Bài viết của HT Thích Bảo Lạc
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Sáng nghe chim ca hót
Quen thuộc tiếng gọi mời
Vừng hồng vừa ló dạng
Ngày mới rạng tinh khôi.
(Sông Thu)
1/Duyên khởi:
Cây danh mộc gumtree là đặc sản của Úc có nhiều loại như ta thường biết qua cây khuynh diệp, vì giống cây này đã được biến chế thành, dầu khuynh diệp trị cảm mạo hiệu quả. Chúng thường mọc tự nhiên thành rừng thiên nhiên, thân to cao, có loại vạm vỡ oai phong như lực sỹ trên võ đài, cho bóng mát cùng nhiều công dụng khác như xay thành bột chế tạo giấy các loại đa dụng, cũng như dùng làm cột trụ giăng dây điện trong nhiều thập niên qua, và đồng thời cũng là thức ăn ưa thích của loài mối (termites) nên con người hơi ngán mấy “ông thần nước mặn” này lắm. Từ này tự chế ám chỉ loài côn trùng bé nhỏ hay cắn phá làm hại hoa màu của giới nhà nông dãi dầu một nắng hai sương như chuột, chim, châu chấu, sâu rầy… cũng để gán cho những kẻ ngang bướng đều bị dán nhãn hiệu đó.
Ở Thiền Lâm Pháp Bảo cạnh công viên quốc gia National Park rộng lớn bạt ngàn trãi dài cả trăm cây số từ Wollondilly tới Wallacia – Winsor qua Blue Mountains vẫn chưa hết rừng khuynh diệp đủ loại, nhiều màu. Chúng sống qua nhiều đời nên chọn nơi này làm quê hương, và cũng không muốn di sang xứ khác, vì biết đâu không hợp phong thổ, khí hậu. Có điều là loại mối (termites) rất ưa thích loại cây thơm mùi dầu này, chúng chẳng cần dụng cụ chi, mà chỉ cần 2 răng cửa bén nhọn, cứ rỉ rả nhấm mỗi ngày một chút, lâu dần cũng khiến cho loại cây to lớn lâu năm cũng phải thua cuộc chết đứng khô khốc, khiến ta phải đốn hạ cho đẹp cảnh quang chung quanh.
Quan sát kỹ thuật đốn cây qua những công đoạn: trước phải cắt nhánh để khỏi bị vướng cho dễ hạ phần thân chính, cũng như để tránh sự bất cẩn rủi ro có thể xảy ra cho người và vật. Đốn hạ thân cây là phần quan trọng, người đốn phải cẩn thận trước khi đặt lưỡi cưa vào vị trí định trước. Không cưa sát gốc mà chừa lại khoảng 1 mét để xử lý phần rễ bám sâu dưới đất, lúc lưỡi cưa ngốn tới hai phần ba thân cây hẳn dừng lại xem, nếu thấy cây rung rinh sắp ngã thì buộc dây để hai người giật xuống. trong trường hợp gặp cây lõi (ròng) chắc, lưỡi cưa ăn phập sâu gần giáp mí mà cây vẫn cứ trơ trơ thời phải cưa thêm mới xô ngã. Phần cuối tuy không nguy hiểm nhưng cũng khá nhọc công là đào bứng gốc rễ cây, nếu chỗ đất ấy người ta cần xử dụng. Cũng như nhổ cỏ phải nhổ cho sạch tận gốc mới trừ dứt điểm
2/Các loại phiền não:
Sanh ra đời con người ai cũng khát vọng có được hạnh phúc, nhưng đạt tới hay không không có chuẩn mực, không chung cục. Bởi lòng tham thì vô hạn, còn đích nhắm có giới hạn, đem cái hữu hạn đặt vào cái vô hạn là không thực tế, chẳng khác vác muối bỏ biển như con dã tràng xây cát uổng công. Bởi tham sinh ra nhiều phiền não chi mạt đan xen chằng chịt mà muốn dứt trừ quả thật không đơn giản chút nào… Chúng cũng giống những cây cổ thụ lâu năm khó lòng bứng gốc rễ nhúc nhích lên nổi, nếu như dễ duôi không có kế hoạch hay thiếu chuẩn bị, đó là chưa nói ta hay tự phụ xem thường, nên không đề phòng cẩn trọng.
Bộ mặt thật của phiền não là vô minh, do vô minh đi đêm với tham ái hòa hợp mà sinh ra ta, cho nên anh ta được ví là cha, còn nàng tham ái được ví là mẹ, như Thiên Thai tứ giáo nghi (Thiên Thai tông) vinh danh đôi trai tài, gái sắc này một cách ưu ái rằng “Vĩnh biệt Cha Mẹ vô minh, rốt ráo lên đỉnh núi Niết Bàn” (Phật Quang Đại Từ Điển). Thật ra, vô minh là tên chung của tất cả phiền não gồm có 2 chi: căn bản phiền não và tùy phiền não. Căn bản phiền não gồm 6 loại: tham, sân, mạn, vô minh, ái (si), nghi.
Theo định nghĩa vô minh là không thấy biết một cách đúng như thật, tức trạng thái tinh thần mờ tối đối với sự vật, không thông suốt chân lý và không thể lý giải rõ ràng sự tướng hoặc đạo lý; nói cách khác là không thấu, không hiểu, không rõ, lấy ngu si làm tự tướng, chỉ chung cho vô trí, ngu muội, đặc biệt chỉ cho nhận thức thế tục không hiểu được đạo lý Phật Giáo, là 1 trong 12 nhân duyên. Phiền não theo Duy Thức thuật ký định nghĩa: phiền là rối rắm, não là lộn xộn. Quấy phá rối rắm loài hữu tình nên gọi là phiền não, chúng chính là phần tử quấy rối tâm lý của chúng ta, có thể làm cho ta cảm thấy phiền phức, buồn rầu bực dọc. Tại sao 6 loại phiền não này là căn bản? Vì chính chúng tạo ra muôn vàn tội ác như sát, đạo, dâm, vọng v.v… đều do chúng phát động và tạo thành nên gọi là căn bản.
Tùy phiền não có 20 loại: phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Thế nào là tùy phiền não? Luận Câu Xá quyển 21 nói: tùy phiền não là những phiền não đều chạy theo tâm. Vì sự bức xúc, loạn động của phiền não làm cho tâm không lìa xa nhiễm ô, làm cho tâm không dứt trừ chướng ngại, nên gọi là tùy phiền não. Tùy phiền não có 3 dạng: Tiểu, Trung, Đại; tiểu phiền não (10 loại: phẫn, hận, phú… kiêu) có hình tướng thô kệch, mạnh bạo, mỗi thứ tự là chủ lấy, không tương dung nhau. Chỉ có tâm bất thiện thì mỗi thứ khởi riêng, nếu cùng sanh một lúc thì ắt không có lần thứ hai, nên gọi Tiểu, Trung phiền não gồm 2 loại: vô tàm, vô quí, là tự loại cùng khởi lên, chỉ riêng tánh bất thiện không đi cùng hữu phú vô ký. Tánh nó nhiễm ô mà thể nó yếu ớt, không đủ sức chiêu cảm quả khổ nên gọi là Hữu phú vô ký, như cùng sanh ra chấp ngã và pháp, tức là thức thứ bảy. Đại Tùy Phiền Não (8 loại: trạo cử, hôn trầm… bất chánh tri) là tự loại cùng khởi lên, có khắp cả 2 loại nhiễm tâm bất thiện và hữu phú vô ký, phạm vi rất lớn nên gọi là Đại Tùy (Bách Pháp Minh Môn luận)
Vô Minh là tánh, đối với lý, sự sai lầm, tối tăm, làm cho con người thấy mà không sáng, nghe mà không rõ, suy nghĩ mà không thông (theo Bách Pháp trực giải). Duy Thức Tâm yếu quyển 6 nói: độc đầu vô minh mê mờ đối với nhiều đế lý (tứ đế) và chân lý, sự tướng (Luận Đại thừa 100 pháp). Độc đầu vô minh cũng gọi là mê lý vô minh. Mê lầm 2 lý không về ngã và pháp. Đây là căn bản vô minh. Tương ưng vô minh cũng gọi là mê sự vô minh, mê sự tướng của năm dục, sáu trần. đây là phiền não kiến, tư (kiến hoặc, tư hoặc) khởi lên do chúng sanh thấy lầm muôn pháp là thật có. Đó là chi mạt vô minh.
Kinh Bát Đại Nhân Giác điều thứ năm nói, vì ngu si, nên phải chịu sinh tử mà ngu si là vô minh. Kinh cũng giải rõ có thể xem vô minh là nhân, sanh tử là quả. Chúng sanh sống chết biết bao nhiêu lần đều do vô minh cả. Diễn theo thể văn vần:
Điều thứ năm: nằm lòng giác biết
Vì ngu si muôn kiếp tử sanh
Bồ Tát phát nguyện tu hành
Nghe nhiều học rộng pháp lành Như lai
Để tăng trưởng gia tài trí tuệ
Và tựu thành xuất thế biện tài
Giảng kinh giáo hóa muôn loài
Cho niềm vui lớn, cùng ngồi tòa sen.
(Kinh tụng hàng ngày)
Sinh tử gồm hai phần: phần đoạn sanh tử và biến dịch sinh tử. Phần đoạn được hiểu là “Cái gì hữu hình thì phải chịu sự ma sát của những cái hữu hình khác, và ma sát sẽ đưa đến huỷ diệt. Hữu hình thì vốn hữu hoại, cho nên chỉ những gì là vô hình mới có thể vượt ra ngoài những ma sát và hủy diệt ấy”. Những gì vô hình đã tồn tại trong một thế giới tịch nhiên bất động, vô vi vô tác. Chỉ nơi đó mới thực sự là thế giới của hạnh phúc. Cho nên khát vọng của con người từ đó là hướng về một thiên đường vĩnh viễn, là hướng về một thế giới vượt ngoài sự sống và sự chết, trong đó đời sống không phải là sự tụ tập của bốn đại giả hợp, tụ tập của tất cả mọi thống khổ thể chất và tinh thần? Đó là phần đoạn sinh tử như Thắng Man phu nhân quan niệm. Sống với chết trong thực trạng là sự tụ tập và tan rã của các thủ uẩn, của những vật chất ô nhiễm và dòng sinh mạng tiếp nối nương vào đó mà hoạt động, như A La Hán, Duyên Giác và Bồ Tát là những vị đã giải thoát khỏi các khổ của phần đoạn sinh tử này. Thế còn một nỗi khổ vi tế là biến dịch sinh tử, vấn đề không còn trong phạm vi của bản thân, gia đình, giòng họ hay cộng đồng xã hội… thì tính chất thời gian chỉ quan hệ trong thời gian giới hạn, còn ở đây phạm vi trong một dân tộc hay của thế giới, theo Tuệ Sỹ thì giới hạn của thời gian sẽ là giới hạn của tận cùng của thế giới này” (Kinh Thắng Man Chương 6: Cứu cánh của Bồ Tát đạo do Tuệ Sỹ giảng luận). Cũng với quan niệm đó, “Đại Bồ Tát với sức mạnh của đại từ bi, không còn thấy sự tồn tại của một bản ngã cá biệt của mình nữa và do đó không còn tiếp thu những nổi khổ ảnh hưởng trên bản thân cá biệt của mình nữa”. (sđd) Cũng như quốc sư Phù Vân khuyên vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vua trốn lên núi Yên Tử (1236) vào chùa Vân Yên, xin quốc sư Phù Vân, xuất gia. Sư bảo: “Lão Tăng ở vùng rừng núi hoang dã đã lâu, xương cứng, thân thể gầy gò, ăn rau quả, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng đã nhẹ như đám mây nổi, nên mới theo gió vào đây. Nay bệ hạ đã ở địa vị nhân chủ phải lấy cái tâm chúng sanh làm cái tâm của mình”, thì cũng vậy, Bồ Tát không thấy có nổi khổ riêng biệt của mình ngoài thống khổ của tất cả chúng sanh. Cũng như Bồ Tát Địa Tạng (Ksitigarbha-Ph) thệ nguyện rằng, chừng nào ở địa ngục không còn có chúng sanh đọa lạc Ngài mới thành chánh giác. Vấn đề độ sanh liên hệ tới đại bi tâm, ở ngay trong hai nguyện đầu trong bốn đại nguyện của Bồ Tát ghi rõ:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Chúng sanh không chỉ ở một quốc độ mà phân bố khắp cả ba nghìn quốc độ hay theo danh từ Phật học chuyên môn là tam thiên đại thiên thế giới. Chỉ trong thế giới Ta Bà như của chúng ta đây tính riêng loài người hiện nay đã lên tới hơn bảy tỷ. Ngoài ra, còn những loài súc sanh như trâu bò, heo chó, dê ngựa… là vô số. Đó là chưa tính tới những loài đẻ trứng, loài trùng nơi ẩm thấp, loài hóa sanh: kiến, sâu, bướm, muỗi mòng v.v… mà cho tới nay chưa ai làm thống kê cụ thể. Bằng ngần ấy số chúng sanh mà độ hết thì may ra phiền não cao ngất như núi Tu Di kia mới có thể đoạn trừ. Tánh vô biên là đứng về mặt thời gian mà nói theo cách ước lệ cho ta tưởng tượng rộng lớn như hư không, còn bản chất của phiền não như đã nói là vô tận, không biết đâu là ngằn mé để phân định cho chính xác. Vì thế Kinh không nói là dứt sạch phiền não mà chỉ nói diệt trừ chúng trong chừng mực theo khả năng cũng như trình độ của từng đối tượng tu tập.
Vốn tự thân phiền não đã là phức tạp làm cho nhiều người đau khổ vì chúng, lại thêm đa dạng đủ khiến chúng ta sợ hãi, tránh né không chạm mặt với nhưng hay đối đầu thường xuyên như món oan trái khó mong dứt bỏ.
3/Phương pháp đối trị:
Tham ái là căn bản sanh tử của chúng sanh. Muôn cảnh đều không thì vạn duyên vắng lặng, nhất niệm tự thành. Nhất niệm thành thì mọi vướng mắc ái dục đều chấm dứt. Kinh Lăng Già nói: vô minh là cha, tham ái là mẹ, hai cái hòa hợp nhất định chiêu cảm quả khổ sanh tử. Theo lời Phật dạy, chúng sanh ngu si phải tu quán nhân duyên. Quán muôn pháp do duyên sanh tự có chỗ nhập. Như Kinh Kim Cang nói: tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, ảo ảnh, bọt nước, bóng mờ, sương mai, lằn chớp, người tu nên quán các pháp như thế. Quán các pháp đều hư dối không thật, thậm chí không có được một cái gì hết. Nếu tâm này thấu suốt tất cả mọi pháp chỉ vì duyên đủ thì ảo tuởng sanh khởi hiện hành. Chứ thật ra, sanh tức là vô sanh. Mọi lúc, mọi nơi quán sát, tĩnh thức, sáng tỏ như vậy thì ắt có công đức không thể nghĩ bàn. Nếu lãnh hội được tướng của các pháp là không tức liền đi vào được tướng không của vạn pháp. Khi tướng đã không thì tánh tự nhiên hiển bày. Bởi có tướng nên muôn pháp sai khác, nếu như không tướng thì pháp nhất như. Vì các pháp nhất như tức là tánh sáng hiển lộ. Tánh sáng hiển lộ tức là vô minh đã sáng tỏ. Kỳ thật, vô minh chưa hẳn đã dứt hết, chưa chắc cùng với Như Như bất động khế hợp, nhưng Trí và Lý khế hợp. Thế nên, chúng sanh muốn đối trị với vô minh thì phải hồi quang phản chiếu theo như lời Phật và Tổ dạy. Chỉ đơn cử một vài cách đối trị để ứng dụng, và tiếp theo sau là những vần thơ tóm lược:
Căn bản phiền não
Căn bản phiền não bẩm sinh
Theo ta như bóng với hình sánh đôi
Đầu thai chuyển kiếp luân hồi
Thoát vòng tăm tối chào đời hài nhi
Mang theo đủ tham sân si
tập nhiễm quen những đoạn nghi ác kiến
sáu hung thần khó điều khiển
khi ẩn tàng, lúc hiển hiện bốn bề
Tham lam tật xấu đáng chê
của người vẫn muốn gom về cho ta
Đối lại bố thí ban ra
trừ dứt tham muốn món quà khiết thanh
sân giận thiêu hủy pháp hành
thù ghét, căm tức khiến sanh bực mình
gây nhiều tội lỗi phát sanh
luôn luôn thúc giục đấu tranh ngang tàng
lo lắng nhiều nổi bất an
nhẫn nhục trị dứt hảo toàn hòa vui
si mê dầy dật chết người
muội ngu, ngốc nghếch rối bời lòng bong
đúng sai chẳng biết biệt phân
chánh tà, phải quấy khó mòng trắng đen
kết nên tâm trạng đảo điên
tin theo tả đạo bàng môn phát cuồng
pháp học giải thoát ba môn
Giới Định Huệ trí chánh chơn cần hành
Mạn là khinh mạn huyênh hoang
Thái độ hống hách xem thường chung quanh
Xem người “mục hạ vô nhân”
Ỷ mình tài đức dưới trần không ai
cậy quyền thế với tiền tài
sức mình yếu kém ngang vai sánh người
mong ai lấy chín bỏ mười
ngã mạn căn bệnh kịp thời lánh xa
nghi thật nguy hại cho ta
không tin nhân quả luân hồi trọng tâm
rằng pháp Phật thật thậm thâm
vòng ngoài theo dõi dò tầm mù tăm
nhân lành chẳng chịu bón chăm
đời đời kiếp kiếp ngấm ngầm hoài nghi
tu hành cẩn trọng xét suy
tin là cội gốc trừ nguy lạc lầm
Ác kiến năm món biệt phân
Thân kiến, biên kiến thêm phần tà kiến
Bao che bảo thủ nẩy mầm
kiến thủ bám giữ sai lầm riêng tư
không nghe chẳng chịu hành từ
dù ai khuyên giải ậm ừ chẳng tin
giới cấm thủ rào cản ngăn
tin điều mù quáng ấn hằn lý chân
tự phong hiển thánh làm thần
kêu mưa gọi gió phi thân thiên đàng
vô minh phiền não ràng ràng
gây nhân ác độc luân hoàn khổ đau.
(Thơ Sông Thu)
4/Chuyển vô minh thành giác ngộ
Như chim bị nhốt trong lồng được thả ra, chúng tung tăn bay lượn trong bầu trời tự do thoải mái, như cá bị rộng trong chậu nước cạn, chật hẹp thiếu độ thoáng để chúng vùng vẫy, được phóng thích trở về với sông hồ quen thuộc, chúng nhởn nhơ đua bơi thỏa thích. Cũng vậy, con người bị giam hãm trong ngục tù hữu lậu. vô minh từ nhiều kiếp, nay được mở trói tâm nhẹ hẩng như thêm đôi cánh, ung dung tự tại dường thiên thần thoát tục. cũng như không một vị trời nào không ca tụng Giác Ngộ như “một hoa sen bừng trên biển trí, không chút bợn phiền não, như vừng nhật đánh bạt hết bóng vọng tưởng, như vầng trăng dập tắt lửa tội lỗi nung đốt người đời” (Phật sở hành tán - Thế Thân). Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) có lý khi nhận định rằng: “Nếu giác ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép thì vô minh, khi chưa bị hàng phục, ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng, vì bổn chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược hẳn lại với Giác Ngộ, coi vô minh như một con số trí thức trong bài toán nhân duyên, rồi giải thích nó trong thế đối đãi của thời gian là hoàn toàn huỷ bỏ tính chất đệ nhất nhân duyên căn bản của nó trong chuỗi xích duyên khởi. Uy lực phi thường Phật tác động vào người đương thời cũng như đến hậu thế phải đâu do thuật biện tài xảo diệu và đanh thép của Phật, đành rằng không ai chối cãi diệu thuật ấy ở Phật, nhưng cốt yếu nhất, uy lực ấy có được là do tâm thể quảng đại và phong cách thâm diệu của Phật phát ra từ một đại hùng lực của ý chí phóng sâu vào tận đầu nguồn khai sáng, Phật thắng vô minh là do Phật thi triền hùng lực ấy, một ý chí vạn năng vậy, mà Ma Vương và đoàn ma quân đành thất bại tan tành trong mưu toan hoặc khuất lấp hoặc mê hoặc Phật. Không nắm được tinh nghĩa ấy của Vô Minh trong hệ thống duyên khởi hoặc tứ thánh đế chắc chắn sẽ ngộ nhận thực chất của Giác Ngộ, và do đó ngộ nhận luôn Phật Giáo”. Ở một đoạn khác, tác giả tập Thiền Luận I (D.T Suzuki) rất mẫn cảm dùng từ sắc nét truy phong cho 2 lực đối nghịch bằng từ thanh thoát” Hai ông bạn đồng hành, trong câu sau: “Trên đường cầu hiểu biết, vô minh theo liền kiến thức, khắc nghiệt như một định mạng, như bóng theo hình, không sao tách rời được hai ông bạn đồng hành ấy”. Thật cao khiết quá! Đẹp tuyệt vời! Ấy thế mới mới xứng công phu lao nhọc từ bấy lâu nay, tiêu hao nguồn năng lượng thì giờ đây cần nạp năng lượng mới cho một hành trình mới trên con đường hoằng hóa lợi lạc hữu tình.
5/Kết luận
Phần kết lúc nào cũng gây sự chú ý của nhiều người, nên theo lệ thường tác giả thêm vào mấy điểm mong làm vừa lòng độc giả:
- Như người ngủ vùi trong đêm dài u ám, nay giác ngộ được đón ánh bình minh rạng chiếu khắp muôn phương, cho muôn loài vạn vật được hấp thụ tinh anh của đất trời mà lợi nhuần ân đức của người chiến thắng.
- Dù chiến thắng muôn quân giữa chiến trường cũng chưa đủ yếu tố gọi là chiến thắng, chỉ người nào tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất, như lời Phật dạy.
- Lửa gần rơm, dục ái, lửa dục rơm ái, như mọi người đều biết rõ là sẽ tác hại tới đâu, biết rồi nên để rơm tránh xa lửa, thử xem ta có bảo đảm được sự an toàn?
- Vô minh là nguồn động lực gây cảm hứng cho người hữu chí tấn tu, nhờ nó đánh động trong ta, thôi thúc ý chí ta không được ù lì nằm yên mà hãy luôn cảnh giác thường trực anh Hai hỏi thăm đấy!
Thích Bảo Lạc
Thiền Lâm Pháp Bảo 19/6/2020
Tài liệu tham khảo:
- Luận đại thừa trăm pháp, Bồ Tát Thiên Thân tạo, cư sĩ Lê Hồng Sơn dịch, nhà xb Hồng Đức năm 2013 tại Hà Nội.
- Kinh Thắng Man giảng luận, Tuệ Sỹ dịch giải, Ban Tu Thư Phật Học ấn hành năm 2001
- Thiền Luận I, của D.T Suzuki, Trúc Thiên dịch, Chùa Khánh Anh Pháp tái bản
- Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch chữ Phạn sang chữ Hán, HT Bảo Lạc dịch sang tiếng Việt.
- Hạt Cát Mịn (thơ) Sông Thu, Pháp Bảo ấn hành năm 2014
- Kinh Tụng Hằng Ngày do Chùa Pháp Bảo ấn hành năm 2014
- Phật Quang Đại Tự Điển, quyển 6 các trang 7183, 7184 & 7185 do HT Quảng Độ dịch, hội VHGD Linh Sơn Đài Bắc xb năm 2000.