- Chương 01: Nguồn gốc
- Chương 02: Thích Ca Thế Tôn
- Chương 03: Nguyên thỉ Phật giáo và Tam tạng kinh điển
- Chương 04: Vua A Dục và Đại Thiên
- Chương 05: Sự phân chia bộ phái Phật giáo
- Chương 06: Giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ và Hữu bộ
- Chương 07: Nghệ thuật Phật giáo - Vương triều vua A Dục và sau đó
- Chương 08: Thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa
- Chương 09: Phật giáo Đại thừa hệ Long thọ và kinh điển của hệ này về sau
- Chương 10: Phật giáo Đại thừa hệ Vô Trước
- Chương 11: Vương triều Cấp Đa và Phật giáo sau vương triều này
- Chương 12: Từ thời Mật giáo thịnh hành đến Phật giáo cận đại
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Pháp sư Thánh Nghiêm- Thích Tâm Trídịch
---o0o---
THỜI KỲ ĐẦU CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA
TIẾT II. SỰ HƯNG KHỞI CỦA ĐẠI THỪA THỜI SƠKỲ
- Nguyên nhân hưng khởi của Đại thừa.
Sau Phật nhập diệt, giòng chảy âm thầm của Đại thừa Phật giáo cứ lặng lẽ chuyển hóa, nhưng chưa tạo được ảnh hưởng gì đến tư trào của thời đại đương thời. Cho mãi đến trước và sau đầu kỷ nguyên tây lịch, Đại thừa Phật giáo vẫn y cựu giữ lấy trạng thái mặc nhiên. Động lực thúc đẩy sự hưng khởi Đại thừa chính là tư tưởng Bát Nhã bắt nguồn từ cơ sở “nhân duyên sinh pháp” của Đại Chúng Bộ khi cho rằng “hiện tại hữu thể”. Đại Chúng Bộ đưa ra khẩu hiệu “hiện tại hữu thể”. Đại Chúng Bộ đưa ra khẩu hiệu “các pháp thế gian và xuất thế gian, tất cả chỉ là giả danh”. Theo “Luận Sự” 19,2 của Nam Truyền(16), ghi là: Chế Đa Sơn Bộ (phái Đại Chúng Bộ tự do thuộc địa phương Án Đạt La) chủ trương thuyết “không tánh hàm ư hành uẩn). Đây là giáo lý của “tánh không duyên khởi”.
Tư tưởng Bát Nhã là dòng chảy đầu tiên của Đại thừa. Kinh Bát Nhã ra đời tại địa phương Án Đạt La thuộc nam Ấn Độ, điều này được các học giả cận đại công nhận.
“Tiểu phẩm Bát Nhã Kinh” quyển bốn(17)hiện còn có ghi là “Bát Nhã Ba La Mật Đa, đương thời lưu bố tại phương nam, rồi từ phương nam lưu bố sang phương tây, sau đó mới truyền sang phương bắc”. Điều đó cho thấy lộ hướng phát triển của Phật giáo Đại thừa là từ nam sang tây, rồi mới đến phương bắc. Đại thừa Phật giáo phát sinh ở nam Ấn Độ nhưng lại thành thục ở bắc Ấn Độ.
Thời ấy tại tây bắc Ấn Độ là giáo khu của Bà La Môn giáo, và chỉ có Phạn văn (Sanskrit) lưu hành tại đây. Để phù hợp với hoàn cảnh thịnh hành của Phạn văn, nên thánh điển Đại thừa được truyền đến Trung Quốc cũng đều được dịch từ bản gốc Phạn văn.
Như vậy, Phật giáo Đại thừa là sự chuyển tiếp từ Phật giáo Tiểu thừa. Ở đây là Đại Chúng Bộ, và cũng là sự phản kháng của Phật giáo Tiểu thừa. Đặc biệt là Hữu Bộ. Sự phản kháng sở dĩ xảy ra là vì sự định hình của Phật giáo Tiểu thừa vào thời ấy đã trở thành “một thứ” Phật giáo cứng đơ. Trước tình hình như vậy cần phải quay về và làm sống lại bản hoài của đức Phật, bằng cách phục hoạt lại tinh thần “độ sinh vì sự nghiệp”. Phật giáo Đại thừa đứng trên tất cả mọi lập trường và việc dùng danh từ Tiểu thừa (Hinayàna) là để chê bai địa vị của Bộ phái Phật giáo. Cũng thế, Bộ phái Phật giáo đặc biệt là các học giả Hữu Bộ. Họ đứng trên lập trường Hữu Bộ, và tự cho mình là căn bản của Phật giáo chính thống, khỏi sự công kích Phật giáo Đại thừa vừa được tân hưng. Họ cho rằng Đại thừa là không do Phật thuyết, và đưa ra khẩu hiệu “Đại thừa là do ma thuyết”. Mãi đến khi ngài Vô Trước viết luận Đại thừa Trang Nghiêm Kinh, luận Hiển Dương Thánh Giáo, luận Nhiếp Đại thừa, và kiệt lực biện hộ rằng ”Đại thừa thị Phật thuyết”. Nếu dựa vào thực tế, thì cả hai đều có cái lý của họ, và cả hai đều có điểm quá đáng. Nhân vì Tiểu thừa là do Phật giáo nguyên thỉ khai mở, và cũng là khởi nguồn cho Phật giáo Đại thừa. Chưa hẳn Tiểu thừa là tự tư, tự lợi riêng cho mình, Đại thừa vốn có căn cứ từ giáo lý nguyên thỉ; vậy nói Đại thừa là không do Phật thuyết, chả lẽ là do ma thuyết được sao?
Hiện tượng Đại thừa, nếu đứng về mặt kết quả mà nói, thì thật đáng để tôn kính. Bằng không, thì tư tưởng tân - cựu bị phân biệt không ngớt. Thực thì tương phản lại là tương thành. Đến kinh Pháp Hoa, thì Đại - Tiểu tam thừa qui về nhất thừa và điều hòa được cuộc tranh luận Đại - Tiểu.
Sự viên mãn và thành thục của Đại thừa có sự trợ giúp từ cơ sở tư tưởng của Hữu Bộ rất nhiều. Công của Hữu Bộ đối với sự thành thục của môn Duy thức học lại càng to lớn hơn.
- Nhân vật và tư tưởng của sự phát khởi Đại thừa.
Cốt cán trong cuộc vận động Đại thừa, không nghi ngờ gì, đó là sự bắt đầu từ hai hạng người;
1. Chúng Tỳ kheo trong tăng đoàn Thanh văn:
Chúng Tỳ kheo của Đại Chúng Bộ trước giờ nổi tiếng là những Tỳ kheo tiến bộ và tự do, mà nhân vật Đại Thiên là đại biểu điển hình. Có thể nói Phật giáo Đại thừa là điều đã được tiên tri, tiên giác. Về sau, do phái Án Đạt La của Đại Chúng Bộ ảnh hưởng đến Hóa Địa Bộ, Pháp Tạng Bộ và Kinh Lượng Bộ, chung cuộc nhờ có Đại thừa khai xuất mà ba Bộ này điều hòa nhập vào Đại thừa.
2. Sự tự do tư tưởng của những tín đồ tại gia:
Hướng lai trong Tăng đoàn Thượng Tọa Bộ là đối tượng để chúng tại gia nương theo tu học Phật Pháp. Nhưng từ khi xuất hiện thánh điển Đại thừa thì đa số lại lấy Bồ tát tại gia làm nhân vật trung tâm để hoằng pháp. Như kinh Duy Ma Cật, kinh Thắng Man. Trong các kinh này không chỉ nói lên tính bình đẳng tăng - tục, mà còn nói lên sự bình đẳng giới tính. Thậm chí, kinh Duy Ma Cật còn lấy ngài Xá Lợi Phất, nhân vật tiêu biểu của hàng Thanh văn Tỳ kheo ra châm biếm đủ điều, lại còn chế giễu tăng đoàn Thanh văn Tỳ kheo là bảo thủ, cố chấp. Điều này chỉ nói lên xu thế tư tưởng của thời đại, chứ không hẳn là đại biểu cho Đại thừa Phật giáo một cách toàn diện nếu xét về mặt sự thực lịch sử. Cố nhiên là Phật giáo Đại thừa bài xích phong cách bảo thủ của các hành giả Tiểu thừa. Tuy nhiên, về mặt sự thực lịch sử mà khảo sát, thì sự viên thành và phát huy của Phật giáo Đại thừa cũng bắt nguồn từ nhiều vị đại sư trải qua nhiều thế hệ trong tăng đoàn. Cạnh đó, như nhiều lần chúng ta nói đến cụm từ “tư trào thời đại”, về phương diện này cũng có hai nhân tố:
3. Nội bộ Phật giáo kích bác lẫn nhau:
Đó là giữa Bộ phái Phật giáo với Bộ phái Phật giáo, thậm chí các học giả trong cùng Bộ phái cũng cùng phát minh, nhưng lại phê phán nhau, tiêu điểm là tranh luận về Pháp nghĩa, nhân đấy mà cấu thành hiện tượng vừa nêu. Phái có tư tưởng thủ cựu cứ tranh luận giằng co không chịu sút kém, nên luôn luôn khởi sinh một đợt tư tưởng mới.
4. Lấy cái hay của ngoại giáo và ngoại lai để bổ sung cái thiếu của mình:
Điều đó chẳng khác nào lấy đá ở núi khác về mài đá núi mình cho nhẵn thêm, trong khi khí vận của Phật giáo bị kèm chặt giữa Bà La Môn giáo, và các học phái ngoại đạo, bởi đó là lúc họ chỉnh đốn lại “cờ trống”. Chẳng hạn như “Bạt Già Phạn Ca” của Đại Chiến Thi, lúc này đã thành lập xong. Phái triết học Số luận và Thắng luận của ngoại đạo thời này cũng đã hoàn thành thể hệ, tân phái Thấp Bà và Duy Tu Nô của Bà La Môn giáo đang trong xu thế long thịnh. Đối với Phật giáo họ công kích một cách khinh rẻ, bỗng trong nhất đán Phật giáo gặp phải sự công kích mới kịp phát hiện được nhược điểm của tự thân về phương diện nhân sự, đồng thời cũng phát hiện những ưu điểm của đối phương. Nhờ vậy, Phật giáo mới lấy sở trường bổ khuyết sở đoản, hoặc phát huy sở trường vứt bỏ sở đoản, và đấy cũng là kết quả tất nhiên mà thôi. Ở trước có nói về văn hóa của tộc người Đạt La Duy Trà ở nam Ấn Độ, và văn hóa của người Hy Lạp và Ba Tư ở bắc Ấn Độ. Phật giáo dung nhập tinh thần của hai nền văn hóa này, miễn sao nó không trái với bản hoài của đức Phật dứng về mặt nguyên tắc. Chấp nhận để mà dung hóa thì không có gì sai! Qua nhiều lần “đại khai đại hiệp” khiến Phật giáo Đại thừa đạt đến đỉnh điểm.
- Học giả Đại thừa trong thời đại Bộ Phái.
Chúng ta không thể không nói đến Thánh điển Đại thừa lần lượt được kết tập và công bố giữa mọi người ở thời sơ kỳ, ấy là tư tưởng tiến bộ của các học giả vô danh, nhưng cứ mỗi thế hệ đều có sự bổ sung: các học giả vô danh này cứ lặng lẽ làm công tác phát huy bản hoài của đức Phật cho đến lúc ngài Long Thọ xuất thế. Long Thọ ra sức tập hợp những thành quả của hàng trăm năm qua các học giả Đại thừa đã âm thầm đóng góp, và qui chúng về một mối. Ông sưu tập, chỉnh lý, trước thuật và phát huy những thành quả ấy, cũng như xác lập địa vị Phật giáo Đại thừa.
Kỳ thực, trước Long Thọ, ít ra cũng đã có một số vị cũng đã xác lập đầy đủ tư tưởng Đại thừa, như:
1. Ngài Long Quân (tức Tỳ kheo Na Tiên - Nagasena).
Ông hoạt động hoằng hóa Phật pháp dưới thời vua Di Lan Đà. Đọc kinh Na Tiên Tỳ Kheo, thì thấy ngài tuy là vị La hán, nhưng qua cuộc vấn đáp ngài vẫn thuộc phạm vi Tiểu thừa. Tuy nhiên điều đáng chú ý, ông với đức Phật là người “khứ sự, bổ thỉ, đương lai sự”, “tất tri chi”. Phật có khả năng biết rõ các pháp trong ba đời. Ông cũng chủ trương trí huệ của Phật có thể đoán biết “từ tâm niệm đến thân xác biết khổ, vui, lạnh, ấm, thô, cứng, và tâm niệm chúng sinh hương về đâu Phật đều biết, đều phân biệt rõ ràng. Phật là đấng toàn trí, trí huệ Phật là vô biên, chủ trương này bản thân nó là tiền thân của tư tưởng Đại thừa.
2. Ngài Hiếp Tôn Giả:
Ngài là người sống dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca. Ngài xúc tiến thành công cuộc kết tập lần thứ tư, và cũng là người tiếp nhận tư tưởng Bát Nhã của phương nam khi được truyền đến phương bắc. Vì vậy nên học phong của Ngài chú trọng thẳng vào chính vấn đề chính và không ưa thích sự rườm rà. Ngài và các học giả hệ Phát Trí Luận thuộc Hữu Bộ có phần nào bất đồng. Đối với việc giải thích Phương Quảng Kinh, sau rốt Ngài nói: “kinh này trong Bát Nhã gọi là Phương Quảng, do vì chuyên dùng nên gọi là Đại” (tức Phương Quảng có nghĩa là: Đại).
3. Ngài Thế Hữu:
Ngài là nhân vật trọng yếu trong lần kiết tập thứ tư. Ngài trước tác bộ luận Dị Bộ Tông Luân, và luận Giới Thân Túc. Ngài gốc là học giả Tiểu thừa của Hữu Bộ, nhưng khi Chơn Đế dịch Bộ Chấp Dị Luận của và ngài Huyền Trang dịch bộ Di Bộ Tông Luận của ngài (Huyền Trang người viết Đại Đường Tây Vực Ký) đều nói ngài là vị Bồ tát. Đại Đường Tây Vực Ký có chép lời tự bạch của Thế Hữu “ta nhìn lại mình là kẻ vô học, nên xót xa mà rơi lệ, chí của ta là cầu Phật quả, nên không theo lối hẹp Tiểu thừa”. Với Tiểu thừa, ngài là vị La Hán vô học(18), ngài cũng tự coi mình “giống như đồ bỏ đi”, nhưng ngài không quay lại với Tiểu thừa. Sở cầu của ngài là Phật quả, dấy là tư tưởng Đại thừa không có gì tranh cãi.
4. Bồ tát Mã Minh:
Mã Minh (Ásvaghosa), trong Đại Chánh Tạng có Mã Minh Bồ Tát Truyện, một quyển(19). Ngài hoằng hóa dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca. Truyền thuyết nói ngài sinh ở trung Ấn, buổi đầu theo Bà La Môn giáo, có sở trường về âm nhạc và thơ ca, cũng như rất nổi tiếng về lĩnh vực này. Về sau ngài bị luận thư của Hiếp Tôn Giả đánh đổ tà chấp, nhân đó ngài quy y Phật giáo. Mã MInh là người sáng tác rất phong phú. Trong kinh tạng hiện còn gồm có: Luận Đại Thừa Khởi Tín, một quyển và được Chơn Đế dịch ra Hán văn, luận Đại Tông Địa Huyền Văn Bản, hai mươi quyển, cũng do Chơn Đế dịch ra Hán văn. Ni Kiền Tử Vấn Vô Ngã Ngữ Kinh, một quyển do Nhật Xứng dịch ra Hán văn, Đại Trang Nghiêm Luận Kinh, mười lăm quyển, được ngài La Thập dịch ra Hán văn, Phật Sở Hành Tán, năm quyển do Đàm Vô Sấm dich ra Hán văn, Thập Bất Thiện Đạo Nghiệp Kinh, một quyển, bản Hán dịch của Nhật Xứng. Sự Sư Pháp Ngũ Thập Tụng, một quyển cũng do Nhật Xứng dịch ra Hán văn, và nhiều tác phẩm khác của Mã Minh chưa thấy dịch ra văn Hán.
Trong số tám luận thư nêu trên do Mã Minh sáng tác, chỉ một hoặc hai sách có tính chất Đại thừa, những sách còn lại đều thuộc phạm vi Tiểu thừa. Do đó, các học giả cận đại trong đó có Cánh Dã Hoàng Dương v.v... người Nhật Bản, ông này nghi là Luận Đại Thừa Khởi Tín không hẳn là do Mã Minh sáng tác, ông cũng nghi Đại Tông Địa Huyền Văn Bản Luận, không phải do Chơn Đế dịch ra Hán văn. Thậm chí có người còn cho rằng Luận Đại Thừa Khởi Tín là do người Trung Quốc mượn danh Mã Minh để viết - cụ thể như Vọng Nguyệt Tín Hanh và Địch Nguyên Vân Lai v.v... Cánh Dã Thị thì cho rằng Luận Đại Thừa Khởi Tín không những không phải do Mã Minh tạo, mà cũng không do Mã Minh tại dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca; theo ông luận này do người sau thời Long Thọ tạo. Có thể là học giả của thời Trần Na và Kiên Huệ, hoặc cũng có thể là học trò của Thế Thân tạo. Vì phân tích nội dung của luận thì rõ.
Theo luận Thích Ma Ha Diễn của Long Thọ thì có sáu vị có tên Mã Minh.
1. Mã Minh, người sinh cùng thời với đức Thích Tôn, trích từ kinh Thắng Đảnh Vương.
2. Trong kinh Đại Thừa Bản Pháp cũng có một vị tên Mã Minh, và cũng sinh cùng thời với đức Phật.
3. Trong kinh Ma Ni Thanh Tịnh, chép sau Phật nhập diệt khoảng trăm năm, có vị mang tên Mã Minh.
4. Sau Phật diệt độ chừng ba trăm năm, cũng có một vị tên Mã Minh, điều này được chép trong kinh Biến Hóa Công Đức.
5. Kinh Ma Ha Ma Da, có nói đến một vị tên Mã Minh ra đời sau đức Phật chứng sáu trăm năm.
6. Kinh Thường Đức Tam Muội, cũng có một vị tên Mã Minh, ra đời sau Phật Niết bàn tám trăm năm. Trong đó vị Mã Miinh thứ năm là người sinh dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca. Có người tin chính vị Mã Minh thứ năm là người viết Luận Đại Thừa Khởi Tín, và một luận khác nói về Tiểu và Đại thừa. Những vị cùng có tên Mã Minh sau Phật nhập diệt để làm mốc mà tính cho nên có nhiều dị thuyết. Ở đây chỉ nêu ra để tiện tham khảo, nên không nhất thiết định luận.
Bát luận thế nào, ở bắc Ấn Độ dưới thời vua Ca Nị Sắc Ca đã có tư tưởng Đại thừa lưu hành tại đây. Hiếp Tôn Giả và Thế Hữu là những vị có tư tưởng Đại thừa. Mã Minh tuy sinh tại trung Ấn Độ nhưng cũng từng thân cận Hiếp Tôn Giả, do đó đương nhiên Mã Minh dễ dàng cảm nhiễm tư tưởng Đại thừa được gợi ý bởi Hiếp Tôn Giả.
- Tây Phương Tịnh Độ.
Tư tưởng Bát Nhã phát triển tại nam Ấn Độ và đấy là tư tưởng Đại thừa Phật giáo chủ về”trí”; trong khi ở bắc Ấn Độ lại xuất hiện tư tưởng cầu tha lực để vãng sanh về cõi Tịnh độ, đây là tư tưởng Đại thừa Phật giáo về “tình”. Theo Pháp sư Ấn Thuận, thì Hiếp Tôn Giả là người tin vào kinh Bát Nhã, còn Bồ tát Mã Minh là người có liên quan đến đức tin Tây phương Tịnh độ. Kinh Đại Bi nói, ”ở nước bắc Thiên Trúc có vị Tỳ kheo tên Kỳ Đà Ca Xác (Ásvaghosa - tức Mã Minh) phát khởi cái học Đại thừa, cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc”. Mã Minh vốn là người thành thục tín ngưỡng, ông sáng tác thi ca để tán tụng Bản sinh và sự tích của Phật, ông là người tín niệm cầu vãng sinh về nước Phật ở phương khác. Điều đó là phù hợp với tính chất tín ngưỡng trước kia của ông(20).
Lại nữa, “Nếu lấy sự giải thích có ngụ ý ngầm trong kinh, thì kinh Bát Nhã (chỉ một phần) có thể nói là có nguồn gốc từ phương đông. Như câu chuyện Bồ tát Thường Đế đi về phương đông có quốc độ Phật Bất Động”, “Kinh Đại Bi, kinh A Di Đà nói rõ về nước Cực lạc ở phương Tây, đấy là đương thời do các học giả ở phương tây biên tập và truyền bá”(21). Kỳ thực, về đại thể của Phật giáo Ấn Độ mà nói, thì đông và tây phương có thể hỗ dụng nhau, tây và bắc phương có thể hỗ dụng nhau.
Tư tưởng A Di Đà Tịnh độ phát nguyên ở phương tây, có thể có hai nhân tố:
1. Sự triển khai của Phật giáo nguyên thỉ:
Tư tưởng Tịnh độ cứu tế, thực ra nó được tuôn chảy từ bản hoài của đức Phật. Kinh Tạp A Hàm quyển hai mươi hai, kinh 592(22); nói, hướng về Phật mà đi một bước, cũng có công đức vô lượng. Kinh Tạp A Hàm quyển 35, kinh 980(23)và kinh Tăng Nhất A Hàm - quyển 14, phần một phẩm Cao Tràng(24)nói, nhớ nghĩ đến Tam Bảo có thể trừ được lo sợ. Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 27, phần bảy của Phẩm Tà Tụ(25)thì nói, người bị ép phải cúng Phật, cũng có thể không bị đọa ác thú trong sáu mươi kiếp. Đến kinh Na Tiên Tỳ Kheo(26)lại thêm bước nữa, nói: “người tuy có bản ác, nhưng nhất thời niệm Phật, nhờ đó không bị đọa vào Nê Lê (tức địa ngục) mà được sinh về cõi trời Đâu Suất của vị Phật tương lai”. Vốn thế giới của đức Phật này là Tịnh độ, nhân đó mà biết thế giới của đức Phật kia cũng là Tịnh độ. Nhờ Bản Sinh Đàm của Phật mới biết đức Phật có bản nguyện lực. Cõi Tịnh độ ở phương tây được hình thành là do bản thệ nguyện lực của Phật A Di Đà mà thành. Có thể thấy, tuy trong thánh điển A Hàm đức Thích Tôn chưa từng nói đến cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà, nhưng tư tưởng Tịnh độ Di Đà chắc chắn được lưu suất từ bản hoài của đức Thích Tôn.
2. Sự kích phát của tư tưởng ngoại lai:
Tịnh độ là cầu sự cứu độ từ tha lực. Tuy điều này sớm đã xuất hiện trong thánh điển nguyên thỉ của Phật giáo, nhưng do trước đó chưa gặp ngoại duyên kích phát, nên nó không được mọi người coi trọng. Thế rồi bất chợt tiếp xúc với tín ngưỡng tôn giáo cả các dân tộc Hy Lạp và Ba Tư ở bắc Ấn Độ. Do phải tiếp dẫn dị giáo hồi nhập Phật giáo, nên không thể suy ngẫm về giá trị tư tưởng của họ. Mặt khác, việc sùng bái cầu nguyện sự cứu tế từ tha lực là điều phổ thông và bình thường của các tôn giáo Thần quyền, trong khi Phật giáo không tin vào Thần quyền.
Nhưng trong bản thệ nguyện lực của đức Phật xác lập có hàm ẩn công năng cứu tế của tha lực. Vì vậy, nên Tỳ kheo Na Tiên khi gặp vua Di Lan Đà là người Hy Lạp, ông liền thuyết giảng rằng niệm Phật có thể sinh về cõi trời. Đến thời của Bồ tát Mã Minh thì tư tưởng Tịnh độ Di Đà đã lan tỏa khắp trong nhân gian rồi. Kinh A Di Đà là do truyền khẩu truyền tụng lâu ngày mới được kết tập lại thành, và khi đã thành kinh sách thành văn, thì Tây phương Tịnh độ ứng hóa tùy căn cơ.
Xác nhận là có Tịnh độ của Phật A Di Đà, và xét cho cùng thì Tây phương là ở đâu? Đấy là hai vấn đề. “Sinh tắc định sinh, khứ tắc bất khứ” (sinh thì nhất định có sinh, nhưng chết thì không phải là mất). Đây là lời giải đáp tối ưu cho câu hỏi Tây phương là phương nào, ở đâu.