ĐẠI SƯ VIÊN GIÁC, ĐẠI SƯ VIÊN THÀNH, HÒA THƯỢNG TRÍ THỦ …
Bài viết của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc
từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Chùa Ba La Mật tọa lạc tại số 366 Nguyễn Sinh Cung, thôn Nam Phổ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa có diện tích 2.500 m2, có nhiều cây xanh, không gian thoáng đãng, an tịnh!
Chùa do Đại sư Viên Giác khai sơn vào năm 1886. Đại sư tên là Nguyễn Khoa Luận, sinh năm 1834. Ông thi đỗ cử nhân năm 1861, lập gia đình và ra làm quan. Năm 1881, ông làm Bố chánh Quảng Ngãi; năm 1884, đổi ra làm Bố chánh Thanh Hóa. Sự biến động lịch sử lúc bấy giờ đã tác động đến ông nên ông đã từ quan năm 1885, thường đi viếng chùa Mật Sơn ở Thanh Hóa, chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, chùa Từ Hiếu ở Huế. Ở chùa Từ Hiếu, ông tham vấn hai chữ “Vô sinh” trong giấc mộng năm xưa với Hòa thượng Cương Kỷ. Hòa thượng giảng cho ông: “Khổng dạy sinh sinh, Lão giảng trường sinh, chỉ có Phật thuyết vô sinh, đó là con đường vô sinh vô diệt của Như Lai”. Ông tỉnh ngộ, liền xin Hòa thượng cho xuống tóc quy y với Ngài năm 1886, lúc đó ông đã 52 tuổi.
Cũng trong năm 1886, Từ Thiện phu nhân Công Tôn Nữ Thị Tư là vợ của ông đã tổ chức xây dựng một ngôi chùa nhỏ trong vườn của ông nội ngày xưa để ông tu hành lấy tên là Ba La Mật Tự. Năm 1891, tại Giới đàn chùa Báo Quốc, Huế do Hòa thượng Cương Kỷ làm Đàn đầu Hòa thượng, ngài thọ Tỳ kheo giới và được Hòa thượng ban pháp húy là Thanh Chơn, pháp hiệu là Viên Giác. Đến năm 1894, ngài thọ Bồ tát giới cũng tại Giới đàn chùa Báo Quốc.
Năm 1895, Đại sư nhận Công Tôn Hoài Trấp vào tu học, cho pháp danh Trừng Thông, pháp hiệu Viên Thành để kế tục mình. Đại sư viên tịch vào ngày 27 tháng 6 năm Thành Thái thứ 12 (1900). Ngày 15/8/2020 vừa qua, chùa đã tổ chức trang nghiêm trọng thể Lễ tưởng niệm 120 năm húy nhật Tổ khai sơn húy thượng Thanh hạ Chơn, hiệu Viên Giác Đại Sư (1834-1900).
Ngài Viên Thành là người giỏi thơ văn, đã đỗ thủ Sa di ở Giới đàn Phú Yên năm 1901 nên được tăng chúng cùng các danh sĩ: Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Đạm Phương … mến mộ, thường đến chùa đàm đạo. Ngài có các đệ tử là: Trí Uyên (quê Phú Vang, Thừa Thiên Huế), Trí Hiển (quê Sông Cầu, Phú Yên). Năm 1923, Viên Thành Thượng Nhân khai lập chùa Tra Am và cho Sư Trí Hiển, vốn là con nuôi dòng họ Nguyễn Khoa làm Tự trưởng chùa Ba La Mật.
Chùa được trùng tu lần thứ nhất năm 1924. Thượng Nhân viên tịch năm 1925. Sư Trí Hiển làm Giám tự chùa Tra Am và trụ trì chùa Ba La Mật. Năm 1937, chùa được trùng tu lần thứ hai. Sư Trí Hiển viên tịch năm 1940. Vị đệ tử cao túc của Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Am là Hòa thượng Trí Thủ kế thế trụ trì chùa Ba La Mật. Hòa thượng Trí Thủ sinh năm 1909 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 17 tuổi, Ngài xuất gia với Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Am, có pháp danh là Tâm Như, pháp tự Đạo Giám. Năm 1929, Ngài đỗ thủ Sa di trong số 300 giới tử ở Giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng; do đó, bổn sư đã cho pháp hiệu là Trí Thủ với ý khen tặng chữ Thủ là đứng đầu. Năm 1943, Hòa thượng Trí Thủ đã mở cuộc trùng tu chùa lần thứ ba. Ngôi chánh điện kiến trúc theo lối “trùng thiềm” hai tầng mái; trên nóc có rồng uốn quay đầu vào chầu một mặt rồng và bánh xe pháp có chữ “vạn” ở giữa; hai bên có chung lâu và cổ lâu. Phía sau Phật điện là bàn thờ chư Tổ: Viên Giác Đại sư, Viên Thành Đại sư, Trí Hiển Đại sư và Hòa thượng Thích Trí Thủ.
Từ năm 1943 về sau, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đảm trách nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội. Đến năm 1953, Hòa thượng giao nhiệm vụ trụ trì chùa Ba La Mật cho đệ tử của Ngài là Hòa thượng Đức Trì.
Hòa thượng Đức Trì húy Châu Văn Trì, pháp danh Nguyên Định, pháp tự Đức Trì. Ngài đầu sư học đạo với Hòa thượng Trí Thủ vào năm 1943 tại chùa Báo Quốc. Năm 1947 được thọ Sa di giới; năm 1951, được thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Báo Quốc. Năm 1982, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội, Hòa thượng được đắc cử vào Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN. Năm 1995, Hòa thượng được cung giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tháng 4 năm 1973, Hòa thượng đã cho sửa lại Tăng xá, xây điện Quán Thế Âm, đúc đại hồng chung nặng 450 kg, cao 1,55m. Năm 2000, Hòa thượng đã cho xây dựng lại ngôi phạm vũ, dựng tượng đài Tổ khai sơn nhân kỷ niệm 100 năm húy nhật Tổ khai sơn.
Hòa thượng Đức Trì viên tịch vào năm 2001, hưởng thọ 73 tuổi, 49 năm hành đạo. Vị trụ trì kế tục là Thượng tọa Thích Thường Chiếu. Thượng tọa đã có nhiều đợt trùng tu ngôi chùa, tổ chức các sinh hoạt tu học, từ thiện xã hội … cho Phật tử và người dân trong vùng.
Trang facebook: “Chùa Ba La Mật - Huế” với số lượng đông đảo bạn đọc đã thông tin nhanh nhiều hoạt động Phật sự của chùa. Một số tin mới như sau:
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, ngày 30/8/2020, chư tăng trong bổn tự mãn hạ An cư PL. 2564. GĐPT huyện Phú Vang đã cúng dường An cư quá đường và dâng hương cầu nguyện cho chư Thánh tử đạo, thất thế phụ mẫu và quá cố hương linh siêu sanh về miền tịnh cảnh. Đồng thời Thượng tọa trụ trì cũng có món quà nhỏ gửi tặng anh huynh trưởng Nguyên Bình Nguyễn Văn Tải 82 tuổi để tán dương công tác Phật sự anh đã cống hiến trong suốt thời gian qua.
Nhân mùa Vu Lan Canh Tý (2020), quý Thầy và Phật tử tổ đình Ba La Mật đã phát quà đến bà con nghèo, mỗi người bao gồm một phần quà là 10 kg gạo và 100.000đ.
Hôm nay ngày 06/8/2020, Thượng tọa trụ trì cung chư tăng trong bổn tự làm lễ hằng thuận và chúc phúc đến hai Phật tử: Huỳnh Văn Thành, pháp danh Nhuận Linh và Nguyễn Thị Thúy, pháp danh Nguyên Kiều nên duyên vợ chồng keo son.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Thích Ca, tượng Đản Sanh, bốn vị Bồ tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền; bàn thờ Hộ Pháp … Đặc biệt, chùa có hai bộ tượng 18 vị A La Hán, trong đó bộ tượng A La Hán cỡi thú được các nghệ nhân tạo tác tinh xảo, tuyệt mỹ!
Ở Phật điện có cặp câu đối chữ Hán (ảnh 06) như sau:
Tán Phật pháp trường minh, đồng nhật nguyệt quang huy vạn cổ;
Chúc Quốc gia vĩnh thịnh, lập sơn hà trang cố thiên thu!
Tạm dịch:
Kính mừng Phật pháp quang huy, nhật nguyệt tinh tú uy nghi vĩnh hằng;
Cầu chúc nước nhà thịnh vượng, núi sông bờ cõi bền vững muôn năm!
Chùa Ba La Mật, ngôi cổ tự xứ Huế với các vị trụ trì danh tăng Việt Nam: Đại sư Viên Giác, Đại sư Viên Thành, Hòa thượng Trí Thủ …
Võ Văn Tường
Tài liệu tham khảo:
01. Sách: Hà Xuân Liêm, 2000, Những ngôi chùa Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
02. Website:
www.phatgiaohue.vn, Lễ tưởng niệm húy nhật Hòa thượng Viên Giác chùa Ba La Mật, ngày 02/8/2013.
www.phatgiaoaluoi.com, Tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Đức Trì (1928-2001) chùa Ba La Mật - Huế, ngày 05/12/2014.
03. Trang facebook: Chùa Ba La Mật - Huế
***
Tu Viện Quảng Đức Youtube Channel