Khung cảnh: Trước cửa bếp gần phòng ăn.
Diễn viên: Mẹ và hai con ( trai 7 tuổi, gái 6 tuổi).
Mẹ ( vói trong bếp): Chị Năm à, nhớ bỏ chút muối vào nồi súp hộ tôi. Tôi nghỉ một lát rồi tôi xuống …kho cá!
Mèn ơi, nấu chay cho khóa tu học mà tôi cứ quán món mặn không hà. Bậy thiệt. Nhưng tôi biết nói sao đây khi rõ ràng bày ra bàn y chang là món cá thu kho “ca ra men„ tuy làm bằng tàu hủ ky và shu shi thay cho da cá. Mà không chỉ tui đâu nghen, thiếu gì bà nấu chay mà như mặn vậy. Này nhé, cũng chỉ đậu hủ thôi, các bà ịn thành hình con cá, rồi chiên lên sốt cà chua, nào vịt tiềm Bắc Kinh, nào đùi gà rô ti, thịt quay, lẫu mựt, lẫu tôm đủ cả…nhìn vào cứ như là tiệc mặn, vậy mà toàn chay mới chết chứ. Thiệt là bậy quá, ăn như vậy, có khác nào thân chay mà tâm mặn.Vô cùng tội lỗi, tội lỗi…!
( Vừa lúc đó hai con chạy ra xà vào lòng mẹ)
Con gái: Mẹ!
Con trai: Mẹ!
Mẹ: Hai con sinh hoạt Oanh Vũ về đó hả? Cò gì vui kể mẹ nghe với.
Gái: Dạ, hôm nay có sư ông Khánh Anh đến “khai thị” cho con mở mắt.
Mẹ: Ô, con mẹ tiếng Việt giỏi quá. Khai thị là gì hở con. Con giải thích cho mẹ nghe để...khai nhĩ cho mẹ với.
Gái: “Khai thị” là làm cho thấy đó mẹ.
Mẹ: Vậy con thấy những gì nào?
Gái (suy nghĩ): Ưm... ưm...con quên mất rồi mẹ.
Trai: Nó gặp “ma chướng trên đường tu” nên mới quên đó.
Gái (háy): Ứ Ừ...con nhớ ra rồi.
Mẹ: Con thấy gì!
Gái: Con thấy quí Thầy, Cô cùng Phật Tử ăn cơm trưa xong đi ...hàng hai!
Mẹ: Ồ không, đi... hai hàng chứ.
Gái: “Hàng hai” với “hai hàng” là sao hỡ mẹ?
Trai: Đi...hàng hai là đi như vầy nè....( cậu bé đi thử, vừa đi vừa dạng hai chân ra)
Mẹ: Đi như vậy mà kinh hành niệm Phật coi sao được. Con phải nói là đi hai hàng. Một hàng bên này, một hàng bên kia.
Gái: Dạ.
Mẹ: Mấy hôm tu học ở đây, con còn thấy gì nữa?
Gái: Con thấy Phật. Mấy anh chị huynh trưởng nói, Phật giỏi lắm đó mẹ. Ngày xưa Phật là thái tử con vua mà bỏ đi tu. Phật cũng...ngoan quá, há mẹ.
Trai: Phật không khóc nhè như mầy.
Mẹ (quay sang hỏi con trai): Con kể mẹ nghe, ở “Đại Học Oanh Vũ” con học gì nè?
Trai: Con học Tam Qui: Qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng.
Mẹ: Rồi còn học gì nữa?
Trai: Học “đố vui để học” nữa mẹ.
Mẹ: Đố làm sao, kể mẹ nghe nào?
Trai: Các anh chị đố, ni cô một năm đi... uốn tóc mấy lần?
Mẹ: Con trả lời làm sao?
Gái (chen vào): Con nói...hai lần đó mẹ.
Mẹ (cười): Ni cô đâu có tóc để uốn. Con trả lời sai rồi.
Gái: Vậy hả mẹ, hèn gì các anh chị trưởng cười rũ ra.
Mẹ: Còn đố gì nữa?
Trai: Anh chị hỏi, ăn chay nấu với...thịt gì? Con trả lời...thịt bò, đúng không mẹ?
Mẹ: Lại sai nữa. Ăn chay chỉ ăn toàn rau đậu, không có thịt tôm cá gì cả. Như thế để thể hiện lòng từ bi thương chúng sanh.
Gái: Mẹ ơi, mấy anh chị còn bắt chúng con tả ông Phật nữa.
Mẹ: Con tả làm sao?
Trai (xen vào): Con tả ông Phật mập, bụng phệ, hay cười và có...râu dài nữa.
Mẹ: Đó là Phật Di Lạc, nhưng không có râu đâu.
Gái: Còn con tả vị Phật mặc đồ trắng, cao, ốm và đẹp như người mẫu.
Mẹ: Đó là ngài Bồ Tát Quan Âm.
Gái: Mẹ ơi, mình “tu” ở đây bao giờ về nhà hở mẹ?
Trai: Bao giờ thành...“chánh quả” mới về!
Gái: Chánh quả là sao hở mẹ?
Mẹ: Chánh quả là thành Phật. Phật nói “Ta là Phật đã thành. Các con là Phật sẽ thành.” Thôi, hai con cố ngoan, nghe lời quí Thầy, Cô và anh chị huynh trưởng là sẽ thành Phật đó. Giờ hai con chạy ra ngoài chơi đi. Mẹ phải vào bếp lo trai soạn.
(cả ba cúi đầu chào)
Kéo màn.
Trần Thị Nhật Hưng
(Kỷ niệm khoá Tu Học Âu Châu tại Anh Quốc 2002)