Tang Lễ Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Vài Mảnh Kim Cương)
DI HUẤN
Trước lúc nhập Niết bàn, đức Thế Tôn nói kinh Di giáo, tiên liệu cả hằng nghìn năm sau nên lời dạy của Ngài vô cùng thậm thâm vi diệu. Mỗi lời mỗi ý chứa đựng biết bao tình lý, mỗi lần đọc chúng ta nhận cảm trọn vẹn lời di giáo tha thiết của Ngài.
Lời đi huấn của Hòa thượng Đôn Hậu để lại cho Thất chúng đệ tử mà có lẽ cũng cho tất cả chúng ta. Đến Linh Mụ không ai là không đọc lời Di Huấn này, kể cả những người không biết chữ cũng lắng tai nghe nhờ người khác đọc giúp. Điều đáng quan tâm là lời Di huấn này Hòa thượng viết từ năm 1988, bốn năm trước khi viên tịch, Ngài đã nhìn thấy rất rõ ràng những gì có thể xảy ra trong Tang lễ của Ngài và cần huấn thị lại cho minh bạch, và, cũng chính vì “Lời di huấn” này mà:
VIỆC CỦA AI?
Về lý thì việc của ai nấy lo, về tình thì chung vai gánh vác là điều đáng quí, nhưng cũng nên tùy việc, lời Di huấn của Hòa thượng thật rõ ràng. Tại sao lại có một ban lễ tang được áp đặt và công bố trên báo, trên đài để tạo nên một hiểu lầm chua chát cho người mới viên tịch! Trách gì môn đồ pháp quyến có thái độ cứng rắn với nhà nước, với Giáo hội này. Cũng phải thôi, đèn nhà ai nấy sáng, nhảy vào làm trái ý của Hòa thượng lúc sinh tiền. Và cũng vì vậy nên:
SẴN SÀNG TỰ THIÊU
“Đa tạ nhà nước đã thương tưởng ôn tui, cảm ơn Giáo hội đã niệm tình lo giúp. Nhưng xin các ngài đừng làm gì trái với LỜI DI HUẤN “của ôn tui”. Đó là lời phát biểu của thầy Trí Tựu. Hòa thượng Nhật Liên tuyệt thực, thầy Trí Tựu mua sẵn 20 lít xăng. Không khí căng thẳng suốt mấy ngày đầu của tang lễ cho đến ngày 26 tháng 3 âm lịch khi một ban tổ chức Tang lễ do Hòa thượng Mật Hiển làm trưởng ban thành hình không khí mới trở lại bình thường.
HẠT CHÂU NHỎ XUỐNG, NIỀM TIN KHƠI NGUỒN
Tự nhiên, trang trọng, xúc động tự tâm cang khi Hòa thượng Huyền Quang xuất hiện trước linh đài, trong thế quỳ thành kính, Hòa thượng nói qua nước mắt: “Hòa thượng viên tịch GHPGVNTN đã mất một vị lãnh đạo tối thượng, một mất mát lớn lao của PGVN. Chúng con, người chết đã âm thầm lặng lẽ ra đi, người sống thì vào tù ra khám, có người phải bôn tẩu xa quê hương tìm đất dung thân, nhưng ai cũng nương vào Hòa thượng, trông cậy vào Hòa thượng để khôi phục lại Giáo hội… Giáo hội ta còn đó, tiềm lực ta còn đó, tinh thần yêu nước thương dân của Giáo hội vẫn nguyên vẹn, nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã chúng ta đã im lặng mười mấy năm qua. Nay Hòa thương mất, khó khăn ai chung lo, gánh nặng ai khuân vác? Ngay cả việc con ra đây để viếng tang Hòa thượng cũng muôn ngàn trở ngại, nhưng, dù gian lao thử thách, chúng con vẫn quyết tâm, vẫn bền chí nối gót Hòa thượng, làm theo nguyện ước của Hòa thượng”.
Lời tâm sự của Hòa thượng Huyền Quang nói với Giác linh Hòa thượng Đôn Hậu với những giọt nước mắt, nước mắt của cả con tim, của những con người thương dân tha thiết, mến đạo vô vàn. Các Ngài đang nói với nhau, đang truyền cho nhau hơi thở… Mấy trăm người chứng kiến, mấy trăm cõi lòng thổn thức, mấy trăm mạch sống được khơi nguồn.
Một vòng quanh Kim quan, từng bước, Hòa thượng Huyền Quang đến sát và gập mình cúi xuống hôn lên kim quan, tình thương tha thiết đạo tình bao la, buổi chiều đầu hạ oi bức, im lặng trang nghiêm, chỉ nghe tiếng nức nở ấm ức xúc động phát nhẹ chung quanh linh đài, cảm xúc đến lạnh người – cấp lãnh đạo, các Ngài đã khơi nguồn cho chúng con lẽ sống!
TRIỆU TRIỆU TẤM LÒNG
Từ các công nhân Phật tử nhà máy Uông Bí, mõ than Nông sơn, các Phật tử Hải Phòng Hà Nội, Hà Nam Ninh vào đến Minh Hải, Kiên Giang, Sóc Trăng, Thốt Nốt, xe lớn xe nhỏ, lặn lội trong nắng gió, vượt núi băng đèo hàng ngàn cây số tìm về Linh Mụ viếng tang Ôn. Cảm động làm sao, khi xuống xe, mồ hôi nhễ nhại, từ Đà Lạt về với mấy tạ lê ghim, từ Sài Gòn ra với mấy thùng mì gói, từ Quảng Trị vào với mấy chục quả mít non, tất cả là cả tấm lòng, lòng thương kính đối với Ôn. Tăng Ni ở Huế, Phật tử ở Đà Nẵng, Thừa Thiên… Từng đoàn, từng làn sóng người đổ về Linh Mụ, từng khuôn hội, từng huyện hội, các Tổ đình, y hậu vàng tươi dưới nắng, áo lam hiền dịu trang nghiêm, từng ánh mắt trao nhau, những búp sen tay chấp ngay trước ngực, câu A Di Đà Phật râm ran, tiếng máy phóng thanh nhẹ nhàng thanh thoát, các cơ quan đoàn thể tuần tự vào viếng tăng. Không kèm trống, không điếu văn, không chia buồn, không ca tụng, trướng liễn treo la liệt, vòng hoa thiết trí khắp nơi, khói trầm lan tỏa, ngào ngạt hương hoa, khung cảnh oai nghi đượm nhuần văn hóa. Một lễ tang thắm tình đạo vị, chan chứa tình người.
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ THÂN THƯƠNG.
Ngay từ đầu, Gia đình Phật tử đã đảm nhận tiểu ban An ninh trật tự, một công việc đòi hỏi sự hy sinh chịu đựng, một kỹ thuật tổ chức điều hành khó nhọc mới hoàn thành được trách nhiệm. Tổ chức GĐPT quả không hổ danh là “Hậu duệ của Giáo hội”.
Khuôn viên chùa Linh Mụ khá rộng, các em phải thay phiên canh gác suốt ngày, tuần tra suốt đêm, và đã phát hiện kịp thời vài tên đạo chính đột nhập lúc 2 giờ sáng, sau vài lời khuyến thiện rồi thả cho đi. Đặc biệt, lễ phúng điếu của GĐPT Việt Nam đã qui tụ non ngàn Huynh trưởng và đoàn sinh ngành Thiếu, hàng ngũ chỉnh tề, xuất phát ở chùa Từ Ân, cách Linh Mụ hơn 1km, vòng hoa khá độc đáo, kỹ thuật cũng như mỹ thuật rất công phu có thể để được hằng năm mang dòng chữ PHÁP ÂM THẦY CÒN MÃI ở dưới ghi rõ dòng chữ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.
Nghe đâu, chỉ với danh hiệu này, ban tổ chức đã rất e ngại, vì tổ chức GĐPT không có trong Hiến chương mới. Nhưng, một thực thể một thành phần nòng cốt trong mọi sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, GĐPT không kể công thì thôi chứ nào đã có tội gì với Tổ quốc, với Giáo h) ôi? Có lẽ thấy rõ được điều này nên chư tôn đức và chính quyền tỉnh Thừa Thiên đã nhất trí xướng danh chính th6ưc để GĐPT đi viếng Tang Ôn.
XIN ĐỪNG VÌ SỰ TƯỚNG
Mỗi ngày, có hàng chục trướng liễn của các đơn vị Giáo hội, các chùa, các cơ quan, các Tổ đình phúng điếu, ban trần thiết khá mệt nhọc công sức để trao lên vừa có tính mỹ quan vừa đúng Tôn ty trật tự.
Trên cao, chính giữa Long vị trước Kim quan có bức nghi của Hội đồng lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo với bốn chữ ĐẠO THỌ TÂY THÙY rất xứng hợp với ban linh đài uy nghi trang trọng, phía sau kim quan là di ảnh của cố đại lão Hòa thượng và trên tường là bức nghi bốn chữ PHẬT TIỀN HIỆN THÂN của hội đồng trung ương GHPGVN mới, ban trần thiết cũng đắn đo suy tính kỹ lưỡng trước khi treo lên. Thế mà, các ông cư sĩ có chức trong Giáo hội trung ương mới lăng xăng, khiếu nại, suy diễn, chỉ chỏ tứ tung làm nhiều người tác ý không tốt. Cũng may, Đại đức Trưởng ban trần thiết và Đại đức Trí Tựu giữ vững lập trường mới không xảy ra những điều đáng tiếc. Cái bệnh danh tướng của chúng sanh sao mà nặng nề quá vậy! Cũng cần thành thật thêm đây một lời khuyên: “xin quý vị cư sĩ có chức ấy hãy nhớ câu ông bà ta dạy con cháu lúc mới lên ba là ‘ăn xem nồi, ngồi xem hướng’ ai lại chen vào giành đi trước trong hàng ngũ chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng trong lễ di quan, dù có chức gì chăng nữa cũng là cư sĩ cũng Phật tử tại gia thôi, thưa quí vị”. Hãy nhìn kỹ trong ảnh, trong phim để thấy hai bộ âu phục đen thui chen giữa hai hàng y hậu vàng rực mới thấy cái lố bịch của bệnh danh tướng này. Sở dĩ, kẻ hèn này ghi vào đây một chấm đen để tự răn đe mình và những người thân thích.
BIẾT LÀM GÌ HƠN
7 giờ sáng ngày 30 tháng 3 Nhâm Thân. Ba câu biểu ngữ viết trên ván ép với nội dung “Chúng tôi tuyệt thực để thỉnh cầu nhà nước CHXHCNVN nên tôn trọng lời DI HUẤN của THẦY chúng tôi”, biểu ngữ không treo mà được dựng đứng trước linh đài và hai bên Kim quan, gần 30 Tăng Ni đã im lặng ngồi tuyệt thực tại chỗ.
Thì ra, buổi họp ngày 29 tháng 3 không giải quyết được gì, vì hai ý kiến mâu thuẫn: Phía môn đồ thì tuân hành tuyệt đối DI HUẤN của Hòa thượng Bổn sư. Phía nhà nước thì muốn đọc điếu văn tán dương người quá cố. Riêng Giáo hội Thừa Thiên thì đã đồng ý là không đọc tiểu sử của Hòa thượng nữa, nên môn đồ đã đảnh lễ ghi ơn. Và đến 5 giờ chiều thì chư Tăng Ni đã dẹp biểu ngữ chấm dứt tuyệt thực vì nhà nước đã hứa không đọc điếu văn mà chỉ xin 2 phút để cụ Nguyễn Hữu Thọ nói một vài câu cho trọn tình với Hòa thượng. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có lẽ, một nhịp cầu cảm thông đã mở.
KHÔNG CHO CŨNG VẪN…
14 giờ ngày 30 tháng 3 âm lịch. Trời vẫn còn nắng gay gắt, máy phóng thanh ai đã cất giấu tự bao giờ, ban tổ chức vắng bóng, nhưng môn đồ pháp quyến y hậu chỉnh tề và mấy trăm Phật tử đã tựu trước linh đài. Hai hàng rào danh dự mỗi bên sáu hàng người đã tự động sắp xếp khi nghe tin Viện Hóa Đạo viếng tang dù ban tổ chức đã có thư văn chính thức không đồng ý. Tiểu ban tiếp tân đã hướng dẫn sáu phái đoàn của sáu chùa ở Sài Gòn đứng sẵn ở sân nhà hậu tổ cùng với Đại diện chư Tăng Ni các tỉnh sung vào với phái đoàn Viện Hóa Đạo. Hai chiếc lọng vàng do hai vị Tăng y hậu chỉnh tề đứng chực sẵn ở cửa. Đúng 2 giờ 5 phút Hòa thượng Huyền Quang xuất hiện, không ai bảo ai, không một hiệu lệnh hay khẩu hiệu, mọi người quỳ rạp xuống đất, chứng tỏ một niềm chí thành tôn kính tuyệt đối vào cấp lãnh đạo.
Trước linh đài và hai bên kim quan trên 30 Tăng Ni trong môn đồ quỳ xuống đảnh lễ nghinh đón.
Hòa thượng Huyền Quang, nhân danh VIỆN HÓA ĐẠO đảnh lễ trước kim quan và tâm sự, đại ý: – Đáng lẽ tang lễ này Viện Hóa Đạo phải đứng ra đảm trách, lo liệu chu đáo hơn, nhưng hoàn cảnh trớ trêu, chúng con không lo được, xin Hòa thượng tha thứ. – Đã lo tang lễ không được mà muốn điếu tang người ta vẫn tìm cách cản trở, Viện Hóa Đạo xem sự cản trở này là phi pháp, nên Viện Hóa Đạo vẫn cứ điếu tang. – Về phía chính quyền tại sao lại vẫn cứ muốn xen vào sinh hoạt nội bộ Phật giáo? Xen vào tang lễ làm trái Di Huấn của Hòa thượng. Năm 1981 đã nắn lên một Giáo hội mới để làm phân hóa và chia rẽ Phật giáo, làm cho tăng tín đồ điêu đứng không ít, đã công khai tiếm đoạt các cơ sở của GHPGVNTN, làm cho Giác linh Hòa thượng không được yên lòng truớc khi viên tịch. Vì vậy, trước Giác linh Hòa thượng chúng con nguyện tiếp tục sựnghiệp của Ngài, tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTTN sinh hoạt như cũ. Hoàn cảnh có khó khăn, phương tiện có thiếu hụt, nhưng chúng con và Phật tử còn có niềm tin, còn có khối óc, Viện Hóa Đạo sẽ làm tròn sứ mệnh. Xin Giác linh Hòa thượng gia hộ và chứng minh.
Sau cùng, nhân danh VIỆN HÓA ĐẠO trao đến môn đồ pháp quyến số tiền mười triệu (10.000.000đ) để lo tang lễ thật chu đáo, sau đó thiếu bao nhiêu, Viện Hóa Đạo sẽ cung ứng đầy đủ.
MỘT TRANG SỬ MỚI, CHƯA BIẾT VIẾT GÌ
Đại đức Hải Tạng, từ sau kim quan đi tới trang trọng với chiếc khay nhỏ phủ lụa vàng, quỳ xuống trình thưa: “Khi bổn sư chúng con mới ngã bệnh, đã lo lắng cho tiền đồ của Giáo hội, dặn chúng con trao tận tay Hòa thượng chúc thư gởi Hội đồng Lưỡng viện và ấn tín của VIỆN TĂNG THỐNG. Tuân lệnh Tôn sư, cơ duyên đã đến, chúng con kính mời Hòa thượng Nhật Liên đại diện môn đồ pháp quyến dâng lên Hòa thượng Phó Viện Trưởng VIỆN HÓA ĐẠO chúc thư và ấn tín này, để quý Ngài trong Hội đồng Lưỡng viện tùy nghỉ xử liệu. Chúng con chỉ biết làm theo DI HUẤN của Tôn sư”.
Hòa thượng Huyền Quang quỳ xuống đảnh lễ, mắt rơm rớm lệ, đưa tay nhận chúc thư và ấn tín đội lên đầu tỏ lòng tuân chỉ, nghẹn ngào chẳng nói được lời nào, với trọng trách thiêng liêng… Im lặng và im lặng – Đạo bổn vô ngôn – Phật giáo Việt Nam lật qua một trang sử mới, tăng tín đồ hãy viết vào đó những câu, những chữ bằng khối óc và con tim chân chính của mình.
ĐIỂM HỘI TỤ
Tối ngày 30 tháng 3, lượng người về chùa Linh Mụ càng lúc càng đông, người ta nối tiếp nhau vào lễ Ôn (sở dĩ chúng tôi nói người ta vì số người đến lễ Ôn không chỉ thuần túy là Phật tử mà gồm có nhiều thành phần kể cả những người khác tín ngưỡng mà kính mến Ôn hay những người đến thi hành bổn phận cũng bị cuốn hút vào khung cảnh trang nghiêm thành kính chung mà phát tâm lễ bái). Tối 30 tháng 3 quá đông vì hai lý do rõ rệt: Một là chỉ còn đêm cuối. Hai là sự xôn xao trong dư luận quần chúng chư Tăng Ni tuyệt thực suốt ngày và thái độ có thể tiến xa hơn. Có điều đặc biệt là đông đảo mà không ồn ào, không ai điều khiển mà vẫn trật tự.
Tình cờ, cái duyên đưa đẩy, có hai thanh niên đến bên thùng nước uống, gặp tôi, sáu mắt nhìn nhau, ánh đèn nê ông bắt dưới tàng cây đủ để chúng tôi thấy rõ mặt nhau, một thanh niên vừa múc nước uống, vừa triết lý: “Ba chúng ta đều là người yêu nước”. Tự nhiên tôi cũng đồng tình “Yêu nước nên đem nước vào lòng, nhưng coi chừng, nếu nước có vi trùng thì phải lọc đã”. Thế là chúng tôi cùng cười và quen nhau, biết ra, hai chàng này là cán bộ của tỉnh lên làm nhiệm vụ, một anh nhận xét: “Tôi mới ở Bắc vào, được cử lên đây công tác, chưa thấy đám tang nào lớn như vậy, đồng bào đi lễ đông mà trật tự, tốt quá, thấy mấy sư yên lặng tuyệt thực, tôi kính mến. Tôi chỉ thắc mắc là nhà nước đọc điếu văn, tiểu sử, ca ngợi công lao của Hòa thượng sao các sư lại từ chối cái vinh dự ấy nhỉ?”
Phật giáo vậy đó, tôi giải thích, vô tánh vô tướng, không cầu danh, không tranh lợi, không lợi dụng ai, mà cũng không muốn ai lợi dụng mình. Đọc kỹ lời Di Huấn của Hòa thượng sẽ thấy rõ, hơn thế, có lẽ bạn phải tìm đọc cái thư từ chức của Hòa thượng trước đây mấy năm mới nhận rõ thêm vài sự kiện.
Một ông bạn khác lên tiếng: “Chiều nay các sư đã ngưng tuyệt thực rồi, chỉ còn đêm nay và sáng mai, tôi ước mong đừng có gì đáng tiếc nữa cả”. Tôi tiếp: “Tôi cũng hy vọng như thế, miễn là cây muốn lặng thì gió nên ngừng. Còn việc ngưng tuyệt thực chính đó là cái triết lý Phật giáo, cái này sanh, cái kia sanh, cái này diệt cái kia diệt. Hòa thượng không muốn ai điếu, ai văn mà nhà nước cứ muốn có nên sinh chuyện. Nay nhà nước hứa không đọc điếu văn nữa thì các thầy dẹp biểu ngữ và ngưng tuyệt thực ngay, chỉ có thế, đơn giản như thế, sao chẳng chịu hiểu nhau!”
ĐÃ HIỂU NHAU ÍT NHIỀU RỒI ĐÓ
Mới 3 giờ sáng mà người tới dự lễ NHẬP THÁP đã chật sân chùa. Đúng 6 giờ lễ được cử hành theo nghi thức Phật giáo thuần túy. Phái đoàn Chính quyền đến dự lễ cũng khá đông, ban tổ chức đã khéo léo sắp xếp cho phái đoàn này ngồi ở hậu điện Quan Âm, khi nghinh kim quan Hòa thượng ngang qua thì phái đoàn đã đứng sẵn một hàng dài trên đường kim quan vào tháp. Do đó, ban lễ tang của nhà nước áp đặt đã im lặng và vắng bóng từ trước đến sau. Chỉ có khi nhập tháp cụ Nguyễn Hữu Thọ đã nói vài lời cho trọn chút thâm tình, lời của cụ Nguyễn Hữu Thọ chỉ gói trọn trong ý thương tiếc Hòa thượng trọn đời đã hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc. Ai nghe cũng nhận rõ sự tương kính và thủ tín với nhau nên lễ nhập tháp đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thắm thiết đạo vị. Điều đặc biệt mà tôi nhận cảm sâu lắng trong tâm hồn, đó là sự hiện diện của Hòa thượng Huyền Quang đi với Hòa thượng Nhật Liên dẫn đầu trong hàng ngũ Môn đồ Pháp phái. Hình ảnh này, rõ ràng, một nét đẹp, cái đẹp thanh cao, cái đẹp giải thoát, cái đẹp của vô ngã vị thanh, cái đẹp của Từ bi trí tuệ, cái đẹp của tùy duyên bất biến. Trên thượng phẩm sen vàng, xin Giác linh Hòa thượng cười nhìn chúng con và truyền thêm cho chúng con sức sống.
Mai Tường
______________________
Phụ Bản
LỜI DI HUẤN
Cùng tất cả thất chúng đệ tử:Lời Kinh dạy: “Mạng người vô thường, ngắn ngủi trong hơi thở”.
Thầy nay tuổi ngoài bát tuần, lại thêm trọng bệnh, sức khỏe yếu dần, giờ phút giã biệt các con không còn bao lâu nữa. Vậy Thầy có vài lời tâm huyết căn dặn lại, trước khi Thầy trút hơi thở cuối cùng:
- Khi Thầy không còn nữa, anh em các con hãy biết thương yêu nhau trong tinh thần hòa hợp. Người đi trước phải có trách nhiệm giúp đỡ, dìu dắt kẻ đi sau, nhất là đối với việc duy trì tịnh giới, tinh tấn tu hành để khỏi luống uổng chí nguyện của người xuất gia.
- Tang lễ của Thầy nên tổ chức một cách đơn giản, trang nghiêm và không kém phần đạo vị. Nên miễn giảm các nghi thức rườm rà, chịu ảnh hưởng các đạo giáo của thế gian, mà không thể hiện được tinh thần thuần túy của Phật Giáo.
- Chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni có lòng đến dự tang lễ, phải thừa chu đáo, xếp đặt chỗ ngồi trang nghiêm, thỉnh mời các ngài đứng ngồi theo ngôi thứ, bao quanh linh cữu, tụng kinh và niệm Phật theo chánh pháp.
- Các cơ quan, đoàn thể công tư có lòng đến thăm viếng, phúng điếu, xin mời giữ yên lặng tưởng niệm là đủ. Miễn tất cả sớ ai, tiểu sử hoặc tuyên dương công đức… trái với tinh thần vô ngã, vô tướng của Phật Pháp. Hãy nhường những việc làm ấy cho lịch sử mai hậu.
- Ngoài sự tụng kinh, niệm Phật, xin giữ thanh tịnh, không nên có tiếng kêu khóc, nhất là về phía Phật Tử thiện tín.
- Ban Tang Lễ nên cử bộ phận phát ngôn thay đổi làm việc. Ngoài bộ phận này, không ai được tự tiện phát biểu hay tuyên bố lời gì, nếu không có sự chấp thuận của Ban Tang Lễ.
Các con hãy luôn luôn thức tỉnh, nhớ nghĩ đến cuộc đời vô thường mà tinh tấn nhiều hơn! Hãy ghi nhớ kỹ!
Linh Mụ ngày 19 tháng 2 năm 1988
Lão bệnh Tỳ Kheo Đôn Hậu
______________________
Về những chức vụ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Hòa Thượng Đôn Hậu vì lý do sức khỏe, không thể tham dự Đại Hội, tuy nhiên Đại Hội vẫn công cử ngài làm Đệ Nhất Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật. Hay tin này, Hòa thượng đã gửi hai văn thư, một văn thư cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và một văn thư cho Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam từ chối không thể đảm nhiệm những chức vụ giao phó.
Đối với Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng luôn luôn dành sự kính mến đặc biệt. Hòa Thượng đã từng chung học với Hòa Thượng Trí Thủ tại Phật Học Viện Tây Thiên, từng cùng Hòa Thượng gánh vác công việc Phật Sự trong nhiều nhăm. Tính tình phóng khoáng, khoan dung, từ bi độ lượng của Hòa Thượng Trí Thủ; khả năng nhiếp chúng, lòng từ mẫn chân tình của Hòa Thượng Trí Thủ đối với đồ chúng khó ai có thể sánh kịp. Những điều này Hòa Thượng ghi nhớ rõ khi viết văn thư cho Hòa Thượng Trí Thủ.
*
THƯ GỬI HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ
Phật lịch 2524
Linh Mụ, ngày 24 tháng 11 năm 1981
Kính gửi: Hòa Thượng Thích Trí Thủ
Trưởng Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam
Chủ Tịch Đoàn, Chủ Tịch Đại Hội Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11, 1981
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa Hòa Thượng:
Như Hòa Thượng đã biết, từ mùa Xuân năm 1980, khi Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban Vận Động với danh nghĩa Cố Vấn, nhưng tôi đã không có sự cọng tác gì với Ban Vận Động cả, kể các cuộc Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng qua báo chí và các văn kiện Đại Hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường Trực Hội Đồng Chứng Minh với chức vụ Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật.
Tôi xin chân thành cảm tạ ơn Hòa Thượng và Đại Hội đã dành cho tôi vinh dự đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong cương vị Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống.
Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa Thượng rõ và nhờ Hòa Thượng hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quí vị trong Đoàn Chủ Tịch của Đại Hội vừa qua.
Kính chúc Hòa Thượng pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ và mong Hòa Thượng nhận nơi đây lòng chân thành của chúng tôi.
Nay kính,
Tỳ Kheo Thích Đôn Hậu
(ấn ký)
*
THƯ GỬI HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN
Phật lịch 2525, Bệnh Viện Thống Nhất, ngày 8-2-1982
Kính gửi: Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Hòa Thượng:
Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Dậu, vì bệnh tình bức bách, nên ngày 21-1-1982, tôi đành phải rời Huế vào thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh, giữa lúc mọi người đang hân hoan đón Xuân sang và cho đến hiện nay tôi vẫn đang còn được trị bệnh tại bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian ấy, ngày 7-2-1982, tôi lại nhận được lá thư của Hòa Thượng gửi cho tôi với danh nghĩa Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nội dung bức thư ấy, Hòa Thượng báo tin cho tôi biết là Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam đã thành tựu viên mãn, cũng như Hội Đồng Bộ Trưởng đã ra quyết định công nhận Bản Hiến Chương, danh sách Ban Lãnh Đạo và cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động. Đồng thời Hòa Thượng đã có lời khuyên tôi cố gắng cộng tác với Giáo Hội trong chức vụ nói trên.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn lòng thạnh tình của Hòa Thượng đối với tôi, đồng thời tôi rất lấy làm vinh dự và tri ân quí Hòa Thượng đã dành cho tôi một chức vụ quan trọng như thế. Nhưng, thưa Hòa Thượng, như Hòa Thượng đã biết, vào đầu mùa xuân năm 1980, cũng chính là lúc tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện Thống Nhất này, thì hay tin Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam được thành lập, trong đó tôi được có tên với danh nghĩa Cố Vấn. Thế nhưng bệnh duyên chướng ngại, nên tôi đã không tham gia được một Phật sự nào đáng kể, ngay cả cuộc Hội Nghị Đại Biểu vừa qua tôi cũng phải vắng mặt. Cho nên, tôi xét thấy mình tuổi đã già, sức đã yếu lại bệnh hoạn liên miên và mỗi ngày càng thêm trầm trọng. Do đó tôi viết thư này để kính báo với Hòa Thượng để Hòa Thượng rõ là tôi không thể đảm nhận được chức vụ quan trọng Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà Hội Nghị đã đề cử.
Tuy vậy, riêng cá nhân, tôi vẫn luôn luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục đem tất cả sức tàn ra phụng sự chánh pháp trong khả năng còn lại của mình và trong điều kiện sức khỏe cho phép.
Rất mong Hòa Thượng thông cảm và nhận nơi đây lòng chân thành của tôi. Kính chúc Hòa Thượng phước trí nhị nghiêm, chúng sinh dị độ.
Nay kính,
Tỳ kheo Thích Đôn Hậu
(ấn ký)
______________________
Về chuyện Hòa Thượng Đôn Hậu lên chiến khu theo lời của Gs Lê Văn Hảo
Giáo sư Lên Văn Hảo, tiến sĩ dân tộc học, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế kỳ Tết Mậu Thân.
Trả lời những câu hỏi của biên tập viên Nguyễn An, Ban Việt Ngữ RFA ngày 21 tháng 12, 2006, giáo sư Hảo cho biết Gs không phải là thành viên của Mặt Trận mà chỉ là một cảm tình viên. Vào dịp Tết Mậu Thân, Gs được các nhà lãnh đạo Mặt Trận mời đi họp trước khi họ tấn công Huế. Suốt thời gian Huế chìm ngập trong chiến trận Gs ở trên núi không biết những gì đã xảy ra cho Huế ngoại trừ tin tức trên đài phát thanh. Chức vị Chủ Tịch chỉ trên danh nghĩa.
Giáo sư Hảo cho biết trong số những người lên núi, rồi sau đó cùng ra Bắc với Giáo sư có Hòa Thượng Đôn Hậu. Hòa Thượng phải ngồi võng cho hai anh quân nhân giải phóng khiêng. Bà Nguyễn đình Chi và cụ Nguyễn Đóa cũng ngồi võng, Gs lúc đó mới 32 tuổi, còn khỏe mạnh nên đi bộ như mọi người khác. Gs Hảo còn cho biết, tất cả mọi người đều được mời đi họp, “riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, rồi võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy… anh Tôn Thất Dương Tiềm đi theo quân giải phóng. Anh Tiềm là Việt Cọng nằm vùng…”
Cụ Nguyễn Thúc Tuân, cư ngụ tại 18/15 Lê Thánh Tôn, Huế Tel: 351-2061, nói về cụ Đôn Hậu. (Ngày 17-3-2009, 9:30 sáng)
Cụ Nguyễn Thúc Tuân, theo lời cụ kể, năm nay 97 tuổi, sinh năm 1912, cùng năm với vua Bảo Đại, tham gia Cách Mạng, vào đảng năm 1946. Cụ nói Cụ sát cánh bên cạnh Cụ Đôn Hậu suốt 10 năm, từ năm 1968 cho đến năm 1978, theo mệnh lệnh cấp trên có bổn phận bảo vệ và kiểm soát Hòa Thượng Đôn Hậu.
Tối mồng 4 Tết Mậu Thân, cụ Nguyễn Thúc Tuân kể: tôi cùng đi với bà Nguyễn Đình Chi, cụ Nguyễn văn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm (3 người) lên chiến khu cách thành phố Huế độ 4km. Tối ấy ở lại 1 đêm, ngày sau lên chiến khu gặp Gs Lê Văn Hảo đã lên trước ngày 30 tháng Chạp, gặp Cụ Đôn Hậu cũng đã lên trước vài ngày, từ Văn Xá đi lên độ 3 km đường chim bay. Chúng tôi giờ đây gồm 6 người: Bà Nguyễn đình Chi, Ô Nguyễn văn Đóa, Ô Tôn thất dương Tiềm, Gs Lê văn Hảo, cụ Đôn Hậu và tôi. Chúng tôi lên gặp ô Hoàng Phương Thảo, chủ tịch thành phố Huế. Ông này lo toàn bộ. Ở tại chiến khu Huế 15 ngày. Máy bay Mỹ từ Dương Xuân Hạ bắt đầu thả bom, pháo kích dữ dội. Một trái pháo kích nổ cách bà Chi độ chừng 10m, may mắn không ai bị thương. Chúng tôi đi sâu vào trong núi, sống trong hầm đá, ở lại 1 ngày sau bắt đầu ra Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, có đoạn đi bộ, có đoạn đi xe jeep, đến Nghệ An. Từ Nghệ An ra Hà Nôi đi bằng xe. Cụ Đôn Hậu và bà Chi đi trước, bốn chúng tôi theo sau. Ra đến Hà Nội được Ủy Ban Thống Nhất đón tiếp. Tôi và cụ Đóa gặp lại cụ Đôn Hậu và bà Chi.
Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ và Hòa Bình được hướng dẫn thăm Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Thỉnh thoảng Liên Minh được đi thăm các nước ngoài.
Khi thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Chủ Tịch, ông Tôn Thất Dương Tiềm và tôi làm Ủy Viên. Lúc ấy chúng tôi ở chiến khu Huế. Số là lúc đầu Gs Hảo được mời ra Phong Điền hội họp. Khi đến Văn Xá lại nói đổi lộ trình đi thẳng lên chiến khu. Đi vào trưa ngày 30 Tết. Tối đó quân Cách Mạng báo cho giáo sư biết quân đội Cách Mạng tấn công thành phố Huế. Từ đó chúng tôi không trở lại Huế nữa mãi cho đến năm 1975.
Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời được thành lập một năm sau, khi chúng tôi ở tại Hà Nội. Trong Chính Phủ Cách Mạng, cụ Đóa là chủ tịch, cụ Đôn Hậu và bà Chi được sắp làm cố vấn. Tôi và Tôn Thất Dương Tiềm không được mời tham dư.
Từ năm 1970 chúng tôi đi Trung Quốc, Liên Xô, Đông Đức. Riêng tôi có đi Ai Cập. Bà Chi và cụ Đôn Hậu có đi Mông Cổ. Cụ đi đến đâu dân chúng Mông Cổ quì lạy, xem như vị Phật sống.
Cụ Đôn Hậu từ Trung Quốc trở về Huế cuối tháng 5, 1975. Huế đã thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng trước khi Cụ về đến Huế.
Sau khi chúng tôi về Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Trưởng Ban Bảo Tồn Bảo Tàng Viện, không được vào dạy trường Đại Học. Gs Hảo rất buồn. Gs được cấp một cái nhà nhỏ trước Cao Đẳng Y Học, đường Nguyễn Huệ. Tôi được làm Trưởng Ty Thể Dục Thể Thao. Tôn Thất Dương Tiềm làm Trưởng Phòng Giáo Dục Huế. Cụ Đóa được cấp một căn nhà trong thành nội số 22 Lê Thánh Tôn, Huế. Nhà này hiện nay đã bán đi rồi. Người con gái của cụ ở Sài Gòn.
Tôi làm Trưởng Ty cho đến năm 1978, làm Đại Biểu Quốc Hội khóa 6 được vài tháng, đi họp 1 lần rồi bị bắt năm 1978, bị gán tội làm gián điệp, ở tù 8 năm 16 ngày tại trại Bình Điền. Tôi làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được xét xử. Mới đây tôi cũng làm đơn xin cứu xét lại, nhưng không được hồi âm vì Trung Ương quá bận việc. Được xóa án nhưng không được trắng án. Xóa án xem như không có phạm tội.
Cụ Đôn Hậu và bà Chi được chính phủ trọng nể. Phòng tôi ở gần phòng cụ Đôn Hậu. Cụ có một người đệ tử tên là Kiến, chừng 30 tuổi, đi theo hầu. Cụ thật sự là một vị chân tu. Tôi chưa thấy một vị sư nào đạo hạnh như Cụ. Có một lần chúng tôi được đưa tới Hắc Hải (Black Sea) bên Liên Bang Soviet để nghỉ mát. Chúng tôi ở trên lầu. Một buổi sáng thức dậy Cụ mở cửa sổ hóng nắng, thấy phụ nữ mặc đồ tắm đi trên bãi biển. Cụ đóng sập cửa sổ lại và từ đó, trong thời gian nghỉ mát ở Liên Xô, cụ không bao giờ mở cửa sổ nhìn xuống bãi biển nữa. Suốt 10 năm sống gần cụ, không thấy cụ dùng rượu, bia hay thịt, cá, ngay cả nước mắm, dầu ở trên chiến khu thiếu thốn đủ mọi thứ.
Mỗi năm vào dịp Lễ Phật Đản, cụ đọc bài tưởng niệm Đản Sanh do ông Tôn Thất Dương Tiềm viết. Ông Tiềm có dùng một số từ ngữ mà cụ không đồng ý. Cụ nói thà chết chứ không làm việc trái đạo. Cụ Nguyễn Thúc Tuân nói không nhớ rõ từ ngữ gì.
Khi bà Chi và Cụ Đôn Hậu qua đời, cụ Tuân nói cụ tránh không đến tham dự tang lễ. Gs Lê Văn Hảo sau khi nghe tin vợ đi lấy chồng khác, ông đã tái giá với một cô giáo người Hà Nội. Lễ tân hôn Gs mời nhiều người Huế tham dự nhưng không ai đến chỉ một mình cụ Tuân đến dự.
Vợ chồng cụ Tuân có 2 người con trai, 1 là liệt sĩ, 1 hiện nay ở Nha Trang và 4 người con gái, 1 người làm bác sĩ cùng chồng cũng làm bác sĩ đang cùng sống với cụ ở Huế, 1 là kỹ sư ở Pleiku, 1 là giáo viên ở Sài Gòn và 1 ở Úc. Mặc dầu 97 tuổi cụ vẫn dạy học, dạy tư, dạy Anh và Pháp văn cho 15 học sinh. Những người học suốt tuần đóng học phí mỗi tháng $150,000 (gần 10 đô la Mỹ)â, học 3 ngày đóng $70,000. Mỗi tháng kiếm được độ chừng $100US.
Theo tin tức chúng tôi thâu lượm được vào đêm mồng một Tết, một trung đội nhưng quân số chỉ vào khoảng 20 người của quân Bắc Việt, nhân danh Mặt Trận Giải Phóng, do Thiếu Úy Nguyễn Văn Khánh chỉ huy, đến chùa Linh Mụ mời Hòa Thượng Đôn Hậu đi họp. Hòa Thượng không được khỏe. Hai người lính gánh Hòa Thượng lên núi qua ngả Hương Trà. Sau một ngày đường đến địa đạo Khê Trai, Thiếu Úy Khánh giao Hòa Thượng cho Thành Ủy Huế. Hai tháng sau Hòa Thượng cùng những vị khác như bà Tuần Chi, Gs Hảo được mời ra Bắc.
(Trích “NHƯ ÁNG MÂY BAY – CUỘC ĐỜI CỦA ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU” của Tác giả Tâm Đức Trần Quang Thuận. Lotus Media ấn hành, 2019)
https://tknews.direct/reading_Tang-Le-Hoa-Thuong-Thich-Don_kdqcskt.html?utm_source=dlvr.it&utm_medium=facebook&fbclid=IwAR3gptbvSuiI3gUZa9HvJTY_JKmqtk1qli8iqG-sA_xNPEEfgnBeWnY5jGQ
Gửi ý kiến của bạn