Số 15-05 HĐĐH/HC/TB PHẬT LỊCH 2560, Sydney ngày 01 tháng 5 năm 2016
THÔNG BẠCH PHẬT ĐẢN 2640
của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc
Hội Chủ Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni
Kính thưa quý Đồng hương Phật tử trong và ngoài nước
Hằng năm cứ mỗi độ trăng tròn tháng tư âm lịch, mùa sen vàng nở rộ, ngày đẹp nhất trần gian, ngày Thánh đản huy hoàng, triệu triệu người con Phật trên khắp năm châu đều hân hoan kính mừng ngày Phật Đản thiêng liêng của Đức Từ Phụ Bổn Sư thị hiện giáng thần. Đức Phật ra đời là một đại sự nhân duyên lớn như trong Kinh Pháp Hoa đã nói: "Đức Thế Tôn vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời, vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời, vì muốn cho chúng sinh chứng tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời".
Kính mừng Đại Lễ Phật Đản 2640 Phật Lịch 2560 năm nay, thay mặt Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại UĐL - TTL, chúng tôi trân trọng kính gởi đến Chư tôn Thiền đức Tăng Ni, cùng quý Đồng hương Phật tử khắp châu lục, lời chào mừng đại hoan hỷ, đại từ bi và lời chúc nguyện an lành tốt đẹp nhất. Tri ân, báo ân Đức Phật, Chư Bồ Tát Thánh Hiền, Lịch đại Tổ Sư, Thầy Tổ, và chúng ta cũng không quên tưởng nhớ đến sự phụng hiến hy sinh cao cả của chư vị Thánh Tử Đạo, các bậc tiền bối hữu công, anh linh chiến sĩ đồng bào đã hy hiến trọn đời cho Dân tộc và Đạo pháp.
Kính thưa quý liệt vị,
Hơn 26 thế kỷ về trước, có một vĩ nhân phi thường xuất hiện ra đời, chư thiên vui mừng tán thán rải hoa cúng dường, chúng sinh hỷ tán câu hội hòa vang, vạn vật hân hoan bừng lên rạng rỡ, bóng tối vô minh lui tan, ánh đạo huy hoàng tỏa rạng mười phương thế giới. Đó là một con người thật, Thái tử Tất Đạt Đa, Cha là Vua Tịnh Phạn, Mẹ là Hoàng hậu Ma Gia, dòng họ Thích Ca, tại vương thành Ca Tỳ La Vệ thuở ấy mà nay là đất nước Nepal. Để tự cứu khổ chính mình và cứu khổ cho tất cả chúng sinh, tự giải thoát chính mình và giải thoát cho tất cả chúng sinh, tìm con đường giác ngộ chính mình và giác ngộ cho tất cả muôn loài. Ngài xa lìa cung vàng điện ngọc, xuất gia tầm đạo, chứng đắc vô thượng Bồ đề, 45 năm hoằng khai hóa độ, ba trăm hội đàm Kinh Luật Luận lưu truyền, Thất chúng Đệ tử quy ngưỡng truyền thừa, năm 80 tuổi Ngài nhập Đại bát Niết bàn tại rừng Ta la Song thọ. Và từ đó, Phật Giáo nhập thế được kế tục cho đến hôm nay và mãi mãi mai sau.
Chân lý của Phật Giáo là sự thật, giác ngộ, giải thoát. Hành hoạt của Phật Giáo là hòa hóa, từ bi, trí tuệ. Phương châm của Phật Giáo là tự độ, độ tha, lợi lạc hữu tình. Tôn chỉ của Phật Giáo là nhân bản, bình đẳng, hòa bình. Chính Đức Phật dạy: "Chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất" ; "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" ; "Không có hận thù gây hấn chiến tranh khi nước mắt cùng mặn, không có giai cấp phân chia kỳ thị khi dòng máu cùng đỏ" ; "Mỗi chúng sinh hãy tự thắp đuốc lên mà đi"; và "Mọi việc ác không làm, mọi việc thiện phải làm".
Tôn chỉ, mục đích, hướng đi và sự hành trì của Phật Giáo xuất phát từ căn bản chân thực siêu tuyệt mầu nhiệm ấy, người con Phật kế thế truyền thừa phát huy và xiển dương mạng mạch Phật Đà xuyên qua hai hệ thống Bắc truyền Nam truyền, nở hoa nhiều Hệ phái Tông phái kết hợp dung thông tương thuận tương kính, băng qua các quốc độ khắp Châu Á, và đến nay truyền lưu khắp châu lục địa cầu, với lịch sử 2,600 năm đã xác tín chứng minh: Phật Giáo đi đến đâu, hòa bình đến đó. Bất cứ nơi nào Phật Giáo hiện diện, nơi ấy thể hiện đạo lý của từ bi, sức sống của tình thương và trí tuệ. Đạo Phật hội nhập vào địa vực nào trở thành Đạo Phật của quốc gia và của dân tộc đó. Bước chân hoằng pháp lợi sinh, trên đền Bốn Ơn Nặng, dưới cứu khổ Ba Đường của Phật Giáo qua 26 thế kỷ được đón nhận bằng sự kính ngưỡng, tôn vinh một cách trịnh trọng chân thành; không gây oán hận tranh chấp cừu thù, và không lưu rạn nứt khổ đau vấy máu. Đạo Phật là đạo để sống, để tri hành, bằng tình thương và sự hiểu biết, bằng đạo đức và sự tỉnh thức, làm phương châm cho cuộc đời, làm kim chỉ nam cho sự sống. Cho nên Đạo Phật nhập mà xuất, xuất mà nhập là vậy, nhập để cứu nhân gian và xuất để giác hữu tình.
Thế giới và nhân loại hôm nay, khoa học phát triển vượt bực, văn minh tiến bộ diệu kỳ, công nghệ điện tử toàn cầu, khám phá không gian và dự phỏng thời gian. Nhưng không thể phủ nhận thực tế phũ phàng, đó là: không một quốc gia nào trên thế giới được bình yên, và không một dân tộc nào được lạc nghiệp. Nơi đâu cũng bất an phòng chống, cũng phập phồng hoảng loạn. Mọi hiểm nguy thường trực đe dọa xảy ra bất cứ lúc nào; sự chết chóc tang thương đổ nát tái diễn thường trực ở bất cứ địa bàn lĩnh vực nào. Đây là sự thiếu cân bằng của con người và sự sống, do tham vọng tranh chấp cừu thù mà xa rời đạo đức của tình người và tiếng nói của lương tri. Bởi nhân tài vật lực đầu tư quá nhiều vào sự phòng thủ và chiến tranh, gây hấn, ức chế, cưỡng đoạt nên coi thường miệt thị các nước lạc hậu chậm tiến nhược tiểu mà đánh mất tính nhân bản của con người và sự sống của vạn loại chúng sinh.
Chỉ có Đạo Phật mới cứu nguy cho nhân loại, giải tỏa mọi triền phược đan xen. Chỉ có Đạo Phật mới bắc nhịp cầu hòa ái thanh lương và mở cửa vô môn hướng thượng cho đời, giải thoát khổ đau trầm luân hệ lụy. Mùa Phật Đản năm nay, chắc hẳn sẽ có nhiều Thông Điệp tán thán, tuyên xưng, nhiều nơi sẽ tổ chức lễ hội đón mừng và hàng triệu người câu hội ngưỡng phục tôn thờ.
Kính bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa quý liệt vị
Thông Điệp Phật Đản thiêng liêng tối thượng nhất là Thông Điệp của Trí tuệ Giải thoát. Thông Điệp cao cả siêu tuyệt nhất là Thông Điệp của Từ bi bình đẳng. Tuyên dương và truyền trao những Thông Điệp đi khắp thế giới có sự sống của con người và vạn hữu chúng sinh, là kiến tạo nền hòa bình đích thực cho nhân loại.
Kính chúc Chư Tôn Đức pháp thể châu viên, hạnh nguyện viên thành. Chúc nguyện toàn thể Đồng hương Phật tử nỗ lực tu học và phụng hiến cho đời. Cầu nguyện Mùa Phật Đản mãi mãi sáng ngời cho thế giới hòa bình, nhân loại an lạc.
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên, Vô Ưu thọ hạ, thị hiện Đản Sanh
Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nay Thông Bạch
TM Hội Đồng Điều Hành
Hội Chủ
(Ấn ký)