Lê Huy Trứ
Cái tự tánh của tâm viên luôn luôn thay đổi vô thường rất khó mà chuyên tâm nhất trí, chú tâm lâu dài.
Kinh Pháp Cú mở đầu, “Tâm làm chủ, tâm tạo!”
Hiểu theo nghĩa thông thường chấp ngã của phàm phu là tâm ta làm chủ mọi hành động của ta, tạo ra mọi tư duy và dẫn đến hành động của ta.
Tâm phan duyên dẫn ta đi vòng vòng từ suy nghĩ này qua tư tưởng khác thay vì ta dễ dàng nắm bắt, hàng phục được cái tâm bất trị đó.
Nhưng bồ tát không thấy tâm chủ, tâm tớ, tâm ta. Không có hành động và tư duy của người, không có suy tư và hành động của ta.
Tôi nghĩ, ngay cả giữa Có và Không cũng không có sở trụ để chấp. Chẳng hạn, nhân sinh thường chấp ngã, lưu luyến sống trong quá khứ và lo lắng cho tương lai của chính mình. Chúng ta thường được giảng dạy là phải sống với hiện tại, ngay trong giờ phút này, nhưng ngay cả cái hiện tại chính giữa này cũng vô định xứ, thay đổi không sở trụ được.
Vậy thì căn cứ vào đâu để “điểm tâm” hiện tại nếu không dùng quá khứ vị lai làm điểm chuẩn của tâm?
Hiện tại sở dĩ có thật vì chúng nhân sinh chấp nhị nguyên, quá khứ và tương lai?
Ngay cả cái trung điểm hiện tại đó (t = 0) cũng là ảo, không có thật, đều do tâm tưởng tượng mà có?
Điều này cho thấy ngay cả triết lý Trung Quán Luận của Bồ Tát Long Thọ cũng bất ổn định, vẫn trong vòng nhị nguyên, “không bất nhị”?
Vì quá khứ, hiện tại, vị lai cuộn với không gian bất khả phân, như không mà có, như có mà không, làm sao có thể “như thị tri kiến” thực tướng bất nhị của Tánh Không của Không căn cứ (sở trụ, bám víu) vào dụng cụ “18 căn trần thức” đo đạt đầy vô minh, và sai lầm đó để kiến được Không Tánh?
Tuy nhiên sau khi bình luận về Trung Quán Luận ở trên tôi đã tìm tòi, kiểm chứng thì hình như Ngài Long Thọ cũng có nói về cái trung điểm hiện tại ảo đó (t = 0) nhưng hơi dài dòng khó hiểu một chút:
“Đối tượng quá khứ và tương lai. Cả hai hiện tại và quá khứ. Tương lai không khác nhau. Có căn mà không cảnh. Thì hiện tại cũng không cảnh. Do hoại không đến, không đi. Cũng không trụ trong sát na. Thế gian ba thời: quá khứ, v.v… Uẩn làm gì có thật? Trên sự thật cả hai. Không trụ, đến và đi. Đâu có gì khác biệt. Thế gian và Niết Bàn. Không trụ nên không sinh. Cũng không thật có diệt. Sinh tức trụ và diệt. Làm sao có thật nghĩa? Nếu sự vật thường hằng. Tại sao là sát na? Nếu nó không biến chuyển. Thế nào thành cái khác? Sát na sẽ hoại diệt. Từng phần hoặc toàn bộ do không giống nên không thấy. Cả hai đều không hợp lý. Nếu là sát na thì không trọn vẹn. Làm sao thành cũ kỹ? Nếu sát na cố định. Làm sao thành cũ kỹ? Sát na có kết cuộc. Tương tự, có đầu và giữa. Bản chất của ba sát na. Thế gian không trụ trong sát na. Cũng vậy nên suy tư. Sát na đầu, giữa và cuối. Cũng không tự và tha. Đầu, giữa và cuối cùng. Do khác phần chẳng phải một. Không phương phần thì cũng không. Không có một thì nhiều cũng không. Không cũng không có không.” (Thánh Bồ Tát Long Thọ, Vòng Châu Báu Lời Khuyên Quốc Vương, Nhật Hạnh dịch.)
Truyền Bình viết, “Trung Quán tức là Ưng Vô Sở Trụ (không có chỗ trụ) cũng chỉ là giả lập, bởi Không cũng không được (vô sở đắc) Giả (thế giới ảo hóa) cũng không được thì há Trung (ở giữa) mà có chỗ được (sở đắc) hay sao. Chẳng qua là giả lập để điều hòa cho khỏi thiên lệch mà thôi. Ưng vô sở trụ chính là thực tại bất định xứ (nonlocal) của lượng tử mà khoa học ngày nay đã phát hiện.” Tại Sao Con Người Khó Giác Ngộ? trang website Duy Lực Thiền
Như vậy thì Tâm có thật hay không?
Gửi ý kiến của bạn