Bão Katrina, đổ nát Hoa Kỳ Bão khởi động và hoành hành cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2005, Mặc Giang Cơn bão Katrina Xuất phát Florida Lan tới Louisiana Tràn ngập Alabama Kéo tới Mississippi Làm cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Chấn động, kinh hoàng, nát tan, nghiêng ngửa Những cao tầng, cao ốc, còn đổ tuông, huống gì nhà cửa Những phố sá, công viên, còn cuốn sóng, huống chi con người Nhìn nhau, tiếng khóc hết cười Ngó nhau, ngậm ngùi nước mắt Hỡi trời đất, đòi hỏi chi quá đắt ! Sức con người, phải trả những tang thương Chỉ còn đây, tan nát những thê lương Biển trào lộng vẫn ầm ầm dậy sóng Bão vẫn càn, vẫn quét. Ôi cuồng phong khởi động ! Nước vẫn xoáy, vẫn trôi. Ôi chìm nổi, điêu linh ! Cuộc sống và khổ đau, phải hứng chịu tuyệt tình ! Người sống và người chết, phải lặng câm, nín thở ! Biển hỡi biển, vẫn thì thầm muôn thuở Bão hỡi bão, vẫn trào lộng phong ba Hết Ấn Độ Dương, lại đến Đại Tây Dương, Katrina Đông và Tây, năm nào cũng tan nát Hàng trăm người, chôn vào lòng biển, chết ngạt Hàng ngàn người, sống trên đổ nát, chết tươi Còn đâu câu nói tiếng cười Một cơn bão táp, trả mười tang thương Còn đâu nào phố nào phường Một cơn biển động, hết phương, kêu trời Còn đâu sống giữa cuộc đời Một cơn sóng vỗ, hết lời nỉ non Nhìn trông, kinh ngạc, bàng hoàng Bão ơi, ngưng lại có còn hơn không Nhìn trông, nát ruột, tan lòng Biển ơi ngưng động, khơi dòng kêu thương Đông phương rồi lại Tây phương Đừng gieo tang tóc thê lương nữa trời Trần gian khổ lắm người ơi !!! Mặc Giang, ngày 01-9-05. |
Đường phố New Orleans ngập lụt hôm 29-8-2005.
Chiếc cầu trên Xa Lộ I-90 bắc ngang qua Vịnh St. Louis tại thị trấn Pass Christian, Mississippi đã bị phá hủy, do bão bóc lên từng lớp sắt và bê tông. |
NEW ORLEANS -- Bà Kathleen Blanco, Thống Đốc Louisiana, hạ lệnh di tản toàn bộ thành phố New Orleans, và yêu cầu giải tỏa sân vận động mái che Superdome trong 2 ngày - nhưng, chưa biết dân di tản sẽ đi đâu.
Công binh đang ra sức sửa chữa 2 đường đê chắn, không còn thì giờ để đếm xác chết, trong khi nước lụt màu nước trà tiếp tục dâng.
Để giữ đê bao quanh hồ Pontchartrain, trực thăng thả 3,000 bao cát và xe cần cẩu đưa tới những tấm bê-tông dài 15 feet.
Tướng công binh Don Riley cho biết các viên chức muốn tìm kiếm 1 tàu đò để trám vào chỗ đê sụp - ông ước lượng phải mất 1 tháng để rút hết nước lụt của thành phố New Orleans.
Giám đốc nội an Terry Ebbert báo trước rằng nếu nước ngập dâng vài feet nữa, hệ thống nước máy sẽ bị phá hủy.
Trực thăng quan sát cho biết nạn nhân bão lụt rút lên mái nhà, chịu đựng nắng cháy da trong lúc chờ xuồng máy tới cứu.
Thống Đốc Barbour của tiểu bang Mississippi tuyên bố sau chuyến quan sát bằng trực thăng rằng cảnh điêu tàn không khác Hiroshima 60 năm trước.
Phó Thống Đốc Mitch Landrieu cho biết khoảng 3,000 người được trực thăng và xuồng máy tiếp cứu - 1 số là người ngồi xe lăn hay đang bế con.
Tệ nạn hôi của phát sinh khiến cho nhà chức trach New Orleans phải huy động 1 thiết vận xa và khoảng 70 nhân viên an ninh - 1 cảnh sát bị quân lưu manh bắn, nhưng thương tich không đe dọa tính mạng.
Hàng chục côn đồ phá cổng trên đường Canal để cướp nữ trang và quần áo. Ở thị trấn Biloxi (Missisippi), kẻ gian chiếm đoạt tiền kim loại ở những máy kéo số của sòng bài, và trộm đồ tại cac cơ sở thương mại khác. Trong 1 số trường hợp, hành động hôi của diễn ra công khai trước mắt cảnh sát và vệ binh quốc gia.
Cac viên chức nói rằng còn quá sớm để đưa ra ước lượng về số tử vong - chỉ 1 county của tiểu bang Mississippi thiệt hại ít nhất 100 người chết - quận Jackson báo cáo sổ tử vong ít nhất là 10. Số tử vong của quận Harrison gồm 5, 6 cư dân của chúng cư nhìn ra biển bị sập dưới sức mạnh của sóng biển cao 25 feet khi bão tràn tới với sức gió 145 dặm/giờ.
Bà Thống Đốc Blanco hô hào dành ngày Thứ Tư cho việc cầu nguyện - bà nói : chúng ta sẽ tái thiết từ từ.
Hơn 1 triệu người không có điện ở 3 tiểu bang Louisiana, Mississippi và Alabama - 1 số không có nước sạch để uống.
Các đơn vị cứu thương khắp nước được phái tới vùng bão lụt và TT Bush đã vội vã trở về Bạch Oác để xem xét tình hình.
Thành phố New Orleans dân số 480,000 không có nước máy và điện chỉ có thể tái lập sau nhiều tuần.
Thị Trưởng Ray Nagin nói, “Chúng ta biết có nhiều xác chết chìm dưới mặt nước và có người chết ở nóc gác xép.”
Được hỏi người chết ước chừng bao nhiêu, ông nói, “Tối thiểu, vài trăm. Nhưng hầu như phải là, vài ngàn.”
Cơ quan khẩn cấp dự định đưa dân di tản tới ở tạm tại các nhà ngủ nổi.
Sân vận động mái che Superdome tiếp nhận 20,000 người không còn an toàn, không còn điện và điều hòa không khí.
Nhà vệ sinh hư hỏng và cac thùng rác đầy tràn khiến cho điều kiện vệ sinh không thể bảo đảm được.
Hình ảnh thiệt hại ở Alabama có vẻ thảm hại hơn sau bão Ivan: những nền nhà trơ ra sau khi nhà cửa bị san bằng, 1 con tàu đánh tôm lật nghiêng.
Ở Biloxi, những nơi không ngập thì bao phủ bằng cây đổ và cột điện và cac thứ vật liệu xây dựng.
Ít nhất 3 sòng bài nổi bị sóng biển đưa vào đất liền cách bờ khoảng 200 feet. Cảnh chết chóc tang thương nhất có lẽ là chúng cư Quiet Water Beach của thị trấn Biloxi có ước lượng 30 người bị nước biển cuốn đi mất - tất cả những gì còn lại của tòa nhà gạch đỏ là những mảng tường bê-tông.
Katrina: Kiểm điểm tổn thất
Nguyễn Xuân Nghĩa
- Điều bất ngờ và kinh hoàng nhất trong vụ thiên tai Katrina này là… thông tin bị gián đoạn.
Trận bão đã phá tung hệ thống liên lạc của một quốc gia thuộc loại tiến bộ nhất địa cầu nên hai ngày sau thiên tai, người ta vẫn chưa lượng định hết những tổn thất về nhân mạng hay tài sản. Điều ấy được phản ảnh qua lời tuyên bố của Thị trưởng New Orleans Ray Nagin, trưa Thứ Tư 31, rằng số tử vong tại đây có thể lên tới nhiều trăm, thậm chí nhiều ngàn. Vì vậy, mọi ước lượng về mức độ tổn thất chỉ có thể là sơ khởi, và thay đổi hàng giờ.
Những câu hỏi chưa có giải đáp:
Tình trạng vận chuyển trên sông Mississippi ra sao?
Sự thiệt hại và khả dụng của các giang cảng và hải cảng trong vùng bị nạn?
Hải cảng quan trọng nhất, có thể đón các tầu dầu khổng lồ, là Louisiania Offshore Oil Port có còn dùng được không?
Điện nước không có, làm sao gửi người đến kiểm tra thiệt hại, sửa chữa và điều khiển các cơ sở sản xuất tại chỗ?
Tình hình gặt hái mễ cốc và thu hoạch nông phẩm bị trở ngại đến chừng nào? Liệu các vùng bị nạn sẽ bị tê liệt sinh hoạt và sản xuất trong bao lâu (mấy tuần hay mấy tháng?)
Về tổn thất tại New orleans, cho đến trưa Thứ Tư, người ta ước tính được là:
-- 78 .000 dân đang sống trong các trại tạm trú quanh vùng bị nạn;
-- khoảng 85% diện tích của New Orleans bị ngập nước (trộn với dầu nhớt, rác, xác chết), dưới trời nóng hơn 90 độ F (32 độ C);
-- ngoại trừ một con đường, mọi ngả giao thông với hay từ New Orleans đều bị cắt, kể cả đường hỏa xa;
-- Công binh giới hạn việc dùng phà vào New Orleans riêng cho công tác tiếp tế và cứu trợ;
-- Việc dùng phà chở hàng trên sông Mississippi bị gián đoạn, nhân viên cứu trợ phải dùng đường bộ để liên lạc với hai tiểu bang Texas và Florida, nhưng xa lộ xuyên bang số 10 bị hư hại trên nhiều đoạn nên cản trở việc phân phối lương thực và thuốc men;
-- dân cư được lệnh di tản khỏi New Orleans nhưng chưa biết qua ngả nào, thành phố hơn nửa triệu dân này coi như sẽ ngưng hoạt động trong nhiều tuần, có khi nhiều tháng;
-- tại đây, nước không tràn thêm vào thành phố nhưng chưa rút, và cản trở việc cứu trợ và kiểm tra thiệt hại;
-- khoảng 23 ngàn người đang tạm trú trong vận động trường Superdome của New Orleans sẽ được chuyển qua Astrodome của Houston (có sức chứa là 27 ngàn), bằng đường bộ;
Ngoài khu vực New Orleans, sau đây là ước lượng về tổn thất liên hệ đến năng lượng:
-- 20 dàn khoan dầu đã bị mất tích hoặc mất liên lạc ngoài Vịnh Mexico;
-- trong số 11 nhà máy lọc dầu bị đóng từ khi trận bão sắp ập tới, mới chỉ có một nhà máy hoạt động lại: sản lượng dầu lọc coi như thiếu mất một triệu 300 ngàn thùng mỗi ngày;
-- tình trạng mất điện đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của gần ba triệu người;
-- mà không có điện khí là các ống dẫn dầu hay phân phối xăng cũng bị gián đoạn;
-- toàn vùng Vịnh Mexico bị mất mỗi ngày 1,4 triệu thùng dầu thô và 8,8 tỷ thước khối khí đốt - tương đương với 95% nhật lượng dầu thô và 90% nhật lượng khí đốt bình thường;
-- tình trạng này có thể kéo dài và tùy thuộc vào khả năng kiểm tra và sửa chữa của nhân viên, mà nhân viên hữu trách thì chưa thể đến tận hiện trường;
Từ Texas trở về thủ đô, Tổng thống Bush đã thị sát hiện trường từ trên máy bay trước khi họp khẩn với các bộ hữu trách trong nội các; sau đây là quyết định của chính phủ:
-- ba ưu tiên là 1) cứu sống, 2) cứu trợ và 3) phục hồi (phải mất vài năm);
-- số nhân viên công lực tham gia việc cấp cứu là 11 ngàn vệ binh, 1.700 xe vận tải, 5,4 triệu khẩu phần thực phẩm ăn liền, 15,4 triệu lít nước, 144 máy phát điện và 135 ngàn chăn đắp;
-- ngoài hàng không mẫu hạm Harry S. Truman, chiến hạm USS Bataan và tầu đổ bộ Whidbey Island, Hải quân Mỹ biệt phái thêm bốn chiến hạm từ căn cứ Norfolk tại Virginia qua Vịnh Mexico để yểm trợ việc cấp cứu, nhiều khinh tốc đỉnh từ California cũng được lệnh tham dự;
-- kho Dự trữ Chiến lược được phép xuất dầu cho vay, để kịp thời chế biến thành xăng dầu cho nhu cầu của thị trường;
-- luật lệ bảo vệ môi sinh được tạm hoãn để cho phép sử dụng nhiều loại xăng pha dưới tiêu chuẩn trong các tiểu bang bị nạn.
Trong khi ấy, chính trị vẫn cứng đầu:
-- Robert Kennedy Jr. (thuộc đảng Dân chủ, con trai của Robert Kennedy, cháu của John Kennedy) tố cáo: Tổng thống Bush và Thống đốc Haley Barbour của tiểu bang Mississippi có trách nhiệm vì vụ Katrina, vì chống lại Nghị định thư Kyoto về hiện tượng nhiệt hóa địa cầu;
-- Cindy Sheehan tố cáo là nhân lực đáng lẽ góp phần cứu trợ tại ba tiểu bang bị nạn lại đang bận ở Iraq;
-- Chính quyền Iran chính thức phân ưu cùng Hoa Kỳ về thiên tai Katrina (năm 2003, khi xứ Hồi giáo này bị động đất, Hoa Kỳ đã chia buồn và gửi phẩm vật cứu trợ nhưng Tehran từ chối không cho phái đoàn Mỹ - gồm Nghị sĩ Elizabeth Dole và một người trong gia đình Bush - được vào Iran);
-- cánh hữu đảng Cộng hòa thì nêu câu hỏi: "khi thế giới bị thiên tai, Hoa Kỳ có chia buồn và góp phần cứu trợ, lần này, nước Mỹ bị nạn thì chưa thấy xứ nào lên tiếng!"
-- các chính trị gia (và giới dân cử trong Quốc hội trở về làm việc vào tuần tới) sẽ tranh luận gay gắt về chánh sách năng lượng và nhất là việc đào dầu tại Alaska, phe nào cũng tìm thấy lý lẽ bênh vực quan điểm của mình!
Kết luận: thiên tai khiến dân than khóc nhưng chẳng bịt miệng được các chính khách!
T Bush Bay Phi Cơ Thị Sát: Điêu Tàn, Không Tin Nổi WASHINGTON -- Trái với tin dự báo từ Bạch Oác, ngay hôm Thứ Tư TT Bush đã quan sát vùng thiên tai từ không trung. Trên đường từ Texas trở về thủ đô, ông đã lệnh cho lái chiếc Air Force One bay qua New Orleans ở cao độ 2500 feet, và bay qua Mississippi ở cao độ 1700 feet. Phản lực cơ của TT bay phía trên sân vận động mái che Superdome và trung tâm thành phố, lượng theo bờ Vịnh Mexico đến không phận Mobile trước khi rẽ sang hướng bắc để về Washington. Tham vụ báo chí Scott McClellan thuật lại lời mô tả của TT là cảnh tàn phá quá rộng lớn, thiệt hại thực tế có thể nặng nề gấp đôi hình ảnh nhìn từ phi cơ - ông nói "Nhìn cảnh tàn phá, có thể phải lắc đầu không muốn tin vào đôi mắt của mình". TT Bush quyết định rút ngắn thời gian nghỉ hè tại nông trại gia đình để trở lại Bạch Oác xem xét nhu cầu tài trợ đáp ứng cac hậu quả của bão Katrina. Ông dự định họp đơn vị đặc nhiệm liên bộ để phối hợp cac nỗ lực cứu trợ. Trong lễ kỉ niệm ngày chấm dứt Thế Chiến 2 ở nam California, ông cho biết cac cấp chính quyền từ địa phương, tiểu bang và lien bang đang phối hợp hành động, và cư dân cac vùng thiên tai nên kiên nhẫn. Ông nói "Đây là thời gian thử thách - ai cung nóng lòng muốn trở về nhà, nhưng lúc này là không thể được". Bạch Oác cho biết chiều Thứ Tư TT Bush mở hội nghị bằng truyền hình video với cac viên chức lãnh đạo cac Bộ nội an, quốc phòng, y tế, năng lượng và cac cơ quan liên hệ. |
Tin Vắn Hậu Bão Lụt
Qua ngày thứ 2 của chiến dịch cứu trợ khẩn cấp đồng bào VN tị nạn bão lụt Katrina, khoảng 40 tình nguyện viên làm việc không ngừng nghỉ giúp đỡ hơn 700 người tị nạn đến được Houston, mang đến các dịch vụ cần thiết như tìm chỗ tạm cư liên lạc thân nhân, thuốc men Hội đồng thành phố họp khẩn với truyền thông báo chí và các hội đoàn địa phương để tìm phương cách phối hợp cứu trợ nạn nhân bão lụt Katrina. Trong số các người tị nạn, ngoài nạn nhân gốc Việt, có các nạn nhân người Hoa và người Nam Á như Ấn, Hồi, cũng chạy về Houston. Trong hình bên phải Gordon Quan, nghị viên thành phố Houston. Thứ 2 từ phải, bà Vũ Thanh Thủy, Giám đốc Saigon Houston Radio 900 AM. (ãnh Việt Báo. Xem thêm Tin Cộng Đồng)
SÂN ASTRODOME Ở HOUSTON SẼ NHẬN NGƯỜI DI TẢN
Sân vận động mái che Astrodom của thành phố Houston có thể tiếp nhận 25,000 người di tản tránh bão Katrina. Nhà chức trach Houston cho biết kế hoạch này đang được bàn với các viên chức tiểu bang Louisiana - đa số dân di tản được xe bus chở tới Astrodome xuất phát từ sân vận động mái che Superdome ở New Orleans. Kế hoạch có thể quyết định xong sau buổi họp sáng Thứ Tư.
1 SỐ TÙ NHÂN PHẢI DI TẢN TẠM TỚI XA LỘ
Nước lụt dâng đều ở đại lộ chính phân chia khu thương mại của thành phố và phố Pháp trong ngày hôm Thứ Ba - Thị Tưởng Ray Nagin loan báo 80% thành phố chìm dưới nước mưa sau bão - vài nơi, nước ngập dâng cao đến 20 feet.
Từ 1 nhà giam bị ngập, 1 số tù nhân tạm di tản tới 1 đoạn xa lộ - họ ngồi dưới nắng, bao quanh bởi nhân viên an ninh có vũ trang.
BÃO KATRINA LÀM TRÓC MÁI KHÁCH SẠN Ở HELEN (GEORGIA)
Thị trấn Helen trong vùng tây bắc tiểu bang Georgia hứng chịu ảnh hưởng của trận bão Katrina.
Giữa thị trấn nổi tiếng về kiến truc truyền thống của tiểu bang Bavaria (Đức), cuồng phong lột mái của khach sạn Econo.
Khoảng 30 người di tản, gồm 2 vợ chồng đã rời New Orleans trước khi bão Katrina tràn tới.
ĐỨC GIÁO HOÀNG CẦU NGUYỆN CHO NẠN NHÂN CỦA BÃO KATRINA
VATICAN - Vị lãnh đạo giáo hội catholic cho biết ngài cầu nguyện cho nạn nhân bão lụt vùng Vịnh Mexico tại Hoa Kỳ và kêu gọi cac lực lượng cứu nạn đem lại sự an ủi cho cac nan nhân sống sót.
Trong công điện từ tòa thánh, đức giáo hoàng Benedict thứ 16 viết rằng ngài chia buồn với các gia đình của nạn nhân.
Source: www.vietbao.com& www.yahoo.com
---o0o---