- Bản tin ngắn số 1 Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30
- Bản tin ngắn số 2 về Khóa tu học Phật Pháp Âu châu Kỳ thứ 30 tại Đức
- Bản tin ngắn số 3 về Khóa tu học Phật Pháp Âu châu Kỳ thứ 30 tại Đức
- Ban Tổ Chức Địa Phương Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ 30
- Thời Khóa Tu Học tại Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30
- Thống Kê về số lượng Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30
- Hình ảnh Chuẩn Bị Cho Khóa Tu Học PP Âu Châu kỳ 30
- Hình ảnh Lễ Khai Mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30 được tổ chức tại Neuss (Tây Đức) thời gian từ 23/07/2018 đến ngày 01/08/2018.
- Hình Lớp Giáo Lý 01 tại Khóa Tu Học PP Âu Châu kỳ 30
- Hình Lớp Giáo Lý 02 tại Khóa Tu Học PP Âu Châu kỳ 30
- Hình Lớp Giáo Lý 3 tại Khóa Tu Học PP Âu Châu kỳ 30
- Hình Ảnh Kỷ Niệm tại Khóa Tu Học kỳ 30
- Hình ảnh Lễ Tấn Phong Giáo Phẩm tại Khóa Tu Học PP Âu Châu kỳ 30
- Lớp Học của Tăng Ni tại Khóa Tu Học PPAC kỳ 30
- Hình ảnh Tác Pháp An Cư tại Khóa Tu Học PPAC kỳ 30
- Hình ảnh Cúng Quá Đường và Kinh Hành Niệm Phật tại Khóa Tu Học PPAC kỳ 30
- Lễ giá kéo gieo duyên xuất gia cho quý Phật tử
- Lễ Quy Y Tam Bảo tại Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 30
- Lễ Hiệp Kỵ 4 Đời Tăng Thống và Tưởng Niệm HT Thích Minh Tâm
- Hình ảnh Lễ Chu Niên 30 năm Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu
- Lễ Bế Mạc Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30
- Vần thơ cảm xúc tại Khoá Tu lần thứ 30 tại Neuss, Đức Quốc...
- Lời Cảm Tạ Về Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 30 tại Neuss - Đức quốc 30/07/2018
- Phật tử Âu Châu Tri Ân Hòa Thượng Thích Bảo Lạc
- Những con số 3 lịch sử
- Hành trình về đất Phật
- Tường thuật về Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30
- Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 30 tại Neuss, Đức Quốc
Gần 30 năm qua, khóa Tu học Phật Pháp Âu Châu đã lưu hành diễn tiến từ quốc gia này đến quốc gia kia như gieo hạt giống bồ đề trên mảnh đất tâm. Và đến năm nay tôi trở về ngôi trường học tại Neuss- Đức quốc – Gesamtschule an der Erft- lần thứ ba: 2010, 2015 và lần này 2018.
Về lại nơi chốn cũ, đi qua những vườn cây thảm cỏ mà mình đã từng đặt chân đến, lòng không khỏi bùi ngùi! Sau khi đã làm thủ tục xong, tôi đi một vòng quanh trường, rồi bước vào hội trường mênh mông với lối trang trí hài hòa, màu sắc lung linh đẹp vô cùng. Chung quanh là những biểu ngữ lớn:
- Kỷ niệm chu niên 30 năm 1988- 2018 khóa Tu học Phật pháp Âu Châu.
- Những nụ cười của lục hòa giải thoát, những nụ hồng của tự tại thong dong.
Đang hân hoan trong thế giới đại đồng như phủ kín cõi chân không diệu hữu.
- Lời giáo huấn Chư tôn ban tịnh lạc, thay Thế Tôn mang Chánh pháp thậm thâm.
Đấng Đại từ, Đại giác phá mê lầm cho cuộc thế những bi tâm Phật tánh.
Buổi lễ chính thức khai mạc được cử hành long trọng trong chánh điện lúc 10h sáng ngày 24-07-2018. Cả đạo tràng rực rỡ một màu vàng vì có hơn 100 Tăng Ni tham dự, rồi màu nâu sậm của các vị Bồ tát giới, sau cùng là đồng phục màu lam từ hằng trăm Phật tử tại gia quy về khóa Tu học để tăng trưởng tín tâm và trí tuệ Phật pháp, tạo phúc duyên lành. Tất cả tạo nên không gian màu sắc thâm nghiêm khiến mọi người đều lắng lòng hướng niệm.
Về phía Chư Tôn đức Tăng Ni gồm có:
- Hòa thượng Thích Tánh Thiệt - đệ nhất Chủ tịch HĐĐH GHPGVNTN Âu Châu - Viện chủ chùa Thiện Minh tại Lyon, Pháp Quốc.
- Hòa thượng Thích Như Điển - đệ nhị Chủ tịch GHPGVNTN Âu Châu - Phương trượng các Tự viện tại Đức Quốc.
- Thượng tọa Thích Quảng Hiền - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTH Âu Châu - Trụ trì chùa Trí Thủ tại thủ đô Bern, Thụy Sĩ (trong khóa tu này Thượng tọa đã được tấn phong Hòa thượng).
- Thượng tọa Thích Minh Giác - Tổng vụ trưởng Thường vụ Tăng sự GHPGVNTN Âu Châu - Trụ trì chùa Vạn Hạnh tại thủ đô Amsterdam, Hòa Lan(TT. Cũng đã được tấn phong lên Hoà Thượng)
- Thượng tọa Thích Tâm Huệ - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN Âu Châu - Trụ trì chùa Trúc Lâm tại thành phố Malmo, Thụy Điển.
- Thượng tọa Thích Giác Thanh - Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Cư sĩ GHPGVNTN Âu Châu - Trụ trì chùa Quảng Hương tại Aarhus - Đan Mạch.
- Thượng tọa Thích Thông Trí - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh Niên GĐPTVN tại Âu Châu, lãnh đạo tinh thần chùa Quảng Đức tại Toulouse, Pháp Quốc.
- Thượng tọa Thích Nguyên Lộc - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa và Truyền thông kiêm nghi lễ GHPGVNTN Âu Châu - Trụ trì chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp.
- Thượng tọa Thích Quảng Đạo - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội GHPGVNTN Âu Châu - Trụ trì chùa Khánh Anh - Evry - Paris, Pháp Quốc.
- Thượng tọa Thích Hạnh Bảo - Phụ tá Tổng vụ Cư sĩ - Trụ trì Nhị tự Viên Ý tại Ý Quốc và Liên Tâm tại Phần Lan.
- Thượng tọa Thích Hạnh Tấn - Trụ trì Tu viện Vô Lượng Thọ tại thành phố Dresden, Đức Quốc.
- Thượng tọa Thích Tịnh Phước - Trụ trì chùa Phật Quang tại Goterborg, Thụy Điển.
- Đại đức Thích Viên Giác - Phụ tá Tổng vụ TNGĐPT - Trụ tri chùa Đôn Hậu tại Nauy.
- Ni trưởng Thích Nữ Như Tuấn - Cố vấn lãnh đạo chùa Phổ Hiền tại Strassbourg, Pháp Quốc.
- Ni trưởng Thích Nữ Như Viễn, Ni bộ Bắc tông - Cố vấn lãnh đạo chùa Viên Quang Tubbingen, Đức Quốc.
- Ni Sư Thích Nữ Trí Thuận - Trụ trì chùa Linh Sơn, Kushinagar và Lâm Tỳ Ni tại Ấn Độ.
- Ni Sư Thích Nữ Huệ Châu - Phụ tá Tổng vụ Từ thiện Xã hội, tri sự chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin, Đức Quốc.
Thành phần quan khách gồm có:
- Herr Stellv. Bürgermeister Schürmann: đại diện cho Thị trưởng thành phố Neuss.
- Herr Dezernent Lonnes: Hiệu trưởng trường Gesamtschule an der Erft.
Về phía Chư tôn Thiền Đức, khách mời là:
- Hòa thượng Thích Bảo Lạc - Hội chủ HĐĐH, GHPGVNTN hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan - Phương trượng chùa Pháp Bảo tại Sydney, Úc Quốc.
Thành phần Chư Tăng Ni đến từ các quốc gia Anh Quốc, Đan Mạch, Đức Quốc, Hòa Lan, Pháp Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Việt Nam:
Chư Tăng: 52 Vị
Chư Ni : 65 Vị
Tổng cộng 117 Vị
Thành phần tham dự học viên:
Học viên nam: 251
Học viên nữ: 539
Tổng cộng 790 học viên.
Tổng số tất cả là 907 Vị.
Thành phần Phật tử tham dự đến từ các quốc gia như sau:
Áo (1), Malaysia (2), Nauy (8), Việt Nam (4), Bỉ (8), Hungary (6), Phần Lan (13), Thụy Sĩ (19), Thụy Điển (18), Hòa Lan (23), Anh Quốc (43), Đan Mạch (54), Pháp (119), Đức (438), Không ghi tên nước: 34
Người lớn tuổi nhất: 87 tuổi.
Người nhỏ tuổi nhất: 3 tuổi.
Về phía Phật tử Cư sĩ có ban Hướng dẫn GĐPTVN Âu Châu cũng như các ban Hướng dẫn của các quốc gia Âu Châu.
Quý Đạo hữu trong các ban Trị sự của quý Giáo hội địa phương và quý Tự viện.
Phải kể đến ba MC tuyệt vời của khóa học là Thượng tọa Thích Hoằng Khai , Đại đức Thích Hạnh Giới và Đại Đức Thích Viên Duy,
Chương trình tu học gồm có lý thuyết, giảng giải nghĩa lý uyên thâm của kinh điển để ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày của người Tăng sĩ hoặc Cư sĩ.
Phần ứng dụng thực hành, học viên sống như thời gian tu Bát Quan trai: sáng, trưa, chiều, tối đều có chương trình tu học khít khao.
- Buổi sáng: Lễ Phật vào lúc sáng sớm, học Giáo lý, thọ trai theo nghi thức Quá đường, đi kinh hành.
- Buổi chiều: Khóa lễ cầu an, học Giáo lý.
- Buổi tối: Học Giáo lý.
Khóa học được chia làm các lớp: Lớp 1A, 1B, lớp 2, lớp 3, lớp 4 dành cho các Tăng Ni và một lớp dành cho Oanh vũ.
Phật pháp là tối thắng siêu việt. Tất cả các pháp không pháp nào hơn pháp Phật. Do đó Phật pháp rất khó nghe, nghe rồi khó hiểu, hiểu rồi khó nhập. "Chỉ có tấm lòng thành tha thiết, niềm tin sâu xa" mới hội nhập được Phật pháp và mới giải được nghĩa chân thật của Như Lai.
Tôi học lớp 3. Tôi biết một năm chỉ có được một dịp hiếm có để được tu học, vì vậy tôi đã cố gắng thu thập những bài Pháp thoại của các vị Thầy sau đây để khai mở thêm trí tuệ Phật pháp còn kém cỏi của mình.
* Với Hòa thượng Thích Như Điển - Phương trượng chùa Viên Giác:
- Giảng về Pháp học, Pháp hành.
Kể chuyện một cô Phật tử ở Thụy Điển đã lấy máu của mình để chép Kinh Pháp Hoa và Đại Bát Niết Bàn. Còn 3 đứa con nhỏ của cô tuổi 22, 13 và 7 cũng lấy chính máu của mình để chép Kinh Kim Cang, Bát Nhã, Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân phụ mẫu.
Những câu chuyện về " tụng kinh sinh ra trí tuệ " như Ngài Bàn Đặc hay cô Phật tử chép kinh là một trong muôn vàn ví dụ đó.
- Giảng về truyện Kiều:
Nói về Tam giáo đồng quy như thù đồ của Phật, Nho giáo và Lão giáo. Trước khi Cụ Nguyễn Du soạn truyện Kiều, Ông đã đọc tụng Kinh Kim Cang đến 300 biến mới có thể hình thành tác phẩm giá trị này.
Phật, Nho và Lão luôn luôn là những tôn giáo sánh vai cùng dân tộc để giữ cái hồn của quê hương.
* Với Thượng tọa Thích Tâm Huệ:
-" Duyên khởi qua Thập nhị nhân duyên"
Nhân duyên là một pháp căn bản nhất trong tất cả giáo pháp của Đức Phật đã tuyên thuyết cho hàng đệ tử Ngài suốt 45 năm, khi Đức Thế Tôn đang còn tại thế.
Một hôm có một người ngoại đạo đến hỏi Phật:
- Thưa Ngài, Ngài thường thuyết giảng cho các đệ̣ tử của Ngài hằng ngày bằng pháp gì?
Đức Phật đáp:
Ta thuyết về nhân duyên. Thường ngày ta sống trong nhân duyên và nhân duyên chi phối chúng ta từng giây từng phút mà ta không biết.
Đức Phật lại nói:
Ai hiểu nhân duyên thì người ấy hiểu Pháp, người nào hiểu pháp thì người ấy hiểu nhân duyên và hiểu Đạo.
Do đó nhân duyên có nhiều loại:
12 Nhân duyên của các bộ phái Phật giáo, của Đại thừa, của Trung quán. Riêng pháp nhân duyên của duy thức, đó là nhân duyên chủng tử khởi hiện hành, hiện hành huân chủng tử. Do vậy Pháp Hoa Kinh có nói: " Các pháp không có tự tánh, tự tánh là tự thành, không nhờ qua trung gian cái khác, do vậy không thành nhân duyên. Cho nên không pháp nào đơn độc và tự sinh".
Vô minh và hành tuy là hai pháp đứng đầu nhưng không phải nó đứng đầu mà gọi nó là đầu tiên. Nếu không mượn ngôn ngữ thì ta không thể tải đạo được nên xếp cho nó đầu. Nếu nó đứng đầu là nó không có nhân, nhân không tách quả, nếu nhân tách rời quả thì nhân đi một mình và quả đi một mình. Các pháp sau cũng vậy, nó không phải đồng thời, không phải sát na mà cả chuổi dài cả đời người mới gói gọn mười hai giai đoạn của chuổi duyên khởi và duyên sanh.
* Với Thượng tọa Thích Hoằng Khai:
- Giảng về Hóa Nghi Tứ Giáo.
Đức Phật nói pháp là dành cho chúng sanh nhưng thính chúng trong một hội thuyết pháp của Đức Phật đâu phải cùng một trình độ, cùng một căn tính, chính vì thế mà Đức Phật cần cân nhắc phải thuyết trong cùng một lúc nào là vừa Hoa Nghiêm, vừa A Hàm, vừa Phương Đẳng, vừa Bát Nhã, vừa Pháp Hoa Niết Bàn.
Khi Đức Phật đem áp dụng các Giáo pháp của Ngài vào các cách thức nói pháp để khai ngộ cho chúng sinh thì gọi là " Hóa Nghi ". Cách thức này gồm 4 loại: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo và Bất định giáo.
Giảng về Hóa Pháp Tứ Giáo: Đây là phần quan trọng nhất trong giáo lý của Tổ. Bốn Giáo ấy là: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo.
- Tạng giáo: là " Tam Tang Giáo" chỉ cho ba Tạng là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.
- Thông giáo là cửa ngỏ đầu tiên để đi vào Đại thừa.
- Biệt giáo: Giáo này cách biệt với các giáo khác, gồm có: Giáo biệt, Lý biệt, Trí biệt, Đoạn biệt, Hành biệt, Vị biệt, Nhân biệt, Quả biệt.
- Viên giáo: Viên là tròn. Tối thâm sâu, tối bao la, không nào nói hay suy cho cùng được và là trọn vẹn bao trùm dung nhiếp tất cả.
Viên giáo có 4 nghĩa: Viên diệu, viên mãn, viên túc và viên đốn.
Ngoài ra Viên còn gồm có 7 nghĩa: Viên phục, viên tín, viên đoạn, viên thành, viên vị, viên tự tại trang nghiêm, viên kiến lập chúnh sinh.
* Với Hòa thượng Thích Bảo Lạc. Giảng về:
- Tam tụ tịnh giới hay tam tụ giới, nhiếp lục nghi, nhiếp thiện pháp (nhiếp là đi vào khuôn mẫu).
- 5 món che tâm: Tham dục, sân nhuế, đạo hối, thung miên, nghi (nghi là không tin Phật pháp tăng, kiếp sau, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo).
- Giải nghi: biết mà cố tình hiểu sai.
- Tam giải thoát môn.
* Thượng tọa Thích Hạnh Tấn. Giảng về:
- Phật pháp chân chánh mang an lạc cho chúng sinh.
- Trí tuệ trong đạo Phật bao hàm từ bi. Từ bi gồm 2 khía cạnh:
Từ: thương yêu, ban vui.
Bi: lòng sẫn sàng giúp đỡ, cứu khổ.
- Khi tu tập phải bắt đầu nhẫn.
- Chúng sinh là phước điền, phiền não, bồ đề.
- Pháp, Tịnh độ là pháp chân thật.
* Với Thượng tọa Thích Thông Trí. Giảng về:
- Cúng dường chúng tăng đồng nghĩa với cúng dường Tam bảo.
- Giới là một nền tảng đưa ta từ bờ Sanh tử qua bờ Giải thoát, là ánh sáng che chở đưa ta qua bờ bên kia. Giới là chất liệu chữa bệnh (Luật là phương thức chữa bệnh). Giới đưa đến sự an lạc là bờ đê, bờ ruộng. Giới làm cho chúng tăng, các vị tỳ kheo yên ổn, niềm tin tăng trưởng, trong giới có tuệ. Một người giữ giới sẽ là con người đích thực.
Ngoài những giờ Giáo lý như thường lệ, khóa Tu học còn có những lễ đặc biệt khác:
- Lễ kỷ niệm 30 năm của khóa Tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ 30.
- Lễ Hiệp kỵ Chư vị Tổ sư và lễ húy nhật cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm.
- Lễ cầu nguyện cho quê hương Việt Nam về 3 đặc khu với các biểu ngữ:
“Cực lực phản đối luật An Ninh Mạng“
" Yêu cầu thả các tù nhân lương tâm "
- Các học viên phát tâm thọ Thập thiện.
- Chúng xuất gia lễ Tự tứ.
- Ngày niệm Phật nghiêm mật.
Cũng trong khóa tu này, Ni sư Linh Thứu được tấn phong lên hàng Ni trưởng.
Năm nay, khóa Tu học mang một bộ mặt mới, vừa trang trọng vì kỷ niệm thứ 30 năm (Nhân dịp này một Phật tử thành tâm làm đúng 30 ổ bánh rất đẹp cúng dường). Một chặng đường dài quá đẹp, vừa cảm động vì thế hệ trẻ tham dự rất đông. Đạo tràng bừng cả sức sống, Phật pháp thật nhiệm mầu và những trận mưa pháp Đại thừa tưới tẩm hạt giống đại bồ đề được tăng trưởng càng ngày càng kiên cố.
Không quên xin cám ơn Ban ẩm thực đã quá chu toàn cho các bữa ăn, nhất là các thức nước uống đầy đủ sinh tố bồi dưỡng cho mọi người vì trời quá nóng. Cuối cùng để kết thúc khóa Tu học thường là buổi văn nghệ đầy đủ tiết mục ấn tượng.
Đúng là thật hạnh phúc biết bao hằng năm hạ về, Phật tử được nương giới đức và trí tuệ của quý Thầy để được 10 ngày tu học trong đạo tràng trang nghiêm thiền tịnh, tu bồi công hạnh, khai mở tuệ pháp. Chính nhờ những dược liệu Pháp Phật vi diệu khiến cho độc tố tham sân si hóa thành giới định huệ.
Tinh thần khóa Tu học Phật Pháp Âu Châu lại thêm một lần hiện hữu giữa mùa Hè lần thứ 30 và lần này Đạo tràng tu học được kiến lập trên xứ CHLB Đức, trong lòng từ bi bao la của Chư Phật Bồ Tát cùng Thánh hiền Tăng, trong tình thương cao cả của Chư tôn đức tăng Ni và trong tấm lòng tha thiết yêu mến Đạo pháp và dân tộc của tất cả hàng con phật xuất gia và tại gia. Tất cả cùng chung tâm nguyện là duy trì Phật pháp được lưu truyền tại Âu Châu nói riêng và thế giới nói chung.
Trong suốt 30 năm kể từ khi các khóa Tu học Âu Châu được bắt đầu khai lập bởi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã đánh dấu sâu đậm chặng đường cuộc hành trình về Đất Phật của chúng ta; với hành trang là những tấm chân tâm mong mỏi được tu tập dưới ánh Đạo tràng vi diệu khôn lường mang ý nghĩa cao cả thiêng liêng, và cuộc hành trình miên viễn này sẽ không bao giờ kết thúc như ngày và đêm xoay vần trong vũ trụ sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian bởi lẽ Phật Pháp Vô Biên!
Nguyên Hạnh HTD
Tháng 8/ 2018