Nam mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo. Ngài thuộc đời thứ 16 sau Lục Tổ Huệ Năng, và cũng là Tổ thứ 12 của Tông Phái Lâm Tế.
Ngài là đệ tử đắc pháp của Thiền Sư Viên Ngộ Khắc Cần Phật Quả và là sư huynh của thiền sư Hổ Khưu Thiệu Long. Hai ngài Hổ Khưu Thiệu Long và Viên Ngộ Khắc Cần đồng là Tổ thứ 12.
Ngài Tông Cảo có ba tên, Tông Cảo là pháp danh, Đại Huệ là pháp hiệu do vua ban và Diệu Hỷ cũng là 1 đạo hiệu do Vua viết tặng trước tịnh thất của Ngài trên núi Cảnh Sơn.
Thiền sư Đại Huệ nổi tiếng trong tùng lâm là người đã đốt quyển Bích Nham Lục của sư phụ Viên Ngộ Khắc Cần. Ngài đốt với mục đích để cảnh cáo chúng đệ tử chỉ lo tầm chương khảo cứu. Ngài khuyến khích chúng đệ tử tập trung tất cả năng lực vào những công án để liễu ngộ, nhưng tuyệt đối không được dùng lí trí phân biệt phải trái và giải thích ngữ cú. Ngài có 94 đệ tử đắc pháp.
Sư quê ở Ninh Quốc, Tuyên Châu (nay là tỉnh An Huy) xuất gia năm 13 tuổi, thọ giới cụ túc năm 17 tuổi được đặc cách trước 3 năm.
Sư lên đường du phương tham học với nhiều thiền sư trước khi đến tu học với Thiền Sư Phần Đàm Văn Chuẩn. Ngài được TS Văn Chuẩn khen ngợi:" Dạy ông nói, cũng nói được, bảo ông làm cũng làm được, niêm cổ, tụng cổ, tiểu tham, phổ thuyết thảy được, chỉ có một sự kiện chẳng phải, ông có biết chăng?"
Sư thưa: - " con chưa biết là sự kiện gì?"
TS Văn Chuẩn bảo: " Ông chỉ thiếu một tiếng à! Vì thế khi nói thì có, khi chẳng nói liền không, khi vào phương trượng thì có, khi ra phương trượng liền không, khi tỉnh tỉnh thì có, khi ngủ mê liền không, làm sao địch được sanh tử? "
Sư thưa: - "Đó cũng chính là chỗ con nghi."
TS Văn Chuẩn bệnh nặng mà Sư chưa liễu ngộ nên giới thiệu Ngài đến cầu Pháp với Thiền Sư Viên Ngộ Khắc Cần.
Nên Ngài tự than rằng : " Đạo lý của Hòa thượng giống như con chó nhìn chảo mỡ nóng, muốn liếm lại liếm chẳng được, muốn bỏ lại bỏ chẳng được".
Một hôm TS Viên Ngộ kể lại câu chuyện ngài tham vấn nơi Ngũ Tổ Pháp Diễn. - Ta hỏi "có câu không câu như bìm nương cây" là thế nào ? Ngũ Tổ bảo: "tả cũng tả chẳng thành, vẽ cũng vẽ chẳng được". Ta lại hỏi: "chợt gặp cây ngã bìm khô thì thế nào", Ngũ Tổ bảo: "theo nhau lại vậy".
Sư nghe nhắc ngay đó liên đại ngộ, bèn nói: - "Con hội vậy".
Tiếp đó, Thiền sư Viên Ngộ đem các công án của chư Tổ ra để trắc nghiệm ngài, ngài Đại Huệ đối đáp không ngăn ngại, thiền sư Viên Ngộ khen và ấn chứng.
Sư Phụ giải thích ngài Đại Huệ ngộ chỗ cây ngả, dây bìm leo trên cây cũng bị khô chết theo. Ngài ngộ lý nhân duyên:
Cái này có thì cái kia có
Cái này không thì cái kia không
Cái này sanh thì cái kia sanh
Cái này diệt thì cái kia diệt
Ngài Đại Huệ ra hoằng pháp, có được 53 đệ tử và chưa đầy hai tháng có 13 đệ tử đắc pháp.
Ngài thượng đường khai thị: "còn mảy tơ buộc niệm là nghiệp nhân tam đồ, chợt vậy tình sanh là bao vây muôn kiếp, hiệu phàm danh thánh trọn là tiếng rỗng, tướng tốt hình xấu đều là sắc huyễn".
Sư phụ giải thích :
1- muốn thoát luân hồi sanh tử thì phải sạch sẽ niệm vọng tưởng
2-phải quán sát mọi âm thanh là "tiếng rỗng", không thật có, vì mỗi ngày chúng sanh bị đau khổ bởi những những tiếng khen, chê, chỉ trích bao vây, vốn không thật có mà chấp là có nên sanh ra đau khổ, tự hành hạ mình vì âm thanh nghe qua lỗ tai.
3-phải nhìn thấy mọi hình tướng là "sắc huyễn", vì ta đau khổ vì hình dáng đẹp, xấu, mọi hình tướng đều là dư báo của nghiệp quá khứ. Phải ráng tu. Tướng từ tâm sanh, tâm có tu từ bi, tu nhẫn nhục thì tướng bên ngoài sẽ dần dẫn thay đổi, tâm thay đổi thì tướng cũng sẽ thay đổi theo, cái này sanh thì cái kia sẽ sanh, không cần đi thẩm mỹ viện.
Ngài Đại Huệ nói đáng lẽ ngài không nói ra những điều trên vì giống như khoét vết thương trên thịt lành, nhưng vì chúng sanh vô minh nên Ngài phải nói.
Vào năm 1141, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 11, quan thị lang Trương Cửu Thành theo TS Đại Huệ học Thiền, tình cờ bàn luận với Ngài về tình hình triều chính đương thời. Bấy giờ tể tướng Tần Cối thao túng quyền lực trong triều đình, âm mưu nghị hòa với người Kim, còn Trương Cửu Thành thuộc phe chủ chiến trong triều đình. Tần Cối dùng quyền lực uy hiếp, tiêu diệt bất cứ những ai không cùng ý kiến với mình. Tần Cối bắt giam, xử tội Trương Cửu Thành, còn Sư vì giáo hóa Trương Cửu Thành nên bị Tần Cối gán tội bè đảng và bị tước pháp phục cà sa, chứng điệp và bị đày 10 năm đến Hành Dương, tỉnh Hồ Nam.
Dù bị đày đến nơi xa xôi nhưng ngài vẫn tiếp tục giáo hóa, người học vẫn quy tụ theo sư để tham học. Trong thời gian này ngài cũng soạn ra bộ Chính Pháp Nhãn Tạng gồm 6 quyển.
Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, sư có tài biện luận ít người sánh kịp, người tham vấn mỗi khi nghe sư giáo hóa liền khai ngộ, thông suốt bản tâm. Sư chủ trương đề xướng Thiền công án, thoại đầu; người học dựa vào đó để tham cứu, khởi nghi tình và cuối cùng đạt đến giác ngộ, kiến tánh.
Vào ngày 10 tháng 8 năm 1163, niên hiệu Long Hưng năm đầu, Ngài gọi đồ chúng đến căn dặn rồi thị tịch, thị giả xin sư phụ viết kệ. Sư bảo: " Không có kệ thì không chết được sao?" rồi cầm bút viết:
Sinh cũng chỉ thế ấy
Tử cũng chỉ thế ấy
Viết kệ cùng không kệ
Có gì là quan trọng.
Viết xong, Sư ném bút , ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ thế 75 tuổi, 58 tuổi hạ, vua sắc phong thụy hiệu là Phổ Giác Thiền sư.
Tác phẩm của Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo gồm có:
1/Chính Pháp Nhãn Tạng (6 quyển): gồm khoảng 100 công án và có thêm lời bình phẩm của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo
2/Đại Huệ Thiền sư Ngữ Lục (30 quyển): lời dạy của Ngài và do đệ tử là Thiền sư Tuyết Phong Uẩn Văn ghi chép lại
3/Đại Huệ Tông Môn Vũ Khố (1 quyển): do đệ tử nối pháp là Thiền sư Văn Thiện Đạo Khiêm ghi chép những pháp ngữ của TS Đại Huệ.
Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Đại Huệ do Hoà Thượng Hư Vân viết và HT Minh Cảnh dịch Việt như sau:
Gần gũi bạn lành trí tuệ sinh
Mở mạng huệ như bóng trăng in
Tam tâm chẳng được nào đi đến
Tứ tướng rỗng rằng há tử sinh
Năm uẩn giả danh ngời Bát Nhã
Sáu căn hỗ dụng quỷ thần kinh
Không ngờ gặp phải lời sàm tấu
May rủi xưa nay việc thế tình
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban cho bài pháp về Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo, Ngài xuất gia lúc còn trẻ và được đặc cách thọ giới sớm 3 năm. Cuộc đời của Ngài đầy dũng lực, tuy trải qua lúc đại nạn, Ngài vẫn an nhiên giáo hoá đồ chúng hơn 100 vị theo học, và Ngài để lại cho đời những tác phẩm quý giá lưu truyền khắp nơi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Triệt ngộ nhờ công án “ hữu cú vô cú,
như tầm dựa cây, khi tầm khô cây ngã thì thế nào ? “.
Làm sao diễn tả hành trạng bậc đại nhân trí tuệ !
Hoàng đế Hiếu Tông khi còn làm Phổ An Quận vương nghe danh Sư, sai Nội đô giám đến Cảnh Sơn yết kiến Sư làm bài kệ dâng vua: "Đại căn đại khí đại lực lượng, Gánh vác đại sự chẳng tầm thường, Trên đầu sợi lông thông tin tức, Khăp cõi sáng ngời chẳng giấu che. "Vua xem rất vui. Ở Kiến Đề nhà vua sai Nội tri khách thỉnh Sư trong núi vì chúng nói pháp. Chính tay vua viết hai chữ Diệu Hỷ to tại am của Sư, và làm bài tán cho Sư: “Sanh diệt chẳng diệt,thường trụ chẳng trụ. Viên giác sáng không, tùy vật chỗ hiện.” Hai năm sau, vua lên ngôi liền ban hiệu Sư là Đại Huệ Thiền sư.
**
Theo của Thiền của Tổ Sư, bày đặt dùng văn chương biện tài chẳng những chôn vùi truyền thống Thiền Tông mà đó là kham đền cái ơn chẳng đền, cùng giúp giáo hóa vô vi. Nếu không, hành ngược lệnh này vậy. : Ngang chân Mạc Da toàn chánh lệnh, thái bình hoàn vũ chém ngu si
***
Gần gũi bạn lành trí tuệ sinh
Mở mang huệ nhãn bóng trăng in
Tam tâm chẳng được nào đi đến
Tứ tướng rỗng rang há tử sinh
Năm uẩn giả danh ngời Bát Nhã
Sáu căn hỗ dụng quỷ thần kinh
Không ngờ gặp phải lời sàm tấu
May rủi xưa nay việc thế tình.
(Bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163)
Hòa Thượng Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch Việt
****Tác phẩm có:
Đại Huệ Ngữ lục, Chính pháp nhãn tạng gồm 6 quyển và Đại Huệ Tông môn vũ khố. Riêng bộ Đại Huệ Ngữ Lục này phổ biến rộng rãi. Các vị thiền tăng, cư sĩ đời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ,... đều chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Thiền phái Lâm Tế và bộ Đại Huệ Tông Cảo Thiền sư Ngữ Lục, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng phát triển và hình thành dựa trên tư tưởng của Đại Huệ Ngữ Lục.
££
- Thượng-tọa Cảo ! Thiền ta ở đây ngươi đều hiểu được, bảo ngươi nói cũng nói được, bảo ngươi làm bài tụng hoặc tiểu tham phổ thuyết ngươi cũng làm được, chỉ có một việc còn chưa được, ngươi biết chăng ?
Sư hỏi : Việc gì ?
Đường nói : Ngươi chỉ thiếu một tiếng ' À "Nếu ngươi chẳng được tiếng ''À" này, khi nói chuyện trong phòng ta thì có thiền, khi ra khỏi thì hết, khi thức tỉnh thì có thiền, vừa mới ngủ liền hết. Nếu như thế làm sao địch với sanh tử được ?
Sư nói : Chỗ này chính là chỗ nghi của tôi đây.
Khi Văn Chuẩn sắp tịch, Sư hỏi : Sau khi Hòa-thượng tịch, tôi phải theo ai mới có thể liễu được việc lớn này ?
Văn Chuẩn nói : Có ông Khắc Cần, tôi dù không biết ông ấy nhưng ngươi ắt phải y chỉ ông ấy mới có thể liễu được việc của ngươi.
£££
Năm Thiệu hưng 11 (1141), quan Thị lang Trương Cửu Thành làm trong triều đến chùa Năng nhân theo sư tu Thiền, tình cờ bàn luận việc chính trị của triều đình. Bấy giờ Tần cối nắm quyền, âm mưu nghị hòa với người Kim, còn Trương Cửu Thành thì thuộc phe chủ chiến trong triều. Tần cối dùng uy quyền thao túng, tiêu diệt bất cứ ai không đồng ý kiến với mình, sư cũng không được miễn trừ.
£££££. Sư dạy chúng: “Điên đảo tưởng sanh, sanh tử nối, điên đảo tưởng diệt, sanh tử dứt, chỗ sanh tử dứt Niết-bàn không, chỗ Niết-bàn không trong mắt bụi.” Niết-bàn đã không, nói cái gì trong mắt bụi? “
Mây trắng chợt về che núi biếc,
trăng trong khó bảo xuống trời xanh.”
***