-Các con biết đây là gì không? Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông.
Bốn huynh đệ chúng tôi trố mắt nhìn nhau, lần đầu tiên trong đời mới thấy chiếc gối gỗ. Thì ra, món đồ Sư Phụ để trên bàn thờ mấy năm qua được bọc vải vàng là cái Gối Gỗ của Sư Ông, chúng tôi nhiều lần thắc mắc nhưng không ai biết được đấy là gì, cũng không dám hỏi Sư Phụ.
Tôi còn nhớ như in buổi chiều khi hay tin Sư Ông viên tịch, Thầy trò đang ngoài ruộng lúa chuẩn bị cho vụ mùa. Thầy vội vã về chùa để ra quê cho kịp chuyến xe tối. Hạnh Trí nhanh nhẹn chuẩn bị cho Thầy bộ Y, mấy bộ quần áo và vài gói mì lá Bồ Đề bỏ vào trong cái túi đãi đã bạc màu. Hạnh Tú thì tranh thủ dắt chiếc xe đạp ra ngoài trong tư thế đưa Thầy ra quốc lộ. Hạnh Lưu nhanh tay lo cho Thầy mấy trái bắp luộc để lót dạ trên đường. Thầy đi chỉ dặn dò mấy con ở chùa nhớ công phu bái sám đều đặn, công việc nặng thì nhờ quý bác Phật tử giúp giùm.
Vào chùa cũng được hơn ba năm, đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác lo sợ nhất vì không có Thầy. Tuy Chùa mới thành lập, không có gì quý báu, chỉ đơn sơ bằng mái tranh vách đất, điện Phật, nhà Tổ thì chỉ có một phòng cho Thầy ở, bốn huynh đệ ở tạm cái phòng ngay cạnh sát nhà bếp phía sau. Có Thầy cảm giác ấm áp như lúc còn ở nhà khi có Cha Mẹ, không có Thầy cảm giác trống trải lo lắng đến lạ thường.
Từ ngày vào chùa, sáng nào tôi cũng ráng thức dậy sớm theo Sư Phụ và huynh đệ đi công phu. Hai tháng đầu tiên ở chùa, đâu có tụng được chữ nào trong Thần chú Lăng Nghiêm, chỉ tới khi lạy Phật thì ráng, vừa xong lập tức chạy trốn trong cái kho chứa đồ tạp nhạp nằm ngủ nướng. Cái khổ không đủ ăn cũng còn đỡ, cái khó nhất là thức sớm, không dễ chút nào. Sáng nào thức dậy cũng ráng gắng gượng, đi thì mắt nhắm mắt mở đụng vào bụi tre gần lu nước rửa mặt. Có hôm rửa vội kiểu mặt mèo vì Sư phụ đã lên đến chánh điện mà mấy huynh đệ chưa ai ra khỏi “cung”.
Hai tuần Sư phụ về quê dự lễ tang Sư Ông, bốn huynh đệ công phu bữa có bữa không. Hôm thì ngủ quên, hôm thì dậy quá sớm ngồi gật gù chờ trời sáng, cứ nghe mấy người hàng xóm kể hồi trước vùng này nhiều người chết thì càng kinh hãi. Mấy người đi cạo mũ cao su sớm thì còn thêm thắt thấy bóng người đi qua lại chỗ hàng rào, thật sợ lắm. Có hôm mới vừa tụng kinh giờ Tịnh Độ xong, Phật tử mới ra về thì chúng tôi đã vội đóng cửa, cố thủ chờ trời sáng.
Hai tuần thôi sao mà lâu quá, ai cũng trông từng ngày. Thành quả của huynh đệ chúng tôi từ khi Sư Phụ ra quê về lại là chùa “còn nguyên”. Thầy hỏi có công phu tung kinh đều đặn không thì chỉ cúi đầu, làm thinh không dám trả lời. Thầy hiểu ý, nhắc nhở chúng tôi cần cố gắng không được giãi đãi như thế nữa.
- Đây là chiếc Gối Gỗ của Sư Ông, Thầy tôi từ tốn nhắc lại, từ khi thọ tỳ kheo giới Sư Ông đã phát nguyện ngày hai thời kinh kệ, lạy Phật công phu, ngày ăn một bữa. Điều đặc biệt Sư Ông trụ thế 97 năm nhưng đã có hơn 60 năm nằm trên tấm ván và cái gối gỗ đơn sơ này. - Thầy nói trong tâm trạng vô cùng cảm xúc.
Sư Phụ được Sư Ông cho biết, trong một lần bão dữ làm bật gốc cây mít sau chùa, thân mít thì được Sư Ông tự tay đẽo chiếc mõ bây giờ còn trên Chánh điện, phần ngọn cây mít Sư Ông dùng đẽo chiếc gối để kê đầu. Mới nhìn vào thì thấy đơn giản, chỉ là chiếc Gối Gỗ thôi nhưng thực hành thì thật là khó khăn lắm. Mục đích để cho ngươi tu tỉnh bớt trong đêm dài của ngủ nghỉ.
- Hôm nay, trước khi khởi hành cho một chặng đường mới, các con không còn ở gần Thầy, các con hãy cố gắng dùng hình ảnh của Sư Ông mà nhắc nhở và cảnh tỉnh chính mình.
Chúng tôi ngậm ngùi, tuy đây không phải là buổi tiễn biệt nhưng lần đầu tiên rời khỏi chùa để bước vào giai đoạn mới, huynh đệ chúng tôi mới xin nhập học tại trường Phật Học Nội Trú. Mới đó, thời gian đã hơn 5 năm trôi qua kể từ khí vào chùa, và gần hai năm từ khi Sư Ông viên tịch. Hình ảnh Chiếc Gối Gỗ hôm nay thật làm cho tâm nguyện chúng tôi như vững chãi hơn. Hơn năm năm nay ở chùa, Sư phụ cũng đã dạy những giáo lý cơ bản nên cũng đã cảm nhận được nhiều qua hình ảnh của Chiếc Gối Gỗ của Sư Ông. Đó tuy chỉ là khúc gỗ mít làm ra nhưng suốt cả hành trình hơn 60 năm chứa chan một nghị lực và ý chí phi thường của một bậc Chân tu thạc đức. Chiếc gối gỗ tạo nên sự tỉnh giác trong suốt đêm trường. Con người bình thường ai cũng muốn nằm trong nệm ấm, chăn êm cho ngon giấc. Chính cái ngon giấc ấy đã kéo chuỗi ngày ngủ sanh tử trầm luân triền miên trong vô lượng kiếp đến nay. Khi nhìn thấy Chiếc Gối Gỗ của Sư Ông càng cảm nhận đến giá trị lời Phật dạy ít ngủ nghĩ trong kinh Di Giáo, hay lời dạy cảnh tỉnh của chư vị Tổ Sư. Đã nhiều lần chính bản thân cũng muốn thực tập thử xem sao nhưng không thể nào làm nỗi, đau đầu, nghiêng qua là rớt cái đầu xuống và thức giấc. Thật là hổ thẹn với các Bậc Tổ Thầy.
Thầy tôi, cũng được huấn dạy từ đức hạnh của Sư Ông mà suốt cả cuộc đời luôn thanh đạm, cần mẫn với thửa ruộng, miếng vườn. Thậm chí căn phòng cũ đã gần bốn mươi năm qua cũng giữ nguyên, bao nhiêu lần lợp thêm tranh, thêm lá, nhưng Thầy vẫn muốn sống giản dị như Sư Ông thuở nào. Tuy cũng là bậc thông tuệ nhưng luôn giản dị trong cuộc sống thanh bần. Hồi nhỏ ở Chùa, mỗi lần đi làm, Thầy vừa cuốc đất vừa ngâm nga câu mà Thầy nói Sư Ông thường nhắc nhở:“Con ơi nhớ lấy lời này, Thành tâm lễ Phật tinh cần Niệm Châu”. Huynh đệ ở chùa, không ai không nằm lòng câu phương ngôn này, coi đó như một phần định hướng của cuộc đời tu hành.
Chiếc Gối Gỗ là pháp hữu vi sẽ hư hoại với thời gian sanh diệt, nhưng hình ảnh chiếc Gối Gỗ và đức hạnh của Sư Ông là hình ảnh thiêng liêng cao quý, là biểu tượng của sự tinh tấn khổ hạnh của bậc Chân Nhân xuất trần Thượng Sỹ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Melbourne, mùa Đông năm 2020
Thích Hạnh Phẩm