Tường thuật buổi
Gây Quỹ Xây Dựng Học Viện Phật Giáo
Viên Giác tại Bad Homburg
(thứ bảy 13. 7. 2024)
Đang nằm thiêm thiếp, tự nhiên nghe tiếng anh con gọi: "dậy đi em, tám giờ mười lăm rồi, chín giờ mình phải đi". Con vội vàng chồm dậy. Trời ơi! cả đêm không ngủ, con cảm thấy choáng váng, cố tật xấu thường xảy ra mỗi khi có việc là như vậy... Nhưng lạy Phật cho con khỏe để con đi gặp Thầy như đã hứa với lòng, để góp phần cầu nguyện cho việc xây dựng viện Phật học mà Thầy thường nói: "nối tiếp nguyện vọng, hoài bão của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một vị chân tu suốt đời cho Đạo Pháp và Dân Tộc".
Cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù thân xác đã hao mòn, nằm trên giường bệnh mà HT Thích Tuệ Sỹ vẫn sửa, đọc bài; canh cánh bên lòng về việc chấn hưng Phật Giáo từ thập niên 1920 là một tiến trình liên tục bắt nguồn từ nền móng của Đạo Phật không gì khác hơn là Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng trước 1975.
Hội đồng phiên dịch Tam Tạng được thành lập sau phiên họp ba ngày từ 20-22 tháng 10 năm 1973 được bầu ra. Trưởng ban là Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Tổng thư ký H.T Thích Quảng Độ trong số 18 bậc tôn đức thành viên ban Phiên Dịch có vị Tăng sĩ mới 28 tuổi là thầy Thích Tuệ Sỹ. Hình ảnh H.T Tuệ Sỹ trong bệnh viện những tháng ngày cuối cùng khi đệ tử đến thăm, Ngài vẫn tươi cười nói: "với đà sức khỏe như vầy Thầy sẽ sống thêm ba năm nữa". Nghe và thấy như vậy con xúc động và kính phục HT Thích Tuệ Sỹ biết là bao, con hiểu rằng Ngài chỉ mong sao cho sớm hoàn thành việc phiên dịch Tam Tạng kinh điển, mà HT đã viết trong thông bạch thỉnh cử hội đồng Hoằng Pháp: "mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng lại những gì đã nghiêng ngả" HT Tuệ Sỹ đã lãnh đạo và phối hợp chư Tăng Ni trong và ngoài nước để thành lập nên Hội Đồng Hoằng Pháp vào ngày 10.5.2021 không nhằm mục đích và chủ trương: "mở ra cánh cửa cho những ai đang tìm kiếm sự an lạc, tĩnh lặng của một nội tâm, cứu mình, giúp người, xoa dịu và hàn gắn những đổ vỡ chia ly của gia đình, xã hội, góp phần giải quyết những khổ đau triền miên của nhân sinh, kiến lập thế giới hòa bình, nhân ái".
Ăn qua loa buổi sáng xong, chúng con lái xe thẳng đến nơi tổ chức. Sáng nay trời nắng đẹp, thứ bảy nên đường trống trơn, con đường xưa cũ với hàng cây thẳng tắp hai bên đường cho bóng mát như giúp tạo nên sự thanh thản, nhàn hạ cho những người cả tuần vật vã với cuộc sống, con đường mà ngày xưa chúng con thường chở các cháu đến hồ bơi Titus Therme, kỷ niệm lại trở về, thấm thoát mà đã gần ba mươi năm...
Đang bơi ngược dòng về những ngày thơ ấu của các con con, thì nghe anh con nói "tới rồi em, mười giờ lẻ ba, trễ ba phút, em lên trước để anh tìm chỗ đậu".
Bước vào cửa mọi người đã tới nơi, mặc áo tràng chuẩn bị cho khóa lễ. Cô Hợp chạy tới ôm con chào hỏi "Ô! cô, lâu quá con mới thấy cô, cô nhớ con không?". Con hơi ngượng lắc đầu, ngập ngừng: "lâu rồi không sinh hoạt cộng đồng, cho cô xin lỗi, cô không nhận ra " – "con là Hợp" – "Ồ cô nhớ ra rồi, Hợp là người hay nấu thức ăn chay cho mỗi khóa tu, một phật tử thuần thành, chỉ lo cho người tu học mà quên mình. Công đức vô lượng "- Hợp cười vui vẻ bảo con: "cô lên lầu ngay đi, sắp tới giờ lễ Phật". Cảm động làm sao! Cám ơn Hợp nhiều lắm.
Con mặc vội áo tràng đi nhanh lên lầu, vừa tới nơi nhìn vào phòng Chư Tăng Ni đã ngồi đó đông đủ, màu y vàng, nâu làm thân tâm con dịu lại, như có nguồn năng lực truyền vào. Thầy Phương Trượng (HT Như Điển) vẫy tay gọi con, vào đây, con như trong mộng, Thầy lại vẫy, con bước vào chỉ biết đứng chấp tay, một chút xúc động làm con ...hơi run. Thầy lại hỏi con: "có biết thầy này không? Những vị này?" con: "thưa Thầy con không biết". Thầy giới thiệu "Đây là thầy Hạnh Hòa, sư cô Tịnh Nghiệp, sư cô Chân Đàn, sư cô Trung Dung" con chấp tay chào từng vị.
Thầy lại nói tiếp: "đây là cô Diệu Danh đọc bài cho Thầy, cho chùa Viên Giác, Quảng Đức, rất là tốt, dù đôi khi không khỏe". Lúc đó con hết sức cảm động, con không ngờ, nhân duyên này do chị Diệu Trí cách đây bốn năm chở con đến Tổ Đình Viên Giác dự lễ thất tuần Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, Thầy đã tạo cơ hội cho con để con có duyên lành được đọc kinh điển và những lời dạy của chư Tôn Đức, để con trưởng dưỡng tâm linh, cái mà hầu như suốt cuộc đời con quên lãng.
Thầy lại nói: "hôm nay Thầy mang cuốn sách kỷ yếu tri ân HT Tuệ Sỹ để biếu bác Thành, cuốn này cô đã đọc hết cho chùa rồi, trong này cô thấy bài nào hay nhất?". Con thưa: "con đọc xong quên hết rồi"! anh Thành cười: "làm sao nhớ được hết?", con mừng vì sự đỡ lời của anh Thành làm con tự tin hơn. Thầy cũng cười!
Con thưa :"Thưa Thầy, mỗi người có một nhận xét khác nhau qua cái nhìn và cảm nhận của họ".
Mà thật vậy Thầy ơi! Trong suốt 505 trang mà con có được phước duyên đã đọc trong đó được chia làm 3 phần:
- Phần 1 Phật học: 24 bài và 6 tranh họa
- Phần 2 Văn học: 32 bài viết, 7 tranh họa, 2 thư pháp, 1 bài nhạc
- Phần 3 Đạo Pháp và Dân Tộc: 14 bài, 2 tranh họa, 1 bài thơ
mỗi người có kỷ niệm, có cái nhìn về HT Tuệ Sỹ mỗi góc cạnh khác nhau, người thì nhìn theo văn, người thì nhìn theo thơ, người thì nhìn theo minh họa, sáng tác nhạc v.v.. hầu hết đều do lòng tôn kính Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, tất cả đều có giá trị góp phần trong cuốn kỷ yếu này về Ngài, hầu để tri ân và cho các thế hệ sau hiểu rằng, thời điểm này có một vị chân tu đầy đủ trí tuệ, cầm kỳ, thi họa, một vị Thầy chuyên về văn hóa giáo dục, một vị Thầy hiếm hoi trong lịch sử Phật Giáo trên quê hương Việt Nam.
HT Tuệ Sỹ là một bậc kỳ tài từ Phật Học, Văn Học và Đạo Pháp con xin trích đoạn trong cuối bìa sách:
"Sự nghiệp trí tuệ của thầy Tuệ Sỹ là một sự nghiệp đồ sộ mà ngàn lời của Kỷ Yếu cũng khó bàn nói hết được"
Trong một số rất ít tác phẩm của HT Tuệ Sỹ, từ thơ văn mà con được đọc, theo cảm nhận của con, con tìm thấy trong đó sự u uẩn, khắc khoải về thân phận về con người Việt Nam, về Quê Hương Việt Nam, luôn luôn để lại trong con một nỗi buồn man mác, như có gì luyến tiếc, cảm thương, để rồi tâm con lại trở về thời thật xa xưa, an bình... nhưng rồi thì vô thường cũng đến.
Con thích nhất những lời nhắc nhở của HT Tuệ Sỹ cho thanh thiếu niên, lời lẽ dịu dàng của người Thầy dạy học trò mình nhưng không kém phần nghiêm khắc.
Khi đối diện với cái ác của cộng sản, HT Tuệ Sỹ luôn thể hiện tinh thần vô úy, lời lẽ sắc thép để chống lại vũ khí súng ống của chế độ vô thần qua Kháng thư, Giác thư, vụ Biến Lương Sơn, tham nhũng là một quốc nạn đã làm cho cộng sản khiếp sợ, và mọi người kính phục.
Nói tới đây hình ảnh HT Thiện Minh, HT Trí Siêu Lê Mạnh Thát, HT Thái Hòa, Thượng Tọa Nguyên Tạng từ Úc về, phật tử đến thăm HT Tuệ Sỹ, Ngài vẫn tươi cười, đôi khi kể chuyện tiếu lâm để trấn an cho đệ tử bớt lo lắng cho mình, con không khỏi bùi ngùi xúc động, tiếc rằng giọng nói Hòa Thượng con không nghe rõ hết nên không ghi chép vào đây.
Nhân chuyện anh chị Thành cúng dường chậu sen, Thầy đọc:
"Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên cái áo trên cành hoa sen"
Thầy hỏi : hoa sen hay sim?
Chị Thành trả lời: hoa sen làm sao được, gãy cành!
Mọi người đều cười vui vẻ, ờ làm sao mà được, cành sen mong manh!
Con nhớ ngày xưa con học đệ thất, giờ cổ văn thầy con dạy bài này cho chúng con học thuộc lòng :
"Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên cái nón trên mình hoa sen"
Đình đối mình. Đình, mình vần với nhau là cách gieo vần của thể thơ lục bát, với thời gian chữ trong thơ đã bị đổi thay....
Thật là vui trong tình thầy trò khi trở về với mái ấm gia đình tâm linh.
Nhân đó Chí in hình Thầy cầm con ốc se trên tay với nụ cười hiền hòa như đang nói chuyện với chú ốc. Đây là bức hình mà con cho là đẹp nhất, thể hiện tâm từ bi qua lời kinh Đức Phật dạy:
"Không bỏ sót một hữu tình nào
Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh
Giống lớn to hoặc loại dài cao
Cỡ trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô.
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở nơi xa
Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc"
Thầy kể cho chúng con nghe, qua Úc Thầy đã quy y cho cả ngàn con kiến, con sên. Con thưa: "trong đó có con từ kiếp nào".
Cảm tác khi nhìn bức hình Thầy con viết:
Bóng Hoàng Y
Nhìn hình ảnh minh họa
Thầy cầm ốc trên tay
Với nụ cười hiền hậu
Tay nâng con ốc sên
Đang lăn tròn xuống cỏ
"Ốc ơi, ốc đừng sợ!
Đến đây Thầy quy y
Kiếp sau thoát thân ni
Trở thành người tu học
Biết rõ lối đi về"
Bóng hoàng y lộng gió
Thầy thả chú ốc bò
Trên cỏ rêu xanh mịn
Khí trời hôm nay đẹp
Gió Thanh Lương thổi nhẹ
Văng vẳng tiếng chuông chùa
Ốc không còn bơ vơ!
Chân thiền sư rảo bước
Mây trắng nhè nhẹ bay.
Đúng mười giờ rưỡi buổi lễ bắt đầu, hôm nay mọi người đến đông, không khí thật trang nghiêm, thanh tịnh, mọi người đều hoan hỉ như trong một gia đình lớn, khác hẳn buổi lễ ở Hanau ngày 2.6. 2024 vừa qua mà con đã tham dự.
Con rất vui, và cả anh chị Thành cũng như con đều nói nhờ có Thầy về, nhờ đức độ của Thầy, và nhất là bốn chương trình gây quỹ cho chị Nguyên Ngọc phát khởi được đăng trên báo Viên Giác số 260 nên mọi người hăng hái về tham dự.
Chúng con đồng hướng về Tam Bảo đọc tụng kinh cầu an, đặc biệt hôm nay chư Đại Đức Tăng Ni có buổi lễ cầu siêu cho ông Nguyễn Văn Định, pháp danh Đồng Huệ Chí vừa mất hôm thứ sáu tuần trước 5.7.2024, các người con hiếu hạnh của Ông đã nhân dịp có Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác về làm chủ lễ đã thỉnh cầu Phương Trượng cùng chư Tăng Ni làm lễ cầu siêu cho cha mình, Tăng Đoàn đã hoan hỉ nhận lời.
Sau thời tụng kinh HT Phương Trượng có bài pháp thoại, lẽ ra Hòa Thượng giảng về Tâm kinh Bát Nhã, như một Phật tử thỉnh cầu, nhưng Hòa Thượng nói: vì thời gian ngắn, hơn nữa đề tài này rất cao, sợ những người sơ cơ không hiểu, nên Hòa Thượng chuyển qua đề tài phù hợp cho ngày hôm nay nhân có lễ cầu siêu cho hương linh phật tử Đồng Huệ Chí đó là đề tài về Trung Ấm Thân có nghĩa là một tâm thức sau khi mất sẽ đi đầu thai như thế nào (sau khi thân tứ đại ở cõi Ta Bà này chấm dứt, giữa khoảng thời gian đã chết và thời gian chưa tái sanh vào cảnh giới khác, trải qua 49 ngày, người chết có một cái thân gọi là thân trung ấm hay thần thức mà người ta gọi là linh hồn) để khai thị cho hương linh người quá cố, và cho các con của ông Định hiểu thêm, cũng là để an ủi, xoa dịu cho các con của Ông.
HT Phương Trượng cũng giải thích mọi thắc mắc về nghi lễ, về việc thất tuần cầu siêu cho người quá cố, Hòa Thượng nhắc nhở các người con nên ăn chay trong vòng bốn mươi chín ngày, làm việc phước thiện để hồi hướng cho cha mình.
Kèm theo để bầu không khí bớt căng thẳng, được vui tươi, HT Phương Trượng đã kể một câu chuyện vui về việc thủ tiết thờ chồng, cả đạo tràng đều vỗ tay.
Các người con vừa mất Cha đã hiểu về cuộc đời vô thường, hiểu cha mình 83 tuổi ra đi mà các con có hiếu là phước lớn, Đức Phật chỉ trụ thế ở đời đến 80 tuổi thôi, duyên lành nữa là đúng ngày hôm nay Chư Tôn Đức về, cộng thêm đạo tràng thanh tịnh với hơn năm mươi Phật tử đều nhất tâm theo lời kinh của Tăng Đoàn cùng dâng lời cầu nguyện, đã gửi năng lượng này đến cho những người con vừa mất cha, họ đã vơi đi bớt nỗi buồn, vì trong cuộc đời ai cũng phải qua cầu này mà thôi- Có sanh tất phải có tử.
Con được biết ông bà Nguyễn Văn Định khi xưa tặng chi hội một tượng Phật để lập bàn thờ cho trang nghiêm, mỗi khi có khóa tu bà con tụ hội về đảnh lễ Phật. Sau này HT Phương Trượng tặng cho mỗi chi hội một tượng Phật, tượng của ông bà Định tặng chi hội được mang về Viên Giác. Âu đó cũng là nhân duyên, là quả phước mà ông Định đã nhận được, lúc ông mãn phần HT Phương Trượng về để cầu siêu, để tiễn hương linh ông Định về thế giới Cực Lạc.
Nhân nói về Vô Thường HT Phương Trượng nhắc nhở phật tử rằng sang năm Hòa Thượng 76 tuổi rồi, chỉ còn bốn năm nữa là Hòa Thượng tròn tám mươi, nhiều khi vô thường đến Hòa Thượng đi hoằng pháp có thể đi máy bay bị tai nạn, v.v…. nên phật tử cần hỏi gì về Phật Pháp thì hỏi, để rồi thời gian không còn bao lâu nữa. Con nghe mà chạnh lòng, sinh nhật Thầy ngày 28. 6 vừa qua hôm nay ngày 13.7. 2024. Một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, như vậy tới khi Thầy tám mươi tuổi thì còn một ngàn tám trăm mười ngày (1810)
Mỗi ngày trôi qua thật nhanh con đều phải trừ đi, cuộc đời sao qua mau! Biết vậy nên mình tinh tấn.
Sau bài thuyết pháp, Thầy mời chị Nguyên Ngọc, Phạm Thị Bích Thủy là người khởi tâm làm bốn chương trình gây quỹ cho việc xây dựng học viện lên phát biểu, chị quỳ cung kính bẩm bạch Ôn, thành kính tri ân Ôn đã thành lập ngôi chùa Viên Giác đầu tiên, giọng chị nhẹ nhàng, lên trầm xuống bổng, chị nói lưu loát, tiếc rằng con không nghe rõ, nên không viết lại từng câu, từng chữ được.
Thầy kết thúc buổi cầu nguyện và thuyết pháp, rồi mời đại chúng dùng ngọ. Hôm nay chúng con được cùng chung với quý Thầy, Cô dùng bữa cơm chay thanh tịnh, khắn khít trong tinh thần lục hòa, nên cơm ăn rất ngon, khác hẳn lần gây quỹ đầu tiên ở Hanau.
Thầy cũng không quên trước khi thọ trai đã mời năm người trong ban ẩm thực, nấu thức ăn cúng dường Chư Tôn Thiền Đức và cho đại chúng dùng, để ngợi khen và tán thán, mà thầy Trụ Trì có nhắc tới: công đức này những người nấu ăn nhận được một nửa. Mọi người đều vỗ tay để tỏ lòng cám ơn, khen ngợi.
Ngồi dùng cơm mà con cảm thấy vui, ngẫm nghĩ lại lời Thầy giảng, con cười một mình, chịu không nổi con hỏi các anh chị ngồi cạnh con, đố các Anh Chị hồi nãy Thầy giảng điều gì làm em đắc ý nhất và nhập tâm luôn? Hi.. không ai biết, con quay qua hỏi chị Nguyên Ngọc, chị nói Thầy giảng nhiều quá nên chị không biết đâu. Con cố nín cười thong thả nói, con thích nhất câu chuyện bà mẹ chồng dạy con dâu cắn răng thủ tiết thờ chồng, ở lại hầu hạ mẹ chồng. Và vào một buổi sáng "đẹp trời" người con dâu thấy mẹ chồng dung giăng dung giẻ với người đàn ông, nàng dâu hỏi: "thưa Má, Má dạy con cắn răng thờ chồng sao bây giờ Má làm vậy?" bà mẹ chồng trả lời: "Má thấy con còn trẻ còn răng nên cắn răng, chứ Má đâu còn răng nữa!" – Nàng dâu???? (trời cao có thấu) ! các anh chị cười lăn lộn, quên cả chánh niệm trong lúc ăn. Trời ơi, con đọc bao nhiêu kinh sách, bao nhiêu công án thiền sư con nào nhớ! có một lúc con phải tự viết truyện vui cười cho con như thế này:
Trong buổi thuyết giảng Thầy hỏi :
D D nói cho Thầy biết về 14 điều Phật dạy.
Con trả lời: thưa Thầy con đã..."buông" hết rồi! (vì con không nhớ)
Thầy???
Sau bữa cơm chị Bích Thủy nói: Mai, nhìn bàn thầy Hạnh Định kìa còn hai cái bánh cam, đi xin đi, con hỏi: sao chị không đi mà xúi em hoài, ừ thì em đi, em thích khất thực xin ăn lắm, em sẽ xin cho con em mang về cho cháu nữa, con tới bàn được thầy Hạnh Định, thầy Hạnh Hòa cho con bánh xu xê, rồi Thầy lại gọi con qua cho con nữa, con nói cám ơn con xin cho con con, rồi con kể Thầy nghe câu chuyện trên bàn ăn con đố mọi người, khiến Thầy cũng phải bật cười, và hỏi con có vui không? con nói dạ vui. Con không có trí nhớ, đọc đâu quên hết, nhưng những chuyện này con không bao giờ quên cho tới kiếp sau, con muốn nhìn bà mẹ chồng này cắn răng!
Sau bữa ăn, chúng con được nghỉ nửa tiếng rồi thầy trụ trì Hạnh Định hướng dẫn đi kinh hành, ngồi thiền nghe pháp, cuối cùng thầy Trụ Trì giảng, tâm tình về sự hoằng dương Phật Pháp, đưa giáo lý Phật Đà vào xã hội Tây Phương, Thầy nói về việc công trình xây dựng viện Phật Học Phật Giáo Viên Giác:
Hình thức cơ sở học viện có 5 tầng từ dưới lên trên như hình (đồ thị kế bên)
1- Tầng hầm rộng 1000 m² làm chỗ sinh hoạt cho gia đình Phật Tử và các phòng liên hệ khác.
2- Tầng trệt cũng 1000 m² gồm phòng đa dụng để hội họp, thuyết trình, giảng pháp, sinh hoạt văn nghệ, văn phòng, vệ sinh công cộng v.v...
3- Tầng 2&3 mỗi tầng cũng 1000 m² gồm những lớp học, thư viện, chỗ lưu trú của các vị Giảng Sư và của Phật tử
4- Tầng cuối cùng 1000 m² gồm hai phần: một phòng tọa thiền rộng rãi cho Tăng Ni và Phật tử và một nhà tưởng niệm Hòa Thượng khai sơn Tổ Đình Viên Giác.
Dự định năm tới sẽ khởi công, tới năm 2029 hy vọng công trình sẽ thành tựu.
Tới đây thì HT Phương Trượng bước vào, Hòa Thượng nói ba lý do mà Hòa Thượng quyết định xin tỵ nạn ở lại Đức vào năm 1977, không về lại Nhật.
3 lý do đó là:
1) Lò sưởi ở Đức tốt hơn ở Nhật. Ở Nhật sưởi chỉ nơi hai bàn chân; còn ở Đức các cư xá sinh viên thuở ấy sưởi từ tầng dưới cùng lên đến hết tòa nhà.
2) Ở Nhật sinh viên phải đóng học phí rất đắt, nhưng ở Đức thì không phải đóng học phí gì cả, kể từ Tiểu học, Trung học cho đến hết Đại học đều miễn phí.
3) Ở Đức năm 1977 các sinh viên du học tại đây trước 1975 đã có giấy tờ tỵ nạn, căn cứ theo Convesion năm 1951 họp tại Wien, về việc thâu nhận người tỵ nạn, trong đó có 3 lý do chính là:
a) Tỵ nạn về Tôn Giáo
b) Tỵ nạn về chính trị
c) Tỵ nạn về phân biệt chủng tộc
sau này thì có thêm tỵ nạn nhân đạo, đoàn tụ gia đình v.v…trong khi đó Thầy vẫn còn sử dụng Passport của Việt Nam Cộng Hòa cấp năm 1972.
Hòa Thượng lên trình bày bổ túc, và cám ơn những bàn tay đóng góp trong đó có cô Kiến trúc sư vẽ họa đồ cho việc xây dựng, lẽ ra phải trả 10 %, nhưng cô phát tâm cúng dường cho chùa không lấy: số tiền khoảng tám trăm ngàn.
Hòa Thượng Phương Trượng mời bác sĩ Hà thị Ánh Lan lên cho biết kết quả thu góp hôm nay; trong niềm hoan hỉ, Bác Sĩ bạch với Hòa Thượng được tất cả 4.500€ chung với những tiền mà cô quyên góp khắp nơi kể cả bệnh nhân, thật là công đức không nhỏ, vừa là bác sĩ chữa thân bệnh cho bệnh nhân, vừa là bác sĩ giúp người tưới tẩm hạt giống bồ đề, đáng được mọi người ngợi khen, ngoài ra còn được các người con của ông Định cúng dường 5000€ để hồi hướng cho Cha trong việc xây dựng Phật Học Viện. Một phật tử mà con không biết tên cũng đứng lên phát tâm xin cúng dường 10% khi cô bán được miếng đất 200 m² ở Việt Nam. (Con thầm cảm niệm tất cả công đức của những người phát tâm này)
HT Phương Trượng cũng xin thầy Trụ Trì bật mí số tiền ở Đức đến nay thu được chín trăm ngàn, quả là số tiền không nhỏ trong thời gian ngắn, mọi người đều vui mừng. HT Phương Trượng cám ơn và hồi hướng công đức cho tất cả.
Sẵn dịp này chị Nguyên Ngọc Phạm thị Bích Thủy cũng xin phép Hòa Thượng cho tổ chức khóa tu cho những lần tới, cũng để quyên thêm về vấn đề xây học viện, Hòa Thượng ôn tồn dạy: "ở đây Thầy cũng cám ơn sự quan tâm, nhưng Thầy đề nghị gom lại một lần thôi, chứ như lần này bốn lần cũng mệt mỏi cho phật tử". Lời nói của Thầy làm mọi người vô cùng cảm động, Thầy luôn để ý, quan tâm cho Phật tử.
Buổi tụng kinh, thuyết pháp, tâm tình đến đây kết thúc, Thầy mời tất cả phật tử lên chụp chung tấm hình để lưu niệm.
Xong, Thầy đi quan sát, thăm hỏi ngợi khen các phật tử gần xa đã về đây cùng nguyện cầu, của ít lòng nhiều, người góp công, kẻ góp của. Thầy từ giã chúng con và cho biết Thầy lên ngồi chờ buổi văn nghệ mở màn để Thầy lên nói vài lời, nghĩa cử ấy của Thầy là bài học dạy cho chúng con rằng: lòng biết ơn người đã góp phần cho ta trong cuộc đời này, dù nhỏ bé.
Thầy lên ngồi đó đợi khoảng mười lăm phút, một mình giũa những hàng ghế trống trơn thì Tuyết một phật tử ở Odenwald tới nhắc chị Nguyên Ngọc, 6 giờ mới bắt đầu, còn tới hai tiếng nữa, nên lên thưa với Hòa Thượng để Ngài nghỉ ngơi. Các chị sợ không dám thưa với Thầy, con nói để con lên bạch với Thầy, sau khi nghe con thưa trình, Thầy nói vậy Thầy phải đi kẻo không trễ.
Nhìn theo bóng Thầy ra cửa chúng con cùng cầu nguyện cho Thầy luôn khỏe, một ngày thật tràn đầy an lạc, vì có bóng hoàng y của Thầy đã đem lại sự hòa hợp, niềm hoan hỉ cho mọi người quên hết cả muộn phiền, tranh chấp nhỏ nhoi, từ đó con nhận ra rằng: bất cứ việc làm gì mà mình vì lợi ích chung, không vì tự ngã của mình thì đều thành tựu.
Năm giờ con cũng về, thấy ca sĩ và mọi người đang từ từ tới, những chiếc áo dài lộng lẫy, trời hôm nay nắng đẹp long lanh như cùng chung niềm vui với mọi người.
Tới giờ khi ngồi viết những dòng chữ này con vẫn thấy niềm hỉ lạc, và con ước mong tất cả đều được như vậy, hãy cho nhau những gì đẹp từ tâm mình.
Cám ơn Thầy và Tăng Đoàn đã đến cho chúng con niềm vui.
Cám ơn tất cả những người hiện diện trong buổi lễ này đã trở về nơi đây để cùng hòa nhịp trong mái nhà tâm linh, bất vụ lợi.
Cám ơn đất trời hôm nay cho màu nắng ấm để rồi trong niềm vui đó đã đem được sự hỉ lạc, an vui cho tất cả.
Cầu nguyện cho hương linh ông Nguyễn văn Định, pháp danh Đồng Huệ Chí sớm vãng sanh Cực Lạc.
Những gì con nhớ ghi lại đây chắc còn rất nhiều thiếu sót, nhưng với tấm lòng người con Phật, chỉ với mục đích dâng niềm vui cho người.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ, Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.
Đức Quốc 15.7.2024
đ/t Diệu Danh