NÓI CHUYỆN CUỐI CÙNG Ở ẤN ĐỘ
Nguyên tác: THE FUTURE IS NOW Krishnamurti’s Last Talks In India
Lời dịch: Ông Không 2008
NHỮNG CUỘC NÓI CHUYỆN
RISHI VALLEY
Thảo luận lần thứ ba cùng giáo viên tại Rishi Valley [5]
Ngày 17 tháng 12 năm 1985
Giáo viên 1 (T1): Một cái trí mới mẻ có giống một cái trí tốt lành, một cái trí đang nở hoa trong tốt lành hay không? Nếu như thế, tốt lành là gì? Và, đặc biệt, liên hệ của một cái trí mới mẻ đến một ý thức của tánh tổng thể của sự sống là gì? Tổng thể của sự sống là gì? Chúng ta có thể tìm hiểu điều này kỹ càng hay không?
Krishnamurti (K): Tôi không hiểu bạn suy nghĩ về sự sống như thế nào. Bạn xem điều gì là khởi nguồn của sự sống, khởi đầu của mọi tồn tại? Không chỉ những con người, nhưng còn cả toàn thế giới, thiên nhiên, bầu trời và các vì sao? Sáng tạo là gì?
Chúng ta không đang hỏi sáng chế là gì. Sáng chế được đặt nền tảng trên hiểu biết. Đang sáng chế nhiều hơn và nhiều hơn, dĩ nhiên được đặt nền tảng trên hiểu biết. Và cuộc sống của chúng ta là gì trong liên hệ với tổng thể của sự sống? Không phải trong liên hệ với một bộ não được đặc biệt hóa riêng biệt, nhưng trong liên hệ với tổng thể thế giới mà là một chuyển động tổng thể, gồm cả chính bản thân chúng ta, gồm cả nhân loại.
Tôi muốn thảo luận điều đó với bạn trước. Sau đó, liệu có một khác biệt giữa bộ não vật chất của chúng ta – cái vật sinh học bên trong hộp sọ – và cái trí, hay không? Hay bộ não chứa đựng cái trí, hay cái trí hoàn toàn khác hẳn bộ não?
Và câu hỏi thứ ba, hay chuyển động – tôi thích gọi nó là một chuyển động, không phải một câu hỏi – bạn muốn gọi trạng thái tốt lành, đang nở hoa trong tốt lành là gì? Không phải trạng thái tốt lành không biến đổi, tĩnh, nhưng một chuyển động trong tốt lành.
T1: Sự sống là gì?
K: Vâng, sự sống là gì? Không phải là sự sống trong một hình thức cá biệt giống như con vượn, con cọp, con sóc, cái cây, tất cả việc đó. Khởi đầu của sự sống là gì?
Và câu hỏi khác là: Bộ não chứa đựng cái trí, hay cái trí hoàn toàn tách rời bộ não? Nếu bộ não chứa đựng cái trí, vậy thì cái trí là thành phần của vật chất – đúng chứ? – thành phần của những phản ứng thuộc thần kinh. Nó là một hiện tượng vật chất. Và chắc chắn rằng cái trí là cái gì đó hoàn toàn khác hẳn.
Vì vậy, nếu bộ não bao gồm cái trí, vậy thì nó là thành phần của những phản ứng thuộc sinh học, thuộc thần kinh của sợ hãi, sầu muộn, đau đớn, vui thú – toàn bộ ý thức của chúng ta. Vì vậy, nó là thành phần của sáng tạo con người. Nếu cái trí là thành phần của một qui trình tiến hóa, vậy thì nó là thành phần của thời gian.
T2: Tôi xin phép đặt một câu hỏi được không?
K: Thưa bạn, bạn không phải hỏi tôi.
T2: Qua lý luận, giả sử chúng ta hiểu rằng cái trí khác biệt bộ não, nhưng lý luận chính nó lại là thành phần của bộ não?
K: Dĩ nhiên, lý luận là thành phần của bộ não, và lý luận có thể dẫn đến một kết luận sai lầm bởi vì nó vẫn còn là thành phần của bộ não.
Vì vậy, sự sống là gì? Nguồn gốc của tất cả năng lượng là gì? Cái gì là cái sự vật mà phóng ra, đang làm tất cả sự vật này – thế giới, quả đất, núi non, sông ngòi, rừng, cây cối, con gấu, con nai, con sư tử, con vượn, con khỉ và chúng ta?
Thời gian có liên quan đến tốt lành không? Nếu thời gian liên quan đến tốt lành, nó không là tốt lành. Làm ơn trả lời tôi. Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ?
T3: Thưa ông, vào lúc này dường như không có sự liên kết giữa hai. Khi những nhà khoa học nói về nguồn gốc của mọi sự vật, tôi tin tưởng, lý thuyết thông thường được chấp nhận là có Bigbang, một vụ nổ khủng khiếp, có lẽ từ nguồn năng lượng cơ bản nào đó, có lẽ từ nguyên tử cực tiểu nào đó. Và sau việc này sinh ra toàn bộ những sự vật, các ngôi sao, những hành tinh, quả đất. Thoáng nhìn, dường như không có bất kỳ liên kết nào giữa sự giải thích khoa học đó và tốt lành.
K: Tôi đang hỏi, thưa bạn, thời gian có liên quan đến tốt lành không?
T3: Thời gian chắc chắn liên quan đến sự tiến hóa của những sự vật. Điều đó hiển nhiên.
K: Tốt lành là thành phần của thời gian, được vun quén hay được nuôi dưỡng trong thời gian phải không?
T3: Không có vẻ như vậy, nếu người ta hiểu theo quan điểm khoa học về nguồn gốc của những sự vật, y như thể tốt lành liên quan đến mọi điều đó. Nó có vẻ hoàn toàn trung tính – không tốt, không xấu, không gì cả.
K: Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi đang đặt cho bạn một câu hỏi – không phải một câu hỏi khoa học. Câu hỏi là: nếu thời gian được bao hàm trong sự vun quén tốt lành, đó là tốt lành hay sao?
T3: Có vẻ là một trật tự khác hẳn của một câu hỏi.
K: Tôi đang hỏi bạn một câu hỏi khác hẳn. Tốt lành là gì? Tất cả các bạn hiểu tốt lành là gì?
T3: Dường như có một loại tốt lành mà thường thường đối nghịch với xấu xa hay tội lỗi …
K: Đúng rồi, toàn sự việc phân hai. Tiếp tục đi, thưa bạn. Ở đây tốt lành là gì? Bạn hiểu tốt lành là gì?
T4: Đạo đức có thể luyện tập được trong thời gian.
K: Tôi không đang nói về đạo đức. Đối với tôi, đạo đức là một vun quén.
T5: Thưa ông, khi chúng ta nói anh ấy là một người tốt, chúng ta thường có ý là anh ấy không hại những người khác. Anh ấy luôn luôn không hành động từ tánh tư lợi, kiếm được… Nó là một phẩm chất được tích lũy trong thời gian.
K: Nó như thế à? Tốt lành là đối nghịch của xấu xa hay sao – nếu một từ ngữ như thế đó tồn tại? Điều tốt là đối nghịch của điều xấu hay sao?
T5: Thưa ông, điều gì ông có ý nói qua câu hỏi này là, có phải tốt lành là một phản ứng đến điều xấu và được tích lũy qua thời gian hay không?
K: Vâng, tất cả việc đó được ngụ ý trong câu hỏi. Phản ứng của một người, sự giáo dục của một người, văn hóa của một người, môi trường sống của một người; tất cả việc đó là truyền thống – điều gì bạn đã đọc trong những quyển sách và vân vân. Luôn luôn điều tốt và điều xấu. Điều tốt đang chống lại điều xấu, luôn luôn, từ những người Ai cập cổ xưa đến xã hội hiện đại. Luôn luôn có điều tốt và điều xấu, vị thần tốt và vị thần xấu, người tốt và người xấu.
Tôi đang nói, nếu tôi được phép, rằng nếu điều tốt được sinh ra từ điều xấu, vậy thì nó không là tốt lành.
T3: Thường thường nó được hiểu ngược lại – rằng xấu xa là một thoái hóa từ tốt lành.
K: Thưa bạn, tôi đang hỏi bạn, điều tốt có liên quan đến điều xấu hay không? Tốt lành là đối nghịch của xấu xa hay cái phản ứng đã trở thành điều tốt? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Hay tốt lành không liên quan, hoàn toàn tách rời khỏi, xấu xa?
T5: Thưa ông, trong khi tôi có thể trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi lại không thể trả lời câu hỏi thứ hai. Câu hỏi thứ nhất là, tốt lành có liên quan đến xấu xa hay không? Tôi sẽ trả lời là không, bởi vì nếu tôi cố gắng được tốt lành, lúc đó một cách tự động điều xấu xa tiếp tục.
K: Thưa bạn, có phải bạn đang nói rằng những ý tưởng về toàn qui trình tiến hóa của điều tốt và điều xấu, từ những thời kỳ xa xôi nhất, hoàn toàn bị sai lầm? Đó là điều gì chúng ta đang nói. Bạn hiểu chứ? Cố lên, thưa bạn.
T5: Vâng, đó là ngụ ý.
K: Rằng tốt lành không thể đấu tranh với xấu xa. Đúng chứ? Và xuyên suốt lịch sử của nhân loại, tốt lành luôn luôn đấu tranh với xấu xa. Những bức họa nổi tiếng, toàn bộ sự tồn tại của con người đặt nền tảng trên nguyên tắc này. Rồi thì bạn và tôi xuất hiện và nói, “Nhìn kìa, có điều gì sai lầm với nhận thức này rồi. Tốt lành hoàn toàn khác hẳn xấu xa; không có sự liên hệ giữa chúng; vì vậy chúng không thể đấu tranh với nhau. Tốt lành không thể chiến thắng xấu xa.”
T3: Cũng không có sự tiến triển.
K: Chúng ta đang nói một điều gì đó hoàn toàn cách mạng, hay nó là một trong những ảo tưởng hoặc tưởng tượng của chúng ta?
T6: Một trong những vấn đề chúng ta đối diện là rằng chúng ta đã phát triển quen thuộc với việc sử dụng những từ ngữ riêng biệt trong một cách cá biệt.
K: Toàn tình trạng bị quy định thuộc tôn giáo của chúng ta, toàn văn chương thuộc tôn giáo của chúng ta, ngập tràn những từ ngữ loại đó. Luôn luôn có địa ngục và thiên đàng, tốt và xấu.
Vì vậy, có phải chúng ta đang nói điều gì đó hoàn toàn cách mạng? Và nó có đúng không? Điều gì đó cách mạng có lẽ không là sự thật. Nếu điều gì đó là sự thật, nó không liên quan đến bộ não.
T1: Ngụ ý đó có vẻ rằng tốt lành hiện diện trước khi có con người. Nó dường như có nghĩa rằng tốt lành vốn có sẵn trong vũ trụ.
K: Có lẽ.
T1: Nó dường như có nghĩa như thế đó.
K: Chúng ta đang đưa ra câu hỏi liên quan đến cái gì là bộ não. Cái gì là cái trí? Cái trí có thể thấu suốt bộ não hay không?
T1: Lại nữa, điều này sẽ ngụ ý rằng cái trí hiện hữu trước khi có bộ não.
K: Dĩ nhiên. Chúng ta hãy gọi cái trí là “thông minh” trong lúc này. Liệu thông minh đó có thể chuyển tải qua bộ não? Hay bộ não không thể có bất kỳ liên hệ nào với thông minh đó?
T1: Bộ não được sinh ra từ thông minh đó phải không?
K: Tôi vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho câu hỏi đó. Tôi đang đưa cho bạn câu hỏi. Đừng lắng nghe tôi, thưa bạn. Tôi không đang bảo bạn; bạn và tôi đang tìm hiểu.
T1: Tôi không muốn một câu trả lời.
K: Bạn đang tìm ra cho chính mình? Hay bạn đang lắng nghe cái người đang nói? Hay điều gì người nói trình bày đang khai mở một hướng cho bạn thấy?
T1: Câu hỏi này dường như hướng dẫn sự chú ý của chúng ta đến vũ trụ. Hay đến thiên nhiên.
K: Đó là điều gì chúng ta muốn nhắm đến. Chầm chậm. Vũ trụ – ý tưởng của chúng ta về vũ trụ – khác hẳn chúng ta à? Tất cả nó là một chuyển động – những ngôi sao, những bầu trời, mặt trăng, mặt trời; một năng lượng lạ thường. Năng lượng của chúng ta rất bị giới hạn. Liệu giới hạn đó có thể bị đập vỡ và chúng ta có thể là bộ phận trong chuyển động vô hạn của sự sống đó không?
T1: Ông muốn gọi chuyển động vô hạn này là “thiên nhiên”.
K: Không, tôi không muốn gọi nó là thiên nhiên. Thiên nhiên là thành phần của chúng ta.
T1: Chuyển động tổng thể này.
K: Có một chuyển động như thế à? Không phải “Tôi nhập vào cái chuyển động” bởi vì tôi là một chấm thật nhỏ. Tôi nghĩ rằng tôi có thể rất khôn ngoan; tôi nghĩ rằng tôi có thể làm việc này, làm việc kia. Liệu tất cả suy nghĩ đó có thể bị đập vỡ và có thể là bộ phận của chuyển động vô hạn này không? Tôi gọi việc này là tốt lành. Tôi có thể sai lầm. Cái cửa sổ mà quá chật hẹp lúc này phải bị đập vỡ, và rồi thì – không cửa sổ nào cả. Tôi không hiểu liệu tôi có đang giải thích rõ ràng hay không?
Vậy thì sự sống là gì? Nó là thông minh lạ thường đó mà là năng lượng tột đỉnh, không bị quy định, không bị giáo dục – trong ý nghĩa của từ ngữ hiện đại – một cái gì đó không khởi đầu và không kết thúc.
T5: Ông đang hàm ý rằng sáng tạo không liên quan đến thời gian phải không?
K: Sáng chế liên quan đến thời gian. Bây giờ, họ đang cố gắng tìm ra một phương pháp chữa trị bệnh ung thư. Tất cả những quyển sách, những tạp chí viết về những phương pháp mới, để chữa trị bệnh ung thư. Sự khám phá liên quan đến thời gian và hiểu biết, được thiết lập trên điều gì người trước đã khám phá. Tôi học từ bạn, bạn học từ anh ấy. Sáng tạo không liên quan đến thời gian. Tôi không biết liệu bạn có hiểu rõ hay không?
T8: Khi ông đang nói về thời gian, ông có ý là thời gian tâm lý.
K: Dĩ nhiên, thời gian tâm lý.
Vì vậy, tốt lành không liên quan đến thời gian, vì vậy nó là bộ phận của thông minh đó mà là chuyển động vũ trụ. Tôi đang sử dụng những từ ngữ tôi có lẽ rút lại sau đó.
Ở đây, lúc này tôi ở cùng một ngàn học sinh. Là một người giáo dục đúng đắn, tôi muốn thấy rằng các em hiểu rõ tất cả việc này. Không phải theo trí năng, không phải theo lý thuyết, không phải như một ý tưởng hão huyền nào đó, nhưng để có sự chuyển đổi thực sự – không, không phải chuyển đổi – để cho một thay đổi thực sự xảy ra trong cuộc sống các em.
T1: Khi ông nói “thông minh lạ thường”, từ ngữ “thông minh” hàm ý chất lượng nào đó của “tỉnh thức”.
K: Nó có lẽ không.
T1: Như vậy thì, chất lượng thông minh đó là gì?
K: Có thể nó không có chất lượng. Nó là thông minh. Bạn nhìn thấy bạn đang làm gì. Bạn đang cho nó một đức tính, một ý nghĩa, để cho bạn có thể hiểu rõ nó. Tôi có lẽ không thể hiểu rõ nó. Tôi không biết. Bạn thấy không, nó có lẽ là cái gì đó không thể tin nổi hay nó có lẽ không là gì cả. Tôi không thể tiếp cận cái này bằng một cái trí mà nói rằng, hãy cho tôi biết trình độ của bạn, hãy cho tôi biết bằng cấp của bạn.
Vì vậy, tôi sẽ làm gì sau một hội nghị về giáo dục? Tôi sẽ làm gì, như một người giáo dục, để tạo ra một thay đổi? Không phải một chuyển đổi; có một khác biệt. Chuyển đổi có nghĩa từ một cái này đến cái kia, từ một điều kiện này đến một điều kiện khác.
T9: Thưa ông, chúng ta có thể tìm hiểu lại một vấn đề nào đó mà chúng ta đã bỏ qua cách đây không lâu? Chúng ta đã nói về sự kết thúc của cái giới hạn mà chúng ta bị mắc bẫy trong nó; sự kết thúc đó và một cái gì khác lạ đang xảy ra. Chúng ta có thể tìm hiểu lại không? Vì dường như có cái gì đó trong nó mà chúng ta vội vã bỏ qua.
K: Bộ não của tôi đã được giáo dục, đã sống trong truyền thống, dù là truyền thống cổ xưa hay hiện đại, bộ não của tôi đã bị tơi tả, bị nhét đầy, bị hành hạ, bởi tất cả tình trạng bị quy định đã diễn tiến trong nhiều thế kỷ. Việc đó có thể bị phá vỡ? Đó là câu hỏi của bạn phải không? Bạn chắc chắn chứ?
T9: Vâng, tất cả những sự việc đó mà làm cho bộ não mất khả năng liên hệ với tốt lành.
K: Chúng ta hãy rút lại đến một từ ngữ: ý thức. Được chứ?
T9: Vâng.
K: Hay “giới hạn” hay “quy định”. Liệu tất cả những sự việc đó có thể bị phá vỡ? Không phải nhờ thời gian – đó là điều quan trọng. Nếu tôi sử dụng thời gian, tôi quay lại trong cái vòng tròn. Bạn hiểu điều đó chứ?
T9: Vâng, thưa ông.
K: Vì vậy, nó phải bị phá vỡ. Ngay tức khắc. Không so sánh, không liên đới, thời gian.
T10: Lại nữa, ông có ý nói thời gian tâm lý.
K: Vâng, dĩ nhiên thôi. Thời gian tâm lý khắc hẳn thời gian thông thường. Tôi không hiểu bạn có thấy điều đó không. Bạn thấy chứ? Thời gian qua cái đồng hồ đó, thời quan qua mặt trời, thời gian để bao phủ một khoảng cách vật chất. Chúng ta không biết nhau, nhưng nếu chúng ta gặp gỡ thường xuyên, chúng ta sẽ thân thuộc. Hay chúng ta có lẽ biết nhau tức khắc. Vì vậy, có thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Chúng ta đang nói về thời gian tâm lý. Phải mất thời gian để một hạt giống tăng trưởng, để một cậu bé trở thành một người đàn ông. Chúng ta áp dụng loại thời gian đó cho cái tinh thần. Tôi là cái này, nhưng tôi sẽ là cái kia; tôi không can đảm, nhưng cho tôi thời gian và tôi sẽ can đảm. Chúng ta đang nói về thời gian trong lãnh vực của cái tinh thần.
T1: Sự giới hạn của ý thức có thể bị phá vỡ hay không?
K: Đó là câu hỏi. Liệu bộ não bị giới hạn – mà là hiểu biết – có thể phá vỡ toàn lãnh vực của cái tinh thần hay không? Bộ não có thể phá vỡ nó – cái bộ não bị giới hạn? Dù nó đã tiến hóa nhiều bao nhiêu, bộ não này sẽ luôn luôn bị giới hạn.
T1: Bởi hiểu biết của nó.
K: Nó bị giới hạn bởi cấu trúc vật chất của nó, bởi chính cái môi trường vật chất của nó, bởi truyền thống, giáo dục, hiểu biết, đau khổ, sợ hãi, lo âu của nó. Liệu sự giới hạn đó có thể tự phá vỡ chính nó.
T9: Hay, liệu cái gì khác có thể phá vỡ nó?
K: Chờ đã, thưa bạn. Hãy bám chặt một câu hỏi duy nhất. Liệu bộ não bị gới hạn có thể phá vỡ sự giới hạn riêng của nó hay không?
T8: Thưa ông, ông đã nói rằng tốt lành không liên quan đến xấu xa.
K: Đừng bắt đầu tất cả điều đó. Chúng ta hãy bám chặt một câu hỏi duy nhất: liệu sự nhỏ nhoi của bộ não có thể phá vỡ sự tầm thường riêng của nó? Hay liệu có một nhân tố khác sẽ phá vỡ nó? Thượng đế? Đấng Cứu rỗi? Vishnu? Nó có thể sáng chế Thượng đế và mong chờ ông ta khai sáng nó. Tôi trình bày rõ ràng chưa? Cả hai bạn đã đặt câu hỏi đó. Sau khi đặt câu hỏi đó, trạng thái của bộ não bạn ra sao? Sau khi đặt câu hỏi đó, điều gì đã xảy ra cho bộ não của bạn? Câu hỏi là rất quan trọng, có sức nặng, có ý nghĩa lớn lao. Hãy nói cho tôi, trạng thái của bộ não bạn sau khi đặt câu hỏi đó là gì? Tìm ra điều đó rất quan trọng.
T11: Nó không đang lệ thuộc vào Thượng đế. Nó bị hoang mang.
K: Bạn đang lắng nghe phải không? Bạn đang đặt một câu hỏi. Nó có lẽ rất quan trọng, hay nó có lẽ không ý nghĩa gì cả. Vì vậy, tôi đang tự hỏi mình: trạng thái của bộ não sau khi đặt câu hỏi đó là gì?
T11: Sau khi lắng nghe câu hỏi – “Liệu bộ não nhỏ nhoi có thể phá vỡ sự tầm thường riêng của nó?” – trước hết điều gì đó nảy sinh trong bộ não của tôi là: tôi nghi ngờ nó, tôi ngờ vực liệu bộ não nhỏ nhoi có thể phá vỡ sự tầm thường riêng của nó.
K: Bộ não của bạn đang hành động.
T11: Sau đó nó đã nói, “Tôi không biết”.
K: Nhưng bạn vẫn còn đang nói một cái gì đó. Bộ não của bạn vẫn còn năng động, đang nói, “ Tôi không biết, tôi đang chờ”.
T11: Thưa ông, tại sao ông đã sử dụng những từ ngữ, “Bạn đang chờ”.
K: Đừng bận tâm. Bộ não của bạn năng động. Vì vậy, điều gì đang xảy ra ? Chỉ quan sát, thưa bạn. Một trong số họ đặt câu hỏi này cho tôi. Tôi nhận câu hỏi này như thế nào? Tôi diễn giải câu hỏi này như thế nào? Nếu tôi diễn giải câu hỏi, tôi không đang lắng nghe nó. Vì vậy, tôi có thực sự đang lắng nghe câu hỏi hay không? Hay là, khi câu hỏi được đặt ra, tôi lập tức trả lời một điều gì đó, mà trong trường hợp này tôi không đang lắng nghe gì cả? Nó là một truyền đạt bằng lời và tôi bỏ qua, lờ nó đi.
Vì vậy, tôi có lắng nghe không? Điều đó ngụ ý một chất lượng nào đó của yên lặng – một chuyển động không tư tưởng, một đang thấy không suy nghĩ. Trạng thái của bộ não bạn khi một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra là gì? Nếu bộ não bạn hoàn toàn năng động, vậy thì câu hỏi không có ý nghĩa. Tôi đang giải thích rõ ràng phải không?
Một người đặt câu hỏi đó cho tôi. Điều gì quan trọng là cách tôi nhận nó, không phải câu trả lời. Tôi lắng nghe rất cẩn thận. Câu hỏi là “Liệu bộ não chật hẹp, bị quy định có thể phá vỡ tình trạng bị quy định của nó?” Tôi đang lắng nghe câu hỏi. Tôi vẫn còn đang lắng nghe câu hỏi. Có phải tôi thực sự đang lắng nghe hay chỉ đang nói tôi đang lắng nghe? Nếu tôi thực sự đang lắng nghe, vậy thì không có chuyển động gì cả trong bộ não. Dĩ nhiên, có một đáp trả thuộc hệ thần kinh – đang nghe qua đôi tai, vân vân. Nhưng ngoại trừ sự truyền đạt bằng lời nói, không còn chuyển động nào khác. Tôi vẫn còn đang lắng nghe – đó là đang phá vỡ. Tôi không biết liệu bạn có hiểu rõ điều gì tôi đang nói hay không?
T1: Bởi vì bộ não không đang hoạt động.
K: Đừng diễn giải nó. Tôi không hiểu liệu tôi đang giải thích rõ ràng chưa – rằng chính trạng thái đang lắng nghe là trạng thái đang kết thúc một sự việc nào đó.
Vì vậy, điều đó đang xảy ra phải không? Nếu điều đó đang xảy ra cho bạn, vậy thì làm thế nào tôi, như một người giáo dục, sẽ làm cho những em học sinh kia, mà tôi có trách nhiệm, lắng nghe? Làm thế nào tôi sẽ giúp đỡ các em lắng nghe điều gì tôi phải nói?
T6: Có một khó khăn ở đây. Khi ông giải thích điều gì đó cho mọi người có mặt ở đây, điều đó có vẻ dễ dàng. Nhưng sáng mai …
K: Vậy thì bạn đã không nghe. Bạn đã nghe tiếng rít rít của một con rắn hổ mang, phải không? Lúc trước tôi nghe chúng rất thường xuyên khi tôi đi dạo một mình ở đây. Lúc trước tôi trông thấy chúng. Và bây giờ tôi biết một con rắn hổ mang. Thậm chí ngày mai, tôi sẽ biết một con rắn hổ mang. Đó là một sự kiện thực sự. Đúng chứ? Ở đây một loại nào đó của nhạy cảm, cảnh giác, tỉnh táo được cần đến.
Làm thế nào tôi, như một người giáo dục, sau khi đã nghe mọi việc này, sau khi đã thẩm thấu nó trong máu huyết của tôi – nó không phải tôi vừa nghe ông do đó tôi học được nó, không phải như thế – nhưng sau khi đã nghe mọi việc đó, làm thế nào tôi sẽ thấy rằng những em học sinh lắng nghe tôi? Bạn bắt buộc các em lắng nghe bạn trong môn toán học, một quyển sách, sinh học, lịch sử, vân vân.
Giả sử, tôi đến một lớp học và tôi nói, “Làm ơn hãy ngồi xuống và lắng nghe”. Các em đang nhìn ra ngoài cửa sổ, các em đang giật tóc nhau. Trong trạng thái cái trí đó, liệu các em có thể lắng nghe không? Hay là, có phải tôi nói rằng, “Hãy giữ im lặng trong mười phút”? Nhưng mười phút này đã trôi qua trong xung đột; bộ não đang nói, “Tôi phải lắng nghe, ông ấy là ai mà đang bảo tôi lắng nghe?” Và mọi chuyện như thế. Vì vậy, làm thế nào tôi thuyết phục, khiến những em học sinh lắng nghe?
Thưa bạn, làm thế nào bạn khiến … của bạn – tôi đang nói “những nạn nhân” – lắng nghe bạn? Làm thế nào một bác sĩ hay một nhà tâm thần học khiến một bệnh nhân lắng nghe ông ấy? Người bệnh luôn luôn lo lắng về việc được chữa trị khỏi bệnh. Người ấy có một chứng điên khùng, một căn bệnh đặc biệt, vân vân; người ấy muốn không bị bệnh nữa. Ở đây chuyện này không thể như vậy. Tất cả chúng ta đều bình đẳng; không có bác sĩ, không một ai chỉ bảo bạn. Chúng ta ở trong một trạng thái đang lắng nghe, đang tìm hiểu. Làm thế nào chúng ta thuyết phục một người lắng nghe một người khác? Hãy trả lời câu hỏi đó.
T5: Hoặc một trong hai cách này, thưa ông. Hoặc tôi chiều theo ý kiến của em, hoặc tôi ép buộc em.
K: Vâng, Tôi không muốn làm việc này hay việc kia – cưỡng bách, đấu tranh hay đánh đập em.
T5: Hoặc chiều theo.
K: Tất cả đều giống nhau. Tôi muốn các em lắng nghe để cho nó là thành phần trong máu huyết của các em. Vì vậy, bạn tiến tới như thế nào đây, thưa bạn?
T8: Tôi không cần lắng nghe các em? Lắng nghe điều gì các em phải nói hay sao?
K: Các em không nói nhiều đâu, thưa bạn. Các em đang cãi cọ, đang cằn nhằn, đang nói, “Đưa cho tôi cái này, cái kia” vân vân.
Vì vậy, tôi đang hỏi các bạn là những người giáo dục, “làm thế nào tôi khiến các em thực sự lắng nghe điều gì tôi phải nói đây?” Hãy xem thử chúng ta đã phải mất bao nhiều thời gian để lắng nghe lẫn nhau. Bạn sẵn lòng để lắng nghe, để tìm ra. Bạn nghĩ K có điều gì đó để nói ra, chúng ta đã mời ông ta đến đây. Do đó, có sự chuyển tải đang xảy ra rồi. Nhưng với những em học sinh kia điều đó khác hẳn. Các em bị ép buộc đến đây, phụ huynh các em ca ngợi Rishi Valley. Các em đến sau khi đã nuốt viên thuốc đắng, bọc đường bên ngoài, dĩ nhiên. Và vì vậy việc này tiếp tục. Ở đây, với bạn, việc này khác hẳn. Bạn không muốn làm một việc gì để thuyết phục các em. Điều đó tuyệt vời lắm. Hãy đặt câu hỏi đó cho chính mình và xem thử bạn có thể làm gì.
T9: Thưa ông, tôi nghĩa rằng chắc chắn chúng ta không thể trả lời câu hỏi này, và tuy nhiên có vẻ câu hỏi này là trọng tâm cho tất cả mọi điều chúng ta nhắm đến. Thực sự điều đó là một tóm tắt đầy giá trị của cuộc hội nghị.
K: Tôi hiểu điều gì bạn đang nói.
T1: Có lẽ ở đây chúng ta quay trở lại lúc ban đầu – rằng nó đòi hỏi một hành động mà là sáng tạo.
K: Bây giờ bạn đã nói nó. Hãy để nó ở đó. Hãy hiểu rõ nó. Sáng tạo đó không được sinh ra từ hiểu biết hay trải nghiệm cũ. Hãy nhớ điều đó. Nếu nó sử dụng hiểu biết, vậy thì nó trở thành sáng chế, chỉ là một phương pháp mới để làm cùng sự việc.
Chúng ta đang đưa ra một câu hỏi rất, rất nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng có lẽ tất cả chúng ta đều bị thông tin quá nhiều – về mọi thứ. Có lẽ chúng ta đã bị giáo dục dư thừa đến nỗi không còn không gian cho bất kỳ điều gì mới mẻ xảy ra; đầy những ký ức, những hồi tưởng. Tất cả việc đó có lẽ là một cản trở. Bây giờ, đừng hỏi, “làm thế nào tôi sẽ loại bỏ được nó?” Rồi thì chúng ta trở lại cùng sự việc.
Giả sử, bạn nói với tôi rằng tôi là một người nói dối. Và tôi đưa ra cho bạn tất cả những lý do tại sao tôi đã nói dối – mà là một sự nói dối khác. Tôi nghe từ ngữ “nói dối” và tôi phản ứng. Tôi nghĩ rằng tôi là một người thật thà. Tôi có lẽ không, nhưng tôi nghĩ tôi là một người như thế. Đó là hai sự việc khác biệt. Hay, tôi nghĩ tôi là một người thật thà và một biến cố xảy ra làm cho tôi thành gian dối. Cái khoảnh khắc phát giác đó – đang thấy rằng tôi là một người nói dối – thay đổi mọi thứ. Đó là quan điểm của tôi. Nó thay đổi tôi đến nỗi tôi không còn gian dối nữa. Tôi đã thử nghiệm điều này. Vì vậy, nó có thể được. Không, thậm chí tôi không thể nói điều đó.
Liệu tôi có thể lắng nghe bạn khi bạn đang nói với tôi rằng tôi là một người nói dối và không tuôn ra mọi lý do bào chữa hay không? Trong chính động thái lắng nghe đó, có một phá vỡ. Nếu tôi không là một người nói dối, vậy thì không có.
T3: Chắc chắn rằng nếu câu phát biểu là đúng sự thực, có một phá vỡ. Nếu tôi không là một người nói dối, vậy thì không có.
K: Không thưa bạn. Cái từ ngữ “nói dối” đã đủ cho tôi rồi. Bạn hiểu chứ? Bạn biết những lý do tại sao tôi đã nói dối: một chút xíu hèn nhát. Tôi đã nói dối bởi vì tôi không muốn họ phát giác việc này hay việc kia. Và khi bạn gọi tôi là một người nói dối, lúc đó tôi nhìn thấy cái sự kiện thực tế rằng đúng là như thế. Tôi không tìm hiểu tất cả những lý do tại sao tôi đã nói dối nữa. Và bạn nói với tôi, “Anh là vậy đó.” Và tôi lắng nghe bạn mà chẳng nói rằng bạn đúng hay sai, không dựng lên một rào chắn. Trong cái khoảnh khắc đó khi tôi đang lắng nghe mà không có những rào chắn, cái đó vận hành. Một điều gì đó xảy ra. Đó là hành động duy nhất, mà là không hành động.
T3: Nhưng chính câu phát biểu có lẽ không đúng.
K: Có lẽ không đúng. Nhưng hiểu ra rằng có một chút sự thật nào đó trong nó cũng đủ tốt cho tôi rồi.
Bây giờ, chúng ta ở đâu sau bốn ngày? Chúng ta có cùng nhau hay không? Bạn đã thẩm thấu cái gì? Và sự thẩm thấu đó có chung cho tất cả chúng ta, hay chúng ta đang cố gắng thống nhất tất cả những ngôi trường – chỉ là những thành phần – đang cố gắng đưa chúng vào cùng nhau, phải không? Mà có nghĩa rằng chúng sẽ luôn luôn tách rời. Hay có một cảm thấy rằng tất cả chúng ta là một, để cho sự giáo dục của chúng ta không bị đặt nền tảng trên những quy định của người Mỹ, người Ấn Độ, hay người Anh?
Vì vậy, chúng ta thuần túy là một thân thể để cung cấp những đòi hỏi, phải không? Hay chúng ta sẽ tạo ra một chất lượng con người khác hẳn, một hoạt động con người khác hẳn ở bộ não? Chúng ta đoàn kết trong điều này phải không? Chúng ta cùng nhau trong điều này phải không? Chúng ta cùng nhau để cho không điều gì có thể phá vỡ chúng ta phải không?
Từ đó, một hành động hoàn toàn khác hẳn có thể xảy ra.
[2] Lấy từ www.tchl.freeweb.hu [663Later-and Unpublished Texst]
[3] Lấy từ www.tchl.freeweb.hu [663Later-and Unpublished Texst]
[4] Lấy từ www.tchl.freeweb.hu [663Later - and Unpublished Texst]
[5] Lấy từ: The Future Is Now – London Victor Gollancz 1988.