- 01. Ojai, 27 tháng năm 1945
- 02. Ojai, 17 tháng sáu 1945
- 03. Bombay, 7 tháng ba 1948
- 04. Bangalore, 11 tháng bảy 1948
- 05. Poona, 1 tháng chín 1948
- 06. Bombay, 19 tháng hai 1950
- 07. Nói chuyện với học sinh tại trường Rajghat, tháng giêng 1954
- 08. Rajghat, 9 tháng giêng 1955
- 09. Ojai, 6 tháng tám 1955
- 10. New Delhi, 27 tháng mười 1963
- 11. Madras, 22 tháng mười hai 1965
- 12. Rome, 31 tháng ba 1966
- 13. Rajghat, 10 tháng mười hai 1967
- 14. Brockwood Park, 8 tháng chín 1970
- 15. Brockwood Park, 31 tháng tám 1974
- 16. Ojai, 13 tháng tư 1975
- 17. Saanen, 30 tháng bảy 1978
- 18. Bombay, 31 tháng giêng 1981
- 19. Ojai, 2 tháng năm 1982
- 20. Bombay, 23 tháng giêng 1983
- 21. Từ quyển Krishnamurti độc thoại, Ojai, 31 tháng ba 1983
- 22. Saanen, 26 tháng bảy 1983
- 23. San Francisco, 5 tháng năm 1984
- 24. Rajghat, 12 tháng mười một 1984
- 25. Bombay, 7 tháng hai 1985
- 26. Từ quyển Sổ tay của Krishnamurti, 31 tháng chín 1961
BÀN VỀ XUNG ĐỘT [ON CONFLICT]
Lời dịch: ÔNG KHÔNG – 2009
Liệu có thể tìm ra một cách sống hàng ngày mà được tự do ngay tại cơ bản và tuyệt đối và vì vậy cách mạng? Với tôi chỉ có một cách mạng, và đó là cách mạng tôn giáo. Những cách mạng khác – kinh tế, xã hội, chính trị – không là cách mạng. Cách mạng duy nhất là cái trí tôn giáo đã trong tình trạng nổi loạn, không phải như một phản ứng, nhưng một cái trí đã thiết lập một cách sống trong đó không có mâu thuẫn. Tất cả sống của chúng ta đều trong mâu thuẫn và vì vậy xung đột, hoặc xung đột được sinh ra từ cố gắng để tuân phục, xung đột qua tìm kiếm sự thành tựu, hoặc xung đột được gây ra bởi ảnh hưởng xã hội. Những con người đã sống trong tình trạng của xung đột này suốt toàn lịch sử đã biết được.
Mọi thứ họ tiếp xúc họ biến thành xung đột, bên trong và bên ngoài. Hoặc nó là một chiến tranh giữa những con người, hoặc sống như một con người hiện nay là một trận chiến bên trong. Tất cả chúng ta đều biết sự đấu tranh liên tục, bất tận này, bên ngoài và bên trong. Xung đột có sản sinh một kết quả nào đó bằng cách sử dụng ý chí, nhưng nó không bao giờ là sáng tạo. Muốn sống, nở hoa trong tốt lành, phải có hòa bình, không phải hòa bình thuộc kinh tế, hòa bình giữa hai chiến tranh, hòa bình của những người chính trị đang thương thuyết những hiệp định, hòa bình mà những nhà thờ nói hay sự giảng đạo của tôn giáo có tổ chức, nhưng hòa bình mà người ta đã tự khám phá cho chính mình. Chỉ trong hòa bình người ta mới có thể nở hoa, tăng trưởng, là, và vận hành. Nó không thể hiện diện khi có bất kỳ loại xung đột nào, dù có ý thức hay không ý thức.
Liệu có thể sống một cuộc sống không xung đột trong thế giới hiện đại, với tất cả những áp lực, đấu tranh, căng thẳng, và những ảnh hưởng trong cấu trúc xã hội? Đó là đang sống thực sự, bản thể của một cái trí đang tìm hiểu một cách nghiêm túc. Vấn đề liệu có Thượng đế, liệu có sự thật, liệu có vẻ đẹp chỉ có thể hiện diện khi điều này được thiết lập, khi cái trí không còn trong xung đột.
Người hỏi: Làm thế nào người ta có thể tránh xung đột này?
Krishnamurti: Bạn không thể tránh xung đột. Bạn phải hiểu rõ bản chất của nó. Xung đột là một trong những sự việc khó khăn nhất để hiểu rõ. Chúng ta đã cố gắng tránh xung đột, vì vậy chúng ta nương nhờ nhậu nhẹt, tình dục, nhà thờ, tôn giáo có tổ chức, những hoạt động xã hội, vui chơi hời hợt – mọi hình thức của tẩu thoát. Chúng ta đã cố gắng tránh xung đột, nhưng chúng ta đã không thể. Chính sự lẩn tránh xung đột là góp phần vào xung đột.
Người hỏi: Ông có thể trình bày điều gì đó về bản chất của xung đột?
Krishnamurti: Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó. Trước hết chúng ta hãy thấy sự cần thiết cơ bản, chủ yếu của tự do và hòa bình. Chúng ta vẫn chưa biết nó có nghĩa gì. Chúng ta có thể thấy, có lẽ thuộc trí năng, sự cần thiết của một cái trí, một
tâm hồn, toàn cấu trúc của một con người không có xung đột, bởi vì lúc đó có hòa bình. Hòa bình đó thực sự là một hình thức của cư xử đạo đức, bởi vì một cái trí không hòa bình không thể cư xử, không thể có sự liên hệ đúng đắn; và sự liên hệ đúng đắn là cách cư xử, đạo đức, những luân lý, mọi chuyện của nó.
Nếu cả hai chúng ta hiểu rõ sự cần thiết của kết thúc xung đột – hiểu rõ nó thậm chí bằng từ ngữ, trong khoảnh khắc – vậy thì chúng ta có thể tiến tới; vậy thì chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu xung đột là gì, tại sao nó hiện diện, và liệu có thể kết thúc nó bằng cách đòi hỏi một nhân tố được gọi là ý chí. Chúng ta hãy bắt đầu chầm chậm. Nó là một chủ đề quan trọng; chúng ta không thể trình bày xong trong một buổi chiều. Xung đột là gì, cả bên trong lẫn bên ngoài? Ở bên ngoài chúng ta có thể thấy chiến tranh là kết quả của những quốc tịch, những áp lực kinh tế, những thành kiến cá thể và tôn giáo. Đã có những chiến tranh tôn giáo suốt lịch sử của thế giới. Có lẽ Phật giáo đã không góp phần vào chiến tranh, mặc dù mới đây những thầy tu Phật giáo đã tự thiêu, nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại giáo lý. Họ được dạy bảo không bao giờ xen vào chính trị, nhưng chính trị là uy quyền mới; nó cung cấp sự nhiễm độc của chủ nghĩa quốc gia. Vậy thì bạn có thể thấy những nhân tố đóng góp phía bên ngoài của chiến tranh, những học thuyết, chúng ta không phải tìm hiểu điều đó.
Tiếp theo có xung đột bên trong, mà còn phức tạp hơn nhiều. Tại sao lại có xung đột trong chúng ta? Chúng ta đang tìm hiểu; chúng ta không đang nói rằng chúng ta nên hay không nên có xung đột. Chúng ta đang tìm hiểu nó; và muốn thực hiện điều đó chúng ta phải rất rõ ràng trong suy nghĩ của chúng ta, bén nhạy và tỉnh táo cực độ trong quan sát toàn cấu trúc và ý nghĩa của xung đột. Tại sao có xung đột? Chúng ta có ý gì qua từ ngữ đấu tranh đó? Chúng ta đang tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ, không phải điều gì tạo ra xung đột. Khi nào chúng ta ý thức được từ ngữ này, sự kiện này? Chỉ khi nào có đau khổ, một mâu thuẫn, sự theo đuổi của vui thú và sự phủ nhận của nó. Tôi ý thức được xung đột chỉ khi nào hình thức vui thú của tôi trong thành tựu, trong tham vọng thuộc vô số dạng, bị cản trở. Khi vui thú của tham vọng bị tuyệt vọng, lúc đó tôi ý thức được xung đột, nhưng chừng nào vui thú đó còn tiếp tục không bị cản trở, tôi không có ý thức của xung đột gì cả. Có vui thú trong tuân phục. Tôi muốn tuân phục vào xã hội bởi vì nó bù đắp cho tôi; nó cho tôi lợi lộc. Cho an toàn, cho một phương tiện kiếm sống, trở nên nổi tiếng, được công nhận, là ai đó trong xã hội, tôi phải tuân phục vào sự chuẩn mực, vào khuôn mẫu được thiết lập bởi xã hội. Chừng nào tôi còn đang tuân phục vào nó tuyệt đối, mà là một vui thú vô cùng, không có xung đột; nhưng có xung đột khoảnh khắc có một xao lãng khỏi sự tuân phục đó.