Nhân ngày lễ Trung Thu, chư Tăng tại Thiền việnThường Chiếu tổ chức đêm tiệc trà Trung Thu và mời tôi chứng minh. Vì vậy tôi có mấy điều nhắc nhở chư Tăng Ni và Phật tử tu hành.
Điểm thứ nhất tôi nhắc về sự liên hệ giữa người tu chúng ta với ngày lễ Trung Thu. Chúng ta lợi dụng Tết Trung Thu của nhi đồng, tổ chức lễ Trung Thu trong Thiền viện. Điều đó không thể tránh khỏi một số người phê bình quí thầy cũng vui chơi như trẻ con. Đây là điểm tôi cần giải thích rõ.
Đức Phật đã từng chỉ dạy cho người tu, nhất là người tu thiền. Muốn tu đến nơi đến chốn thì phải tập tâm mình không dính, không kẹt với sáu trần, giống như những đứa anh nhi. Anh nhi tức là trẻ nhi đồng. Đối với sáu trần nó không tham, không sân, không si. Thấy thì thấy, nghe thì nghe, biết thì biết, nó không đắm mê hay dính kẹt như người lớn.
Cho nên khi Quốc sư Huệ Trung ở núi, có người hỏi: “Hòa thượng ở núi bốn mươi năm làm những gì?” Ngài kêu một đứa bé lại, vò đầu nó nói: “Tỉnh, tỉnh, đừng để người lừa.” Đó là ý nghĩa gì? Người tu đến giai đoạn buông xả hết tâm điên đảo vọng tưởng rồi, luôn luôn hằng tỉnh hằng giác, không bị sáu trần làm mê hoặc, lôi kéo. Do đó khi chúng ta ngồi yên tu, mọi công hạnh nằm ở chỗ phải luôn luôn tỉnh, luôn luôn giác, không chạy theo, không dính mắc với sáu trần. Đó là hạnh của anh nhi, tất cả người tu thiền cuối cùngcũng phải đến đó.
Người tu thiền khi tâm đã trong sáng, thanh tịnh rồi, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười, không ưu phiền, bực bội, tức tối. Nếu là một Thiền sư mà cứ bực bội việc này, tức tối việc kia, phiền não dồn dập thì chưa phải Thiền sư. Thiền sư tâm ý luôn luôn vui hòa, có những cử chỉ thái độ hồn nhiên cũng như trẻ con. Tại sao được như vậy? Không phải vì các ngài hạn chế, bắt buộc hay là dằn ép, mà vì nơi các ngài tâm hồn đã trong lặng, không dính mắc cái gì bên ngoài, nên mới an ổn, vui tươi, hồn nhiên như bé thơ. Tâm hồn ấy nhà Phật gọi là hạnh anh nhi.
Thiền sư nhìn trẻ con ngây thơ, khờ dại, không buồn, không khổ, không lo. Chính những điểm ấy gần với người tu chúng ta, vì vậy ta muốn hòa vui với cái vui của trẻ nhi đồng. Đó là tinh thần tổ chức lễ Trung Thu của chư Tăng ở đây. Không phải vì ham vui mà vì muốn nhắc nhở nhau sống với tâm hạnh hồn nhiên, tươi đẹp của trẻ thơ. Đừng ai thắc mắc, đừng ai than phiền, đừng ai bực dọc, mới là hạnh chân thật của Thiền tăng.
Ý nghĩa thứ hai, ban tổ chức nói rằng đêm Trung Thu trăng tròn sáng rực. Chúng ta tu hành cũng muốn làm sao đi đến chỗ giác ngộ sáng suốt như trăng rằm đêm Trung Thu. Nói là nói theo văn chương vậy thôi, chớ thực tế trăng hôm nay sáng không? Trăng hôm nay tối, vì bị mây che. Tôi thường nhắc tất cả Tăng Ni, chúng ta tu không phải tìm Tánh giác từ phương trời nào, mà cốt làm sao dẹp bỏ những vọng tưởng điên đảo nơi mình. Tánh giác nơi chúng ta, ai cũng có sẵn, nên Phật mới tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Nếu chúng ta không có tánh Phật thì Phật không bao giờ tuyên bố câu ấy.
Nơi chúng ta có sẵn Tánh giác, tại sao mình không thấy? Tại vì vọng tưởng cứ liên miên, hết cái này tới cái kia, nó che lấp mãi nên cả ngày chúng ta không thấy được Tánh giác. Giống như đêm nay, mặt trăng không phải không hiện hữu, nó sẵn sàng trên hư không, nhưng vì mấy đám mây đen cứ liên tục kéo tới che lấp, thành thử chúng ta nhìn thấy như bầu trời tối. Bầu trời tối không có nghĩa là không trăng. Trăng vẫn rất sáng, nhưng chúng ta không thấy là vì mây che. Nơi nào không có mây che, thì mới thấy trăng sáng.
Đức Phật và các vị Bồ-tát thấy rõ nơi mình có Tánh giác hiện tiền, còn chúng ta không thấy là tại sao? Tại chúng ta bị những đám mây đen phiền não che phủ. Tuy không thấy nhưng nghe Phật, Bồ-tát nói chúng ta có Tánh giác, mình tin chắc và cố gắng dẹp tan vô minh, phiền não, chừng đó chúng ta sẽ thấy như đức Phật. Đó là lẽ thật mà tất cả chư Tăng Ni cũng như Phật tử đang ứng dụng tu hành. Chúng ta dẹp phiền não, dẹp vọng tưởng vì muốn cho ánh trăng giác ngộ hiện ra, chớ không phải tìm sự giác ngộ từ đâu đến. Sự giác ngộ đã sẵn nơi mình, giống như mặt trăng đã sẵn trong bầu hư không, chỉ bao giờ mây tan thì trăng hiện, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa. Chúng ta đừng mong thành Phật, đừng mong giác ngộ, mà chỉ làm sao dẹp bỏ tất cả vọng tưởng, tất cả điên đảođang phủ che tánh Phật của mình, tự nhiên không cầu cũng sẽ thành Phật. Đó là điều tối thiết yếu của sự tu hành.
Ý thứ ba, tôi muốn nhắc nhở chư Tăng Ni phải chuyên sâu vào phần thực hành. Vừa rồi, tôi đọc lại kinh Pháp Cú của Hòa thượng Thiện Siêu dịch. Trong đó Phật nói thế này: Người tụng kinh giỏi mà không khéo tu, gọi là thầy tụng, người thuyết pháp giỏi mà không khéo tu, gọi là thầy thuyết. Đọc tới đây tôi thấy có chỗ thấm. Vừa rồi lại có một người khách tương đối quan trọng tới thăm, hỏi tôi:
- Thiền viện của quí thầy nuôi Tăng Ni, như vậy những vị Tăng Ni ở Thiền viện chừng bao lâu mới mãn khóa ra làm Phật sự?
Tôi trả lời:
- Nếu là học thì bốn đến sáu năm mãn một khóa, còn tu thì không định năm. Bởi không định năm nên tôi không thể nói mấy năm mãn khóa.
Vị ấy hỏi tiếp:
- Như vậy những vị ở đây, chừng nào có thể ra làm Phật sự?
Tôi trả lời:
- Chừng nào tôi thấy những vị đó đầy đủ đức hạnh, thông hiểu Phật pháp sâu, đáng tincậy thì tôi sẽ cho ra.
Ông ta liền bẻ lại:
- Làm sao Thầy biết người đó đáng tin cậy?
Tôi đáp:
- Người nào khi học lời Phật Tổ dạy, ứng dụng tu được, sống được với điều đó, thì tôi tin tưởng.
Ông bẻ thêm một câu nữa:
- Như vậy chúng của Thầy ở đây hoài, không cho đi đâu hết, làm sao biết người đó đủ sức thắng những việc trở ngại, đủ sức thắng sự nóng giận?
Tôi trả lời tiếp:
- Tuy chúng ở đây không đi đâu, nhưng Thiền viện cả trăm người, ở chung với nhau mỗi người mỗi ý, chắc rằng cũng sẽ có những bất đồng xảy ra. Nếu những bất đồng xảy ra mà người nào vẫn thản nhiên tự tại, không buồn không hờn không trách, thì tôi thấy người đó được. Còn nếu có bất đồng rồi đâm ra bực bội, sân si, hờn trách nhau, tôi thấy người đó chưa được. Vì vậy tôi nghĩ ở trong chúng cả trăm người, ai đã sống được với tinh thần tha thứ hòa nhã, biết mến thương huynh đệ, không thù địch, không chống đối, không những hiểm độc để làm phiền nhau, tôi tin rằng những người đó sẽ làm được Phật sự. Mai kia, khi ra ngoài dù gặp cảnh khó hơn, họ có thể thắng được không khó.
Nói đến đây vị khách mới bằng lòng. Tôi giải thích thêm:
- Giả sử Tăng Ni ở trong Thiền viện chúng tôi, có người tới hỏi: “thưa thầy (hoặc thưa cô) thế nào là tam độc”, quí thầy cô sẽ giảng rõ tam độc là gì, tại sao nói nó độc. Nghe giảng như vậy quí vị có tin người đó chưa? Chắc rằng chưa tin. Chừng nào cảnh trái nghịch đến với họ, họ không nổi sân, lúc đó quí vị mới tin họ đã biết sân là độc. Gặp cảnh đáng ham muốn mà họ vẫn thản nhiên không ham muốn, quí vị mới tin họ đã dứt được lòng tham. Gặp những việc khó xử, họ vẫn thản nhiên tự tại, giải quyết một cách nhẹ nhàng, không phiền hà, không bực bội ai hết, quí vị mới tin họ có trí tuệ. Qua cách đối xử khi gặp những cảnh trái thuận, Tăng Ni vẫn tự tại giải quyết, vị đó là người đáng tin.
Giảng như vậy rồi, tôi mới sực nhớ câu kinh Pháp Cú, Phật dạy nếu mình tụng kinh giỏi mà không khéo tu thì gọi là thầy tụng, thuyết pháp giỏi mà không khéo tu thì gọi là thầy thuyết. Chúng ta nói tam độc rành quá, mà ai chọc tức nổi sân ầm ầm lên, như vậy mình chỉ biết thuyết, chớ đâu biết tu! Nghiệm qua điều này, tôi thấy lời Phật dạy quá thống thiết.
Chúng ta học thuộc lòng kinh, tụng bài này qua bài nọ, mà không khéo ứng dụng lời Phật dạy để tu sửa nội tâm của mình cho được sáng suốt, trong sạch thì việc tụng ấy chỉ là biết tụng chớ chưa phải biết tu. Biết tu là biết ứng dụng, biết điều phục ngay nơi bản thânmình, nội tâm mình, những điều xấu dở mình hàng phục thành hay tốt. Đó mới thật là người biết tu. Cũng vậy, dù mình thông thuộc được nhiều giáo điển, thuyết thao thao bất tuyệt, nhưng những gì mình nói ra cho người ta nghe, khi nó đến với mình, mình không thắng nổi, đầu hàng nó, như vậy cái thuyết của mình chỉ là thuyết suông, chớ không phải tu.
Tôi nói thế để tất cả Tăng Ni nhớ rõ, chúng ta là thầy tu chớ không phải thầy tụng hay thầy thuyết. Chúng ta học kinh, hiểu kinh để ứng dụng tu, đã ứng dụng tu thì phải sống đúng như thật lời Phật dạy. Biết cái đó xấu thì phải chừa bỏ, biết cái đó là tội lỗi thì phải tránh, biết cái đó tai họa trầm luân sanh tử thì phải vượt qua, đừng để mắc kẹt. Được như vậy mới là người biết tu. Học nhiều, đọc tụng nhiều mà không biết ứng dụng thì chưa phải là người khéo tu. Nên nói tới người tu, đòi hỏi có sự ứng dụng cho đến nơi đến chốn.
Tôi nhớ lời Tổ Đạt-ma trả lời với một học nhân:
- Thế nào gọi là Tổ?
- Hạnh giải tương ưng gọi là Tổ.
Giải là hiểu, hạnh là thực hành. Hai điều này thích hợp với nhau, cùng tương ứng với nhau mới thật là Tổ. Còn hiểu một đàng làm một ngả, thì không xứng gì hết, không hợp với ý Phật Tổ dạy.
Hôm nay nhân ngày Trung Thu, tôi đem ba ý này để nhắc nhở Tăng Ni và Phật tử, nên hiểu rõ chúng ta là người tu thì phải hành. Thực hành lời Phật dạy để sống đúng với đạo lý, như vậy mới thật là người tu. Chúng ta đừng nói đạo lý ở ngoài môi mép mà trong thâm tâm không làm gì hết. Người như thế chưa phải thật tu. Tôi mong tất cả quí vị cố gắng thực hiện cho được những điều tôi nhắc nhở. Có thế mới xứng đáng với bổn phận và trọng trách của một người tu chúng ta.