- 1. Madras, 16 tháng mười hai 1972
- 2. Brockwood Park, 11 tháng mười một 1971
- 3. Cùng học sinh tại trường Rajghat, 19 tháng mười hai 1952
- 4. Bombay, 12 tháng hai 1950
- 5. Ojai, 28 tháng tám 1949
- 6. Bombay, 12 tháng ba 1950
- 7. New York, 18 tháng sáu 1950
- 8. Seattle, 6 tháng tám 1950
- 9. Madras, 3 tháng hai 1952
- 10. Sự cô độc: Từ quyển Bình phẩm về sống Tập 1
- 11. Bàn luận cùng Giáo sư Maurice Wilkins, Brockwood Park, 12 tháng hai 1982
- 12. Từ quyển Sự thức dậy của Thông minh
- 13. Brockwood Park, 30 tháng tám 1977
- 14. Saanen, 18 tháng bảy 1978
- 15. Bombay, 31 tháng giêng 1982
- 16. Cùng những người trẻ ở Ấn độ: Từ quyển Cuộc sống trước mặt
- 17. Saanen, 18 tháng bảy 1968: Từ Nói chuyện và Đối thoại ở Saanen 1968
- 18. Saanen, 5 tháng tám 1962
- 19. Bombay, 21 tháng hai 1965
- 20. London, 7 tháng tư 1953
- 21. Saanen, 26 tháng bảy 1973
- 22. Saanen, 23 tháng bảy 1974
- 23. Madras, 5 tháng hai 1950
BÀN VỀ TÌNH YÊU VÀ SỰ CÔ ĐỘC
[ON LOVE AND LONELINESS]
Lời dịch: Ông Không 2009
Cùng nhau chúng ta đã nói về bản chất và cấu trúc của tư tưởng, vị trí của nó và những giới hạn của nó, và tất cả những tiến hành lẫn những chức năng của nó được bao gồm trong chuyển động của tư tưởng. Sáng nay nếu tôi được phép – và sau suốt những ngày có mưa lẫn đầy mây đen này, quả là hạnh phúc khi nhìn thấy những hòn núi, những cái bóng và những con sông, và mùi dễ chịu của không khí – tôi muốn nói về trách nhiệm, mà là khả năng đáp lại. Khi quan sát một cách khách quan, không có bất kỳ ý kiến hay đánh giá, chúng ta thấy điều gì đang xảy ra trong thế giới: chiến tranh, đau khổ, và hỗn loạn kinh khủng. Ai là người có trách nhiệm, hay gánh vác, cho tất cả việc này?
Để thực sự tìm được đáp án đúng, câu trả lời đúng, chúng ta phải quan sát toàn hiện tượng của sự tồn tại. Ở một đầu bạn có sự phát triển kinh ngạc của công nghệ, mà hầu như đang hủy diệt quả đất: ở đầu kia bạn có cái gì có lẽ được gọi là hy vọng, đòi hỏi, van xin Thượng đế, sự thật, hay điều gì bạn ao ước. Có nguyên lãnh vực rộng lớn này, và dường như chúng ta đáp lại chỉ cho một phần rất nhỏ của nó, có lãnh vực rộng lớn này của sự tồn tại, của sống hàng ngày của chúng ta, và dường như chúng ta không có khả năng đáp lại cho tổng thể của nó. Chúng ta phải tự tìm ra cho mình đáp án đúng là gì, phản ứng đúng là gì cho tất cả điều này. Nếu chúng ta có trách nhiệm chỉ cho một phần rất nhỏ của nó – bản thân của chúng ta và vòng tròn nhỏ xíu của chúng ta, và những ham muốn nhỏ nhen của chúng ta, những trách nhiệm bé tí tầm thường của chúng ta, chuyển động khép kín ích kỷ của chúng ta – đang hờ hững tổng thể của nó, vậy thì chắc chắn chúng ta tạo ra đau khổ không những cho mình, nhưng còn cho cả toàn thể nhân loại.
Liệu có thể có trách nhiệm cho toàn thể nhân loại? Và vì vậy có trách nhiệm cho thiên nhiên, có trách nhiệm – đó là, đáp lại trọn vẹn, tổng thể – cho con cái của bạn, cho người hàng xóm của bạn, cho mọi chuyển động mà con người đã tạo ra trong gắng sức của anh ấy để sống đúng đắn. Để cảm thấy trách nhiệm vô cùng đó, không chỉ thuộc trí năng, thuộc từ ngữ, nhưng rất sâu thẳm, để có thể đáp lại toàn sự đấu tranh, đau khổ, độc ác, bạo lực của con người, để phản ứng trọn vẹn cho điều đó, người ta phải biết tình yêu là gì. Bạn biết từ ngữ tình yêu đó đã bị sử dụng quá sai lầm, quá lạm dụng, quá bạc đãi, nhưng chúng ta sẽ phải dùng từ ngữ đó và cho nó một loại ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Để có thể đáp lại cho tổng thể, phải có tình yêu. Để hiểu rõ chất lượng đó, từ bi đó, ý thức lạ thường của năng lượng đó mà không bị tạo ra bởi tư tưởng, chúng ta phải hiểu rõ đau khổ. Khi chúng ta dùng từ ngữ hiểu rõ, nó không là sự truyền đạt bằng trí năng hay bằng lời nói của những từ ngữ, nhưng sự truyền đạt hay hiệp thông mà nằm sau từ ngữ. Bây giờ, trước hết chúng ta phải hiểu rõ, và có thể vượt khỏi, đau khổ. Ngược lại chúng ta không thể hiểu rõ trách nhiệm cho tổng thể, mà là tình yêu thực sự.
Chúng ta đang tham dự, không chỉ bằng từ ngữ, trí năng, nhưng còn chuyển động xa khỏi đó, và chia sẻ nó là trách nhiệm của chúng ta. Điều đó có nghĩa bạn cũng phải nghe từ ngữ, lắng nghe ý nghĩa của từ ngữ, và cũng chia sẻ trong chuyển động của tự tìm-hiểu, và vượt khỏi nó. Người ta phải tham dự trong toàn chuyển động này; ngược lại bạn sẽ xử lý nó thuần túy bằng từ ngữ hay trí năng hay cảm giác, và thế là nó chẳng giúp ích được gì cả.
Muốn hiểu rõ trách nhiệm cho tổng thể này, và vì vậy chất lượng lạ thường của tình yêu đó, người ta phải vượt khỏi đau khổ. Đau khổ là gì? Tại sao những con người đau khổ? Đây đã là một trong những vấn đề to tát của sống trong suốt hàng triệu năm. Và rõ ràng, rất, rất, rất ít người đã vượt khỏi đau khổ, và họ hoặc trở thành những người anh hùng hay những người cứu rỗi, hay loại người lãnh đạo loạn thần kinh nào đó, hay những người lãnh đạo tôn giáo, và họ ở lại đó. Nhưng những con người bình thường giống như bạn và tôi và những người khác dường như không bao giờ vượt khỏi nó. Chúng ta dường như bị trói buộc trong nó. Chúng ta đang hỏi liệu bạn có thể thực sự được tự do khỏi đau khổ.
Rõ ràng, con người đã không thể giải quyết sự đau khổ thuộc tâm lý. Anh ấy đã có thể chạy trốn khỏi nó qua những hoạt động – tôn giáo, kinh tế, xã hội, chính trị, kinh doanh, vô số hình thức của tẩu thoát như thuốc men – không bao giờ đương đầu sự kiện thực sự của đau khổ. Đau khổ là gì? Liệu cái trí có thể được tự do hoàn toàn khỏi hoạt động tâm lý mà tạo ra đau khổ?
Một trong những nguyên nhân chính cho đau khổ là ý thức của cô lập, cảm giác của cô độc hoàn toàn. Đó là, cảm giác rằng bạn không có gì để lệ thuộc vào, rằng bạn không có liên quan với bất kỳ ai, rằng bạn hoàn toàn bị tách rời. Bạn đã có cảm giác này, tôi chắc chắn. Bạn có lẽ ở cùng gia đình, trong một xe buýt, hay tại một bữa tiệc, và bạn trải qua những khoảnh khắc có ý thức lạ thường của cô độc này, một ý thức lạ thường của hoang vắng, của trống rỗng hoàn toàn. Đó là một trong những lý do của đau khổ. Thuộc tâm lý, đau khổ đến qua quyến luyến – một ý tưởng, những lý tưởng, những quan điểm, những niềm tin, những con người, những khái niệm. Làm ơn hãy tự quan sát nó trong chính bạn. Thế giới là cái gương mà trong nó bạn đang nhìn để phơi bày những vận hành thuộc cái trí riêng của bạn. Vì vậy hãy nhìn ở đó.
Một nguyên nhân khác của đau khổ là một ý thức vô cùng của mất mát, mất mát thanh danh, mất mát quyền hành, mất mát quá nhiều thứ, và mất mát người nào đó mà bạn nghĩ bạn thương yêu – và có chết, đau khổ tột độ. Bây giờ, liệu cái trí có thể được tự do khỏi tất cả điều này? Nếu không dù nó làm bất kỳ điều gì, nó không thể biết được ý nghĩa của tình yêu cho tổng thể này. Nếu không có tình yêu cho tổng thể của sự tồn tại, không những riêng biệt của bạn mà còn cả toàn nhân loại, vậy thì không có tình yêu, vậy thì bạn sẽ không bao giờ hiểu rõ tình yêu là gì. Trong tình yêu của tổng thể, cái riêng biệt có phần. Nhưng khi có tình yêu riêng biệt, của một, vậy thì cái còn lại không hiện diện.
Vì vậy chúng ta phải hiểu rõ và vượt khỏi đau khổ là điều tuyệt đối khẩn thiết. Điều đó có thể được? Liệu cái trí có thể hiểu rõ ý nghĩa của trạng thái cô độc bên trong sâu thẳm này, mà khác hẳn trạng thái cô đơn? Làm ơn đừng lẫn lộn hai trạng thái. Có một khác biệt giữa trạng thái cô độc, và trong cô đơn thăm thẳm. Chúng ta sẽ hiểu rõ cô đơn có nghĩa gì khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của trạng thái cô độc là gì. Khi bạn cảm thấy cô độc, nó gây khá kinh hãi, khá trầm uất, và bạn có vô vàn loại tâm trạng từ đó. Không cần lý luận, liệu bạn có thể quan sát nó mà không có bất kỳ chuyển động nào của tẩu thoát hay không?
Liệu tôi có thể tỉnh thức được trạng thái cô độc mà không lý luận, mà không cố gắng tìm ra nguyên nhân của nó, chỉ quan sát, và trong quan sát đó phát hiện được sự tẩu thoát đó là qua quyến luyến đến một ý tưởng, một khái niệm, một niềm tin. Liệu tôi có thể tỉnh thức được niềm tin đó và bằng cách nào nó là một tẩu thoát? Khi tôi lặng lẽ quan sát nó, tẩu thoát và niềm tin biến mất mà chẳng cần nỗ lực nào. Khoảnh khắc tôi vận dụng nỗ lực, vậy là có người quan sát và vật được quan sát, và thế là xung đột, nhưng khi tôi tỉnh thức được tất cả những hàm ý của trạng thái cô độc, thế là không có người quan sát, chỉ có sự kiện của cảm thấy hoàn toàn bị cô lập này. Trạng thái cô lập xảy ra cũng qua hoạt động hàng ngày của chúng ta – tham vọng của tôi, tham lam của tôi, ganh ghét của tôi, quan tâm đến ham muốn để thành công riêng của tôi, để trở thành người nào đó, để hoàn thiện chính tôi. Tôi quá quan tâm đến cái tôi nhỏ nhen thú tính của tôi, và đó là bộ phận thuộc trạng thái cô độc của tôi. Trong suốt ban ngày, trong suốt giấc ngủ, trong tất cả những hoạt động tôi làm, tôi quá quan tâm về chính tôi: “tôi” và “bạn”, “chúng tôi” và “chúng nó”. Tôi cam kết đến chính tôi, tôi muốn thực hiện những sự việc cho chính tôi nhân danh tổ quốc của tôi, nhân danh Thượng đế của tôi, nhân danh gia đình của tôi, nhân danh người vợ của tôi.
Vậy là trạng thái cô độc hiện diện qua những hoạt động hàng ngày của tự-quan tâm, và khi tôi tỉnh thức được tất cả những hàm ý của trạng thái cô độc. Tôi thấy tất cả điều này. Tôi thấy nó, không lý thuyết về nó. Khi tôi nhìn cái gì đó, những chi tiết phơi bày. Khi bạn quan sát kỹ càng một cái cây, một con sông, hay một hòn núi, hay một con người, vậy thì trong quan sát đó bạn thấy mọi thứ. Nó bảo cho bạn, bạn không bảo cho nó. Khi bạn quan sát như thế, hay khi bạn, không có bất kỳ chọn lựa nào, rất tỉnh thức được trạng thái cô độc này, vậy thì cô độc biến mất hoàn toàn.
Một trong những nguyên nhân của đau khổ là quyến luyến. Bị quyến luyến và phát giác nó gây đau khổ, chúng ta cố gắng vun quén sự tách rời, mà là một hình thức sợ hãi khác. Tại sao cái trí bị quyến luyến? Một quyến luyến là một hình thức của công việc cho cái trí. Tôi quyến luyến bạn, tôi đang suy nghĩ về bạn, tôi đang lo nghĩ về bạn. Tôi lo lắng về bạn trong cách tự cho mình là trung tâm của tôi bởi vì tôi không muốn mất bạn, tôi không muốn bạn được tự do, tôi không muốn bạn làm cái gì đó mà gây xáo trộn sự quyến luyến của tôi. Trong quyến luyến đó tôi cảm thấy hơi hơi an toàn. Vì vậy trong quyến luyến có sợ hãi, ghen tuông, lo âu, đau khổ. Bây giờ chỉ quan sát nó. Đừng nói, “Tôi phải làm gì?” Bạn không thể làm bất kỳ điều gì. Nếu bạn cố gắng làm điều gì đó về quyến luyến của bạn, vậy thì bạn đang cố gắng tạo ra một hình thức khác của quyến luyến. Đúng chứ? Vì vậy chỉ quan sát nó. Khi bạn quyến luyến một người hay một ý tưởng, bạn thống trị người đó, bạn muốn kiểm soát người đó, bạn khước từ tự do cho người đó. Khi bạn quyến luyến, cùng lúc bạn đang phủ nhận tự do. Nếu tôi quyến luyến một lý tưởng Cộng sản, vậy là tôi mang sự hủy diệt cho những người khác.
Nếu cái trí thấy trạng thái cô độc, quyến luyến đó, là một trong những nguyên nhân của đau khổ, liệu cái trí có thể được tự do khỏi quyến luyến? Mà không có nghĩa rằng cái trí trở nên dửng dưng, bởi vì chúng ta quan tâm đến tổng thể của sự tồn tại, không chỉ sự tồn tại của tôi. Vậy là tôi phải đáp lại, trả lời, cho tổng thể, và không phải sự ham muốn quyến luyến nhỏ nhen riêng biệt đến bạn của tôi lẫn ao ước vượt qua sự lo lắng nhỏ nhen của đau khổ và ghen tuông đó. Bởi vì quan tâm của tôi là tìm được chất lượng của tình yêu này mà chỉ có thể hiện diện khi cái trí quan tâm đến tổng thể chứ không phải cái riêng biệt. Khi cái trí quan tâm đến tổng thể, có tình yêu, và vậy là từ tổng thể cái riêng biệt có một vị trí.
Và có đau khổ của mất mát, của mất mát người nào đó mà bạn “thương yêu” – bạn hiểu chứ, tôi đang sử dụng từ ngữ thương yêu đó trong ngoặc kép. Tại sao bạn đau khổ? Tôi mất người con trai của tôi, người mẹ của tôi, người vợ của tôi. Tôi mất người nào đó; tại sao tôi đau khổ? Đó có phải bởi vì bỗng nhiên tôi bị bỏ lại, bị đau đớn rất nhiều qua cái chết của một người? Đó có phải bởi vì tôi đã đồng hóa mình với người đó? Người đó là con trai của tôi, tôi cần cậu ấy, tôi tự chiếu rọi mình trong cậu con trai đó. Tôi đã đồng hóa mình với người đó, và khi người đó không còn ở đó tôi cảm thấy một ý thức vô cùng của đau đớn bởi vì tôi không còn ai để tiếp tục tôi trong một người khác. Vì vậy tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Từ đau đớn đó nảy sinh tự-thương xót. Làm ơn hãy tìm hiểu tất cả điều này. Tôi không lo lắng nhiều lắm về người còn lại; tôi thực sự lo lắng về chính tôi qua người còn lại, và thế là tôi bị đau đớn khi người còn lại chết đi. Từ đau đớn đó, mà rất sâu đậm, nảy sinh tự-thương xót và ham muốn tìm một người khác mà qua người đó tôi có thể tồn tại.
Không chỉ sự đau khổ của cá nhân, mà còn cả sự đau khổ vô hạn của con người, sự đau khổ mà những cuộc chiến tranh đã tạo ra cho những con người vô tội, cho những người đã bị giết chết, cho người giết và người bị giết, người mẹ, người vợ, con cái. Dù ở vùng Viễn đông, Trung đông, hay phương Tây, có sự đau khổ vô hạn của con người này, cả vật chất lẫn tâm lý. Nếu cái trí không hiểu rõ toàn vấn đề này, tôi có thể đùa giỡn với từ ngữ tình yêu, tôi có thể làm công việc xã hội và nói về tình yêu Thượng đế, tình yêu con người, tình yêu tất cả điều này, nhưng trong tâm hồn của tôi tôi sẽ không bao giờ biết nó là gì. Vậy là liệu cái trí của tôi, cái trí của bạn, ý thức của bạn, có thể quan sát sự kiện này, quan sát nó và thấy nó gây ra đau khổ biết chừng nào không chỉ cho một người khác mà còn cho chính mình, hay không? Hãy thấy bạn đã tước đoạt sự tự do của người khác đến chừng nào khi bạn quyến luyến người đó; và khi bạn quyến luyến, bạn đang tước đoạt chính bạn khỏi sự tự do riêng của bạn. Và thế là trận chiến bắt đầu giữa bạn và tôi. Liệu cái trí có thể quan sát điều này?
Chỉ theo cùng sự kết thúc của đau khổ thì thông minh mới hiện diện. Thông minh không là một vật mà bạn mua được trong những quyển sách, hay bạn học được từ một người khác. Thông minh hiện diện trong sự hiểu rõ đau khổ và tất cả những hàm ý của đau khổ, không chỉ cá nhân, nhưng còn cả đau khổ của nhân loại mà con người đã tạo ra. Chỉ khi nào bạn vượt khỏi nó thì thông minh đó mới hiện diện.
Vậy là muốn hiểu rõ, hay bắt gặp sự việc mà chúng ta gọi là tình yêu này, tôi nghĩ chúng ta cũng phải hiểu rõ vẻ đẹp là gì. Tôi được phép trình bày nó? Vẻ đẹp. Bạn biết, diễn tả vẻ đẹp bằng từ ngữ là một trong những điều khó khăn nhất, nhưng chúng ta sẽ cố gắng.
Bạn biết nhạy cảm có nghĩa gì? Không phải nhạy cảm với những ham muốn của bạn, với những tham vọng của bạn, với những tổn thương của bạn, với những thất bại của bạn, với những thành công của bạn – điều đó khá dễ dàng. Hầu hết chúng ta đều nhạy cảm với những đòi hỏi nhỏ nhen riêng của chúng ta, với những theo đuổi vui thú nhỏ nhen riêng của chúng ta, sợ hãi, lo âu, và những thỏa mãn. Nhưng chúng ta đang nói về nhạy cảm – không phải với cái gì đó, nhưng nhạy cảm – cả phần tâm lý lẫn thân thể. Phần thân thể, nhạy cảm là có một thân thể rất tốt lành và nhạy bén – lành mạnh, đúng mực, không ăn uống quá độ, buông thả – một thân thể nhạy cảm. Điều đó bạn có thể thử nếu bạn hứng thú. Chúng ta không đang tách rời tinh thần khỏi thân thể, tất cả nó có liên quan qua lại; nhưng bạn không thể nhạy cảm phần tâm lý nếu có bất kỳ loại tổn thương nào. Phần tâm lý, chúng ta, những con người, bị tổn thương rất nhiều. Chúng ta có những vết thương biết được và không biết được, hoặc tự gây ra hoặc bị gây ra bởi người khác. Ở trường, ở nhà, trong xe buýt, trong văn phòng, trong nhà máy, chúng ta đều bị tổn thương. Tổn thương sâu đậm đó, biết được hay không biết được, phần tâm lý làm cho chúng ta vô cảm, đờ đẫn. Hãy quan sát tổn thương riêng của bạn, nếu bạn có thể. Một cử chỉ, một từ ngữ, một cái nhìn, đã đủ để gây tổn thương. Và bạn bị tổn thương khi bạn so sánh với người nào đó, khi bạn đang cố gắng bắt chước người nào đó, khi bạn đang tuân phục khuôn mẫu – dù khuôn mẫu đó được ấn định bởi một người khác hay bởi chính bạn. Vậy là chúng ta, những con người, bị tổn thương sâu đậm; và những vết thương đó tạo ra hoạt động loạn thần kinh – tất cả những niềm tin là loạn thần kinh, những lý tưởng là loạn thần kinh. Liệu có thể hiểu rõ những tổn thương này và được tự do khỏi chúng, không bao giờ bị tổn thương lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Từ niên thiếu tôi bị tổn thương bởi vô vàn những biến cố hay tai nạn, một từ ngữ, một cử chỉ, một cái nhìn, một khinh thường, một bị lơ là. Có những vết thương này. Liệu chúng có thể được xóa sạch mà không để lại một dấu vết? Làm ơn hãy quan sát nó. Đừng nhìn nơi nào khác, hãy nhìn chính bạn. Bạn có những vết thương này. Liệu chúng có thể được xóa sạch không để lại một dấu vết?
Nếu có một tổn thương, bạn không nhạy cảm, bạn sẽ không bao giờ biết vẻ đẹp là gì. Bạn có thể đi thăm tất cả những viện bảo tàng trong thế giới, so sánh Michelangelo với Picasso, là chuyên gia trong giải thích và trong nghiên cứu những người này và những bức tranh của họ, cấu trúc của chúng và vân vân, nhưng chừng nào một cái trí của con người còn bị tổn thương và vì vậy vô cảm, nó sẽ không bao giờ biết vẻ đẹp là gì – trong những vật mà con người đã làm, trong đường nét của một tòa nhà, và trong hòn núi, trong cái cây hay hay. Nếu có bất kỳ loại tổn thương bên trong nào bạn sẽ không bao giờ biết vẻ đẹp là gì, và nếu không có vẻ đẹp không có tình yêu. Vậy là liệu cái trí của bạn có thể biết nó đã bị tổn thương, tỉnh thức được những tổn thưong đó, và không phản ứng đến những tổn thương đó tại cả tầng ý thức bên ngoài lẫn bên trong hay không?
Khá dễ dàng để tỉnh thức được những tổn thương bên ngoài. Liệu bạn có thể biết được những tổn thương bên trong của bạn; hay bạn phải trải qua tất cả sự tiến hành ngu xuẩn của phân tích? Tôi sẽ trình bày về sự phân tích rất vắn tắt rồi loại bỏ nó. Phân tích hàm ý người phân tích và vật được phân tích. Ai là người phân tích? Anh ấy khác biệt vật được phân tích? Nếu anh ấy khác biệt, tại sao anh ấy khác biệt? Ai đã tạo ra người phân tích để khác biệt vật được phân tích? Nếu anh ấy khác biệt, làm thế nào anh ấy có thể biết vật được phân tích là gì? Vì vậy người phân tích là vật được phân tích. Điều đó quá rõ ràng. Muốn phân tích, mỗi phân tích phải hoàn tất trọn vẹn. Điều đó có nghĩa nếu có bất kỳ hiểu sai nhỏ nhoi nào, trong sự phân tích kế tiếp bạn không thể phân tích trọn vẹn bởi vì những hiểu sai có trước. Phân tích hàm ý thời gian. Trong phần còn lại thuộc sống của bạn, bạn không thể tiếp tục phân tích mãi mãi và bạn vẫn sẽ đang phân tích khi bạn đang hấp hối.
Vì vậy làm thế nào cái trí có thể lật tung những vết thương sâu thẳm, không ý thức được, những vết thương mà chủng tộc đã thâu lượm? Khi người chinh phục đã khuất phục nạn nhân, anh ấy đã gây tổn thương cho người đó. Đó là một tổn thương thuộc chủng tộc. Với người đế quốc mọi người đều dưới chân anh ấy, và anh ấy để lại một tổn thương sâu thẳm, không ý thức được cho những người mà anh ấy đã chinh phục. Nó ở đó. Làm thế nào cái trí có thể lật tung tất cả những tổn thương giấu giếm này, sâu thẳm trong những ngõ ngách thuộc ý thức của người ta? Tôi thấy sự sai lầm của phân tích, vậy là không còn phân tích. Làm ơn hãy theo dõi điều này cẩn thận. Không có phân tích, và truyền thống của chúng ta là phân tích, vì vậy tôi phải gạt đi truyền thống của phân tích. Bạn đang thực hiện điều này? Vậy là điều gì xảy ra cho cái trí khi nó đã phủ nhận, hay đã gạt đi, đã thấy sự giả dối của điều gì đó, sự giả dối của phân tích? Nó không được tự do khỏi gánh nặng đó hay sao? Vậy là nó đã trở nên nhạy cảm; nó nhẹ nhàng hơn, rõ ràng hơn, nó có thể quan sát sắc bén hơn. Vậy là bằng cách gạt đi một truyền thống mà con người đã chấp nhận – phân tích, xem xét nội tâm, và vân vân – cái trí đã trở nên tự do. Và bằng cách phủ nhận truyền thống, bạn đã phủ nhận nội dung của tầng ý thức bên trong. Tầng ý thức bên trong là truyền thống: truyền thống của tôn giáo, truyền thống của hôn nhân, truyền thống của hàng tá việc. Và một trong những truyền thống là chấp nhận tổn thương, và đã chấp nhận tổn thương, phân tích nó để loại bỏ nó. Lúc này, khi bạn phủ nhận điều đó bởi vì nó đã là giả dối, bạn đã phủ nhận nội dung của tầng ý thức bên trong. Vậy là bạn được tự do khỏi những tổn thương thuộc tầng ý thức bên trong. Bạn không phải phân tích tầng ý thức bên trong hay những giấc mộng của bạn.
Vậy là bằng cách quan sát tổn thương và không sử dụng công cụ thuộc truyền thống để xóa sạch tổn thương đó, mà là phân tích, mà là đang cùng nhau nói về nó – bạn biết mọi việc xảy ra, chữa trị theo nhóm và chữa trị cá nhân và chữa trị tập thể – cái trí xóa sạch bằng cách tỉnh thức, tỉnh thức được truyền thống. Khi bạn phủ nhận truyền thống đó, bạn phủ nhận sự tổn thương mà chấp nhận truyền thống đó. Vậy là cái trí trở nên nhạy cảm lạ thường – cái trí là thân thể, quả tim, bộ não, những dây thần kinh. Toàn bộ những vật đó trở nên nhạy cảm.
Bây giờ, chúng ta đang hỏi vẻ đẹp là gì. Chúng ta đã nói nó không ở trong viện bảo tàng, nó không ở trong bức tranh, nó không ở trong khuôn mặt, nó không là một phản ứng đến nền tảng thuộc truyền thống của chúng ta. Khi cái trí gạt đi tất cả việc đó bởi vì nó nhạy cảm và bởi vì đau khổ đã được hiểu rõ, bạn có đam mê – có đam mê. Chắc chắn, đam mê khác hẳn thèm khát. Thèm khát là sự tiếp tục của vui thú và sự đòi hỏi vui thú trong những hình thức khác nhau. Khi không có tổn thương, và khi có sự hiểu rõ đau khổ và vượt khỏi nó, vậy là có chất lượng của đam mê đó mà tuyệt đối cần thiết để hiểu rõ ý nghĩa lạ thường của vẻ đẹp. Vẻ đẹp đó không thể hiện diện khi cái “tôi” liên tục đang khẳng định. Bạn có lẽ là một họa sĩ xuất chúng, được chấp nhận bởi thế giới như họa sĩ vĩ đại nhất, nhưng nếu bạn quan tâm đến cái tôi nhỏ nhen thú tính của bạn, bạn không còn là họa sĩ. Qua nghệ thuật bạn chỉ đang tăng thêm sự tiếp tục ích kỷ riêng của bạn.
Một cái trí được tự do đã vượt khỏi ý thức của đau khổ này; nó được tự do khỏi tất cả tổn thương và thế là có khả năng không bao giờ bị tổn thương lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù nó được nịnh nọt hay bị lăng nhục, không việc gì có thể tác động nó – mà không có nghĩa nó đã thiết lập một kháng cự. Ngược lại, nó nhạy cảm lạ thường.
Vậy là bạn sẽ bắt đầu tìm được tình yêu là gì. Chắc chắn, tình yêu không là vui thú. Lúc này, chúng ta có thể nói rằng nó không là vui thú, không phải trước kia, bởi vì lúc này bạn đã thấu triệt tất cả điều đó và xóa sạch nó. Bạn vẫn còn thưởng thức núi non, cây cối, và những con sông, những khuôn mặt xinh xinh và vẻ đẹp của đất đai; nhưng khi vẻ đẹp của đất đai đó trở thành sự theo đuổi của vui thú, nó không còn là vẻ đẹp. Vậy là tình yêu không là vui thú. Tình yêu không là sự theo đuổi hay sự lẩn tránh sợ hãi. Tình yêu không là quyến luyến. Tình yêu không có đau khổ. Chắc chắn. Và tình yêu đó có nghĩa tình yêu của tổng thể, mà là từ bi. Và tình yêu đó có trật tự riêng của nó, trật tự cả bên trong lẫn bên ngoài; trật tự đó không thể được tạo ra bởi luật pháp. Lúc này, khi bạn hiểu rõ điều này và sống cùng nó hàng ngày – ngược lại nó chẳng có giá trị, nó chỉ là một mớ từ ngữ và chẳng có ý nghĩa gì cả, chỉ là tro bụi – vậy là sống có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn.