Nhân loại tôn vinh Mahatma Gandhi (1869- 1948) là một trong mười thiên tài sáng tạo nhất trong lịch sử. Mahatma Gandhi là bậc thiên tài tâm linh, hòa hợp tâm hồn và thể xác. Một con người mạnh mẽ, rắn chắc luôn hoạt động cả trong suy nghĩ và hành động. “Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trên thế giới”. Với tư tưởng đột phá ấy Mahatma Gandhi đã trở thành một thiên tài cách mạng tinh thần.
Người có thể cho chúng ta nhiều lựa chọn. Gandhi - người đầu tiên tiến hành cuộc cách mạng chính trị thành công mà không cần tới vũ lực, đã thay đổi thế giới bằng sức mạnh mà ông gọi là “Quyền lực tâm linh”. Một sự kết hợp thú vị giữa đạo đức chính trực, sự phục tùng, lòng khoan dung, cầu nguyện, khả năng tự lực, tự thanh lọc và tình yêu. Từ đó chúng ta học được nhiều điều.
Bằng quyền lực tâm linh Gandhi giành được độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh năm 1947. Chiến lược đối kháng thụ động hay phòng thủ không vũ lực chưa từng có trước đây của ông tôn vinh lý tưởng chân lý và bất bạo lực, thậm chí bao gồm cả khả năng yêu thương kẻ thù. Triết lý thiết thực và những cuộc biểu tình khôn khéo của Gandhi đã gây ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo vĩ đại như Martin Luther King, Nelson Mandela, Dalai Lama và nhiều người khác.
Là một nhà lãnh đạo phong trào bất bạo động, Martin Luther King (1929-1968) nhấn mạnh: “Gandhi có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử nâng lòng kính Chúa lên trên sự tương tác giữa các cá nhân quyền lực và lực lượng xã hội trên một phạm vi rộng lớn.” Về con người cá nhân, Gandhi là một tấm gương cho tất cả những người đang tìm kiếm Tự Do trong tâm thức và Sức Mạnh Tâm Linh trong cuộc sống thường ngày.
Gandhi sinh năm 1869 trong một gia đình thương nhân có tiếng nói chính trị lớn tại Porbandar - Ấn Độ. Gia đình theo Ấn Độ giáo nên Gandhi được học đạo từ nhỏ, thấm đẫm phẩm hạnh cao đẹp. Cậu bé Gandhi được ghi nhận là “Thần đồng đức hạnh”. Cậu vô cùng nhạy cảm về lòng tốt, biết tự mình chuyển biến hành động xấu thành tốt. Trong cuốn tự truyện “Trải nghiệm chân lý” Gandhi viết: “Một thứ ăn sâu trong tôi, đó là niềm tin vững chắc rằng đạo đức là nền tảng của vạn vật và chân lý là cốt lõi của đạo đức. Chân lý trở thành mục tiêu duy nhất của tôi. Tầm quan trọng của nó ngày càng lớn và định nghĩa mà tôi đưa ra cũng trở nên rộng lớn chưa từng có”.
Trong một lần chống lại phương pháp ăn chay của bố mẹ, chàng Gandhi bí mật ăn thịt dê cùng một người bạn theo đạo Hồi. Đêm đó, anh gặp ác mộng, mơ thấy một chú dê đang kêu “be, be” trong bụng. Mặc dù vẫn cố chấp và ăn thịt vài lần trong năm tiếp theo, nhưng cuối cùng chàng tự nhận ra việc lừa dối bố mẹ còn tồi tệ hơn việc không ăn thịt. Gandhi viết:“Nói dối là không tốt” và nhận ra “Chính điều này đã cứu tôi thoát khỏi nhiều cạm bẫy”.
Năm 1883, Gandhi cưới Kasturbai khi cả hai mới mười ba tuổi. Đó là cuộc tảo hôn, mai mối, nhưng Gandhi rất yêu vợ. Bà sinh cho ông bốn người con trai và luôn ủng hộ ông trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển năng khiếu bản thân. Tuy nhiên sau đó ông phản đối công khai việc hôn nhân theo sắp đặt. Ông viết: “Tôi không hề thấy đạo đức nào ủng hộ việc tảo hôn phi lý này”.
Năm 1887, gia đình miễn cưỡng để Gandhi rời Ấn Độ sang London học luật. Mẹ ông bắt ông phải thề không đụng tới thịt, rượu và đàn bà ở đó. Ông gia nhập Hội người ăn chay London. Trở về Ấn Độ, Gandhi hành nghề luật sư. Năm 1893, ông bỏ nghề luật sư giàu có ở Bombay, đến Nam Phi sống với một bảng một tuần. Ông đi du lịch từ Pretoria, người ta yêu cầu ông phải rời khỏi toa hạng nhất chỉ vì ông không phải người da trắng. Ông không chịu chuyển sang toa dưới, bị người ta đẩy xuống tàu. Ông đã sống ở Nam Phi trong 21 năm sau đó để chống chính sách kỳ thị chủng tộc.
Tuổi thơ Gandhi là cậu bé nhút nhát. Học trung học, cậu luôn sợ những học sinh nhỏ bé hơn mình. Người vú nuôi Rambha đã đưa ra một lời khuyên làm thay đổi cuộc đời Gandhi. Bà nói: “Việc con sợ là không sai, nhưng khi con sợ một cái gì đó, thay vì bỏ chạy, con hãy đứng yên, và đọc đi đọc lại câu thần chú “Rama, Rama”. Khi đó, nỗi sợ hãi sẽ tan biến.”
Hãy giữ chặt tâm trí và trái tim tôi.
Cách tiếp cận tôn giáo của Gandhi âm vang đến ngày nay. Việc theo đuổi ngành luật không cản trở sự phát triển tinh thần của Gandhi. Ông nghiên cứu các tôn giáo hàng đầu trên thế giới và những điều luật của chúng để tìm ra mối liên hệ và điểm chung trong các tôn giáo khác nhau. Khả năng kết hợp các tôn giáo hoàn toàn khác biệt nhau như: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Do Thái, đạo Hồi, và Ấn Độ giáo, đã góp phần tạo nên Gandhi - Một thiên tài tâm linh.