CẢM NIỆM CỦA MỘT TÍN NỮ
VỀ CHÙA LÀM CÔNG QUẢ
Bài viết của Phật tử Thanh Phi
do Phật tử Diệu Danh diễn đọc
Nhớ lại thuở xa xưa khi tôi mới chỉ là cô bé 6,7 tuổi, thỉnh thoảng vào chiều thứ Bảy, Mẹ thường dẫn tôi về thăm ông Ngoại. Gần nhà Ngoại có Chùa Linh Quang và Khuông Tuệ Quang, nên lần nào về thăm Ngoại là tối đó Mẹ cũng dẫn tôi đến Khuông Tuệ Quang để tụng kinh, tôi rất thích mặc dù tôi chưa biết tụng kinh và tụng để làm gì. Tôi chỉ thích nghe âm vang lời kinh tụng hòa chung với tiếng mõ nhịp nhàng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng ngân vang, và thích nhất là được nghe tụng Chú Đại Bi, tuy không nghe ra được chữ gì, nhưng thích cái âm điệu dồn dập lúc trầm, lúc bổng của thời kinh. Không hiểu sao mà tôi rất mê nghe tụng chú Đại Bi, nên mỗi khi gần nhà có đám tang, là tôi luôn tìm cách đến xem lúc có ban hộ niệm cúng, để được nghe tụng Chú Đại Bi, và thầm thán phục, sao mà các bác ấy có thể thuộc làu những lời kinh như vậy!
Khi tôi được 10 tuổi Mẹ tôi tái giá, Cha dượng là người chỉ biết thờ cúng Ông Bà nên tôi không còn dịp để đi chùa nữa. Mãi đến năm 17 tuổi, khi anh của bạn học tôi qua đời, tôi theo bạn đến chùa Linh Quang để dự một buổi lễ Cầu Siêu. Khi thấy thấp thoáng bóng quý Thầy ngoài hành lang, tiếng chuông trống vang lên dồn dập từng hồi, lòng tôi chợt nôn nao thổn thức và nước mắt bỗng tuôn trào, ai cũng tưởng tôi khóc vì người đã mất. Nhưng không, tôi biết chắc không phải vì vậy, mà có lẽ vì thanh âm đó như thôi thúc, nhắc nhớ tôi một điều gì ...Rồi từ hôm ấy tôi cảm thấy thích sự yên tĩnh của cảnh chùa, nên những khi cần ôn bài thi, tôi thường đến chùa. Có lúc đến chùa Linh Sơn gần trường học của tôi; có khi thì đến chùa Linh Quang gần nhà Ngoại, tôi thích nơi này hơn vì yên tĩnh, hầu như không có người qua lại. Ngồi dưới gốc cây có bóng mát được bao trùm bởi tàn lá rộng lớn, bên cạnh ngôi tháp cao, thỉnh thoảng nghe tiếng chim hót ríu rít, lòng tôi thật bình lặng, và điều hẳn nhiên là tôi học thuộc bài rất nhanh. Thời ấy có lẽ vì nhút nhát và cũng không quen đi chùa nên tôi chỉ đến chùa tìm chỗ thanh vắng học bài, học xong thì về chứ không biết vào lễ Phật. Và sau khi thi tú tài xong là tôi không còn đến chùa nữa.
Cho đến khi lấy chồng, và may mắn, chồng tôi là con trong một gia đình thâm tín đạo Phật và chính anh cũng đã từng tá túc trong chùa suốt 6 năm. Anh kể, nếu không có cuộc đàn áp Phật giáo năm 1963 thì có lẽ anh đã xuất gia rồi, bởi vì năm đó tu sĩ bị bắt, bị đánh đập nhiều quá, nên gia đình đã đem anh và người anh kế, hơn anh 2 tuổi đã xuất gia được 2 năm, về nhà. Và anh tiếp tục đi học, đi lính rồi cưới vợ. Khi tôi có thai đứa con đầu tiên, chồng tôi đã nói: “Nếu muốn sinh con đẹp và thông minh thì đọc Kinh Pháp Hoa”, do đó Kinh Pháp Hoa là cuốn Kinh đầu tiên tôi đọc trong đời, nhưng chỉ đọc chứ chưa hiểu được ý nghĩa thâm sâu vi diệu của Kinh.
Sau này vượt biên và được định cư tại Úc. Khi đã ổn định chỗ ở, việc đầu tiên là chúng tôi đi tìm thỉnh một tượng Phật về thờ. Thời đó muốn tìm một bức tranh hay một tượng hình Phật rất khó, nhưng chúng tôi đã may mắn thỉnh được một pho tượng Phật Thích Ca trong một tiệm bán tranh ảnh và tượng cũ. Tuy pho tượng đã cũ, nhưng tôi rất thích vì có nét quen thuộc của những tôn tượng Phật Thích Ca mà tôi từng thấy trong những ngôi chùa ở quê nhà. Pho tượng ấy cho đến nay đã 40 năm tôi vẫn còn thờ. Tuy lúc đó có bàn thờ trong nhà, nhưng vì mãi bôn ba bận rộn lo cho cuộc sống của chính gia đình mình và cho người thân còn lại bên quê nhà, hơn nữa lúc đó còn trẻ và chưa từng làm quen với nghi lễ tụng kinh, nên tôi hằng ngày chỉ biết thắp nhang lễ Phật.
Đến thập niên 80, đã có vài ngôi chùa Việt tại Melbourne, nhưng vì ngại đến chỗ đông người, nên tôi không thường đến chùa, chỉ biết cúng Phật ở nhà. Những ngày lễ lớn, nếu muốn đi thì cũng đợi đến chiều khi chùa vắng người tôi mới đến lễ Phật. Riêng chồng tôi, anh thích ở nhà cùng vài người bạn, vừa nhâm nhi ly cà phê, uống tách trà nóng vừa bàn luận về Phật pháp, anh thích nghiên cứu kinh điển và anh nói chuyện về Phật Pháp rất hay, nên nhà tôi thường xuyên có bạn bè đến nghe anh nói chuyện. Anh vẫn hằng mong ước khi con cái đã trưởng thành, vợ chồng tôi sẽ tu tại gia, anh muốn có thời gian để học Phật và viết sách. Một mong ước thật đơn giản nhưng vẫn không thành vì anh đã ra đi khi mới 45 tuổi.
Sự ra đi đột ngột của anh khiến tôi hụt hẫng. Vì thương anh, ngày đêm tôi miệt mài tụng kinh để hồi hướng cầu nguyện cho anh, được siêu sanh Cực Lạc như anh hằng mong muốn, và nhờ vậy mà chính oai lực nhiệm mầu của lời kinh, tiếng kệ đã xoa dịu nỗi đau trong tôi, giúp cho tôi có được sự bình thản trong lòng. Và cứ thế tôi đã quen với hai thời kinh sáng tối trong suốt 6 năm, là thời gian tôi cố thủ không giao tiếp với ai, chỉ biết làm việc và lo cho con. Khi hai con đã khôn lớn và ổn định, tôi mới có ý định đi chùa làm công quả để thực hiện lời hứa của mình. Và cơ duyên đã đưa tôi đến Tu Viện Quảng Đức, khi chùa làm lễ đặt viên đá đầu tiên để xây cất Chánh điện.
Những thôi thúc, những nhân duyên đưa tôi gần với đạo, cho đến ngày tôi về Tu Viện Quảng Đức, tôi có cảm giác như về chính ngôi nhà của mình.
Từ đó đến nay ròng rã đã 20 năm, trong suốt thời gian đó, chùa luôn bận rộn với các công trình xây dựng, với những lễ lạc liên tục xảy ra. Và chính nhờ sự bận rộn đó mà tôi học biết được nhiều điều. Có những việc tôi chưa từng làm, nhưng khi cần cũng phải cố gắng tìm cách để làm cho xong, rốt cuộc tôi biết được nhiều thứ, tuy không chuyên môn, nhưng cũng có thể tạm dùng khi cần thiết. Đó là điều khiến cho tôi vui, quên đi sự nhọc nhằn. Và điều này không chỉ với cá nhân tôi mà dường như tất cả những ai có tâm thành về chùa làm công quả, cũng đều như vậy cả.
Trong suốt 20 năm làm công quả tôi nhận thấy một điều: Có lẽ vì chùa ở hải ngoại thường chỉ có một hai vị Tăng, hay Ni, nên chuyện quán xuyến trong chùa, những khâu chuẩn bị trong những ngày lễ thường do Phật tử đảm nhận, nhất là khâu nhà bếp mà đa phần là Phật tử nữ. Từ các Cụ, các chị đến các em, hầu như ai cũng phải vất vả, dành nhiều thời gian để chung tay lo Phật sự, vun bồi ngôi Tam bảo. Đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện triệt để vào những lúc đó. Nếu ai đã chứng kiến sự vất vả của các vị Phật tử công quả, mới thấy thương mà cảm thông bỏ qua cho những sai phạm xuất phát từ lòng tị hiềm, tranh đua, vốn dĩ là tập khí nhiều đời mà hầu như người phụ nữ nào cũng có, không nhiều thì ít. Nếu không biết cảm thông bỏ qua cho nhau để phải tạo nên sự bất hòa, thì tuy có công lo phụ giúp cho chùa nhưng đồng thời cũng đem đến nhiều phiền não cho chư vị Trụ Trì. Đó là điều đáng tiếc, nếu khắc phục được thì quả là tuyệt vời. Và hầu như khắp nơi, bất cứ chốn già lam nào cũng mong muốn được như vậy. Bởi thế mà có nhiều vị Thầy từng nói: “Thầy muốn lập chùa nhưng Thầy sợ lập nhà bếp”.
Một lúc nào đó chợt quan sát, thì dường như bất cứ ai dù hung dữ, đối xử xấu với bạn đạo như thế nào, nhưng khi quỳ trước đấng Thế Tôn, hoặc khi đối diện với chư Tôn Đức, thì nơi họ cũng lộ vẻ cung kính với nét thiện lành. Trong họ cũng đã có chủng tử Phật. Ta hãy thương và tha thứ cho họ. Hy vọng với những tháng ngày làm công quả, mọi người có đủ phước để tiêu trừ bớt nghiệp chướng, để một ngày nào đó, huệ được phát sanh, nhận thấy cái sai của mình mà tu sửa, tinh cần tu học, hầu vẹn toàn câu “Phước huệ song tu” để không bỏ công những tháng ngày lui tới chốn già lam, không phụ ân quý Thầy giáo huấn và chính là không cô phụ bản thân mình trên con đường tìm giải thoát.
Vạn pháp vốn không, không tự tánh
Cớ gì ta cứ mãi đua tranh
Sắc tài danh lợi đều duyên hợp
Chấp chặt làm chi cái giả danh...
Riêng tôi cũng đã hơn 20 năm, tuy chọn đường học đạo, nhưng với ngần ấy thời gian, xét ra theo lời của Tổ Quy Sơn nhắc nhở sách tấn người tu đạo: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức” (nghĩa là bên trong giữ chánh niệm lập Công, bên ngoài giữ không tranh lập Đức), thì dường như tôi chỉ thực hiện được phần nào của câu vế thứ hai, còn phần hành của vế thứ nhất tôi chưa thực sự dụng công. Bỗng dưng thấy buồn! Nhớ lời Sư Phụ Nguyên Tạng nói: “Người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp” thế mà bao năm tháng qua, tôi đã chưa tận sức vun bồi cho sự nghiệp của mình. Nghĩ đến thời gian còn lại của đời người tôi thực sự lo âu: Mình sẽ còn nhặt được bao nhiêu chiếc lá tri thức trong rừng giáo lý của Như Lai? Đường về quê cũ chắc hẳn sẽ còn xa…xa lắm!
Dạm bước quay về chốn quê xưa
Gian nan trắc trở chẳng phải vừa
Duyên may, bậc trí - Người khai ngộ
Thấu hiểu chơn kinh lý Đại thừa
Vạn pháp xưa nay đều huyễn ảo
Thị phi nhân ngã… chuyện nắng mưa
Từ nay nguyện nhớ lời khuyên dạy
Khắc niệm chi công, chẳng biếng lười...
Melbourne 17/8/2020
Thanh Phi