp: "Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống."

Thiền Sư Đức Thành hỏi: "Chẳng giống, giống cái gì?"

Ngài Thiện Hội đáp: "Chẳng có pháp trước mắt."

Thiền Sư Đức Thành hỏi: "Ở đâu học được nó?"

Ngài Thiện Hội trả lời: "Chẳng phải chỗ tai mắt đến."

Thiền Sư Đức Thành bảo: "Một câu dù lĩnh hội, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! Nói mau!"

Ngài Thiện Hội vừa mở miệng bị sư đánh một chèo té xuống nước. Rồi ngài vừa mới leo lên thuyền, Thiền Sư Đức Thành lại bảo: "Hãy nói mau! nói mau!".

Ngài Thiện Hội vừa mở miệng lại bị sư đánh, ngay đó, Ngài Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ.

 

Sư phụ giải thích câu nói của Thiền Sư Đức Thành rằng “ngài thả dây câu ngàn thước để câu, nhưng không có lưỡi câu để cá  ăn phải, ý của ngài là lìa cái lưỡi ba tấc là ly ngôn thuyết tướng, tận diệt ngôn ngữ để trực nhận Phật tánh, vì khởi suy nghĩ và mở miệng nói là vọng, là phiền não.

 

 

Có vị Tăng đến hỏi:

- Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì?

Sư đáp:

- Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không. (Nhật nhật khứ hoạch hòa, Thì thì không thương lẫm.)

- Con chẳng hội.

- Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che. (Nhật nguyệt trường minh, phù vân cái ấm.)

 

Sư Phụ giải thích:

- Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì?

Thiền đốn ngộ không có giải thích, không có giáo lý, tự cảm nhận bằng trực tâm thấy ngay chân tâm Phật tánh tự tỏa sáng bên trong của chính mình.

- Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không.

Làm không thấy mình làm, đó mới thật là làm. Cho không thấy mình cho mới thật là cho. Đó là ý nghĩa của giáo lý Kim Cang Bát Nhã.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Cho mà thấy mình cho thì giá trị cái cho chỉ bằng cái mình cho.

Cho mà không thấy mình cho, thì cái cho không có tính đếm được, niềm vui của người nhận vô lượng, như trong tình trạng đại dịch Covid 19, người ban phát vật thực nuôi dưỡng trên những xe “không đồng”cho người dân tháo chạy dịch Covid 19 ở thành phố về thôn quê. Sự xúc động, niềm tri ơn, sự sống còn của người nhận vô giá. Tình người vô lượng.

 

- Nhật Nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che.

Tâm Phật luôn hằng sáng bên trong như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, mây là phiền não che ánh sáng nhưng không làm mất sự tỏa sáng của mặt trời và mặt trăng. Mây tan thì ánh sáng luôn hằng có được lộ ra.

 

 

 Sư nói kệ:

Người trí không ngộ đạo,
Ngộ đạo tức kẻ ngu.
Khách nằm thẳng duỗi chân,
Nào biết ngụy và chân.

(Trí nhân vô ngộ đạo,
Ngộ đạo tức ngu nhân.
Thân cước cao ngọa khách,
Hề thức ngụy kiêm chân.)

 

Sư Phụ giải thích:

-Người trí không ngộ đạo. 

Đạo là thể tánh lặng lẽ có bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài, nhưng vì vô minh phiền não che lấp, khi hết phiền não thì Phật tánh lộ ra.

Sư Phụ thí dụ, người đi tìm chìa khoá khắp nơi, cuối cùng chạm vào túi gặp chìa khoá, dạ bạch Sư Phụ con cũng có trải nghiệm này.



Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật?

Sư đáp:

- Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,
  Ai biết mây mù rơi núi sông.

  (Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
  Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.)

 

Sư Phụ giải thích:

- Phật là thể tánh lặng lẽ, là tánh biết trùm khắp không bị ngăn che, hằng có bên trong của tất cả chúng sanh vạn loài.

 

 - Thế nào hội được?

- Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,
  Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.

  (Mục đồng chí quán ngọa ngưu bối,
  Thổ hữu anh hùng khóa đắc y.)

 

Sư Phụ giải thích:

Thể tánh Phật là cái đang sẵn có, bình thường, tự nhiên, tự tại như chú mục đồng nằm trên lưng trâu chơi, như kẻ sĩ được vua tiến cử ra chiến trận đánh giặc và được tôn vinh bậc anh hùng.

 

 

- Ý Tổ và ý kinh là đồng là khác?

- Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.

 

Sư Phụ giải thích:

Kinh là do Phật nói, ý Tổ là lời khai thị của quý ngài lại trong các tập ngữ lục, tuy hai mà một, Ý Tổ và ý Kinh đều giúp hành giả thông đạt Phật tánh như mọi người đi thuyền, đi xe từ muôn dặm xa nhưng đều đến được triều vua, phương tiện có khác, nhưng tất cả cuối cùng đều về đến đích. 

 

- Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?

- Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi?

Tăng nghe xong liền khai ngộ.

 

Sư Phụ giải thích:

Kỳ đặc của người bậc tu chứng đó chính là đại dụng hiện tiền, đó là chánh niệm rõ biết trong từng công việc đang làm, như  thổi lửa thì chỉ biết thổi lửa, cho đến vo gạo, nấu cơm, lặt rau, rửa chén, quét chùa… làm cẩn thận trong chánh niệm,không phan duyên, không thất niệm, làm việc này nhưng tâm đang nghĩ về việc khác, không đưa tâm mình về quá khứ, không tán tâm mình về tương lai viễn vọng mà quên mất hiện tại. Sư phụ nhắc đại chúng nên thuộc lòng bản kinh ngắn số 131 Kinh Nhất Dạ Hiền Giả thuộc Trung Bộ Kinh để áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình:

“Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng”
(bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu)

 

 

Năm thứ tám niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1170) đời Lý Anh Tông, sắp tịch Sư từ giã chúng dặn:

- Các ngươi khéo tự gìn giữ như lúc ta còn, chớ nhiễm thế gian sanh ra quyến luyến.

Đến nửa đêm, Sư ngồi kiết-già mà tịch, thọ thế tám mươi tuổi.

 

Sư Phụ giải thích:

Lúc sắp tịch từ giả, Sư dặn, khéo tự giữ gìn, chớ nhiễm thế gian sanh ra quyến luyến. Lời di chúc của Sư tuy đơn giản nhưng rất kỳ đặc, ‘chớ nhiễm thế gian’, để buông lung, phóng dật.

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Tịnh Không do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

 

Xuất gia học đọc mở cơ huyền
Sùng Phước già lam thắp ánh nhiên
Kinh kệ sớm hôm nuôi chí nguyện
Mõ chuông năm tháng dưỡng tâm nguyền
Vân du hành cước tìm chơn đạo
Tĩnh tọa đầu đà hướng thiện nguyên
Đạo Huệ khai tâm truyền yếu chỉ
Tịnh Không tiếp nhận độ trần duyên.

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Tịnh Không. Sư tu hạnh đầu đà trong sáu năm và cuối cùng ngài đã đắc pháp  với thiền sư Đạo Huệ. Sư để lại lời di chúc rất kỳ đặc và thiết thực, chớ nhiễm thế gian mà sanh ra quyến luyến.

 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 





297_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Tinh Khong


Sự trùng hợp cách nhau 300 năm giữa
Tổ Sư Thiền Phái Vô Ngôn Thông và đệ tử truyền thừa
đời thứ 10...Thiền Sư Tịnh Không (1091 - 1170) 

Kính dâng Thầy bài viết trình pháp về Thiền Sư Tịnh Không . Kính bạch Thầy từ ngày được học Tổ Sư Thiền với Thầy qua hơn 295 bài đến nay càng ngày con càng cảm thấy có một sự dung thông diệu kỳ giữa Phật Giáo nguyên thủy và Thiền Tông và điều này khiến cho con say mê nghiên cứu và tư duy từng bài pháp thoại của Thầy về Tổ Sư Thiền để rồi khi học lại từng lời dạy của Đức Phật trong Trung Bộ Kinh thật thâm thuý vô cùng, lời Tổ và lời dạy của Đức Phật trong kinh quả đúng như Thiền Sư Tịnh Không đã dạy cho một tăng sinh "Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua " ...Và con rất tâm đắc lời chỉ dạy của Thầy trong cuối bài pháp thoại "Đạo là Thể tánh tịnh minh cái sẵn có hằng hữu của mình" ...Cái gì gọi là Ngộ ? Chỉ là vì vô minh che lấp mình đã quên.



Đọc hành trạng của Thiền Sư Tịnh Không, ( đời thứ 10)  sống vào  thời Vua Lý Nhân Tông và Vua Lý Thần Tông có sự trùng hợp lý với Tổ Sư sáng lập thiền phái Vô Ngôn Thông thật  thú vị ....dù cách nhau 300 năm. 
Quý Ngài không mặc cảm, không tự ái, không đặt thành vấn đề gì hết. ...Được thiện  hữu tri thức chỉ  cho chỗ chưa đúng thì  các Ngài sẽ y theo đó quyết tiến. 

  • Tổ Vô Ngôn Thông ...

.(Ngài là người đầy đủ đức độ, đã ra làm trụ trì, nên được chư thiện hữu tri thức quan tâm hướng dẫn. Khi ngài lễ Phật, có một thiền khách hỏi: Tọa chủ lễ đó là cái gì? Câu hỏi này với chúng ta thì sẽ được trả lời bằng kiến thức Phật học, giải thích cho một lô. Nhưng người xưa không có kiểu đó, chỉ chuyên trong việc tu hành thôi. Một câu hỏi bất ngờ như vậy, ngài giật mình. 

Sư đáp: Là Phật. Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi: Cái này là Phật gì? Câu đầu đáp là Phật. Dĩ nhiên lễ Phật rồi. Chùa nào lại không có Phật. Nhưng khi thiền khách chỉ tượng Phật hỏi là Phật gì? Ngài không đáp được. Nếu chúng ta, mình sẽ nói nào là Phật gỗ, Phật đồng, Phật thạch cao, Phật xi-măng… Ở đây không phải hỏi như thế. 

Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách, thưa: Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào? Đây là biểu hiện đức điềm đạm, chân chính của người chỉ cầu đạo giác ngộ giải thoát, không có việc khác. Bấy giờ tất cả ngô ngã ý tư lặng hết, cầu thầy chỉ dạy. 

Thiền khách hỏi: Tọa chủ được mấy hạ? Sư thưa: Mười hạ. 

Ngài thưa 10 hạ, tức là đã thọ Tỳ-kheo 10 năm. Giới lạp cở đó không phải nhỏ đâu. Vậy mà thiền khách hỏi: Đã từng xuất gia chưa? Thầy này mới lạ. Đã mười hạ rồi mà hỏi xuất gia chưa. Sư mờ mịt. Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham học với Mã Tổ. 

Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến Bá Trượng Hoài Hải. Bấy giờ ngôi sao độc chiếu ở vùng trời Trung Hoa là đạo tràng của thiền sư Bá Trượng nơi có cả nghìn người, hai nghìn ngườ

Thiền sư Vô Ngôn Thông khi đến đạo tràng của tổ Bá Trượng đã là một Thượng tọa rồi, rất chững chạc trong giờ học pháp. Nhân vị tăng hỏi, Hòa thượng đường đầu trả lời: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu. Ngang đây ngài ngộ đạo. Tâm không có vọng tưởng thì trí tuệ hiển hiện, quá rõ ràng. Tuy nhiên, trải qua 10 năm tu học, thiền sư Vô Ngôn Thông mới nhận được ý chỉ này.

( trích đọan trong TS Việt Nam  )

  • Ngài Tịnh Không cũng thế...

........từng  được Vua khen,  bái phong là bậc danh Tăng.

 Nhưng một  hôm, có một vị Thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệuSư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.

 Gặp được Ngài Đạo Huệ liền tìm hiểu rốt ráo về yếu chỉ Thiền Tông và đã được triệt ngộ (Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm.) 

Từ bài kệ khi thương đường hội chúng của Thiền Sư Tịnh Không lại liên kết đến câu chuyện của Ngài Giáp Sơn Thiện Hội đệ tử nối pháp của Thiền Sư Đức Thành ( Hoa Đình Thuyền Tử một trong ba đệ tử ưu tú của Ngài Dược Sơn Duy Nghiễm ) 

Trên không miếng ngói che,

Dưới không đất cắm dùi.

Hoặc đổi áo thẳng đến,

Hoặc xách trượng mà đi.

Khoảng chuyển động xúc chạm,

Tợ rồng vẫy đớp mồi.

 

(Thượng vô phiến ngõa giá,

Hạ vô trác chùy địa.

Hoặc dịch phục trực nghệ,

Hoặc sách trượng nhi chí.

Chuyển động xúc xứ gian,

Tợ long dước thôn nhĩ.)

Theo tích sử ...Thiền Sư Thiện Hội cũng vậy, là người quyết tâm học đạo, đang  là một vị thầy thuyết pháp có đệ tử đông đảo thế mà ,  khi biết mình còn khuyết, từ địa vị một tọa chủ giám giải tán chúng, đổi y phục làm một thiền khách lang thang tìm thầy học đạo. 

Điều này minh chứng như lời HT Thích Thanh Từ thường chỉ dạy trong các lời bình "Người xưa học đạo chỉ để giải quyết vấn đề sanh tử, luân hồi không vì thứ gì khác. . Trong tất cả nỗi khổ của chúng sanh, cái khổ lớn nhất là khổ luân hồi sanh tử. Do mình si mê, lầm tạo nghiệp bị quả báo xoay chuyển trong vòng luân hồi. Vì cứ tạo nghiệp rồi thọ quả, thọ quả rồi tạo nghiệp, vay trả trả vay không dứt. Người tạo nghiệp nhân không tốt, thọ quả khổ cũ chưa hết, lại tạo thêm nghiệp nhân xấu mới, cho nên khổ chồng lên khổ, rồi than trời trách đất.

Chư Phật, Bồ-tát vì thấy chúng sanh khổ như thế, nên các ngài thị hiện ra đời, chỉ dạy chúng ta phương pháp tu tập để thoát khỏi những nỗi khổ đó. Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói mục đích chư Phật ra đời là vì khai thị cho chúng sanh thấy biết, nhận ra và sống được với tri kiến Phật của mình. Để làm gì? Để đừng tạo nghiệp, đừng tăm tối, hết khổ, giải thoát." 

Thay lời kết, một lần nữa kính  xin tiếp tuc mượn lời dạy của Đại Trưởng Lão HT Thích Thanh Từ như sau :

 " Thần cơ diệu dược của chư Tổ phi thường, người đem tâm hẹp hòi, hiểu biết cạn cợt mà so lường làm sao hiểu nổi. Với người căn khí đại thừa, chỉ một câu gợi ý là vùng nhảy vượt. Đúng là một nhảy, thẳng vào đất Như Lai." 

 Còn vướng mắc thế nào   cũng rơi vào cái thế bị cọc cột lừa. Đừng bị cuộc đời vào tình huống đó. Cho nên phải nuôi dưỡng khí phách, ý chí vượt thoát 

Người xuất gia phải là người có ý chí phi thường, tâm hình dị tục, nói được làm được như các thiền sư ngày xưa vậy. 

Người thông minh, nhớ giỏi mà thiếu tu chẳng qua chỉ là những cái cọc cột lừa mà thôi . Hãy  nêu cao ý chí xuất trần, mới bước vào được cửa thiền  chừng đó muốn nói gì thì nói, còn bây giờ xin hãy im lặng, mỗi vị tự xoay lại mình phản quan tự kỷ đi. 

Nhờ học người xưa nên chúng ta nhớ lại rồi thấm. Như yếu chỉ xuất thế của ngài Thiện Hội là gì? .  .....

Chúng ta đủ duyên được học một loạt hành trạng của các thiền sư. Đó là những bước nhảy thượng phương, để thoát ly ra khỏi trần lao sanh tử, được giác ngộ giải thoát. 

Thật ra lời dạy thấu triệt của chư Phật, chư Tổ là những lời rất giản dị. Yếu chỉ của các bộ kinh lớn như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Niết-bàn… cũng không nói gì hơn ngoài việc chư Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng sanh nhận hiểu Phật tri kiến, tu chứng Phật tri kiến. Chừng đó thôi. Người kế thừa tiếp tục giảng từ đời này qua đời kia cũng chỉ tri kiến Phật. Tri kiến Phật của ai? Tri kiến Phật của mình, chứ không phải của Phật.

Yếu chỉ của kinh Niết-bàn là gì? Chỉ Phật tánh là cái bất sanh bất diệt của chúng ta. Thân này sẽ bại hoại nhưng còn có cái không bại hoại. Giản dị quá. Chúng ta nắm một yếu chỉ rồi đào xới riết cũng xong thôi. 

Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói gì? Phật dẫn từ nhân duyên mê muội nên chúng sanh bị vướng mắc trong trần lao sanh tử, bây giờ chỉ ra tâm thể rỗng rang sáng suốt nơi mỗi người, hãy nhận và sống với nó thì ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai cũng có sẵn cái bản tịnh minh thể, diệu tịnh minh tâm, nó hằng hữu bất sanh bất diệt. Khi nhận ra cái đó rồi, tôn giả A-nan phát nguyện: xin chư Phật mười phương chứng minh gia bị cho, con nguyện độ hết tất cả chúng sanh khổ não, sau đó con mới thành Phật. Vĩ đại chưa? Chứ không phải cho con đăng ký thành Phật trước, rồi sau mới đến chúng sanh đâu.

Kinh Lăng-già nói về thức và tâm. Chúng ta sống theo thức thì phân biệt vọng trần điên đảo, sống được với tâm thể thì an ổn, thanh tịnh, giải thoát. Chỉ vậy thôi. Với thiền sư thì nhanh hơn, thộp cổ bảo “nói”, mà nói thì bị đánh. Gật đầu cho xong. "

 Thật chí lý   ....Thật thậm thâm.  

Kính trân trọng 

 

Kính ngưỡng Thiền Sư Tịnh Không, 

......Đệ tử nối pháp Minh Sư Đạo Huệ (1) 

Đến Sùng Phước xuất gia rồi Khai Quốc trụ trì (2) 

Sáu năm hạnh đầu đà, rất đại lượng...

........." Tự do cứ lấy đi " (3) 

Tiết tháo, tự tại  thong dong ...

....... "Danh Tăng" Vua ban tặng !(4) 



 Kính đa tạ Giảng Sư chỉ rõ ...

Vượt ngã, pháp chấp ...cửa Đạo tiến thẳng ! 

Mọi con đường phải hướng đến Bất Nhị Pháp môn 

Bản kinh Duy Ma Cật sở thuyết ...im bặt ngữ  ngôn 

Câu chuyện Thiền Sư Thiện Hội triệt ngộ ...minh chứng (5) 

 

 ...Kính tri ân Giảng Sư ..truyền trao đại dụng !!!

Đạo là gì ! Ngộ là gì ? Cái sẵn có của riêng mình 

Đối đáp giữa Sư Tịnh Không và các tăng sinh (6) 

Thể tánh tịnh minh hằng hữu ...khéo tự lo gìn giữ (7) 



 Tổ Sư thiền, Như Lai Thiền phải nên trân quý 

Chỉ là ...luôn chánh niệm từng mỗi sát na 

Vén màn vô minh  ...thường quên nay nhớ ...Nhận ra 

CÁI CHỖ BIẾT KHÔNG PHẢI CHỖ CỦA TAI MẮT(8) 



Đạt được Phật Tánh....cơ duyên   kỳ đặc ) (9) 

"Trong cái thấy chỉ là cái thấy "...tự nhắc lòng 

Mặt trời tự chiếu khi tâm địa nhược không (10) 

Bình thường Tâm thị đạo, nhật nguyệt trùm khắp !(11) 



Nam Mô Thiền Sư Tịnh Không tác đại chứng minh .



Huệ Hương 

Melbourne 14/10/2021 

 
 

 

Chú thích :

(1) 

Một hôm, có một vị Thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệuSư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.

Đến nơi Sư hỏi Đạo Huệ:

- Nơi này có tông chỉ Thiền tông chăng?

 

Đạo Huệ đáp:

- Nơi đây tông chỉ chẳng phải không, nhưng Xà-lê làm sao đảm nhận?

Sư suy nghĩ trả lời. Đạo Huệ nạt: 

- Ngay trước mặt đã lầm qua rồi!

 

Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm.

(2)  Thiền sư Tịnh Không gốc Người Trung Hoa, họ Ngô, quê ở Phúc Châu, sanh năm 1091, tịch năm 1170, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. 

. Ban đầu đến viện Sùng Phước trong bản châu xuất gia và thọ giới Cụ túc.

Năm ba mươi tuổi, Sư đi hành cước phương Nam đến chùa Khai Quốc, phủ Thiên Đức dừng lại trụ trì. 

(3) Khoảng năm sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà, ngày chỉ dùng một ít đậu, một ít mè, ngồi hoài không ngủ. Mỗi khi Sư nhập định đến nhiều ngày mới xuất. Đàn thí bốn phương đem lễ vật cúng dườngchất cao như núi. Những kẻ gian đến rình mò, Sư trông thấy bảo: “Tự do lấy đi.”

(4) Bà công chúa Nam Khương ý muốn xuất gia, sắp soạn lễ vật định xin xuống tóc. 

Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư vào triều. 

Vào đến cửa khuyết, thần sắc Sư vẫn bình thường, 

Vua thấy thế càng thêm kính nể, bái phong là bậc danh Tăng.

 (5) Từ hai câu đầu tiên trong bài kệ Khi thượng đường Sư dạy chúng 

           Thượng vô phiến ngõa giá,

            Hạ vô trác chùy địa.

            Hoặc dịch phục trực nghệ,

            Hoặc sách trượng nhi chí.

            Chuyển động xúc xứ gian.

            Tợ long dước thôn nhĩ.

Dịch :

            Trên không mếng ngói che,

            Dưới không đất cắm dùi.

            Hoặc đổi áo thẳng đến,

            Hoặc xách trượng mà đi.

            Khoảng chuyển động xúc chạm.

            Tợ rồng vẫy đớp mồi.

Dẫn đến câu chuyện của Ngài  Giáp  Sơn Thiện Hội đắc pháp với Hoa Đình Thuyền Tử ( TS Đức Thành ) 

Hoa Đình Thuyền Tử là tên của thiền sư Đức Thành. 

Thiền sư Đức Thành cùng Vân Nham Đàm Thạnh, Đạo Ngô Viên Trí là bạn đồng học thâm giao. ( ba đệ tử của Ngài Dược Sơn )

Khi rời Dược Sơn Sư bảo hai bạn :

Hai huynh mỗi người sẽ ở một nơi để dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú. Ngày sau hai huynh biết tôi ở đâu, giới thiệu cho một người, tôi sẽ đem chuyện bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ơn của tiên sư.

Chia tay nhau, Sư đến Tú Châu, sông Ngô, Bến Hoa Đình làm người chèo đò tùy duyên độ nhật. Người thời ấy gọi Sư là Thuyền Tử Hòa Thượng

Sau này, thiền sư Viên Trí, Đạo Ngô có dịp đi đến Kinh Khẩu, gặp lúc Sư Thiện Hội thượng đường. 

Có vị tăng hỏi : “Thế nào là pháp thân ?” Thiện Hội đáp : “Pháp thân không tướng”. Tăng hỏi : “Thế nào là pháp nhãn ?” Thiện Hội đáp : “Pháp nhãn không vết”. 

Viên Trí bất chợt phát cười.

Thiện Hội xuống tòa hỏi Viên Trí :

Tôi vừa đáp câu hỏi của tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy.

Viên Trí bảo :

Hòa Thượng nhất đẳng (bật nhất) là đúng, về phần xuất thế thì chưa có thầy.

Chỗ nào tôi không đúng, mong Thượng tọa vì tôi nói phá.

Tôi hoàn toàn không nói, mời Hòa Thượng đến Hoa Đình Thuyền Tử.

Người ấy như thế nào ?

Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi. 

Hòa Thượng muốn đi xin đổi y phục.

Thiện Hội bèn giải tán chúng, sửa sang hành lý, đi thẳng đến thiền sư Đức Thành.

Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:

- Đại đức trụ trì chùa nào?

Thiện Hội thưa:

- Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.

- Chẳng giống, giống cái gì?

- Chẳng pháp trước mắt.

- Ở đâu học được nó?

- Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến

thiền sư Đức Tành cười bảo : “

Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa. 

Thả ngàn thước tơ ở đầm sâu, lià lưỡi câu ba tất nói mau, nói mau”. 

Thiện Hội vừa mở miệng, thiền sư Đức Thành đánh một chèo té xuống nước. 

Thiện Hội vừa leo lên thuyền, thiền sư Đức Thành lại thúc : “Nói ! Nói!” 

Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị thiền sư Đức Thành đánh. 

Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ, bèn gật đầu ba cái.

Còn ngôn ngữ do ý nghĩ phát sinh là còn chưa thấy Tánh 

(6) 

Có vị Tăng đến hỏi:

- Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì?

 

Sư đáp:

- Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không

(Nhật nhật khứ hoạch hòa, 

Thì thì không thương lẫm.)

 

- Con chẳng hội.

Sư đáp 

- Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che. (

(Nhật nguyệt trường minh, 

   phù vân cái ấm.)

 

Sư nói kệ:

Người trí không ngộ đạo,

Ngộ đạo tức kẻ ngu.

Khách nằm thẳng duỗi chân,

Nào biết ngụy và chân.

 

(Trí nhân vô ngộ đạo,

Ngộ đạo tức ngu nhân.

Thân cước cao ngọa khách,

Hề thức ngụy kiêm chân.)

 HT Thích Thanh Từ thường nhắc đến Thể tánh Tịnh Mình trong kinh Lăng Nghiêm ....

Đạo là Thể tánh tịnh minh   Cái sẵn có của riêng mình đâu có gì được hay mất mà phải Ngộ Chỉ là từ lâu bị vô minh che lấp nên mình thường quên , nay nhờ có trí tuệ soi sáng đột nhiên nó hiển hiện lại ..gọi là Ngộ 

(7) Năm thứ tám niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1170) đời Lý Anh Tông, sắp tịch Sư từ giã chúng dặn:

- Các ngươi khéo tự gìn giữ như lúc ta còn, chớ nhiễm thế gian sanh ra quyến luyến.

 

Đến nửa đêm, Sư ngồi kiết-già mà tịch, thọ hơn tám mươi tuổi.

(8) Trích đọan đối đáp của thiền Sư Thiện Hội và Thiền Sư Đức Thành

Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:

- Đại đức trụ trì chùa nào?

Thiện Hội thưa:

- Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.

- Chẳng giống, giống cái gì?

- Chẳng pháp trước mắt.

- Ở đâu học được nó?

- Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến.

(9) 

- Ý Tổ và ý kinh là đồng là khác?

  • Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.

- Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?

 * Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi?

 (10) 

Đây là lời khai thị của Tổ Bách Trượng  cho một tăng sinh mà Ngài VÔ Ngôn Thông đã liễu ngộ 

(Thiền sư Vô Ngôn Thông khi đến đạo tràng của tổ Bá Trượng đã là một Thượng tọa rồi, rất chững chạc trong giờ học pháp. Nhân vị tăng hỏi, Hòa thượng đường đầu trả lời: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu. Ngang đây ngài ngộ đạo. Tâm không có vọng tưởng thì trí tuệ hiển hiện, quá rõ ràng.) 

(11)  Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật?

 Sư đáp:

- Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,

  Ai biết mây mù rơi núi sông.

  (Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,

  Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.)

 

- Thế nào hội được?

Sư đáp :

- Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,

  Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.

  (Mục đồng chí quán ngọa ngưu bối,

  Thổ hữu anh hùng khóa đắc y.)



youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/09/2024(Xem: 1154)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
21/09/2024(Xem: 1495)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
16/08/2024(Xem: 2241)
Video Books Kinh Trung Bộ, Trường Bộ & Ương Ưng Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu
07/03/2023(Xem: 4694)
Hạnh Phúc Trong Từng Hơi Thở (bài giảng của SC TN Giới Bảo)
07/03/2023(Xem: 3075)
Kinh Lương Hoàng Sám- S.C Giới Bảo Dẫn Chúng Trì Tụng Năng Lực Tiêu Trừ Nghiệp Chướng Lớn
23/12/2022(Xem: 18979)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
26/03/2022(Xem: 14730)
❝Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn, Không gì bằng trí tuệ của đời ta, Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà, Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả.❞ Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử Lịch Pháp thoại và khóa tu tại Hoa Kỳ trong tháng 4 và tháng 5-2022 với sự hướng dẫn của Tỳ kheo Như Nhiên. Th Tánh Tuệ CHƯƠNG TRÌNH HAI NGÀY TU HỌC tại Tu viện Đạo Viên tiểu bang Maryland Khóa tu chủ đề: TIẾP XÚC VỚI THỰC TẠI. Với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ California, Thầy Viên Ngộ trụ trì Tu Viện Đạo Viên, Maryland và Thầy Tâm Nguyên trụ trì Tu Viện Hạnh Phúc, Florida. Tu học hai ngày thứ Bảy & Chủ nhật (April 09 & 10, 2022) và ngắm Hoa Anh Đào vùng thủ độ Hoa Thịnh Đốn vào ngày thứ hai sau khóa tu.
07/02/2022(Xem: 21140)
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
01/02/2022(Xem: 35166)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
09/12/2021(Xem: 21178)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com