Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm niệm về mẹ

10/04/201317:25(Xem: 4972)
Cảm niệm về mẹ

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2007

Cảm niệm về mẹ

Hư Thân Huỳnh Trung Chánh

Nguồn: Hư Thân Huỳnh Trung Chánh

(Kính dâng mẹ cụ bà Nguyễn Thị Sáu )

THAY LỜI TỰA


Mẹ tôi có ba người con : Con trai lớn là Huỳnh lê Tiến, cô gái út là Huỳnh thị Mỹ Dung, tức văn sĩ Huỳnh Dung, và chúng tôi là Huỳnh trung Chánh. Trong ba anh em, nếu kể đến lòng hiếu thảo và thương yêu mãnh liệt có lẽ tôi không sánh bằng anh em tôi, nhưng tôi là đứa con có cơ duyên gần gũi với bà, chia sẽ đắng cay với bà vào những giây phút hiểm nguy trên cuộc đời như lần đi xuồng chèo trên giòng Cửu Long giữa cơn binh lửa từ Trà Vinh về Cao Lãnh năm 1945, lần gay go vượt biển đến trại tị nạn Mã Lai năm1977, và lần cuối cùng đưa bà rời cõi Ta Bà đầy khổ lụy nầy. Tôi cũng là đứa con thích cười giỡn với bà, ngắm nhìn bà và thường lắng nghe bà thổ lộ chuyện ngày xưa. Nhờ vậy, giờ đây những kỹ niệm thân thương đó mới có thể tự động tuần tự hiện về, để cô đọng thành những giòng cảm niệm cho tập sách mỏng manh nầy.
Đối với người Việt Nam chúng ta, bà mẹ nào cũng là suối nguồn của tình thương, bao dung chở che con cháu như trời cao biển rộng, ngọt ngào đậm đà như “chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau...”
Riêng tôi, một hôm ngắm nhìn mẹ, tôi bỗng khám phá rằng mẹ tôi chính thực là một “Quan Thế Âm Bồ Tát”, người lúc nào cũng thường trực nghe ngóng theo dõi từng đứa con, đứa cháu cùng bao kẻ thân sơ khác để sẵn sàng xả thân mình chở che, chăm sóc mọi người. (Tôi đã viết truyện ngắn hư cấu tựa đề “Quan Âm tóc rối” dựa vào cảm xúc nầy)
Tóm lại, với tôi mẹ là tất cả, dẫu có thời giờ tôi cũng không đủ khả năng, ngôn từ để mô tả tấm lòng bao la của mẹ, huống vì trong phạm vi ngắn ngủi của phần Thay Lời Tựa nầy, nên tôi chỉ xin trích sơ lược vài đặc điểm của bà như dưới đây :
Mẹ tuân lệnh nghiêm đường lập gia đình năm 19 tuổi, chồng vĩnh viễn ra đi năm 29 tuổi, ở lứa tuổi nhan sắc vẫn mặn mà, bao người rấp tâm tán tỉnh, mà mẹ tôi vẫn tạc lòng tạc dạ, thờ chồng nuôi con. Lòng thủy chung chân chất của bà lúc nào cũng bền bĩ không phai, cho dù đến khi tuổi đã gần 90 bà vẫn yêu chồng tha thiết đậm đà như xưa. Vào tuổi nầy, tuy đầu óc đã lẫn quên nhiều, nhưng ký ức về thời gian trẻ thơ, kỹ niệm những ngày chung sống với chồng, lễ vấn danh, lễ cưới... thì bà vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ. Mắt bà vẫn sáng ngời, tràn ngập hạnh phúc mỗi khi kể tôi nghe chuỗi ngày xưa ấm êm ấy. Có lần bà nói nhỏ với tôi : “Má có bài thơ nầy viết về ba, con nên ghi lại kỹ niệm”. Rồi bà chậm chậm đọc cho tôi chép trọn bài thơ ba mươi hai câu. Tôi xin trích ra bốn câu kết như sau :
Anh hãy chờ em chốn cữu tuyền
Cùng nhau dìu dắt đến cung thiên
Nơi miền Tiên cảnh lòng vui thỏa
Đây chốn nghìn thu giấc ngủ yên.

Bài thơ thương nhớ chồng mong tái ngộ với chồng ở suối vàng nầy bà sáng tác vào năm 44 tuổi mà đến khi 88 tuổi bà vẫn còn nhớ rõ, đúng là mối tình chung thủy vĩnh viễn không phai. (Điều kỳ lạ là bà đã sáng tác hơn trăm bài thơ, tôi đánh máy in thành tập để bà tặng thân hữu, nhưng bà quên tuốt luốt không nhớ bài nào khác, kể cả chuyện in sách nữa.)
Lòng hiếu thảo của mẹ tôi cũng cao cả hiếm có. Trong thời chiến tranh, khi hoa lợi ruộng vườn yếu kém, ông bà ngoại tôi già yếu bệnh hoạn triền miên, cần có đứa con sớm hôm gần gũi. Chị em không ai đáp ứng được, nên mẹ tôi quyết định hi sinh về quê báo hiếu mẹ cha ròng rã hơn mười năm trời. Trong thời gian nầy, mẹ tôi phải gánh chịu bao nỗi nhọc nhằn gian khổ khi bà ngoại bị bệnh liệt giường đến ba năm, ông ngoại cũng nằm một chỗ đến sáu tháng, mà mẹ vẫn không tiếng thở than trách móc chị em. Ông bà ngoại từ trần, mẹ tôi hoan hỷ bàn giao tất cả tài sản của ngoại cho người chị, rồi về Saigon hẩm hiu sống với đám con.
Tôi không có thời giờ kể lể dài dòng về lòng tận tụy hi sinh của bà đối với con cháu, chỉ xin nhắc lại một điều là, với ai, dù thân hay sơ mẹ tôi đều đối xử ngọt ngào đầy ấp tình thương, đến nỗi sau ba mươi năm mất liên lạc, mà cô Nguyễn thị Rê người làm công năm xưa vẫn cảm động rưng rưng nước mắt khi nhắc về bà, và tôn xưng bà là bậc có hạnh Bồ Tát.
Năm sau cùng nầy, sức khỏe của mẹ tôi suy sụp nhanh chóng. Thú thật là có nhiều lúc, tôi tự cảm thấy xấu hỗ vì nghĩ mình chưa lo cho mẹ vuông tròn như lòng mong muốn. Niềm an ủi lớn lao của tôi, là mẹ tôi biết thành tâm “Niệm Phật”. Mẹ con chúng tôi ước nguyện sẽ gặp lại nhau ở cõi Phật, nên dù bệnh hoạn yếu đuối như thế nào, mẹ con chúng tôi cũng cùng Niệm Phật với nhau. Ngày 18.05.2007, mẹ tôi yếu lắm không nói nổi lời nào, vậy mà, trong khi ngồi cạnh bà Niệm Phật, mấy lần tôi lắng nghe được tiếng thì thào của bà Niệm Phật theo tôi. Hôm sau thì bà lìa trần nhẹ nhàng ngủ yên trong tư thế ngồi dựa. Sau tám giờ hộ niệm, theo ni sư Như Phương và nhận xét riêng tôi thì mặt bà vẫn tươi nhuận, lưỡi bà có phần tươi hơn, và khi nhà quàn cho bà nằm xuống để chuyển đi, thân thể vẫn mềm mại bình thường.
Sau đó, hằng ngày trước bàn thờ bà, tôi vẫn “động viên” bà : “Má ơi! Giờ nầy dù má đã hay đang về cõi Phật, xin má thương con tiếp tục Niệm Phật nghen má. Má Niệm Phật cho má mà cũng Niệm Phật để ủng hộ con nữa, thì mới mong mẹ con mình cùng sanh về cõi Phật!”
Trong khi thỏ thẻ với bà, vào ngày thứ hai sau khi bà lìa đời, tôi bỗng cảm ứng ra một bài kệ nôm na, mà bạn đọc có thể đánh giá như là một bài thơ con cóc ngô nghê. Riêng tôi khi đọc tụng bài kệ nầy, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp, tràn ngập thương yêu và niềm tin, nên xin ghi lại để cống hiến quý đọc giả :
Má thương con thì má Niệm Phật
Con thương má thì con Niệm Phật
Mẹ con mình đồng Niệm Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật

Tôi hy vọng bạn đọc nào có hoàn cảnh tương tợ như tôi xử dụng bài kệ nầy trao cho thân nhân cũng đón nhận mối giao cảm sâu xa của người mình thương như tôi vậy.
Mẹ lìa trần tuy mất mát, nhưng tôi không buồn.Thật ra thì tôi rất hoan hỷ, hoan hỷ vì tin tưởng rằng mẹ tôi không bao giờ chết cả, và như hai mẹ con tôi đã ước hẹn với nhau, chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau nơi cõi Phật.
-oOo-
Trên đây chỉ là vài nét phát họa về mẹ trong tập cảm niệm. Tập sách nầy gồm bốn bút ký viết rải rác từ năm 2003 đến nay : Tản mạn về Cần Thơ, Ngày tháng già nua, Sống bù cho con và Năm tháng cuối đời, nội dung là những mẩu chuyện chấp nối ghi lại vài hình ảnh sống thực của mẹ tôi ngày xa xưa cho đến khi từ giả cõi Ta bà.

Tản mạn về Cần Thơ


Sanh trưởng tại vùng đồng bằng sông ngòi chằn chịt, chưa bập bẹ “i tờ” đã lặn ngụp tắm sông, mối tình sông nước đã man man đeo đẳng tôi ra tận xứ người. Lái xe qua cây cầu nào, tôi cũng rộn ràng ngắm nhìn thật kỹ giòng sông, để rồi chỉ ngậm ngùi khám phá rằng sông nước ở đây nó chẳng dính líu gì đến niềm thương nỗi nhớ của mình. Tôi lại định cư tại vùng sa mạc khô cằn thuộc tiểu bang Arizona, nơi cũng có nhiều cây cầu khang trang và dài như cầu Tân An hay Bến Lức, bờ sông cẩn đá, lòng sông nông cạn nhưng khá rộng được khéo léo trải từng lớp sỏi to cỡ trái xoài tượng, gọn gàng, sạch sẽ, và dĩ nhiên chẳng hề có chút sình non hay rác rến. Chuyện nghịch đời là con sông đó suốt năm khô khan chỉ mấy ngày mới có lạch nước nhỏ ri rỉ chảy, sông rạch thiếu nước, dù tô điểm cách nào nó cũng vô duyên trơ trẻn mà thôi. Muốn tìm ra một giòng sông đúng nghĩa tôi phải đi sang tiểu bang khác. Tôi có dịp viếng vài giòng sông nổi tiếng như American River, Sacramento River tại Bắc Cali, Mississipi River tại các tiểu bang miền Trung, nhưng chưa có nơi nào so sánh nổi với giòng Cửu Long mông mênh tình tứ cả. Nhân một chuyến nghỉ hè tại phố biển Corpus Christi, Texas, vô tình chúng tôi khám phá bến phà Aransas Pass đưa sang đảo Padre, bèn đi cho biết. Chiếc phà hùng vĩ nuốt chửng gần hai mươi chiếc xe, chạy phất phới, nên tuy khoảng đường biển dài gấp đôi Bắc Vàm Cống, thời gian di chuyển chỉ độ chừng 30 phút mà thôi. Tôi đậu xe, ra đứng tại đầu phà, ngắm trời mây bao la, đón làn gió mát, nhìn chiếc phà rẽ sóng tung toé... bất chợt tôi có cảm giác như mình đang bồng bềnh trên giòng Cửu Long ngày nào : thương nhớ vô vàng. Anh Huy, bạn tôi bỗng cất giọng thảm sầu : “Trời ơi! cảnh nầy sao quen thuộc quá! nó khiến tôi nhớ Bắc Cần Thơ điên cuồng, anh ạ!” Tôi nghe ba chữ “Bắc Cần Thơ” bỗng xúc động lặng người, gắng gượng lắm tôi mới đáp nho nhỏ qua tiếng thở dài : “Ừa thì tôi cũng nhớ Cần Thơ tha thiết, chẳng thua anh bao nhiêu đâu?” Anh bạn chẳng tin tí nào. Tôi đâu phải là dân Cần Thơ, thì làm sao có thể thương Cần Thơ bằng anh cho được.
Thân hữu không mấy người biết, thuở ấu thơ tôi đã có thời sống tại Cần Thơ hai năm, và cũng không ai ngờ rằng đã qua bao năm tháng dài, mà tình cảm của tôi đối với Cần Thơ vẫn thắm thiết đậm đà. Gia đình tôi đã trôi giạt đến Cần Thơ vào năm 1948, tương tợ như một về lục bình trôi lang thang theo giòng nước rồi bị xô đẩy tắp vô một bờ bến lạ vào một đêm tối tăm mù mịt. Chới với, ngỡ ngàng…
Duyên cớ nào đã đưa đẩy chúng tôi lạc lõng đến Cần Thơ vào thời điểm nầy là một chuyện dài, khởi đầu với cảnh đất nước loạn ly tan tóc… Thật vậy, nếu khói lửa chiến chinh vào mùa thu năm 1945 không lan dần đến quê hương tôi, một hòn cù lao nhỏ giữa giòng sông Cổ Chiên, thuộc xã Long Hòa, tỉnh Trà Vinh, thì có lẽ gia đình tôi vẫn an phận với nếp sống trầm lặng tại miền thôn dã. Thế nhưng, chiến cuộc đã cướp mất tôi người cha, và mẹ tôi đành quyết định bỏ nhà cửa ruộng vườn, gạt lệ dẫn con ra đi. Bà đưa con tạm lánh về Mỏ Cày, Kiến Hòa, gởi anh tôi cho chị chồng. Sau đó, cùng với chị bếp trung thành lãnh phần bơi mũi, bà thuê chiếc xuồng và một người bạn chèo - người chèo thuê, nhưng mẹ tôi gọi là bạn chèo, đúng không tôi chẳng rõ - đi ngược giòng sông Tiền, đưa hai đứa con nhỏ về quê ngoại tại Cao Lãnh nương náo. Lộ trình đi thập phần nguy hiểm. Tiếng súng ngày đêm vẫn vang rền, sông Cửu Long mênh mông sóng gió chập chùng, nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết đưa chiếc thuyền con lầm lì len lỏi giữa làn súng đạn của hai phe, như là chuyện thường trực liều lĩnh thách thức với tử thần. Ngày nào, trên giòng sông cũng có vài mươi xác chết sình chương, mà người ta gọi là “thằng chổng” trôi dập dìu. Nạn nhân có thể là kẻ bị Tây nghi ngờ là Việt Minh, nên xử bắn rồi đạp xác xuống sông, hoặc cũng có thể là kẻ bị kháng chiến tình nghi là thành phần “Việt gian”, trói bỏ vào bao bố kèm với viên đá nặng thả xuống sông cho “mò tôm”. Nguy hiểm hơn nữa, là những nút “kiểm soát” được đặt đầy dẫy khắp nơi, mà ranh giới không rõ rệt, nếu bị chận hỏi mà trả lời lợn cợn thì mất mạng như chơi. Có một lần một dân quân Việt Minh chận xét thấy trong mớ chỉ thêu của mẹ tôi có rất nhiều màu, trong đó có ba màu xanh trắng đỏ, mà ba màu nầy hợp lại thành màu cờ nước Pháp. Thế rồi, anh ta lên án mẹ tôi là Việt gian, tịch thu chỉ thêu và bắt mẹ tôi dẫn đi trình với cấp trên. Anh bạn chèo buột miệng : “Điệu nầy bả dám bị cho đi mò tôm lắm à!”. Em tôi khóc ngất, tôi mới sáu tuổi song cũng phải đóng vai anh dỗ em, nên không thể khóc. Khi mẹ tôi được tha, em tôi mừng quá ôm chầm, càng khóc sướt mướt hơn nữa. Anh bạn chèo, thấy tôi có vẻ vô tâm, sanh lòng bất mãn phán cho một câu : “Thằng anh coi bộ ngu quá! Má nó bị bắt nó không lo, má nó được tha nó chẳng mừng tí nào!”. Cuối cùng rồi thì chúng tôi cũng về tới xã Hòa An, Cao Lãnh, sống an lành trong vòng tay chở che của ngoại.
Tuy nhiên, nỗi ưu tư lớn lao của mẹ tôi là tương lai của con, bà không chấp nhận cảnh dốt nát thất học ở miền quê, nên ở nhà ngoại chưa giáp năm, mẹ tôi lại dẫn con ra đi, mong tìm chốn thị tứ có trường ốc cho con cái học hành. Thế nhưng, với khả năng hạn hẹp của một thiếu phụ vốn chỉ lúc thúc trong khuê phòng, thì sống chốn nào cũng khó khăn chật vật, nên gia đình chúng tôi cứ phải thay đổi chỗ ở liên miên, và do đó chuyện học hành của lũ con cũng gián đoạn mãi… Một hôm, mẹ tôi nghe một người em họ tên Nghiệp tán tụng Cần Thơ dễ sống, lại có trường Trung Học Phan thanh Giản nổi tiếng. (Vào thời điểm nầy, trọn miền Nam chỉ có Saigon và Cần Thơ là có trung học công lập mà thôi.) Mặc dầu con cái mới bập bẹ “i tờ”, mẹ tôi vốn thầm ao ước sẽ có ngày con mình đặt chân vào ngưỡng cửa trung học, nên chẳng chút đắn đo, bà hăm hở gom góp mớ vốn liếng cỏn con gồm vài món nữ trang còn sót lại, một bàn máy may Singer, khuôn bánh kẹp, khuôn bánh gai… rồi dẫn con đi lập nghiệp. Cậu Nghiệp hướng dẫn mẹ tôi thuê một căn phố lợp lá, nền đất tại một hẻm lầy lội thuộc vùng Cái Khế, cậu ở chơi một tuần, rồi máu lang bạt kỳ hồ nổi dậy, cậu lại ra đi, bỏ mặc chúng tôi ở lại với nỗi bỡ ngỡ, cô đơn, lạc lõng ở xứ người. Trong nghề may, mẹ tôi là “tay ngang” chỉ dám may quần áo cho con cái, nay bà đành bặm gan đi khắp xóm lãnh may thuê với giá rẻ mạt. Bà cũng có mối lai rai, khách hàng toàn là dân nghèo, chuộng giá rẻ hơn phẩm chất nên phần đông dễ dãi, tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có người sừng sộ chê áo quần hư hỏng, và mẹ tôi phải năn nỉ xin hoàn lại tiền công để khỏi bị bồi thường. Bà cũng trổ tài làm bánh kẹp, bánh gai, khuấy kẹo để bán. Tôi “xung phong” xin mang thùng kẹo rao bán, kiếm ăn được, ra quân lần đầu gặp một khách tặng cho một cắc, vui quá đổi là vui. Mẹ tôi thì chẳng vui tí nào, bà nhìn con quảy thùng kẹo với nỗi buồn hiu hắt, rồi sau một đêm trằn trọc, bà nhất quyết chẳng cho tôi tiếp tục theo đuổi “sự nghiệp” nầy nữa. Bà điều đình với các quán xép trong xóm, và tại các trường học để bán sỉ cho họ, kiếm lợi được bao nhiêu cũng hài lòng. Nghề làm bánh kẹo coi bộ không khá, kẹo dừa giá rẻ mạt lại dễ bị “lợi đường” lỗ vốn, các loại bánh mắc tiền thì xóm nghèo không mấy ai hưởng ứng, thành thử buôn bán ế ẩm và ngày qua ngày vốn liếng của bà cứ mòn mỏi lần…
Căn phố nhỏ bé nhưng đối với gia đình tôi thì rộng chán, thừa chỗ cho một cái giường để mẹ con chui rúc với nhau, cái bếp đặt dưới đất phải ngồi xổm nấu nướng, ngồi xổm để ăn. Tôi nhớ dường như cửa sau không thông thương nên dì Tám gánh nước và mấy con gà mẹ tôi nuôi sau nhà… cũng ra vào bằng cửa trước như chúng tôi. Có mấy con gà quanh quẩn cũng vui, nhà đất, tôi suốt ngày đi chân không mà gà thì cũng vậy, có gì khác nhau đâu? Tôi hoàn toàn không nhớ nổi nhu cầu vệ sinh đã giải quyết như thế nào, có lẽ, thời đó chuyện nầy đối với đầu óc trẻ thơ thì nó đơn giản, chớ đâu đòi hỏi phải sạch sẽ, tiện nghi mà phải quan tâm.
Xóm giềng mà tôi còn nhớ được là gia đình bác thợ mộc, bà Hai bánh canh, dì Tám gánh nước mướn…, ai cũng tốt bụng và dễ thương, nhưng đặc biệt tình nghĩa là gia đình chú Chín Chỉnh, hành nghề đạp xe lôi ở căn nhà đối diện. Chú thím Chín cảm thông hoàn cảnh đơn chiếc của mẹ tôi nên thường giúp đỡ chúng tôi từ chuyện khiêng vác nặng nhọc cho đến chuyện thiếu muỗng nước mắm, tép hành, tép tỏi. Chiều chiều chú thường chở đám con trên xe lôi đi hóng mát, đôi lần chú ngoắc tôi lại cho lên ngồi chung, tạo cho tôi nguồn vui vô tận. Niềm vui đó, sau nầy dẫu tôi ngồi trên chiếc xe hơi láng bóng nào cũng không sánh được. Chú Chín có 4 con : anh Chung, chị Ba, chị Tư, và con bé Sáu chừng 5 tuổi. Anh Chung lớn hơn tôi ba tuổi nhưng mới học lớp hai, còn tôi đang học lớp ba trường Nam tiểu học, nhưng tôi phục anh lắm. Tôi được anh dẫn đi bụi đời, la cà ở các hàng quán, lượm bao thuốc hút, lượm nút chai… về làm “tiền”, đôi khi, tôi len lén ngó trước ngó sau rồi “ực” nhanh một ngụm nước ngọt thừa thãi của một thực khách hào hoa nào đó, tuy có chút hổ thẹn trong lòng, nhưng thật tình thì cũng ngon lành lắm. Thích lêu lỏng mà không có anh, không dám la cà hàng quán, tôi lang thang vào sân quần vợt mê mang nhìn những đứa bé trạc tuổi tôi hành nghề lượm banh. Tôi thèm thuồng cái nghề lượm banh vui nhộn mà lại có tiền quá chừng hà!
Những căn nhà sâu trong hẻm tôi không còn nhớ được ai, ngoại trừ một cô gái mà tôi quên tuốt luốt vóc dáng và quần áo của chị, nhưng bước chân rón rén tránh sình lầy thì lại nhớ rất rõ, vì tôi thường chê đi như vậy chẳng vui, phải lội sình, đá nước tung tóe như tôi mới thú vị. Chị chưng diện như thế nào mà các bà đa sự trong xóm thường háy nguýt phê phán là thứ gái lẳng lơ trắc nết, đôi khi họ còn gọi chị là “con đĩ”, họ cấm con cái chào hỏi chuyện trò. Tôi được “cố vấn tối cao” là anh Chung giải nghĩa nên hiểu rõ ngành nghề nầy, nhưng tôi cũng nghe có người kể rằng chị chu cấp phụng dưỡng mẹ chí hiếu, nên tôi rất quí trọng chị. Niềm kính trọng đó vẫn tồn tại mãi trong tôi, nên sau nầy, trong công việc hàng ngày khi có dịp gần gũi với giới gái mãi dâm, tôi luôn đối xử với họ như người em, người chị. Khi viết những truyện ngắn có những nhân vật hành nghề nầy như truyện “Sen Trắng”, truyện “Người đẹp thoảng hương sen”, tôi viết về họ với tất cả niềm tôn kính trong lòng.
Ngoại tôi quá lo lắng cho nếp sống bấp bênh của gia đình tôi, nên khi tình hình an ninh tại vùng quê Cao Lãnh vừa vãn hồi, ngoại liền ép buộc mẹ tôi về Hòa An chung sống chăm sóc ông bà lúc tuổi già, phần con cái thì sẽ gởi tạm cho thân nhân tại chợ Mỹ Trà để đi học. Lúc đó là mùa bãi trường, tôi đã chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng theo mẹ lên đường, nhưng mẹ tôi vẫn bám víu ước mơ có ngày thằng con sẽ trúng tuyển vào trường trung học Cần Thơ, nên đôn đáo tìm phương cách cho tôi ở lại. Cuối cùng bà tìm ra được một người bà con nhơn đức, chịu cho tôi ăn ở miễn phí một năm. Mẹ mang gởi tôi cho Ông bà Tư, - Ông Tư là Cao văn Trương, cán sự Ty Địa Chánh, bà Tư là bà con xa, trẻ tuổi hơn mẹ tôi, nhưng là vai dì – rồi dẫn em tôi rời Cần Thơ lúc nào tôi chẳng biết. Chừng sáu tháng sau, mẹ trở lại Cần Thơ thăm tôi, bà chỉ ở chơi một ngày rồi ra đi. Sáng hôm đó, chú Chín Chỉnh đến đón mẹ tôi đưa ra Bắc Cần Thơ, thấy tôi đứng xớ rớ bên cạnh, chú ngoắc tôi cho đi theo. Đến nơi, chú ngừng xe, mẹ tôi liếc nhìn tôi rồi quay mặt ngay để che dấu giọt nước mắt vừa lăn tròn nơi khóe. Tôi thấy kịp nhưng gắng nén lòng, lặng lẽ quan sát bà. Bà luống cuống xuống xe, rồi hấp tấp bước nhanh xuống phà tránh không ngoảnh mặt lại.
Ở nhà Ông bà Tư tôi không còn thú vui bụi đời nữa, nhưng lại có lắm bạn. Ở trường thì có “trò” Ngôn, ở nhà thì có anh Đức, cháu Ông Tư, quê Bến Tre được Ông Tư đem về nuôi cho ăn học. Rồi đến ngày tựu trường trung học, có các anh Nguyễn lương Tri, Nguyễn lương Năng, Nguyễn nam Thanh được cha mẹ gởi đến xin ở trọ. Anh Lương Năng kể lể nỗi nghèo khó của bạn làTô Cang cho Ông bà Tư nghe, thế là Ông bà lại mở rộng lòng cho anh Cang về ăn ở miễn phí. Nhà đông rần rần, các bậc đàn anh bàn cãi suốt ngày toàn chuyện quốc gia đại sự, nhen nhúm lòng yêu nước trong tôi. Năm đó xảy ra vụ trò Ơn ở Saigon, học sinh Trung Học Cần Thơ biểu tình rồi bãi khóa. Anh Lương Năng và Tô Cang vô bưng, anh Lương Tri về Mỹ Tho với gia đình, anh Nam Thanh bị tống đi du học trời Tây. Căn nhà lại vắng lặng như cũ.
Niên học trôi qua thật nhanh, lần nầy mẹ con tôi đành dẹp bỏ ước mơ trung học, bà đem tôi về Cao Lãnh sinh sống. Tôi rời Cần Thơ trong niềm tiếc nuối, ước mong có ngày sẽ trở về thăm chốn cũ. Mãi đến chín năm sau, năm 1959, tôi mới có cơ hội nầy. Tôi và 5 đồng nghiệp được Nha Điền Thổ biệt phái về Ty Bảo Thủ Điền Thổ Cần Thơ một tuần lễ để yểm trợ chương trình Cải Cách Điền Địa. Trong thời gian nầy, chỉ có một lần tôi tránh né anh em, xé lẻ đi lang thang tìm về xóm cũ nhưng vô vọng. Lúc bấy giờ Ông bà Tư đã rời Cần Thơ, thân thiết tôi chỉ còn gia đình chú Chín. Tôi đón bừa những chiếc xe lôi ngược xuôi hỏi thăm tên chú, cuối cùng có người chở tôi tới nhà chú tại một xóm hoàn toàn mới lạ. Tôi vào nhà thì gặp chị Tư, đang ỳ ạch mang bầu đứa con thứ nhì, hỏi ra thì anh Hai đang nhập ngũ phương xa, chị Ba lập gia đình ở riêng, bé Sáu đi học, chú thím Chín về quê vài ngày,… nên tôi hơi thất vọng.
Tôi tốt nghiệp đại học rồi về làm việc tại các tỉnh miền Tây, kề cận Cần Thơ. Nhờ vậy, tôi đã có rất nhiều dịp tìm về Cần Thơ họp bạn, tiệc tùng. Chuẩn bị chuyến đi Cần Thơ lần nào tôi cũng háo hức trông chờ. Cần Thơ thanh lịch mỹ miều, Cần Thơ nhộn nhịp đủ món ăn chơi hào phóng, nên tôi cũng quay cuồng nhập cuộc rộn ràng. Có điều là lần nào cũng vậy, sau khi ra về, tôi lại mang máng buồn, mường tượng như có gì bất ổn, một mất mát nào đó, mà suy nghĩ hoài vẫn không hiểu tại sao?... Một hôm vào khoảng năm 1969, tôi đang đa đoan bận bịu công việc, bất ngờ nhận được thơ của một người bạn học từ năm lớp 9 đang nằm trong vòng lao lý tại Cần Thơ, nhờ tôi giúp đỡ. Anh không thuộc nhóm bạn bè thân, 12 năm qua chưa hề liên lạc nhau, có lẽ vì vậy nên anh đã ngần ngại, lâm nạn khá lâu mới nghĩ đến tôi. Qua câu chuyện anh kể, tôi nhận thấy mình chẳng giúp đỡ gì anh được, nên quyết định không đáp ứng yêu cầu của anh. Tuy vậy chuyện tù tội của anh cứ ám ảnh tôi, khiến tôi ái nái không yên, nên sau cùng thì tôi đổi ý. Tôi nghĩ dẫ̃u không giúp gì nhiều, nhưng chuyến viếng thăm sẽ an ủi được anh phần nào. Thế rồi, tôi lái xe thật sớm sang Cần Thơ, vào Phòng Dự Thẩm Tòa Án thăm hỏi hồ sơ của anh để nghiên cứu. Rất tiếc, hồ sơ đã hoàn tất và gởi lên Phòng Luận Tội chờ đưa ra Tòa Đại Hình, nên không tham khảo được. Tôi bèn tìm anh Biện Lý V.M.H., một người đàn anh thâm tình, vắn tắt kể chuyện người bạn học, và xin anh cho phép tôi đưa nghi phạm đi chơi một vòng chừng vài giờ. Anh H. đồng ý dễ dàng, anh điện thoại xuống Trung Tâm Cải Huấn dặn dò kỹ, nên khi tôi đến nơi trình giấy phép, thì anh bạn đã sẵn sàng, điểm lạ là trong cảnh nầy mà anh vẫn hồng hào, sung túc, và ăn mặc rất chải chuốt. Tôi lái xe chạy lòng vòng, vắn tắt cho anh biết tình trạng hồ sơ và giải thích anh nghe vài điểm pháp lý cần thiết, sau đó, tôi mời anh ăn cơm ở bất cứ chỗ nào mà anh thích. Anh ấp úng hồi lâu rồi cho biết anh đã được tiếp tế đầy đủ nên không khao khát ăn uống, anh chỉ thiếu thốn đàn bà mà thôi. Kết luận, anh mong được đi hoang một chuyến. Tôi trầm ngâm hồi lâu, vì lo ngại tai tiếng, nhưng thật ra, tôi rất cảm thông nhu cầu của anh. Cuối cùng tôi cũng đồng ý, nhưng tôi xác định rằng tôi chỉ mời ăn thôi, còn vụ nầy anh phải tự lo liệu. Anh nhờ tôi đưa đến một khách sạn sang trọng, tôi ngồi chờ ở ngoài xe, chừng một giờ sau thì thấy anh tươi tỉnh trở ra, khoái trá mô tả lại cuộc mua vui, chuyện nham nhở bình thường nhưng thái độ khinh khi gái mãi dâm của anh khiến tôi ngầm bất mãn. Trên đường đến tiệm ăn, anh lại ấp úng lần nữa. Tôi hơi ngạc nhiên và hơi khó chịu – cái khó chịu về thái độ khinh người của anh vẫn còn đọng lại -, nên sau một thoáng ngần ngừ mới đồng ý. Anh viện cớ đã cạn tiền nên xin đưa đến một địa điểm bình dân trong ngõ hẻm Cái Khế, rồi anh đi vào căn nhà lầu khang trang đầu hẻm. Chờ đợi sốt ruột, tôi lang thang đi sâu vào con hẻm. Hẻm hẹp dần, nước mưa ứ đọng vài nơi và nhà cửa cũng xây bừa bãi tồi tệ hơn. Thấy một ngách nhỏ, tôi len vào, nhà cửa ở đây chỉ là thứ lều ọp ẹp kết hợp bằng những miếng tôn tạp nhạp vá víu. Tôi dán mắt quan sát ba thằng bé con cỡi trần, đen đúa, tong teo… đang rạng rỡ ngồi giọc nước sình hôi hám, rồi bỗng nhiên nỗi xúc động vui buồn lẫn lộn xâm nhập tâm tôi, khiến tôi rỡn ốc cả châu thân. Tôi đã khám phá được Cần Thơ của tôi rồi. Thì ra, cái Cần Thơ mà tôi tương tư thương nhớ, không phải là cái thành phố nguy nga tráng lệ nổi tiếng là Tây đô, mà chính là những hình ảnh tiều tụy bùn lầy nước đọng như thế nầy, nơi đã từng chứa chan cả một bầu trời thân thương vào tuổi bé thơ của tôi.
Tôi hấp tấp đưa trả anh bạn học về Trung Tâm Cải Huấn, rồi lái xe ra đi với niềm cảm xúc vẫn còn miên man trong lòng. Khi tôi dừng xe tại bến Bắc, tôi chợt bàng hoàng thấy một chiếc xe lôi chở một thiếu phụ trẻ và một thằng bé con trờ tới. Tôi nhìn theo hai mẹ con, rồi liên tưởng đến buổi chia tay với mẹ khoảng hai mươi năm về trước cũng tại chỗ nầy. Tôi mong thằng bé được mẹ dẫn theo, chớ không bị bỏ lại như tôi ngày trước : bơ vơ và buồn tủi lắm! Thế rồi, nước mắt tôi bỗng ràn rụa… nước mắt mà 20 năm trước tôi đã đè nén, giờ đây bỗng tuôn tràn một cách bất ngờ và cũng rất là vô lý…
Phoenix, AZ tháng 6.2003

Ngày tháng già nua


Vào mỗi mùa Vu Lan, tôi thường viết những truyện ngắn tưởng tượng về những bà mẹ, còn nhắc về người mẹ thật của tôi, tôi chỉ viết một lần trong tùy bút Tản mạn về Cần Thơ, để ghi lại quãng thời ấu thơ hạnh phúc nhất đời, một năm học duy nhất mà tôi được sống ấm êm trong vòng tay của mẹ.
Tôi mất cha khi vừa tròm trèm sáu tuổi. Thuở đó, tình hình an ninh kém cõi, thương ông bà ngoại tôi sống đơn chiếc, mẹ tôi dẫn con cô gái út về quê nhà tại Cao Lãnh chăm sóc ông bà. Phần hai đứa con trai, bà gởi mỗi đứa một nơi - thường là các bà dì - để ăn nhờ ở đậu đi học. Tôi quen thui thủi sống môt mình từ lúc mới tập tễnh học lớp một, mỗi năm chỉ gặp mẹ tối đa hai lần, còn anh em có khi hằng mấy năm trời vẫn chưa thấy mặt nhau, nhưng càng xa nhau thì chúng tôi càng thương mẹ, thương anh thương em.
Sau năm 1975, anh em chúng tôi đùm bọc dắt dìu nhau, đưa mẹ đi vượt biên. Em gái tôi đã lập gia đình tại Thụy Sĩ từ lâu, còn hai anh em tôi, tuy đồng định cư tại Hoa Kỳ, nhưng mỗi đứa lập nghiệp một phương, phương Đông và Tây cách nhau hàng ngàn dậm khiến cho bà mẹ, sống với đứa nầy thì nhớ đứa kia, đi qua lại hụt cả hơí!
Mẹ tôi năm nay đã ngoài 88 tuổi, những năm gần đây chân bà đã yếu, phải lần vách hay nương gậy mà đi, nhưng may mắn bà vẫn có thể lo việc vệ sinh và tắm rửa một mình. Được như vậy, là nhờ anh tôi rất hiếu thảo và chu đáo chăm sóc. Cả nhà giữ một chế độ ăn uống kiêng cữ đặc biệt với những thức ăn toàn loại phẩm chất dinh dưỡng khỏe mạnh, ngoài ra, anh cũng cho bà giữ thời khóa vận động chân tay nghiêm nhặt. Chương trình vận động tay chân của bà mỗi ngày 3 lần, mỗi lần gồm có 3 mục : a. tập bốn động tác khí công cải tiến nhẹ, mỗi động tác 10 lần, b. đi bộ (lần vách đi) 10 vòng, c. lái xe (nương theo loại khung có hai bánh xe đẩy đi) 10 vòng. Mẹ tôi vốn dễ dãi và bền bĩ chịu đựng, nên dù bà mệt mỏi chán ngán vận động lắm, nhưng vẫn chiều ý con cái gắng sức mà tập, bà chỉ lầm thầm thở than : “Hồi nhỏ mình tập nó đi, bây giờ nó bắt mình tập đi, đúng là bị quả báo!” Lòng dạ tôi mềm yếu, mỗi khi được ủy thác trông chừng bà vận động, theo dõi bà chừng nửa chương trình, khi thấy chân tay bà lết bết, hơi thở phì phò, mặt mày buồn hiu, tôi thương quá, lánh đi nơi khác để cho bà tùy ý muốn làm sao thì làm. Tôi biết mình yếu ớt như vậy là hơi phụ lòng anh tôi, nhưng quả thật tôi không thể cố gắng nổi. Mẹ tôi mà sống với tôi, chắc chắn là tôi sẽ không nỡ ép bà vận động, và như vậy có lẽ bà đã ngồi liệt một chỗ từ lâu rồi.
Mấy năm nay, chân yếu không còn đủ sức đi lại chia sẽ thời gian với các con, mẹ tôi thường trực sống với anh tôi, và hằng năm tôi đến thăm bà đôi lần, mỗi lần lưu lại một hoặc hai tháng cho anh tôi thoải mái đi nghỉ hè, và tôi cũng thoải mái có được những giờ phút riêng tư hủ hỉ với mẹ. Ông anh tôi tính siêu cẩn thận, lần nào cũng vậy anh dặn dò nhắc tới nhắc lui hàng trăm lần thời dụng biểu và những điều cần thiết cho việc săn sóc mẹ, tuy vậy anh vẫn chưa hài lòng, nên trước khi đi anh còn trao cho chiếc cẩm nang, để mở ra xem xét lại từng mục kẻo quên.
May mắn là về phương diện thực đơn thì tôi không bị ràng buộc quá đáng. Lần nào, bà xã tôi cũng ưu ái chuẩn bị cho tôi một va li thức ăn đặc biệt, gồm toàn những món ăn có thể thiếu tiêu chuẩn bổ dưỡng, nhưng rất hợp khẩu vị của bà : tôm kho tàu, cá kèo kho, mắm chưng... Những món ăn nầy gợi cho mẹ tôi nhớ lại hình ảnh quê hương xa xưa, nhất là khoảng thời gian trẻ trung khi mới về nhà chồng. Lần nào cũng vậy, mẹ tôi, mắt sáng ngời gắp con cá kèo, giẻ miếng tôm đỏ au hay vít miếng mắm vào chén cơm, rồi cười cười nhắc nhở : “Ở Cổ Chiên mình, cá kèo đầy dẫy ở ven sông, người ta chê cá kèo, lòng tong, lục chốt không ăn, nhưng bây giờ, thì nó là món ăn hiếm có con há!”..., “Mắm lóc, nội con làm cả lu ăn suốt năm chẳng hết”, “Ừ! Tôm càng ở Cổ Chiên mình nhiều lắm! thằng Xê nhảy xuống sông lặn một hơi, trồi lên hai tay cầm hai con. Còn vào mùa dở chà thì tôm càng nhiều quá ăn không xuể, mình phải phơi khô, phải kho tàu như vầy nè để ăn được nhiều ngày...”
Lúc sau nầy, mẹ tôi lẩm cẩm quên trước quên sau, chỉ có khoảng thời gian ấu thời và thời gian mới lập gia đình theo chồng về Cổ Chiên là còn nhớ rất rõ. Tôi biết bà thích chuyện xa xưa, nên mỗi khi bà nhắc nhở đến Cổ Chiên tôi thường nói đùa : “Đằng đó, ở Cổ Chiên có cá sấu không...?” Đây là câu đầu tiên mà mẹ tôi ấp úng hỏi trổng cha tôi trong ngày lễ coi mắt khoảng 70 năm về trước, tới giờ nầy mà khi nghe nhắc lại bà vẫn còn sung sướng vừa thẹn thùng như một thiếu nữ đang xuân. Bà cười hì hì : “Ai biết gì đâu, nghe xứ Cổ Chiên lạ hoắc, tưởng chỗ cọp beo, cá sấu gì ở chớ!”
Năm xưa, nội tôi được người mai mối hướng dẫn đến nhà ngoại tôi để xin kết nghĩa xuôi gia. Sau khi bàn luận và cân nhắc tuổi tác các con gái gia chủ, nội bỗng ngỏ ý chọn mẹ tôi làm dâu, mặc dù trước đó người mai mối không hề đề cập gì về mẹ tôi cả. Mẹ tôi đang lúi húi phụ giúp người nhà chuẩn bị bếp núc đãi khách, bỗng bị bà ngoại ra lệnh cấp tốc chỉnh trang lại y phục, bưng nước trà mời khách. Mẹ tôi ơ hờ theo lệnh ngoại. Mẹ vừa trở xuống bếp chừng 10 phút, thì cha mẹ hai bên đã long trọng tác thành đôi lứa. Khi ngoại thông báo cho mẹ quyết định nầy, mẹ tôi chưng hửng chẳng biết người chồng tương lai của mình mặt mũi ra sao nữa, nhưng phận làm con cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó! mẹ tôi đâu dám hó hé gì. Sau đó, ngoại mới sắp xếp cho hai đứa nhỏ được trò chuyện riêng. Mẹ ngồi trước mặt cha tôi, thẹn thùng, sợ sệt, bối rối ngổn ngang, cúi gầm mặt chẳng dám ngẩng nhìn, ba hỏi câu nào thì trả lời trổng trổng câu đó. Sau cùng, bậm gan lắm bà mới hỏi câu đầu tiên mà tôi lập lại để ghẹo bà ở trên.
Quê ngoại tôi tại Hòa An, Cao Lãnh thuộc vùng nước ngọt, xóm làng gần gũi, vườn cây trái xanh um, còn quê nội tôi là một cù lao nhỏ, nằm ở vàm sông Cổ Chiên, tuy thuộc quận châu thành tỉnh Trà Vinh, nhưng vị trí sát biển nên nước lợ mặn quanh năm cây ăn trái hiếm hoi, xóm làng thưa thớt. Ngoại tôi tin tưởng ông mai, một nhà giáo đứng đắn trong vùng nên không dò xét kỹ, cứ đinh ninh Cổ Chiên thuộc quận châu thành phải là chốn thị tứ, chừng đưa con gái về nhà chồng, thấy cảnh hoang vắng đìu hiu, toàn là ruộng lúa chen lẫn với rừng dừa nước, ngoại xót thương con gái đã khóc ròng, trong khi mẹ tôi lại tỏ vẻ bình thản. Có thể là bà đã phải gắng gượng đè nén tiếng nức nở để tránh gây khổ đau thêm cho Ông Bà ngoại chăng?
Khi tôi nghe mẹ kể đến chuyện nầy, tôi thường ghẹo bà : “Má vừa gặp ba đã thương tức khắc, thương quá xá cỡ rồi! ba sống ở đâu thì quyết chí theo ở đó, hùm beo cá sấu còn chẳng sợ huống gì rừng lá! phải không má?” Mẹ tôi dễ tánh nên tôi mới dám “cà rỡn” với bà, tuy là lời nói giỡn nhưng nó lại phản ảnh khá chính xác mối tình yêu tha thiết thâm trọng hy hữu của bà dành cho chồng. Có lần bà chị họ tôi nghe tôi nói câu nầy, cười hề hề theo kiểu “biết rồi! khổ lắm! nói mãi!” rồi lên tiếng : “Còn phải nói gì nữa! Nếu mợ không thương cậu sâu đậm, thì làm sao chịu nỗi cảnh trung trinh góa bụa thờ chồng được?” Thật ra, chuyện mà tôi muốn nói ở đây là tình yêu của mẹ tôi trải qua những năm tháng dài mù mịt - cha chết khi mẹ mới 29 tuổi, tính ra đã 60 năm rồi -, mà vẫn còn sâu đậm tha thiết như thời trẻ trung mới là hy hữu, mới là đặc biệt. Cho nên, dù tuổi đã kề cận 90, quên trước quên sau, mà khi nhắc đến thời gian chung sống với chồng tại Cổ Chiên thì bà có thể thuật linh hoạt hàng trăm thứ chuyện, từ sinh hoạt linh tinh giỗ Tết cúng kiến, chuyện làm dâu, em chồng, cho đến chuyện bà con lối xóm, ông câu, ông nói liệu, chuyện lúa thóc, tôm cua..., chẳng chuyện nào bà quên cả. Mà hể câu chuyện nào liên quan đến chồng, thì giọng nói của bà lúc đó tức thời biến đổi thành tha thiết trang trọng, tình nghĩa tràn đầy. Một hôm bà nói nhỏ với tôi : “Má có bài thơ nầy viết về ba, con nên ghi lại kỹ niệm”. Rồi bà chậm chậm đọc cho tôi chép trọn bài thơ ba mươi hai câu. Tôi xin trích ra bốn câu kết như sau :
Anh hãy chờ em chốn cửu tuyền
Cùng nhau dìu dắt đến cung thiên
Nơi miền Tiên cảnh lòng vui thỏa
Đây chốn nghìn thu giấc ngủ yên.

Bài thơ thương nhớ chồng mong tái ngộ với chồng ở suối vàng nầy bà sáng tác vào năm 44 tuổi mà đến khi 88 tuổi bà vẫn còn nhớ rõ, đúng là mối tình chung thủy vĩnh viễn không phai. (Điều kỳ lạ là bà đã sáng tác hơn trăm bài thơ, tôi đánh máy in thành tập để bà tặng thân hữu, nhưng bà quên tuốt luốt không nhớ bài nào khác, kể cả chuyện in sách nữa.)
Mấy ngày qua, mỗi khi tôi rót nước cam cho bà, bà đều tươi cười nói : “Ở Cổ Chiên mình làm gì có cam, ba con phải mua cam tận chợ Trà Vinh để vắt nước đó!” Đây là mẩu chuyện mới nghe lần đầu, nhưng tôi ơ hờ chẳng để ý. Chừng nghe liên tiếp vài mươi lần, tôi quan sát kỹ thái độ vui tươi của bà khi nói ra câu đó thì mới hiểu ra. Ở lứa tuổi mẹ tôi, vợ chồng thương yêu chiều chuộng nhau là việc phải dấu kín, do đó, bà chẳng hề nhắc nhở chuyện nầy với ai. Và bây giờ, đợi đến hơn 60 mươi năm sau bà mới dám thổ lộ cho tôi nghe, mà niềm hạnh phúc được chồng cưng “mua cam tận chợ Trà Vinh về vắt nước” vẫn còn miên man trong lòng. (Tôi nghĩ một bà vợ dẫu được ông chồng đổi cả sự nghiệp để mua hột xoàn dâng tặng, chưa chắc đã hạnh phúc bằng mẹ tôi được ly nước cam ngày xưa của ba tôi đâu!)
Mẹ tôi hay quên, nhưng đầu óc vẫn còn sáng suốt, bà thường nhìn cái già nua lọm khọm của mình với nụ cười hóm hỉnh. Bà tự chọc quê sức khỏe yếu ớt mình là “không nghe lời”, là “sanh tật”, nên thường cười hề hà than : “Cái tay bữa nay không chịu nghe lời má rồi con ạ!...” hoặc : “Độ rày, má già nên hay sanh tật quá!”
Mẹ tôi quả thật có rất nhiều tật, mà đối với tôi thì tật nào cũng đáng quý và dễ thương vô cùng. Tật lâu đời và lớn nhất của bà là tật tận tụy hi sinh cho mọi người mà chẳng hề kể lể thở than. Sau năm 1945, vùng quê Cao Lãnh kém an ninh, hoa lợi lúa ruộng suy giảm, khả năng thuê mướn người giúp đỡ khó khăn, trong khi ông bà ngoại lại già yếu, bệnh hoạn liên miên. Mẹ tôi có bảy chị em gái, nhưng chẳng ai có điều kiện và thiện chí để về quê chăm sóc cha mẹ già, nên bà đành hi sinh lãnh nhiệm vụ nầy ròng rã hàng mười mấy năm trời mà chẳng hề được chị em nào gánh vác cho một tháng. Trong thời điểm nầy, phải kể đến những lúc cực kỳ gian khổ, khi bà ngoại bị nằm liệt hơn 3 năm, ông ngoại cũng không xê dịch trong 6 tháng, một mình mẹ tôi ngày đêm túi bụi lo cơm nước, lo đút từng miếng cơm, từng ngụm nước, nài nĩ từng viên thuốc, lo việc tiêu tiểu, tắm rửa, lại phải bù đầu chăm sóc nhà cửa ruộng vườn, chắt mót từng nải chuối, buồng cau... để có thêm hoa lợi. Mẹ tôi cực khổ dường ấy, nhưng luôn luôn cắn răng chịu đựng, chẳng một lời thở than, cũng chẳng hề dựa vào công lao của mình để suy bì, hay trách cứ nặng nhẹ chị em nào cả. Thuở nhỏ, tôi rất ấm ức “tật” nầy, nên càm ràm : “Má cực khổ phải nói ra cho mấy dì biết, nếu không, ai cũng tưởng má sung sướng lắm!”, mẹ tôi cười hỉ xả rồi thôi. Mẹ bền bĩ phụng dưỡng ngoại, cho đến khi ông bà lần lượt từ trần, thì mới lặng lẽ về Saigon chung sống với các con, để lại nhà cửa ruộng vườn của ngoại cho bà chị gánh vác.
Với anh em chúng tôi cũng vậy, bà trọn đời xả thân tận tụy phục vụ, thương yêu chăm sóc, mà cũng chẳng bao giờ kể lể công ơn hay thở than mỏi mệt. Đến khi lũ cháu ra đời, tánh bà cũng chẳng khác, khi có cơ hội thì bà tức thời thương yêu chí thiết, chiều chuộng hết mình, chăm sóc nâng niu từng li từng tí. Các con tôi một mực thương quí nội và thường nhắc lại những ngày sống chung, được nội thăm dò nhu cầu từng đứa để lăng xăng phục vụ, hay cặm cụi làm đủ loại bánh, gọt sẵn đủ loại trái cây để nài nĩ, dụ dỗ chúng ăn. Thời còn ở Việt Nam, em gái tôi xuất ngoại giao hai con gái bé bỏng cho ngoại nuôi giữ mấy năm trời, bà sẵn sàng dang tay đùm bọc, tâng tiu như bảo vật. Đến khi anh tôi vượt biên còn kẹt lại đứa con gái mới lên 4 tuổi, cũng yên tâm phú thác cho bà nhận lãnh. Cháu bé bất ngờ bị đau sốt xuất huyết nặng phải đưa vào bệnh viện Triều Châu cứu cấp. Thời đó, thuốc Tây khan hiếm, bác sĩ ngụy chỉ còn mấy móng, dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội khiến tỷ lệ trẻ em tử vong rất cao, vì vậy bệnh viện Triều Châu đông nghẹt bệnh nhân, cháu bé còn có chỗ nằm, mẹ tôi phải ngồi chầm chập canh chừng cháu không phải một hai giờ mà là suốt bốn ngày đêm. Lúc đó, hàng ngày tôi bị buộc phải đi học tập thật chuyên cần, sáu giờ chiều mới có thể đến thay thế cho bà đôi giờ để bà tắm rửa tạm nghỉ ngơi lấy sức mà thôi. Sau khi mạng sống của cháu được cứu vãn thì mẹ tôi cũng gần hụt hơi. Tôi biết nếu mẹ tôi lơ là một chút thì mạng sống của cháu khó an toàn. Thời gian sau, tôi đưa mẹ và cháu đi vượt biên thành công, mẹ tôi bàn giao cháu cho anh tôi với nụ cười, và tánh nào tật ấy, bà không hề kể lể những nỗi nhọc nhằn của mình. Anh có nghe chuyện cháu đau thì bất quá nghĩ rằng đó là chỉ chuyện ấm đầu, sổ mũi, uống một viên aspirine là xong, chớ đâu tưởng tượng hoàn cảnh thập tử nhất sanh của cháu ngày đó.
Giờ đây, tuổi ngày càng cao thì mẹ tôi - theo nguyên văn từ ngữ bà xử dụng - lại càng sanh tật nhiều thứ lắm. Tật hay quên, tật chân tay yếu ớt, tật mắt kém đọc viết khó khăn... Vì sợ bà sanh tật thình lình, nên anh em chúng tôi thay phiên nhau trông chừng bà ngày đêm, nhất là lúc bà tắm, sợ bà sanh tật té nên túc trực ở ngoài nghe ngóng. Bà tắm xong, chúng tôi xấy tóc, gỡ đầu cho bà, kẻo bà sanh tật cảm lạnh thì nguy. Một hôm sau khi gỡ tóc cho mẹ, sẵn thấy có đôi vớ, tôi mang cho bà. Tôi bỗng ngẩn người, khi nhìn thấy móng chân của bà dài ngoằn, có móng như bấu vào thịt. Thì ra, tuy bà còn có thể tự cắt móng tay, nhưng bà đã “sanh tật” không thể cúi xuống để cắt móng chân được. Tôi săn sóc mẹ mà không để ý điều nầy, nên vừa xót xa vừa xấu hỗ, lên tiếng hỏi bà : “Sao má không bảo tụi con cắt móng chân cho má?” Bà cười hồn nhiên : “Mấy người giàu sang, ăn không ngồi rồi, để móng tay móng chân năm nầy tháng nọ, mà có sao đâu?”
Mấy hôm trước, tôi túc trực bên ngoài khi bà tắm, nhưng chờ khá lâu vẫn không nghe xối nước. Việc tắm rửa của bà kéo dài là chuyện rất bình thường vì lẽ nội cái việc lụm khụm cỗi đồ ra và bận đồ vào cũng tốn rất nhiều sức lực và thời giờ rồi. Tôi lên tiếng hỏi dọ vài lần thì bà trả lời bình thường, mà tiếng nước vẫn im bặt một cách lạ lùng. Hơn hai giờ sau, bà mới mở cửa bước ra, mặt hơi giận, lầm bầm : “Bữa nay, sao cái chân sanh tật cụt ngủn hà! bước vào bồn tắm hoài không được, nên đâu có tắm!”. Bồn tắm cao, tôi biết mẹ phải khó khăn mới dở chân lên vừa đủ để bước vào, nhưng vẫn làm lơ cho bà có cơ hội cố gắng vận động tối đa. Tôi an ủi : “Chuyện đó dễ mà, để ngày mai con sắp xếp lại, rồi má sẽ bước vào bồn tắm dễ ợt hà!” Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ tôi lộ vẻ buồn, bà than : “Sao má sống lâu quá vậy? Má đâu muốn sống dai như vậy, con ạ!”. Tôi an ủi mẹ theo tinh thần đạo Chúa của bà : “Mình đâu có thể mong muốn chuyện gì được má! Chúa bảo sống đến đâu thì mình sống đến đó thôi, phải không má?”. “Ưà!”. Tuy bà “ừa”, nhưng nhận thấy bà vẫn chưa vui, tôi giả giọng con nít lên tiếng : “Má nó chết, thì ai nuôi nó! hu hu!”, nhờ vậy mẹ tôi cười tươi lên. (Nguyên thuở mẹ còn ấu thơ, chừng năm sáu tuổi, một hôm bà chứng kiến bầy chó vật con gà mẹ chết. Bà khóc sướt mướt, vỗ mãi không nín và cứ thắc mắc hỏi ngoại : “Má nó chết thì ai nuôi nó!” Ngoại bực mình quá nói : “Má nó chết thì mầy nuôi nó!”. Vậy mà mẹ tôi đồng ý, nín khóc, rồi mỗi ngày đứng ra “chít chiu” săn sóc đám gà con cho đến khi chúng lớn thành gà giò. Chuyện nầy là một trong những chuyện hiếm hoi tại Cao Lãnh mà mẹ tôi kể lại. Một hôm mẹ tôi và dì Năm - một bà 88, một bà 90 tuổi - được con cháu sắp xếp cho điện thoại thăm nhau, hai bà đều lẫn lộn, chuyện người nầy nhớ thì kẻ kia quên, nói năng huyên thuyên mà trớt qướt chẳng hiểu nhau, thế nhưng vừa nhắc đến vụ “Mẹ nó chết, ai nuôi nó”, hai bà rộn ràng tranh kể lại cho nhau nghe và đồng hớn hở vui cười.)
Ngày hôm sau, tôi nhấc cái ghế đặt sát bồn tắm, bà ngồi trên ghế dở chân bỏ qua bồn, rồi đứng dậy tắm dễ dàng, nên mẹ tôi rất hài lòng. Tật “chân cụt” lần nầy thì giải quyết được, nhưng chắc chắn bà còn sanh tật dài dài, và đó là điều khiến cho tôi lo lắng triền miên. Hồi tôi đang học lớp năm, có lần tôi bị nổi dời trên háng, mẹ tôi bảo tôi cỡi quần ra để bà xức thuốc. Tôi mắc cỡ còn vùng vằng thì bà nạt đùa : “Tao là má mầy, tao sanh mầy ra mà mắc cỡ nỗi gì”. Hôm qua, tôi đã nhắc lại chuyện nầy cho mẹ tôi nghe, để chuẩn bị, có ngày nào đó, tôi phải săn sóc mẹ, mà mẹ mắc cỡ thì tôi sẽ lập lại tương tợ như vầy : ‘Con là con của má! từ bụng má chui ra, mà má mắc cỡ nỗi gì!”
Mấy năm trước, tôi có viết truyện ngắn tựa đề “Lấy chồng xa xứ”, theo đó, người con gái sau khi hiểu được công ơn cha mẹ như trời như biển sức mình không thể báo đền chữ hiếu, bèn cất tiếng thở than qua điệu ru em :
Cha mẹ ơi! sanh con là gái
Biết chừng nào trả ngãi mẹ cha
Chừng nào cho cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ, ẫm bồng thuở xưa.

Thật ra, tôi đã viết bài nầy cho chính tôi, và đây là tiếng than của tôi khi nghĩ đến sự hiếu dưỡng nan giải của mình đối với mẹ. Bạn đọc có thể chế diễu tôi : “Cha nầy, đàn ông mà mượn giọng đàn bà tâm sự thì yếu quá! tệ quá!”. Các anh các chị biết không? tôi nghĩ rằng vì tôi là đàn ông nên sự tình mới trở nên tồi tệ. Giả dụ tôi là đàn bà, thì tôi có thể chăm sóc mẹ chu đáo những chuyện thân mật : tắm rửa, thay quần áo... thì tốt đẹp cho mẹ con tôi biết là bao nhiêu.

Suffolk, VA mùa Vu Lan 2004

Sống bù cho con


Đối với các bà mẹ già, dẫu con cái mình lớn tuổi bao nhiêu, nó vẫn là thằng bé con “nhỏ xíu” của mẹ như thuở nào. Mẹ tôi tíu tít đón mừng tôi, trở lại Virginia chăm sóc bà trong thời gian anh tôi đi về Việt Nam năm tuần lễ. Bà trìu mến nhìn tôi thật lâu, vuốt tóc tôi, rồi bỗng buồn hiu chép miệng hỏi : “Ô kìa! Sao tóc con độ rày bạc nhiều quá vậy?” Mẹ tôi đã tròm trèm ở tuổi 90, thằng con của bà cũng đã 67, nhưng chắc bà đinh ninh nó vẫn là đứa bé con như thuở nào, nên khi chợt khám phá ra mớ tóc bạc của nó, bà bùi ngùi xót thương. Tôi cà rỡn :
- Má già, thì con cũng lẻo đẻo già theo má! Rồi ngày nào đó, má đi theo ông bà ngoại, thì con cũng đâu chịu thua, con theo bén gót má cho coi!
Mẹ tôi cười hề hề :
- Thì ai cũng đi tới đó, sớm hay muộn vậy thôi! Dì Tám con theo Ông bà rồi đó! kể ra, chết sớm cũng là một điều hay!
- Chêt sớm thì có gì hay ho đâu má?, tôi thắc mắc.
- Ậy! Ông bà già xưa mình thường nói : “Thà làm trẻ ma hơn già lú lẫn! đó mà!”
Tôi rất ngạc nhiên vì chưa từng nghe qua câu phương ngôn, hàm ý “chết trẻ được thương tiếc còn chờ đến già yếu lú lẫn rồi thì chẳng còn ai thương” nầy. Có lẽ má tôi suy tư nhiều về cảnh có thể bị lú lẫn làm khổ con cháu, nên câu phương ngôn vốn xâm nhập và nằm yên trong ký ức của bà từ thời niên thiếu bỗng bật ra như thế. Tôi không muốn bà bị ám ảnh bởi tư tưởng bi quan nầy nên khỏa lấp :
- Nhận định nầy không đúng đâu má! Theo con thì kẻ đã khó ưa dẫu sống hay chết, già hay trẻ gì thì cũng ưa hổng vô! còn người dễ thương thì chết sớm trễ gì cũng khiến cho mình đau lòng thương tiếc cả! phải không má?
- Ừa!
Bà trầm ngâm một lúc, rồi lẩm bẩm tiếp lời :
- Má đã già khụm rồi, mà chưa lẫn lộn. Kể ra thì may quá! Ừ! May thiệt là may!
Mẹ tôi quả thật tuy hay quên, đôi khi quên những chuyện rất gần hay quên cả mảng thời gian hằng mươi năm, nhưng bà vẫn có những suy tư sáng suốt, đối đáp còn bén nhạy. Mẹ tôi có cái nhìn rất thản nhiên đối với lẽ chết sống trên đời : Chết là chuyện bình thường chẳng có gì đáng lo sợ, lúc nào chết thì sẵn sàng chết; còn Sống với tuổi già lọm khọm sức khỏe suy sụp thì cũng nhẫn nại hồn nhiên mà vui sống, dù rằng thỉnh thoảng bà cũng buột miệng cằn nhằn : “Sao má và dì Năm sống dai quá vậy kìa?” Với dì Năm thì con cái giữ kín các loại tin buồn, nhất là tin tức liên quan đến thân thích từ trần vì sợ bà xúc động, còn với mẹ tôi thì chúng tôi chẳng cần phải dấu diếm gì cả. Bà bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh trong mọi biến cố xảy ra trên cuộc đời nầy. Hai tuần trước, khi anh tôi thông báo tin buồn của dì Tám, mẹ tôi đón nhận tin đó rất bình thản, khiến anh còn ngạc nhiên, chẳng biết bà có nghe rõ và hiểu rõ không? Nào ngờ, mấy hôm sau khi thằng cháu vào thăm nội, bà kể cho nó nghe chuyện bà Tám qua đời tại Việt Nam với lời “phê bình” : “sanh, lão, bệnh, tử, lẽ đương nhiên mà con! Có ai tránh được đâu!” Thì ra, mẹ tôi đã hiểu rất rõ, bà bình thản trước tin buồn vì bà nắm vững lý vô thường, chớ không phải vô tâm, bằng chứng là dạo nầy bà cứ nhắc đến Ông Bà Ngoại, nhắc những kỹ niệm bé thơ, kể lể hoàn cảnh và tánh tình của từng chị em, đã sống hay chết như thế nào? Nói đến dì Tám thì bao giờ bà cũng cũng nhắc đến tật khóc dai vô địch của dì khi còn bé, và cơn bệnh trầm kha của dì mấy năm cuối đời, rồi thở phào nhẹ nhõm nói : “Giờ thì nó khỏe, không còn khóc, không còn bệnh liệt giường nữa rồi!...” Nghe mẹ nhắc đến dì Tám, tôi cũng góp lời :
- Từ khi được tin dì từ trần, mỗi ngày ba thời con đều niệm chú vãng sanh hồi hướng cho dì! Má ạ!
Mẹ tôi hăng hái khoe :
- Chú vãng sanh má cũng thuộc nữa!
- Vậy thì mẹ con mình đồng niệm chú cầu nguyện cho dì Tám nha má!
- Ừa!
Mẹ tôi liền trang nghiêm niệm trôi chảy bảy biến Vãng sanh tịnh độ đà la ni : “Nam mô A Di Đa bà giạ, đa tha già đa giạ, đá địa giạ tha. A di rị đô bà tì. A di rị đá, tất đam bà tì. A di rị đá, tì ca lăng đế. A di rị đá, tì ca lăng đá. Già di nị, già già na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha”. Già ở lứa tuổi 90 mà vẫn tụng đà la ni làu làu đã là việc hiếm hoi, riêng đối với trường hợp của mẹ tôi, tôi có thể nói đây là một sự kiện lạ lùng kỳ diệu. Bạn đọc chắc không đồng ý với tôi về quan niệm nầy, nên có lẽ tôi nên kể lể dài dòng một chút. Gia đình bên ngoại của mẹ tôi rất sùng mộ đạo Phật, Ông cố đã hiến đất và yểm trợ xây dựng ngôi chùa cổ kính Bữu Lâm, tục gọi là chùa Tổ tại Cái Bèo, Mỹ Xương (Sa Đéc), cả nhà đều quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới với hòa thượng Hải Huệ và đều thấm nhuần ít nhiều đạo pháp. Do đó, tuy Ông ngoại tôi theo nho gia, không thiết tha đến Phật Pháp, vào những ngày lễ lớn hằng năm bà ngoại vẫn đơn thân dẫn đám con về chùa Tổ sống trọn vẹn một ngày trong chùa (không rõ có phải là tu Bát quan trai không?) để thành tâm lễ bái, mẹ tôi đã học thuộc chú Vãng Sanh từ dạo đó. Sau khi lập gia đình, vì bên Nội tôi theo đạo thờ Ông bà, theo nghĩa là thờ cúng tổ tiên, kèm theo những hủ tục mê tín cúng kiến thánh thần tạp loại để cầu tài, cầu lợi... nên bà chẳng còn nhớ gì đến chùa chiền và đạo pháp nữa. Đến khi cha tôi bị lâm nạn, mẹ tôi đôn đáo cầu cứu khắp nơi : chùa chiền, đồng cốt, bùa chú, xăm quẻ, bói toán... Điều đáng tiếc là mẹ tôi không gặp được bậc chân tu hướng dẫn, mà chỉ toàn gặp những kẻ giả dối đội lốt tu hành để lường gạt bốc lột thiện tín : tiền dâng cúng nhiều thì niềm nỡ vẽ vời lắm trò lễ lộc, tiền eo hẹp thì bị khinh khi ruồng bỏ. Điều đáng tiếc khác là mẹ tôi cứ lầm tưởng đồng cốt, xăm bói... tạp nhạp cũng là “phó sản” của đạo Phật, nên niềm tin của bà đối với đạo Phật bị sụp đổ toàn vẹn. Trong hoàn cảnh khổ đau cùng cực, mẹ tôi được các tín hữu đạo Tin Lành tìm đến, an ủi, vồn vã đưa đi nhà Thờ, kiến tạo cho bà niềm tin và sức sống. Từ đó, mẹ tôi và em gái tôi trở thành con chiên ngoan đạo, phần tôi có lúc cũng nghiêng về đạo Chúa, nhưng nhờ duyên may theo bạn viếng chùa Linh Sơn, mến đạo và trở thành Phật tử, riêng anh tôi thì chẳng mấy quan tâm vấn đề tôn giáo. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, dầu mẹ tôi sống với ai, chúng tôi đều đưa bà đi nhà thờ sinh hoạt hàng tuần. Mấy năm nay, đi đứng khó khăn bà không đi hầu việc Chúa nữa, rồi lần lần dường như bà đã quên hẳn đạo Chúa, cũng chẳng nhớ gì lời cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên Trời” nữa, thế nhưng bài chú bà nghe từ thuở ấu thời chìm sâu trong quên lãng cả bảy tám mươi năm nay, bỗng hiện hành để mẹ tôi có thể đọc tụng trôi chảy, thì đây chẳng phải là điều kỳ diệu sao?
Trong kinh sách ghi chuyện là vào thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, một hôm có một Ông lão chừng 90 tuổi đến tịnh xá Kỳ Hoàn xin xuất gia, các vị A la Hán đệ tử sau khi quan sát nhận thấy trong tám đại vạn kiếp lão chưa từng gieo trồng căn lành nên từ chối. Đức Phật nghe biết sự việc trên, Ngài cho ông lão xuất gia, và sau khi được Phật khai thị, ông liền đắc Sơ quả. Sau đó, Đức Phật mới giải thích cho các đệ tử hiểu, là xa hơn 80 vạn kiếp về trước, có lần ông lão là một tiều phu bị cọp dữ rượt phải trèo lên cây trốn tránh. Tưởng yên thân nào ngờ cọp dữ quyết cạp cho thân cây gãy để vồ mồi, gả tiều phu trong cơn sợ hãi bỗng nhớ đến Phật liền niệm lớn “Nam mô Phật”. Cọp dữ nghe tiếng la bỏ chạy đi, gả tiều phu thoát nạn rồi tiếp tục kiếp sống buông lung không hề gieo trồng căn lành nào nữa trong 80 đại kiếp về sau. Bất ngờ, đến giây phút nầy, căn lành niệm Phật ngày xưa trở nên thành thục nên lão ta được Phật độ và đắc Sơ quả. Chỉ niệm Phật một câu thôi, là đã gieo thiện căn rồi, thì công đức niệm chú của mẹ tôi chắc chắn cũng có ngày thành thục.
Tụng chú xong mẹ tôi còn khoe bà còn biết chú “Án ma ni bát mê hồng” và biết tán hương nữa, bà liền ê a tán hương như sau :
“Mỗi nhật thần hôn, nhất chú hương
Tạ thiên tạ địa tạ quân vương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .(*)
Cữu huyền thất tổ độ gia nương
Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ
Phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây phương
Sở cầu xứ xứ hiền hòa thục
Hữu mạng nhơn nhơn thọ mạng trường
Quốc hữu trung thần phò xã tắc
Gia vô nghịch tử não gia nương.
Mam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát”

Bài tán hương xuất phát từ thuở còn quân vương của thế kỷ thứ 19, tưởng đã chôn vùi biệt tích, nay bỗng nhiên tái xuất hiện, nên dầu bài tán hương có điểm thiếu sót (*) và thật ra cũng không mấy đặc sắc, nhưng tôi sẽ trân quí giữ gìn như một kỹ vật của mẹ, một cổ vật tuy có vết nứt rạn nhưng hiếm hoi do mẹ tôi khai quật từ hang ổ sâu thẩm trong tiềm thức của bà.
Nhân lúc mẹ đang hào hứng, tôi bạo dạn thưa hỏi :
- Khi má từ trần má có cho phép con tụng chú vãng sanh cho má không?
- Má chết rồi! Đứa nào muốn làm gì thì làm!
- Con xin phép má cẩn thận, bởi vì, sau khi chết rồi thì cái hồn - tôi muốn dùng chữ thần thức nhưng sợ bà không hiểu - vẫn còn nghe biết rất rõ, nếu má đồng ý thì sau nầy khi hồn má nghe con tụng niệm má hài lòng mà tụng theo thì rất tốt, vì con tin tưởng rằng nhờ má hoan hỷ mà má sẽ sanh vào cõi lành. Ngược lại, nếu lúc đó má không đồng ý mà con bướng bỉnh tụng niệm, hồn má có thể bất mãn, sanh giận hờn thì rất nguy hiểm, vì sự giận hờn đó nó sẽ kéo mình đào thai vào cõi xấu. Vì vậy, con cần hỏi kỹ má lần nữa, má có thật sự bằng lòng, má có vui không?
- Ừa! má vui, má hứa đó!
Cứ vài ngày thì tôi hỏi bà lại lần nữa, rồi hai mẹ con đồng niệm chú Vãng Sanh. Tôi lập lại mãi, để bà có cơ hội xác định suy tư của bà về việc nầy, và hi vọng suy sư đó sẽ lần lượt huân tập vào tàng thức bà, giúp thân tâm bà an ổn vào những giờ phút lâm chung sau nầy.
Vấn đề khác biệt tôn giáo trong gia đình là vấn đề gai góc khó giải quyết. Đã bao lần, mẹ tôi vì quá thương con sợ con theo một tôn giáo lầm lạc nên đã viện trợ các vị mục sư cùng các tín hữu thuyết phục tôi “trở về với Chúa” gây cho tôi bao nỗi phiền toái. Phần tôi, là một Phật tử thuần thành dĩ nhiên tôi cũng tha thiết mong muốn mang ánh sáng Phật Pháp đến với người mẹ thương yêu của mình, thế nhưng, đã hàng trăm lần tôi ngập ngừng gợi chuyện rồi đành lặng lẽ chuyển hướng, vì tôi tự biết mình bất lực : thuyết giáo bất thành, mà tình cảm mẹ con lại có thể bị thương tổn nữa. Do đó, ngày ngày, trong những thời công phu, tôi chỉ biết hồi hướng cầu nguyện cho mẹ “sống khỏe mạnh an vui, chết thì sanh về cõi Thiên của Chúa”, chớ nào dám cầu mong bà hướng về Phật đạo. Giờ đây, bất thình lình ánh sáng đạo pháp bỗng lóe lên trong tâm thức của bà : mẹ tôi tụng chú vãng sanh, nhờ vậy, tôi mới bạo dạn đề nghị tụng niệm cho bà khi lâm chung và đã được bà đồng ý. Kể từ nay, tôi có thể an lòng hồi hướng cho mẹ “sống an vui, chết nhẹ nhàng và sáng suốt nương theo vãng sanh đà la ni để quy ngưỡng về cõi tịnh độ phương Tây”. Tôi tin tưởng rằng đây là một phước duyên, phước duyên hy hữu mà Phật Pháp nhiệm mầu đã từ bi gia hộ cho mẹ con tôi.
Trách nhiệm khó khăn khác của tôi trong những ngày gần gũi săn sóc bà là “công tác” thực hiện thời dụng biểu trị liệu vận động tay chân cho bà, mỗi ngày ba lần, mỗi lần khoảng 35 phút, sao cho đúng “chỉ tiêu” mà anh tôi quy hoạch. Lạ một điều là với anh tôi thì bà lẵng lặng thi hành vì “nó là dân nhà binh kỷ luật sắt không khiếu nại được”, còn với tôi thì bà than thở, kỳ kèo, đòi giảm một bớt hai... có khi bà còn “dọa” không thèm tập nữa. Nếu tôi năn nỉ bà thì may ra còn có kết quả, chớ còn giải thích lý luận cách nào bà cũng làm ngơ, vì vậy, bấy lâu nay tôi cứ phải thỏa hiệp, nhượng bộ ít nhiều để đổi lấy sự vui vẻ hợp tác của bà. Thế nhưng sức khỏe của bà ngày càng yếu, việc vận động đối với bà ngày càng cấp thiết mà cũng nặng nhọc hơn nên lần nầy tôi dặn lòng phải “gồng mình” cứng rắn để “thuyết phục” bà tập thể dục nghiêm túc mới được. Tuy thầm quyết định như vậy, nhưng tôi nghĩ đây là chuyện gian nan khó thực hiện lắm, vì lòng dạ tôi yếu ớt, dễ dầu gì ép buộc mẹ già. Sau khi anh tôi rời nhà, vừa chuẩn bị thời khóa thể dục đầu tiên, tôi chưa kịp mở lời thì bà đã ra vẻ buồn buồn gạ gẫm :
- Con ơi! sao hôm nay má làm biếng quá! Nghỉ một bữa nghe con!
- Má tập không đầy đủ thì chân tay yếu ngay, anh Hai căn dặn con hằng chục lần là không được bớt động tác nào hết, má à! Má nhớ không, lần trước anh Hai về kiểm soát xem má đi như thế nào, má đi lết bết hơn ngày thường khiến ảnh cằn nhằn con “quá xá cỡ”. Đáng lẽ, má thương con thì má nên ủng hộ con chớ! má ráng đi ngon lành thì con đâu bị rầy như vậy!
Bà cười hì hì :
- Ừa! Thôi từ nay, “thương con mẹ phải bù đi cho con” vậy! Được không?
Thật không ngờ diễn tiến lại tốt đẹp và dễ dàng như thế nầy, tôi mừng rỡ, cố tình nhảy dựng như đứa con nít :
- Hay lắm! Má chịu bù đi thì tập thể dục không được khiếu nại, không đòi bớt nữa nghen!
- Ừa!
Mẹ con tôi nhìn nhau cười thật là vui.
(Thuở nhỏ, mẹ tôi thường kể con cái nghe chuyện một bà mẹ được ba đứa con trai hiếu thảo luân phiên nhau nuôi dưỡng mỗi người ba tháng. Để đánh giá lòng hiếu thảo của nhau, trước khi bàn giao mẹ cho đứa con kế tiếp, đám con kiểm soát sức khỏe mẹ bằng cách cân lường sức nặng của bà lên hay xuống. Vì đứa con út nghèo, cơm nước cho mẹ không đầy đủ, thân thể mẹ gầy gò, nên nó rất lo lắng bị hai anh quở trách. Bà mẹ thương thằng con nghèo, bèn bao che nó bằng cách lén dấu trong mình mớ chì cho nặng cân khi bàn giao, vì vậy mới có câu “thương con mẹ phải bù chì cho con”. Phần tôi thì lơ là, không hướng dẫn bà thao tập đúng mức khiến chân bà yếu đi, nên mới rất cần “bù đi” mới không bị anh la rầy. Mẹ tôi lớn tuổi rồi mà còn minh mẫn mượn câu chuyện nầy ví von thay chữ bù chì thành bù đi, khiến tôi kinh ngạc mà cũng vui tột cùng)
Tưởng mẹ tôi chỉ đùa cho vui thôi, nào ngờ mẹ thực hiện lời hứa bù đi rất “oanh liệt”. Kể từ hôm đó về sau, mẹ tôi nhẫn nại hoàn tất thời khóa, khi mệt quá bà đứng lại thở hổn hển, vừa cười cười giải thích : “ngưng tập đi để má tập thở cái đã!”. Nghỉ một chút lấy lại sức, bà cố gắng tiếp tục chớ chẳng đòi hỏi giảm bớt một động tác thể dục nào cả. Thấy mẹ thao tác vất vả, tôi thương đứt ruột, mà chỉ biết hôn hít bà tán thưởng mỗi khi bà hoàn tất một động tác nặng nhọc. Thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ biết hôn mẹ, bây giờ già rồi, mới tập hôn mẹ mà vẫn chưa quá trễ để khám phá được nguồn thương yêu tràn ngập trong lòng. Ngoài ra, chẳng biết đỡ đần mẹ cách nào, tôi cùng tập theo động tác của bà, nhân đó, múa men làm hề, hay nói chuyện tầm phào, nói đớt đát quê mùa, nhái giọng đặc sệt địa phương để bà cười vui mà quên mệt. (Thuở nhỏ khi học chuyện Ông lão họ Lai, tuổi đã bảy mươi mà còn mặc áo xanh đỏ, bắt chước trẻ thơ làm trò cho cha mẹ vui, tôi chưa hiểu được. Giờ đây, tôi mới khám phá ra là dù mình già đến cỡ nào, ở bên mẹ, mình cũng chỉ là thằng bé con của ngày xưa, muốn bày trò vui nhộn gì cho mẹ vui cũng dễ cả.) Mỗi khi bà bắt đầu chán nãn, ngán ngẩm chuyện thể dục, tôi liền tìm cách chọc bà cười, chuyện khó chịu bực mình nào cũng biến thành chuyện tiếu lâm cười cợt được. Đại khái, như khi bà di chuyển phải cầm cáng đẩy cái khung bánh xe nặng nề, bà cằn nhằn : “Tập đi mỏi chân thì ít, mà mỏi tay quá chừng hà!” thì tôi cười cợt chen vào :
- Má đi đứng mỏi tay cũng bình thường thôi. Con đây, mà nói chuyện có khi còn mỏi tay nữa kìa!
- Ủa! Sao kỳ lạ vậy?, mẹ thắc mắc.
- Có gì lạ đâu! Chỉ vì con nói tiếng Mỹ dở ẹt, phải quơ tay lia lịa làm dấu, nên mỏi tay vậy thôi.
Mẹ tôi hiểu ra cười hề hề. Nụ cười rộn rã vui tươi nhất là vụ cười lén ông anh hiếu thảo và chu đáo của tôi. Một hôm, sau khi vừa hoàn tất xong chương trình thể dục, bà đứng thở dốc cười cười, rồi càm ràm :
- Mình theo nó (tức anh Hai tôi) tập xong đã hụt hơi rồi, vậy mà nó còn căn dặn “Khi nào má rảnh, má nhớ tập thêm một mình càng nhiều càng tốt nghen!”
Vụ căn dặn : “nếu rảnh tập thêm” cũng có ghi trong cẩm nang của anh để lại, dĩ nhiên tôi làm lơ không áp dụng, vì tập đầy đủ theo chương trình đã nặng nề, tôi thầm lo ngại bị mẹ phản đối rồi kêu nài giảm bớt, huống chi cầu mong bắt bà tập “giờ phụ trội” nữa. Tuy vậy tôi cũng thừa dịp bà than vãn, ra giọng diễu cợt nói lén anh cho vui :
- Xin lỗi nghe anh Hai, nói thật anh nghe chớ...mẹ con tui làm biếng lắm, đâu có h...u...ỡ...n và hơi sức đâu mà tập thêm! a anh Hai!
Mẹ tôi khoái chí quá cười ngất từng chập :
- Hì! Hì! Rảnh thì nằm nghỉ chớ ai h...u...ỡ...n đâu mà tập thêm! Hì!..hì!..
Chuyện chỉ có vậy thôi, mà mỗi lần nhắc lại thì như là chuyện mới, mẹ tôi vui vẻ cười rộn rã chẳng bao giờ nhàm chán.
Năm tuần lễ sống hủ hỉ ấm áp với mẹ trôi nhanh. Sau khi bàn giao mẹ cho anh Hai, tôi vào phòng riêng của bà thân mật cười giỡn, nói chuyện tầm phào, tận dụng những giờ phút thân thương bên mẹ trước khi từ giả. Mẹ tôi vốn hiền hậu, không cau có giận hờn nặng nhẹ một ai, những năm sau nầy mẹ tôi lại càng dễ dãi, không giận, không than, không trách móc, và lúc nào cũng hài lòng vui tươi với cuộc sống, với nỗi già nua còm cõi của mình. Do đó, ngoài việc nghe mẹ kể chuyện xưa cũ, tôi thường ngắm nhìn mẹ thật kỹ, ghi nhớ từng nét dễ thương vô tận của bà, để biết rằng mình có diễm phúc được bà mẹ hiền hậu tươi mát, sự tươi mát mà chính tôi ước mong sau nầy mình có thể học được nơi mẹ. Trong tình thương ngập tràn, tôi nói với mẹ :
- Con không biết sau nầy con có được vui tươi thoải mái như má không?
Mẹ tôi cười hề hề, khoát tay :
- Chuyện dễ mà!
Tôi giải thích :
- Vui tươi thoải mái như má không phải là chuyện dễ đâu! Má biết không? Khi già yếu thân thể bệnh hoạn khó chịu nên người ta thường sanh tật : rắc rối, giận hờn, cáu kỉnh, gây phiền nhiễu, gây kinh hoàng cho con cháu! Con sợ vài năm nữa con sẽ lâm vào cảnh nầy, sanh tật khiến con cháu xa lánh thì nguy lắm, má ạ!
Dường như mẹ tôi chẳng để ý gì về lời giải thích nầy, bà dí dởm mĩm cười ra vẻ bí mật, lên tiếng :
- Con đâu có già! Má nghĩ như vầy thì thấy các con trẻ hoài hà! Bớt đi sáu mươi tuổi tuổi, thì anh con tỉ như mới mười tuổi, con lên bảy, em con lên năm chớ bao nhiêu đâu! Nhỏ xíu hà!
Hài lòng với sự so sánh diễu cợt của mình, mẹ tôi thích chí vang, tôi cũng cười phụ họa, nên bầu không khí rất vui nhộn. Nhân dịp nầy, tôi mở lời từ giả mẹ :
- Thằng bé bảy tuổi nhỏng nhẻo với má nè! Má ơi! Mai con trở về Cali, má ở lại, khi nào rảnh nhớ tập thêm dùm con nhe má!
Nghe câu nói giỡn hàng ngày, mẹ tôi lại cười tươi lên. Tôi tỏ vẻ nghiêm trang đính chánh :
- Lần nầy con không nói giỡn đâu. Con xin má vận động thiệt tình mà! Má vận động thì má khỏe. Má khỏe thì má sống lâu với tụi con thêm một chút.
Mẹ tôi cười cười lặng yên ra vẻ chẳng muốn bận tâm gì với chuyện sống chết cả. Tôi tiếp lời :
- Ờ! Thì biết rằng trước sau gì cũng có ngày đó, nhưng má ráng vận động thêm đi để sống bù cho tụi con một chút vậy mà!
Suffolk, VA Xuân Ất Dậu (2005)
Ghi chú :
* Bài tán hương nầy có lẽ thịnh hành vào thời điểm miền Nam có tục lệ lập trang thờ nho nhỏ trước nhà để thờ “Thiên Địa”, tục gọi là “bàn thờ Ông Thiên”. Bài tán hương có vài điểm không ổn, và thiếu ít nhất là một câu, câu thứ ba tạ ơn Tam Bảo, có thể tương tợ như là : “Thập phương Tam Bảo thường gia hộ”. Bạn đọc nào hiểu biết rõ, xin chỉ dẫn để người viết sửa lại cho đúng. Xin cảm tạ.

Năm tháng cuối đời


Cuối tháng sáu năm 2006, vừa nghe tin sức khỏe mẹ nguy kịch phải nhập viện cứu cấp tôi tức tốc đi Virginia bằng chuyến bay thâu đêm. Đến nơi, mẹ vừa từ bệnh viện về, cơn nguy không còn nữa nhưng sức khỏe thì khó có cơ hồi phục. Phần anh tôi, không ai tiếp tay, một mình chống chỏi lo cho mẹ mấy ngày đêm nên cũng đã đuối sức đờ đẫn cả người. Anh cho biết không còn sức chịu đựng nữa và quyết định đưa bà vào Viện dưỡng lão. Tôi đã từng đề nghị xin rước mẹ mấy năm qua, nhưng lần nào anh tôi cũng úp úp mở mở mà chẳng có câu trả lời dứt khoát, lần nầy, tôi vừa ngỏ ý lãnh trách nhiệm thì anh vui vẻ tán đồng ngay dù với chút ngại ngùng vì đã chuyển giao mẹ cho tôi trong tình trạng bệnh hoạn tệ hại này(1). Anh em thỏa thuận với nhau là tôi được tròn quyền chăm sóc tinh thần lẫn vật chất cho mẹ theo ý tôi, nhưng khi mẹ mãn phần phải chôn cất chớ tuyệt đối không hỏa thiêu. Mẹ tôi vốn dễ dãi và rất phục tòng anh tôi, nhưng quyết định thay đổi chỗ ở nầy khá quan trọng nên sau khi bàn bạc xong hai đứa thưa trình mẹ. Anh tôi lên tiếng :
- Lần nầy Chánh lên đây để đưa má về Cali sống với nó, má chịu không?
Má tôi hăm hở đáp :
- Má chịu chớ. Má muốn sống với Chánh mà!
Có lẽ anh tôi độ chừng mẹ tôi sẽ dùng dằng khó nghĩ, nên hơi bất ngờ trước thái độ hăng hái của mẹ, anh tần ngần giây lát, rồi ra vẻ như hỏi khó nhằm thăm dò lòng bà :
- Nó theo Phật giáo ăn chay trường, má ăn chay theo nó nổi không?
- Má muốn theo đạo Phật và ăn chay với nó nữa!
- Má chết nó rước “thầy chùa” tụng kinh đó nhen.
- Ờ! Má muốn được như vậy đó.
Mẹ tôi có thái độ rõ ràng quyết liệt như vậy khiến tôi là người bao năm tâm sự với mẹ, theo dõi từng biến chuyển tâm thức của bà còn ngạc nhiên, huống gì anh tôi vốn sống vô tư bên cạnh bà. Thật vậy, vào mùa Xuân năm 2005 mẹ chỉ đồng ý cho tôi niệm chú Vãng sanh khi từ trần, chớ hai mẹ con tôi chưa hề đề cập đến chuyện bà theo đạo Phật và tổ chức tang lễ Phật giáo bao giờ.
Có lẽ, không mấy tin tưởng lỗ tai của mình, nên hôm sau anh tôi hỏi mẹ lần nữa, nhưng bà vẫn giữ vững lập trường của mình.
Sau thời gian khoảng ba tuần chăm sóc cho bà đỡ suy yếu, anh em tôi đưa mẹ về Sacramento ngày19.07.2006.
Kể từ năm 2005, sức khỏe của mẹ tôi tuột dốc nhanh chóng, tưởng như mình có thể thấy được mức biến chuyển diễn ra từng tháng, từng tuần. Mẹ càng yếu thì nhiệm vụ của tôi càng khó khăn. May là tôi đã liên tục chia sẽ với anh chăm sóc mẹ trong bảy năm qua, nên tương đối thạo việc. Tôi lại được nhà tôi và các con ủng hộ tận tình, bao thầu hết mọi việc trong ngoài thay tôi, nên dù giờ đây việc chăm sóc bà gay go hơn lúc trước gắp bội mà tôi vẫn đủ sức lo lắng vuông tròn cho mẹ sống tươi vui thoải mái. Anh tôi ở lại chơi mấy ngày, cũng nhận ra điều đó nên đã buột miệng :“Nếu biết má về đây hạnh phúc như thế nầy thì anh đã đồng ý đưa má về đây lâu rồi”.
Mấy năm trước tôi thường lo lắng nghĩ đến những bất tiện của người con trai khi săn sóc cơ thể mẹ, nhưng đến lúc cần thì mọi sự đều suông sẻ tốt đẹp. Khi tắm rửa cho mẹ, đến phần kín đáo anh tôi xối nước cho mẹ tự lo, nên không sạch lắm. Phần tôi, tôi tự coi mình là con gái của bà, mà bà cũng chính là Bồ Tát Quan Âm của tôi, nên tôi an nhiên thay tả, kỳ cọ rửa ráy cho bà sạch sẽ chẳng “quái ngại” gì cả. Người ta mỗi năm hành lễ mộc dục tắm Phật chỉ có một lần, còn tôi được tắm Bồ Tát hà rầm, kể ra mình có diễm phúc hơn người rồi.
Chúng tôi chủ trương cho mẹ ăn uống theo sở thích chớ không kiêng cữ, nên nhà tôi và các con lăng xăng sưu tầm thức ăn hợp khẩu vị bà. Sợ con cháu cực nhọc, bà thường nói : “Má ăn cái gì cũng được miễn no thì thôi, mấy đứa lo lắng làm gì?” Bà cũng đòi chay lạt theo chúng tôi, để nhà tôi đỡ phần nấu nướng, nhưng sợ bà mất sức, chúng tôi ép bà tiếp tục ăn thịt cá bổ dưỡng. Bà chiều ý con cháu ăn uống chớ bà đâu quan tâm gì cái chuyện yếu sức hay già chết, bà thường nói “tới đâu hay tới đó, lo gì!”
Lo lắng sức khỏe và nhu cầu vật chất cho người mẹ già nua tuy thiết yếu, nhưng với tôi thì nhu cầu tâm linh của mẹ mới là mối âu lo dai dẵng dằn vật tôi bao năm trời. Mẹ tôi vốn là người chân chất hiền lành, có thể nói là rất thánh thiện, tâm bà tràn ngập tình thương yêu Thiên Chúa, chỉ biết ca ngợi chớ chẳng hề chê trách người, đối xử với ai, dù là đứa bé con, một người ăn xin... bao giờ cũng nhỏ nhẹ ngọt ngào, cũng thắm đượm lòng từ... Chính vì vậy, mà tôi tin tưởng rằng cứ vào thiện nghiệp nầy khi từ trần mẹ tôi chắn chắn sẽ sanh về cõi Thiên với Chúa. Nào ngờ thời thế đổi thay, điều kiện sinh sống trong nước ngột ngạt, mẹ con tôi phải vượt biên đến xứ người, bỏ lại trọn vẹn tài sản mà cả đời tằn tiện gầy dựng. Khi sống xứ người một thời gian bỗng nhiên mẹ bị lôi cuốn theo phong trào chánh trị chống Cộng chất ngất hận thù. Bà hào hứng làm loại thơ gay gắt lên án chửi bới Cộng sản, thơ được vài tờ báo địa phương ca ngợi đăng tải, nên lòng hờn căm trong bà càng sôi sục. Bà cũng thích miệt mài ngày đêm mê say phim bộ, mà nội dung không ngoài các đề tài yêu đương thù hận chém giết ma quái lừa đảo. Tôi vô cùng lo lắng cho mẹ. Tôi nghĩ rằng người mang cận tử nghiệp đang cuốn hút theo thế giới ảo gian ác của phim bộ và nhất là với hận thù chánh trị hừng hực, chỉ có thể sanh về cõi người hay ba đường ác, chớ làm sao về cõi Thiên cho được. Tôi cố gắng thuyết phục bà giữ lòng thanh thản như xưa, buông bỏ hận thù và thế giới ảo của phim bộ, nhưng lời năn nỉ nầy chẳng những vô giá trị mà còn khiến bà phiền giận tôi. Bất lực, tôi chỉ biết noi theo người xưa, chân thành Niệm Phật hồi hướng cho mẹ, cứ yên chí rằng đã có Phật gia bị thì chẳng có gì phải lo nữa. Nhiều năm trôi qua, tôi khám phá ra là mẹ tôi hốt nhiên quên hẳn một mảng thời gian lớn, trong đó có việc tin đạo Chúa và vụ hận thù chánh trị, ngược lại bà lại nhớ rành rọt thời đi chùa thuở nhỏ : danh hiệu chư Phật và Bồ Tát, tán hương, chú Vãng sanh vẫn còn thuộc làu làu(xin xem bút ký “Sống bù cho con”), đúng là “bất chiến tự nhiên thành”, tôi đỡ đi một mối lo tâm huyết.
Giờ đây mẹ tôi chỉ còn sở thích quay cuồng xem phim bộ ngày đêm. Tuy không tán thành, nhưng thương mẹ, tôi vẫn gắng gượng sưu tầm thêm vài bộ mới cho bà tiêu khiển. Trong thời gian nầy thỉnh thoảng tôi rủ mẹ niệm chú Vãng sanh, niệm chừng bảy biến thì còn hăng hái, kéo dài hơn thì bà ngao ngán, nhấp nha nhấm nhỏm liếc nhìn máy chiếu phim. Tôi hướng dẫn bà Niệm Phật, rồi mang các mẩu chuyện đạo hấp dẫn của thầy Thiện Hoa, của sư bà Thể Quán đọc cho bà nghe, hi vọng bà phát tâm bồ đề, nhưng bà cũng lơ là nên đành bỏ cuộc. Mẹ đam mê phim bộ, thế giới ảo của nó trám đầy ấp tâm tư bà rồi, không còn khoảng trống để chứa giữ cái gì khác, dù là câu Niệm Phật. Tôi muốn dẹp bỏ phim bộ mà không nỡ vì nghĩ rằng bà đã gắn bó với nó hơn hai mươi năm trời rồi, nó là nguồn vui lớn của bà lúc tuổi già, thiếu nó chắc bà sẽ buồn khôn nguôi. Tôi bất lực chẳng tìm ra giải pháp nào tốt đẹp cả.
Vào một đêm giữa tháng 9, như thường lệ tôi vào phòng đỡ mẹ dậy đưa đi tiểu. Sau khi bà nắm vững walker (khung gậy 4 chân, 2 chân trước có bánh xe, để vừa nương vừa đẩy đi tới) tự đi hai bước, tôi yên tâm loay quay chỉnh đốn lại mớ mền gối, vừa nhìn trở lại bỗng thấy bà chân bước đi mà đầu ngoảnh lại nhìn truyền hình. Tôi hoảng hốt nhưng chưa kịp phản ứng gì cả, thì đã thấy bước chân bà loạng choạng, rồi bà té ngã đập đầu vào truyền hình u một cục khá to (u nầy mất cả tháng mới hết bầm). Tôi vất vả đỡ mẹ dậy, thương đứt ruột, trong khi mẹ tôi sợ con lo lắng, ráng thều thào nói “má không đau con à!”. Tôi giận mình đã hơ hỏng nên mẹ mới lâm cảnh té thảm thương nầy. Tôi đẩy truyền hình vô một góc thật khuất để bà không cách nào đụng chạm tới được, rồi hai ngày sau tôi năn nỉ bà cho dẹp bỏ việc xem phim bộ, bà đồng ý chẳng chút đắn đo. Tánh bà rất dứt khoát, đồng ý rồi thì chẳng bao giờ nhắc tới phim bộ nữa. Không ngờ chính cái rủi đã mở rộng cho mẹ con tôi cả bầu trời may mắn sau nầy.
Từ đó, mẹ tôi bắt đầu chịu Niệm Phật, mỗi ngày ba đến bốn thời, tôi niệm chung với bà một lúc rồi bà tiếp tục niệm một mình sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” nương theo máy Niệm Phật. Thỉnh thoảng tôi cũng bàn chuyện đạo giản dị(2) với bà, nhưng chánh yếu vẫn là câu Niệm Phật mà thôi. Nhận thấy mẹ chưa hăng hái lắm, một hôm nhân lúc mẹ vui, tôi thưa: “Má ơi nếu mẹ con mình cùng hết lòng Niệm Phật và đều về cõi Phật thì mẹ con mới gặp lại nhau, còn nếu Niệm Phật “lè phè” khi chết đào thai lung tung biết đâu mà tìm, làm sao gặp lại nhau. Vậy hai mẹ con mình hứa cùng hết lòng Niệm Phật để cùng được về cõi Phật, rồi gặp tại đó nghen má!” Mẹ có vẻ thích thú vụ ước hẹn gặp lại nhau nầy lắm, bà mạnh dạn cất tiếng “Ừa!” Kể từ khi hai mẹ con nhất trí hẹn gặp lại nhau ở cõi Phật, mỗi khi thấy bà giãi đãi, tôi chỉ nhắc lời giao ước nầy, thì bà cố gắng ngay.
Thời gian nầy mẹ tương đối khỏe và vui, nhưng vui thì đòi Niệm Phật thêm, chớ dường như bà chán ngán sự đời, rủ bà lên xe lăn đẩy đi công viên chơi hay đi dạo quanh xóm nhìn trời mây thì bà viện đủ mọi lý do từ chối. Có lần bà chỉ cái áo đang mặc có in hình trời mây... lên tiếng : “Trong áo nầy trăng sao đầy đủ hết, đâu cần đi đâu tìm nữa!” Sư cô Hạnh Giác từ thiền viện Viên Chiếu, Việt Nam sang ghé thăm, khen bà tuổi cao mà vẫn minh mẫn sáng suốt, nói năng tự nhiên mà bất ngờ dường như hàm ẩn hương vị thiền. Khi nghe sư cô thố lộ rằng đang phân vân chẳng biết nên sang Úc châu tu hay trở về Việt Nam tu, bà góp ý tức khắc:
- Tu thì ở đâu cũng tu. Tu ở Việt Nam cũng được, cần gì sang Úc!
Sư cô thấy bà đi walker lụm khụm lựa lời khai thị :
- Có thân khổ quá hén chị Sáu?
- Khổ gì mà khổ, nó đau thì biết nó đau, nó khỏe thì biết nó khỏe vậy thôi!
- Chị nói sao nghe thiền vị quá?
- Ai biết thiền vị gì đâu, nghĩ sao nói vậy thôi hà!
Đối đáp lanh lẹ như một thiền gia đắc đạo ngon lành như vậy mà khi nhắc đến lời trăn trối sau cùng của mẹ sư cô : “Vú muốn sống hoài để lo cho các con, mà không được nữa rồi...” Chuyện xảy ra chắc khoảng trên bốn mươi lăm năm về trước, mà nay kể lại mẹ tôi bỗng ứa nước mắt nghẹn ngào đứt khoảng. Vụ xúc động bất ngờ nầy khiến tôi lo lắng vô cùng. Giờ chót mà bà “đắm nhiễm con cháu” như thế nầy thì làm sao vãng sanh cho được. Khi chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ bên nhau, tôi bèn gợi chuyện :
- Má ạ! Mình Niệm Phật nguyện sanh về cõi Phật, khi từ trần được Phật rước nhớ theo liền, đừng chần chờ nghen má!
Bà cười cười không trả lời. Chẳng biết bà nghĩ sao? Bà không tin tưởng vụ Phật rước hay bà tự biết lòng mình quấn quít con cháu chẳng rời không nỡ bỏ đi một mình? Tôi mới dong dài nhắc nhở chuyện xưa :
- Má nhớ không? Hồi mình khổ sở trong trại tị nạn, hai mẹ con cùng xin đi Mỹ, nhưng má được Mỹ nhận trước rồi đưa má đi ngay, vài tháng sau tới phiên con cũng được đi Mỹ, cuối cùng mình cũng gặp nhau. Nếu lúc đó, má ngần ngừ không chịu đi trước thì nguy lắm vì hồ sơ có thể bị dẹp bỏ, xin lại không dễ, rồi tương lai mẹ con mình chẳng biết ra sao nữa. Bởi vậy, lúc nào Phật rước thì má nhớ theo liền, đừng chần chờ quyến luyến đứa con nào mà gặp nguy hiểm rắc rối, nghen má!
- Ừa! má hiểu rồi, má sẽ theo Phật liền mà!
Vụ mẹ tôi ngưng xem phim bộ bằng ngõ ngách nào đã đến tai anh tôi. Tuy anh đã hứa cho tôi trọn quyền lo cho mẹ cách nào cũng được, nhưng theo quan niệm của anh, phim bộ là nguồn vui tối cần thiết, không có nó bà buồn khổ và điên loạn... Tôi giải thích rằng bà không khổ và điên chút nào mà ngược lại rất vui vì tôi dành nhiều thời giờ kề cận chuyện trò, nhưng anh không tin tôi. Thấy thuyết phục mà tôi cứ loanh quanh không trả lời dứt khoát, anh gợi ý tôi cho mẹ nghe đài truyền hình tiếng Việt phát sóng từ Nam Cali trong hệ thống cable, dĩ nhiên tôi cũng lơ là. Anh cứ áp lực tôi mãi chẳng buông tha nên cuối cùng tôi đành kêu gọi anh tôn trọng quyền tự do lo cho mẹ, mà anh em đã giao kết với nhau. Anh giận, gác điện thoại và kể từ đó tình anh em sứt mẻ khó lòng hàn gắn. Tôi rất thông cảm anh tôi, anh rất thương mẹ và mong mỏi tôi sẽ cung ứng các loại giải trí mà anh tin là “thần diệu”, nhưng tôi lơ là nên bất mãn cũng là chuyện thường tình. Phần tôi thì cũng vì thương mẹ sợ rằng trong thời gian cận tử mà tâm bị nhiễm độc bởi bầu không khí yêu ghét thù hận ác độc lừa đảo... của các loại giải trí tạp nhạp thì khó thoát khỏi đọa lạc vào ác đạo. Mẹ tôi biết bụng dạ của hai đứa con trai, nên mới tâm sự với sư cô Hạnh Giác rằng “về già may mà có hai đứa con trai săn sóc, nhưng mỗi đứa thương một cách...” Đúng như vậy đó, tôi thương mẹ theo cách của tôi chớ biết phải làm sao bây giờ?
Thật ra, chỉ nội cái việc có người thỉnh thoảng điện thoại cho mẹ gợi những chuyện bực mình cũ xì làm xao động tâm bà cũng khiến tôi mất ngũ rồi. Có lần ai đó đã phóng đại và bi thảm hóa chuyện nhà cửa ruộng vườn của Ông ngoại rằng “thằng đó - người anh bạn dì của tôi – nó phá tan hoang hết rồi, nó đốn cây bừa bãi bán đổ bán tháo, gạch đá cạy đem bán, đất vườn nó cũng cắt xẻ ra bán tuốt...” Ngôi nhà và thửa vườn nầy chứa chan bao kỳ niệm của mẹ, nên bà đau khổ ngẩn ngơ, lâu lâu lại áo não chép miệng than: “ngôi vườn của ngoại con tan hoang cả rồi!”. Tôi cố gắng giải độc: “Mình vượt biên thì nhà cửa mất hết, nếu anh ấy cũng vượt biên như mình thì thửa vườn của ngoại thành của thiên hạ. Nhờ ảnh ở lại giữ vườn nên nó mới còn, mình phải cám ơn ảnh mới phải, ảnh có công giữ thì có quyền buôn bán, chớ trách móc nỗi gì?” Thoạt nghe qua bà có vẻ đồng ý, nhưng phải cần đến hai ngày bà mới quên hẳn chuyện nầy.
Chính vì vậy cho nên tôi tránh né giao du, thân hữu muốn thăm mẹ, cực chẳng đã không có cách nào từ chối tôi mới buộc lòng tiếp xúc. Vì vậy, cũng có người không hiểu nguyên do đã phàn nàn tôi về chuyện nầy. Nhân đây tôi xin chân thành xin lỗi quý thân hữu có lòng tốt muốn viếng thăm mẹ mà vì lý do khó giải thích đã ngăn trở họ toại nguyện.
Mùa đông năm nay giá lạnh quá, dịch cảm cúm tràn lan khắp miền Bắc Cali. Trừ tôi ra, cả nhà đều bị cúm, bệnh nặng nhất là nhà tôi, phần mẹ thì tương đối nhẹ, uống thuốc cảm hai ngày đã có vẻ sắp hết, chỉ còn chảy mũi sơ sài. Sinh hoạt của mẹ ngày 04.01.07 vẫn diễn tiến bình thường cho đến 04.00 giờ chiều, khi chuẩn bị cho bà ăn buổi lỡ (bữa ăn bổ túc giữa trưa và chiều), thì mới khám phá hơi thở của bà khò khè mệt nhọc. Dù được cả nhà xúm xích tận tình săn sóc, nhịp độ khó thở lại gia tăng, nên chúng tôi quyết định gọi xe cứu thương khẩn cấp đưa vào bệnh viện Sutter điều trị. Mẹ bị viêm phổi (pneumonia) cấp tính nặng nên ngộp thở, nguyên nhân vì hệ thống nuốt hoạt động không bình thường, thức ăn uống đi lạc vào cuốn phổi mà sinh ra chứng viêm. Sau một tuần điều trị, bệnh viêm phổi hầu như chấm dứt, nhưng do phản ứng công phạt của trụ sinh, sức lực mẹ bị kiệt quệ không đi đứng được. Ngày 12.01.07 nhà thương chuyển mẹ sang trung tâm an dưỡng nhằm phục hồi khả năng đi đứng, và theo dõi hệ thống nuốt vẫn chưa hoạt động tốt, cần tuân theo chế độ ăn uống toàn chất sền sệt và xay thật nhuyển. Mẹ ngày càng yếu không hồi phục nổi, trung tâm an dưỡng không giúp ích gì về phương diện trị liệu, nhưng họ cung cấp được tấm nệm đặc biệt xoay chuyển tự động, và toán trợ tá giúp mẹ thay đổi độ nằm, tránh tình trạng lở lưng và mông vì nằm bất động.
Thời gian nầy tuy phải nằm một chỗ nhưng mẹ chỉ khó thở hai ngày đầu nhập viện, ngoài ra, tuy sức khỏe từ từ khô kiệt như ngọn đèn cạn dầu, nhưng trí óc vẫn linh hoạt, vẫn vui tươi và “tếu” rất đúng lúc, và đặc biệt Niệm Phật tinh tấn và thiết tha hơn trước nhiều.
Khi đứa cháu hỏi :
- Con có mập không nội?, bà “tếu” liền :
- Mập gì đâu! Chỉ có thịt bọc xương thôi hà!
Một người bạn của tôi viếng thăm, mời bà ăn bánh :
- Mời bác ăn một cái bánh cho vui!
Bà cười dí dởm đáp :
- Ăn mười cái mới vui, chớ ăn một cái chưa đủ vui đâu?
“Bà cụ có nụ cười dễ thương nhất trên đời!”, các cô y tá trợ tá đua nhau tán tụng bà như vậy. Mẹ không biết tiếng Mỹ, chỉ biết “I’m fine. Thank you”, vậy mà cũng đủ sức chinh phục mọi người, mấy mươi y trợ tá từng liên hệ với bà thương mến bà đã đành, các người làm việc nơi khác, nghe bạn bè kể chuyện bà cũng dẫn nhau tìm đến ngắm nhìn bà. Mẹ tôi xưa nay vẫn tươi vui, nhưng đạt được nụ cười dễ thương hồn nhiên tươi mát có sức thu hút mọi người có lẽ nhờ lòng thiết tha tinh tấn Niệm Phật, đã chuyển mình - duyên trần nhẹ hửng nụ cười hồn nhiên - và cũng chuyển người - niềm thương yêu tràn ngập -.
Bà già gốc Mễ 72 tuổi ở chung phòng không có phước như mẹ tôi, bị y trợ tá bỏ bê, tự múc ăn một mình đổ tháo tùm lum. Tôi chăm sóc cho mẹ, rảnh một chút, vội chạy đi chạy về đút cơm cho bà ta, giúp bà đỡ cô đơn buồn tủi và cũng đỡ đói nữa. Mẹ thương tình bảo chia thêm phần bánh ngọt và bánh ngũ cốc(cereal) của mẹ cho bà.
Có người ở chung phòng đôi khi cũng bất tiện, nhất là vào lúc mẹ con tôi đang Niệm Phật. Lần đó thân nhân họ đến cười nói ồn ào quá khiến mẹ bị phân tâm mãi, tôi liền nhắc nhở :
- Khi mình Niệm Phật thì chỉ lo Niệm Phật thôi, má đừng để ý chuyện người ta.
- Ừa! Niệm Phật thì không được lo ra phải không?
Chữ “không lo ra” nghiệm kỹ nghe thấm thía lắm, nó giản dị dễ hiểu làm sao, xài “nhất tâm bất loạn” cao siêu chi cho rắc rối. Từ đó, mỗi khi bà phân tâm, tôi chỉ nhắc bà “đừng lo ra” thì bà thúc liễm thân tâm tức khắc.
Một hôm bà kể chuyện chiêm bao thấy một sư cô lần chuỗi niệm “Nam mô Phật, nam mô Phật...” rồi thắc mắc chẳng biết niệm như vậy có đúng không? Tôi đáp :
Niệm Nam mô Phật thôi thì cũng tạm được, nhưng không rõ ràng không tốt bằng niệm đầy đủ “Nam mô A Di Đà Phật” vì ở đây mình nắm vững rõ ràng địa chỉ mình muốn đến để quyết lòng đi tới cùng, gặp người tốt giúp mình họ cũng nắm vững ý hướng mình để đưa tới nơi tới chốn. Còn Nam mô Phật ngắn có nghĩa mình chỉ muốn thoát khỏi thế giới nầy, nhưng chưa biết đi đâu về đâu thì ai giúp đỡ mình được.
Chừng một tuần sau, nhân khi tình nguyện lo cho nội thay tôi, thằng cháu rủ bà niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát mà cháu hằng kính ngưỡng. Mẹ phản đối tức khắc :
- Không đúng đâu. Ba con dặn chỉ niệm Nam mô A Di Đà Phật mà thôi!
Lúc sau nầy, tuy thỉnh thoảng tôi vẫn cẩn thận nhắc nhở bà “nhớ lời ước hẹn gặp nhau cõi Phật và Phật rước theo liền”, nhưng tôi hằng nghiêm mật quan sát bà, tôi hiểu tâm bà đã nhẹ tênh rồi, con cháu săn sóc thì sống vui với nó khi nó hiện diện, ngoài ra, chẳng vướng bận, chẳng màng chuyện đời nào cả. Có thể nói “Mẹ là lão thật, lòng dạ sáng trưng, tham sân si bỗng nhiên không còn hiện diện, tâm rổng rang chẳng bợn chuyện trần, nên Niệm Phật câu nào “chắc mẻm” câu đó. Vì vậy, tuy mẹ chỉ mới bắt đầu Niệm Phật khoảng tám tháng nay, nhưng tôi thực sự tin tưởng rằng mẹ sẽ vãng sanh. Con đường vãng sanh cùa mẹ, tôi cảm tưởng mình thấy rất rõ, trong khi cá nhân tôi, dầu đã Niệm Phật mấy mươi năm, mà còn đa sự nhiễm trần, nên tôi nhận thấy vẫn còn mù mịt vô cùng, càng nghĩ kỹ càng lo sợ hãi hùng.
Tuần cuối cùng bà đột ngột bỏ ăn, nài nĩ lắm chỉ chịu uống sữa và gà hầm thuốc Bắc, rồi đến ngày 16, 17 tháng 05, thì chỉ còn uống sữa. Dù vậy, tinh thần bà vẫn minh mẫn, bà vẫn cố gắng Niệm Phật mươi câu rồi nằm im lặng nghe tôi niệm tiếp, bà vẫn vui vẻ hỏi han cháu nội từ San Jose đến, cười đùa với mấy nữ trợ tá thăm hỏi bệnh tình. Sáng và trưa ngày 18, mẹ chỉ uống sâm, than mệt lắm nhưng vẫn ráng mấp máy Niệm Phật đôi câu. Đến tối không còn nói nổi, chỉ có thể thấm sâm vào miệng bằng một que vải sốp(sponge-cloth) mà thôi, dù vậy, khi tôi ngồi cạnh Niệm Phật, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy bà thì thào niệm theo. Đến 10.00 giờ tối thằng cháu đến thăm, thấm cho nội tí nước, nội vẫn nằm ngủ yên.
Khi tôi bước vào trung tâm vào khoảng 07.15 sáng ngày 19.05.07, dự định hỏi sơ bệnh tình mẹ thì cô trợ tá đã vui vẻ thông báo : “Bữa ăn sáng đã chuẩn bị sẵn sàng. Bà cụ đợi ông đó!”. Tôi hấp tấp bước vào phòng, mẹ đã được lau mặt, chảy đầu tươm tất, ngồi dựa trên giường nệm đã được thu dọn thẳng nếp, trước mặt là khay thức ăn đặt trên cái bàn di động nhỏ. Vừa nhìn mẹ tôi bỗng cảm giác là bà đã ra đi, tôi bước nhanh đến sát bên bà, nhận thấy bà như thanh thản nhắm mắt yên ngủ, sờ trán còn ấm nhưng hơi thở không còn nữa. Tôi bước ra ngoài điện thoại bảo nhà tôi và con đến ngay, đoạn gọi cô trợ tá theo tôi vào quan sát mẹ. Cô trợ tá bối rối xin lỗi và quả quyết khi săn sóc mẹ tôi cùng với người bạn vào lúc 7 giờ sáng, mẹ vẫn bình thường – như vậy, thời điểm mẹ từ trần khoảng từ 7 giờ cho đến 7.15 giờ sáng mà thôi-. Cô chạy vội tìm hai y tá đến khám nghiệm chánh thức, cả hai kết luận mẹ qua đời. Tôi yêu cầu họ không quấy rầy chúng tôi trong tám giờ, và kéo màn che kín.
Tôi nhắc nhở mẹ :
- Thưa má! giờ nầy má khỏe má sung sướng không còn bị cái thân bệnh hoạn
già nua làm bực mình khó chịu nữa rồi. Thế gian nầy xấu xa, ác độc, bệnh tật... toàn là khổ đau phải không má. Bởi vậy, mẹ con mình mới quyết định Niệm Phật để sanh về cõi Phật, nơi mình có thể vĩnh viễn sống an vui, hoàn toàn không có chuyện khổ. Bây giờ, má phải tiếp tục Niệm Phật hoài hoài, khi được Phật rước thì theo ngay, đừng chần chờ nghen. Giờ thì mẹ con mình cùng nhau Niệm Phật, không nên lo ra nghen má!
Tôi vặn máy Niệm Phật và nương theo khởi niệm. Trong tình huống đặc biệt nầy, tôi tự nhiên không cố gắng mà bao nhiêu chân tình dường như tập trung vào câu Niệm Phật, nên cảm thấy nhất tâm và tương giao cảm ứng với mẹ hơn bao giờ hết. Chừng nửa giờ thì nhà tôi và thằng út đến, rồi hai đứa con lớn từ San Jose lên hội nhập cùng nhau luân phiên hộ niệm không gián đoạn. Điều may mắn nhứt là trong lúc bất thình lình, và vào thời điểm tăng ni các chùa đang chuẩn bị lễ Phật đản, mà khi con tôi đến chùa Phổ Minh thỉnh ni sư Như Phương đến hộ niệm, ni sư đã hoan hỷ đi ngay. Tháp tùng còn có ni cô Như Hiệp, chùa Phật Tánh, Trà Ôn, Việt Nam vừa mới đặt chân đến Sacramento ngay chiều hôm trước.
Ni sư khai thị, ban pháp danh cho mẹ là Diệu Phước, rồi bắt đầu hướng dẫn Niệm Phật. Nhờ có hai sư cô tận lực tha thiết hộ niệm, uy lực câu Niệm Phật khởi sắc rõ rệt : hùng hậu và sâu xa hơn. Khi nhận thấy hai vị Niệm Phật liên tục hơn hai giờ đã mệt đuối, tôi cảm tạ và thỉnh hai vị về chùa nghỉ. Phần gia đình thì vẫn luân phiên hộ niệm đúng tám giờ, đến khi nhà quàn Oak Hill, San Jose đến rước thi thể (3.15 giờ chiều)mới chấm dứt.
Sau tám giờ hộ niệm, theo ni sư Như Phương(3) và nhận xét riêng tôi thì mặt mẹ vẫn tươi nhuận, lưỡi bà có phần tươi hơn(4), và khi nhà quàn cho bà nằm xuống để chuyển đi, thi thể vẫn mềm mại bình thường.
Vì thể lệ chôn cất tại Hoa Kỳ nghiêm nhặt, tang sự không thể tiến hành nhanh như tôi tưởng. Ngày thuận tiện và sớm nhứt mà nhà quàn chấp nhận được là ngày thứ sáu 25 tháng 05. Trong thời gian sáu ngày chờ đợi nầy, hằng ngày trước bàn thờ bà, tôi vẫn “động viên” mẹ : “Má ơi! Giờ nầy dù má đã hay đang về cõi Phật, xin má thương con tiếp tục Niệm Phật nghen má. Má Niệm Phật cho má mà cũng Niệm Phật để ủng hộ con nữa, thì mới mong mẹ con mình cùng sanh về cõi Phật!”.
Trong khi thỏ thẻ với bà, vào ngày thứ hai sau khi bà lìa đời, tôi bỗng cảm ứng ra một bài kệ nôm na, mà bạn đọc có thể đánh giá như là một bài thơ con cóc ngô nghê. Riêng tôi khi đọc tụng bài kệ nầy, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp, tràn ngập thương yêu và niềm tin, nên xin ghi lại để cống hiến quý đọc giả :
Má thương con thì má Niệm Phật
Con thương má thì con Niệm Phật
Mẹ con mình đồng Niệm Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật(5)
Đến ngày 25 tháng 05 thi thể mẹ được chuyển ra phòng tang lễ Phong Lan (Orchid chapel), mặc áo dài Việt Nam, vẻ mặt tươi vui, nhưng kém đi phần thanh thản. Sau đó, bắt đầu chánh thức tổ chức lễ phát tang lúc 10 giờ và tiếp theo là phần thăm viếng của quí thân hữu. Mục thăm viếng kéo dài đến ngày hôm sau, và kết thúc với lễ an táng, di quan và hạ huyệt. Mọi việc đều tiến hành thuận lợi và rất tốt đẹp, đúng theo nghi lễ Phật giáo, dù với vài trở ngại không đến nổi quá đáng phát xuất từ sự bất mãn của cô em đạo Tin Lành. Thượng Tọa Pháp Chơn và chư tăng chùa Liểu Quán chủ trì hai nghi lễ chánh thức phát tang và an táng rất tươm tất, trang nghiêm, phần khai thị thâm trầm nghĩa lý cao xa mang nhiều lợi lạc cho mọi người. Thân hữu tham dự khá đông, và tràng hoa đẹp thi đua tràn ngập chật nứt cả gian phòng hành lễ.
Đặc biệt nhất là tràng hoa của nhóm Trí Đức liên hữu, hoa lá kết thành một đài sen, với hai hàng chữ : “Kính dâng hương linh cụ”, và “Nguyện hương linh an vui miền Tịnh Thổ”. Mẹ tôi vốn thâm nhập giáo lý vô thường, sống vui mà chết cũng vui, nên tôi không buồn, huống chi, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng bà đã đới nghiệp vãng sanh nên lòng vô cùng hoan hỷ. Do đó, khi gởi cáo phó đến thân hữu, tôi đã viết là “trân trọng thông báo”, chớ không là “khấp báo” hay “vô cùng thương tiếc báo tin buồn...”Tôi chân thành cảm tạ tất cả thân hữu đã có lời chia buồn, nhưng thành thật mà nói, chỉ riêng nhóm Trí Đức Liên Hữu không chia buồn mới đúng là bậc tri âm, hiểu rõ tâm cang tôi, khiến tôi vô cùng cảm khích. Chiều thứ sáu, thượng tọa Thiên Phước đưa nhóm Trí Đức Liên Hữu đến tụng niệm tiển đưa mẹ tôi. Thầy là vị đạo đức tăng tu hành nghiêm mật tôi vô cùng kính trọng, nhưng vì quá bận rộn chuyện nhà, tôi chỉ hân hạnh diện kiến thầy một lần, nên thật tình không dám ước mơ mời thầy, không ngờ thầy ưu ái đến chủ lễ. Thầy nghiêm cẩn dạy tôi : “Giờ nầy cụ đã về cõi Phật rồi, nhưng mình vẫn hành lễ cho cụ”. Nhóm Trí Đức được vị minh sư dìu dắt đã lâu, kỹ thuật hợp tán tụng nhịp nhàng, nên nghi thức “nghi thiết lâm sàng” do thầy chủ lễ vừa trang nghiêm vừa sinh động. Tôi chỉ mường tượng như lời duy nguyện :
Thần về an dưỡng
Nghiệp xả trần lao
Sen khai chín phẩm bay cao
Phật thụ nhất thừa quả mãn...”(6)

có điểm đặc biệt nhưng vốn kém hiểu biết về lễ nghi nên không hiểu ra.
Sau đó, tôi được một liên hữu giải thích rằng ngay sau khi nghe tin mẹ tôi từ trần thầy đã chỉ dạy ghi lời chúc là “an vui miền Tịnh Thổ” vì mẹ tôi đã được vãng sanh rồi, cũng chính vì cảm nhận nầy, thầy đã hướng dẫn nghi lễ khác hơn bất cứ tang ma nào khác anh đã dự, đặc biệt thầy đã xướng duy nguyện 3 là phần anh tự hỏi chẳng biết có phải thầy đã coi cụ như là một tăng sĩ chăng?
Câu hỏi đó chính là điều mà tôi cũng phân vân. Mẹ tôi chỉ đi chùa khi còn bé thơ, không có điều kiện nào học Phật, nhưng bỗng nhiên bà hiểu giáo lý khổ, lý vô thường tường tận, biết sống an vui trong hiện tại... và vừa bắt đầu Niệm Phật cũng vững vàng tha thiết. Tôi nghĩ có lẽ mẹ kiếp trước nếu không là tu sĩ thì cũng là cư sĩ dày công tu học, đến kiếp nầy tuy phải vòng vo trả nghiệp, nhưng công đức tu tập tiền kiếp đã đến lúc thành thục, nên mới vừa thoạt quày đầu là đã về cõi Phật. Thật ra, dù tích trử được thiện nghiệp cỡ nào cũng không thể nào tự nhiên quày đầu được nếu không có sự gia bị nhiệm mầu của Chư Phật, Chư Bồ Tát. Bao năm qua, tôi đã không làm nên trò trống gì cả, tôi quá nãn lòng vì bất lực chẳng chuyển hóa được mẹ, rồi tôi chỉ biết chân thành Niệm Phật, phó thác tất cả cho Đức Phật A Di Đà lo liệu. Thế rồi, tất cả đã thay đổi một cách tuyệt vời và vô cùng hy hữu, mà cá nhân tôi chỉ có thể phủ phục đảnh lễ chư Phật xưng tán “Phật lực nhiệm mầu bất khả thuyết, bất khả thuyết, bất khả thuyết...”
Sacramento, ngày 17.06.2007


Ghi chú :


1. Nguyên văn : “Anh feel bad vì đã dump má cho em trong lúc nầy”
2. Tôi dùng những câu giản dị và rất riêng tư như các câu dưới đây :
-Mình Niệm Phật bền bĩ cho tâm mình trong sạch không còn xấu xa, tham lam... nữa.
-Niệm Phật cho tâm mình trong sạch gần gũi với tâm Phật mới về cõi Phật được
-Cõi nầy bệnh hoạn già nua về cõi Phật không còn già nua bệnh hoạn nữa.
-Trả lời câu hỏi : “Tại sao niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật khác”. Tôi đáp : “Hồi ở trại tị nạn, nhờ những vị hiểu biết hướng dẫn, mình chỉ xin đi Mỹ nhờ vậy đi nhanh. Còn mấy người nạp đơn xin lung tung nhiều nước thì gặp rắc rối rất chậm. Cũng như vậy đó, Đức Phật Thích Ca là bổn sư dạy mình niệm Phật A Di Đà, mình cứ nghe theo mà hết lòng niệm Phật A Di Đà thì mới về cõi được Phật.”
3. Đây là nguyên văn lời tán thán nhiều lần của Ni sư Như Phương: “Sư cô hộ niệm rất nhiều người mà chưa thấy người nào ra đi với vẻ mặt thanh thản an lạc, và có chuyển tướng lưỡi tươi nhuận như bà cụ. Sư cô thấy thương quá nên mới vuốt trán bà chớ tự hồi nào đến giờ sư cô chưa đụng chạm đến thi thể ai cả, ngay đứa em ruột của sư cô cũng vậy nữa”
4. Vì hàm răng giả đã tháo gở từ hai hôm trước, miệng hơi hở, nên lưỡi bị khô và có vẻ như hơi dầy, khi Niệm Phật chừng ba giờ, nhìn kỹ lại thấy lưỡi hết khô và dầy, trở nên thanh và tươi như bình thường.
5. Bài kệ nầy khi tụng chung với các con tôi, chúng tôi sửa lại như sau :
Nội thương chúng con thì nội Niệm Phật
Chúng con thương nội thì chúng con Niệm Phật
Gia đình mình đồng Niệm Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
6. Nghi Thiết Khoa Nghi, trích trong quyển Pháp Sự Khoa Nghi, Hòa Thượng Thích Huyền Quang biên soạn.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2024(Xem: 685)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
11/09/2024(Xem: 800)
Vào lúc 09:30 am ngày 08 tháng 9 năm 2024, chùa Đại Bảo Trang Nghiêm tọa lạc tại số 2553 Darwin Street, thành phố Hayward, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2024, Phật lịch 2568. Hòa thượng Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ (Hayward), thiền viện Phổ Thiên (Castro Valley) và trung tâm tu học Phổ Trí (Vacaville) quang lâm Chứng minh và ban Đạo từ.
09/09/2024(Xem: 668)
Lễ Vu Lan PL 2568 (8/9/24) tại Chùa Bảo Minh, Vic, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
07/09/2024(Xem: 905)
Sáng ngày 30 tháng 7 Giáp Thìn (02/9/2024), nhân ngày Khánh đản đức Bồ tát Địa Tạng, chùa Bửu Long ở thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Trai Đàn Chẩn Tế - Kỳ Siêu Bạt Độ, trên là để báo đáp Tứ Trọng Ân, dưới là để cứu vớt những âm linh bị đọa vào Tam Đồ Khổ (ba đường ác lụy: gươm đao, nước và lửa), đồng thời cũng cầu siêu hồi hướng cửu huyền thất tổ, cầu nguyện quốc thái dân an, thiên tai ôn dịch tiêu trừ
04/09/2024(Xem: 396)
Chùa Pháp Tạng là 1 trong 6 ngôi chùa thuộc Tổ chức Quốc tế Bồ Đề Quang - BLI (Bodhi Light International, Inc.) được Thầy Thích Vĩnh Hóa sáng lập, căn bản là Phật giáo Đại thừa Trung Hoa được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa và cảm nhận của thời đại mới.
02/09/2024(Xem: 597)
Lễ Vu Lan PL 2568 (1/9/24) tại Tu Viện Kim Cang, Victoria, Úc Châu (Photo: Thiện Hưng) | quangduc.com
01/09/2024(Xem: 527)
Lễ Vu Lan PL 2568 (31/8/24) tại Chùa Pháp Vân, Melbourne, Úc Châu (photo: Quảng Diệu Trí) | quangduc.com
28/08/2024(Xem: 474)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
26/08/2024(Xem: 431)
Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568 (25/8/24) tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com