NGHI VẤN KHÔNG ĐÁP ÁN
THE IMPOSSIBLE QUESTION
Lời dịch: Ông Không – 2010
Nói chuyện trước công chúng tại Saanen 1970
PHÂN CHIA
Ngày 23 tháng 7 năm 1970
Krishnamurti: Khi chúng ta đối diện với vô số những vấn đề của chúng ta, chúng ta có khuynh hướng cố gắng giải quyết mỗi vấn đề một cách riêng biệt.
Nếu nó là vấn đề tình dục, chúng ta đối xử với nó như thể nó là điều gì đó hoàn toàn không liên quan đến những vấn đề khác. Giống như vấn đề của tình dục là nạn đói, mà chúng ta cố gắng giải quyết theo chính trị, kinh tế hay xã hội. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại cố gắng giải quyết riêng từng vấn đề một. Thế giới bị chất đầy bởi bạo lực; những quyền lực khác nhau cố gắng giải quyết mỗi vấn đề như thể nó là cái gì đó tách rời khỏi phần còn lại của thế giới. Chúng ta không suy nghĩ những vấn đề này như một tổng thể, thấy mỗi vấn đề có liên quan đến những vấn đề khác và không phải tách rời.
Bạo lực, như người ta có thể thấy trong chính người ta, là bộ phận thuộc sự thừa hưởng thú vật của chúng ta. Một bộ phận lớn của chúng ta là thú vật, và nếu không hiểu rõ cấu trúc của chính chúng ta như những con người tổng thể, cố gắng giải quyết riêng bạo lực chỉ dẫn đến bạo lực thêm nữa. Tôi nghĩ điều này phải được hiểu rõ bởi mỗi người chúng ta. Có hàng ngàn vấn đề mà dường như tách rời, mà dường như chúng ta không bao giờ thấy có liên quan lẫn nhau, nhưng không có vấn đề nào có thể được giải quyết bằng cách tách rời riêng nó. Chúng ta phải đối xử với sống như một chuyển động liên tục của những vấn đề và những khủng hoảng, to tát hay nhỏ bé. Chúng ta hãy tìm hiểu điều này rất cẩn thận, bởi vì nếu nó không được hiểu rõ khi chúng ta bàn luận về những chủ đề của sợ hãi, tình yêu, chết, thiền định và sự thật; chúng ta sẽ không hiểu rõ làm thế nào tất cả chúng đều có liên quan lẫn nhau. Bởi vì vẻ đẹp của sự sống, sự ngây ngất, cái mênh mang vô hạn, không tách rời khỏi những vấn đề hàng ngày của chúng ta. Nếu bạn nói, ‘Tôi chỉ quan tâm đến thiền định và sự thật’, bạn sẽ không bao giờ tìm được nó, nhưng làm ơn hãy hiểu rõ làm thế nào tất cả những vấn đề này đều có liên quan lẫn nhau. Ví dụ về nạn đói, mà không thể chặn đứng một mình nó, bởi vì nó là một vấn đề bao gồm những phân chia thuộc quốc gia, chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo và tâm lý giữa con người và con người. Và chúng ta có vấn đề của sự liên hệ thuộc cá nhân, vấn đề của đau khổ – không chỉ đau khổ phần thân thể mà còn cả đau khổ phần tâm lý – những vấn đề của tai họa khủng khiếp, không chỉ tai họa thuộc cá nhân mà còn cả tai họa của thế giới, sự bất ổn và rối loạn của nó. Nếu chúng ta cố gắng tìm ra một đáp án cho mỗi vấn đề đặc biệt, vậy thì chúng ta chỉ tạo ra sự phân chia thêm nữa, sự xung đột thêm nữa. Nếu bạn dư thừa sự nghiêm túc và chín chắn, chắc hẳn bạn phải đặt ra câu hỏi tại sao cái trí lại cố gắng giải quyết từng vấn đề riêng biệt như thể chúng không có liên quan gì đến những vấn đề khác. Tại sao cái trí con người, bộ não, lại luôn luôn phân chia ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, ‘chúng tôi’ và ‘chúng nó’, tôn giáo và chính trị, và vân vân? Tại sao lại có sự phân chia liên tục này cùng tất cả mọi nỗ lực để giải quyết mỗi vấn đề riêng rẽ trong sự tách rời?
Để trả lời nghi vấn đó chúng ta phải tìm hiểu chức năng của tư tưởng, ý nghĩa, bản chất, cấu trúc của nó; bởi vì chính tư tưởng tự-tách rời, và rằng chính sự tiến hành của cố gắng tìm được một đáp án qua suy nghĩ, qua lý luận, gây ra sự tách rời.
Con người mong ước một cách mạng vật chất với mục đích tạo ra một trật tự tốt hơn, quên bẵng những hàm ý của một cách mạng vật chất, quên bẵng toàn bản chất tâm lý của con người. Vì vậy nguời ta phải đặt ra nghi vấn này. Và đáp án là gì? Nó là đáp án của tư tưởng, hay nó là đáp án bởi vì đã hiểu rõ tánh tổng thể của cấu trúc rộng lớn thuộc sống của con người này?
Chúng ta muốn tìm ra tại sao sự phân chia này tồn tại? Chúng ta đã đề cập ngày hôm trước, như ‘người quan sát’ và ‘vật được quan sát’. Chúng ta không trình bày giống như thế nhưng tiếp cận nó một cách khác hẳn. Liệu tư tưởng tạo ra sự phân chia này? Nếu chúng ta tìm ra là chính nó tạo ra, đó là bởi vì tư tưởng cố gắng tìm được một đáp án cho một vấn đề đặc biệt bị tách rời khỏi những vấn đề còn lại.
Làm ơn, đừng đồng ý với tôi; nó không là vấn đề của đồng ý, nó là vấn đề của tự-thấy cho chính bạn sự thật hay sự giả dối của nó. Dù trong mọi hoàn cảnh nào đều không nên chấp nhận bất kỳ điều gì người nói trình bày; không có uy quyền, cả bạn lẫn người nói đều không có uy quyền; cả hai chúng ta đang tìm hiểu, đang quan sát, đang nhìn ngắm, đang học hành.
Nếu tư tưởng, bởi chính bản chất và cấu trúc của nó, phân chia sống thành nhiều vấn đề, cố gắng tìm ra một đáp án qua tư tưởng sẽ chỉ dẫn đến một đáp án bị tách rời, vì vậy chúng ta thấy rằng điều đó nuôi dưỡng rối loạn thêm nữa, đau khổ thêm nữa. Người ta phải tìm ra cho chính người ta, một cách tự do, không có bất kỳ thành kiến nào, không có bất kỳ kết luận nào, liệu rằng tư tưởng vận hành theo cách này. Hầu hết chúng ta đều cố gắng tìm ra một đáp án bằng trí năng hay bằng cảm xúc, hay nói chúng ta làm như thế bằng trực giác. Người ta phải rất cẩn thận với từ ngữ ‘trực giác’ đó, trong từ ngữ đó đã nằm sẵn sự lừa dối vô cùng, bởi vì người ta có thể có trực giác bị sai khiến bởi những thất vọng, những cay đắng, những sợ hãi, những hy vọng, những mơ ước riêng của người ta và vân vân. Chúng ta cố gắng tìm ra một đáp án bằng trí năng hay cảm xúc, như thể trí năng là cái gì đó tách rời khỏi cảm xúc, và cảm xúc là cái gì đó tách rời khỏi sự phản ứng thuộc thân thể. Giáo dục và văn hóa của chúng ta cùng tất cả những ý tưởng triết học của chúng ta đều được đặt nền tảng trên sự tiếp cận thuộc trí năng này đến sống; cấu trúc xã hội của chúng ta, và đạo đức của chúng ta đều được đặt nền tảng trên sự phân chia này.
Vì vậy nếu tư tưởng phân chia, nó phân chia như thế nào? Nếu bạn thực sự quan sát nó trong chính bạn, bạn sẽ thấy một sự việc thật lạ thường mà bạn sẽ khám phá. Bạn sẽ là một ngọn đèn cho chính bạn, bạn sẽ là một con người hòa hợp, không mong chờ nguời nào đó chỉ bảo cho bạn phải làm gì, suy nghĩ ra sao và suy nghĩ như thế nào. Tư tưởng có thể có lý luận cực kỳ; nó phải lý luận liên tục, hợp lý, khách quan, khôn ngoan; nó phải vận hành hoàn hảo, giống như một máy vi tính chạy đều đều mà không có bất kỳ cản trở, mà không có bất kỳ ma sát. Lý luận là cần thiết, thông minh là thành phần của khả năng lý luận.
Liệu tư tưởng có khi nào được mới mẻ, tươi trẻ? Mỗi vấn đề con người – không phải vấn đề khoa học hay kỹ thuật – nhưng mỗi vấn đề của con người đều luôn luôn mới mẻ và tư tưởng cố gắng hiểu rõ nó, cố gắng thay đổi nó, cố gắng diễn giải nó, cố gắng làm cái gì đó cho nó. Nếu thật sâu thẳm chúng ta cảm thấy thương yêu lẫn nhau – không phải bằng từ ngữ nhưng thực sự, vậy thì tất cả sự phân chia này sẽ kết thúc. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi không có tình trạng bị quy định, khi không có trung tâm như ‘cái tôi’ và ‘cái bạn’. Nhưng tư tưởng, mà là hoạt động của bộ não, của trí năng, không thể thương yêu. Tư tưởng phải được hiểu rõ và chúng ta hỏi liệu tư tưởng có thể thấy bất kỳ cái gì đó mới mẻ; hay có phải rằng tư tưởng ‘mới mẻ’ là luôn luôn cũ kỹ đến độ khi nó đối diện một vấn đề của sống mà luôn luôn mới mẻ – nó không thể thấy trạng thái mới mẻ của nó bởi vì nó cố gắng diễn giải nó tùy theo tình trạng bị quy định riêng của nó.
Tư tưởng là cần thiết, tuy nhiên chúng ta thấy rằng tư tưởng là phân chia, như ‘cái tôi’ và ‘cái không tôi’; nó cố gắng giải quyết vấn đề của bạo lực trong sự tách rời, không liên quan đến tất cả những vấn đề khác của sự tồn tại. Tư tưởng luôn luôn thuộc về quá khứ: nếu chúng ta không có bộ não, mà giống như một máy thâu băng đã tích lũy tất cả mọi loại thông tin và hiểu biết, chúng ta sẽ không thể suy nghĩ hay phản ứng. Tư tưởng, khi gặp gỡ một vấn đề mới, phải diễn giải nó trong những bị quy định riêng thuộc quá khứ của nó và vì vậy tạo ra sự phân chia.
Hãy gạt đi mọi vấn đề trong chốc lát và quan sát suy nghĩ riêng của bạn: nó là sự phản ứng của quá khứ. Nếu bạn không có tư tưởng sẽ không có quá khứ, sẽ có một trạng thái quên lãng. Rõ ràng tư tưởng phân chia sống thành quá khứ, hiện tại và tương lai. Chừng nào còn có tư tưởng, như quá khứ, sống phải bị phân chia thành thời gian.
Nếu tôi muốn hiểu rõ vấn đề của bạo lực một cách trọn vẹn, tổng thể, để cho cái trí hoàn toàn được tự do khỏi bạo lực, tôi chỉ có thể hiểu rõ nó bằng cách hiểu rõ cấu trúc của tư tưởng. Chính do bởi tư tưởng mới nuôi dưỡng bạo lực: ngôi nhà ‘của tôi’, người vợ ‘của tôi’, quốc gia ‘của tôi’, niềm tin ‘của tôi’, mà là điều vô lý hoàn toàn. Ai là ‘cái tôi’ luôn luôn đối nghịch với phần còn lại? Cái gì gây ra nó? Nó là giáo dục, xã hội, chính thể, giáo hội? Tất cả chúng đều đang làm nó và tôi là bộ phận của tất cả chúng. Tư tưởng là vật chất; nó ở trong chính cấu trúc, trong chính những tế bào của bộ não; vì vậy khi bộ não vận hành dù một cách tâm lý, xã hội, hay tôn giáo – luôn luôn nó phải vận hành dựa vào tình trạng bị quy định thuộc quá khứ của nó. Chúng ta thấy rằng tư tưởng là cần thiết và phải vận hành tuyệt đối một cách hợp lý, khách quan, không riêng tư, và vẫn vậy chúng ta thấy tư tưởng phân chia như thế nào.
Tôi không đang thúc đẩy bạn đồng ý, nhưng liệu bạn thấy rằng tư tưởng chắc chắn phải phân chia? Hãy quan sát điều gì đã xảy ra: tư tưởng thấy rằng chủ nghĩa quốc gia đã dẫn đến mọi loại chiến tranh và huỷ diệt, thế là nó nói, ‘Tất cả chúng ta hãy thống nhất, hãy thành lập một tổ chức của những quốc gia’. Nhưng tư tưởng vẫn còn đang vận hành, vẫn còn đang duy trì sự tách rời – bạn, như một người Ý, theo chính thể thuộc Ý của bạn, và vân vân. Có nói chuyện về tình huynh đệ tuy nhiên vẫn duy trì sự sự tách rời, mà là đạo đức giả. Đặc điểm của tư tưởng là trình diễn trò chơi hai mặt trong chính nó.
Vì vậy tư tưởng không là phương cách dẫn đến lối thoát – mà không có nghĩa giết chết cái trí. Vậy thì nó là cái gì mà thấy mỗi vấn đề khi nó nảy sinh trong tánh tổng thể của nó? Một vấn đề tình dục là một vấn đề tổng thể, có liên quan đến văn hóa, đến nhân cách, đến những vấn đề khác của sống – không phải một mảnh vấn đề. Cái trí nào mà thấy mỗi vấn đề một cách tổng thể?
Người hỏi: Tôi đã hiểu rõ, nhưng vẫn còn có một nghi vấn.
Krishnamurti: Khi bạn đã hiểu rõ điều gì tư tưởng làm, tại mức độ thấp nhất và mức độ cao nhất, tuy nhiên khi bạn nói vẫn còn một nghi vấn khác, nó là ai mà đang đưa ra nghi vấn đó? Khi bộ não, toàn hệ thần kinh, cái trí – mà bao phủ tất cả điều đó – nói, ‘Tôi đã hiểu rõ bản chất của tư tưởng’, vậy thì bước kế tiếp là: người ta hỏi liệu cái trí này có thể quan sát tổng thể của sống cùng tất cả sự phức tạp và rộng lớn của nó, cùng sự đau khổ vô tận rõ ràng của nó. Đó là nghi vấn duy nhất và tư tưởng không đang đưa ra nghi vấn đó. Cái trí đã quan sát toàn cấu trúc của tư tưởng và biết giá trị tương đối của nó; liệu cái trí này có thể nhìn ngắm bằng con mắt chưa bao giờ bị vấy bẩn bởi quá khứ?
Đây thực sự là một nghi vấn rất nghiêm túc, không phải là một giải trí. Người ta phải trao đam mê, năng lượng của người ta, sống của người ta để tìm ra; bởi vì đây là phương cách duy nhất để thoát khỏi sự tàn nhẫn, sự đau khổ, sự thoái hóa khủng khiếp này, mọi thứ đều bại hoại. Liệu cái trí, bộ não, mà chính nó bị bại hoại qua thời gian, có thể được yên lặng, để cho nó có thể thấy sống như một tổng thể và thế là không còn những vấn đề? Một vấn đề chỉ phát sinh khi sống bị nhìn một cách tách rời. Làm ơn hãy thấy vẻ đẹp của nó. Khi bạn thấy sống như một tổng thể vậy là không còn vấn đề gì cả. Chỉ cái trí và quả tim bị vỡ vụn trong những mảnh mới tạo tác những vấn đề. Trung tâm của ‘mảnh’ là ‘cái tôi’. ‘Cái tôi’ được sinh ra do tư tưởng; chính nó không thực sự có. ‘Cái tôi’ – ngôi nhà ‘của tôi’, sự thất vọng ‘của tôi’, ham muốn ‘của tôi’ để trở thành người nào đó – ‘cái tôi’ đó là sản phẩm của tư tưởng mà phân chia. Liệu cái trí có thể nhìn mà không có ‘cái tôi’? Bởi vì không thể thực hiện việc này, chính ‘cái tôi’ đó nói: ‘Tôi sẽ hiến dâng mình cho Jesus, cho Buddha, cho cái này, cho cái kia’ – bạn hiểu chứ? – ‘Tôi sẽ trở thành một người Cộng sản mà sẽ quan tâm đến toàn thế giới’. ‘Cái tôi’ đang tự- đồng hóa mình với cái gì nó nghĩ rằng quan trọng hơn, vẫn còn là ‘cái tôi’.
Vậy là nghi vấn nảy sinh: liệu cái trí, bộ não, quả tim, toàn thân tâm, có thể quan sát mà không có ‘cái tôi’. ‘Cái tôi’ thuộc về quá khứ; không có ‘cái tôi’ trong hiện tại. Hiện tại không thuộc thời gian. Liệu cái trí có thể được tự do khỏi ‘cái tôi’ để quan sát tổng thể sự bao la của sống? Nó có thể, một cách trọn vẹn, hoàn toàn, khi bạn, toàn thân tâm của bạn, từ cơ bản đã hiểu rõ bản chất của sự suy nghĩ. Nếu bạn đã không trao trọn sự chú ý của bạn, mọi thứ bạn có, để tìm ra sự suy nghĩ là gì, bạn sẽ không bao giờ có thể tìm được liệu có thể quan sát mà không có ‘cái tôi’. Nếu bạn không thể quan sát mà không có ‘cái tôi’, những vấn đề sẽ tiếp tục – một vấn đề đối nghịch một vấn đề khác. Và tất cả những vấn đề này sẽ kết thúc, tôi cam đoan với bạn, khi con người sống một sống hoàn toàn khác hẳn, khi cái trí có thể nhìn ngắm thế giới như một chuyển động tổng thể.
Người hỏi: Vào đầu nói chuyện ông đã hỏi điều gì đó khiến chúng tôi cố gắng giải quyết những vấn đề một cách tách rời. Sự khẩn cấp không là một trong những lý do mà bắt buộc chúng tôi cố gắng giải quyết những vấn đề một cách tách rời hay sao?
Krishnamurti: Nếu bạn thấy sự nguy hiểm, bạn hành động. Trong hành động đó không có câu hỏi của khẩn cấp, không nôn nóng – bạn hành động. Sự khẩn cấp và sự đòi hỏi cho hành động tức khắc, xảy ra chỉ khi nào bạn thấy sự nguy hiểm như một nguy hiểm cho ‘cái tôi’ như tư tưởng. Khi bạn thấy sự nguy hiểm tổng thể của tư tưởng đang phân chia thế giới, đang thấy đó là sự khẩn cấp và hành động. Khi bạn thực sự thấy nạn đói, như nó xảy ra ở Ấn độ, và thấy bằng cách nào nạn đói này đã bị tạo ra, sự dửng dưng của những con người, của chính phủ, sự không năng lực của những người chính trị, bạn làm gì? Giải quyết một vùng riêng rẽ của nạn đói? Hay bạn nói ‘Toàn vấn đề này là một vấn đề thuộc tâm lý, nó được tập trung trong ‘cái tôi’ mà bị gây ra bởi tư tưởng’? Nếu nạn đói đó trong tất cả những hình thức của nó được hiểu rõ một cách hoàn toàn, trọn vẹn – không chỉ nạn đói thân thể, nhưng còn cả nạn đói của con người do không có tình yêu – bạn sẽ tìm được hành động đúng đắn. Chính sự thay đổi là khẩn cấp; không phải rằng sự thay đổi đó sẽ xảy ra qua sự khẩn cấp.
Người hỏi: Dường như ông nói rằng tư tưởng phải vận hành, nhưng cùng lúc ông lại nói nó không thể.
Krishnamurti: Tư tưởng phải vận hành một cách hợp lý, không riêng tư, và tại cùng thời điểm đó tư tưởng phải yên lặng. Làm thế nào điều này có thể xảy ra?
Liệu bạn thực sự thấy, hay hiểu rõ, bản chất của sự suy nghĩ – không phụ thuộc tôi hay một chuyên gia – liệu bạn thực sự thấy tư tưởng vận hành thế nào? Hãy quan sát, thưa bạn: khi bạn bị hỏi một câu hỏi về một vấn đề hoàn toàn quen thuộc với bạn, phản ứng của bạn là ngay lập tức, phải không? Khi bạn bị hỏi một câu hỏi hơi phức tạp hơn, bạn phải mất nhiều thời gian hơn. Nếu bộ não bị hỏi một câu hỏi mà nó không thể tìm được một đáp án khi đã lục lọi tất cả những ký ức của sách báo, nó nói, ‘Tôi không biết’. Liệu nó đã sử dụng tư tưởng khi nói ‘Tôi không biết’? Khi bạn nói, ‘Tôi không biết’, cái trí của bạn không đang tìm kiếm, không đang chờ đợi, không đang ngóng trông; cái trí mà nói, ‘Tôi không biết’ hoàn toàn khác hẳn cái trí mà vận hành cùng hiểu biết. Vì vậy liệu cái trí có thể vẫn còn hoàn toàn được tự do khỏi hiểu biết và tuy nhiên lại vận hành theo chức năng trong lãnh vực của cái đã được biết? Hai cái này bị phân chia. Khi bạn muốn khám phá cái gì đó mới mẻ, bạn phải xóa sạch quá khứ. Cái mới mẻ có thể xảy ra chỉ khi nào có sự tự do khỏi cái đã được biết. Sự tự do đó có thể bất biến; mà có nghĩa rằng cái trí sống trong yên lặng tuyệt đối, trong trống không. Trống không và yên lặng này là bao la, và từ đó, hiểu biết – hiểu biết công nghệ – có thể được sử dụng để vận hành mọi sự việc. Cũng vậy, từ yên lặng đó, tổng thể của sống có thể được nhìn ngắm mà không có ‘cái tôi’.
Người hỏi: Vào đầu nói chuyện, ông đã nói rằng khi muốn thay đổi những sự việc từ bên ngoài, sẽ dẫn đến sự độc tài của một nhóm người hay một người. Ông không nghĩ rằng hiện nay chúng ta đang sống dưới sự độc tài của tiền bạc và công nghệ hay sao?
Krishnamurti: Dĩ nhiên. Nơi nào có uy quyền, có sự độc tài. Muốn tạo ra một thay đổi của con người, một thay đổi của tôn giáo, một thay đổi của xã hội, trước hết phải có sự hiểu rõ toàn bản chất của tư tưởng như ‘cái tôi’, mà đang tìm kiếm quyền lực – dù nó là ‘tôi’, hay người khác mà đang tìm kiếm quyền lực. Liệu cái trí có thể sống mà không tìm kiếm quyền lực? Hãy trả lời câu hỏi này, thưa bạn.
Người hỏi: Liệu không phải tự nhiên khi tìm kiếm quyền lực?
Krishnamurti: Dĩ nhiên nó tạm gọi là tự nhiên. Vì vậy con chó cũng đang tìm kiếm quyền lực trên những con chó khác. Nhưng chúng ta được nghĩ rằng có văn hóa, có giáo dục, có thông minh. Rõ ràng qua hàng thiên niên kỷ chúng ta đã không học hành để sống không quyền lực.
Người hỏi: Tôi thắc mắc liệu cái trí có khi nào đặt ra một nghi vấn về chính nó mà nó không biết trước đáp án rồi.
Krishnamurti: Khi cái trí, như ‘cái tôi’, như tư tưởng tách rời, tự-đặt ra một nghi vấn về chính nó, nó đã tìm ra đáp án rồi, bởi vì nó đang nói về chính nó; nó đang rung cùng cái chuông bằng một cái búa khác, nhưng đó là cùng cái chuông.
Người hỏi: Liệu chúng ta có thể hành động mà không có một ‘cái tôi’? – lúc đó chúng ta không sống trong suy ngẫm hay sao?
Krishnamurti: Liệu bạn có thể sống trong cô lập, trong suy gẫm? Ai sẽ cho bạn lương thực của bạn, quần áo của bạn? Những thầy tu và những người lừa dối của những tôn giáo đã thực hiện tất cả việc này. Có những người ở Ấn độ mà nói, ‘Tôi sống trong suy ngẫm, hãy nuôi tôi ăn, hãy cho tôi quần áo, hãy tắm cho tôi, tôi quá bị cách ly’, tất cả điều đó hoàn toàn không chín chắn. Bạn không thể tự-cô lập chính bạn, bởi vì bạn luôn luôn trong liên hệ với quá khứ hay với những sự việc chung quanh bạn. Sống trong cô lập, gọi nó là suy gẫm, chỉ là tẩu thoát, tự-lừa dối.
Ngày 23 tháng 7 năm 1970