HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ
Tu tập Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày
TULKU THONDUP
Harold Talbort biên soạn - Bản Dịch Việt Ngữ: Tuệ Pháp
PHẦN MỘT
DẪN
NHẬP
3
HÀNH TRÌNH TÂM LINH
TRONG MỘT
CUỘC SỐNG NÁO LOẠN
Buổi nói chuyện tại Học Viện Tabor, Marion, Mass., vào ngày 24 tháng 5 năm 1990.
Tôi muốn chia sẻ một số câu chuyện về cuộc đời tôi, vì với tôi nó không chỉ là một cuộc sống rèn luyện trong việc làm thế nào để sống sót trong những hoàn cảnh đen tối nhất, mà còn là nắm được ý nghĩa tốt nhất của nó.
Tôi sinh ra trong một căn lều của một gia đình du cư trên một cao nguyên
đầy cỏ, hoang dã của phía Đông Tây Tạng, nơi có những rặng núi cao nhất
thế giới. Mặt đất bao phủ đầy tuyết suốt tám tháng trong năm. Gia đình tôi thuộc về một nhóm bộ lạc sống trong lều và nuôi gia súc, như trâu yak, ngựa, và cừu. Trong một năm, thường ba hay bốn lần chúng tôi chuyển
việc cắm trại đến các thung lũng khác nhau, để có đủ cỏ tươi nuôi sống gia súc.
Sau đó, vào lúc năm tuổi, một thay đổi đầu tiên lớn nhất xảy ra trong cuộc sống tôi. Tôi được nhận ra là tái sanh của một vị thầy nổi tiếng đã
viên tịch của tu viện Dodrupchen, một tu viện quan trọng ở phía Đông Tây Tạng. Dù cha mẹ buồn khi phải rời xa tôi vì tôi là đứa con duy nhất nhưng cha mẹ tôi đã dâng hiến vì điều thiện không chút ngần ngại. Cha mẹ
tôi tự hào và xem đó là một đặc ân vì con họ đã nhanh chóng trở thành một trong những người được tôn kính trong xã hội.
Sau khi đến tu viện, tôi chỉ được về thăm cha mẹ mỗi năm một lần và mỗi lần ở lại không quá hai tuần. Đột nhiên cuộc sống tôi thay đổi. Tôi không có khoảng thời gian thơ ấu chơi đùa với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, các vị giám hộ tôn quý chăm sóc và phục vụ tôi với lòng tôn kính, vì tôi được nhận ra là vị thầy tái sanh của họ. Từ sáng sớm đến chiều tối, chu trình thời gian đầy kín với việc học tập, tụng các bài nguyện hay thiền định. Cuộc sống tràn đầy hoan hỷ và an bình nội tâm, vì
các vị giám hộ của tôi là người rất sáng suốt, bi mẫn, hiểu biết, hiền hòa và thực tế. Các Ngài là những vị tu sĩ tôn trọng giới luật không cứng rắn, nghiêm khắc như bạn có thể tưởng tượng, mà các Ngài hiền từ, khiêm tốn và quan tâm, đầy những nụ cười và sức sống.
Sau một thời gian tôi không còn cảm thấy bị thúc giục ham muốn chơi đùa hay chạy nhảy mà không có chủ định, và thậm chí chẳng cần nhìn quanh quẩn; tôi có thể ngồi yên tĩnh trong an định vài giờ.
Trong tu viện, tôi đã được dạy về sự quan trọng của việc nhận ra và duy trì tánh thanh tịnh của tâm, một trung tâm tinh thần của trí tuệ, an bình, hoan hỷ, bi mẫn và năng lượng trong chính mình. Đạo Phật tin rằng sự đồng nhất của một người là tâm, và tâm đó trong thật tánh nó là thanh
tịnh, an bình và viên mãn. Như chúng ta biết, khi tâm an trụ thoát khỏi
áp lực của hoàn cảnh bên ngoài và cảm xúc, tâm trở nên an bình, rộng mở, sáng suốt và rộng rãi hơn.
Ngay cả ngày nay, sau ba thập niên, tôi vẫn cảm thấy những kinh nghiệm an bình của cuộc sống tu viện trong lòng tôi; và tai tôi vang vọng những
lời dịu dàng, nhân từ của các vị tu sĩ sáng suốt và bi mẫn nhất của thời thơ ấu trong tu viện. Các Ngài luôn là nguồn hướng dẫn và năng lượng chính trong cuộc sống giúp tôi vượt qua những lúc nhầm lẫn và yếu đuối.
Cho đến khi được mười tám tuổi, tôi chưa từng thấy máy bay hay xe ô tô. Một đồng hồ đeo tay có thể là sản phẩm tinh vi nhất của kỹ thuật hiện đại mà tôi từng được thấy.
Sau đó, vào tuổi mười tám, vì sự thay đổi xảy ra ở Tây Tạng, chúng tôi vượt hơn một ngàn dặm băng qua đất nước để đến Ấn Độ. Khi đến Ấn Độ, tôi
bắt đầu cuộc sống ở đó trong hai mươi năm. Không chỉ tự thấy mình ở một
nước ngoài, mà mọi thứ đều hoàn toàn mới với tôi, bao gồm nhân dạng của
chính tôi, bây giờ là một người tị nạn, một người đi tìm nơi trú ẩn để sống còn. Tôi không thể hòa nhập với mọi người vì không nói được một chữ
của ngôn ngữ họ và chưa nắm bắt được nền văn hóa mới. Hầu như cả một trăm ngàn người Tây Tạng tị nạn ở Ấn Độ đều bị bệnh, và nhiều người bị chết vì sự thay đổi thức ăn, thời tiết, nước uống hay độ cao. Những kinh
nghiệm, hình ảnh, nỗi sợ hãi, và các chuyện cá nhân về cuộc sống địa ngục của những người thân bị bỏ lại phía sau, còn kẹt lại Tây Tạng, vẫn theo đuổi và hành hạ tất cả chúng tôi cả ngày lẫn đêm. Với nhiều người tị nạn, cuộc sống trở nên quá khổ, thậm chí một số người bị ép phải chọn
phương tiện cực đoan để chấm dứt đời sống.
Với chúng tôi, chỉ có một giải pháp và sự an ủi, và đó là cố đừng trụ trong sự lo nghĩ, mà nhớ đến lời của vị tác giả Phật giáo vĩ đại, Shantideva; Ngài đã nói:
Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề,
Thì cần gì phải lo nghĩ?
Nếu không thể giải quyết được,
Vậy lo nghĩ có ích gì?
Nỗ lực của tôi là cố gắng sống nơi tâm linh tôn nghiêm, trung tâm an bình trong chính tôi, cái tôi đã được dạy cách trau giồi trong suốt cuộc
sống ở tu viện, và cố ổn định cuộc sống dao động của tôi bằng cách thấy
và đánh giá cao bất cứ khía cạnh tích cực nào và mục đích cuộc đời bị bỏ lại trước mắt tôi. Do vậy, tìm thấy an bình tinh thần trong bản thân tôi như nơi trú ẩn, và sử dụng những thái độ tích cực như phương tiện giao thiệp là hai yếu tố làm tôi có thể dễ dàng điều khiển cuộc sống tôi
vào lúc khó khăn nhất.
Sau đó, trước đây khoảng mười năm, tôi chuyển đến Hoa Kỳ, xứ sở của tự do. Và giờ đây tôi sống ở Cambridge.
Năm 1984, sau hai mươi bảy năm xa xứ, tôi đã có thể thăm quê hương Tây Tạng. Đó là thời khắc hạnh phúc để thấy một ít bạn già và thân nhân của tôi còn sống, và là một thời điểm buồn bã để biết rằng phần lớn những người thân thương, những khuôn mặt tôi đã từng yêu mến nhiều năm cũng như các vị thầy tôn kính của tôi, mà những lời của các Ngài là suối nguồn chữa lành của tôi, đã chết trong hai thập kỷ trước. Tu viện, học viện nghiên cứu của ký ức tôi đã biến mất hoàn toàn, không còn lại gì ngoài những bức tường đổ nát và những trái tim vỡ vụn của mọi người, phản chiếu lẫn nhau. Tuy nhiên, vào thời điểm tôi viếng thăm, nhà cầm quyền đã dần dần bắt đầu cho phép mọi người xây dựng lại truyền thống gia đình, cuộc sống tín ngưỡng và tái thiết tu viện.
Tôi đã thấy nhiều người Tây Tạng là nạn nhân của tù đày và tra tấn lại thân thiện với những viên chức đã làm hại họ. Và một nạn nhân đã nói với
tôi: “Những gì xảy ra với chúng tôi không phải lỗi của cá nhân các viên
chức này. Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của hệ thống như nhau, của nghiệp tiêu cực. Việc trách cứ một số người bọn họ về những gì đã làm là
không công bằng.” Điều này nhắc tôi nhớ lại những dòng kệ của Ngài Shantideva:
Ngay cả nếu tôi không thể phát triển lòng bi,
Với người đã dùng vũ lực làm hại tôi,
Vì cảm xúc phiền não của vô minh và sân hận của họ,
Thì hãy cố hết sức để không nổi giận với họ.
Nói chung, thật khó thấy trung tâm an bình nào trong chúng ta, nhưng nếu
có thể nhận ra và đánh giá hoàn cảnh tích cực của cuộc sống mình, thì một tâm linh yên bình và sức mạnh sẽ khởi lên trong chúng ta.
Với tôi, càng hưởng thụ cuộc sống hiện đại của phương Tây, tôi càng đánh
giá cao sự phàm tục, khiêm tốn của cuộc sống tâm linh tôi thời thơ ấu, và điều đó thật sự giúp tôi đứng vững trên đôi chân của chính mình trong
suốt cuộc đời tôi. Càng cảm thấy nhiều hạnh phúc của cuộc sống tinh thần, tôi càng tán thưởng sự tự do, trí tuệ, lòng bi, và sự rộng lượng dựa căn bản trên giá trị đạo Cơ Đốc-Do Thái của cuộc sống phương Tây, đã
làm phong phú và bảo đảm các giá trị tinh thần của tôi.
Tôi không phải là một người sáng suốt để có thể đưa ra cho bạn bất kỳ những lời khôn ngoan nào, nhưng tôi là một người đã trải qua nhiều kinh nghiệm trong một thời gian ngắn, và tôi thật sự hy vọng rằng câu chuyện của tôi có thể có thể nảy sinh trong các bạn trong một lúc, một tiếng thở dài nhẹ nhõm trên chính cuộc sống may mắn của các bạn trong xứ sở tự
do và sung túc này, đó là một kinh nghiệm của an bình và đánh giá đúng,
và đó là bước đầu tiên của một chuyến hành trình tâm linh. Hãy giữ cho kinh nghiệm ấy luôn sống động.