SỐNG ĐẸP GIỮA DÒNG ĐỜI
Nguyên Minh
Nguyên Minh
CHƯƠNG II: SỐNG ĐẸP VỚI CHÍNH MÌNH
1. Giữ gìn và rèn luyện sức khỏe
Không có quyển sách nào nói về một nếp sống hạnh phúc mà lại không đề cập đến việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ. Nói cách khác, đây là một nguyên tắc đã xưa cũ lắm rồi. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là nó không còn đúng đắn. Hơn thế nữa, khi đề cập đến nguyên tắc xưa cũ này, chúng ta hãy thử nhìn nhận nó bằng một nhận thức khác hơn đôi chút.Trước đây, chúng ta vẫn thường cho rằng việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là vì lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta luôn dễ dàng thấy được những lợi ích này mà không cần thiết phải có ai chỉ ra cặn kẽ, bởi vì những điều đó bao giờ cũng thể hiện rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ít khi nghĩ rằng phải giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ như một trách nhiệm, một nghĩa vụ đối với chính bản thân mình. Nhận thức theo cách này, chúng ta sẽ thấy vấn đề thay đổi đi trong một số tình huống.
Vì sao nói rằng việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là một trách nhiệm đối với chính bản thân mình? Bởi vì quả thật chúng ta không thể nào vui sống được nếu bản thân chúng ta không được khoẻ khoắn, lành mạnh và ở trong những điều kiện sức khoẻ tốt. Và nếu điều đó rõ ràng là nền tảng cơ bản để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho ta, tại sao chúng ta lại không có trách nhiệm phải giữ gìn, bảo vệ nó?
Khi chúng ta cần một người giúp việc, chúng ta luôn quan tâm đến các điều kiện làm việc của người ấy. Công ty chăm lo sức khoẻ cho công nhân, các ông chủ chia một phần lợi nhuận để bồi dưỡng thêm cho những người có đóng góp tích cực vào công việc... những điều đó đều là dấu hiệu của một nhận thức đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm. Thậm chí luật lao động hiện nay đã đưa ra những điều kiện nhất định bắt buộc các chủ thuê phải thực hiện về việc chăm sóc sức khoẻ và đời sống cho công nhân. Hơn thế nữa, hiệu quả của nhận thức này trong việc nâng cao thêm năng suất làm việc có lẽ chúng ta cũng dễ dàng đồng ý.
Thế nhưng với chính bản thân mình thì chúng ta lại rất thường không xem đó là một vấn đề trách nhiệm. Vì không là trách nhiệm, nên nhiều người chỉ xem việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là việc nên làm, thay vì là bắt buộc phải làm. Giữa hai cách nhận thức này rõ ràng là có sự khác biệt.
Thử liên tưởng đến việc giáo dục nâng cao dân trí hay xoá nạn mù chữ. Nếu chúng ta chỉ mãi mãi hô hào, vận động đó là việc “nên làm”, liệu chúng ta có được một nước Việt như ngày hôm nay chăng? Bằng mọi biện pháp, chúng ta đã hướng nhận thức vấn đề đến chỗ “bắt buộc phải làm”, và nhờ đó mà có được sự chuyển mình kỳ diệu nhanh chóng của toàn xã hội. Không chỉ riêng ở nước ta, chính sách cưỡng bức giáo dục được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới cũng đều mang lại những kết quả tốt đẹp mà không mấy ai phải phàn nàn.
Đôi khi tôi tự nghĩ, tại sao chúng ta không thể có những chính sách tương tự cho việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ? Xét cho cùng thì sức khoẻ của mỗi cá nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên một đất nước hùng cường. Chẳng hạn, chúng ta hô hào, vận động tập thể dục, nhưng không bắt buộc. Chúng ta tuyên truyền bỏ thuốc lá, nhưng không cấm thuốc lá... Rõ ràng là về mặt nhận thức, chúng ta mới chỉ xem đó là những điều “nên làm” chứ chưa là điều “bắt buộc phải làm”.
Tuy nhiên, đó là chuyện chung của toàn xã hội, không phải phạm vi bàn luận trong tập sách này. Vấn đề là ở chỗ, nếu chúng ta thực sự muốn trở thành người sống đẹp, đồng thời cũng có nghĩa là muốn có một cuộc sống hạnh phúc, thì tự thân chúng ta phải thay đổi nhận thức này trước đã. Hãy xem việc giữ gìn và rèn luyện sức khoẻ là một trách nhiệm phải làm, thay vì chỉ là một việc nên làm.
Là một “động vật bậc cao” có ý chí, con người có khả năng nhận thức đầy đủ và điều chỉnh được mọi hành vi của bản thân mình. Điều này là một lợi thế, nhưng nếu chúng ta không có một nhận thức đúng đắn, cũng rất dễ sa vào chỗ đi ngược lại các bản năng tự nhiên. Chúng ta thường dễ nhìn thấy những lợi ích trước mắt của sự làm việc quá độ, mà không nhìn xa hơn đến sự bất lợi của một sức khoẻ bị hao mòn.
Khi chúng ta buộc những người khác làm việc quá sức vì mình, chúng ta sẽ bị chỉ trích, phê phán hoặc thậm chí phản đối. Nhưng khi chúng ta tự vắt kiệt sức lực của bản thân, chúng ta không chịu lắng nghe sự phản đối của chính mình. Chúng ta đối xử đẹp với mọi người, nhưng lại không sống đẹp với chính mình.
Nếu bạn là người không mắc phải những sai lầm loại này, tôi thành thật chúc mừng bạn. Nhưng rất nhiều, rất nhiều người mà tôi quen biết đều thường xuyên hoặc thỉnh thoảng có sai lầm như thế.
Ngay trong ngày hôm nay, hãy nghĩ lại xem bạn đã sống đẹp với chính mình về khía cạnh này hay chưa? Và nếu như cần phải thay đổi, tôi tin là bạn thừa biết sẽ phải làm gì.
Gửi ý kiến của bạn