Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên bên dòng sông Cửu Long giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, vốn từ bi, hiếu thảo, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
Lặng lẽ miệt mài dụng công, âm thầm trao dồi nội tâm theo đường hướng thượng, giải thoát, từ thuở còn thanh xuân. Cho nên sau biến cố năm 1975, dù đang theo học ngành điện tử ở Đại học Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn, Thanh Lương liền vất bỏ hết, ném lại sau lưng những bọt bèo kiến thức, những sự nghiệp phù du, quay về quê nhà ở Cù lao Ông Chưởng.
Một mình cần mẫn cất thảo am giữa cánh đồng hoang vu, cô quạnh, cạnh dòng sông Hậu im lìm, tiếp tục nghiên cứu Phật học và hành thiền miên mật. Thật là hy hữu, mới 20 tuổi, còn quá trẻ trung mà biết áp dụng, thực hành thiền định vào đời sống hằng ngày rồi. Ngồi quán chiếu, nhập thất thường xuyên, hết tháng này sang năm nọ… Trải qua nhiều trạng thái vô phân biệt trí, xuất thần, nhập diệu phiêu diêu :
Hốt nhiên không còn phân chủ khách
Tự nhiên muôn pháp lộ thân trần
Trăng thanh gió mát đều như thị
Trùng trùng duyên khởi tự Pháp thân
Nhân duyên đầy đủ, chí xuất trần quá mạnh nên đến năm 1981, Thanh Lương quyết định xa lìa thảo am, lên đường đi xuất gia ở chùa Bửu Liên, Cần Thơ. Quy y với Hòa thượng Thích Thiện Tâm, một bậc đạo cao đức trọng trong hàng thạch trụ tòng lâm. Từ đó, mở ra một phương trời mây trắng, phong quang không bờ bến, thênh thang qua lại khắp muôn chiều :
Luân lưu trong các nẻo
Giờ tỉnh lại thanh nhàn
Tu là ăn với mặc
Tỉnh tỉnh dứt lầm than
Tuy lòng yên tịnh, tỉnh thức nhưng hành giả vẫn công phu hàm dưỡng, trên những dặm trường cô lữ đó đây. Ngày đêm niệm niệm không rời công án tử sinh, dù ở dưới vùng quê hẻo lánh hay trên thị thành náo nhiệt, phồn hoa. Năm 1983, trên đường du hóa, hành giả dừng chân tạm trú nơi chùa Pháp Vân, Gò Vấp, Sài Gòn, bắt đầu thuyết giảng Phật pháp, thính chúng theo học cũng khá đông. Trong thời kỳ này, hành giả cũng tùy duyên, phương tiện, cũng tham gia các khóa học ngoại điển trong vài ba năm. Tốt nghiệp, lấy bằng Thủ khoa giảng sư Phật học và Cử nhân Anh văn, một cách dễ dàng.
Cưu mang, nung nấu một thời gian dài gần mười năm nghiền ngẫm thâm sâu lý đạo, lẽ đời, rồi đến năm 1993, mới thực sự làm cuộc viễn ly triệt để, biệt từ chốn thành đô hào nhoáng, ồn ào phố hội phù hoa, bồng tênh quảy gió mây trời lên cõi miền hoang vắng tịch liêu trên tuyệt đỉnh Núi Dinh, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dựng lập Thanh Lương am, làm kẻ độc hành ca giữa thâm sơn cùng cốc :
Chí hướng về trên đỉnh núi cao
Nghìn năm mây vợn chẳng hề xao
Cho dù bão tố từng đưa đẩy
Có chuyển lay đâu một chút nào
Có chuyển lay đâu một chút nào
Tình trần sáu nẻo luống lòng đau
Mong ngày giải thoát cho ba cõi
Đưa chúng sinh qua giấc mộng sầu
Phải chăng đó chính là đại nguyện thiết tha, khiến cho hành giả xả buông tất cả, sau khi đã từng thấy nghe tận mắt, từng chứng kiến biết bao nhiêu chuyện điêu linh, trầm thống, biết bao vô thường, dâu bể tang thương giữa trăm miền huyễn hóa phù sinh. Nhiệt tâm chiêm nghiệm, lặn sâu vào tận bên trong đáy lòng tịch mịch của mình, rồi một chiều bữa nọ, hoát nhiên bừng ngộ một điều chi vi diệu, hành giả lặng lẽ vất hết mọi nhiêu khê thế sự, buông xuống, bỏ lại dưới phố thị kia mọi thứ hư danh, phù phiếm, để đơn thân độc mã, viễn hành ca lên rừng cao núi thẳm, tình tự với mây trời bằng hồn thơ lồng lộng gió trăng phơi :
Trời mây vô niệm đến cùng ta
Trăng gió từ bi vốn của nhà
Vũ trụ bao la lòng quảng đại
Tánh cũ là Tánh Không, là Tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi chính mình. Ai thấy được Tánh Không ấy là sống bồng tênh, nhẹ nhõm, thung dung. Hùng tâm tráng khí, thi gan cùng tuế nguyệt miên trường suốt bao nhiêu năm trời đằng đẵng trôi qua trên đỉnh núi thanh trầm. Thấp thoáng vào ra, lên xuống một hình một bóng người cô đơn, lạnh lẽo, thoạt trông có vẻ như buồn thiu, hiu hắt lắm, nhưng ai có ngờ đâu, kẻ cô liêu ấy, lại vô cùng thong dong, nhàn nhã và thanh thản an nhiên. Tiếng thơ lại vang lên, đồng vọng khắp ba nghìn thế giới giữa mười phương vũ trụ xanh ngần :
Cô đơn lặng lẽ độc hành thân
Tự tại an nhiên bặt dấu trần
Ai sống được tâm không bạn lứa
Khắp trời hiển lộ Pháp vương thân
Pháp thân hay Chân tánh là cố hương vĩnh cửu, là cố quận, quê nhà mà hành giả luôn luôn thao thức tìm phương cách trở về, muốn quy hồi trên cuộc lữ tư tưởng uyên tư. Từ niềm tin tưởng tuyệt đối đó làm động lực cho những bước đi kỳ cùng sáng tạo, vô ngần nhẫn nại, kiên trì, dốc hết ý chí bình sinh đầy linh động, để vượt qua và vượt qua những hố hầm ngã chấp, những truông đèo mê vọng tối tăm :
Năm qua qua hết vọng mê
Năm nay hiện tại cũng về huyễn thôi
Nghìn năm khắp nẻo luân hồi
Một trường mộng ảo bời bời tỉnh chưa ?
Tỉnh ra mộng chẳng thiếu thừa
Mà nơi huyễn tính thường ưa tu trì
Hỏi rằng ai đó tu chi ?
Tu là tu vậy có gì được đâu
Bình an vốn thật thẳm sâu
Thiền đạo tu tập là tự mình chuyển nghiệp, chuyển hóa tâm thức, làm cho bùng vỡ, tan biến hết mọi ràng buộc, dính mắc vào ngã chấp, vào âm thanh, sắc tướng, những hiện tượng vốn không thật, chỉ là huyễn hóa, giả hợp kia thôi. Với cây tuệ kiếm Kim Cang, hành giả vung lên một nhát mạnh mẽ, chặt đứt những sợi dây mê vọng, hư huyễn, tà kiến ngay lập tức, làm vụt hiện bừng ra nụ cười bình an, thanh thoát thẳm sâu. Sâu thẳm một tâm hồn chan chứa yêu thương, một nguồn thương yêu diệu kỳ, trang trải đại bi tâm tuyệt hảo vô ngần :
Trần thế khó lường ý thật yêu
Yêu người mà chẳng bị người xiêu
Tình yêu chân thật vô năng sở
Yêu thế mới yêu thật mỹ miều
Mỹ miều tuyệt đẹp là tình yêu như thế, một thứ tình yêu vô điều kiện như Krishnamurti : “Có thể yêu thương, nhưng không mắc vướng vào một người nào, vào bất cứ gì. Đó là mức chí thiện của đời sống tình cảm. Phải tách lìa tất cả nhưng cũng vẫn thương yêu tất cả, vì tình thương là sự bừng nở của cuộc sống.” Trên tinh thần vô chấp, khoan dung, độ lượng đó thì mặc tình tùy hỷ, tùy duyên, tùy thuận chúng sinh, thung dung niêm hoa vi tiếu, nhẹ nhàng buông xả và buông xả :
Xả buông hết cả tìm chân đạo
Khai mở trí tâm mới thật mầu
Thấu suốt bản lai đầy ngọc quý
Đạo hằng lưu chuyển dứt lo âu
Khi biết bản lai diện mục là viên ngọc như ý vốn có sẵn trong lòng mình rồi thì còn âu lo, sợ hãi chi nữa ? Mọi thứ phiền não tự nhiên cũng rụng tàn theo mưa ngàn, gió nắng giữa rừng cao lấp lánh, long lanh. Thanh Lương am quanh năm lãng đãng, bàng bạc mây trắng lẫn sương mù, là nơi chốn ẩn cư của một tâm hồn hoằng đại, thâm trầm, một bậc thượng thừa, vừa cao vời như mây núi vừa sâu thẳm như đáy trùng dương, người đã nếm được hương vị cô liêu của cuộc sống :
Vạn sự thanh nhàn có với không
Can chi huyễn mộng chỉ hoài công
Tùy duyên mây nổi theo chiều gió
Nào có chi riêng một tấc lòng
Một tấc lòng sanh lắm đảo điên
Theo chiều suy thịnh khổ triền miên
Hãy xem cho rõ hư không tính
Một niệm dừng sanh giải thoát liền
Khi thấy rõ Tánh Không thì lồng lộng như mây ngàn bát ngát mông mênh, chẳng còn chỗ đi, chẳng còn chốn đến mà ngay đây là đương xứ tức chân, hân hoan cất lên tiếng hát đại hòa điệu chơi trên cung bậc bất nhị, như như :
Mọi sự đều lạc an
Lưu chuyển rất thanh nhàn
Chỉ cần không thắc mắc
Vui thú sẽ vô vàn
Mọi sự đều yêu nhau
Thác đổ tiếng ào ào
Mưa rơi liền ướt tóc
Chẳng hề hỏi vì sao
Mọi sự đều như như
Ban rải tính bi từ
Chỉ lòng không riêng có
Hòa sự sự như như
Như như, như thị, như nhiên, như vậy, như vầy, như thế… Hành giả Thanh Lương trên đường quy hồi cố quận đã từng băng qua nhiều sa mạc hư vô quằn quại, nhiều địa ngục lùng bùng giam nhốt sân si, nhiều cảnh đời tuyệt lộ, khô khan trong cơn túy sinh mộng tử. Băng qua cõi ta bà khủng khiếp, rùng rợn đang đắm chìm trong bóng tối vô minh và một mình đã vượt lên trên tuyệt đỉnh cô phong, đứng chơ vơ giữa ngút ngàn mây trắng, thăng hoa, ngờm ngợp trước huy hoàng càn khôn vũ trụ mênh mông. Lòng bát ngát, rỗng rang nghe chim suối, hoa ngàn hợp tấu bản Vô sự ca thanh thoát, rạt rào :
Bao năm lặng lẽ trôi
Trên đỉnh núi xa bặt dấu trần
Với mây trời quang đãng
Với gió mát trăng trong
Với núi đồi rừng bụi
Lòng quên đi các duyên sự
Lòng quên đi lòng không nương gá
Có không nào quản
Theo ngày tháng nào biết đâu đầu cuối
Chỉ sáng ra trời mọc chiều lại lặn về tây
Chim hót ngọt ngào gió lùa mát rượi
Bỗng mọi sự không còn sai biệt chốn vô tâm
Sự sự vật vật tuôn trào dòng pháp nhũ
Linh diệu thay ! Huyền nhiệm thay !
Ai hay không có đêm ngày luân lưu
Đó là bài thơ Trên đỉnh núi hay là bản nhạc hòa khúc cung cầm nhập hoan hỷ địa của hành giả đã uống được ngụm nước đầu nguồn của mạch sống xanh trong ? Thong dong là niềm vui vô sự, vô tâm. Cảm hứng làm thơ là bất chợt thôi, còn suốt ngày, hành giả chú tâm nhập thất, thiền định là chính. Thỉnh thoảng cũng làm dịch giả lai rai chơi, vì tâm đắc với Krishnamurti, một bậc đạo sư kỳ vĩ của nhân loại. Những tác phẩm của Krishnamurti đã dịch thuật và được nhà xuất bản Phương Đông ấn hành như :
Đường vào hiện sinh, Tâm thiền, Lửa thiền, Tham thiền vẻ đẹp của tình yêu, Đường bay chim đại bàng, Buổi nói chuyện tại thủ đô Washington Hoa Kỳ 1985.
Ngoài ra cũng dịch thuật và nhà Tôn Giáo đã xuất bản những tác phẩm ưa thích, nói về cảnh giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm :
Thomas Cleary. Nhập bất khả tư nghì cảnh giới.
Francis H. Cook. Lưới trời Đế thích.
Minoru Kiyota. Thiền đại thừa, lý thuyết và thực hành.
Steve Odin. Siêu hình học tiến trình và triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông.
Garma C. C. Chang. Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông
Nhiều tác giả. Pháp môn Thiền quán theo Hoa Nghiêm tông.
Nhiều tác giả. Nghiên cứu Thiền và Hoa Nghiêm tông.
Đặc biệt, duy nhất một tác phẩm Tham thiền tự cảnh sách văn là của hành giả Thanh Lương viết, trong suốt thời kỳ du sĩ, lặng thầm nhập thất đó đây, từ năm 1976 đến 1996, qua những vùng biển núi xa xôi ở khắp mọi miền : Núi Sập, Long Xuyên, Phú Quốc, Cần Thơ, Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long Hải, Đại Tòng Lâm, Đại Ninh, Đà Lạt…
Lặng lẽ một nếp sống đạm bạc, thanh bần, làm ẩn sĩ trên núi rừng mông quạnh, chỉ biết tiêu dao, hào sảng với ngàn trăng sương mây gió tự do, hít thở khí trời tự tại, rồi cũng có khi làm một cuộc xuống núi, làm một chuyến phiêu bồng, thõng tay vào phố chợ Sài Gòn.
Có thể nói, Thanh Lương hành giả là người đã lãnh hội giáo lý Krishnamurti và triết lý Hoa Nghiêm một cách thâm sâu, thấu thị, sâu sắc, qua lời phát biểu tế nhị : “Giáo lý Krishnamurti và Triết học Hoa Nghiêm có điểm giống nhau trên phương diện ứng dụng là sự tự tri, tự giác, quan sát và quán chiếu thực chất hay thực tướng của cuộc đời. Đặc biệt là đời sống tâm thức ta để thấy bản ngã là không thật, như huyễn, để sống trong cuộc sống thực tiễn đầy bất trắc, đau thương mà vẫn được hạnh phúc, thương yêu.”*
Quy hồi cố quận, trên con đường phong quang, ngút ngàn mây trắng bao la, thấp thoáng đóa hoa Đức Phật đưa lên trên tuyệt đỉnh Linh Sơn và Ma Ha Ca Diếp mỉm cười. Nụ cười thiên thu bất diệt ấy bây giờ lại hốt nhiên bừng nở trên tuyệt đỉnh Núi Dinh, một cách nhiệm mầu :
Linh Sơn họp mặt dễ gì đâu
Núi dựng rừng cao hố thẳm sâu
Qua đỉnh ngã nhân liền kiến Phật
Tuyệt thay ! Pháp pháp tại tâm đầu
Tâm đầu tựu đức mới thành viên
Cảnh cảnh tùy tâm mục hiện tiền
Ngăn nắp tùng Không đều chẳng ngại
Viên dung sự lý tánh thường nhiên
Một khi lý sự viên dung được rồi thì thi ca, hội họa, âm nhạc, văn chương hay toàn thể sinh hoạt cuộc đời, toàn thể pháp giới mười phương đều dung thông vô ngại, vô quái ngại trên từng bước đi phóng khoáng giữa muôn chiều diệu dụng thương yêu.
Yêu thương vô lượng vô biên như vầng trăng sáng vằng vặc trên núi đồi cô tịch Thanh Lương am. Cảm nhận một điều chi đơn sơ giản dị, tôi biết cũng gần 30 năm rồi, tôi với hành giả là chỗ giao tình đồng điệu, cùng tương ứng trên bước đi Krishnamurti và Hoa Nghiêm nhịp nhàng tiêu sái. Cõi mộng vân hành, Thanh Lương hành giả đã có lần ra tận ngoài hải đảo xa ngút mù khơi thăm tôi và tôi cũng tìm về Cù lao Ông Chưởng viếng thảo am một bận.
Xanh cây lá rừng cao trầm hùng vĩ
Chập chùng lên ghềnh đá tảng đồi hoang
Ẩn hiện triền non ven sườn dốc
Thanh Lương am thấp thoáng giữa sương ngàn
Bay nghi ngút hòa đất trời hợp tấu
Bản Hoa Nghiêm pháp giới khởi trùng trùng
Trùng trùng duyên khởi do tâm tạo
Vô biên tình vô lượng nghĩa viên dung
Đã đi khắp cõi Đông Tây tư tưởng
Về nơi đây lặng lẽ thấy sâu xa
Bỗng nghe Không Lộ gầm sấm sét
Chợt bừng ra vi diệu cái đang là
Hào khí thay ! Một mình trên đỉnh núi
Uống sương sa và thở khói u huyền
Trời mây vô niệm niềm tự tại
Tự do cười mọi sự cứ như nhiên
Thơ Thanh Lương, trích trong tác phẩm Tham thiền tự cảnh sách văn. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2006
* Minh Mẫn. Danh nhân Văn hóa Phật giáo Việt Nam đương đại. Nhà xuất bản Lao Động, 2007