Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Trong không khí Hạ mãn Thu sang, ngày ta tìm về trong nết sống thiêng liêng, mùa Vu Lan hiếu hạnh, ngày tạ ân hai đấng sanh thành, ngày giải đảo huyền với sợi dây oan nghiệp, giải trừ tâm bất hiếu, lắng nghe tiếng gọi tình cha, tìm về hơi ấm trong vòng tay sữa mẹ.
Để buổi lể trang nghiêm xin tất cả những ai đang có mặt trong giảng đường Hương Sen này, xin tất cả ngồi trong tư thế trang nghiêm, theo dõi hơi thở, lắng nghe tiếng chuông tìm về sự lắng tịnh chân tâm, xin đại chúng thực tập...!
"Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe…
Tiếng chuông huyền diệu, đưa về nhất tâm…"
"Thỉnh một tiếng chuông"
"Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra."
"Thở vào một hơi dài tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài, thở ra một hơi ngắn tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn."
"Thở vào, tôi đang chạm vào trái tim, để cần trong hơi ấn tiếng gọi thổi thức, bấy lâu nay vắng bóng, khi cha mẹ chúng tôi không còn hình ảnh trên cuộc đời. Thở ra, tôi tìm về những hơi ấn trong trái tim thương yêu và biết hiểu, để chuyển tiếp hạt giống tâm lành cho cha mẹ đang ở cảnh tịnh Di Đà, trong tâm niệm cần trong hơi ấn mỗi khi Vu lan về."
"Thở vào, tôi vui mừng mỗi độ thu về, cài nhàng hoa hồng thơm nguyên lên chiếc áo thân thương, như hình bóng cha mẹ còn trong trong tâm cảm. Thở ra, tôi lắng nghe tiếng gọi từ ông bà cha mẹ bảy đời trở về cố quận, nơi tôi cần trong hơi ấm, tìm về để học hạnh người xưa."
Thưa đại chúng, khi nghe tiếng chuông đại chúng bỏ đôi tay mình xuống ngồi trong tư thế thảnh thơi lắng nghe tiếng gọi hơi ấm chính mình và những ai liên hệ đến mình.
Thưa đại chúng:
Không cần tiếng nhạc, không cần ngọn gió, không cần tiếng chuông, buông hết, để các con trở về với trái tim của mình, ôm cánh hoa hồng trên tay, nâng niu, nhìn sâu vào trong cánh hoa hồng ấy. Vu Lan tiếng Phạn gọi là Ulumpana, nó có rất nhiều nghĩa, nhưng nghĩa căn bản của Vu Lan là “Giải đảo huyền”. “Huyền” nghĩa là sợi dây. Mở sợi dây cho người đang bị cái khổ treo ngược, gọi là “giải đảo huyền”.
Để hôm nay, nhân mùa Vu lan hiếu hạnh, ngày mùng 8 tháng 7 năm Mậu Tuất, tại đạo tràng Liên Tịnh Nguyện, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thầy có bài pháp thoại nhân mùa hiếu hạnh Vu lan với nhang đề: "Cần Trong Hơi Ấm".
Thưa Đại Chúng:
Con không cần gì cả, con chỉ cần có mẹ thôi, con không cần gì cả, con chỉ cần có ba thôi, con không cần tiếng nhạc, con không cần tiếng chuông, con chỉ cần có ba mẹ bên cạnh, con chỉ cần như vậy, đã đủ với con rồi.
Giữa cuộc đời này, một chữ “cần” mà chưa ai học được, người ta cần tiền, người ta cần nhà, người ta cần xe, người ta cần món ăn vật lạ, nhưng có một thứ cần mà người ta quên mất, đó là cần cha, cần mẹ, người đã sinh ra ta trong cuộc đời này. Có một thứ cần mà ta đã đánh mất, là thứ cần cha và mẹ, khi chúng ta bất hiếu, khi chúng ta bất nhân, khi chúng ta không đủ nhân cách, có những thứ cần trong cuộc đời, mà đôi lúc vô tình ta đánh mất quên đi. Bởi vì 2 chữ Cha và Mẹ, luôn nằm trước mắt ta, nhưng mà ta chưa bao giờ cần họ, bởi vì ta quên cha mẹ, ta quên đi mẹ mình. Để khi cha mẹ mình mất rồi, thì tiếng cần ấy mới gọi lại trong tâm hồn.
Có khi nào quý vị nghĩ rằng: “Mình có cần cha không, mình có cần mẹ không?”, hay mình cần tiếng nhạc để du dương mình trong từng đêm ngủ, hay là mình cần tiếng nhạc của mẹ bằng cả trái tim, ầu ơ, ầu ơ… trong những giấc ngủ ban trưa, khi ta cần bàn tay vỗ về của mẹ, của cha, thì lúc đó ta hấp huổi, nhưng chẳng ai biết, cha mình cần mình sống nên người, mẹ mình cần mình để sống trưởng thành hơn. Nhưng mà đôi khi, cái cần ấy, nó không bao giờ hiện hữu trước mắt tất cả mọi người, bởi vì chúng ta vô tâm, chúng ta vô nghĩa, chúng ta vô ơn, cho nên đến lúc, ta cần một thứ gì đó thiêng liêng nhất, rồi ta không tìm được. Người ta đang cần, cha ta đã nằm dưới lòng đất sâu, mẹ ta đã nằm dưới lòng đất sâu lắng, phủ lên hai nấm mồ hoang cỏ lạnh.
- 1: Tiếng gọi một chữ, thương lắm chữ Cần:
Giây phút này, là thiêng liêng lắm, để quý vị lắng đọng tâm hồn. Đối với bản thân thầy, thầy không muốn các con có những giọt nước mắt, mà thầy chỉ muốn các con, có một chữ “cần” đích thực.
Đức Phật có dạy, giữa đời có bốn hạng người.
Hạng người thứ nhất, là người cần cha, cần mẹ, là người mà lúc nào, ở đâu, sinh ra trong hoàn cảnh nào, cũng luôn luôn cần cha mẹ để dìu dắt ta đi trên con đường bình yên, hiểu được luật nhân quả, hiểu được giáo lý của Tam Bảo.
Hạng người thứ hai, là nửa cần, mà nửa không cần, một nửa thì cần cha mẹ, nhưng mà một nửa khác lại không cần cha mẹ, tại sao lại như vậy, bởi vì người đó đi ra giữa cuộc đời và xã hội, nghe những chúng bạn nói những câu nói không dễ thương, cho nên nửa thì rất mong muốn cần cha mẹ, để cha mẹ dìu dắt trưởng thành nên người, nhưng mà một nửa sợ bạn, sợ bè, để rồi một nửa ấy, khiến mình đánh mất và quên đi sự ân cần dạy bảo, của cha mình, của mẹ mình, khiến cho đời sống của mình rơi vào con đường của ngõ cụt, lầm đường, lạc lối, mê theo chúng bạn, mê tà, mê một cách mê muội, mà không trở về với sự cần cha, cần mẹ.
Hạng người thứ ba, là hạng người sinh ra trong cuộc đời, chẳng cần cha, chẳng cần mẹ, chẳng cần chúng bạn, chẳng cần cuộc đời, người ấy là người vô ơn, người ấy là người thiếu phước, người ấy là người không có mặt trong cuộc đời này, họ đến trong cuộc đời này chỉ làm cho đời sống của họ khổ đau.
Hạng người thứ tư, là hạng người ta chưa có cha mẹ, ta chưa có gia đình, nhưng tuy nhiên trong một hoàn cảnh, không phải là máu mủ, nhưng người ấy lang thang giữa cuộc đời, và đã gặp được một người thiện hữu tri thức, và người ấy đã nhận làm cha, làm mẹ, cho nên họ cần hai tiếng mẹ cha một cách trọn vẹn.
Thưa quý vị, bốn hạng người mà Đức Phật có dạy, là sự ân cần tha thiết, khi ai tìm về với chính bản thân họ, họ sẽ có một đời sống hạnh phúc, và đời sống hiếu thuận. Tiếng gọi một chữ, thương lắm chữ Cần.
- 2: Nơi Ấy Con Tìm Về, Cần Trong Hơi Ấm:
Các con biết không, năm nay, thầy rất nhân duyên, thầy làm hơn 10 khóa tu, trong 10 khóa tu ấy, có một trường hợp như thế này, là chữ cần và có mặt. Có một em bé, tên là Tùng, quê ở Quảng Nam, khi sinh ra trong cuộc đời, em đã bị cha mẹ bỏ em ngay từ 2 tháng tuổi, vừa lọt lòng, máu đang còn tanh lòng, bỏ em ngay nơi bìa rừng, cạnh một phương thất của một vị thầy.
Vào lúc nửa đêm, tầm 3 giờ sáng, vị thầy ấy, đang ngồi tĩnh tọa giữa ngày trăng tròn, vô tình nghe tiếng khóc, ở ngoài bìa rừng, lúc bấy giờ, vị thầy ấy, lấy đèn pin, ra soi rọi, thì thấy một em bé đang còn đỏ hỏn, trong một chiếc bao bố, có 1 vài dòng chữ: “Con là người phụ nữ bất hạnh, sinh con ra mà không được bên nội thừa nhận, cho nên hôm nay, con gửi em bé của con giữa cuộc đời, ai nhặt được xin hãy xót thương và cưu mang em bé của con…”.
Quý vị biết, Tùng kể lại rằng, dây rốn vẫn còn, vị thầy ở tại phương thất, ngay ở tại bìa rừng, phải lấy cái kéo, để cắt dây rốn và băng lại, sau đó em bé đã được đưa vào trong ngôi chùa, dưới ánh từ quang của Chư Phật. Thấy thân thể của em bé, toàn bộ bị những con kiến bu vào cắn, vị thầy đã lấy từng con đó ra, và với mỗi con kiến khi lấy ra, thầy niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
Trải qua một thời gian dài, năm nay Tùng được 16 tuổi, khi vị thầy hỏi: “Con có muốn xuất gia không?”.
Tùng mới trả lời: “Dạ thưa thầy, ơn của thầy nặng sâu như trời biển, nhưng mà con cần một thứ, mà trong cuộc đời này, mà họ đã tạo ra cho con, đó là con cần cha, con cần mẹ thầy à. Cho nên xin thầy hãy cho con đi tìm cha, tìm mẹ của con, để con biết cha mẹ mình là ai, quê quán ở đâu, con cần những gì mà con mong muốn”.
Vị thầy hỏi rằng: “Con có hận cha không, con có hận mẹ không?”
Tùng trả lời: “ Nhờ con sống ở ngôi chùa trên ngọn núi này, mà con được học một đức tính là tha thứ, là thương yêu, mà Đức Phật đã chỉ dạy, là trí tuệ, là từ bi thầy à.”
Quý vị biết không, vị thầy ấy đã cho Tùng đi, từ năm Tùng 14 tuổi, thầy đã gửi kèm theo một bạn đạo hữu trong chùa, đưa Tùng đi, Nam, Trung, Bắc. Nhân duyên kì ngộ, một ngày nọ, Tùng vô tình tới uống một quán nước ven đường, tại thành phố Hồ Chí Minh, ở quận 12. Trong lúc đang ngồi uống nước, một hình ảnh thiêng liêng mẫu từ, một hình ảnh xúc cảm, cô gái bán nước, đã rót cho Tùng một ly nước cam tinh khiết và đưa cho Tùng uống. Sau khi uống xong....!
Tùng mới hỏi: “Bác ơi, bác cho con trả tiền”, thì cô gái ấy, không nói lên lời, giữa tình cảm thiêng liêng đó, trao truyền và gắn kết, các vị biết, tự nhiên, hai hàng nước mắt của người mẹ trẻ tuổi đó mà Tùng kêu bằng bác, đã chảy một cách bất ngờ, rồi lúc đó mới bắt đầu hỏi: “ Con tên là gì?”.
“Con tên là Nguyễn Nhật Tùng, pháp danh là Nhật Môn”.
Thưa đại chúng lắng nghe, giữa tình cảm của người mẹ và người con lâu ngày gặp lại, bà mới kể rằng: “Cách nay 16 năm, tôi cũng có sinh 1 người con, nhưng vô tình, nhà chồng không công nhận, cho nên kể từ đó tôi đi biệt xứ, tôi vào quận 12, ở như vậy được 16 năm trời, và hằng ngày tôi chỉ buôn bán với gánh nước cam này, để mong rằng gặp lại người con của mình.”
Quý vị biết, trường hợp ấy, khi kể về mà nhói đau ở trong Tùng, bằng cả con tim, vô tình Tùng hỏi: “ Bác ơi bác, đứa con của bác, bỏ rơi ở đâu?”
“Tôi bỏ cạnh một ngôi chùa, gần bìa núi, tỉnh Quảng Nam”
Tùng nghe, nghe đến đó, là tâm hồn của Tùng rung cảm, không lý nào đây là mẹ mình hay sao?!. Và các vị biết rằng, khi Tùng hỏi manh mối ngọn núi đó ở đâu, thì cô gái trẻ mới trả lời, gần núi Đại Lộc. Tùng vỡ òa, bởi vì những gì cô gái trả lời, y chang như trường hợp của Tùng.
Tùng mới hỏi thêm một câu nữa:
"Thế thì cô bỏ con cô vào lúc bao nhiêu tháng tuổi?”
“ Tôi bỏ con tôi lúc 2 tháng tuổi.”
Tùng mới chạy tới, ôm mẹ òa khóc, kêu lên một tiếng: Mẹ! “Mẹ, con đang cần mẹ, Trời Phật đã cho con, dù con không biết mẹ tên gì, mẹ là ai, nhưng mẹ có hoàn cảnh như con, con mừng lắm”.
Quý vị biết rằng, Tùng vui mừng gọi điện về cho thầy của mình, thầy hấp tấp bay vào trong thành phố Hồ Chí Minh, và đưa hai mẹ con tới trung tâm xét nghiệm AND. Quý vị biết không, hạnh phúc thay, là người mẹ ấy đã gặp lại người con của mình, sau 16 năm trời.
Và vô tình, Tùng đi trong một khóa tu, tại chùa Đại Lộc và Tùng đã kể cho tôi nghe. Và trong một lá thư của Tùng, Tùng ghi rằng: “Hỡi người mẹ kính yêu, 16 năm con không được gặp, nhưng Trời Phật cho con gặp mẹ, bởi vì con có một chữ, là cần mẹ thôi. Cho nên, tất cả những gì đã thuộc về trong quá khứ, con xin xóa hết, để con cần mẹ và con chăm sóc mẹ thôi.”
Quý vị biết, khi nghe tin, có một vị sư huynh là Đại đức Thích Minh Thương, đã trở về, Tùng đã đăng kí làm khóa sinh, và trong ba ngày tu tập, Tùng đã tu tập rất giỏi, và câu chuyện này là câu chuyện có thật, để thấy rằng, giữa cuộc đời này, nhiều người họ không cần gì hết, họ chỉ cần hai tiếng mẹ cha, họ chỉ cần tình cha và tình mẹ, bằng cả trái tim và tâm hồn. Nơi Ấy Con Tìm Về, Cần Trong Hơi Ấm.
-3: Cài Hoa Trong Hơi Ấm.
Quý vị cũng thế, cha mẹ của quý vị, có người thì đã quá vãn, có người thì may mắn hơn, cầm trên tay mình một đóa hoa hồng đỏ thắm, nhưng có những người thật buồn hơn, khi họ đang cầm một đóa hoa màu trắng tinh nguyên. Một đóa hoa màu trắng không phải là cha mình mất, không phải là mẹ mình mất, mà mỗi khi Vu lan về, ta đang cầm đóa hoa màu trắng ấy, là ta đang cần lại đến cha mẹ mình.
Ta cầm đóa hoa màu đỏ, nghĩa rằng ta phải biết trân quý và luôn luôn trân trọng, đó là ta cần cha và cần mẹ của mình. Ta mất đi một nửa, nếu ta mất cha, thì ta còn mẹ, nếu ta mất mẹ thì ta còn cha, xin đừng bao giờ xóa đi chữ cần, mà tình cha, nghĩa mẹ đã hiến tặng cho mỗi quý vị, để quý vị sinh ra trong cuộc đời. Cho nên nhân mùa Vu lan hiếu hạnh trở về, năm nào cũng như năm nào, quý vị đi đâu, tới một ngôi chùa nào, lạy Phật, thắp một nhành hương, niệm Phật, niệm Nam Mô A Di Đà Phật, thì quí vị đang cầu cho cha và mẹ mình, bằng cả trái tim và tâm hồn.
Quý vị biết không, mẹ của thầy, đúng ngày mùng 1 tháng 7, mẹ gọi điện ra cho thầy:“ Mẹ chỉ cần con tu tập tốt là mẹ vui lắm rồi."
Tôi gọi lại trong điện thoại: “Con chỉ cần mẹ và bố, sống trường thọ, luôn luôn biết tín Tam Bảo là con hạnh phúc lắm rồi.”
Cho nên trong mùa Vu lan năm nay, quý vị đang cầm hoa hồng của mình đó, nâng lên đi, nâng lên để quý vị nhìn sâu vào trong nhành hoa hồng của mình, và thầy xin đọc một bài thơ cảm tác như thế này trong mùa Vu lan báo hiếu:
“Con cần mẹ, con cần cha, cầm trên hoa màu trắng tinh nguyên
Vu lan về hoa hồng cài lên ngực áo,
Chiếc y vàng vẫn còn mãi trinh nguyên.
Bởi vì con còn có mẹ, có cha, có ân nghĩa giữa muôn trùng vạn dặm.
Con cần mẹ, con cần cha, để ngàn đời đi đâu con vẫn nhớ
Nhớ chút tình, nhớ chút nghĩa, nhớ chữ hiếu, giữa ân sâu.
Con cần lắm khi trái tim con đang còn thổn thức
Thổn thức về ngày Báo hiếu Vu lan.
Con cần có cha, con cần có mẹ
Dẫu cha mẹ đã khuất núi dương trần,
Dẫu cha mẹ không còn trên dương thế,
Con vẫn cần hai tiếng gọi Mẹ Cha.
Giữa nghìn trùng phong ba và bão táp,
Con vẫn cần tiếng mẹ, tiếng cha.
Con vẫn cần hình hài của cha mẹ,
Ngồi bên cạnh để ấp ủ cho con.
Con vẫn cần một hơi ấm vàng son
Xa vạn dặm mà tình thương luôn gần gũi.
Dẫu con có cái ái từ thân, xuất gia theo Phật
Nhưng ngàn đời, con vẫn cần, cần mãi hơi ấm tình mẹ, tình cha.
Trong đêm đông mà lạnh giá buốt can trường,
Trong mùa hè, nóng lạnh hay ấm thương cả vạn dặm
Dù mái tóc xanh kia vẫn còn trên hơi bổng
Dù mái tuyết xanh vẫn lạnh giữa tơ hồng
Con vẫn cần, con vẫn cần, hai tiếng tình mẹ, tình cha”.
Do vậy, Vu lan về, tất cả những ai, là những người con của Phật, hãy cài bông hoa hồng trên ngực áo mình đi, hãy mỉm cười với nó, để mình lúc nào và ở đâu mình cũng có mẹ, có cha bên cạnh.
Thưa đại chúng, Vu Lan hai tiếng thân thương ngày giải đảo huyền, sợi dây vô tình của tham, sân, si. Cho nên thầy còn nhớ trong bài pháp thoại của Hoà Thượng Thích Thái Hoà, có bài pháp thoại: Hiếu Đạo - Nền Tảng Của Mọi Phước Đức, xin trích dẫn cho đại chúng ba yếu chỉ thầy cảm nhận năng lượng tu học giúp cho đại chúng an vui trong sự thực tập Cần trong hơi ấm này một cách bình an, xin đại chúng lắng nghe.
"Thứ nhất: Hiếu đạo là căn bản của tri thức
Hiếu đạo là căn bản của đạo đức, trong đời ai có tri thức thì người đó biết suy nghĩ và thể hiện lòng hiếu đạo của mình đối với Cha Mẹ, Tổ tiên, Ông Bà Nội Ngoại, chỉ trừ ra những người trơ lì sự hiểu biết thì mới không hiểu hiếu đạo, không có lòng hiếu đạo và không biết hiếu đạo là gì để thể hiện. Cho nên, hiếu đạo là căn bản của tri thức, nếu không có hiếu đạo tức là không có căn bản của tri thức. Tri thức đã không có thì làm gì có trí thức? Trí thức đã không có thì làm gì có trí tuệ? Không có trí tuệ thì không thể hiểu biết được nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo của mình từ một đời cho đến nhiều đời và sự liên hệ giữa mình với cha mẹ, tổ tiên để thể hiện sự hiếu kính, nhằm gieo trồng những hạt giống tốt đẹp cho mình trong đời sống hiện tại và tương lai qua sự hiếu kính đối với cha mẹ và tổ tiên. Cho nên, hiếu đạo là căn bản của tri thức. Không có tri thức thì không căn bản của sự hiểu biết. Không có căn bản của sự hiểu biết, thì sẽ không có căn bản của tình cảm.
Thứ hai: Hiếu đạo là căn bản của tình cảm
Ở trong đời không một ai từ trên trời cao rớt xuống, cũng không một ai từ dưới lòng đất vọt lên và cũng không một ai từ bụi bờ mà chui ra làm người. Tất cả chúng ta là con người, chúng ta sinh ra từ Cha ta, từ Mẹ ta và được nuôi lớn từ sự lao tác của cha mẹ ta. Cha mẹ ta phải lao tác từ tay chân đến trí thức để nuôi lớn hình hài của chúng ta giữa cuộc đời này. Cha mẹ của ta đã dành tình cảm ta khi ta mới bắt đầu nằm trong phôi thai và ta đã được cha mẹ ta chăm sóc từ đó.
Cho nên hiếu đạo là căn bản của tình cảm. Cha mẹ của chúng ta đều do có hiếu đạo với Tổ tiên, Ông bà nội ngoại và các Bậc tiền nhân mà sinh ra ta, nuôi ta một cách khó nhọc,không hề kể lể công lao. Ta lớn lên từ tình cảm hiếu đạo ấy, cho nên hạt giống hiếu đạo ấy có trong ta và ta được Cha mẹ ban tặng và chăm sóc từ buổi đầu. Nên, trong đời sống, không ai gần gũi ta bằng cha mẹ ta, cho nên trên đời này mất cha, ta không thể tìm ra một người cha khác, mất mẹ ta cũng không bao giờ tìm ra một bà mẹ khác để có thể thay thế. Mất nhà cửa, tiền bạc, châu báu, và địa vị xã hội, ta có thể tìm ra được những cái khác để thay thế, nhưng mất cha, mất mẹ thì ở trên đời này không ai có thể thay thế được. Cho nên hiếu đạo là căn bản của tình cảm.
Ta không có tình cảm với cha ta, không có tình cảm với mẹ ta là ta chưa bao giờ nếm trãi được căn bản hạnh phúc của cuộc sống. Cho nên, những ai ở trong đời đã nếm trãi được căn bản tình cảm của cuộc sống thì chất liệu hiếu đạo trong họ tỏa ra một cách tự như mặt trời cho mọi người, muôn vật ánh sáng ban ngày và mặt trăng cho mọi người, muôn vật ánh sáng ban đêm, như không gian cho ta không khí để thở.
Vì vậy, tình cảm sinh ra từ chất liệu hiếu đạo là tình cảm của đạo hạnh, Ta nói nhiều về tình cảm, ta ca ngợi về tình cảm mà ta không có cử chỉ và hành động hiếu thảo với cha mẹ ta khi đang còn sống, khi già yếu, khi bệnh tật, nên khi lớn lên ta ra sống giữa đời ta mất đi căn bản của tình cảm. Một khi ta bị mất căn bản của tình cảm, thì xã hội không có cơ sở nào để tin tưởng vào những đối xử tốt đẹp của ta, không có cơ sở để tin vào chuẩn mực đạo đức của ta. Nên, tôi nói hiếu đạo là căn bản của tình cảm và chuẩn mực của đạo đức.
Thứ ba: Hiếu đạo là căn bản của đạo đức
Đức Phật dạy: Người nào có khả năng thực hành hiếu đạo trong đời sống của chính mình, người đó có khả năng đóng lại cánh cửa tạo ra tội lỗi và đóng lại cảnh cửa để mình không bị sinh vào cảnh giới địa ngục, ngã quỷ và súc sinh. Mở ra cho mình một nếp sống nhân văn ở trong thế giới con người và mở ra cho mình một con đường thánh thiện để bước lên phước báu của Chư thiên, cảnh giới của các Bậc thánh hiền, Bồ tát và Tịnh độ của Chư Phật. Thế mới biết, hiếu đạo là căn bản của đạo đức. Một người có hiếu với cha mẹ, họ không bao giờ làm một điều gì để cha mẹ của họ đau khổ, tủi nhục, và họ cũng không bao giờ làm điều gì mà trái ý tốt đẹp của cha mẹ họ. Nhờ vậy, đạo đức của họ càng ngày càng tỏa ra như hương thơm của hoa. Hoa đây là hoa của hiếu đạo, cho nên bông hoa ấy ở đâu cũng đẹp và trang nghiêm. Nó hiện hữu ở đâu thì hương thơm tỏa ra ở đó, nó hiện hữu ở đâu thì tạo ra không khí nhẹ nhàng hòa thuận trên dưới, trong ngoài đều êm đẹp. Bông hoa hiếu đạo nở ra ở đâu thì cái xấu trở thành cái tốt; cái dỡ trở thành cái hay; cái bất tịnh trở thành thanh tịnh; cái thấp kém trở thành cái thanh cao. Do đó, hiếu đạo là căn bản của đạo đức.
Cho nên, trong Kinh Đức Phật dạy: “Gia đình nào mà có người con, người cháu, sống hiếu đạo thì gia đình ấy là thiên đường ngay trong cõi hiện tại, ngay trong thế gian này. Gia đình nào có người con, người cháu biết kính mến Cha mẹ, thuận thảo với anh chị em, biết thương người và vật, gia đình ấy không những được mọi người trong xóm làng quý mến mà còn ra xã hội, mọi thành phần xã hội cũng quý mến noi theo gương sáng ấy để mà học hỏi.
Nên, từ Đông sang Tây, từ Âu đến Á không có một bậc minh triết nào mà không ca ngợi đạo hiếu và không thể hiện hiếu đạo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Bậc hiếu đạo hoàn hảo, là một Bậc hiếu đạo tuyệt vời. Ngài tu tập thành đạo, về Vương cung thuyết Pháp, độ Hoàng tộc và sau đó Ngài đã lên Cung trời Đao lợi thuyết Pháp độ mẹ, để cho Mẹ hướng tâm đến đời sống cao thượng, hướng tâm đến đời sống siêu việt sinh tử mà không bị ràng buộc bởi phước báu hữu lậu, tầm thường của thế gian."( trích pháp thoại của hoà thượng trong buổi lễ chung thất, nguồn tư liệu quý của trang nhà Tangkinhcat.com.)
Nên hôm nay, nhân ngày lễ trên khắc năm châu, thầy và trò chúng ta cần thực hành 3 chất liệu của Hoà Thượng trao tặng cho chúng ta tu học trong từng khoảng khắc Cần trong hơi ấm.
Và rồi..! Mùa Vu lan hiếu hạnh về, thầy chúc tất cả các con luôn luôn giữ được tâm bồ đề kiên cố, anh chị em luôn luôn thương mến nhau, vợ chồng luôn luôn hạnh phúc, con cái luôn luôn hiếu thuận, để đi đâu, làm việc gì, các con cũng là người con hiếu của Chư Phật. Cần lắm hai chữ, hai tiếng gọi Mẹ Cha. Chúc các con mùa Vu lan bình yên, tự do và hạnh phúc.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Ma Ha Tát tác đại chứng minh.
Tk: Thích Minh Thế
Đệ Tử Nguyên Nhuận Minh kính Phiên tả từ băng ghi âm.