Chuyện hai cha con và con lừa
Thoại Hoa
Ngày nọ, một đứa trẻ hỏi cha nó :
-“Thưa cha, sau này con phải sống làm sao cho được lòng khen ngợi của mọi người ?”
Người cha thấy con mình còn nhỏ tuổi mà đã biết suy nghĩ như thế, trong lòng không khỏi lâng lâng vui mừng. Buổi sáng đi làm việc, ông gọi con đi theo, để cho nó có dịp được học hỏi.
Ra khỏi căn nhà, người cha leo lên con lừa, còn người con đi bộ theo sau. Dân làng thấy cảnh đó, hò hét la lối :
-“Cha gì mà độc ác thế, nở lòng nào ngồi trên lưng lừa để đứa con mình đi bộ !”
Người cha nói nhỏ với đứa con :
-“Con có nghe dân làng nói gì không? Thôi hai cha con mình trở về nhà !”
Ngày hôm sau, hai cha con lại đi ra khỏi nhà, người cha đỡ đứa con ngồi trên lưng con lừa, còn mình thì đi bộ bên cạnh. Dân làng thấy thế hô to lên :
-“Đứa con gì bất hiếu, không biết kính nể cha già, dám ngồi trên lưng lừa để cha mình đi bộ !”
Người cha nói nhỏ với đứa con :
-“Con nghe gì không con ? Thôi, chúng mình trở về nhà !”
Ngày hôm sau, cả hai cha con leo lên ngồi trên lưng con lừa. Dân làng chỉ trích :
-“Hai cha con này không biết thương thú vật, bắt con lừa chở quá nặng sao nó chịu nổi ?”
Người cha lại nói nhỏ với đứa con :
-“Con nghe không con ? Chúng mình trở về nhà vậy ! ”
Ngày kế, hai cha con lại lên đường. Cả hai khuân vác hành lý, con lừa chạy bước kiệu ngắn theo sau. Lần này dân làng chỉ trỏ, chê bai cả hai cha con :
-“Kìa, hai cha con khuân vác nặng nề, còn con lừa khỏe ru, thật là sự đời đảo ngược !”
Người cha nói nhỏ với đứa con :
-“Con nghe không con ? Thôi, hai cha con mình trở về nhà vậy !”
Chuyện đến đó, người cha nói với con như thế này :
“Con thấy không, nếu cứ sợ người chỉ trích, thì mình không làm gì được. Oan hay ưng, mình nhẫn nhục, bỏ qua. Cha con mình và con lừa sống như một gia đình, phải thương mến chia xẻ với nhau. Hể cha mệt, thì cha ngồi trên lưng con lừa, con đi bộ bên cạnh. Lúc con mệt, thì cha nhường chổ cho con. Khi thấy con lừa mệt thì hai cha con mình đi bộ, trút bớt gánh nặng cho con lừa. Nói rộng hơn, sống trong tăng già, mình phải biết an hoà, tương trợ với người chung quanh. Nếu con hành động như vậy thì tâm sẽ được thanh tịnh, không phiền nảo”.