- Lời người dịch
- Lời tựa
- Chương 1: Tôn Giáo Nguyên Thủy
- Chương 2: Tôn Giáo Của Những Dân Tộc Chưa Khai Hóa
- Chương 3: Tôn Giáo Của Các Dân Tộc Cổ Đại
- Chương 4: Tôn Giáo Của Ấn Độ
- Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 1)
- Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 2)
- Chương 6: Tôn Giáo Thiểu Số
- Chương 7: Do Thái giáo
- Chương 8: Cơ Đốc Giáo
- Chương 9: Hồi Giáo
- Chương 10: Đạo Phật
- Mục Lục
Chương 5: Tôn Giáo Trung Quốc (Phần 1)
TIẾT 1: DÂN TỘC TRUNG QUỐC VÀ NGUỒN GỐC CỦA TÔN GIÁO TRUNG QUỐC
1. Dân tộc Trung Quốc
Dân tộc Trung Quốc hiện nay bao gồm các chủng tộc Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng... hợp thành. Nhìn từ quan điểm nhân chủng học, những chủng tộc này đều là người da vàng thuộc giống người Mongol, nên có thể nói rằng: các dân tộc Trung Quốc hiện nay vốn là các chi, các nhánh của cùng một chủng tộc. Theo truyền thuyết ghi chép lại trong lịch sử Trung Quốc cổ đại thì các dân tộc Trung Quốc đều là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế.
Chỉ có điều, trong số các dân tộc Trung Quốc, dân tộc Hán cư trú tại lưu vực sông Hoàng Hà là phát triển thịnh nhất, văn hóa cao nhất, khai hóa sớm nhất. Nên ngày xưa nhắc đến người Trung Quốc là người ta cho rằng đó là dân tộc Đại Hán. Lịch sử và văn hóa Trung Quốc không phải bắt đầu từ triều nhà Hán, cớ sao người Trung Quốc lại tự xưng là dân tộc Hán? Đó là vì Trung Quốc thời đại Tần Hán vũ lực mạnh nhất, bản đồ rộng nhất, tiếp xúc với văn hóa ngoại lai từ Tây Vực và Ấn Độ sớm nhất, và cũng đem thế lực của Trung Quốc bành trướng ra bên ngoài. Bởi thế, người ngoại quốc biết đến đất nước Trung Quốc sớm nhất là từ thời đại Tần Thủy Hoàng, nên họ gọi Trung Quốc là nước “Tần”, phiên âm bằng chữ Latin là “Chin”. Người phương Tây hình như có một thông lệ, thường thích thêm một âm A ở cuối rất nhiều địa danh để biểu thị nghĩa “địa phương”. Vì vậy mà tên phương Tây của Trung Quốc đã trở thành “China”, người Nhật Bản thì gọi Trung Quốc là “Shina”. Có lẽ vì người Trung Quốc cho rằng Tần Thủy Hoàng đã thi hành chính sách bạo ngược, hơn nữa thời gian tại vị lại ngắn ngủi, còn Hán Vũ Đế thì giúp cho thực lực đất nước cực thịnh, tôn sùng Nho học, thi hành chính sách nhân đạo rộng khắp, tại vị dài lâu, nên thà tự gọi mình là dân tộc Hán chứ không chịu gọi là dân tộc Tần.
Vậy thì, tổ tiên của dân tộc Hán ở đâu? Các học giả phương Tây có rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong cuốn Địa Lý Chủng Tộc Châu Á, Lý Học Tằng đã tập hợp các ý kiến đó lại và chia thành 10 thuyết là: Babylon, Trung Á, Vu Điền, Cam Túc, bán đảo Đông Dương, thổ dân, châu Mỹ, Ai Cập, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kiến giải của các học giả tuy không giống nhau, nhưng mỗi người họ đều đã lập luận dựa trên rất nhiều căn cứ. Chỉ có điều, trong những căn cứ đó, ít nhiều chứa đựng màu sắc chủ quan về khu vực và tôn giáo. Ví dụ, có một số người phương Tây hoặc các tín đồ Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, tin vào thuyết “nhất nguyên cùng tổ tiên, Thượng đế tạo con người”, nên luôn hy vọng tìm cách chứng thực rằng người Trung Quốc cũng bắt nguồn từ cùng một khu vực với tổ tiên của họ.
Theo cuốn Quốc Sử Đại Cương của Tiền Mục, sự phát hiện ra người Bắc Kinh và sự đối chiếu với người vượn Java, cho thấy việc người phương Tây ức đoán tổ tiên người Trung Quốc đến từ phía tây là hoàn toàn sai lầm. Giải phẫu tính chất xương răng và xương đầu của người vượn Java và người Bắc Kinh, chỉ thấy giống với chủng tộc Mongol ở Đông Á và tướng người Trung Quốc ở phương bắc. Người vượn Java sống cách nay đã 500.000 năm, còn răng và xương của người Bắc Kinh có thể đã là di vật từ 1.000.000 năm trước.
Trong khi đó, người Cro-Magnon, giống người được tìm thấy sớm nhất ở châu Âu, mới sống cách nay không quá 40.000 đến 25.000 năm. Căn cứ vào Cựu Ước của Cơ Đốc giáo, thời đại mà Chúa sáng tạo vũ trụ cùng Adam và Eva, theo suy tính của Augustine, cũng không hơn 6000 năm! Giáo sĩ Thiên Chúa Usher sống vào thời đại Cromwell thì nói là sự sáng tạo đó diễn ra vào thứ 6, ngày 28, tháng 10, năm 4004 trước Công nguyên.
Dấu tích lịch sử của loài người thượng cổ thật khó mà tìm thấy được. Tổ tiên của người Trung Quốc rốt cuộc đến từ đâu? Điều này vẫn còn đợi các học giả tiếp tục đi tìm chứng cứ. Nếu suy đoán từ lập trường nhân loại học và tôn giáo học so sánh, dù là bất cứ dân tộc nào, cũng đều có những tính chất đặc biệt chung, nói cho cùng thì tư tưởng của loài người giống nhau về đại thể. Thật đúng là “người đồng một tâm, tâm đồng một lý”[1] thì tự sẽ sinh ra những hiện tượng tương tự nhau.
2. Tín ngưỡng tôn giáo thời thượng cổ
Tín ngưỡng của tổ tiên người Trung Quốc thời thượng cổ không có gì khác biệt với tín ngưỡng của loài người nguyên thủy ở các dân tộc khác, cũng là sùng bái vật tổ và sùng bái vạn vật.
Đầu tiên nói về tín ngưỡng sùng bái vật tổ của người Trung Quốc. Ví dụ: bức Hà Đồ mà vua Phục Hy đã dùng để vẽ bát quái[2] và bức Lạc Thư mà vua Hạ Vũ đã dùng để chế cửu trù[3]nghe nói có xuất xứ từ con long mã và con linh quy. Không những vậy, hình tượng và truyền thuyết cảm sinh của các vị Tam hoàng, Ngũ đế[4] thời cổ đại phần lớn đều có liên quan đến vạn vật. Theo truyền thuyết, Phục Hy có đầu người mình rắn; Nữ Oa - vị nữ thần “nặn đất hoàng thổ tạo ra con người, luyện đá ngũ sắc để vá trời, và chặt chân ngao chống bốn góc trời” cũng có đầu người mình rắn; Thần Nông thì có đầu trâu. Mẹ Phục Hy cảm được cầu vồng bay quanh mà sinh ra ông; mẹ Thần Nông cảm được đầu rồng mà sinh ra ông; mẹ Hoàng Đế cảm được rùa lớn đi quanh sao Bắc Đẩu mà sinh ra ông; mẹ Thiếu Hạo cảm được tinh túy của sao Thái Bạch (sao Kim) mà sinh ra ông; mẹ vua Nghiêu cảm được rồng đỏ mà sinh ra ông; mẹ vua Tiết (thủy tổ triều Thương) cảm được nuốt trứng chim yến mà sinh ra ông, Kinh Thi cũng nói: “Chim yến theo lệnh trời, xuống trần sinh ra Thương”; Khổng Tử thì chào đời sau khi mẹ ông mơ thấy Hắc Đế (sao Thủy); thậm chí, Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng sinh ra sau khi mẹ ông mơ thấy mình giao hoan với thuồng luồng. Những chuyện thế này rõ ràng đều là di sản của tín ngưỡng sùng bái vật tổ hoặc của quan niệm vật tổ.
Ngoài ra, còn có quan niệm về con giáp. Người Trung Quốc lấy 12 loại động vật là chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo để tượng trưng cho năm sinh (gọi là 12 con giáp). Việc này tuy xuất phát từ đạo lý lớn về thiên can và địa chi, nhưng cũng không khó để suy ra được rằng tín ngưỡng nguyên thủy của 12 con giáp này chính là sùng bái vật tổ.
Tiếp theo nói đến sùng bái vạn vật, xin lấy vài ví dụ như sau:
a. Sùng bái mặt trời, mặt trăng: Vì trời không có hình thể, nên lấy mặt trời làm vua của các vị thần và lấy mặt trăng làm phối ngẫu của mặt trời. Như trong thiên Tế Nghĩa, sách Lễ Ký nói: “Tế mặt trời ở đàn dựng cao (xuân phân), tế mặt trăng ở khảm đào trũng (thu phân); tế mặt trời phía đông (ngoại tế), tế mặt trăng phía tây (nội tế)”. Có thể thấy, tế mặt trời và mặt trăng là tín ngưỡng thịnh hành của ba triều đại Hạ, Thương và Chu.
b. Sùng bái sao: Trong chữ Hán, tất cả những chữ có liên quan đến sùng bái và cúng tế đều có bộ Thị (示), biểu thị ý nghĩa “sùng bái 3 thứ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao”. Trong bộ Thị (示), chữ Nhị (二) có nghĩa “ở trên”, còn chữ Xuyên (川) đại biểu cho 3 thứ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Do vậy, trong chương Đại Tông Bá, thiên Xuân Quan, sách Chu Lễ có nói: “Lấy vật thật thiêu bằng củi để tế mặt trời, mặt trăng và các vì sao”. Vì sùng bái sao nên người ta cho rằng con người ở thế gian có liên quan với tinh tú ở trên trời. Ngay như trong sách Bão Phác Tử của Cát Hồng đời Tấn cũng nói: “Chương Chủ Mệnh Nguyên của kinhNgọc Linh viết rằng: “Điều lành dữ xảy đến cho con người an bài từ ngày nhập thai thọ khí và đều được quyết định bởi tinh túy của các vì sao.” Sao chủ mệnh đáng là sao Thánh thì người đó là Thánh, sao Hiền thì là Hiền, sao văn thì là văn, sao võ thì là võ, sao sang thì là sang, sao hèn thì là hèn, sao giàu thì là giàu, sao nghèo thì là nghèo, sao thọ thì là thọ, sao Tiên thì là Tiên”.[5]Môn đoán mệnh của Trung Quốc, sắp bát tự để đoán lưu niên,[6] có xuất xứ từ tín ngưỡng sùng bái sao; việc người Trung Quốc gọi “định mệnh luận” là “túc mệnh luận” cũng có xuất xứ từ tín ngưỡng này.[7]
c. Sùng bái khí tượng tự nhiên: Trong sách cổ, cùng là một thần nhiều khi lại có những tên gọi khác nhau. Ví dụ, “thần gió, thần mưa” nói đến trong chương Đại Tông Bá của sách Chu Lễ, lại được sách Hồng Phạm chú thích là: “sao Cơ gió thuận, sao Tất mưa hòa”. Thần mưa trong sáchThiên Vấn gọi là Bình Ế, thần gió trong sách Ly Tao và Viễn Du gọi là Phi Liêm và Phong Bá. Trong Ly Tao còn có thần mây và thần sấm, gọi là Phong Long. Trong thiên Xuân Quan, sáchChu Lễ lại đề cập đến cả tín ngưỡng sùng bái thời tiết với sự xuất hiện của thần nóng và thần lạnh.
d. Sùng bái sông núi tự nhiên: Chương Tiểu Tông Bá, sách Chu Lễ nói: “Triệu núi sông, gò đồi, đất bằng, theo hướng của chúng”. Chữ Triệu (兆) ở đây nghĩa là “lập đàn để cúng tế”. Trong sách Thượng Thư nói vua Thuấn đã “tế núi sông, cúng các thần”. Thiên Tế Pháp, sách Lễ Kýcũng xem rừng núi, sông ngòi, gò đồi là những nơi cung cấp của cải, tài vật cho con người nên xếp chúng vào loại đối tượng được cúng tế. Sách Cửu Ca thì gọi quỷ núi là thần núi. Tên gọi của thần sông rất nhiều, trong Viễn Du gọi là Hải Nhược, trong Cửu Ca và Thiên Vấn gọi là Hà Bá, trong Cửu Chương gọi là Dương Hầu, trong Viễn Du lại còn gọi là Bằng Di.
e. Sùng bái đất đai và ngũ cốc: Thần đất đai là Xã (社), thần ngũ cốc là Tắc (稷). Xã vốn là đơn vị hành chính được lập ra dựa trên chức năng sản xuất nông nghiệp của đất đai, nên từ vua chúa cho đến thứ dân, mỗi người đều có xã của mình với cấp bậc lớn nhỏ khác nhau. Trong dân gian, lấy 25 nhà lập thành một xã, 100 nhà là lý xã, 2500 nhà là châu xã; đồng thời, lấy loài cây thích hợp nhất với chất đất của xã mình, trồng cạnh các xã, làm thần Xã để sùng bái. Như trong Luận Ngữ có nói: “Người nhà Hạ lấy cây tùng, người nhà Ân lấy cây bách, người nhà Chu lấy cây dẻ”. Tính chất của thần Xã có điểm giống với lửa thiêng của người Hy Lạp và La Mã. Còn Tắc là thần ngũ cốc, là chủ tể của các loại ngũ cốc. Xã, Tắc ra đời từ sự sùng bái sức mạnh tự nhiên, bởi dân chúng cư trú trên đất xã, và sinh sống bằng ngũ cốc. Vì thế, nền chính trị sau này, xem việc cúng tế Xã, Tắc vô cùng quan trọng, có quan hệ đến sự tồn vong của quốc gia (chủ quyền lãnh thổ). Đàn Xã Tắc, do đó, được lập ở phía phải vương cung, đối diện với miếu thờ tổ tông.
3. Thần thoại sáng thế
Hầu hết các dân tộc trên thế giới, đều có thần thoại về việc khai thiên lập địa của dân tộc mình, ví dụ như người Hebrew nói là Thiên Chúa đã sáng tạo ra trời đất. Trong thư tịch cổ Trung Quốc tuy không miêu tả cụ thể chuyện này, nhưng thời đại từ Xuân Thu Chiến Quốc cho đến Ngụy Tần, đã hình thành nên rất nhiều thần thoại sáng thế. Thần thoại “Bàn Cổ khai thiên lập địa” được đưa vào cổ sử bắt đầu từ thời Tam Quốc. Các sách Tam Ngũ Lịch Ký của Từ Chỉnh vàThuật Dị Ký của Nhậm Phưởng đời Lương mà bộ Thái Bình Ngự Lãm đã dẫn đều có nói đến thần thoại Bàn Cổ. Tam Ngũ Lịch Ký nói rằng: “Bàn Cổ ở trong trời đất”. Thuật Dị Ký thì nói: “Bàn Cổ sinh ra trước trời đất và là tổ tiên của trời đất, vạn vật”.
Tam Ngũ Lịch Ký kể: “Trời đất hỗn độn như quả trứng gà, Bàn Cổ sinh ra ở trong trứng. Khi Bàn Cổ được 18 ngàn tuổi, trời đất bắt đầu phân chia, phần trong và nhẹ bay lên thành trời, phần đục và nặng lắng xuống thành đất. Bàn Cổ đứng giữa trời đất, một ngày biến hóa 9 lần, thần thông cao dày như trời đất. Mỗi ngày, trời cao thêm 1 trượng, đất dày thêm 1 trượng và Bàn Cổ cũng lớn thêm 1 trượng. Cứ như vậy 18 ngàn năm, cuối cùng, trời vô cùng cao, đất vô cùng dày và Bàn Cổ vô cùng to lớn”.[8]
Phần đầu Thuật Dị Ký chép rằng: “Ngày xưa, khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và mặt trăng, mỡ biến thành sông biển, lông tóc biến thành cỏ cây. Thời Tần và thời Hán, dân gian nói rằng, đầu của Bàn Cổ biến thành Đông Nhạc (núi Thái Sơn), bụng biến thành Trung Nhạc (núi Tung Sơn), tay trái biến thành Nam Nhạc (núi Hành Sơn), tay phải biến thành Bắc Nhạc (núi Hằng Sơn), và hai chân biến thành Tây Nhạc (núi Hoa Sơn). Nhà Nho xưa thì nói, nước mắt của Bàn Cổ biến thành sông, hơi thở biến thành gió, giọng nói biến thành sấm, con ngươi biến thành chớp. Cổ nhân cũng cho rằng: khi Bàn Cổ vui vẻ thì trời nắng đẹp, khi Bàn Cổ nổi giận thì trời u ám”.
Đây là cách dùng thần thoại để giải thích các hiện tượng tự nhiên của vũ trụ. Theo khảo sát của các học giả, trong thiên Nam Man Truyện của sách Hậu Hán Thư có nói: “Tổ tiên của các dân tộc phương nam tên là Bàn Hồ. Có thể là, người ta đã đem thần thoại sáng thế của các dân tộc phương nam chuyển biến thành thần thoại chung của người Trung Quốc, vì ở vùng Nam Hải của Quảng Tây có mộ Bàn Cổ và ở Quế Lâm còn có cả miếu thờ Bàn Cổ[9]. Bàn Cổ có lẽ là biến âm của Bàn Hồ chăng!”
Sau truyện Bàn Cổ khai thiên lập địa, lại có truyện “Nữ Oa nặn đất hoàng thổ tạo ra con người”[10], truyện này gần giống với thần thoại sáng thế mà kinh Sáng Thế Ký trong Cựu Ướcđã nói tới. Nữ Oa là một đế vương thời cổ đại, là một vị nữ hoàng thần thánh. Thần thoại về Nữ Oa có phần mâu thuẫn vì có thuyết nói bà họ Phong, cùng một dòng họ với Phục Hy, và sau thành hoàng hậu của Phục Hy; Phục Hy chết, bà kế tục Phục Hy trị vì thiên hạ, là vị nữ hoàng đầu tiên của Trung Quốc; như vậy, có thể thấy trước khi bà ra đời đã có loài người trên trái đất. Còn về thần thoại “Nữ Oa luyện đá ngũ sắc”, theo giải thích ở trang 4, quyển 1, bộ Lịch Sử Trung Hoa 5000 Năm của Trương Kỳ Quân thì nó “biểu thị tình trạng của thời đại đồ đá mới, khi đó đồ đá đã phát triển đến cao độ”, “đá ngũ sắc biểu thị cho chủng loại của đồ đá rất nhiều, nhờ đó đáp ứng được các nhu cầu sử dụng khác nhau”. Giải thích thần thoại cổ đại như vậy đúng thực là phần trách nhiệm của các sử gia.
4. Tín ngưỡng phù thủy và ma thuật
Tín ngưỡng phù thủy rất thịnh hành trong các dân tộc nguyên thủy. Thầy phù thủy là người đại diện cho con người cầu xin thần linh ban phước, là người môi giới giữa con người và thần linh. Thầy phù thủy của Trung Quốc giống với các thầy tư tế như Moses, thậm chí là giống với các nhà tiên tri của Do Thái giáo cổ đại. Trung Quốc xưa kia từng thiết lập riêng hai chức quan coi sóc tín ngưỡng tôn giáo, một gọi là Chúc (祝), một gọi là Sử (史), thầy phù thủy thuộc về loại Chúc. Trong thiên Sở Ngữ, sách Quốc Ngữ, nhà tư tưởng tôn giáo Quan Xạ Phụ nói: “Thời cổ đại, con người và thần linh không lẫn lộn với nhau. Những người lòng dạ thẳng ngay, trước sau như một, lại có thể giữ mình cung kính đoan nghiêm, công bằng chánh trực, tài trí có thể làm cho trời đất trên dưới an định, thánh quang có thể sáng rọi tận miền viễn xứ, ánh mắt có thể nhìn thấu tất cả, đôi tai có thể nghe khắp bốn phương, được như thế thì thần linh sẽ giáng hạ đến chỗ họ; người nam gọi là Hịch (觋), người nữ gọi là Vu (巫)”. Có thể thấy, để đủ tư cách làm một thầy phù thủy thời cổ đại cũng không dễ dàng chút nào.
Sách Thuyết Văn Giải Tự viết rằng: “Vu chính là Chúc, là nữ phù thủy có thể phụng sự quỷ thần vô hình, dùng các điệu múa để làm cho thần linh giáng hạ trần gian”. Phù thủy ở Trung Quốc thời thượng cổ nhìn chung đều do nữ giới đảm nhiệm, nếu nam giới làm phù thủy cũng phải hóa trang thành nữ giới. Tín ngưỡng này sau đó truyền đến Tân La (Triều Tiên ngày nay), tất cả nam phù thủy của Tân La đều mặc trang phục nữ giới. Người Tân La tin theo Hwarang đạo,[11]những Hwarang là những thanh thiếu niên tuấn tú được tuyển chọn từ trong giới quý tộc. Từ Tân La, tín ngưỡng này truyền sang Nhật Bản, ở Nhật Bản đến nay vẫn còn có nghi thức tôn giáo, trong đó người nam hóa
trang thành nữ để làm lễ và ca múa.
Ma thuật là do các phù thủy bày ra. Ma thuật của Trung Quốc thực sự là nhiều không kể xiết. Trong chương 1, cuốn Đại Cương Lịch Sử Tư Tưởng Tôn Giáo Trung Quốc của Vương Trị Tâm có viết: “Chúng ta đọc đến các thư tịch cổ của Trung Quốc, bất luận là Kinh, Tử, Sử hay Tập,[1]không đâu là không có sắc thái của ma thuật. Âm dương của Kinh Dịch, ngũ hành của Kinh Thư, minh đường của Kinh Lễ, ngũ tế của Kinh Thi, cùng ngũ hành, phương kỹ, thuật số trong bộ Nhị Thập Tứ Sử, hay quỷ thần, nhân quả trong Tử và Tập, đều liên quan đến ma thuật. Đặc biệt là các sách Sấm Thư, Vĩ Thư đời Hán và các sách Phật giáo sau đời Hán, chỗ nào cũng đầy rẫy những ma thuật thần kỳ, quái đản”. Phạm vi của ma thuật vô cùng phức tạp: “Nói chung, những thứ được liệt kê trong sách sử như minh đường, hợp cung, phong thiện, từ tự của việc cúng tế; quyền mưu, hình thế, âm dương, kỹ xảo của việc nhà binh; thiên văn, lịch phổ, thi quy, ngũ hành, tạp chiêm, hình phương của môn thuật số; y kinh, y phương, phòng trung, thần tiên của môn phương kỹ... đều có thể xem là thuộc phạm vi của ma thuật”.
5. Âm dương, ngũ hành, bát quái
Ma thuật của Trung Quốc chủ yếu hình thành nên từ hai thuyết âm dương và ngũ hành. Âm dương vốn xuất xứ từ Kinh Dịch, ngũ hành thì có gốc gác từ Hồng Phạm. Ý nghĩa ban đầu của âm dương trong Kinh Dịch và ngũ hành trong Hồng Phạm là suy cứu sự giải thích về nguyên lý của vũ trụ. Nhà âm dương thời Chiến Quốc cũng là một nhà nghiên cứu học thuật. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành là sự phân tích các nguyên tố của vũ trụ, giống như địa, thủy, hỏa, phong trong thuyết tứ đại của Ấn Độ, chúng cũng là những nguyên tố căn bản xây dựng nên vũ trụ. Nhưng về phương diện tôn giáo, người ta luôn lấy âm dương, ngũ hành làm nền tảng để phát triển ma thuật. Sang thời đại Tần Hán, đặc biệt là thông qua cuốn sách Xuân Thu Phồn Lộ, lấy thân phận Nho gia, Đổng Trọng Thư đã đề xướng mê tín âm dương, ngũ hành, phổ biến ma thuật cầu mưa, dừng mưa. Vì thế, tư tưởng Nho gia thời nhà Hán đã pha tạp vào những điều mê tín, khác xa tư tưởng của Khổng Tử là “không nói chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần” và ít nói về “bản tính và đạo trời”. Chẳng trách mà Chương Thái Viêm phải thốt lên rằng: “Trọng Thư dựa hơi Khổng Tử, giống như Cung Sùng, Trương Lăng dựa hơi Lão Tử vậy.”[2]
Bát quái mà Phục Hy dùng đạo lý âm dương để vẽ ra là những phù hiệu mang tính tượng trưng đầu tiên được loài người sử dụng để ghi chép lại các hiện tượng tự nhiên. Xuất xứ từ tín ngưỡng sùng bái bộ phận sinh dục, ban đầu Phục Hy đã nghĩ đến việc dùng hào dương (một đường thẳng nét liền) đại biểu cho bộ phận sinh dục nam và dùng hào âm (một đường thẳng nét đứt) đại biểu cho bộ phận sinh dục nữ; lại dựa trên quan niệm âm dương phối hợp thành trời đất, lấy hai phù hiệu đại biểu cho lưỡng tính nam nữ âm dương này sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, tạo thành những biểu tượng để biểu thị các loại hiện tượng tự nhiên mà trời đất sinh ra. Những biểu tượng đó được gọi là bát quái. Bát quái có 8 quẻ tượng trương cho 8 hiện tượng tự nhiên cơ bản, xin xem biểu đồ dưới đây:
Tên quẻ |
乾 Càn |
兌 Đoài |
離 Ly |
震 Chấn |
巽 Tốn |
坎 Khảm |
艮 Cấn |
坤 Khôn |
Bát quái |
☰ |
☱ |
☲ |
☳ |
☴ |
☵ |
☶ |
☷ |
Hiện tượng |
Thiên (Trời) |
Trạch (Đầm) |
Hỏa (Lửa) |
Lôi (Sấm) |
Phong (Gió) |
Thủy (Nước) |
Sơn (Núi) |
Địa (Đất) |
Nếu kết hợp bái quái với ngũ hành, phương hướng, can chi và ngày tháng thì có thể thuyết minh bằng biểu đồ dưới đây:
Ngũ hành |
Mộc |
Hỏa |
Thổ |
Kim |
Thủy |
Phương hướng |
Đông |
Nam |
Trung |
Tây |
Bắc |
Bát quái, can chi và ngày tháng |
☰ Càn (Giáp, ngày 15) |
☶ Cấn (Bính, ngày 23) |
☵ Khảm (Mậu) |
☳ Chấn (Canh, ngày 3) |
☰ Càn (Nhâm) |
☷ Khôn (Ất, ngày 29) |
☱ Đoài (Đinh, ngày 8) |
☲ Ly (Kỷ) |
☴ Tốn (Tân, ngày 16) |
☷ Khôn (Quý) |
Biểu đồ trên ý nói: Càn là Giáp, Khôn là Ất, Càn Khôn hoặc Giáp Ất thuộc phương đông, cũng thuộc hành Mộc. Giáp, Ất thuộc hành Mộc; Bính, Đinh thuộc hành Hỏa; Mậu, Kỷ thuộc hành Thổ; Canh, Tân thuộc hành Kim; Nhâm, Quý thuộc hành Thủy. Theo đó mà phối hợp tính toán, cộng thêm các yếu tố phụ như năm tháng, ngày giờ, thì có thể sắp được bát tự, đoán được vận mạng. Như vậy, vận dụng sự biến hóa của bát quái, thực sự có thể “tương thông với thần linh”.
Về biểu đồ vị trí của bát quái, nay căn cứ theo Bát Quái Đồ do Thiệu Ung đời Tống vẽ, mô phỏng như sau:
Bát quái này biến hóa trùng trùng điệp điệp, tạo thành 64 quẻ, lấy hai quẻ Càn, Khôn đứng đầu, 62 quẻ còn lại đều từ hai quẻ Càn, Khôn biến hóa ra. Trong 64 quẻ, mỗi quẻ tính từ trên xuống dưới có 6 hàng, hàng nào cũng gọi là hào, tổng cộng có 384 hào, mỗi hào đều có ý nghĩa riêng, làm hình thành nên thuyết huyền học lý số của môn tượng số, và được các nhà phù thủy sử dụng vào việc bói toán. Khổng Tử đã khen Kinh Dịch là “dùng để kết nối với cái đức của thần linh”. Vì thế, đến khi Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho, Kinh Dịch được liệt vào loại sách bói toán nên đã không bị đốt. Tóm lại, âm dương của Kinh Dịch chính là gốc rễ của tư tưởng triết học Trung Quốc và cũng chính là nguồn cội của ma thuật Trung Quốc.
TIẾT 2: TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO TỪ THỜI TAM ĐẠI ĐẾN THỜI TẦN HÁN
1. Sùng bái quỷ thần
Ở đây, trước tiên phải nói rõ là, theo truyền thuyết thì Trung Quốc đã có 5000 năm lịch sử, bắt đầu tính từ khi Phục Hy vẽ ra bát quái. Nếu tính từ thần thoại Bàn Cổ khai thiên lập địa, cộng cả thời đại Tam hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng, thì khoảng hơn 400.000 năm; thời đại từ Phục Hy lần lượt đến Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, rồi Thuấn gọi là thời đại Ngũ đế; thời kỳ ba nhà Hạ, Thương, Chu tiếp đó gọi là thời kỳ Tam đại. Nhưng chính sử của Trung Quốc phải tính từ triều nhà Thương, thậm chí là từ triều nhà Chu sau đó. Các nhà sử học cũng gọi thời kỳ từ nhà Thương trở về trước là thời kỳ viễn cổ. Lịch sử trước thời nhà Thương chỉ là truyền thuyết, truyền thuyết thì không hẳn là sai sự thật nhưng cũng không tránh khỏi có phần thất thiệt. Bởi vì, truyền thuyết đa số là xuất xứ từ thần thoại, đương nhiên thần thoại cũng có bối cảnh ra đời của nó, nhưng tin tưởng hoàn toàn vào thần thoại thì rõ ràng là không nên. Tuy vậy, trong niềm tin xưa nay của người Trung Quốc, tư tưởng thời Tam đại là mô phạm của tất cả mô phạm, nên chúng ta giới thiệu tôn giáo của Trung Quốc, cũng sẽ lấy thời Tam đại làm cột mốc đầu tiên.
Tôn giáo Trung Quốc từ thời Tam đại về sau có một điểm đặc sắc là sự sùng bái nhị nguyên, tức sùng bái cả thần tự nhiên lẫn thần tổ tông, nên có người gọi nó là nhị thần giáo. Nó có vẻ gần giống với tôn giáo Hy Lạp cổ bởi người Hy Lạp ngoài thần tự nhiên, còn có lửa thiêng đại biểu cho thần tổ tông. Tín ngưỡng sùng bái Xã Tắc của Trung Quốc tương tự như tín ngưỡng sùng bái lửa thiêng của Hy Lạp. Thực ra, sự sùng bái tổ tiên của người Trung Quốc là từ sùng bái Xã Tắc biến đổi mà ra. Xã Tắc vốn là thần đất đai và thần ngũ cốc; nhưng đến sau này, dân chúng tôn một người có công nuôi sống các xã là Câu Long, con của Cộng Công, cháu đời thứ 11 của Thần Nông, làm Hậu Thổ, tức thần đất đai; lại lấy người con trai của vua Cốc là Khí, tổ tiên của triều Chu, làm Hậu Tắc, tức thần ngũ cốc. Như vậy, từ sùng bái thần đất đai và ngũ cốc diễn biến thành sùng bái thần tổ tông là việc rất rõ ràng. Mặt khác, vì dân gian lấy những người có đức đã từ trần thờ chung với thần Xã Tắc, nên các vị Thành Hoàng, Thổ Địa sau này, cũng là từ tín ngưỡng sùng bái Xã Tắc chia tách ra.
Các thần tự nhiên là thần trời, thần đất, còn các thần tổ tông lại là quỷ. Quan niệm về quỷ của Ấn Độ giáo và Cơ Đốc giáo đều không mấy tốt đẹp. Ấn Độ giáo gọi các chúng sinh ở quỷ đạo là những u hồn không được thờ cúng, còn Cơ Đốc giáo thì gọi quỷ là ma quỷ, là satan, đây đều là những loài gây tai họa cho loài người. Nhưng người Trung Quốc cổ đại, đối với quỷ, lại rất thân thiết. Thuyết Văn Giải Tự nói: “Người chết rồi thành quỷ”. Thích Ngôn thì nói: “Quỷ được gọi là người trở về”. Lễ Vận cũng nói: “Người mà hồn khí trở về trời, hình phách trở về đất là quỷ”. Có thể thấy, cổ nhân tin tưởng sâu sắc rằng người chết rồi đều sẽ thành quỷ, xem cái chết như sự trở về, làm quỷ hoàn toàn không có gì đáng sợ, chỉ là chuyển từ xã hội loài người sang một xã hội khác - xã hội của loài quỷ. Họ còn tin rằng, người và quỷ vẫn có thể qua lại với nhau, làm quỷ rồi vẫn có cơ hội để báo thù các oan gia ở nhân gian, cũng như báo ơn những ân nhân tại trần thế. Bởi vậy, việc phong tục cúng tổ thờ quỷ của người Trung Quốc trở thành phong tục truyền thống thâm căn cố đế không phải là điều ngẫu nhiên.
2. Thần trời và thần đất
Các thần tự nhiên chia thành thần trời và thần đất, giờ sẽ lần lượt giới thiệu các vị thần này:
2.1 Thần trời
Trong số các thần trời, Hạo Thiên Thượng Đế ở địa vị tối cao, dưới Ngài là 5 vị Ngũ đế do ngũ hành phối hợp với ngũ phương tạo thành:
a. Thương Đế ở phương đông, chủ về hành Mộc, tên là Linh Uy Ngưỡng.
b. Xích Đế ở phương nam, chủ về hành Hỏa, tên là Xích Tiêu Nộ.
c. Hoàng Đế ở trung tâm, chủ về hành Thổ, tên là Hàm Xu Nữu.
d. Bạch Đế ở phương tây, chủ về hành Kim, tên là Bạch Chiêu Cự.
e. Hắc Đế ở phương bắc, chủ về hành Thủy, tên là Diệp Quang Kỷ.
Hạo Thiên Thượng Đế là bậc chí tôn trong số các thần trời, Ngũ đế đều vì Ngài mà phục vụ. Những đế vương ở nhân gian là do Hạo Thiên Thượng Đế cử các hóa thân của Ngũ đế chia nhau xuống đảm nhiệm. Ví dụ, khi Hán Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa, có một bà lão khóc nói: “Con ta là con của Bạch Đế, nay bị con của Xích Đế chém rồi”. Rõ ràng câu này ý nói Lưu Bang là hóa thân của Xích Đế. Việc các đế vương của Trung Quốc tự xưng là thiên tử cũng xuất phát từ đạo lý này.
2.2 Thần đất
Thần đất được gọi là Địa thị. Các thần Xã Tắc, thần Ngũ Nhạc, thần núi rừng, thần sông đầm, thần vạn vật tứ phương... đều thuộc vào loại Địa thị. Vì sự sùng bái đối với tổ tiên nên các Địa thị đều là con người được suy tôn lên sau khi họ chết. Ví dụ, Câu Long và Khí được thờ cùng với Xã, Tắc; thần sông Tương vốn là một phu nhân họ Tương, hoặc là hai người con gái của vua Nghiêu tên là Nga Hoàng và Nữ Anh; sách Bão Phác Tử có nói: Bằng Di vượt sông bị chết đuối, sau được phong làm Hà Bá.
3. Tính giai cấp của việc cúng tế
Xã hội cổ đại Trung Quốc cũng giống với Hy Lạp và La Mã, đều theo chế độ chính giáo hợp nhất. Người nắm quyền của một nhà, một xã cho đến một nước đồng thời cũng là người chủ trì việc cúng tế. Đế vương chính là Giáo hoàng, chức trách trọng yếu của đế vương - một người lãnh đạo đất nước chính là quân sự và cúng tế. Vì phạm vi quyền lực của những người làm chủ có lớn có nhỏ, nên việc cử hành nghi thức cúng tế cũng có tính lệ thuộc và tính giai cấp của nó. Giờ xin chép ra đây hai đoạn trong thiên Tế Pháp, sách Lễ Ký để nói rõ điều này:
a. “Chôn dê, heo ở đàn Thái Chiêu để tế bốn mùa. Cầu nguyện trên đàn hoặc dưới khảm để tế thần nóng và thần lạnh. Đàn Vương Cung để tế mặt trời. Đàn Dạ Minh để tế mặt trăng. Đàn U Tông để tế sao. Đàn Vu Tông để tế thần ngập lụt và hạn hán. Đàn và khảm ở bốn phía đông, tây, nam, bắc để tế thần ở bốn phương. Tất cả núi rừng, sông ngòi, gò đồi... chỉ cần chúng có thể phun mây, nổi gió, tạo mưa, làm ra các hiện tượng dị thường, đều được gọi là thần. Đế vương phải tế khắp núi cao sông lớn trong thiên hạ, còn chư hầu chỉ tế núi cao sông lớn trong lãnh thổ của mình, nếu lãnh thổ quốc gia đã bị chiếm mất thì cũng không cần phải tế nữa”.
b. “Đế vương vì trăm họ mà cúng tế 7 vị thần có quan hệ mật thiết với cuộc sống thường ngày của con người là: thần Tư Mạng, thần Trung Lưu, thần Quốc Môn, thần Quốc Hành, thần Thái Lệ, thần Hộ và thần Táo. Đế vương cũng vì bản thân mình mà cúng tế 7 vị thần này. Các chư hầu vì bá tánh trong nước mình mà cúng tế 5 vị thần là: thần Tư Mạng, thần Trung Lưu, thần Quốc Môn, thần Quốc Hành và thần Công Lệ. Các chư hầu cũng vì bản thân mình mà cúng tế 5 vị thần này. Các quan đại phu cúng tế 3 vị thần là: thần Tộc Lệ, thần Môn và thần Hành. Các quan đích sĩ cúng tế 2 vị thần là: thần Môn và thần Hành. Tầng lớp trí thức và thường dân chỉ cúng tế 1 vị thần là: thần Hộ hoặc thần Táo.”
Như vậy, trừ cúng tổ ra, đế vương có 7 loại cúng tế, thường dân chỉ có 1 loại cúng tế, đây là quy định mang tính giai cấp đối với việc cúng tế thần tự nhiên. Vua là “Giáo hoàng” của dân chúng trong thiên hạ, là người tổng chủ trì việc cúng tế các thần, còn thường dân chỉ có chủ quyền trong phạm vi một gia đình, nên chỉ có thể cúng tế thần Hộ hoặc thần Táo mà thôi. Trong 7 loại cúng tế của vua, trừ tế thần Tư Mạng và thần Thái Lệ ra, còn lại được gọi là Ngũ tự.
Lễ tế tự lớn nhất của đế vương là lễ phong thiện. Thời cổ đại, mỗi lần một triều đại khác lên nắm quyền trị vì thiên hạ đều phải cử hành đại lễ phong thiện. Lập đàn tế trời trên núi Thái Sơn gọi là “phong”, dọn đài tế đất ở núi Lương Phụ[3] gọi là “thiện”. Nếu đem quyền lực của đất nước nhường lại cho một người tài đức khác họ với mình thì gọi là “thiện vị”. Phong thiện là nghi lễ cúng tế trời đất dành riêng cho thiên tử.
Về minh đường, trong Lễ Ký có một thiên tên là Minh Đường Vị nói rằng: Vào thời cổ đại, minh đường cực kỳ quan trọng, nó là trung tâm hành chính, tế tự, giáo dục của đế vương, nó là nơi hành chính, nơi tế trời, nơi cúng tổ và nơi phát triển giáo dục. Công dụng của minh đường rất nhiều nên tên gọi của nó cũng rất nhiều. Thái Ung từng nói: “Với công dụng cúng tổ thì gọi nó là “thanh miếu”, dùng làm nơi tế tự thì gọi nó là “thái miếu”, vì vẻ nguy nga của nó nên gọi là “thái thất”, vì phòng chính của nó hướng về phía mặt trời nên gọi là “minh đường”, nó còn là trường học nên gọi là “thái học”, hào nước xung quanh nó trông như ngọc bích nên gọi là “bích ủng”; nhiều tên khác nhau nhưng cùng chỉ một thứ, kỳ thực đều là minh đường cả”.
4. Sùng bái tổ tông
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tông ra đời từ rất sớm. Sách Ký Niên và Bác Vật Chí nói rằng: “Hoàng Đế băng hà, bề tôi của Hoàng Đế là Tả Triệt lấy các vật dụng hàng ngày của ông đem vào trong miếu để cúng ông”[4]. Có thể thấy phong tục cúng tổ đã có từ thời Hoàng Đế.
Tuy nhiên, thờ cúng tổ tông thời cổ đại không theo quan hệ huyết thống mà lấy “người có công làm tổ, người có đức làm tông”, tức là trong các vị tiên hiền, vị có công với nhân dân thì lấy làm tổ còn vị có đức cao vọng trọng thì lấy làm tông của người hậu thế. Ví dụ, trong thiên Tế Phápcủa Lễ Ký có nói: “Người Hữu Ngu thờ Hoàng Đế mà cúng vua Cốc, tổ là Chuyên Húc mà tông là vua Nghiêu”. Tổ tông này không phải là họ hàng cùng huyết thống. Nhưng đến triều Hạ, tổ tông và con cháu đã trở thành những người cùng huyết thống: “Người Hạ Hậu thờ Hoàng Đế mà cúng vua Cổn, tổ là Chuyên Húc mà tông là vua Vũ”. Đây là do sự khác nhau từ khi thiên hạ là của chung trở thành là của riêng một dòng họ.
Từ sùng bái tổ tông, đã sản sinh ra sùng bái quỷ. Thậm chí, nền chính trị thời đại Ân Thương đã lấy ý chỉ của quỷ thần làm điểm tựa. Lại do sự thờ quỷ mà người ta tin tưởng một cách cực đoan rằng người chết rồi chắc chắn sẽ thành
quỷ. Vì thế, đến sau thời Xuân Thu, dần hình thành nên một phong tục hậu táng long trọng và tốn kém. Tống Văn Công, Quý Bình Tử... đều đã được hậu táng. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng rất trang nghiêm, hùng vĩ. Cho đến các bậc đế vương và vương hầu đời Hán cũng xây dựng lăng mộ của họ cực kỳ xa xỉ. Không chỉ xây dựng các mộ phần to đẹp cho quỷ hưởng thụ, đến sau thời Xuân Thu, người ta còn chôn cả người sống theo để làm người hầu hạ cho quỷ. Tần Mục Công băng hà, người bị tuẫn táng theo lên đến hơn 170 người. Tập tục dã man này đến tận thời nhà Minh vẫn còn có một số vị vua làm theo, cuối cùng vua Minh Anh Tông mới hủy bỏ nó.
Phương thức cúng tổ của Trung Quốc cũng rất đặc biệt, mỗi khi cúng tổ đều phải “lập thi”. Lập thi nghĩa là lấy cháu trai đại biểu cho ông nội đã chết, đặt ngồi ở vị trí trung tâm của bàn cúng tế, người cha làm lễ, dâng cúng và bái lạy, người con (cũng là người cháu) nhận dâng cúng, thọ lễ bái và ăn đồ cúng. Việc lấy cháu trai để thay thế cho ông nội đã chết này được gọi là lập thi. Chủ ý của việc này là người cha cúng ông nội, nhưng trên thực tế là người cha cúng con trai. Ý nghĩa của phong tục lập thi là dạy về hiếu đạo, giáo dục cho người con trai đạo lý làm thế nào để cung kính, dưỡng nuôi người còn sống và thờ cúng, tưởng nhớ người đã chết. Nhưng phong tục lập thi này, đến thời đại Tần Hán đã bị phế bỏ, thay vào đó là lập “mộc chủ”.
Thiên Chu Bản Kỷ trong Sử Ký chép rằng: “Chu Vũ Vương làm mộc chủ của Chu Văn Vương, cùng chở đi thảo phạt vua Trụ”. Câu này ý nói là Vũ Vương khắc một tượng gỗ của Văn Vương để đại biểu cho Văn Vương, giống như di ảnh mà ngày nay sử dụng vậy. Có thể đây chính là nguồn gốc của mộc chủ. Nhưng mộc chủ mà người đời sau sử dụng là những miếng gỗ viết lên họ tên, danh xưng của người đã chết, không còn giống các bức tượng nữa. Dựa trên nguyên nghĩa của mộc chủ, người đời nay đã chuyển sang dùng di ảnh, không cần phải viết thêm bài vị gỗ hoặc bài vị giấy nữa.
Người Trung Quốc khi cúng tổ đều không thể không đốt hương, nến và giấy tiền vàng mã. Theo những gì được khảo chứng, về việc nến được dùng để thờ cúng, trong Chu Lễ đã có ghi chép lại rằng: “Các quan Tư huyên phụ trách cung cấp nến cho các lễ cúng tế”; về việc đốt hương, không thấy chép trong sách cổ, là do Phật giáo truyền vào; giấy tiền vàng mã mãi sau này mới xuất hiện, quan Thái thường bác sĩ đời Đường là Vương Dữ nói: “Từ đời Hán đến nay, khi mai táng đều chôn tiền thật theo người chết, hậu thế chúng ta lại lấy nhà, tiền vàng mã để cúng tế sau khi chôn cất xong”. Do đó, có người cho rằng phong tục đốt vàng mã có từ thời Ngụy Tấn, có người thì lại nói là xuất hiện từ thời nhà Đường.
Hương, nến, giấy tiền vàng mã được bá tánh thời nay cho là tiêu chí của việc tín ngưỡng Phật giáo. Kỳ thực, trong 3 thứ này, Phật giáo chỉ dùng mỗi hương. Phật giáo tuy chủ trương lấy ánh sáng cúng Phật, nhưng chưa bao giờ nói đó là ánh sáng nến mà chỉ cho ánh sáng đèn dầu. Còn giấy tiền vàng mã vốn là thứ mà Phật giáo phản đối, vì Phật giáo không cho rằng tất cả người chết đều thành quỷ, mà làm quỷ rồi thì cũng không thể dùng tiền.
Khổng Tử chủ trương: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, khi cúng tế cha mẹ cũng phải đúng theo lễ”. Đây là tinh thần hiếu đạo được đề xướng lên thông qua sự kết hợp với phong tục thờ cúng tổ tông của Trung Quốc từ xưa đến nay, nhưng bản thân Khổng Tử chưa bao giờ thực sự tin rằng người chết rồi sẽ thành quỷ.
5. Sự biến đổi của tư tưởng tôn giáo
Tôn giáo cổ đại của Trung Quốc có một bước ngoặt vào thời đại nhà Chu. Đời Tây Chu học theo các đời trước, Trời hoặc Thượng đế mà họ tin tưởng khi đó gần giống với Thiên Chúa Yahweh trong Cựu Ước, phải “kính sợ trước cái uy, trước cơn thịnh nộ của Trời”, phải “cần mẫn phụng sự Thượng đế” một cách “cẩn trọng từng ly từng tí” (Kinh Thư). “Thượng đế soi xét người đời, không có lòng từ thoảng hương thơm ngát, chỉ có hình phạt tỏa mùi tanh hôi”, nhưng “Trời cũng thương xót dân chúng tứ phương” (Lữ Hình). Ở đây, rõ ràng Trời là một vị thần được nhân cách hóa, là chúa tể thưởng thiện phạt ác, Ngài tuy có lúc nổi cơn thịnh nộ, nhưng vẫn là một vị thần từ hòa thương xót nỗi khổ của chúng dân. Lại như Chu Vũ Vương, khi tuyên bố với tướng sĩ về ý nghĩa của trận chiến với vua Trụ tại Mục Dã đã nói: “Nay Cơ Phát tôi chỉ là cung kính thuận theo ý Trời mà đánh dẹp vua Trụ”, các tướng sĩ cũng nói rằng: “Thượng đế đứng về phía ngài, vì ngài không sống hai lòng” để cổ vũ Chu Vũ Vương (Kinh Thư). Rõ ràng là, những gì ghi chép lại ở đây mang quan niệm siêu thần giống quan niệm của người Hebrew.
Thảo nào, sau khi Cơ Đốc giáo truyền đến Trung Quốc vào thời nhà Minh, các giáo sĩ đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu về Thượng đế nói tới trong các sách cổ của Trung Quốc, và chứng minh Thượng đế của Trung Quốc cùng Thượng đế của Cơ Đốc giáo là một. Thật ra, Thượng đế mà Cơ Đốc giáo tin thờ là một Jesus “yêu thương” và “chính nghĩa” trong Tân Ước, chứ không phải là một Yahweh “phẫn nộ” và “uy quyền” trong Cựu Ước. Còn về Thượng đế của các nhà Nho như Khổng Tử và Mạnh Tử thì càng không có quan hệ gì với Thượng đế của Cơ Đốc giáo vì từ thời Đông Chu về sau, tư tưởng tôn giáo của Trung Quốc đã có những biến động lớn, giờ xin chia ra giới thiệu như sau:
a. Tư tưởng của Đạo gia: Vào thời cổ đại, Trời là một đấng có ý chí, có thể thưởng thiện phạt ác. Lão Tử và Trang Tử của Đạo gia sau này lại đem quan niệm về “Trời” đó biến đổi thành quan niệm về một “Đạo” vô ý chí. Đạo là bản thể của vũ trụ, là “tự nhiên”. Vũ trụ quan của Lão Tử mang tính cơ giới, ông nói: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn giữa tính năng của Đạo với tính năng của Hạo Thiên Thượng Đế trước kia. Trang Tử cũng đã nói: “Đạo trời vận hành không tắc nghẽn, cho nên vạn vật được sinh thành”, ý nghĩa cũng giống như Lão Tử vậy. Lão Tử còn nói: “Vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ Có, Có lại sinh ra từ Không”, “Trời noi theo phép tắc của Đạo, Đạo noi theo phép tắc của tự nhiên”. Tự nhiên là Không, tính chất của Không chính là bản thể của vũ trụ. Trang Tử từng nói: “Đạo ở khắp nơi, ở dế ở kiến, ở cỏ ở cây, ở gạch ở ngói, ở phân ở tiểu”. Đạo tồn tại trong vạn vật, khắp hết thảy vạn vật đều là Đạo. Thực ra, đây chính là tư tưởng của thuyết phiếm thần hoặc vạn hữu thần giáo.
b. Tư tưởng của Nho gia: Khổng Mạnh (Khổng Tử và Mạnh Tử) tuy không tin vào tính chân thực của Hạo Thiên Thượng Đế, và tuy cũng là những người theo thuyết phiếm thần, nhưng lại có điểm khác với Lão Trang (Lão Tử và Trang Tử). Lão Trang chú trọng vào bản thể của vũ trụ, còn Khổng Mạnh tập trung vào hiện tượng của vũ trụ; Lão Trang từ sự tồn tại khắp nơi và vô ý chí của bản thể mà phủ định có một vị thần siêu việt được nhân cách hóa, Khổng Mạnh thì từ sự quan sát hiện tượng mà không quan tâm gì đến quỷ thần. Ví dụ, Khổng Tử nói: “Mắc tội với Trời, không chỗ cầu đặng.”[1] Khổng Tử không cho rằng cầu xin Trời là việc làm hữu dụng, Khổng Tử xem Trời là nguyên lý của vũ trụ, nguyên lý thì không có ý chí, cầu xin với nó có ích gì đâu? Vì vậy, ông còn nói: “Trời có nói gì đâu, mà bốn mùa cứ xoay vần, vạn vật cứ sinh sôi, Trời có nói gì đâu!” Trời là một nguyên lý vũ trụ không có ý chí, không có tình cảm, Trời biểu hiện trong bốn mùa, trong vạn vật. Nhưng, Khổng Tử lại không chịu phủ định quỷ thần, ông dạy mọi người tự thể nghiệm thực sự có quỷ thần hay không từ trong cuộc sống thực tế của chính mình. Về bản chất, ông là một người theo thuyết phiếm thần; nhưng về thái độ, lại là một người theo thuyết bất khả tri còn mang nhiều nghi vấn. Bản thân ông không tin có quỷ thần nhưng cũng không quyết đoán là quỷ thần không tồn tại. Trên mặt quan niệm, ông không thừa nhận quỷ thần, nhưng ông lại cảm thấy tín ngưỡng quỷ thần cũng thực sự hữu dụng. Trong quyển Biện Vật, bộ Thuyết Uyển có chép một đoạn như sau: Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, người chết có biết gì không hay không biết gì nữa?” Khổng Tử đáp: “Nếu ta nói người chết có biết thì e rằng những đứa con cháu hiếu thảo sẽ bắt chước chết theo ông bà cha mẹ. Nếu ta nói người chết không biết thì e rằng những đứa con cháu bất hiếu sẽ vứt xác ông bà cha mẹ chúng mà không chôn cất”. Khổng Tử quay sang Tử Lộ nói tiếp rằng: “Muốn biết người chết có biết hay không biết, thong thả đợi đến lúc chết sẽ tự biết, lúc đó cũng còn chưa muộn”. Bởi vậy, Khổng Tử chủ trương: “Cúng tế tổ tiên thì giống như tổ tiên thực sự hiện diện, cúng tế thần linh thì giống như thần linh thực sự hiện diện”. Cúng tế là việc làm cần thiết, tuy không chắc rằng có quỷ thần hiện diện hay không, nhưng cứ làm như là thực sự có quỷ thần đang ở đó để hưởng cúng tế.
c. Tư tưởng của Hán Nho: Khổng Mạnh và Lão Trang tuy đều không chủ trương tín ngưỡng vào sự tồn tại của quỷ thần, song từ thời Xuân Thu trở về trước, ở Trung Quốc có rất nhiều nhà âm dương chuyên nói về quỷ thần và thuật số. Vì vậy, đến thời Tần Hán, ma thuật thịnh hành, phương sĩ[2] đầy rẫy. Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế đều từng nhờ cậy các phương sĩ để tìm cầu thuốc trường sinh bất lão. Do đó, ma thuật dung hợp với Nho học đã trở thành nét đặc sắc của Hán Nho (Nho học đời Hán). Trong Đại Cương Lịch Sử Tư Tưởng Tôn Giáo Trung Quốc, Vương Trị Tâm nói rằng: “Hán Vũ Đế tôn sùng Nho học, lập chức quan Ngũ kinh bác sĩ[3]. Kinh Phòng giảng Kinh Dịch thì chú trọng đến tai dị[4], Mạnh Hỷ giảng Kinh Dịch thì nói về quái khí[5]. Sau đó, khi Trịnh Huyền chú thích Kinh Dịch toàn là lấy thuyết của hai người này”. Lại còn nói: “Những học giả ấy đi guốc trong bụng các đế vương[6], mượn thuyết âm dương ngũ hành, tạo ra môn sấm vĩ gì gì đó. Đổng Trọng Thư thực sự là người tiên phong tạo ra sự mê tín này, tác phẩm Xuân Thu Phồn Lộ của ông ta đã đề xướng niềm tin mù quáng vào âm dương ngũ hành, và dùng sự mê tín đó để giải thích kinh Xuân Thu”.
Còn theo cuốn Lịch Sử Tôn Giáo Đông Hán của Tống Bội Vi thì: “Sấm Thư và Vĩ Thư tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ đều bắt nguồn từ các nhà âm dương cổ đại, và đều là sản phẩm của sự kết hợp giữa Nho gia và phương sĩ. Đây là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Khởi thủy của Sấm và Vĩ đại khái là vào thời đại Tần Hán. Đến giữa những năm Ai Bình đời Tây Hán[7], vì sự pha trộn của Nho giáo và phương thuật, bộ Vĩ Thư “không biết ai sáng tác” mới dựa hơi Khổng Tử mà thịnh hành ở đời. Nhưng nói tỉ mỉ một chút thì môn sấm vĩ đã đạt đến cực thịnh ngay từ thời Đông Hán”. Đến cuối thời Tây Hán, tư tưởng sấm vĩ đã ăn sâu vào lòng người, những kẻ gian xảo thời đó đa phần lấy sấm vĩ làm “bùa hộ mạng” cho mình; Vương Mãng, Quang Vũ Đế... đều như vậy cả.
Sấm và Vĩ khác nhau ở chỗ: Sấm là lời dự đoán các việc lành dữ; còn Vĩ là một nhánh khác của kinh, tổng cộng có 7 vĩ là Dịch, Thư, Thi, Lễ, Nhạc, Hiếu và Xuân Thu. Vĩ là loại sách dùng tư tưởng phương thuật để chú thích 7 bộ kinh, nên nó bị cho là sản phẩm mê tín của các học giả đời Hán.
140. Thành ngữ này nghĩa là “với những sự việc hợp tình hợp lý thì cách nghĩ của mọi người đều sẽ giống nhau”.
141. Bát quái là 8 quẻ tượng trưng cho 8 hiện tượng tự nhiên cơ bản.
142. Cửu trù là 9 loại phép tắc cơ bản để trị vì thiên hạ.
143. Theo Sử Ký Tư Mã Thiên thì Tam hoàng là: Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng, còn theo Xuân Thu Vận Đẩu Xu thì Tam hoàng là: Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông. Theo Sử Ký Tư Mã Thiên thì Ngũ đế gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn; còn theoSở Từ thì Ngũ đế gồm: Thái Hạo, Viêm Đế, Hoàng Đế, Thiếu Hạo và Chuyên Húc.
144. Quyển 12, Nội Thiên, Bão Phác Tử.
145. Lưu niên là hạn theo từng năm một.
146. Chữ Túc (宿) còn có một âm khác là Tú, nghĩa là “chòm sao”.
147. Quyển 2, Thái Bình Ngự Lãm.
148. Xem thêm Thuật Dị Ký.
149. Bộ Nhân Sự trong Thái Bình Ngự Lãm dẫn lời sách Phong Tục Thông.
150. Hoa Lang đạo, có phần giống với Võ sĩ đạo của Nhật Bản.
151. Toàn bộ thư tịch cổ Trung Quốc được phân chia theo nội dung thành 4 loại lớn là Kinh, Sử, Tử và Tập. Kinh bao gồm kinh điển và các trước tác liên quan của Nho gia. Sử bao gồm các loại sách sử. Tử bao gồm trước tác của các nhà tư tưởng và nhà tôn giáo từ thời Tiên Tần đến nay. Tập bao gồm các tác phẩm văn chương, thơ từ, ca phú...
152. Quyển 2, sách Thái Viêm Văn Lục, bộ Chương Thị Tùng Thư.
153. Một ngọn núi nhỏ nằm dưới núi Thái Sơn.
154. Trích từ quyển 5, bộ Trạch Sử.
155. Quyển 7, Luận Ngữ.
156. Phương sĩ là hậu duệ của đám thầy phù thủy, thầy âm dương.
157. Các thầy giáo giảng dạy Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu).
158. Tai dị là tai họa thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên dị thường.
159. Quái khí là việc dùng bát quái của Kinh Dịch để biểu trưng cho hai thuộc tính âm dương đối lập của sự vật.
160. Ý nói biết được họ mê tín.
161. Từ năm thứ 6 trước Công nguyên đến năm thứ 5 sau Công nguyên.