Đức Hạnh
Tình, Tưởng. Cả hai đều thuộc về phạm trù của Tâm con người, không có ở trong các loài súc sinh, mặc dù súc sinh có cái biết bằng Giác (giác hồn, sinh hồn) nhưng, không tinh khôn bằng loài người, do Phật tánh bị chìm sâu bởi thú tính cao vời. Chỉ có loài người, Phật tánh được hiện hữu ở ba cấp thượng, trung, hạ, cho nên loài người là linh vật, chúa tể của muôn loài có khả năng dời núi, lấp sông do bởi cái tâm có tánh giác tinh anh Phật, Bồ Tát, Thánh, Phàm. Nói khác hơn, con người chỉ có một tâm nhưng, nó tự chia ra hai phần : Chủ tể và phụ tể. Nói theo Duy Thức Học; là Tâm vương, Tâm sở. Vai trò của Tâm vương là chủ động tạo tác ra vô số lời nói, hành động thiện, ác. Vai trò Tâm sở là duy trì, bảo vệ những thành quả (sở hữu) mà cũng chính nó tức tâm vương đã sáng tạo ra. Nghĩa là cái Tâm con người, nó vừa tạo tác ra các nghiệp, lại vừa đóng vai bảo thủ, cất giữ các nghiệp thiện, ác trong kho tàng sâu kín.
Tâm con người, không những ở ngôi vị Chủ (tâm vương) và Tớ (tâm sở), mà còn có nhiều vai trò khác nữa, đó là liên đới với năm thức trước bên ngoài thân. Năm thức (5 cái biết): Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, và Thân (chân, tay). Liên đới 5 thức trước để sinh hoạt đa năng, đa diện ở nhiều việc cho bản thể. Nếu không nói là bản thể con người có nhiều nhu cầu về tinh thần, vật chất… Do vì liên đới để sinh hoạt trong nhiều việc lợi lộc cho bản thể. Vì thế cho nên, Tâm con người tự nó có đến tám Thức (8 cái biết) sau đây : Năm cái biết ở bản thân: Biết của mắt, biết của tai, biết của mũi, biết của lưỡi, biết của tay chân. Trong khi trên vận hành liên đới, Tâm vương nó tự có ra 3 thứ : Đó là Ý (thức thứ 6). Mạt na thức (thức thứ 7) và A-lai-da thức (thức thứ 8). Nói là 3, thực sự chỉ có một, đó là Tâm hay Ý, cũng gọi là Tâm vương hay A-lại-da-thức, giống như một người thợ trong công xưỡng phụ trách một lúc 4 việc. Vai trò của Ý là nhận thức, phân biệt ngon, dở, tốt, xấu, thiện, ác… Vai trò của Mạt Na là chấp mọi thứ ngã. Vai trò của A-lại-da thức tức tâm vương, nó vừa tạo tác các nghiệp thiện, ác lại vừa chứa đựng, gìn giữ và biến hiện. Qua đây, cho quý vị thấy con người đúng là Linh vật. Con người ác, ác cao như thái sơn. Thiện, thiện bao la như biển cả. Thánh thiện có trong tâm người và Phật cũng có trong tâm con người. Đức Phật đã gom lại Tám thức (8 tâm biết) ấy chỉ còn lại hai : Tình và Tưởng. Như đã nói Tình và Tưởng thuộc phạm trù của Tâm được thấy rõ lời Phật nói với Tôn Giả A NAN trong kinh Lăng Nghiêm về cái Tâm con người. Vận hành sinh hoạt của con người trong mọi giới tất cả được thu gọn ở hai Tâm : Tình và Tưởng.
Tâm tình và Tâm tưởng, hay chỉ nói một từ : TÌNH, TƯỞNG.
A-TÌNH. Tình được cắt nghĩa là lối sống Vọng, và Tỉnh thức của con người. Bốn lãnh vực: 1- Tình của kẻ phàm trần, gọi là Thường tình của thế gian. 2- Tình nhân bản ( gia đình ruột thịt ). 3- Tình xã hội. 4-Tình thánh thiện cao thượng. Cả bốn thứ tình trên đều xuất phát từ nội tâm bên trong bản thân con người. Tình thường xuất hiện ở lời nói, hành động Thiện, Ác được nghe, thấy qua ngôn ngữ, trạng thái hành xử đối đãi với nhau giữa người với người.
1-Tình phàm trần. Tình này gồm có : Tình ích kỷ (keo kiệt, chỉ có thu vào, không bỏ ra). Tình lãng mạn (tình yêu giữa nam nữ, người dưng khác họ đem lòng nhớ thương). Được thấy qua lời thơ : Chàng về ta chẳng cho về. Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ. Câu thơ ba chữ rành rành. Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba. Chữ Trung thì để phần cha. Chữ Hiếu phần mẹ đôi ta chữ Tình.
Tình bảo thủ cái ta (nhân ngã, ngã kiến…). Tình này toàn là Tình ác được thấy ở các hành động gian manh, mưu mô tước đoạt, sát hại mà có cả ở lãnh vực mang tính nặng nề về tham vọng chức tước quyền hành, hung hãn, say sưa thịt rượu, cướp của giết người, chuyên hành động lợi lộc riêng tư cho mình, đem cái khổ cho tha nhân… Theo tâm lý thường tình của nhân loại, cái gì mà thuộc về Ta (ngã sở) thì có Tình trân quý, tử tế, từ lời nói đến hành động thật êm ái. Còn ngoài Ta, thì vô Tình bằng lời nói miệt thị, vu khống, chụp mũ, gian trá để cướp đoạt của cải.
2-Tình nhân bản. Tình này trong phạm vi gia đình, quyến thuộc nội, ngoại. Vì là ruột thịt, quyến thuộc, cho nên đa số đều có lời ái ngữ mang âm thanh thương yêu nhau thật là ngọt ngào, cùng với hành động tha thứ, bao che lỗi lầm cho nhau, giúp đở vật chất, bảo vệ quyền lợi. Người trên thường bang vui cho con cháu bằng những món quà : Cái nón, đôi giày, cái áo…dù cho con cháu không yêu cầu nhưng, người trên phải có tình bổn phận. Con người được có tình đạo đức hay không, là do từ trong gia đình họ hàng có tình giáo dục hay không.
3- Tình quốc gia xã hội. Tình này gồm có tình hàng xóm, đồng hương, đồng đội, đồng môn, đồng sở, đồng bạn, đồng trường, đồng lớp, đồng cảnh ngộ, đồng đạo, đồng bào.
Tình đồng… thì nhiều lắm. Ba thứ Tình sau đây có tầm quan trọng, ta nên nói đến.
Tình hàng xóm. Các gia đình Việt Nam, cũng như trên thế giới, đa số không có bà con, con, cháu ở gần với nhau. Do vậy gặp phải chuyện không hay, đều nhờ hàng xóm giúp đỡ. Cho nên mới có câu ngạn ngữ : “Bà con xa, không bằng xóm láng giềng gần”.
Tình đồng hương. Tình này cũng không kém phần quan trọng đối con người tha hương, xa xứ vì hoàn cảnh nào đó (mai này tôi bỏ quê tôi, bỏ non, bỏ nước chao ôi bỏ Chùa. Đích thực, con người ra đi xa xứ, ai cũng mang theo hình ảnh quê hương. Cho nên đang ở đâu đó, dù cho tại đất nước mình, mà bắt gặp người cùng xứ, ai cũng vui mừng lắm. Huống là đang định cư ở xứ người bên trời tây, gặp người đồng hương, thì quá ư vui mừng, cảm thấy ấm tình dân tộc.
Tình đồng bào. Tình này rất quan trọng đối với loài người ở mỗi quốc gia trên thế giới. Ở đâu, con người đều ra sức kiến quốc và giữ nước. Cũng như luôn có tình thương người cùng bổn xứ, tổ quốc, dân tộc đúng với câu ngạn nhữ Việt Nam “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Dù cho ở các lãnh vực chính trị khác nhau nhưng, không bị đánh mất Tình đồng bào. Tâm hồn không đánh mất “Tình đồng bào”, được thấy qua câu chuyện “Hai người lính Bắc Nam cho nhau nước uống và lương khô”. Chuyện này do Trung Úy Hảo thuộc Liên Đoàn Biệt Động Quân tại Biển Hồ Pleiku kể cho một số Giáo Sư Trung Học Bồ Đề Pleiku nghe trong ngày tựu trường vào Tháng Chín, năm 1972, sau Mùa Hè Đỏ Lửa, trong đó có tác giả được nghe, nay viết lại.
Trung Úy Hảo kể rằng: “ Thượng tuần tháng bảy, 1972 vừa rồi. Đơn vị BĐQ của tôi bao vây quân Bắc Việt tại rừng núi Dakto. Sau đó quân Bắc Việt bao vây BĐQ của tôi. Chẳng bao lâu, quân Bắc Việt bị đơn vị lữ đoàn Một DÙ bao vây. Cả hai quân Bắc Nam biết sau lưng mình có địch nhưng, không bên nào nổ súng, cứ nằm im trong tư thế cài răng lược có khoảng cách nửa cây số được xem là gần. Nằm như vậy đã 6 ngày. Không biết phía quân Bắc có ăn, uống gì hay không. Chứ bên ta chỉ có một “Bi Đong” nước ! Đến đêm thứ 7, thì phía Bắc Việt nổ súng mở đường máu rút quân. Bên ta cũng vậy nhưng, khó mà thấy đường để bò, chạy trong bóng đêm thêm cây rừng xanh biếc càng tối đen như mực. Đến gần sáng, Hảo tôi mệt quá hết đi nổi, đến dựa lưng vào gốc cây, nhỏ bằng cây cột nhà. Đang gật gù thở, thì một chú lính Bắc Việt xuất hiện ngay trước mặt tôi. Tôi vừa thấy, chú bộ đội liền cất tiếng : “Bác ơi, bác có nước cho cháu xin hớp.” Tôi mở Bi đong nước, đưa cho. Chú Bộ đội uống lấy, uống để vài hớp, rồi trả lại. Sau đó chú ấy tự đưa cho tôi một miếng lương khô cùng lời nói “cháu biếu Bác. Nói luôn, à bác ơi ! Bác đừng đi về phía tây bắc nhé, vì lực lượng của cháu đang ở đó. Bác hãy đi về phía Đông Nam”. Quả thật, sau khi ăn miếng lương khô, uống hết nước, Hảo tôi mới tĩnh lại người, đi ra hướng Đông Nam, gặp phe ta, mừng quá”. Tình đồng bào là ở chỗ đó.
4- Tình cao thượng đối với nhân loại và muôn loài vật.
Trong Nho giáo, được thấy Đức Khổng Tử dạy con người phải có lời nói, hành động : “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín với nhau”. Phật giáo thì hơn nữa. Đức Phật dạy con người Phật tử các giới : “Trong đời sống hằng này, đừng có Tình vọng, hãy luôn tỉnh thức, không nói lời ác, không hành động sát hại nhân loại, con người dù bất cứ ở đâu. Hãy có tình thương muôn loài vật, đừng sát hại sinh mạng chúng. Hãy làm thiện, giữ tâm hồn luôn thanh tịnh suốt cả đời sống là năng lực siêu lên các cõi Phật”.
B-TƯỞNG. Danh từ đơn Tưởng, cũng là tên của Tâm nhưng, trong vai trò tâm sở (tác dụng của tâm). Tưởng, mặc dù nó thuộc tâm, nhưng phần việc của nó nằm ngoài hành lang của Tâm. Tưởng là một trong 5 Uẩn : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Theo Duy thức học, Tưởng là một trong 5 biến hành, mà Gốc rễ sở y của Tưởng được thấy ở 6 thức : Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý bên trong mà nảy sinh ra mọi thứ tâm Tưởng do mắt tiếp xúc với 6 cảnh trần. Tưởng cũng chính là Tâm. Đối cảnh vô tâm, làm sao nảy sinh ra Tưởng. Đằng này kẻ phàm phu đối cảnh hữu Tâm nhiều thứ : Tham dục Tưởng tâm, Sân Tưởng tâm, Si mê Tưởng tâm,v.v... Những Tưởng trên gọi là Tưởng bất thiện hay Ác tưởng. Những Tưởng trên được tựu chung ở ba bậc : Đại Tưởng, Tiểu Tưởng và Vô Lượng Tưởng, tương đương với ba loại phiền não Tưởng. Ngược lại với Ba loại Phiền não Tưởng, là : Xuất ly tưởng, Bất Khuể tưởng và Bất hại tưởng, gọi là 3 Thiện tưởng. Nếu không nói là Quán tưởng : Quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã của các hành giả quyết tâm tu tập Phật pháp để tiêu diệt các vọng tưởng bất tịnh.
Tưởng, như đã nói nó thuộc Tâm. Với người Phật tử có học Phật và tu tập, thường dùng Tưởng trong các nghi lễ, để tưởng niệm, nhớ đến các bậc đạo sư tiền bối đã có công xây dựng đạo pháp. Các cấp lãnh đạo đất nước trên thế giới cũng sử dụng Tưởng trong các buổi lễ truy điệu, tưởng niệm đến các bậc anh tài tiền bối trong công cuộc dựng nước, giữ nước. Những Tâm tưởng trên là Tưởng chân chánh thuộc nếp sống văn hóa. Bởi vì do tâm tưởng, chứ không nằm trong nhóm Tưởng uẩn mang tính tích tụ hữu ngã (tham, sân, si...). Con người phàm tục thường dùng Tưởng uẩn để tưởng tượng các loại tình cảm tưởng tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cũng như chấp thủ hình tượng làm thể, như chấp thủ các tướng nam, nữ, oán thân, khổ, sướng, v.v…
Để được biết rõ thêm về bản chất của Tình, Tưởng qua lời Phật dạy Tôn giả A-Nan sau đây:
Phật dạy đại đức A NAN :
Câu hỏi của thầy thật sâu sắc, khiến cho chúng sanh không rơi vào tà kiến, Như Lai sẽ giải bầy sau đây, thầy hãy lắng nghe !
Này A NAN ! Tất cả chúng sanh vốn thật chân tịnh, nhân vì vọng kiến mà có tập khí hư vọng phát sinh; rồi lại nhân đó mà phân chia ra có trong phận và ngoài phận.
Này A Nan ! Trong phận tức là ở bên trong thân phận con người. Nhân vì ái nhiễm mà phát khởi vọng tình; tình tích chứa mãi không ngừng mà tụ thành dòng nước tham ái. Vì thế, hễ tâm nhớ tới thức ăn ngon thì trong miệng chảy nước miếng; tâm nhớ đến người xưa, hoặc thương hoặc giận, thì nước mắt trào tuôn; tham cầu của báu thì nước dãi thèm khát tiết ra, toàn thân trơn sáng; tâm nghĩ tới sự hành dâm thì hai căn nam nữ tự nhiên tiết ra dịch khí.
Này A Nan ! Tâm ái tuy là khác nhau ở sáu căn, nhưng sự lưu xuất ra ngoài hay kết tụ
bên trong thì giống nhau, đều đồng một tánh nhuận ướt. Nhuận ướt thì không thể chảy lên, tự nhiên phải theo chỗ thấp mà chảy xuống. Đó gọi là trong phận.
Này A Nan ! Ngoài phận tức là ở bên ngoài thân phận con người. Do tâm khát ngưỡng mong cầu mà phát sinh các niệm tưởng thanh hư, tưởng tích chứa mãi không ngừng thì sinh ra khí lực thù thắng. Vì thế chúng sanh, hễ tâm giữ giới hạnh thì toàn thân thanh nhẹ nhàng; tâm trì ấn chú thì mắt ngó sáng ngời nghị lực; tâm muốn sanh lên cõi trời thì trong chiêm bao thấy mình bay bổng nhẹ nhàng; tâm hướng về cõi Phật thì thánh cảnh kín đáo hiện bày; tâm phụng sự thiện tri thức thì coi nhẹ thân mạng mình. Này A Nan ! Các loại niệm tưởng tuy khác nhau, nhưng sự nhẹ nhàng và cất bổng lên thì giống nhau, đều đồng một tánh bay lên. Bay lên thì không chìm xuống, tự nhiên phải vượt lên cao. Đó gọi là ngoài phận.
Này A Nan ! Tất cả thế gian, sống chết nối tiếp nhau không dứt. Sống thì thuận theo tập khí mà tạo nghiệp; chết thì theo dòng biến đổi mà thọ báo. Lúc gần mạng chung, chỉ còn chút hơi ấm mong manh, bao nhiêu việc thiện, việc ác đã làm trong suốt một đời, đều vụt hiện ra; trốn chết và cầu sống, hai tập khí ấy cùng lúc tranh giành. Nếu thuần là tưởng thì bay lên, ắt sanh lên cõi Trời. Nếu trong cái tâm bay lên đó mà có bao gồm phước đức, trí tuệ và chí nguyện thanh tịnh, thì tự nhiên tâm được sáng suốt, thấy được tất cả cõi Phật thanh tịnh khắp mười phương, rồi tùy ý nguyện muốn về cõi nào thì được vãng sanh về cõi đó.
Nếu tưởng nhiều mà tình ít, thì cũng bay lên được, nhưng không xa, thành các loài như tiên, đại lực quỷ vương, quỷ dạ xoa bay lên hư không, quỷ la sát đi trên mặt đất; họ có thể đi khắp cõi Trời Tứ- vương không gặp trở ngại. Trong số đó, nếu có ai có thiện tâm và phát nguyện lành, hộ trì Phật pháp, hoặc hộ trì giới cấm và bảo vệ người trì giới, hoặc hộ trì thần chú và bảo vệ người trì chú, hoặc hộ trì người tu thiền định, giữ yên pháp nhẫn, thì những vị ấy, chính mình được ở dưới pháp tòa Như Lai.
Nếu tưởng và tình bằng nhau không bay lên cũng không đọa xuống, mà sinh vào cõi nhân gian; vì có tưởng nên có phần thông minh và vì có tình nên cũng lẫn phần ngu độn. Nếu tình nhiều tưởng ít thì sinh vào cõi bàng sinh, thân thể nặng nề thì vào các giống thú có lông mao, thân thể nhẹ nhàng thì vào các loài cầm thú lông vũ. Bảy phần tình, ba phần tưởng thì chìm dưới thủy luân, sinh nơi mé hỏa luân, chịu hơi nóng của lửa mạnh, làm thân ngạ quỷ thường bị thiêu đốt; thấy nước thì thành lửa, cháy hại mình, nên trải trăm ngàn kiếp không ăn uống được. Chín phần tình một phần tưởng thì sa xuống suốt tầng hỏa luân, đến tận vùng ranh giới giữa hỏa luân và phong luân; nhẹ thì sanh vào hữu gián, nặng thì sanh vào vô gián, đó là hai loại địa ngục. Thuần là tình thì sa vào địa ngục A-tì. Nếu có thêm tâm hủy báng đại thừa, phá hoại cấm giới của Phật, nói pháp cuồng vọng để tham cầu của tín thí, lạm nhận sự cung kính, hoặc phạm các tội ngũ nghịch, thập ác, thì sẽ bị luân chuyển đọa vào từ địa ngục A-tì này sang địa ngục A-tì khác khắp mười phương. Tùy theo ác nghiệp đã tạo mà mỗi chúng sinh tự chịu lấy quả báo riêng mình. Tuy nhiên, vì chúng sinh tạo ác nghiệp có giống nhau, nên cùng chịu quả báo địa ngục giống nhau, tuồng như địa ngục vốn có chỗ nơi nhất định sẵn. Này A Nan! Tất cả các quả báo như thế đều do nghiệp của mỗi chúng sinh chiêu cảm; vì tạo mười tập- nhân bất thiện mà nhận chịu sáu giao báo đau khổ. (Trích Kinh “Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm”. Hạnh Cơ dịch. Trang 790 -798).