Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009
Trí thức nên im lặng hay lên tiếng
Nguồn: Vương Thế Lan
Mỗi vị trí chọn lựa trong cuộc sống đều có những phần thưởng và những hình phạt của riêng nó, cái vinh và cái nhục riêng của nó.
Chứng kiến tình trạng đất nước mất tự do, đồng bào bị đàn áp, nhân quyền bị xâm phạm bởi một nhà nước độc tài và tham nhũng, người trí thức nên làm gì?
Bất kỳ nhà nước độc tài nào cũng đều nhắn nhủ đến giới trí thức một thông điệp như thế này: “Các anh hãy im lặng mà đóng góp cho nhiều, chứ đừng phê phán chúng tôi. Ai ngoan ngoãn thì sẽ được thưởng. Ai làm phiền thì sẽ đón nhận hậu quả…”
Người dân thì lại muốn nhắn nhủ đến giới trí thức một thông điệp như thế này: “Các anh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn chúng tôi. Các anh hãy giúp chúng tôi lên tiếng. Chúng tôi đặt nhiều tin tưởng vào các anh…”
Vậy thì người trí thức nên giữ im lặng hay nên lên tiếng?
Tất nhiên mỗi người hoàn toàn có quyền chọn lựa vị trí của mình. Có những người chọn sự im lặng vì “im lặng là vàng”. Đối với những người khác, im lặng có thể có nghĩa là đồng lõa, là chịu thua, là hèn nhát, là thiếu lương tâm, là phản bội. Vì thế họ phải lên tiếng.
Mỗi vị trí chọn lựa trong cuộc sống đều có những phần thưởng và những hình phạt của riêng nó, cái vinh và cái nhục riêng của nó.
Tôi xin trích lại ở đây một vài nhận định của một số danh nhân. Tôi không nghĩ họ đã nói ra những lời này bằng tư duy “logic”, mà họ đã nói ra bằng chính ý thức đạo đức và từ kinh nghiệm đấu tranh của bản thân họ.
Im lặng là đồng loã
Trong Divine Comedy, văn hào Dante đã viết:“Những nơi nóng nhất trong hoả ngục thì được dành cho những kẻ, trong thời buổi khủng hoảng đạo đức, đã cố thủ vị trí trung lập của họ.”
Văn hào Do Thái Elie Wiesel (người đã may mắn được cứu thoát sau khi bố mẹ và em gái của ông bị giết trong trại tập trung của Nazi) đã viết: “Im lặng trước sự bạo ngược chỉ giúp cho kẻ bạo ngược.”
Edmund Burke, nhà văn, chính khách nổi tiếng của nước Anh, đã viết: “Tội ác thành công dễ dàng nhất khi những người tốt không chịu nói ra một lời.”
Im lặng là chịu thua
Mục sư Martin Luther King, Jr., nhà tranh đấu da đen ở Hoa Kỳ (bị ám sát năm 1968), đã nói: “Cuộc sống của chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng.”
Im lặng là hèn nhát, là thiếu lương tâm
Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã nói: “Trong lúc nên phản đối, sự im lặng làm con người trở thành những kẻ hèn nhát.”
Mục sư Martin Luther King, Jr.: “Kẻ hèn nhát hỏi, ‘Có an toàn không?’ Kẻ cơ hội hỏi, ‘Có khôn khéo không?’ Kẻ rởm đời hỏi, ‘Có được tiếng tăm gì không?’ Nhưng, kẻ có lương tâm hỏi, ‘Có là lẽ phải không?’ Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải.”
Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động vĩ đại của Ấn Độ, đã nói: “Sự im lặng trở thành sự hèn nhát khi tình thế đòi hỏi phải nói ra toàn bộ sự thật và có hành động thích nghi.”
Im lặng là phản bội
Mục sư Martin Luther King, Jr.: “Có khi sự im lặng là sự phản bội.”
“Chúng ta sẽ không còn nhớ những lời nói của kẻ thù, nhưng chúng ta sẽ còn nhớ sự im lặng của những người bạn của chúng ta.”