- Chương 01: Nguồn gốc
- Chương 02: Thích Ca Thế Tôn
- Chương 03: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng kinh điển
- Chương 04: Vua A Dục và Đại Thiên
- Chương 05: Sự phân chia bộ phái Phật giáo
- Chương 06: Giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ và Hữu bộ
- Chương 07: Nghệ thuật Phật giáo - Vương triều vua A Dục và sau đó
- Chương 08: Thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa
- Chương 09: Phật giáo Đại thừa hệ Long thọ và kinh điển của hệ này về sau
- Chương 10: Phật giáo Đại thừa hệ Vô Trước
- Chương 11: Vương triều Cấp Đa và Phật giáo sau vương triều này
- Chương 12: Từ thời Mật giáo thịnh hành đến Phật giáo cận đại
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Pháp sư Thánh Nghiêm- Thích Tâm Trídịch
---o0o---
TỪ MẬT GIÁO THỊNH HÀNH ĐẾN PHẬT GIÁO CẬN ĐẠI
- Ba La vương triều
Như chương trước đã nói, sau thời đại của vua Giới Nhật, Phật giáo bắt đầu có xu hướng suy sụp. Nhưng tại đông Ấn Độ, dưới sự bảo hộ của vương triều Ba la mà Phật giáo kéo dài được trong thời gian năm trăm năm. Thành quả của năm trăm năm này đó là Đại thừa Mật giáo đi từ long thịnh đến suy vong.
Vương triều Ba La khởi nghiệp từ tiểu bang Mãnh Gia Lạp, ước vào năm 660 tây lịch. Do vua Cù Ba La (Gopala) thống nhất được nước Phiên Già La, và chiếm lấy các vùng đất thuộc phía tây Ma Kiệt Đa để thành lập vương triều.
Trên bình diện lịch sử Ấn Độ, thì tiểu vương triều này không phải là không nổi danh. Nó nối truyền cả thảy được mười tám đời vua với năm trăm năm sùng tụng Phật giáo không biết mệt mỏi. Trong đó có bảy vị vương chủ tín phụng Phật giáo một cách cực kỳ nồng nhiệt, và được mệnh danh là “Ba La Thất Đại”. Trong bảy vị trên, thì dưới thời trị vì của vị vua đời thứ tư là vua Đạt Ma Ba La (Dharmapala - Hộ Pháp) thế nước rất mạnh, ông từng mở rộng lãnh thổ đến tận Khúc Nữ Thành. Đây là ông vua hết lòng hộ trì Tam Bảo. Thành tích đầu tiên và lớn nhất của ông đó là kiến lập chùa Âu Đan Đa Phú Lê (Uddanïdapura), chùa này phụ cận chùa Na Lan Đà. Tiếp đến ông xây dựng chùa Tỳ Cưu Ma Thi La (Vikramasìra), chùa này phụ cận chùa Na Lan Đà. Tiếp đến ông xây dựng chùa Tỳ Cưu Ma Thi La (Vikramasìla) ở vùng tây bắc Ấn Độ, tên chùa này được người Trung Quốc dịch ra Hán ngữ là chùa Siêu Giới, hay còn dịch là chùa Siêu Nham. Chùa có đến một trăm lẻ tám ngôi, với sáu viện nghiên cứu. Qui mô cực kỳ rộng lớn. Nếu so sánh với “cửu tự nhất môn”, hoặc tám viện với ba trăm phòng của chùa Na Lan Đà, thì chùa Siêu Giới lớn rộng hơn hẳn. Cũng nhân đó mà chùa Siêu Giới đoạt lấy địa vị của Na Lan Đà, và trở thành tối cao học phủ của Phật giáo thời ấy.
Sư Nghĩa Tịnh của Trung Quốc khi lưu học tại Ấn Độ đúng vào thời vua Cù Ba La đang trị vì, theo Nghĩa Tịnh cho biết, khi ông lưu học tại chùa Na Lan Đà, ông cũng nhiều lần được vào thăm đạo tràng chùa Siêu Giới, và tận mắt thấy sự thịnh hành của Mật giáo. Từ sau thế kỷ thứ VIII tây lịch, chùa Siêu Giới do vua Đạt Ma Ba La sáng lập đã đào tạo được rất nhiều nhân tài, và họ đều là những bậc Đại đức Mật thừa. Toàn cảnh chùa là đạo tràng trung tâm của Mật giáo, cũng như Phật pháp được sự ủng hộ mạnh mẽ của vương triều Ba La, Mật giáo mở đầu từ đây.
- Sự hành trì của Mật Giáo thời Tảo kỳ.
Mật giáo (Esoteric Buddahism) được các học giả trên thế giới gọi một cách phổ biến là Phật giáo Đát Đặt La (Tantra), hay còn gọi là Chơn ngôn thừa (Mantra - Yàna), Trì Minh thừa (Vidyà - dhara - Yàna), Mật thừa (Esoteric - Yàna), Quả thừa (Phàla Yàna), Kim Cang Thừa (Vajra - Yàna) v.v...
Căn cứ theo Mật giáo được truyền tại Tây Tạng thì Mật giáo được chia thành bốn bộ: Sự Bộ, Hành Bộ, Du già Bộ, Vô Thượng Du Già Bộ.
Mật thừa của Trung Quốc cựu truyền (rồi sau được truyền đến Nhật Bản), được chia thành hai bộ: Kim Cang Bộ và Thai Tạng Bộ,
Về mặt lịch sử, các học giả cận đại chia Mật thừa ra làm ba kỳ: Sơ kỳ thuộc về Tạp Mật, Trung kỳ thuộc về Thuần Mật, và Hậu kỳ thuộc về Tả Đạo Mật.
Cách phân loại Mật giáo như vậy, xin đưa ra biểu đồ về mối quan hệ và sự phối hợp của Mật giáo:
Trước tiên xin nói về Tạp Mật của thời Sơ kỳ. Gọi là Tạp Mật vì nó không có giáo lý để thuyết giảng, thành phần nguyên thỉ của Tạp Mật, đa số được lấy từ Bà La Môn giáo. Tạp Mật còn được gọi là “Sự Bộ”, ấy là vì nó chuyên chú trọng cách thức trưng bày sự tướng, nên còn gọi là Mật giáo về “Sự tướng”. Sự tướng gồm có:
1. Minh chú.
2. Du già.
3. Hộ Ma.
Minh chú được bắt nguồn từ chú thuật của kinh Vệ Đà, Du già vốn là cách tu thiền định của Bà La Môn giáo, Hộ Ma vốn cũng là trình bày cách “thiêu cúng” của Bà La Môn giáo. Thiêu cúng là lấy vật cúng bỏ vào lửa đốt với chủ ý là nhờ sức mạnh của thần lửa A Kì Ni mà đạt đến Phạm Thiên, trong trường hợp này thần lửa đóng vai trò môi giới.
Trước giờ Phật giáo vốn phản đối việc nhờ thần lửa, nay Mật giáo lại lấy việc thờ thần lửa để cầu tài, cầu sự, cầu đảo, cầu thăng quan tiến chức, ngay cả cầu thực phẩm, y vật, trân bảo và những vật hữu dụng khác. Ném vào lửa mà đốt thì đó gọi là “thiêu cúng”. Mật giáo dùng ba loại sự tướng vừa nói với ba tác dụng mang tính thần bí, ấy là:
1. Tức tai tỵ họa (chấm dứt tai ương không còn họa hoạn).
2. Tăng ích chí phước (phước may kéo đến thêm phần lợi ích).
3. Điều phục quỉ thần (chế ngự ác quỉ tà thần).
- Mật chú trong Thánh điển Nguyên thỉ.
Phật giáo mà trở thành Mật giáo, đây là quả việc “đột như kỳ lai” (thình lình từ đâu đến). Cũng có thể cho là Mật giáo có nguồn gốc từ xa xưa, còn nói “đột như kỳ lai" là vì Đức Thích Tôn khi còn tại thế Ngài phản đối vấn đề thần bí, phủ định thần quyền, bài xích thuật phương kỳ, tất cả mọi thuật số, chú ngữ, chẳng phải là điều Ngài vui vẻ đón nhận.
Kinh Trường A Hàm quyển mười bốn, kinh hai mươi mốt Phạm Động Kinh(1)có đoạn chép: “Như các Sa Môn, Bà La Môn, sống nhờ vào tín thí, nhưng việc làm lại cản trở đạo pháp, tự mình sống theo tà mệnh, như gọi hồn mời quỉ, hoặc đuổi đi mời lại, dùng nhiều thứ yểm đảo, và vô số phương đạo (tà đạo) khiến người kinh hãi, có thể làm cho tụ lại, có thể làm cho vui thích, hoặc vì người bệnh đọc chú, hoặc dùng ác chú, hoặc dùng thiện chú, hoặc chú vào lửa, vào nước, hoặc vì quỉ ma mà đọc chú, hoặc tụng sát lợi chú, hoặc tụng thượng chú, hoặc chi tiết chú, hoặc an trạch phù chú, hoặc đốt lửa, đuổi chuột có thể làm chú giải, hoặc đọc sách nói về sống chết, hoặc giải mộng, hoặc xem tướng mặt, hoặc đọc sách về thiên văn, hoặc đọc các sách về âm nhạc, Sa Môn Cù Đàm không làm các việc như thế”.
Kinh Trung A Hàm quyển bốn mươi bảy, kinh Đa Giới(2)cũng viết: “Hoặc có Sa Môn, Phạm chí nào hoặc trì tụng một câu chú, nhiều câu chú, trăm nghìn câu chú để mong sao ta thoát được khổ, thì đấy lại là cầu khổ, là tạo thêm khổ; người muốn dứt khổ ắt phải có phép tu”.
Nhưng đến Tứ Phần Luật quyển hai mươi bảy(3), Thập Tụng Luật - quyển bốn mươi sáu(4), chép là có lần đức Phật chịu nghe trì thiện chú trị bệnh ăn không tiêu, bị độc xà cắn, bị đau nhức răng, và trị đau bụng. Theo kinh Trường A Hàm quyển mười hai(5), kinh Đại Hội, chép rằng vì để hàng phục chư thiên đã phải sử dụng một số “chú”.
Đức Phật, theo kinh Tạp A Hàm quyển chín, kinh 252; Ngài cũng hướng về Xá Lợi Phất mà nói chú Độc Xà hộ thân. Như vậy, cho thấy việc sử dụng mật chú đã sớm xuất hiện trong các kinh điển Nguyên thỉ. Chẳng qua, việc sử dụng chú pháp được ghi trong Thánh điển của thời tảo kỳ, chủ yếu là để trị bệnh; hàng phục chư thiên, sai khiến quỉ thần; đại khái thì sự xuất hiện của Mật chú có phần muộn hơn.
Chiếu theo bản hoài của đức Phật mà nói, có thể đoán rằng Mật chú là sự xuất hiện cuối cùng, hoặc do tăng đính mà có, đây là cách suy đoán hợp lý hơn cả. Chỉ có điều, Mật chú phải có hiệu nghiệm tương đương, tức phải làm thế nào để không đặt sự thực vào thế bị hoài nghi. Do dó cho nên con đường suy nghiệm và con đường giải thoát bất tất phải đặt vấn đề luận bàn.
Kinh điển Đại thừa của thời Sơ kỳ, cũng chưa thấy minh chú xuất hiện. Chẳng hạn như “Tức thuyết chú viết” của Bát Nhã Tâm Kinh là do hậu thế tăng bổ. Nguyên lai kinh Pháp Hoa không có minh chú (Thần chú). Về sau này trong phẩm Chúc Lụy lại phụ thêm vào một số phẩm khác trong đó có phẩm Đà La Ni. Kinh Nhân Vương, kinh Lý Thú, nguyên gốc không có chú (Thần chú), nhưng đến bản dịch ở đời Đường của Trung Quốc thì có “chú”. Mật chú đối với ngoại đạo, nó được coi trên cả lý luận triết học, và đến thời Trung kỳ của Đại thừa Mật giáo thì chú ngữ cũng được cho là quan điểm triết học cao thâm. Trong “Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Kinh Sớ(6)(tức Đại Nhật Kinh Sớ - quyển bảy) nói: “Tướng chân ngôn này, thanh tự của nó là Thường”, vì là Thường nên không lưu chảy, không có biến dịch. Nó vốn là như vậy, nên không do tạo tác mà thành”. Một khi đã coi Mật chú chân ngôn là thực tướng thường trụ vốn tự nhiên nó là như vậy, tiến thêm bước nữa khi cho rằng tướng của chân ngôn tức là tướng tịch diệt rốt ráo, và rồi tùy theo căn cơ chúng sinh mà biểu thị thành văn tự thế tục. Như có ai đó thường luôn quán tụng chân ngôn một cách thuần thục, thì đó là từ tục mà chứng ngộ chơn nghĩa, là dung hợp với thực tướng của các pháp, liền có thể hoạch đắc rốt ráo - tức thân thành Phật.
Mật chú tức là chân ngôn. Chân ngôn thì do Phật thuyết, Bồ tát thuyết, Nhị thừa thuyết, Chư Thiên, Địa Cư Thiên (Quỉ thần) thuyết. Tức từ năm nguồn gốc. Mật giáo lấy việc quán tụng chân ngôn làm pháp môn chủ yếu để tu trì; do đó, nên gọi là Chân Ngôn Tông. Nhưng việc tu trì cũng có một số yêu cầu. Đại Nhật Kinh Sớ - quyển bảy(7), nói: “Nếu chỉ dùng miệng để đọc tụng chân ngôn mà không tư duy đến nghĩa lý của chân ngôn, thì chỉ có thể thành tựu nghĩa lợi thế gian mà thôi; vậy sao đắc thành Kim Cang tánh thể?”
Tóm lại, Mật chú phát nguyên từ Bà La Môn giáo; với đức Phật, Ngài cấm tuyệt Mật chú ở thời tối sơ, tức thời đức Phật còn tại thế. Kế đó, do có quá nhiều vị trong hàng ngoại đạo xuất gia theo Phật giáo, và họ là những người quen dùng chú ngữ để chữa bệnh. Đến thời Bộ phái Phật giáo, như Pháp Tạng Bộ chẳng hạn. Bộ phái này suy tôn Mục Kiền Liên, và họ thịnh thuyết quỉ thần, do đó mà chú pháp dần được thịnh hành. Khi đến Đại thừa Mật giáo lại tiến tới triết học hóa Mật chú và hoàn thành cơ sở lý luận về Mật pháp một cách cao thâm. Khả năng sản sinh ra hiệu nghiệm của Mật chú được coi là không thể nghi ngờ.
Nếu cho rằng quán tụng chân ngôn sẽ có khả năng tức thân thành Phật. Vậy, Phật được thành ấy có tính chất như thế nào? Vấn đề này cần khảo sát ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
- Du Già với Mật giáo.
Mật giáo còn được gọi là Du Già giáo. Từ ngữ Du Già (Yoga) trong tiếng Phạn mà ngữ căn của nó là Yuj, có nghĩa là giữa ngựa và xe được kết dính lại bởi cái ách. Hán ngữ dựa theo ý này mà dịch là tương ứng hay tương ưng. Từ ngữ Du Già được dùng sớm nhất là trong Lê Cu Vệ Đà; về sau, vào thời đại Áo Nghĩa Thư cũng sử dụng theo nghĩa này.
Áo Nghĩa của từ ngữ Du Già là phép quán hành dựa vào việc điều tức, quán là quán cái lý Đại ngã (Braman) và Tiểu ngã (Atman) trở thành “nhất như”, để tiến đến phối hiệp với Phạm Thiên và cùng Phạm Thiên tương kết. Áo nghĩa này khi đi vào Phật giáo, nó được vận dụng thành phép tu Xa Ma Tha (chỉ) và Tỳ Bát Xá Na (Quán).
Quán hành - quán là quán lý, và hành là thực hành cái lý ấy trong thực tế tu tập và cùng hiệp nhất trong trạng thái tương ưng với chánh lý, thì gọi đó là Du Già. Nói cách khác, Du Già là dùng Chỉ - Quán làm chính trong tu tập. Phật giáo đã sử dụng Du Già ngay từ khi Đức Thích Tôn còn trong thời gian tu định. Tuy nhiên, đức Phật không coi Du Già là phương pháp tối cao để đạt đến giải thoát, mà cần phải phối hợp với Giới - Định (chỉ quán - Du Già) - Huệ, có vậy mới được Đức Thích Tôn cổ vũ và khích lệ. Đức Thích Tôn đặc biệt chú trọng đến Bát Chánh Đạo, yêu cầu đầu tiên của Bát chánh đạo là chánh kiến. Phạm vi của Bát chánh đạo gồm cả Giới - Định - Huệ. Vấn đề này có thể tham chiếu chương hai của sách này. Vì thế, đức Phật không phải la người tu định theo chủ nghĩa của các hành giả Du Già. Du Già hành (tu định) tuy được đức Phật lợi dụng, nhưng Ngài không cho đó là cứu cánh. Tuy nhiên, đến thời Trung kỳ của Mật giáo Du Già pháp thì lại chịu ảnh hưởng của kinh Du Già, kinh này được viết bởi ngoại đạo Du Già là Bà Đàm Kỳ Lê (Pantanõjali), người của phái Số Luận ở thế kỷ thứ V tây lịch; và cho rằng Du Già có thể đạt thành tất cả mọi mục đích của thế gian và xuất thế gian, điều này được nói đến trong Đại Nhật Kinh Sớ, quyển ba(8)như sau: “cho nên A Xà Lê phải lấy Du Già để quyết định, tùy vào việc tu tập mà có ba tam muội tương ưng; chẳng hạn như lúc dâng hoa thì phải cùng hoa tam muội tương ưng, được vậy thì Bổn tôn bên trong sẽ minh liễu hiện tiền trong mỗi duyên, mỗi duyên phải như vậy, thì tất cả đều nhập vào pháp giới môn, đều thấy thiện tri thức, xoay chuyển vận dụng để cùng lý tương ưng, chứ chẳng phải đợi khi gặp việc dừng lại mới bắt đầu tác quán. Nên biết người được như vậy mới nhận làm bí mật A Xà Lê. Lại nữa, trong phép “tức tai” có thể dùng phương tiện này để giúp thêm vào sự hàng phục, hoặc trong phép “tăng ích”, có thể lấy phương tiện này để hàng phục tức tai; đối với phép hàng phục, có thể dùng phương tiện này để tức tai, tăng ích. Tùy vào mỗi, mỗi pháp tương ưng mà ứng dụng khả năng khéo phân biệt, được vậy gọi là thiện tu Du Già”.
Mật giáo coi Du Già pháp là cao siêu, như thế cũng tuyệt nhiên không phải là họ vọng ngữ. Người tu Du Già hạnh, đa số họ có kinh nghiệm nội chứng; thân tâm họ khác người bình thường. Những gì họ chứng đắc phần nhiều là thực chứng, duy có điều hiệu nghiệm mà họ có, không thấu được bản hoài của đức Phật. Điều này có thể khảo sát thêm ở lĩnh vực khác. Nhân vì Du Già pháp đặt nặng việc phát hiện tâm cảnh, cố nhiên tâm cảnh ấy là thực chứng; nhưng nếu cho rằng kinh nghiệm nội chứng của hành giả tu Du Già hạnh là cảnh giới Phật, và cho đó là tức thân thành Phật, thì e chẳng bị rơi vào tăng thượng mạn. Điều này các hành giả Tiểu thừa lúc Phật còn tại thế, họ cũng tu theo pháp Du già và tự xưng là đã chứng bốn thánh quả; kỳ thực họ chưa phải là hạng ly dục, và đức Phật không cho là họ vọng ngữ, mà gọi họ là tăng thượng mạn.