Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Thoại về Kinh Nghiệm Xây Chùa tại Hải Ngoại

20/04/201807:39(Xem: 3044)
Pháp Thoại về Kinh Nghiệm Xây Chùa tại Hải Ngoại

Chua Huong Sen (72)
PHÁP THOẠI
KINH NGHIỆM XÂY CHÙA TẠI HẢI NGOẠI

 TẠI CHÙA HƯƠNG SEN, PERRIS, NGÀY 12/4/2018

Của Tăng Đoàn Âu Mỹ do Hòa Thượng Thích Như Điển,
Phương Trượng Chùa Viên Giác, Đức Quốc, làm trưởng đoàn

(Thích Nữ Giới Hương)

Cuối xuân, tiết trời vẫn còn lành lạnh và nắng ấm dịu dàng bắt đầu lan tỏa trong thung lũng Perris, California, Chư Ni và Phật tử Chùa Hương Sen cảm thấy hạnh phúc khi ở nơi vùng xa này, được thắng duyên hân hoan chào đón mười vị trong tăng đoàn Âu Mỹ do Hòa thượng Thích Như Điển, Chùa Viên Giác, Đức quốc làm trưởng đoàn, đến viếng thăm chùa Hương Sen giảng pháp, tụng kinh cầu nguyện xây chánh điện và khuyến khích ni chúng tu học. Đại tăng hiện diện tại đạo tràng chùa Hương Sen hôm nay gồm có:

CHÂU ÂU

HT. Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc

TT. Thích Hạnh Bảo, Trụ Trì chùa Liên Tâm, Phần Lan và chùa Viên Ý, Ý

ĐĐ. Thích Pháp Trú, Trụ Trì chùa Liễu Quán và chùa Quang Minh, Đan Mạch

ĐĐ. Thích Viên Giác, Trụ Trì chùa Đôn Hậu, Na Uy

CHÂU MỸ

TT. Thích Thông Triết, Viện chủ thiền viện Chánh Pháp, Oklahoma, Hoa Kỳ

ĐĐ. Thích Hạnh Tuệ, Tri sự chùa Phật Đà, San Diego, Hoa Kỳ; Chủ nhiệm website www.hoavouu.com

CHÂU Á

Đại Đức Như Tịnh, Trụ Trì Tổ Đình Viên Giác, Hội An, Việt Nam

Ni sư Thích Nữ Tịnh Vân, giảng sư Học viện Phật Giáo Việt Nam

Tại CALIFORNIA

Phía Chùa Hương Sen và chùa địa phương gồm có:

Sư cô Minh Duyên, Trụ Trì Chùa Đại Bi Quan Âm và sư cô Chơn Hạnh, Chùa  Đại Bi Quan Âm.

Ni chúng chùa Hương Sen: Ni sư Tâm Nhật, sư cô Liên Hiếu, sc Nguyên Hiếu, sc Viên Tiến, Sc Viên Chân, Sc Viên An, sc Viên Trang và Trụ Trì  Chùa Hương Sen cũng như trưởng ban tổ chức buổi lễ hôm nay là Ni Sư Thích Nữ Giới Hương.

Chiều thứ tư ngày 11/04/2018, tăng đoàn đến dùng cơm chiều và nghỉ lại. Sáng 5:45g thứ năm ngày 12/04/2018 bắt đầu một ngày mới, chim hót líu lo trên các nhánh cây trong sân chùa, mặt trời đang dần dần ló dạng, tiếng chuông hồng chung trầm ấm đã vang lên cảnh tỉnh, hòa cùng âm vang mạnh mẽ đại hùng thiêng liêng của thần chú Thủ Lăng Nghiêm từ tứ chúng tại chánh điện.

 

8:30g sáng trong diễn văn khai mạc lễ cầu nguyện, Ni sư Trụ Trì đã nhắc đến thi sĩĩ Huyền Không (tức Cố Hòa Thượng Mãn Giác) với hai câu thơ bất hủ rằng:

“Mái chùa che chở hồn Dân tộc,

Nếp sống muôn đời của Tổ tông”

Câu thơ ấy đã mô tả ngôi chùa không những là hình bóng của Phật Giáo, mà còn là biểu tượng đặc trưng mang tính chất truyền thống phong tục, và văn hóa dân tộc qua hằng ngàn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Mái chùa với ngôi chánh điện trang nghiêm là của chung với sự đóng góp của tất cả tấm lòng chung xây. Để có thể xây chùa mới, chánh điện mới, rất nhiều thử thách trước mắt như tịnh tài, giấy phép, nhân lực và ban kiến thiết xây dựng phải hy sinh hết lòng… Để thành tựu dự án này cần có sự nhiệm mầu, thần lực gia hộ của Mười phương Chư Phật, Long thiên hộ pháp, chư hiền thánh tăng cũng như hiện tiền tăng.  Nay chư tôn thiền đức tăng ni từ Châu Âu, Châu Mỹ và Việt Nam, trên đường hoằng pháp, thương hàng chư ni, Phật Tử và chùa Hương Sen xa xôi mà nhín thời gian quý báu về trì chú tụng niệm cầu nguyện cho dự án của chùa Hương Sen. Ân đức này, chư ni vô cùng tri ân, nguyện sẽ nỗ lực tu tập, trau dồi giới hạnh giải thoát để đền ơn Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác cùng đại tăng đã hiện diện tại đây.

Chua Huong Sen (47)Chua Huong Sen (45)

Sau đó đại diện Ban Kiến Thiết Xây Dựng gồm có Ni sư Trụ Trì, kiến trúc sư Phát (Francis), ký giả Nguyên Hà, Lynda, Diệu Sen, Tâm Hậu (Ontorio) và Diệu Linh đã lên phát nguyện. KTS Phát nói sơ về kế hoạch vừa qua đã vẽ, xin phép và xây xong đại hồng chung và hàng rào, hiện tại đang xin giấy phép để xây chánh điện. Sau đó, ký giả Nguyên Hà thay mặt ban vận động KTXD chùa Hương Sen phát nguyện như sau:

Chúng con xin thành tâm cung kính Đón Chào Phái Đòan Âu Mỹ và Hòa Thượng Thích Như Điền đã từ nước Đức xa xôi đến đây để làm lễ cầu nguyện cho công trình vận động xây dựng Chánh Điện.

Chúng con được biết rằng, Hòa Thượng là vị lãnh đạo cao nhất ở Âu Châu với nhiều năm hoằng hóa đạo pháp. Hòa Thượng là một bậc cao tăng thạc đức, từng là tác giả của trên 65 cuốn sách, đã lãnh đạo tinh thần nhiều ngôi chùa và có nhiều kinh nghiệm về các chùa hải ngoại trên thế giới.

Chúng con thật là những người may mắn, được tiếp nhận thần lực gia hộ của Chư Phật, hộ pháp, thiện thần, thánh tăng cùng hiện tiền Chư Tôn đức đang hiện diện nơi đây, hôm nay. Nhờ cơ duyên nầy, chúng con mới có cơ hội được nghinh đón phái đòan Âu Mỹ và Hòa Thượng để có thể học hỏi phương cách xây chùa và nhất là được đón nhận sự độ trì gia hộ của Hòa Thượng và đại tăng dành cho Ban Kiến Thiết Xây Dựng tình nguyện của chúng con.

Chúng con xin phát nguyện trước Tam Bảo, dưới sự chứng minh của Mười phương chư Phật, Bồ Tát, Long Thiên Hộ Pháp và chư hiền thánh tăng cùng đại tăng hiện diện nơi đây và nguyện đem tất cả tâm thành để tiến hành và vận động cho việc xây dựng Chánh Điện Chùa Hương Sen, sao cho được tiến hành hòan mỹ công trình nhiều ý nghĩa này.

Trước khi dứt lời, một lần nữa, chúng con cung kính đón chào Hòa Thượng và Tăng Đòan, cúi xin Hòa Thượng và Tăng Đòan nhận nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn của chúng con.

Thay mặt quý Phật Tử trong BKTXD, chúng con xin trân trọng cảm tạ và xin thành tâm đảnh lễ tri ân Hòa Thượng cùng chư đại tăng tam bái (lạy ba lạy).

 

HÒA THƯỢNG NHƯ ĐIỀN KHAI THỊ

Trong Sám Quy Mạng có câu: “Kiến Pháp tràng ư xứ xứ, Phá nghi võng ư trùng trùng, Hàng phục chúng ma, Thiệu long Tam Bảo”, nghĩa là: Dựng cờ Chánh Pháp nơi nơi, Phá lưới nghi ngờ lớp lớp, Hàng phục chúng ma, Nối dòng Tam Bảo.”

Xây dựng chùa chiền là phương tiện đáp ứng nhu cầu tu học thực sự của đại chúng. Những đàn tràng thanh tịnh được tạo dựng để chuyển hóa những điều nghi xung quanh chúng ta, chuyển hóa những tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Mục đích để chúng ta hưng long hạt giống thánh, để Tam Bảo được hiển dương khắp nơi trên quả địa cầu này. Nên ý nghĩa của việc xây chùa, tạo tượng đúc chuông như chùa Hương Sen đang kêu gọi là việc rất đáng tán thán.

Bây giờ xin nói sơ về Lịch Sử Ngôi Chùa Việt Nam ở Hải Ngoại mà tôi được biết. Đầu tiên là các chùa Việt Nam ở Thái Lan được xem là các ngôi chùa có mặt  sớm nhất ở ngoại quốc như ở Chiangmai, Phố Tàu tại Bangkok, Hat Yai và Chonburi, hiện nay vẫn còn. Sau này, Thượng Tọa Hạnh Nguyện, đệ tử lớn của tôi, có xây chùa Cực Lạc Giới ở Chiangmai và Sư Ông Nhất Hạnh cũng có một tu viện  ở Chiangmai. Như vậy, chúng ta không lo không có người nối nghiệp, sẽ bị bỏ hoang phế… Ngôi chùa sẽ được tiếp nối truyền thừa phát triển cho tới nay.

Thời cận đại 1975, Cố Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Thiên Minh và Hòa Thượng Tâm Châu muốn ở ngoại quốc có ba ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu, cho nên gởi ba tôn tượng Phật đầu tiên ra ngoại quốc vào năm 1968.

1)    Một tượng qua Ấn Độ cho tăng ni sinh VN du học tại đó (hồi đó chưa có chùa Việt Nam, bây giờ thì rất nhiều chùa và tượng Phật đó hiện đang thờ tại Chùa VN Phật Quốc Tự của Ngài  Huyền Diệu).

2)    Tượng thứ hai gởi cho Thiền sư Nhất Hạnh nhưng đến năm 1973, Hòa thượng Minh Tâm từ Nhật bản qua Pháp , đã đưa tượng ấy về  Chùa Khánh Anh ở Bagneux, Paris, nên được tôn thờ ở đó.

3)    Tượng thứ ba gởi qua Nhật năm 1968 (đã là 50 năm qua rồi). Đa phần tăng ni sinh ở Nhật học xong về nước VN hay đi Úc, Mỹ hay Đức (như bản thân chúng tôi). Tôi học ở Nhật năm 1972-1977, tôi rời Nhật sang Đức lập chùa. Ở Đức không có tượng Phật, nên tôi về Nhật thỉnh tượng lịch sử đó, hiện để thờ ở Chùa Viên Giác, Hannover  Đức Quốc.

Sau này nhiều chư tăng ni sang hải ngoại lập chùa. An cư mới lạc nghiệp, rồi mới tìm đến nhu cầu đời sống tu tập tâm linh. Lúc đầu bao giờ cũng nhà lá, nhà thuê tạm để sinh hoạt tôn giáo. Sau đó trở  thành Niệm Phật Đường, rồi mua đất, rồi từng bước kiến tạo thành ngôi tự viện. Thế giới có khoảng 210 quốc gia, trong số đó, người Việt ở khoảng 143 nước rồi và có khoảng 750 ngôi chùa. Chùa lớn nhất là chùa Khánh Anh ở Paris, xây dựng khoảng 22 triệu đồng Euro, tức khoảng 30 triệu dollars Mỹ. Ở Mỹ có khoảng 400 chùa, nhưng chưa co chùa VN nào quy mô như Chùa Khánh Anh. Chùa lớn thứ hai ở Châu Âu là chùa Viên Giác, Hannover, Đức. Chúng tôi xây cách đây 30 năm, lúc đó là 5.5 triệu USD;  tức bây giờ khoảng 10 triệu Dollar Mỹ… Nói vòng vòng như vậy để thấy rằng ban đầu quý thầy cô chỉ có tấm lòng đối với đạo thôi, chứ chưa ai có đồng nào hết. Nói xa nữa, từ quá khứ chư tổ từ Ấn Độ qua Trung Hoa tới Nhật Bản hay ở Việt Nam… cũng ít ai trước khi xây chùa có 5 hay 3 cây vàng cả, thành thử Ni sư Giới Hương đừng có lo khi bắt đầu xây dựng mà chưa có tịnh tài. Trừ khi quý vị không tu thì Phật Tử không hộ. Hộ pháp sẽ gia hộ trong sự hành trì của chúng ta.

Ở Nhật có ngôi chùa lớn nhất là Nembutsu Muryoyuji ở Hyogo. Chùa là một quần thể có chiều dài 2 cây số và có hàng trăm cơ sở chia thành nhiều khu. Đây chính là thời điểm ảnh hưởng của Phật Giáo đang ở đỉnh cao, giữ vai trò quốc đạo. Chùa xây khoảng 15 tỷ dollars. Vua chúa, tổng thống, quan quyền thường đến chùa này để cầu nguyện. Chúng ta đến Nhật để thấy, các ngài cũng từ tay không, nhưng với tâm nguyện lớn, Phật Tử ủng hộ và cuối cùng xây dựng được như vậy đến mấy chục tỷ dollars.

Chim đại bàng là chim  lớn nhất trong các loài chim. Nếu đại bàng chỉ có một cánh thì không thể nào bay lên khỏi mặt đất. Tăng ni giỏi mà không có Phật Tử hộ trì thì cũng không làm được. Ngược lại, Phật Tử giỏi mà không có chư tăng ni hướng dẫn thì quý vị cũng sẽ không thành tựu được. Tôi biết tại nước Mỹ này, rất nhiều cư sĩ xây dựng được cơ sở, lập chùa hội, sau đó mời quý thầy cô về lãnh đạo tinh thần… Rồi cũng có những khó khăn nội bộ xảy ra. Quý vị đọc cuốn sách “Nước Mỹ Bao Lần Đi và Bao Lần Đến” của tôi viết để biết thêm về Phật Giáo ở Mỹ. Tôi bắt đầu đến Mỹ năm 1978 đến giờ là 40 năm. Lần này là lần thứ 50 đến Mỹ, nên tôi biết Phật sự ở Mỹ không ít.

Ni sư Giới Hương thì tôi biết tại Ấn Độ. Ni sư là một trong 187 tăng ni sinh du học Ấn Độ, do chùa Viên Giác cấp học bổng. Tôi từng du học, nên tôi biết học rất cực, thiếu thốn. Mỗi tháng chỉ dám tiêu trong $100. Học Ấn Độ xong, ni sư định cư ở Hoa Kỳ, đi học tiếp ở trường đại học Mỹ (University of Califnornia, Riverside), nuôi chúng và lập Chùa Hương Sen này.

Phương diện giáo dục rất quan trọng, nên chùa Viên Giác phát học bổng cho nhiều tăng ni trên khắp thế giới. Đã ra trường 132 tiến sĩ, trong đó có Ni Sư Giới Hương và Ni Sư Tịnh Vân đang hiện diện ở đây. Quý vị mừng cho quý ni sư một tràng pháp tay lớn (vỗ tay). Tốt nghiệp Phật học với văn bằng Tiến sĩ là cao lắm, phải trải qua một thời gian dài dồi mài kinh sử, nhưng đó chỉ là pháp học thôi, còn pháp hành nữa, mới là quan trọng hơn. Quý Ni sư hiện đang đi dạy ở Học Viện Phật Giáo thì cũng là một pháp hành. Đức Đạt Lai Lạt Ma là thánh, mà mỗi ngày ngài tu 4 tiếng đồng hồ. Chúng ta là phàm thì phải tu 8 tiếng. Chứ chúng ta làm phàm Tăng  mà mỗi cuối tuần mới tu thì không được. Tôi từ khi xuất gia từ năm 1964 tới giờ, tôi chưa bỏ một thời Lăng Nghiêm sáng nào. Quý vị muốn làm việc lớn thì phải dụng công nhiều. Nếu làm việc lớn mà không dụng công thì việc lớn sẽ khó thành. Muốn xây chùa phải cần có bốn yếu tố như:

1) Tăng Ni chúng tại đó phải dụng công tu học thật sự thì Long Thần Hộ Pháp và Phật Tử mới hỗ trợ.

2) Hãy xem lòng người có ủng hộ mình nhiều không, qua việc đi chùa, đóng góp Phật sự v.v...

3) Mình phải là người để người ta kính trọng, tuân phục và nể vì. Nếu có 1 trong 3 đức tính nầy thì chinh phục người khác không khó.

4) Phải thành thật và tin tưởng với nhau, giữa người xuất gia cũng như cư sĩ trên mọi phương diện thì việc gì cũng sẽ sớm thành tựu.

Tục ngữ tiếng Pháp có câu: “petit à petit l’oiseaux il fait son nid”; nghĩa là” một chút, một chút, con chim nó làm thành cái tổ”. Tổ chim không thể xây đắp trong một ngày. Chùa Hương Sen muốn nhanh hay chậm là do sự dụng công của quý ni sư trong chùa này và quan trọng là sự hộ trì của quý Phật tử. Có một câu chân ngôn Đức là “Hoffnung ist kostenlos”, nghĩa là niềm hy vọng không có tốn tiền. Ai cũng có quyền hy vọng hết, nhưng sự thành tựu đó là do công năng tu tập của mình. Cầu nguyện chùa Hương Sen được thành tựu mỹ mãn dưới sự dẫn dắt của Ni sư Giới Hương, kiến trúc sư Phát và Ban Kiến thiết xây dựng này. Quý vị phát nguyện như vậy, rất là quý hóa, bởi vì trong những công việc khó khăn, mình đứng ra đảm nhiệm, đó không phải là việc đơn thuần, mà nếu cố gắng thì mọi việc sẽ thành tựu như mấy trăm ngôi chùa Việt Nam đang có mặt trên thế giới.

Sau đó, chuông trống Bát Nhã thỉnh Hòa Thượng cùng đại tăng ra mãnh đất trống, nơi dự định xây chánh điện để làm lễ cầu nguyện. Sau phần tụng kinh thành kính trang nghiêm là phần thính pháp. Từng vị trong tăng đoàn tuần tự ban pháp thoại. Bắt đầu buổi thính pháp và pháp đàm thân tình là Hòa thượng Thích Như Điển đọc trọn bài thơ Nhớ Chùa của thi sĩ Huyền Không, tức Cố Hòa Thượng Mãn Giác (mời xem trọn bài thơ: http://www.huongsentemple.com/index.php/sinh-hoa-t/vuon-tho), vì trong buổi khai mạc lễ hôm nay, Ni sư Trụ Trì TN Giới Hương có đề cập đến bài thơ này. Hòa Thượng phân tích từng câu thơ giản dị, mộc mạc nhưng rất gần gũi và sâu lắng trong mỗi tâm tư người con Phật chúng ta, nhất là hai câu thơ cuối:

…Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Ngôi chùa là nền văn hóa nuôi dưỡng hồn dân tộc. Bỏ tiền vào hộp công đức cúng dường xây chùa, sẽ không có mất mà còn hoài bởi lẽ ngôi chùa được truyền thừa từ nhiều thế hệ. Chúng ta có qua đời thì con cháu dẫn bạn bè đến giới thiệu rằng đây là ngôi chùa mà ông bà nội tôi đã bỏ tiền cúng dường vào đó. Chùa thì phải “chiền”, chiền là sự truyền thừa. “Chùa chiền” tức là phải có sự truyền thừa, đi chùa đi chiền, từ đời cha mẹ đến đời con đời cháu chít, nên mái chùa là nếp sống muôn đời của tổ tông.

Sáng nay quý sư cô gióng đại hồng chung lúc 5:45g phút, không biết hàng xóm có phiền không, ở đây rộng 5 mẫu ở xa dân cư thì hy vọng được. Chùa trong thành phố là không được rồi. Rõ ràng dâu tộc ta từ khi lập quốc cho tới bây giờ, Phật Giáo, ngôi chùa và tiếng chuông đã đóng góp một vai trò rất quan trọng. Tiếng chuông tỉnh thức đã làm cho mọi người có một đời sống tinh thần hạnh phúc ấm êm. Tiếng chuông rất là huyền diệu, nên Hòa Thượng mời Đại Đức Thích VIÊN GIÁC tức nhạc sĩ Phi Long, Trụ Trì chùa Đôn Hậu, Na Uy, hát bài Chuông Khuya để phù hợp với bài giảng của Hòa Thượng. Nhạc Sĩ và Tăng sĩ Phi Long nổi tiếng trong giới Phật Giáo về sáng tác âm nhạc Phật Giáo và có giọng hát trầm ấm:

…Ôi giấc mơ nào con ngủ say.

Từ lúc chuông khuya vang vọng về

Tâm con lưu lạc nay định tĩnh

Ôi tiếng chuông chùa dẫn dắt đời con…

Đại Đức  Viên Giác có 50 đến 60 bài thơ và bài nhạc trên mạng. Mời quý vị lên mạng online thưởng thức để tăng thêm lòng mến đạo và hiểu đạo qua thi ca.

ĐẠI ĐỨC THÍCH HẠNH TUỆ, Tri sự chùa Phật Đà, San Diego, Hoa Kỳ; Chủ nhiệm website www.hoavouu.com đã chia xẻ về kinh nghiệm xây chùa như sau tất cả những ngôi chùa trên thế giới này đều phải có bàn tay đóng góp của nam nữ cư sĩ Phật Tử và  thời gian từ thời Đức Thế Tôn cho đến ngày hôm nay, trải qua không  biết bao nhiêu triều đại, biết bao tâm thức của con người, tuy nhiên, dòng chảy đó vẫn còn trường tồn cho đến ngày hôm nay, với bao tâm đạo sùng phụng ngôi Tam Bảo và ủng hộ duy trì những ngôi chùa.

Xin kể một câu chuyện liên quan, vào thời Đức Thế Tôn có một cặp vợ chồng rất nghèo và chỉ có một bộ đồ để mặc thôi. Nếu chồng ra ngoài thì vợ ở hang. Vợ ra ngoài thì chồng ở hang, cứ thay đổi nhau như vậy. Một hôm, người chồng nghe nói Đức Thế Tôn và thánh chúng sẽ khất thực ngang động nơi họ ở. Chồng bàn với vợ, sở dĩ chúng ta nghèo vì không biết bố thí, cúng dường, tu phước trong vô lượng kiếp, Vậy nhân cơ hội này mà gieo phước, phải tìm một cái gì đó cúng dường để tạo phước báo trong đời này và mai sau.

Vợ nói mình nghèo quá không có cái gì để cúng và người chồng cứ rủ vợ hoài và cuối cùng nói thôi mình có bộ đồ này nhìn cũng  được, có thể cúng dường. Hai vợ chồng bèn hái lá rừng che thân, gấp bộ đồ lại đợi thánh chúng đến cúng dường. Nhưng ngại thân thể không trang nghiêm, nên lẽo đẽo theo sau và dâng bộ đồ đó cho vị đi sau cuối của tăng đoàn, đó là tôn giả A-nan.


Chua Huong Sen (46)Chua Huong Sen (44)Chua Huong Sen (36)Chua Huong Sen (33)


Tôn giả A-nan không dám nhận món đồ duy nhất của hai thí chủ nghèo khổ này. Đức Phật nói A-nan nhận, nhưng A-nan không nhận và tôn giả A-nan cùng tôn giả Mục Kiền Liên ra bờ sông giặt bộ đồ để dâng lên Đức Phật. Khi vừa bỏ bộ đồ vô nước sông để giặt tự nhiên nước sông dâng cao lên, không thể giặt được. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông bưng núi đến đè nước xuống, nhưng không thể ngăn được nước dâng. Mục Kiền Liên vội về bạch với Đức Thế Tôn. Lúc đó, Đức Thế Tôn vừa độ ngọ xong, Ngài đưa một hạt cơm, nói tôn giả Mục Kiền Liên để trên bộ đồ thì nước sông sẽ lắng hạ và có thể giặt đồ. Rõ đúng như vậy, Tôn giả A-nan và Mục Kiền Liên giặt xong bộ đồ liền dâng lên Đức Phật và Đức Phật dạy rằng: “Do vì lòng sùng phụng ngôi Tam Bảo và lòng thành kính cúng dường trọn vẹn của hai vợ chồng nghèo đó, cho nên long vương đã dâng nước lên cúng dường để giặt đồ.”

Câu chuyện cốt ý nói rằng tất cả tâm lượng của chúng ta thật vô cùng to lớn với một ý nguyện sùng phụng ngôi Tam Bảo, để ngôi Tam Bảo được cửu trụ nơi thế gian này. Để làm lợi ích cho hữu tình thì rất cần và rất cần có một biểu tượng của Phật Giáo, một biểu tượng của Tam Bảo, đó là ngôi chùa. Nếu trong nhân gian này không có bóng dáng của tăng ni, không có bóng dáng của chùa chiều, không có bóng dáng của ngôi Tam Bảo, thì lấy gì để hàng nhơn thiên có nơi nương tựa để tu tập tâm linh. Chính vì lẽ đó mà tất cả chư tăng ni Âu Mỹ đang ngồi đây đều nghĩ rằng các Phật Tử không phải không có ai chỉ có một bồ đồ, có thể có nhiều vị có nhiều tiền bạc của báu, nhà cửa xe cộ trong nhân gian này… Những thứ gì mà mình phát tâm để vì lợi ích của người khác, vì số đông, vì Tam Bảo, vì xây ngôi chùa Hương Sen thì cái đó sẽ trường tồn và miên viễn từ đời này qua đời khác. Chỉ với tâm ủng hộ cho Phật pháp được cửu trụ tong nhân gian này thôi, với tâm đó, chúng ta sẽ lưu giữ ngàn đời cảm ứng đến cả long vương cũng ủng hộ như trong câu chuyện.

Rồi cuộc sống này đây, mong manh tạm bợ vô cùng. Tất cả những thứ gì chúng ta có trong tầm tay, rồi một ngày mai đều mất đi hết cả. Dẫu cho chúng ta có giữ đi bao nhiêu thứ đi chăng nữa, rồi cũng để lại cho nhân gian này để ra đi với hai bàn tay trắng. Hãy tận dụng sự có mặt của mình và hãy tận dụng khả năng chi phối tất cả tài vật, đặt nó vào đúng chỗ:

“Núi cao là bởi nhiều cây

Thành công là bởi góp tay nhiều người.”

Chưa từng có cái gì mà không thành tựu bởi những yếu tố khác. Hy vọng tất cả quý vị sẽ là cây cột, kèo, mái ngói, bờ tường để cho tất cả hợp duyên mà tạo thành một ngôi phạm vũ Hương Sen, để làm nơi nương tựa lâu dài cho tất cả những tâm thức của chúng sanh trong vùng này.

Cầu nguyện quý vị chân cứng đá mền và dõng mãnh phát tâm để chúng ta tạo ngôi Tam Bảo Hương Sen này. Quý vị có $1000, chúng ta không thể no đủ từ nay cho đến cuối đời. Mỗi $1000 hay $2000 của từng quý vị trong gia đình là một viên gạch to lớn để chúng ta có thể xây dựng được ngôi Tam Bảo Hương Sen. Nếu ngôi chùa có 500 thành viên, mỗi thành viên lại có 1, 2 người bạn; người bạn lại có 1, 2 người con, người cháu và cứ mỗi một người như vậy phát tâm cúng dường $1000 thôi thì ngôi Tam Bảo Hương Sen rất dễ thành tựu rất sớm. Chúc quý vị và gia đình luôn an lạc và đầy phước báu trong cuộc đời này.

THƯỢNG TỌA THÔNG TRIẾT, Trụ Trì Thiền Viện Chánh Pháp, Oklahoma, nói về nguyên nhân lăn lộn trong bao cõi là do thân, khẩu và ý khuyên chúng ta tu theo tịnh độ mà muốn về cõi Cực lạc thì ba nghiệp phải thanh tịnh, cũng như gieo phước, gieo tuệ, xây chùa, in kinh ấn tống, để duy trì ngôi Tam Bảo tại thế gian: “Trang nghiêm nhân gian tịnh độ”.

NI SƯ TỊNH VÂN, giảng viên Học Viện Phật Giáo, giảng về thất thánh tài là bảy tài sản của bậc thánh, bảy của cải về tinh thần của hàng Thánh giả gồm có Tín (đức tin lòng chánh tín), Giới (giữ giới hạnh trong sạch), Tàm (biết hổ thẹn khi phạm lỗi), Quí (biết xấu hổ với chính mình khi phạm lỗi), Văn (đa văn tức nghe nhiều biết rộng), Tuệ (có trí tuệ sáng suốt nhận biết tà, chánh) và Xả (buông bỏ tất cả mọi sự đắm trước, từ tâm niệm phàm tình đến vật chất bên ngoài). Kinh Niết Bàn dạy rằng chư Phật, Bồ Tát có đủ Thất Thánh Tài, cho nên tôn xưng là bậc Thánh nhân. Trong bối cảnh của Chùa Hương Sen đang cầu nguyện xây chánh điện, nếu mỗi ni chúng và Phật Tử tại Ni viện biết tu tập và tăng trưởng bảy thánh tài này thì sẽ đủ điều kiện để xây ngôi Đại tự Hương Sen. Xin chúc nguyện như vậy.

Đại Đức Thích  NHƯ TỊNH, Trụ Trì tổ đình Viên Giác, Hội An, kể mối thâm giao giữa ngài Phật Ấn và Tô Đông Pha nổi tiếng vào thời Đường Tống (xin xem http://www.huongsentemple.com/index.php/phat-phap/thien/1610-phat-an-va-to-dong-pha). Là người Phật Tử, chúng ta phải nuôi dưỡng những hạt giống như thiền sư Phật Ấn, nghĩa là biết nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống từ, bi, hỷ, xả, những hạt giống thương yêu, cảm thông, tha thứ… thì mình nhìn ai cũng thấy dễ thương, thấy Tịnh độ, thấy Phật. Muốn có hạt giống Phật thì chúng ta phải giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp… rồi giữ mười giới, bồ tát giới tại gia để tâm lượng mở ra, có cái nhìn như ngài Phật Ấn, như Phật và Bồ Tát. Ni sư Giới Hương nay kêu gọi xây dựng Chùa Hương Sen, tức xây dựng ngôi chùa tâm linh trong mỗi chúng ta, tức tạo thắng duyên cho phát triển cái nhìn Thiền sư Phật Ấn trong mỗi chúng ta. Nhân dịp này, Đại đức  cũng đã tặng cho Chùa Hương Sen một bức tranh Phật bà Quan Thế Âm cổ rất đẹp.

Đại đức  PHÁP TRÚ, Trụ Trì chùa Liễu Quán và chùa Quang Minh, Đan Mạch, từng ở Làng Mai tu học 15 năm với Hòa Thượng Nhất Hạnh, nên xin ngâm bài thơ Giao Cảm của Sư Ông Nhất Hạnh:

…Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển

Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương

Tâm linh một thoáng bừng giao cảm

Lặng hết bao nhiêu lớp sóng còn.

Trong kinh Pháp Cú có một hương thơm bay ngược gió đó là ngũ phần hương. Dù Chùa Hương Sen ở vùng xa, nhưng nhờ tên Ni sư Trụ Trì là Giới Hương, rồi nhờ Định hương, Giải thoát hương… tu tập của ni chúng tại đây mà chùa Hương Sen được nhiều nơi biết đến… thì nhiều khi có ảnh hưởng xa rộng hơn các phương tiện truyền thông hiện nay. Ni sư Trụ Trì là Tiến sĩ Triết Học Phật Giáo tức là học giả rồi, bây giờ nên trở về là những hành giả chuyên tu, không gian ở Hương Sen rất rộng và thoáng, có nhiều sư cô về đây cùng tu học nên cũng rất thuận lợi. Như Ni sư nói đây là vùng xa phố thị, nhưng do công phu tu tập của Ni Viện này, mong rằng có lực chiêu cảm của Tam Bảo để các Phật Tử từ các nơi về đây cùng tu tập với Ni chúng. Chùa này không phải của thế hệ này mà tiếp nối nhiều thế hệ tương lai và chúng ta phải gởi các con cháu đến đây để tu học. Đệ tử của Ni sư sẽ truyền thừa tiếp nối và rồi đệ tử của Ni sư sẽ độ các con cháu của quý Phật Tử. Mong quý Phật Tử phát tâm đóng góp bằng tinh tài, tịnh vật và bằng sự tu tập tinh thần mà mình có được để chung xây ngôi chùa Hương Sen.

SƯ CÔ VIÊN AN (đệ tử của Chùa Hương Sen) đặt câu hỏi: Làm sao cho giới trẻ đến chùa và làm sao cho Phật pháp phát triển tại Hoa Kỳ trong thời đại hôm nay?

HÒA THƯỢNG NHƯ ĐIỂN trả lời rằng Albert Einstein là nhà vật lý học người Đức đã phát triển thuyết tương đối. Ông dạy học ở Thụy Sĩ và có quốc tịch Hoa Kỳ. Ông nói có ba điều: một là ông không phải là Phật Tử, nhưng nếu chấp nhận một tôn giáo thì ông xin chọn Phật giáo. Hai là tôn giáo phát triển thế kỷ XXI trở đi là Phật giáo. Ba là Phật giáo không cần khẳng định lại giá trị khoa học của mình, bởi lẽ lời dạy của Đức Phật vượt trên sự chứng minh của khoa học rồi.

Chúng ta thường có những điểm bi quan và lạc quan về Phật Giáo tại hải ngoại. Năm 1977, tôi đến Đức, phải đi 200 cây số mới có chỗ mua đậu hủ. Bây giờ ở Đức bán đậu hủ khắp nơi. 12 triệu người Đức ăn chay, từ đậu nành người Đức sản xuất ra 125 loại đồ chay khác nhau với những kỹ nghệ công nghiệp chứ không làm bằng tay. Đậu nành (Phật giáo) từ Ân Độ, qua Trung Quốc, Việt Nam, qua Mỹ, đến Châu Âu thì đậu nành nầy  trở thành một cái gì đó đặc biệt. Các trường đại học tại Đức ngày nay đều có dạy phân khoa Phật học và tiếng Phạn được dạy phổ biến, chứ không phải được dạy nhiều ở Ấn độ, dù tiếng Phạn xuất phát từ Ấn Độ. Tại Đức, có 800 ngôi chùa thuộc về Tịnh độ, Thiền và Kim Cang Thừa. Riêng chùa Viên Giác, mỗi lần lễ lớn có đến 8000 đến 10000 Phật Tử tham dự . Chư tăng ni an cư kiết hạ ba tháng. Cũng có đạo tràng khác tổ chức an cư 10 ngày theo hoàn cảnh của từng nơi. Giới trẻ Đức và người Việt sanh tại Đức đến tu học mỗi lần là năm đến 10 ngày. Hoa Kỳ là xứ cơ hội, đáng lẽ nên phát triển nhiều, nên có ít nhất ba ngôi chùa lớn tầm cở ở miền Đông, Tây và Trung Hoa Kỳ. Ở Mỹ hiện nay có hơn 400 ngôi chùa, cũng có nhiều đạo tràng tu học rất đông. Chùa Việt Nam, Texas, của Hòa Thượng Nguyên Hạnh thường có 3000 đến 4000 Phật Tử… như vậy là Phật Giáo cũng trên đà phát triển.

Tục ngữ có câu: “Không sợ người ta không hiểu mình, mà chỉ sợ mình không hiểu người khác thôi.” Ngày xưa 2 tỷ người cũng vậy, rồi 5 tỷ người cũng vậy và bây giờ 7 tỷ người cũng vậy. Thánh Gandhi nói rằng: “ không có thiếu thực phẩm, chỉ có lòng tham không biết đủ, mới thấy không đủ thôi”. Chúng ta cần nhiều thời gian để tu học và để phát triển chùa chiền. Có câu chuyện “Xin cho con một giờ làm việc của Bố” bằng tiếng Anh rất hay. Đứa bé cứ hỏi bố làm một giờ bao nhiêu tiền? Bố nói lo ăn học đi chuyện người lớn hỏi làm gì? Ông không trả lời và thằng bé cứ hỏi hoài và trách ngày nào bố cũng đi làm và không có thời gian cho con gì cả. Một hôm đi làm về bố trả lời rằng bố làm $50/ một giờ. Đứa bé không nói gì, làm thinh đi vô phòng. Bố tắm rửa xong thì thằng bé ra xin $25. Bố nói tưởng chuyện gì chứ xin $25 thì đây, bố cho. Nó tìm sờ soạng dưới gối và lấy ra $25, rồi cộng với $25 của bố là $50. Bé đưa bố $50 và nói bố  có thể cho con 1 giờ được không? Ông bố ngạc nhiên và hiểu được ý sâu sắc của thằng bé.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng có ý giáo dục rất hay. Cha mẹ phải cho con thời gian, chứ không phải chỉ lo đi tìm tiền bạc. Tiền thật sự rất cần, nhưng tiền không phải là mục đích của cuộc sống. Mình sử dụng tiền, chứ đừng để tiền sử dụng mình. Không có cái gì bi quan hết. Qua Châu Âu, ai cũng tu hết thì mình phải tu thôi. Khóa tu Châu Âu 1000 người trong 10 ngày thì mình cũng tu 10 ngày. An Cư Chùa Viên Giác trọn 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 7: “Tam ngoạt an cư, cửu tuần cấm túc” (ba tháng an cư, chín tuần không đi ra ngoài”. Nói gì đi nữa thì chúng ta hay biện minh rằng không có thời gian, nhưng khi chết đến thì có thời gian không? Chết thì lúc đó có rất nhiều thời gian. Cho nên, phải để dành thời gian. Nói tóm lại, Phật giáo cũng đang phát triển hay không là tùy cái nhìn bi quan hay lạc quan của từng người, từng vùng.

 

THƯỢNG TỌA HẠNH BẢO, Trụ Trì chùa Liên Tâm, Phần Lan và chùa Viên Ý, Ý, đệ tử xuất gia thứ ba của Hòa Thượng Như Điển, chia xẻ kinh nghiệm làm Trụ trì giống như làm dâu trăm họ. Phật tử có gia đình thì chỉ làm dâu một họ, còn trụ Trì thì làm dâu ngàn họ, nên Phật Tử phải thông cảm vai trò của vị Trụ Trì. Nhân chuyến đến thăm chùa Hương Sen và có dự lễ cầu nguyện xây chánh điện và thấy quý Phật Tử chịu khó ngồi đây từ 6 giờ sáng đến bây giờ, phải nói rằng Phật Tử rất hết lòng với Tam Bảo.

Ngay cả khi Đức Thế Tôn còn tại thế, ngài muốn hóa độ cho tất cả chúng sanh, cũng không phải dễ, bởi vì những ai có duyên với Phật pháp, ngài mới độ được và Đức Thế Tôn là bậc toàn giác, đấng Thiên Nhơn  chi Đạo Sư, nên ngài có thể quán xét biết được tất cả căn cơ của chúng sanh. Ngài biết được ai đã đến thời cơ để ngài độ. Có một câu chuyện ngài hóa độ một ông trưởng giả giàu có mà bủn xỉn. Tại Vương Xá có vị trưởng giả giàu có nhưng rất keo kiết. Khi tăng đoàn Đức Phật hàng ngày đi khất thực và đến làng của ông. Ông đều tránh mặt và cho gia nhân nói rằng không có chủ nhân ở nhà, chúng tôi không có vật thực gì cúng dường, để tăng đoàn phải đi.

Một ngày nọ, Đức thế Tôn thân hành đến nhà ông trưởng giả để độ ông. Khi trưởng giả nghe mọi người tán dương Đức Cồ Đàm, thành ra trưởng giả hiếu kỳ và có chút phần kính nể; nhưng trong tâm rất là hà tiện và keo kiết. Trưởng giả thấy không cách gì né tránh được, đành phải ra chào mừng đón rước Đức Thế Tôn vào và nói hôm nay con cũng có vật để cúng dường cho ngài. Trong tâm ông mong cúng dường đại vật gì đó cho nhanh để Đức Phật đi. Thế là ông vào trong kho tìm món gì xấu xí cũ kỹ không dùng được mới cúng cho Đức Phật. Ông lấy một bình bát nứt bưng ra, nhưng khi nhìn lại tự nhiên bình bát lại lành, sáng và đẹp quá. Tiếc quá, nên đem vào. Ông lấy một vật xấu khác đem ra và cũng tự nhiên đẹp sáng, nên không đành lòng cúng, nên mang vào. Cuối cùng, nhìn cả kho cái nào cũng đẹp hết, không có cái nào cúng được hết, thôi thì bây giờ đành nhắm mắt lấy đại một cái. Thấy tấm thảm có vết dơ, nhắm mắt kéo đại ra phòng ngoài cúng Đức Phật. Nhắm mắt, chứ nếu mở mắt thì nó lại đẹp nữa và sẽ tiếc. Ông vừa dâng lên Đức Phật và Đức Phật tán thán rằng: “Thiện tai! Thiện tai!” Dỡ tấm thảm ra thì tất cả các món đồ định cúng khi nảy, tự hiện hết trên tấm thảm (mọi người vỗ tay). Ở đây, chứng tỏ một điều, khi tâm niệm định dâng cúng cho Đức Phật cái gì, dù chưa đưa, rút lại, thì tất cả đã thuộc về Đức Phật.

Hôm nay, quý vị nghe sư Giới Hương xây đại tự, công trình quy mô, trong đầu thoáng nghĩ con có vài trăm đô chút nữa cúng, nhưng lại nghĩ mình còn tiền chợ, tiền điện, tiền nước… thôi cúng khoảng $20 hay $30 thôi. Dù vậy, nhưng thế nào trong tương lai cũng cúng hết mấy trăm đó, vì trước Tam Bảo không có gian dối được. Cái gì đã nguyện dâng cúng, cái đó thuộc về tâm thành thì nó sẽ thuộc về Tam Bảo.

 

Chua Huong Sen (9)Chua Huong Sen (2)Chua Huong Sen (55)(Xem hình khác)

Xin kể một kinh nghiệm nữa, Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác hễ có đệ tử xuất gia nào vừa lớn lên, hễ chỗ nào khua trống khua cheng xin rước là ngài gởi liền. Ví dụ như hội nói chúng con không có sư thầy hướng dẫn tinh thần, thế là Hòa Thượng đưa đệ tử qua hướng dẫn… Hòa Thượng là vị thầy lãnh đạo tinh thần nhiều hội chùa bên Ý, Đan Mạch, Phần Lan... Mỗi lần Hòa Thượng đi là ngài cho chúng đi theo, vừa lái xe và vừa phụ với ngài.  Nước Ý Đại Lợi 99.99% là Thiên Chúa vì Đức Giáo Hoàng và Vatican ở đó. Người Việt thường đa phần đi  Canada, Hoa Kỳ, Pháp; chứ ít  qua Ý Đại Lợi… Vào năm 2003 chỉ khoảng 200 người Việt. Hòa Thượng mượn một nhà Phật Tử làm lễ cầu an và thuyết giảng. Phật Tử cũng thiết tha có một ngôi chùa để hành lễ vì 30 năm ở đây, họ không có chùa, không biết Phật pháp và không có hình bóng chư tăng, ngay cả cũng không biết lá bồ đề ra sao nữa. Hòa Thượng cho một tượng Phật cao 7 tấc, họ vẽ lá bồ dài dài như lá ổi, lá xoài.

Sau mười mấy năm học ở Đài Loan về, ngài gởi tôi qua Ý, làm “dâu” xóm đạo và hướng dẫn Phật Tử Việt Nam. Tôi nghĩ mình ăn cơm của đàn na tín thì cũng nhiều, phải làm một cái gì đó để đền ơn Chư Phật, chư Tổ, nên tôi nhận làm thầy tinh thần cho nước Ý. Tôi chỉ nghĩ lành đạo tinh thần là hướng dẫn lễ cầu an, cầu siêu, lễ Phật Đản và Vu Lan. Ai ngờ nhận rồi mới biết… Họ nói muốn xây chùa, bây giờ có cái nhà muốn bán. Tôi trình Hòa Thượng và ngài nói tôi đi vận động $180.000 cho 5000 mét đất, mỗi mét là $30, để hội mua cái chùa đó. Hòa Thượng nói tháng giêng tôi cầm sổ đứng ở chùa Viên giác xin Phật Tử ký sổ vàng. Tôi đứng cả buổi mà có thấy ai quen đâu mà kêu ký sổ. Lúc đó, một cô Phật Tử ở Hòa Lan qua dự lễ thấy vậy, ký 10 mét là $300 mở hàng vô sổ vàng đầu tiên. Cô nói tôi làm bảng cho cô đeo trước ngực “Cúng dường Xây Chùa Ý Đại Lợi”. Ai đến hỏi thì cổ chỉ qua tôi và tôi đưa sổ ký. Tôi nghe cổ đeo bảng trước ngực, tôi mắc cở lắm. Tôi nói tôi làm không được. Cô Phật Tử khuyên: “Thầy ơi! Làm Phật sự mặt thầy phải dày ra.” Tôi nghe càng thấy não nề… thấy không được, nhưng cô nói câu sau rất hay: “Mặt càng dày thì công đức càng dày.” Hôm nay sư Giới Hương muốn xây đại tự thì phải vác mặt dày ra thôi mới xây được (mọi người vỗ tay).

Khi cô nói câu đó thì tôi chạnh lòng, vì sao cô là Phật Tử mà dạn dĩ, còn mình là người tu, nhận đời manh áo chén cơm, mình muốn kêu gọi mà còn ngại ngùng, thẹn thùng, tức cái ngã mình còn lớn, tức còn cảm thấy rằng không được. Từ đó, mặt tôi dày hơn. Tôi xách sổ đi khắp nước Mỹ, chùa quen hay không quen tôi cứ vào xin. Tôi xin Hòa Thượng viết cho tôi giấy chứng nhận tôi là đệ tử của Hòa Thượng và xin kêu gọi xây chùa Ý Đại Lợi. Chư tôn đức ở các chùa Hoa Kỳ, ai cũng ký cho tôi $100 hay $200… Cụ Mãn Giác cho $300 và nói rằng “Cho con tiền đổ xăng để con đi kêu gọi và xây chùa bên Ý để có chùa bên Ý chứ bên đó Giáo Hoàng và Thiên Chúa rất mạnh.”

Hôm nay Sư Giới Hương làm lễ cầu nguyện. Công trình rất quy mô, rất lớn, rất tầm cở, chứ không phải thường. Từ đây về sau, cái gian nan, vất vả của xây dựng rất nhiều để trên đôi vai của sư Giới Hương mà sư lại là người cầm bút viết sách, dịch kinh, cho nên Sư Giới Hương rất cần các bàn tay san sẻ và hỗ trợ của chư Ni khác và quý Phật Tử. Bởi vậy, hồi nảy Hòa Thượng nói một điều rất hay: tại gia và xuất gia như đôi cánh của con chim không thể thiếu. Ngôi đại tự này thành tựu hay không là nhờ đôi cánh bay của quý vị Phật Tử và chư ni. Nếu cánh tại gia yếu, thì chư ni trong chùa cũng không làm gì được. Chúng con/chúng tôi trên tinh thần pháp lữ, chỉ biết chấp tay cầu nguyện Tam Bảo thùy từ gia hộ Ni sư và công hạnh tu tập của ni chúng tại đây sẽ hoàn thành tâm nguyện và quý Phật tử nương theo đó mà tạo phước báo cho mình, gia đình, và con cháu mình mãi mãi về sau tại xứ sở Hoa Kỳ này.

Mặt trời đứng bóng giữa trưa như tiếc nuối buổi pháp thoại đã kết thúc. Hòa Thượng trưởng đoàn gởi tặng thư viện chùa Hương Sen một số sách do Hòa Thượng biên soạn cũng như tặng một ít tịnh tài cho dự án xây dựng này. Sau đó, tăng đoàn thọ nhận buổi trai tăng cúng dường và lên xe tiếp tục chuyến hoằng pháp Sứ mệnh Như Lai. Chư ni và Phật Tử chùa Hương Sen thật hoan hỉ, được học và thu hoạch rất nhiều trước những kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng mà đại tăng đã từ bi tận lòng từ xa đến truyền đạt và chia xẻ. Tình đạo thật thấm thiết bao la vượt qua khoảng cách không gian để cùng chung xây ngôi Tam Bảo tại hải ngoại. Tăng đoàn đã dừng chân và gieo một thắng duyên đẹp tại chùa Hương sen, thành phố Perris, California, Hoa Kỳ.

 

Thư phòng Chùa Hương Sen, ngày 14/04/2018

Kính ghi,

Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/08/2024(Xem: 179)
Đang nằm thiêm thiếp, tự nhiên nghe tiếng anh con gọi: "dậy đi em, tám giờ mười lăm rồi, chín giờ mình phải đi". Con vội vàng chồm dậy. Trời ơi! cả đêm không ngủ, con cảm thấy choáng váng, cố tật xấu thường xảy ra mỗi khi có việc là như vậy... Nhưng lạy Phật cho con khỏe để con đi gặp Thầy như đã hứa với lòng, để góp phần cầu nguyện cho việc xây dựng viện Phật học mà Thầy thường nói: "nối tiếp nguyện vọng, hoài bão của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một vị chân tu suốt đời cho Đạo Pháp và Dân Tộc".
24/07/2024(Xem: 365)
Thông Báo Tiệc Chay Gây Quỹ ở Sydney Giúp Xây Dựng Tu Viện Tây Tạng Lama Gaun Tashi Rapten
03/04/2024(Xem: 1979)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Xin thông báo tổng quát lịch Pháp thoại, khóa tu, Phật sự và hành hương của Thầy Tánh Tuệ năm 2024 Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11- 2024
07/05/2021(Xem: 7453)
Mother's Day 2021 | Nhớ Ơn Mẹ, Hãy cùng nhau đóng góp xây dựng Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu để dâng Mẹ
01/09/2020(Xem: 18525)
Kỷ Yếu 31 năm (1990-2021) Chu Niên Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Australia Huế không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh lung linh huyền ảo. Đây còn là cái nôi của những ngôi chùa cổ kính, mỗi ngôi chùa lại chứa đựng một câu chuyện đầy tính văn hóa – lịch sử. Hãy cùng điểm danh 12 ngôi chùa đẹp ở Huế mà bạn nhất định phải ghé khi đến Huế nhé!
10/01/2020(Xem: 5315)
Một vài Tăng Ni trẻ, trong đó có Sư cô Ngọc Lãm (người đã từng thay mặt Tăng Ni và bạn đạo hải ngoại, phát tặng xe đạp và quà cho học sinh và đồng bào nghèo tỉnh Đắc Lắc vào tháng 9.2019), nhân các chuyến đi hoằng pháp ở các vùng sâu vùng xa, biên địa nghèo khó, đã quan tâm tìm hiểu đời sống và nhu cầu của dân làng, đề nghị cách giúp đỡ cụ thể.
07/11/2019(Xem: 9749)
Các Ngày Âm Lịch: Kỷ Hợi (2019), Canh Tý (2020), Tân Sửu (2021), Nhâm Dần (2022), Quý Mẹo (2023), Giáp Thìn (2024), Ất Tỵ (2025), Bính Ngọ (2026) Buddhist Lunar calendar from 2019-2026 (Cảm ơn chị Mỹ Lý Nhật Dung đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức bản đối chiếu âm lịch này)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com