Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 2: Sự giáng sinh và thành đạo của đức Thích Tôn

05/01/201202:25(Xem: 5475)
Tiết 2: Sự giáng sinh và thành đạo của đức Thích Tôn

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Pháp sư Thánh Nghiêm

Thích Tâm Trídịch

---o0o---

CHƯƠNG II. NGUỒN GỐCTHÍCH CA THẾ TÔN

TIẾT II. SỰ GIÁNG SINH VÀ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC THÍCH TÔN

Từ thời cổ đại, Ấn Độ là một nước tuy có nền văn hóa vĩ đại, nhưng lại không có quan niệm về lịch sử biên niên. Chính nguyên nhân này nên dù Đức Thích Tôn đã lưu lại nhân gian một di sản văn hóa vô cùng trân quí, nhưng về mặt lịch sử chúng ta lại không biết một cách chính xác về niên đại của Ngài.

Mãi đến thời gian gần đây, dựa vào các tư liệu cũng như ở góc độ khảo cứu mà suy luận những gì có liên quan đến niên đại của đức Phật, thì có đến bảy mươi nhà đưa ra nhiều thuyết khác nhau. Trong khi các bậc cổ đức ở Trung Quốc lại dựa vào hiện tượng tinh tú cũng như sự chuyển vận của địa cầu được ghi trong cổ sử mà ức đoàn rằng đức Phật đản sinh năm Giáp Dần, đời Chu Chiêu Vương thứ hai mươi sáu (trước tây lịch 1027 năm), và Ngài nhập diệt vào đời Chu Mục Vương, thứ năm mươi ba (năm Nhâm Thân - trước tây lịch 949 năm). Thuyết này xin đọc “Lịch Đại Tam Bảo Ký” quyển một(3) hoặc trong “Phật Tổ Thông Ký” quyển hai (4), ở phần chữ nhỏ và chú giải cuối. Tuy nhiên chứng cứ của thuyết này có vẻ mù mờ khó tin. Do đó, thuyết này không được các học giả cận kim quan tâm. Có người dùng thuyết của Thiện Kiến Luật, trong Chúng Thánh Điển Ký; thuyết này khác với thuyết của Nam truyền của Thượng Tọa Bộ, và cho rằng đức Phật đản sinh trước Thiên Chúa 480 năm. Vọng Nguyệt - người Nhật Bản thì tin vào năm được ghi trong Phật Giáo Đại Niên Biểu, tức sử dụng thuyết của Chúng Thánh Điển Ký (5). Nhưng lại lấy năm 485 trước Công nguyên là năm Phật nhập diệt làm kỷ nguyên Phật Giáo nguyên niên. Phất Lợi Thoát Thị (J.F.Fleet) thì căn cứ theo sử liệu của Hy Lạp để đoán định kỷ nguyên Phật nhập diệt là trước Công nguyên 483 năm. Thuyết này có phần giống với thuyết của Chúng Thánh Điển ký.

Theo truyền thuyết của Tích Lan, thì kỷ nguyên Phật nhập diệt là trước Công nguyên 543 đến 544 năm. Hiện nay tại đại hội Thế Giới Phật Giáo Đồ Hữu Nghị lần thứ ba đã thông qua kỷ nguyên Phật nhập diệt là năm 544 trước Công nguyên, và lấy đó làm nguyên niên. Điều này được căn cứ vào văn bia hiện còn lưu giữ tại Ưu Đàm Da Kỳ Lợi (Udayagiri) của một vị vua nước Yết Lăng Già (kakinga) thuộc nam Ấn có tên là Ca La Tỳ La (siriKharavela Maha Meghavàhana) để suy đoán ra, và nhà sử học V.A. Smith cũng đồng ý với thuyết này.

Tiểu Dã Huyền Diệu người Nhật Bản lại căn cứ theo Thập Bát Bộ Luận được truyền bởi Nhất Thiết Hữu Bộ, theo đó thì vua A Dục lên ngôi sau Phật nhập diệt 116 năm, và cho rằng như vậy là vua A Dục tức vị trước Công nguyên 269 năm, lấy năm này mà suy, thì đức Phật nhập diệt trước Công nguyên 384 năm(6).

Vũ Tỉnh Bá Thọ cũng người Nhật Bản thì dựa vào tư liệu của họ Tiểu Dã mà suy đoán, khảo sát và nhất trí năm vua A Dục lên ngôi là năm 271 trước Công nguyên, cộng vơi tám mươi năm đức Phật thọ thế thành ra 466 năm đến 386 trước tây lịch(7), học trò của Tỉnh Bá, bác sĩ Trung Thôn Nguyên, gần đây cũng đồng ý với tư liệu của Tỉnh Bá, đồng thời có thêm sử liệu mới của Hy Lạp. Sau khi khảo chứng ông đính chính lại niên đại của Phật là trước tây lịch từ 463 năm đến 383 năm(8). Pháp sư Thời Hiển và Ấn Thuận của Trung Quốc cũng dùng thuyết của Thập Bát Bộ Luận và của Bộ chấp Dị Luận, theo đó thì năm vua A Dục lên ngôi nhằm vào đời Chu Noản Vương năm thứ bốn mươi ba ở Trung Quốc. Trước tây lịch 272 năm. Do đó, năm Đức Thích Tôn nhập diệt ứng với năm thứ mười bốn đời Chu An Vương (trước tây lịch 388 năm), và dùng năm đức Phật nhập diệt trước tây lịch 387 năm làm kỷ nguyên niên(9).

Trước đó, khi Trung Thôn Nguyên chưa đưa ra thuyết vừa nêu, đa số học giả Nhật Bản đều sử dụng thuyết của họ Vũ Tỉnh, nên họ suy luận năm Phật nhập diệt là trước Thiên Chúa giáng sinh hơn 380 năm, và được đa số chấp nhận.

- Gia Hệ Đức Phật.

Đức Thích Tôn giáng sinh dưới chân núi Hy Mã Lạp Nhã thuộc đông bắc Ấn Độ. Đó là một tiểu quốc, tộc Thích Ca (Sàkya) là chủ nhân của tiểu quốc này. đây là giòng dõi quí tộc còn sót lại của một nước Cộng hòa ngụ cư tại vùng đông bắc sông La Bạt Đề (Ràpti) có diện tích ước độ 320 dặm vuông Anh, và được chia làm mười thành bang nhỏ. Trong mười thành đó xuất hiện một vị thánh chủ rất có thế lực, và là vua cho cả mười thành. Thành Ca Tỳ la Vệ (Kapila Vastu) của vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Thời ấy là lãnh tụ của nước Cộng hòa này. Thích Tôn Tất Đạt Đa (Siddhartha - Nhất Thiết Nghĩa Thành) là thái tử con vua Tịnh Phạn.

Theo truyền thuyết xưa, thì tộc Thích Ca thuộc chủng tánh Sát Đế Lợi của giống người Aryan. Xuất tích vốn là hậu duệ của vua Cam Giá - một vị quân vương danh tiếng lẫy lừng. Cam Giá vương tộc xuất tích tại Cù Đàm về sau gọi là Kiều Đáp ma (Gautama) tiên nhân. Do đó, mà lấy họ là Cù Đàm.

Nhưng các sử gia cận đại như Địch Nguyên Vân Lai, Đằng Điền Phong Bát, người Nhật Bản, Pháp sư Ấn Thuận của Trung Quốc v.v… tất cả đều chủ trương tộc Thích Ca không phải là giống người Aryan da trắng, mà là giống người Mông Cổ da vàng.

Y cứ luật bộ để khảo sát, thì tộc Thích Ca tương cận với tộc Bạt Kỳ. Nhưng Tộc Thích Ca thông hôn với tộc người Aryan; cả hai tộc người này được coi là tộc thuộc tộc loại của Trung Quốc. Tỳ kheo xuất thân từ tộc Thích Ca và tộc Bạt kỳ. Cũng có người khoa trương rằng tộc của đức Phật thuộc về tộc của mình.

Lại nữa, theo ghi chép của Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký, thì trạng huống phân bố nhân chủng tại Ấn Độ lúc Ngài du học tại đây, thì địa khu nơi tộc Thích Ca cùng các tộc khác cư ngụ đều là giống dân da vàng, đó là địa khu mà nay là Ni Bạc Nhĩ (Nepal).

Đương nhiên Huyền Trang không cho giống dân da vàng ấy là người Mông Cổ. Đây làm một phát hiện rất có giá trị. Tuy vậy, nhưng lúc Huyền Trang lưu học tại Ấn Độ, thì trạng huống phân bố nhân chủng cũng đã cách thời đức Phật hơn nghìn năm. Nếu căn cứ việc các ngoại tộc cứ lần lượt xâm nhập Ấn Độ, thì tộc người da vàng đến được Ấn Độ sớm nhất dường như là tộc Đại Nguyệt Thị, Đại Nguyệt Thị còn gọi là Cơ tộc (Seythian). Vùng đất mà Cơ tộc cư ngụ là Thích Ca. nhưng việc xâm nhập Ấn Độ của Đại Nguyệt Thị có sử để khảo cứu, đó là vương triều Quí Sương; thời đại trước khi đức Phật xuất thế dường như chưa có giống dân da vàng xâm nhập Ấn Độ. Duy có điều tộc Thích Ca không phải là huyết thống thuần chủng chánh thống của giống người Aryan; Điều đó không có gì phải nghi vẫn. Do đó, về mặt tình cảm giữa tộc Thích Ca và tộc Aryan luôn có sự kỳ thị nhau. Đấy không phải là ngẫu nhiên.

Địa chỉ Ca Tỳ La Vệ nay thuộc địa phương Tất Bách La Bà (Pìpràva) trong nội địa nước Nepal. Trải qua thời kỳ phát triển, đến nay cổ tích đã được chứng thực. Nó ở vào 28 độ bắc tuyến, 38 độ bách phân và 83 độ kinh đông, 8 độ bách phân.

Ma Da (Mahàmàya) phu nhân - thân mẫu của Đức Thích Tôn - là em gái vị thành chủ thành Thiên Tý (Devadaha), thành này tọa lạc phía đông bắc sông Lô Ni (nay là sông Kohanà). Đây là một trong số mười thành thuộc về tộc Thích Ca, cho nên giữa hai thành luôn gìn giữ mối quan hệ “hôn thân” có tính truyền thống với nhau.

Ma Ha phu nhân lúc sắp đến thai kỳ sinh con, theo tập tục thời ấy bà phải về lại nhà cha mẹ để sinh con. Trên đường về biệt cung của phụ vương, đi được nửa đường, bà tạm nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) dưới gốc cây Vô Ưu (Ásoka), cũng vừa lúc ấy Đức Thích Tôn đến với nhân gian.

- Là Bồ Tát trước lúc xuất gia.

Đức Thích Tôn trước khi chưa thành Phật, chiếu theo lệ Ngài được gọi là Bồ Tát.

Đức Thích Tôn là người mà thường nhân không thể sánh. Đương khi Ngài vừa đến cõi nhân gian tự Ngài đi bảy bước, tay phải giơ lên, giọng như sư tử hống: “Ngã ư thiên nhân chi trung, tối tôn tối thắng”. (Trong cõi trời, người Ta là đấng tối tôn tối thắng). Dứt lời, Ngài bình thường trở lại như các trẻ sơ sinh, tức không tự đi và nói năng được gì.

Bồ Tát giáng sinh được bảy ngày thì thân mẫu Ngài ngã bệnh và tạ thế. Từ đó về sau người đảm nhận nuôi dưỡng Ngài là di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati). Khi được bảy, tám tuổi Đức Thích Tôn đã thọ học mười sáu loại sách Phạn thư với Bà la môn Bạt Đà La Ni. Cạnh đó Ngài cùng học với các ban võ nghệ. Năm lên mười bốn tuổi Ngài mới được ra khỏi hoàng thành để giao du, nhân đó Ngài đã tận mắt chứng kiến cảnh sinh, già, bệnh chết của con người và kiếp người. Ngài cũng đã đối diện với các vị Sa Môn, để rồi Ngài cảm nhận ra sự vô thường của thế gian, và sau đó Ngài nuôi tâm niệm xin vua cha cho Ngài xuất gia tu đạo. Năm Ngài mười sáu tuổi, phụ vương Ngài luôn ưu lự Thái tử sẽ xuất gia. Do đó, nhà vua cho thiết lập “điện Tam Thời” (Ba mùa vui sướng)(10) và qui tụ nhiều thể nữ. Mục đích là dùng ngũ dục để lung lạc Thái tử từ bỏ tâm niệm xuất gia. Năm mười chín tuổi, Ngài kết hôn với người con gái của chủ thành Thiên Tý là Sa Thâu Đà La (Yasùodhara), và sinh hạ một người con trai tên là La Hầu La (Ràhula). Lại nữa theo “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Phá Tăng Sự”, quyển ba(11), có đề cập đến việc thái tử Tất Đạt Đa cưới ba người phi tử: một là bà Da Thâu Đà La, hai là bà Kiều Tỳ Ca và ba là bà Lộc Vương. Cùng sách trên, quyển bốn nói: “Bấy giờ Bồ Tát ở trong nội cung là nơi vui chơi mà tự nghĩ rằng: Ta nay có ba phu nhân và sáu vạn thể nữ, nếu không cùng họ hưởng dục lạc, thì ngoại nhân sẽ cho ta không phải là đấng trượng phu; vậy giờ đây ta cùng Da Thâu Đà La vui thú. Nhân đấy bà Da Thâu Đà La mang thai”. Còn có truyền thuyết nói rằng Đức Thích Tôn dùng tay chỉ vào bụng của Da Thâu Đà La, sau đó bà sinh con. Đứng về tín ngưỡng dân gian mà nói, thì người ta dễ dàng tin vào truyền thuyết trên là có vẻ hợp lý.

- Xuất gia tu hành.

Dù vua Tịnh Phạn có vận dụng đủ mọi phương pháp mang phong cách hào hoa chốn cung đình nhằm làm cho Thái tử say đắm thú vui ngũ dục đi nữa, cuối cùng tất cả những thứ ấy cũng không thể chiếm được tâm hồn của Ngài. Và rồi trong một đêm khi mọi người còn đang chìm sâu trong giấc mộng, từ nơi hoàng cung Thái tử lặng nhìn vợ quí, con yêu lần cuối, rồi đánh thức Sa Nặc (Chandaka)(12) - kẻ giữ ngựa - tra yên cương và cùng lên lưng ngựa âm thầm rời khỏi hoàng cung, bỏ lại phía sau thành Ca Tỳ la Vệ! Lúc trời mờ sáng, Ngài cùng Sa Nặc đến được thôn La Ma (Ràmagràma), rồi Ngài tự tay cắt tóc và khoác lên mình chiếc áo Ca Sa (Kasàya). Tiếp đến, Ngài bảo Sa Nặc quay về hoàng thành, thay Ngài báo tin lên phụ vương là Ngài đã xuất gia.

Đầu tiên Ngài đi đến rừng khổ hạnh của tiên nhân Bạt Già Bà (Bhàrgava) ở ngoại thành Tỳ Xá Ly (Vaisàli), thứ nữa Ngài tìm đến nơi tu hành của tiên nhân A La Lu Già Lam (Àràda. KàLàma) ở ngoài thành Vương Xá, cùng tu với tiên nhân Uất Đà Ca La Ma Tử (Udraka Rama Putra) để cầu đạo giải thoát. Tại đây, Ngài nhận ra lối tu của các tiên nhân là hoặc tu khổ hạnh, hoặc tu thiền định để cầu sinh thiên đường làm mục đích. Do đó, sau khi lãnh giáo, Đức Thích Tôn không mấy tâm phục, nên Ngài đi đến thôn Ưu Lâu Tần La (Uruvilvà) ở ngoại thành Già Da (Gayà) nằm về hướng nam. Thực thì hai tiên nhân ở ngoại thành Vương Xá, đương thời là người nổi danh của phái Số Luận. Cả hai đều tu theo định phi phi tưởng, và lấy đó làm cảnh giới giải thoát. Sau này Phật giáo thấy rằng định “phi tưởng phi phi tưởng xứ” là định cao nhất thế gian. Như vậy, cho thấy hai vị tiên nhân trên phần nào cũng có ảnh hưởng đến Phật giáo.

Lúc ấy đức Thích Tôn chưa khởi sự tu khổ hạnh, Ngài ngụ tại thôn Bàn Trà thuộc ngoài thành Vương Xá. Nhân khi Ngài vào thành Vương Xá khất thực, Ngài được vua Tần bà Sa La của nước Ma Kiệt Đà nhìn thấy, và nhà vua gắng sức khuyên Ngài trở về lại với thế tục. Nếu Ngài ưng thuận, nhà vua sẽ nhường cho Ngài một nửa giang sơn để cùng nhau trị vì. Lời đề nghị đó bị đức Thích Tôn từ tạ. Khi bị từ chối, nhà vua liền đưa ra lời yêu cầu với đức Thích Tôn, là nếu Ngài tu hành thành Phật đạo, thì đầu tiên xin Ngài hãy đến Vương Xá độ ông. Tiếp đó, đức Thích Tôn cùng với năm người do phụ vương Ngài phái đến để hầu hạ cùng đi vào rừng khổ hạnh, và để cùng tu khổ hạnh với các Sa Môn ngoại đạo. Tại đây đức Thích Tôn được các Sa Môn ngoại đạo gọi Ngài là Sa Môn Cù Đàm.

Trai qua sáu năm sinh hoạt khổ hạnh, chỉ dùng lúa mạch và gạo sống làm thực phẩm. Mỗi ngày hạn định được dùng một hạt lúa mạch và một hạt gạo sống, để nhằm kéo dài mạng sống. Kết quả, thân hình Ngài khô đét lại như que củi. Trong khi Ngài vẫn chưa thấy tăm hơi gì về việc tu thành đạo quả nên Ngài quyết định từ chối bỏ lối tu khổ hạnh, do Ngài thấu hiểu tu khổ hạnh không phải là phương pháp rốt ráo để thành đạo. Rồi Ngài đi đến sông Ni Liên Thiền (Nairãnjanà) để tắm gội. Tại đây Ngài nhận bát cháo sữa do một mục nữ dâng cúng. Ngài điều dưỡng thân thể khang kiện trở lại, rồi Ngài đi đến cây đại thụ Tất Bát La (Pippala) lấy cỏ Kiết Tường lót làm tòa Kim Cang, và Ngài ngồi trong tư thế kiết già, mặt hướng về đông, đoan thân chánh niệm phát đại thệ nguyện: “Ngã kim nhược bất chứng vô thượng đại Bồ đề, ninh khả toái thử thân, chung bất khởi thử tọa”. (Nay ta nếu không chứng quả vô thượng đại Bồ đề, thân này thà nát, dứt khoát không đứng lên đi khỏi nơi này). Ngài tĩnh tâm điểm chiếu, tư duy trừ sạch cái khổ của nhân gian. Chứng đắc đạo quả.

Như vậy là đức Thích Tôn từ bỏ quan niệm rằng phương pháp tu khổ hạnh mới đem lại lợi ích, và lúc này Ngài chuyển sang lập trường cầu xuất thế gian, đạt giải thoát đạo, vượt lên trên tất cả mọi khái niệm và thái độ để quán sát tường tận nguyên lý sinh diệt của vạn pháp. Trong sáu năm ròng, năm người bạn cùng tu với Ngài, mục đích là để trợ giúp với hy vọng Ngài sẽ từ bỏ tâm niệm tu hành để quay về thế tục, thì lúc này họ thấy Ngài chuyển đổi phương pháp tu nên họ cũng bỏ Ngài ra đi.

- Thành Đẳng Chánh Giác.

Việc đức Thích Tôn xuất gia và trải qua sáu năm tu khổ hạnh nhiên hậu mới thành đạo quả. Đó là điều mà ai cũng thừa nhận. Duy có điều Ngài xuất gia và thành đạo vào năm Ngài bao nhiêu tuổi? Vấn đề này có nhiều thuyết khác nhau. Đa phần các vị cổ đức đều cho rằng Ngài xuất gia năm Ngài mười chín tuổi, và thành đạo năm Ngài hai mươi tám tuổi. Ngày nay có người cho rằng Ngài xuất gia năm hai mươi chín tuổi, và thành đạo năm Ngài ba mươi lăm tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến các thuyết khác là vì; vào thời sơ kỳ, Phật giáo không dùng văn tự để ghi chép, mà dùng phương pháp “sư sư tương thừa, dĩ khẩu truyền khẩu” trong một thời gian dài, tiếp đó có thêm sự phân chia nhiều bộ phái, do đó có sự truyền nhầm là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là dân tộc Ấn Độ luôn thiên về tư duy siêu hình, không bận tâm đến việc ghi chép năm tháng rõ ràng, chính xác. Kỳ thực việc này cũng không có gì lạ. Ngay những vị cổ đức nổi danh trong lịch sử Trung Quốc như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử mà năm tháng của quí Ngài vẫn không rõ ràng chính xác. Người Tây phương cũng thế, đối với năm sinh tháng đẻ của Chúa Jésus cũng chưa thể xác định. Đây quả không phải là ngẫu nhiên của Đông phương hay Tây phương!

Đức Thích Tôn với bản hoài đại bi, đại trí, nên suốt bốn mươi chín ngày, Ngài đoan tọa dưới gốc cây bằng một tinh thần dõng mãnh, với ý chí khắc phục nội ma ngoại chướng, bỗng nhiên vào ngày mùng tám tháng chạp, vừa lúc sao mai ló dạng Ngài thấu ngộ rằng, tất cả các pháp không một pháp nào không có duyên khởi. Sự rốt ráo của tất cả các pháp duyên khởi ấy là đạo lý vô ngã. Ấy là “Sinh tri sinh kiến, định đạo phẩm pháp, sinh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, tất cánh thọ hữu, tri như chơn"(13) (đã sinh tri, đã sinh kiến, định đạo phẩm pháp, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần đã làm xong, không còn tái sinh nữa, biết đúng như vậy).

Khuyếch nhiên viên ngộ, thành đẳng Chánh giác, tự giác, giác tha, giác viên, vì vậy Ngài tự xưng là vô thượng Phật đà (Buddha), và chúng đệ tử qui y Phật thì gọi Ngài là Thế Tôn (Bhagavat), là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Mâu Ni (Muni) có nghĩa là bậc thánh. Bậc thánh chứng đắc pháp tịnh mặc - thoát lý tất cả mọi phiền não thì gọi là tịnh mặc. Ở Ấn Độ, vốn từ xa xưa đối với các vị tiên nhân bất luận là nội, ngoại đạo mà họ ẩn vào trong núi rừng để tu tâm học đạo lâu năm thì họ được mọi người xưng tụng là Mâu Ni. Đức Thích Tôn là bậc thánh xuất thân từ dòng tộc Thích Ca; do đó xưng là Thích Ca Mâu Ni.

Sau khi thành đạo, đức Thích Tôn luôn ở trong trạng thái hỷ duyệt vô lượng, và kéo dài trong suốt thời gian hai mươi tám ngày kế tiếp. Ngài vẫn tĩnh tọa dưới gốc cây, tự Ngài thọ dụng niềm vui giải thoát trong bảy ngày đầu tiên. Cây Bồ Đề (Bodhivikasa) là cây Tất Bát La, nhân đức Phật thành đạo dưới gốc cây này nên gọi là cây Bồ Đề. Sang bảy ngày lần thứ hai, Ngài tĩnh tọa dưới tán cây A Du Ba La (Ajabàla). Đây là thời gian Ma Vương Ba Tuần (Marà- Pàpìman) đến thỉnh Phật nhập diệt nhưng không kết quả.

Bảy ngày lần thứ ba, Ngài tĩnh tọa dưới tán cây Mục Châu Liên Đà (Mucilinda), và gặp phải mưa to gió lớn. Thấy vậy, rồng Mục Chân Liên Đà liền dùng thân mình hộ che Phật, và cầu qui y Phật, trở thành loài bàng sinh đệ tử Phật đầu tiên.

Bảy ngày lần thứ tư, Ngài đến tĩnh tọa dưới tán cây La Xà Da Hằng Na (Rajavatana), thì có hai vị thương chủ; một tên là Đề Vị, một tên là Bà Lê Ca, đi ngang qua nơi đức Phật đang tĩnh tọa, họ lấy một ít mật cúng Phật và câu xin qui y Phật Pháp rồi tiếp tục lên đường. Đây là hai đệ tử Ưu Bà Tắc (Upàsaka) đầu tiên của đức Phật (Ưu Bà Tắc là người đàn ông có đức tin trong sáng, và thân cận phụng sự Tam Bảo).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com